…Có thể nói, cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi không có gì bất lợi và bất tiện. Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã dạy : “Đó là kinh dành cho mọi hạng người không phân biệt , dù là giáo dân, tu sĩ, linh mục hay giám mục, dù là những con người đạo đức thánh thiện hay những con người yếu đuối tội lỗi, dù là những bậc trí thức uyên thâm hay những con người bình dân ít học.
Kinh Mân Côi là lời kinh dễ đọc, dễ dùng, nhưng có tác dụng rất thực tế và rất sâu. Trước hết, xét về số lượng lời kinh, đọc ít cũng được, đọc nhiều cũng được. Có người chỉ đọc mười kinh, có người đọc những 150 kinh. Đọc ở nhà cũng được, khi đi đường cũng được. Lúc nằm ngủ cũng được, khi thức dậy cũng được. Khi mệt nhọc cũng được, lúc khoẻ khoắn cũng đuợc.
Mức độ cơ bản nhất của việc đọc kinh Mân Côi là tay cầm tràng hạt mà lòng nghĩ tới Chúa, nghĩ tới Đức Mẹ. Nhờ kinh Mân Côi, chúng ta tiếp xúc với Mẹ Maria, với Chúa Giê-su. Có khi chỉ là một tiếp xúc rất sơ đẳng, sự tiếp xúc của lòng muốn. Có những con người rất yếu đuối và hay chia trí, đầu óc bị chi phối bởi trăm công nghìn việc, cầm tràng hạt với thiện chí muốn gặp Chúa. Có những con người rất cao siêu thanh thoát, tay cầm tràng hạt mà tâm hồn say sưa ngay ngất kết hiệp với Chúa. Đối với những tâm hồn đạo đức thánh thiện, các kinh kính mừng là những nốt nhạc đệm cho bài tình ca của linh hồn.
Kinh Mân Côi còn quý giá về một phương diện khác nữa, đó là bản tóm lược sách Tin Mừng. Những người Kitô hữu đích thực phải là những con người thấm nhuần Tin Mừng. Lần hạt Mân Côi là một cách rất thực tế, rất phù hợp với tâm thể lý của con người, giúp cho việc từ từ thấm nhuần các chân lý Phúc Âm, các mầu nhiệm trong Lịch Sử Cứu Độ.”
Lần chuỗi Mân Côi là đọc lại lời kinh Chúa Giêsu dạy (Lạy Cha), lập lại lời chào của thiên thần (Kinh Mừng) liên lĩ, nên lời kinh không khuyếm khuyết này, theo Tông thư Kinh Mân Côi, “là một phương tiện hữu hiệu nhất để cổ võ các tín hữu dấn thân chiêm niệm mầu nhiệm Kitô giáo…” (số 5) ; là cách thế “đã được các vị tiền nhiệm của tôi và chính tôi (ĐTC Gioan Phaolô II) nhiều lần đề nghị như một lời kinh cầu cho hoà bình… là một trợ giúp hữu hiệu chống lại những tác động huỹ hoại của cơn khủng hoảng đặc trưng (của gia đình) trong thời đại chúng ta.” (số 6) ; “Kinh Mân Côi cũng là và luôn luôn là lời kinh của gia đình và cho gia đình. Lời kinh này đã một thời hết sức thân thiết với các gia đình Kitô giáo và hẳn đã làm cho các gia đình xích lại gần nhau… Gia đình mà cầu nguyện chung thì ở chung với nhau…:” (số 41) Đó là lý do “Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi cho con cái và hơn thế nữa, với con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết dừng lại mỗi ngày để cầu nguyện…là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá.” (số 42)
Ý thức sự kỳ diệu của của Kinh Mân Côi, Bạn và tôi, chúng ta cùng làm cho lời kêu gọi của vị giáo hoàng vĩ đại “không rơi vào quên lãng!”, “Hãy cầm lấy lại Chuỗi Mân Côi với lòng tin tưởng. Hãy tái khám phá Kinh mân côi dưới ánh sáng của Kinh Thánh, trong sự hài hoà với Phụng vụ và trong bối cảnh của đời sống hằng ngày của anh chị em.” (Tông thư Kinh Mân Côi, số 43)
…
Chúng ta hãy cùng cầu nguyện bằng lời kinh của Chân phước Bartolo Longo vị tông đồ của Kinh Mân Côi, lời kinh mà ĐTC Gioan Phaolô coi như của ngài để kết thúc Tông Thư Kinh Mân Côi : “Ôi tràng hạt Mân Côi của Đức Ma-ri-a, sợi dây êm ái nối kết chúng tôi với Thiên Chúa, mối ràng buộc chúng tôi với các thiên thần, đồn lũy ơn cứu độ chống lại các cuộc tấn công của Hoả ngục, bờ bến an toàn tránh khỏi đắm chìm đồng loạt, chúng tôi không bao giờ từ bỏ bạn. Bạn là nguồn an ủi chúng tôi trong giờ lâm tử : nụ hôn cuối cùng của chúng tôi dành cho bạn khi từ giã cõi đời. Và lời nói cuối cùng thốt lên từ môi miệng chúng con sẽ là danh dịu êm của Mẹ, ôi Nữ Vương Mân côi ở Pompei, lạy Mẹ rất dấu yêu, Nơi trú ẩn của những người tội lỗi, ôi Đấng an ủi tuyệt hảo của kẻ ưu phiền. Nguyện Mẹ được chúc phúc ở mọi nơi, hôm nay và mãi mãi, dưới trần gian và trên các tầng trời.” Amen.