Ads 468x60px

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2023

DÂNG LỄ ĐẸP LÒNG CHÚA


Trích khảo luận Chống lạc giáo của thánh I-rê-nê, giám mục :
“Hiến lễ của Hội Thánh mà Chúa dạy chúng ta phải dâng trên toàn thế giới được coi là hy lễ tinh tuyền trước nhan Thiên Chúa và được Người chấp nhận. Không phải Thiên Chúa cần chúng ta dâng hy lễ, nhưng vì ai dâng của lễ thì chính người đó được vinh dự qua của lễ mình dâng, nếu của lễ đó được chấp nhận.
Quả vậy, nhờ của lễ mà người ta bày tỏ lòng kính

trọng và mến yêu đối với một vị vua. Đó là điều Chúa đã giảng dạy, khi muốn chúng ta dâng của lễ với tất cả lòng đơn sơ trong trắng : Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Chúng ta phải dâng cho Thiên Chúa những của đầu mùa trong các loài Chúa đã dựng nên, như ông Mô-sê nói : Ngươi không được đến tay không trước nhan Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Như vậy, khi bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa vì những ơn Người ban, con người được nên đẹp lòng Thiên Chúa và được Người ban cho vinh dự…
Vì thế, chúng ta phải dâng hiến lễ lên Thiên Chúa, và trong mọi sự, phải đem lòng biết ơn đối với Đấng Hoá Công là Thiên Chúa mà dâng lên Người các của đầu mùa trong các loài thụ tạo Người đã dựng nên, ý hướng phải trong sạch, lòng tin chân thành, lòng cậy bền vững, và lòng mến thiết tha. Chỉ Hội Thánh mới hiến dâng lễ vật tinh tuyền này lên Đấng Hoá Công, khi đem lòng tri ân mà dâng lên Người hiến lễ lấy từ trong những gì Người đã dựng nên.”
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

ĐAVÍT THA MẠNG KẺ TÌM GIẾT MÌNH


“Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, 1Sm 24,3-
3 Hôm đó, vua Sa-un lấy trong toàn thể Ít-ra-en ba ngàn quân tinh nhuệ, và lên đường để tìm bắt ông Đa-vít và người của ông, ở phía đông các Mỏm Đá Sơn Dương. 4 Vua đến các bãi quây chiên dê bên đường. Ở đó có một cái hang và vua Sa-un vào đó để đi việc cần. Ông Đa-vít và người của ông đang ngồi ở cuối hang. 5 Người của ông Đa-vít nói với ông : “Đây là ngày Đức Chúa phán với ông : ‘Này ta trao kẻ thù của ngươi vào tay ngươi, ngươi sẽ đối xử với nó thế nào tuỳ ý.’” Ông Đa-vít đứng dậy và cắt vạt áo khoác của vua Sa-un. 6 Sau đó, ông Đa-vít áy náy trong lòng vì đã cắt vạt áo của vua Sa-un. 7 Ông bảo người của ông : “Xin Đức Chúa đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong, đó là xin Đức Chúa đừng để tôi tra tay hại vua, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.” 8 Nhờ những lời ấy, ông Đa-vít đã ngăn chặn người của ông, không để cho họ xông vào vua Sa-un.
Vua Sa-un đứng lên, ra khỏi hang và lên đường. 9 Sau đó, ông Đa-vít cũng đứng lên, ra khỏi hang và kêu đằng sau vua Sa-un rằng : “Thưa đức vua là chúa thượng con !” Vua Sa-un ngoái lại đằng sau. Ông Đa-vít sấp mặt sát đất mà lạy. 10 Ông Đa-vít nói với vua Sa-un : “Tại sao cha lại nghe lời người ta nói rằng Đa-vít đang tìm cách hại cha ? 11 Hôm nay đây, chính mắt cha thấy Đức Chúa đã trao cha vào tay con, hôm nay, trong hang ; người ta nói đến chuyện giết cha, nhưng con đã thương hại cha và nói : ‘Tôi sẽ không tra tay hại chúa thượng tôi, vì người là đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong.’ 12 Thưa cha, xin nhìn xem, vâng, xin nhìn xem vạt áo choàng của cha trong tay con. Vì con đã cắt áo choàng của cha và không giết cha, thì xin cha biết và thấy cho rằng tay con không làm điều ác, điều lỗi, và con đã không phạm tội hại cha, trong khi cha mưu toan lấy mạng sống con. 13 Xin Đức Chúa phân xử giữa con và cha, và xin Đức Chúa phạt cha để trả thù cho con, nhưng tay con sẽ không đụng đến cha. 14 Như tục ngữ người xưa có nói : ‘Điều ác từ kẻ ác mà ra’, nên tay con sẽ không đụng đến cha. 15 Đức vua Ít-ra-en đã ra trận để đánh ai ? Cha đuổi theo ai ? Một con chó chết ! Một con bọ chét ! 16 Đức Chúa sẽ là trọng tài, Người sẽ phân xử giữa con và cha. Xin Người nhìn xem và biện hộ cho con, xin Người phân xử để con thoát khỏi tay cha !”
17 Khi ông Đa-vít nói với vua Sa-un những lời đó xong, thì vua Sa-un hỏi : “Đa-vít con cha, có phải tiếng của con đấy không ?” Rồi vua Sa-un oà lên khóc. 18 Vua nói với ông Đa-vít : “Con công chính hơn cha, vì con xử tốt với cha, còn cha thì xử ác với con. 19 Hôm nay con đã tỏ ra là con làm điều tốt cho cha, vì Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, mà con đã không giết cha. 20 Có ai gặp kẻ thù của mình mà cứ để nó đi yên lành không ? Xin Đức Chúa thưởng con vì điều tốt con làm cho cha hôm nay. 21 Giờ đây cha biết rằng : chắc chắn con sẽ làm vua, và vương quyền Ít-ra-en sẽ vững mãi trong tay con.”
Đọc tiếp »

Thứ bảy,Tuần 2- Mùa TN


Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

DÂN CHÚA CHỌC GIẬN CHÚA


Trích sách Đệ nhị luật, Đnl 9,7-
7 Anh (em) phải nhớ, đừng quên rằng anh (em) đã chọc giận ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), trong sa mạc. Từ ngày anh (em) ra khỏi đất Ai-cập cho đến khi tới đây, anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA. 8 Tại núi Khô-rép, anh em đã chọc giận ĐỨC CHÚA, và Người đã nổi cơn thịnh nộ với anh em đến nỗi muốn tiêu diệt anh em. 9 Khi lên núi để nhận các bia đá, những tấm bia của giao ước mà ĐỨC CHÚA đã lập với anh em, tôi đã ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn bánh, không uống nước. 10 ĐỨC CHÚA đã ban cho tôi những bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết, trên đó có mọi lời ĐỨC CHÚA đã phán với anh em trên núi, từ trong đám lửa, trong ngày đại hội. 11 Sau bốn mươi ngày bốn mươi đêm, ĐỨC CHÚA ban cho tôi hai bia đá, là những tấm bia của giao ước. 12 Bấy giờ, ĐỨC CHÚA phán với tôi : “Đứng lên ! Mau xuống khỏi đây, vì dân của ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa ra khỏi Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta đã truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một tượng để thờ.” 13 ĐỨC CHÚA phán với tôi : “Ta thấy rằng dân này là một dân cứng cổ. 14 Cứ để mặc Ta làm, Ta sẽ tiêu diệt chúng, sẽ xoá tên chúng không còn dấu vết trong thiên hạ. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân tộc mạnh và đông hơn chúng.”
15 Tôi đã quay đầu, xuống núi, bấy giờ núi đang bốc lửa, hai tay tôi cầm hai tấm bia của giao ước. 16 Tôi đã thấy anh em phạm tội nghịch cùng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em : anh em đã đúc tượng một con bê để thờ, anh em đã vội đi ra ngoài con đường ĐỨC CHÚA đã truyền cho anh em đi. 17 Tôi bèn nắm lấy hai bia đá, dùng hai tay mà ném, và đập vỡ hai tấm bia đó trước mắt anh em. 18 Tôi đã phục xuống trước mặt ĐỨC CHÚA ; như lần trước, suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm, tôi không ăn bánh, không uống nước, vì mọi tội anh em đã phạm, khi làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, để trêu giận Người. 19 Ấy vì tôi kinh hãi cơn thịnh nộ và trận lôi đình của ĐỨC CHÚA đang bùng lên chống anh em, đến nỗi Người muốn tiêu diệt anh em ; nhưng cả lần này nữa, ĐỨC CHÚA cũng nhậm lời tôi. 20 Với ông A-ha-ron, ĐỨC CHÚA cũng nổi cơn thịnh nộ dữ dội, đến nỗi muốn tiêu diệt ông ấy ; lúc đó, tôi cũng cầu xin cho ông A-ha-ron nữa. 21 Còn việc tội anh em đã làm, là con bê, tôi đã lấy, bỏ vào lửa mà thiêu, nghiền nát, tán kỹ, đến nhuyễn thành bụi, rồi ném bụi đó xuống khe nước từ núi chảy ra.
25 Tôi đã phục xuống trước mặt ĐỨC CHÚA, suốt bốn mươi ngày bốn mươi đêm tôi đã phục xuống, vì ĐỨC CHÚA đã nói đến chuyện tiêu diệt anh em. 26 Tôi cầu xin ĐỨC CHÚA và thưa rằng : “Lạy Chúa là ĐỨC CHÚA, xin đừng huỷ diệt dân Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao của Ngài để giải thoát, và đã ra tay uy quyền đưa ra khỏi Ai-cập. 27 Xin nhớ đến các tôi tớ Ngài là ông Áp-ra-ham, ông I-xa-ác và ông Gia-cóp, xin đừng để ý đến sự ngoan cố, sự gian ác và tội của dân này, 28 kẻo trong đất mà Ngài đã đưa chúng con ra, người ta lại nói : ‘Chính vì ĐỨC CHÚA đã không thể đưa chúng vào đất Người đã thề hứa với chúng, và chính vì ghét chúng mà Người đã đưa chúng ra khỏi đây để giết chúng trong sa mạc !’ 29 Thế nhưng đó là dân Ngài, cơ nghiệp Ngài đã dùng sức mạnh lớn lao và cánh tay uy quyền đưa ra khỏi Ai-cập.”
Đọc tiếp »

SA-UN GHEN GHÉT ĐAVÍT và TÌNH BẠN THẬT ĐẸP CỦA GIONNATHAN


Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, 1Sm 18,6-
Ngày ấy, khi ông Đa-vít hạ được tên Phi-li-tinh trở về, thì phụ nữ từ hết mọi thành của Ít-ra-en kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. 7 Phụ nữ vui đùa ca hát rằng :
“Vua Sa-un hạ được hàng ngàn,
ông Đa-vít hàng vạn.”
8 Vua Sa-un giận lắm, và bực mình vì lời ấy. Vua nói : “Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi !” 9 Từ ngày đó về sau, vua Sa-un nhìn Đa-vít với con mắt ghen tị.
19 1 Vua Sa-un nói với ông Giô-na-than, con vua, và với toàn thể triều thần về ý định giết ông Đa-vít. Nhưng ông Giô-na-than, con vua Sa-un, lại rất có cảm tình với ông Đa-vít. 2 Ông Giô-na-than báo cho ông Đa-vít rằng : “Vua Sa-un, cha tôi, đang tìm cách giết anh. Vậy sáng mai anh hãy coi chừng, hãy ở nơi kín đáo và ẩn mình đi. 3 Phần tôi, tôi sẽ đi ra, sẽ đứng cạnh cha tôi trong cánh đồng, nơi anh đang trốn, tôi sẽ nói với cha tôi về anh. Thấy thế nào, tôi sẽ báo cho anh.”
4 Ông Giô-na-than gặp vua Sa-un, cha mình, và nói tốt cho ông Đa-vít. Ông nói với vua : “Xin đức vua đừng phạm tội hại tôi tớ ngài là Đa-vít, vì anh ấy đã không phạm tội hại ngài, và các hành động của anh là điều rất lợi cho ngài. 5 Anh đã liều mạng hạ tên Phi-li-tinh, và Đức Chúa đã thắng lớn để bảo vệ toàn thể Ít-ra-en. Ngài đã thấy và đã vui mừng. Vậy sao ngài lại phạm tội đổ máu vô tội, mà vô cớ giết Đa-vít ?” 6 Vua Sa-un nghe theo lời ông Giô-na-than, vua thề rằng : “Có Đức Chúa hằng sống, ta thề : nó sẽ không bị giết.” 7 Ông Giô-na-than gọi ông Đa-vít đến và thuật lại tất cả những điều ấy ; rồi dẫn ông Đa-vít đến với vua Sa-un, và ông Đa-vít lại phục vụ vua như trước.
Đọc tiếp »

LÒNG MẾN (Thánh giáo hoàng Clementê I)

"Ai có lòng mến trong Đức Ki-tô, hãy thực hành những điều Đức Ki-tô truyền. Ai giải thích nổi mối dây ràng buộc của lòng mến Thiên Chúa ? Ai diễn tả được vẻ đẹp huy hoàng của lòng mến ấy ? Lòng mến đưa chúng ta lên tới chiều cao khôn tả. Lòng mến gắn chặt chúng ta với Thiên Chúa, lòng mến che phủ muôn vàn tội lỗi. Lòng mến chịu đựng tất cả, bao dung tất cả một cách kiên nhẫn ; trong lòng mến không có gì nhơ nhớp, không một chút kiêu căng ; lòng mến không chấp nhận chia rẽ, không xúi giục nổi loạn ; lòng mến làm mọi sự trong tinh thần hoà hợp ; tất cả những người được Thiên Chúa tuyển chọn đều nên hoàn thiện nhờ lòng mến. Không có lòng mến thì chẳng có gì làm đẹp lòng Thiên Chúa..."
Đọc tiếp »

Thứ sáu,Tuần 2- Mùa TN


Đọc tiếp »

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

NHƯỜNG CHỖ CHO CHÚA VÀ NGƯỜI KHÁC (ĐTC Phanxicô, huấn từ 15/01/2023:)


“Với tinh thần phục vụ khiêm tốn với khả năng nhường bước cho Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta một điều quan trọng: hãy thoát khỏi những ràng buộc… Bước sang một bên, học cách rời đi: Tôi đã hoàn thành sứ mệnh này, tôi đã có cuộc gặp gỡ này, tôi sẽ bước sang một bên và nhường chỗ cho Chúa. Hãy học cách bước sang một bên, không lấy một cái gì đó cho bản thân để bù đắp.
Chúng ta hãy nghĩ xem điều này quan trọng biết bao đối với một linh mục, người được yêu cầu rao giảng và cử hành, không phải vì tự cao hay vì lợi ích, nhưng để đồng hành với người khác đến với Chúa Giêsu.
Thử nghĩ điều này quan trọng biết bao đối với cha mẹ, nuôi nấng con cái với biết bao hy sinh nhưng rồi lại phải để chúng tự do đi trên con đường riêng của mình trong công việc, trong hôn nhân, trong cuộc sống. Điều tốt và đúng đắn là cha mẹ tiếp tục bảo đảm sự hiện diện của họ, nói với con cái của họ: “Bố mẹ sẽ không để con một mình đâu”, nhưng với sự thận trọng, không xâm phạm, nhưng tạo ra cho con cái sự tự do để phát triển.
Và điều tương tự cũng áp dụng cho các lĩnh vực khác, chẳng hạn như tình bạn, cuộc sống lứa đôi, cuộc sống cộng đồng. Giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc vào cái tôi của chính mình và biết cách bước sang một bên phải trả giá, nhưng rất quan trọng: đây là bước quyết định để phát triển trong tinh thần phục vụ, mà không tìm kiếm điều gì đáp lại.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy thử tự hỏi: chúng ta có khả năng tạo không gian cho người khác không? Hãy lắng nghe họ, để họ tự do, không ràng buộc họ với chính chúng ta, đừng đòi hỏi sự công nhận. Và đôi khi, hãy để họ nói chứ đừng nói “Bạn chẳng biết gì cả!”. Hãy để họ nói, nhường chỗ cho người khác. Chúng ta thu hút người khác đến với Chúa Giêsu hay đến với chính mình? Và hơn nữa, noi gương thánh Gioan: chúng ta có biết vui mừng khi mọi người đi theo con đường riêng của họ và đi theo tiếng gọi của họ, ngay cả khi điều này đòi hỏi một số tách rời khỏi chúng ta? Chúng ta có vui mừng trước những thành tựu của họ, với sự chân thành và không ghen tị không? Điều này mang đến cho những người khác cơ hội phát triển.
Xin Mẹ Maria, tôi tớ của Chúa, giúp chúng ta thoát khỏi những ràng buộc, biết nhường chỗ cho Chúa và nhường chỗ cho người khác.”
Đọc tiếp »

ĐAVIT THẮNG GỒLIÁT


Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, 1Sm 17,32-
32 Ngày ấy, Đa-vít được dẫn đến gặp vua Sa-un và nói với vua Sa-un rằng : “Đừng ai ngã lòng vì tên Phi-li-tinh Go-li-át. Tôi tớ ngài đây sẽ đi chiến đấu với nó.” 33 Vua Sa-un nói với Đa-vít : “Con không thể đến với tên Phi-li-tinh ấy để chiến đấu với nó, vì con chỉ là một đứa trẻ, còn nó, từ khi còn trẻ, đã là một chiến binh.”37 Đa-vít nói : “Đức Chúa là Đấng đã cứu con khỏi vuốt sư tử và vuốt gấu, chính Người sẽ cứu con khỏi tay tên Phi-li-tinh này.” Vua Sa-un nói với Đa-vít : “Thế thì con hãy đi, xin Đức Chúa ở với con !”
40 Cậu cầm gậy trong tay, chọn lấy năm hòn đá cuội dưới suối, bỏ vào túi chăn chiên, vào bị của cậu, rồi tay cầm dây phóng đá, cậu tiến về phía tên Phi-li-tinh. 41 Tên Phi-li-tinh từ từ tiến lại gần Đa-vít, đi trước mặt nó là người mang thuẫn. 42 Tên Phi-li-tinh nhìn, và khi thấy Đa-vít, nó khinh dể cậu, vì cậu còn trẻ, có mái tóc hung và đẹp trai. 43 Tên Phi-li-tinh nói với Đa-vít : “Tao là chó hay sao mà mầy cầm gậy đến với tao ?” Và tên Phi-li-tinh lấy tên các thần của mình mà nguyền rủa Đa-vít. 44 Tên Phi-li-tinh nói với Đa-vít : “Đến đây với tao, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.” 45 Đa-vít bảo tên Phi-li-tinh : “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Ít-ra-en mà mày thách thức. 46 Ngay hôm nay Đức Chúa sẽ nộp mày vào tay tao, tao sẽ hạ mày và làm cho đầu mày lìa khỏi thân. Ngay hôm nay tao sẽ đem xác chết của quân đội Phi-li-tinh làm mồi cho chim trời và dã thú. Toàn cõi đất sẽ biết rằng có một Thiên Chúa che chở Ít-ra-en, 47 và toàn thể đại hội này sẽ biết rằng không phải nhờ gươm, nhờ giáo mà Đức Chúa ban chiến thắng, vì chiến đấu là việc của Đức Chúa, và Người sẽ trao chúng mày vào tay chúng tao !”
48 Khi tên Phi-li-tinh bắt đầu xông lên và đến gần để đương đầu với Đa-vít, thì từ trận tuyến Đa-vít vội vàng chạy ra đương đầu với tên Phi-li-tinh. 49 Đa-vít thọc tay vào bị, rút từ đó ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán tên Phi-li-tinh. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến nó ngã sấp mặt xuống đất. 50 Thế là Đa-vít thắng tên Phi-li-tinh nhờ dây phóng và hòn đá. Cậu hạ tên Phi-li-tinh và giết nó. Nhưng trong tay Đa-vít không có gươm. 51 Đa-vít chạy lại, đứng trên xác tên Phi-li-tinh, lấy gươm của nó, rút khỏi bao, kết liễu đời nó và dùng gươm chặt đầu nó. Người Phi-li-tinh thấy người hùng của mình đã chết thì chạy trốn.
Đọc tiếp »

Thứ năm,Tuần 2- Mùa TN


Đọc tiếp »

HỌC RỜI ĐI… ĐỂ LẠI ĐÀN CHIÊN CHO CHÚA (ĐTC Phanxicô, huấn từ 15/01/2023:)


“Bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (x. Ga 1,29-34) kể lại lời chứng của Thánh Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, sau khi đã làm phép rửa cho Người tại sông Giođan. Ông nói: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (c. 29-30).
Lời tuyên bố này, lời chứng này cho thấy tinh thần phục vụ của Gioan. Ông được sai đi để dọn đường cho Đấng Mêsia, và đã làm điều đó mà không tiếc bản thân mình. Theo suy nghĩ người ta thường tình, ta chắc sẽ nghĩ rằng ông sẽ được trao một “phần thưởng”, một vị trí nổi bật trong đời sống công khai của Chúa Giêsu. Nhưng không. Gioan đã hoàn thành sứ vụ của mình, biết tránh sang một bên, ông rút lui khỏi hiện trường để nhường chỗ cho Chúa Giêsu. Ông đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Người (x. c. 33-34), ông đã chỉ ra rằng Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, và giờ đây đến lượt ông khiêm nhường lắng nghe.
Ông đi từ vị tiên tri đến môn đệ. Ông rao giảng cho dân chúng, thu nạp môn đệ và huấn luyện họ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, ông không ràng buộc bất cứ ai với chính mình. Và điều này tuy khó, nhưng lại là dấu hiệu của nhà giáo dục đích thực: không ràng buộc người ta với mình. Gioan làm điều này: ông khuyến khích các môn đệ của mình theo dấu chân của Chúa Giêsu. Ông không quan tâm đến việc có người theo mình, không màng đến danh tiếng và thành công, nhưng ông làm chứng và rồi lùi lại một bước, để nhiều người có được niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói: Thánh Gioan mở cửa, sau đó ngài rời đi.
Với tinh thần phục vụ này, với khả năng nhường bước cho Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta một điều quan trọng: hãy thoát khỏi những ràng buộc. Đúng thế, bởi vì người ta dễ bị dính mắc vào vai trò và địa vị, mắc kẹt trong nhu cầu được tôn trọng, công nhận và khen thưởng. Và điều này, mặc dù là tự nhiên, nhưng không phải là một điều tốt, bởi vì sự phục vụ bao hàm sự nhưng không, đó là sự chăm sóc cho người khác mà không nghĩ đến lợi ích cho bản thân, không có động cơ thầm kín, không mong đợi được đền đáp.
Như Gioan, thật tốt cho chúng ta, nếu chúng ta biết vun trồng nhân đức, biết gạt bỏ mình đúng lúc, làm chứng rằng điểm quy chiếu của đời sống là Chúa Giêsu. Bước sang một bên, học cách rời đi: Tôi đã hoàn thành sứ mệnh này, tôi đã có cuộc gặp gỡ này, tôi sẽ bước sang một bên và nhường chỗ cho Chúa. Hãy học cách bước sang một bên, không lấy một cái gì đó cho bản thân để bù đắp.”
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

Thứ tư,Tuần 2- Mùa TN



Đọc tiếp »

ĐỌC TÔNG HUẤN “NIỀM VUI của TÌNH YÊU” (Số 90-92)


 Số 90-92 : Tình yêu thương thị nhẫn nhục

90- Trong cái được gọi là bài ca đức mến của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực:
“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu,
Không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc,
Không làm điều bất chính, không tìm tư lợi,
Không nóng giận, không nuôi hận thù,
Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1 Cr 13,4-7).
91- Diễn ngữ đầu tiên được dùng là macrothymei. Từ ngữ này không chỉ được chuyển dịch là “chịu đựng tất cả”, vì chúng ta gặp thấy ý tưởng ấy ở cuối câu 7. Ý nghĩa của từ này được làm sáng tỏ nhờ bản dịch tiếng Hi lạp của Cựu Ước, ở đó người ta khẳng định rằng Thiên Chúa “chậm giận” (Xh 34,6; Ds 14,18). Nó cho thấy khi một người không hành động theo những xung năng bộc phát và tránh gây tổn thương. Đó là một đặc tính của vị Thiên Chúa của Giao ước, Đấng kêu gọi chúng ta bắt chước Ngài cả trong đời sống gia đình. Các bản văn của Thánh Phaolô có dùng từ ngữ này phải được đọc trên nền hậu cảnh của sách Khôn Ngoan (cf. 11,23; 12,2.15-18): ở đó người ta ca tụng sự kiềm chế của Thiên Chúa nhằm chừa chỗ cho khả năng thống hối, đồng thời vẫn khẳng định quyền năng của Ngài được bộc lộ khi hành động với lòng thương xót. Sự nhẫn nhục của Thiên Chúa là việc thực thi lòng thương xót của Ngài đối với tội nhân, và là sự biểu lộ quyền năng đích thực của Ngài.
92- Nhẫn nhục không có nghĩa là cho phép mình thường xuyên bị xử tệ, hoặc dung túng cho những bạo hành trên thân xác, hay cho phép người khác đối xử với mình như một đồ vật. Vấn đề xảy ra là khi chúng ta đòi các mối tương quan phải êm ả hay người ta phải hoàn hảo, hoặc khi chúng ta đặt mình ở trung tâm và mong đợi duy nhất một điều là mọi sự đi theo ý muốn của mình. Rồi thì mọi sự làm chúng ta mất kiên nhẫn, mọi sự làm chúng ta phản ứng cách hung hăng. Nếu chúng ta không vun xới thái độ nhẫn nhục, chúng ta sẽ luôn luôn phải hối tiếc vì cư xử giận dữ, và rốt cuộc chúng ta sẽ không thể sống chung với nhau, chống lại xã hội, chúng ta không có khả năng làm chủ được các xung năng của mình, và gia đình sẽ biến thành bãi chiến trường. Vì thế Lời Chúa khuyên chúng ta: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác” (Ep 4,31). Đức nhẫn nhục được tăng thêm khi tôi nhìn nhận người khác cũng có quyền sống trên trái đất này cùng với tôi, như sự thực là thế. Việc họ có ngáng trở tôi, làm xáo trộn các kế hoạch của tôi, hay họ làm tôi bực mình do lối sống của họ hay bởi cách suy nghĩ của họ, hoặc trong mọi sự không theo cách mà tôi vẫn mong đợi, là điều không quan trọng. Tình yêu luôn luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kì vọng của tôi.
Đọc tiếp »

Mừng sinh nhật Cha sở Cù Mi






Đọc tiếp »

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

BẠN CÓ NHẬN RA NHỮNG DẤU LẠ TÌNH YÊU CHÚA ĐÃ LÀM CHO MÌNH, NHƯ DẤU LẠ CHÚA DÀNH CHO TIỆC CƯỚI CANA ? (ĐTC Phanxicô, 16/01/2022)

“Nhưng còn có một nét nổi bật về dấu lạ ở Cana. Thông thường, rượu được cung cấp vào cuối bữa tiệc không ngon - điều này vẫn được thực hiện cho đến ngày nay. Khi đó, người ta cũng không phân biệt được đâu là rượu ngon hay rượu đã bị pha loãng một chút. Thay vào đó, Chúa Giêsu hành động theo cách để bữa tiệc kết thúc với rượu ngon hơn. Nói một cách hình tượng, điều này cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn những gì tốt hơn cho chúng ta, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc. Ngài không đặt ra giới hạn và Ngài không yêu cầu chúng ta nài nỉ. Ngài không đòi nơi cặp phu thê này những yêu cầu không nói ra hay những yêu sách. Không, niềm vui mà Chúa Giêsu mang đến cho tâm hồn họ là niềm vui trọn vẹn và không vụ lợi, một niềm vui không hề bị loãng, không!
Vì vậy, tôi muốn đề xuất cho anh chị em một bài tập sẽ rất tốt cho chúng tôi. Hôm nay, chúng ta hãy thử lục lại ký ức của mình, tìm kiếm những dấu chỉ Chúa đã hoàn thành trong cuộc đời tôi. Mỗi người chúng ta hãy nói: trong cuộc đời tôi, Chúa đã hoàn thành những dấu chỉ nào? Những dấu chỉ nào về sự hiện diện của Người, những dấu chỉ nào Ngài đã làm để chứng tỏ rằng Ngài yêu chúng ta? Chúng ta hãy nghĩ về khoảnh khắc khó khăn mà Chúa cho phép tôi trải nghiệm tình yêu của Ngài…
Và chúng ta hãy tự hỏi: những dấu chỉ rời rạc và yêu thương mà qua đó Ngài cho phép tôi cảm nhận được sự dịu dàng của Ngài là gì? Có khi nào tôi cảm thấy Chúa ở gần tôi hơn không? Có khi nào tôi cảm nhận được sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của Người nhiều hơn không? Mỗi người trong chúng ta đều có những khoảnh khắc này trong lịch sử cá nhân của mình. Chúng ta hãy đi tìm những dấu chỉ này, chúng ta hãy ghi nhớ chúng.
Làm thế nào tôi phát hiện ra sự gần gũi của Người và làm thế nào mà trái tim tôi tràn ngập niềm vui sướng tột độ? Chúng ta hãy hồi tưởng lại những khoảnh khắc mà chúng ta đã trải nghiệm sự hiện diện của Người và sự chuyển cầu của Mẹ Maria. Xin Mẹ, người Mẹ luôn chú ý như ở Cana, giúp chúng con biết quý trọng những dấu chỉ Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng con.” (ĐTC Phanxicô, 16/01/2022)
Đọc tiếp »

THÁNH ANTÔN VIỆN PHỤ (250-356) SỐNG TRIỆT ĐỂ LỜI CHÚA…


Trích Hạnh thánh An-tôn do thánh A-tha-na-xi-ô, giám mục, ghi lại :
“Sau khi cha mẹ qua đời, An-tôn sống một mình với người em gái. Bấy giờ cậu mới chừng mười tám hay hai mươi tuổi thôi, mà đã phải đứng ra coi sóc cửa nhà và cô em.
Cha mẹ ra đi chưa đầy sáu tháng, thì một ngày kia trên đường đi tới nhà Chúa như thường lệ, cậu An-tôn suy nghĩ trong lòng : Tại sao các Tông Đồ đã từ bỏ mọi sự để theo Đấng Cứu Thế ; trong sách Công vụ Tông Đồ, ai là người đi bán của cải mình có rồi đem tiền đặt dưới chân các Tông Đồ để các ngài phân phát cho những kẻ nghèo khó ; phần thưởng ở trên trời dành cho những người từ bỏ, lớn lao như thế nào ? Trong khi suy nghĩ những điều đó thì cậu bước chân vào nhà thờ đúng lúc đang đọc Tin Mừng. Cậu nghe Chúa nói với người giàu có kia : Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.
Vậy, như được Chúa soi sáng, An-tôn nhớ đến các thánh và nghĩ rằng bài Tin Mừng trên đây đã được đọc lên vì mình. Vì thế, cậu mau mắn ra khỏi nhà Chúa, đem ba trăm thửa ruộng mầu mỡ và rất tươi tốt thừa hưởng được của tổ tiên, tặng cho dân làng, để cậu và cô em khỏi phải bận tâm vì những tài sản đó. Còn đồ đạc trong nhà, cậu cũng đem bán hết : thu được một số tiền lớn, cậu phân phát cho người nghèo, chỉ giữ lại một ít cho cô em.
Một lần khác, An-tôn lại vào nhà Chúa ; cậu nghe Chúa nói trong Tin Mừng : Anh em đừng lo lắng về ngày mai. Không thể nán lại lâu hơn nữa, cậu ra khỏi nhà thờ, và những gì còn lại cũng đem phân phát hết cho những kẻ bần cùng. Còn cô em thì cậu gửi gắm cho các trinh nữ quen biết và đáng tin cậy, để cô được giáo dục trong nhà các trinh nữ ấy. Rồi từ đó, gần ngôi nhà mình ở trước kia, cậu chỉ lo sống đời khổ hạnh, chuyên tâm theo đuổi nếp sống khổ chế một cách kiên trì.
Vì nghe thánh Phao-lô nói : Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn, nên An-tôn ra sức làm việc chân tay, một phần để sinh sống, một phần để giúp đỡ người nghèo.
Cậu siêng năng cầu nguyện, vì biết rằng phải không ngừng cầu nguyện riêng. Quả thật, cậu chăm chú nghe đọc Sách Thánh, không bỏ sót điều gì ; cậu nghe đâu nhớ đó, đến độ về sau trí nhớ thay cho sách.
Thấy cậu là người như thế, toàn thể dân làng và những người đứng đắn mà cậu thường giao tiếp, gọi cậu là bạn thân của Thiên Chúa ; ai ai cũng thương yêu cậu, người thì như con cái, kẻ thì như anh em.”
Đọc tiếp »

DẤU LẠ CANA (ĐTC Phanxicô, 16/01/2022)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Tin Mừng của phụng vụ hôm nay thuật lại tình tiết tiệc cưới Cana, nơi mà trước sự vui mừng của đôi vợ chồng, Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu. Đây là cách mà câu chuyện kết thúc: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (Ga 2,11). Chúng ta nhận thấy rằng thánh sử Gioan không nói về một phép lạ, nghĩa là, một việc làm mạnh mẽ và phi thường gây ra sự kinh ngạc. Thánh Sử viết rằng một dấu lạ đã xảy ra tại Cana, một dấu chỉ khơi dậy đức tin của các môn đệ của Ngài. Do đó, chúng ta có thể tự hỏi: Theo Phúc âm thì “dấu lạ” là gì?
Đó là một dấu chỉ mang đến cho chúng ta manh mối cho thấy tình yêu của Thiên Chúa, điều đó không kêu gọi sự chú ý đến sức mạnh của hành động, nhưng đến tình yêu đã gây ra hành động ấy. Nó dạy chúng ta điều gì đó về tình yêu thương của Thiên Chúa luôn gần gũi, dịu dàng và từ bi. Dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu xảy ra khi một cặp vợ chồng gặp khó khăn vào ngày quan trọng nhất của cuộc đời họ. Ngay giữa bữa tiệc, rượu là một yếu tố cần thiết cho một bữa tiệc bị thiếu và niềm vui của họ có nguy cơ bị dập tắt vì những lời chỉ trích và không hài lòng của khách. Hãy tưởng tượng làm thế nào một tiệc cưới có thể diễn ra chỉ với nước. Thật ê chề! Thật là một ấn tượng xấu mà cặp phu thê này sẽ gây ra.
Chính Đức Mẹ đã nhận thức được vấn đề và đã kín đáo hướng sự chú ý của Chúa Giêsu đến điều đó. Và Người đã can thiệp mà không cần phô trương, gần như không để lộ ra ngoài. Mọi thứ diễn ra một cách kín đáo, mọi thứ diễn ra “ở hậu trường” - Chúa Giêsu bảo các đầy tớ đổ đầy nước vào chum, sau đó nước biến thành rượu. Đây là cách Thiên Chúa hành động, gần gũi với chúng ta và kín đáo. Các môn đệ của Chúa Giêsu hiểu điều này: họ thấy rằng nhờ Người mà tiệc cưới càng thêm đẹp. Và họ cũng nhìn thấy cách Chúa Giêsu hành động - cách Ngài phục vụ một cách kín đáo trong khoảnh khắc đó (Chúa Giêsu là như thế - Ngài giúp chúng ta, Ngài phục vụ chúng ta một cách kín đáo), đến nỗi chính chú rể cũng được khen vì rượu ngon. Không ai biết về chuyện đó trừ ra những người hầu. Đây là cách hạt giống đức tin bắt đầu phát triển trong họ - tức là họ tin rằng Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, hiện diện trong Chúa Giêsu.” (ĐTC Phanxicô, 16/01/2022)
Đọc tiếp »

Thứ ba,Tuần 2 Mùa TN





Đọc tiếp »

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

Thứ hai,Tuần 2- Mùa TN



Đọc tiếp »

ĐỌC TÔNG HUẤN “NIỀM VUI của TÌNH YÊU”


Số 86-88 : Gia Đình và Hội Thánh
86- “Với niềm vui bên trong và niềm an ủi thâm sâu, Hội thánh hướng nhìn đến các gia đình kiên trung sống các giáo huấn của Tin mừng, cám ơn họ và khích lệ họ về chứng từ mà họ trao. Thật vậy, nhờ họ mà vẻ đẹp của hôn nhân bất khả phân li và trung tín, trở nên đáng tin. Trong gia đình, ‘vốn có thể gọi là Hội thánh tại gia’ (Lumen Gentium, 11), ta được dần trưởng thành kinh nghiệm trong Hội thánh về mối hiệp thông giữa các ngôi vị, nơi đó, nhờ ân sủng, phản ánh chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. ‘Ở đó, người ta học được sự kiên nhẫn và niềm vui của lao động, tình yêu thương huynh đệ, sự tha thứ quảng đại, thậm chí tha thứ nhiều lần, và nhất là việc phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và sự hiến dâng cuộc đời mình’ (GLHTCG, 1657)”.
87- Hội thánh là Gia đình của các gia đình, thường xuyên được làm phong phú bởi đời sống của tất cả các Hội thánh tại gia. Bởi thế, “nhờ Bí tích Hôn Phối, mỗi gia đình thực sự trở thành một thiện ích cho Hội thánh. Trong viễn ảnh này, việc xem xét mối tương tác giữa gia đình và Hội thánh chắc chắn sẽ là một ơn ban quí giá cho Hội thánh ngày nay: Hội thánh là một phúc lành cho gia đình, và gia đình là một phúc lành cho Hội thánh. Việc gìn giữ hồng ân Bí tích của Chúa không chỉ liên hệ đến các gia đình riêng lẻ, nhưng còn đến chính cộng đoàn Kitô hữu”.
88-Kinh nghiệm yêu thương trong các gia đình là một sức mạnh thường xuyên cho đời sống của Hội thánh. “Cứu cánh kết hợp của hôn nhân là một lời kêu gọi không ngừng làm triển nở và đào sâu tình yêu này. Khi kết hợp với nhau trong tình yêu, đôi bạn cảm nghiệm vẻ đẹp của thiên chức làm cha làm mẹ; họ chia sẻ cho nhau những dự phóng và nhọc nhằn, những khát vọng và ưu tư; họ học chăm sóc và tha thứ cho nhau. Trong tình yêu này, họ cử hành những thời khắc hạnh phúc của mình và nâng đỡ nhau trong những lúc khó khăn của lịch sử đời sống. […] Vẻ đẹp của sự trao hiến hỗ tương và vô cầu, niềm vui vì một sự sống được sinh ra và sự chăm sóc yêu thương của mọi thành viên trong gia đình – từ trẻ nhỏ cho đến người già – là một vài trong rất nhiều hoa trái làm cho việc đáp trả đối với ơn gọi gia đình trở nên độc đáo và không thể thay thế được”, cho Hội thánh cũng như cho toàn xã hội.
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.