Ads 468x60px

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

PHÂN ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG: LÒNG BIẾT ƠN… (ĐTC Phanxicô, Giáo lý 07/12/2022)


ĐTC Phanxicô, Giáo lý 07/12/2022:
“Chúng ta có thể nhận ra một số khía cạnh quan trọng giúp đọc thời gian “hậu quyết định”, có thể xem đó như là một sự xác nhận cho quyết định đã được đưa ra. Thời gian sẽ là yếu tố xác nhận xem quyết định của tôi có thực sự tốt lành hay không. Chúng ta đã gặp thấy những khía cạnh này một cách nào đó trong loạt bài giáo lý của chúng ta

nhưng bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy những ứng dụng xa hơn của chúng.
Khía cạnh đầu tiên là liệu quyết định đó có được coi là một dấu chỉ khả thể của việc đáp lại tình yêu và lòng quảng đại mà Chúa dành cho tôi hay không. Nó không sinh ra từ sự sợ hãi, từ mối đe doạ cảm xúc hay từ sự ràng buộc, mà sinh ra từ lòng biết ơn đối với điều tốt lành đã nhận được, điều thúc đẩy trái tim sống mối tương quan với Chúa một cách quảng đại.
Một yếu tố quan trọng khác là ý thức về sự cảm nhận vị trí của mình trong cuộc sống, một sự thanh thản khi thấy mình đứng đúng vị trí của mình, và cảm nhận mình là thành phần của kế hoạch lớn hơn mà chính mình muốn góp phần. Ở Quảng trường Thánh Phêrô có hai điểm chính xác – là hai tiêu điểm của hình elip – từ đó có thể nhìn thấy các cột của Bernini thẳng hàng một cách hoàn hảo.
Tương tự như vậy, con người có thể tìm thấy được điều mình đang tìm kiếm khi ngày sống của mình trở nên có trật tự hơn, cảm thấy ngày càng có sự hội nhất giữa nhiều sở thích, thiết lập một thứ tự ưu tiên đúng đắn về những điều quan trọng và có khả năng sống tất cả những điều này một cách nhẹ nhàng, trong khi đối diện với những khó khăn gặp phải bằng một năng lượng và sức mạnh được đổi mới của linh hồn. Những điều này là dấu hiệu cho thấy chọn lựa bạn đưa ra là tốt lành…”
Đọc tiếp »

CHÚNG TA LÀ CON THIÊN CHÚA (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cho giáo triều)


“…Thiên Chúa đã sai Con mình tới hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Tình phụ tử của Thiên Chúa là trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngay cả trong Kinh thánh tiếng Do Thái, Thiên Chúa được xem như một người cha. Điều mới lạ ở đây là giờ đây Thiên Chúa không được coi là “cha của dân tộc Israel” theo một nghĩa tập thể, có thể nói như vậy, mà là cha của mỗi con người theo một nghĩa cá nhân và cá vị, cha của cả người công chính lẫn người tội lỗi. Thiên Chúa quan tâm đến từng người như thể người đó là độc nhất vô nhị; Chúa biết nhu cầu, suy nghĩ và đếm số lượng sợi tóc trên đầu của mỗi người…
Sự mới lạ do Chúa Kitô mang lại không bao gồm điều này. Thay vào đó, nó bao gồm thực tế là Thiên Chúa, Đấng vẫn như đã được mô tả trong Kinh Thánh tiếng Do Thái, cụ thể là, ba lần thánh, công bình và toàn năng, giờ đây đã được ban cho chúng ta làm cha của chúng ta! Đây là hình ảnh được Chúa Giêsu đặt ra trong lời mở đầu của Kinh Lạy Cha và diễn tả một cách ngắn gọn, tất cả những điều sau đây: “Cha chúng con, Đấng ngự trên trời”. Cha ngự trên trời, như thế Cha là Đấng Tối Cao, Đấng siêu việt, ở trên chúng ta như các tầng trời ở trên mặt đất, nhưng vẫn là “cha của chúng ta” - hay như nguyên tác đã viết: “Abba!” - hơi giống với cách nói bố của chúng ta, bố của con…
Thánh Phaolô đã trình bày các suy tư liên quan đến giai đoạn đức tin sau Phục sinh này. Nhờ ơn cứu chuộc do Chúa Kitô mang lại và truyền cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội, chúng ta không còn là con cái Thiên Chúa theo nghĩa luân lý đơn thuần, mà còn theo nghĩa thực tế, bản thể học. Chúng ta đã trở thành “những người con trong Chúa Con,” và Chúa Kitô đã trở thành “trưởng tử của nhiều anh chị em” (Rôma 8,29).
Để diễn tả tất cả điều này, Thánh Tông đồ sử dụng ý niệm về việc nhận con nuôi: “… để chúng ta có thể nhận làm nghĩa tử như con cái Ngài” “Thiên Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5). Nó chỉ là một phép tương tự, và như với bất kỳ phép tương tự nào, nó không thể diễn tả hết được mầu nhiệm này. Về bản chất, việc nhận làm con nuôi của con người chúng ta là một vấn đề luật pháp. Con nuôi có thể mang họ, quốc tịch và nơi cư trú của cha mẹ nuôi, nhưng chúng không có chung huyết thống hoặc DNA của bố mẹ. Việc thụ thai, mang nặng đẻ đau và sinh nở đều không liên quan. Đây không phải là trường hợp của chúng ta. Thiên Chúa không chỉ truyền cho chúng ta được gọi là con của Người, nhưng Người còn truyền cho chúng ta đời sống thân mật của Người, Thần Khí của Người, có thể nói được là truyền cho chúng ta DNA của Người. Nhờ Bí tích Rửa tội, chính sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy trong chúng ta.
Về điểm này, Thánh Gioan táo bạo hơn Thánh Phaolô. Thánh Gioan không nói về việc nhận con nuôi, mà nói về sự sinh nở thực sự, Chúa đã sinh ra chúng ta. Những ai tin vào Đức Kitô “được Thiên Chúa sinh ra” (Ga 1,13); trong Phép Rửa, chúng ta được “sinh ra bởi Thánh Linh;” một người được “tái sinh từ trên cao” (xem Ga 3,5-6)…
Chúng ta cần phải sống ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được với một nhận thức sâu xa hơn, —và điều đó sẽ tốt cho chúng ta— nếu chúng ta luôn ghi nhớ khoảnh khắc của phép Rửa Tội khi chúng ta trở thành con cái Chúa”.
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với một mối nguy hiểm chết người, đó là việc coi thường những chân lý cao siêu nhất về đức tin của chúng ta, bao gồm chân lý chúng ta là con cái của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng Toàn Năng, Đấng Vĩnh Hằng, Đấng ban sự sống…
Trong giờ cầu nguyện hoặc giờ thờ phượng của anh chị em, với cả tấm lòng và không chán nản, hãy lặp lại trong chính anh chị em: “Con của Thiên Chúa! Tôi là con của Thiên Chúa; Tôi là con cái của Chúa. Chúa là cha tôi!” Hoặc chỉ cần lặp đi lặp lại một lúc: “Lạy Cha chúng con ngự trên trời” mà không tiếp tục phần còn lại của Kinh Lạy Cha… “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2)…
Thánh Cyprianô viết: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha của mình mà không coi Giáo hội như mẹ của mình.” Chúng ta nên nói thêm: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha mình mà không coi người hàng xóm là anh chị em với mình.”…
Khi chúng ta xung đột với người khác - anh chị em của chúng ta - ngay cả trước khi chúng ta gặp họ để thảo luận về quan điểm của chúng ta, là điều không chỉ là đúng đắn mà đôi khi còn là cần thiết nữa, chúng ta hãy nói với Chúa: “Cha ơi, xin hãy cứu con, cứu cả anh trai hoặc em gái của con; cứu cả hai chúng con. Con không giành phần phải về mình, và anh ấy hoặc cô ấy không nhất thiết phải là sai. Con muốn người đó đứng về sự thật, hoặc ít nhất là có thiện ý”. Lòng thương xót của người này đối với người kia là điều không thể thiếu để sống đời sống Thánh Linh và đời sống cộng đồng dưới mọi hình thức của nó. Nó không thể thiếu đối với gia đình và mọi cộng đồng con người và tôn giáo, kể cả Giáo triều Rôma. Như thánh Augustinô đã nói, tất cả chúng ta đều là những hũ đất sét dễ vỡ: Chúng ta rất dễ làm tổn thương chính mình…” (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cho giáo triều)
Đọc tiếp »

VÌ LỢI ÍCH CỦA BỆNH NHÂN... (ĐTC Phanxicô, diễn từ với Chính quyền dân sự HyLạp, 04/12/2021)


Mong sao các thầy thuốc thực hiện lời thề Hippocrates mà chăm sóc mọi người cách nhân ái trong dịch bệnh… xét nghiệm hay tiêm chủng không phải vì thành tích, “thần tốc”… mà tất cả vì lợi ích bệnh nhân và con cháu họ…

"...một bi kịch Odyssey hiện đại khủng khiếp. Tôi muốn nhắc nhớ rằng khi Odysseus đặt chân đến Ithaca, ông đã được nhận ra, không phải bởi các lãnh chúa địa phương, là những kẻ đã chiếm đoạt nhà cửa và hàng hóa của ông, mà bởi người chăm sóc ông, y tá cũ của ông. Ông ấy nhận ra anh ta qua vết thương của anh ấy.
Đau khổ đưa chúng ta đến với nhau; việc nhận ra rằng tất cả chúng ta đều là một phần của cùng một nhân loại yếu đuối sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai hòa bình và hòa nhập hơn. Chúng ta hãy biến những gì tưởng chừng chỉ là một thảm họa bi thảm thành một cơ hội táo bạo!
Đại dịch tự nó đã là một tai họa lớn. Nó đã khiến chúng ta khám phá lại điểm yếu của chính mình và nhu cầu của chúng ta đối với người khác. Ở đất nước này, nó cũng đặt ra một thách thức đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có những can thiệp phù hợp - tôi nghĩ đến chiến dịch tiêm chủng cần thiết - và không ít người dân phải hy sinh. Giữa khó khăn gian khổ ấy, tình đoàn kết cũng đã có một sự phát triển vượt bậc, mà Giáo Hội Công Giáo địa phương rất vui được tiếp tục đóng góp, với niềm tin rằng điều đó đại diện cho một lợi ích không thể mất đi khi cơn bão dần lắng xuống.
Một số từ ngữ trong lời thề của Hippocrates dường như được viết cho thời đại của chúng ta, chẳng hạn như cam kết “tuân theo tiến trình mà tôi đánh giá là tốt nhất vì lợi ích của người bệnh” và “tránh những gì có hại và gây khó chịu” cho người khác, để bảo vệ cuộc sống tại mọi thời điểm, đặc biệt là cuộc sống khi còn trong bụng mẹ (xem Lời thề Hippocrate, văn bản cổ).
Quyền được chăm sóc và điều trị của tất cả mọi người phải luôn được tôn trọng, để những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người cao niên, không bao giờ bị loại bỏ: để người cao niên không phải là đối tượng của “văn hóa vứt bỏ”. Người cao niên là biểu hiện của trí tuệ một dân tộc. Sống là một quyền, chứ không phải là chết. Chúng ta chấp nhận cái chết, nhưng không được buộc ai phải chết..." (ĐTC Phanxicô, diễn từ với Chính quyền dân sự HyLạp, 04/12/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

PHÂN ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG: BÌNH AN LÂU DÀI (ĐTC Phanxicô, Giáo lý 07/12/2022:)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong tiến trình phân định, điều quan trọng là cần phải chú ý đến giai đoạn ngay sau quyết định được đưa ra. Nghĩa là, khi cần đưa ra quyết định, tôi phải làm cuộc phân định, xem xét những thuận nghịch, những cảm nhận và cầu nguyện… Rồi sau khi hoàn tất tiến trình này và đã đưa ra quyết định, thì bước tiếp theo mà hôm nay chúng ta cần phải chú ý là xem các dấu chỉ xác nhận hoặc những dấu chỉ phủ nhận quyết định đó. Bởi vì trong cuộc sống, có rất nhiều quyết định không tốt, và có những dấu chỉ phủ nhận quyết định đó thay vì xác nhận là nó tốt.
Thật vậy, chúng ta thấy yếu tố thời gian là một tiêu chí cơ bản để nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa giữa nhiều tiếng nói khác. Chỉ một mình Người là Chúa của thời gian: đó là dấu hiệu bảo đảm cho điều xuất phát từ Người, là điều phân biệt Người với những kẻ bắt chước nhân danh Người nhưng không thể. Một trong những dấu chỉ của thần lành là: thần lành mang lại một sự bình an lâu dài: khi bạn đưa ra một quyết định, qua một tiến trình rồi quyết định, và nếu điều này cho bạn bình an và bình an này lâu dài thì đó là một dấu chỉ tốt cho thấy con đường này tốt đẹp. Một sự bình an mang lại hài hòa, hiệp nhất, nhiệt thành, sốt sắng. Như thế, bạn bước ra khỏi tiến trình tốt hơn lúc bạn bước vào.
Ví dụ, nếu tôi quyết định dành thêm nửa giờ để cầu nguyện, và sau đó tôi nhận thấy rằng tôi sống tốt hơn vào những thời gian khác trong ngày, tôi thanh thản hơn, bớt lo lắng hơn, tôi thực hiện công việc của mình một cách tận tâm và thích thú hơn , ngay cả mối quan hệ của tôi với một số người khó tính cũng trở nên dễ dàng hơn…: đây là những dấu chỉ quan trọng cho thấy quyết định được đưa ra là đúng đắn. Đời sống thiêng liêng là một vòng tuần hoàn: sự tốt lành của một chọn lựa mang lại lợi ích cho mọi lĩnh vực khác trong đời sống chúng ta. Bởi vì đó là sự tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa…”
Đọc tiếp »

PHỤNG VỤ: TRÁNH “MÔ HÌNH” KHÔNG PHÙ HỢP…CỬ HÀNH NGÀY CHÚA NHẬT THẬT Ý NGHĨA… (Trích Tông thư DESIDERIO DESIDERAVI, về đào tạo Phụng Vụ cho dân Chúa của ĐTC Phanxicô, 29/06/2022)


Trích Tông thư DESIDERIO DESIDERAVI, về đào tạo Phụng Vụ cho dân Chúa của ĐTC Phanxicô, 29/06/2022:
“54…Khi đến thăm các cộng đoàn Kitô hữu, tôi nhận thấy cách họ sống các cử hành phụng vụ - dù tốt hơn hay đáng tiếc là tệ hơn - đều tùy vào cung cách chủ sự của linh mục trong cộng đoàn. Có thể nói là có nhiều “mô hình” chủ sự khác nhau. Dưới đây là danh sách những phương pháp dễ nhận ra, mặc dù trái ngược nhau, nhưng tiêu biểu cho cách chủ sự chắc chắn là không phù

hợp: khắc khổ cứng nhắc hoặc sáng tạo quá đáng, thần bí hóa hoặc duy chức năng, nhanh chóng vội vàng hoặc chậm chạp quá mức, bất cẩn cẩu thả hoặc tỉ mỉ cực đoan, thân thiện quá mức hoặc vô cảm lạnh lùng.
Mặc dù nhiều ví dụ như thế, tôi nghĩ rằng sự bất cập của các mô hình chủ sự này có gốc rễ chung: thái độ đề cao bản thân trong phong cách cử hành, đôi khi thể hiện cách lộ liễu thói tật muốn trở thành trung tâm của sự chú ý. Điều này thường được thấy rõ hơn trong các cử hành được

phát thanh, truyền hình hay trực tuyến trên mạng internet, có điều gì đó không phải lúc nào cũng tốt đẹp và vì thế cần phải nghiên cứu thêm. Xin anh chị em hiểu rõ điều tôi nói: những cách cử hành này không phải là phổ biến nhất, nhưng cho đến bây giờ, nhiều cộng đoàn vẫn còn phải khốn khổ vì những lạm dụng như thế.
65. Theo dòng thời gian đã trở nên tươi mới nhờ mầu nhiệm sự Chết và Phục sinh của Chúa, cứ mỗi tám ngày, Hội Thánh lại cử hành mầu nhiệm

cứu độ trong ngày của Chúa. Ngày Chúa Nhật, trước khi là một lệnh truyền phải giữ, đã là món quà Thiên Chúa ban cho đoàn dân của Người; và chính vì thế, Hội Thánh muốn bảo toàn ân huệ này bằng một điều luật. Việc cử hành ngày Chúa nhật giúp cho cộng đoàn Kitô hữu được đào tạo bởi bí tích Thánh Thể. Hằng tuần, lời của Chúa Phục Sinh soi sáng sự hiện hữu của chúng ta, để hoàn tất nơi chúng ta điều Chúa muốn khi gửi lời của Người cho chúng ta (x. Is 55,10-11).
Hằng tuần, việc rước Mình và Máu Chúa Kitô cũng muốn làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên của lễ đẹp lòng Chúa Cha, trong tình hiệp thông huynh đệ chia sẻ, hiếu khách, phục vụ. Hằng tuần, năng lượng của tấm Bánh được bẻ ra nâng đỡ chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng, trong đó thể hiện tính xác thực của việc cử hành phụng vụ.
Chúng ta hãy từ bỏ những cuộc tranh luận để cùng nhau lắng nghe điều Thánh Thần đang nói với Hội Thánh. Chúng ta hãy bảo toàn sự hiệp thông. Hãy tiếp tục ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Phụng vụ. Mầu nhiệm Vượt Qua đã được ban cho chúng ta. Chúng ta hãy đặt mình vào trong nỗi khao khát của Chúa muốn tiếp tục ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta. Xin đặt tất cả dưới ánh mắt của Đức Maria, Mẹ Hội Thánh.”









Đọc tiếp »

NÓI “không” với tội lỗi và “xin vâng” với ân sủng Chúa (ĐTC Phanxicô, 08/12/2020)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Ngày lễ phụng vụ hôm nay kỷ niệm một trong những điều kỳ diệu của câu chuyện về ơn cứu rỗi: đó là sự Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria. Cả Mẹ cũng đã được cứu độ bởi Chúa Kitô, nhưng theo một cách thật ngoại thường, bởi vì Thiên Chúa muốn rằng mẹ của Con Ngài không bị vấy bẩn bởi sự khốn cùng của tội lỗi ngay từ khi được thụ thai. Và như vậy, trong suốt cuộc đời trần thế, Đức Maria không bị vết nhơ tội lỗi nào, Mẹ là Đấng “đầy ân sủng” (Lc 1, 28), như lời sứ thần đã gọi Mẹ. Mẹ đã được ưu ái bởi một hành động duy nhất của Chúa Thánh Thần để luôn luôn ở trong mối quan hệ hoàn hảo với Con Mẹ là Chúa Giêsu. Đúng hơn, Mẹ là môn đệ của Chúa Giêsu: Mẹ và môn đệ của Ngài. Nhưng Mẹ không vướng mắc tội lỗi nào...
Và những gì Đức Maria đã có ngay từ đầu, cuối cùng chúng ta có lẽ sẽ có, sau khi chúng ta đã trải qua “bồn tắm” thanh tẩy là ân sủng của Thiên Chúa. Điều mở ra cánh cổng thiên đường cho chúng ta là ân sủng của Thiên Chúa, khi chúng ta trung thành đón nhận. Tuy nhiên, ngay cả những người vô tội nhất cũng bị ghi dấu bởi tội nguyên tổ và phải chiến đấu với tất cả sức mạnh của mình để chống lại những hậu quả của nó. Họ đã đi qua “cửa hẹp” dẫn đến sự sống (xem Lc 13,24)...
Nhưng hãy cẩn thận. Anh chị em không khôn ngoan chút nào nếu cứ liên tục trì hoãn việc đánh giá nghiêm túc cuộc sống của mình, và lợi dụng sự kiên nhẫn của Người. Chúa kiên nhẫn. Chúa chờ đợi chúng ta, Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho chúng ta. Chúng ta có thể lừa được mọi người, nhưng không thể lừa được Chúa; Ngài hiểu trái tim của chúng ta hơn chính chúng ta. Chúng ta phải tận dụng thời điểm hiện tại! Vâng, đó chính là ý thức nắm bắt phút hiện tại của Kitô hữu. Đừng tận hưởng cuộc sống trong từng khoảnh khắc trôi qua - không, đó là ý nghĩ thế gian. Nhưng chúng ta phải nắm bắt phút hiện tại, nói “không” với điều ác và nói tiếng “xin vâng” với Chúa, và mở lòng mình ra đón nhận ân sủng của Ngài, để một lần và mãi mãi thôi nghĩ về bản thân, thôi đắm mình trong thói đạo đức giả và đối mặt với thực tế của chính chúng ta - đây là con người của chúng ta - để rồi nhận biết rằng chúng ta đã không yêu Chúa và người lân cận như chúng ta lẽ ra phải làm. Và khi chúng ta thú nhận điều đó, thì đây là sự khởi đầu của hành trình hoán cải. Trước hết, chúng ta xin Chúa tha thứ trong Bí tích Hoà giải, sau đó chúng ta sửa chữa những tổn hại đã gây ra cho người khác. Nhưng luôn luôn mở rộng lòng mình ra để đón nhận ân sủng: Chúa gõ cửa chúng ta, Ngài gõ cửa lòng chúng ta để đi vào tình bạn với chúng ta, trong tình hiệp thông, để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Và điều này, đối với chúng ta, là con đường để trở nên “thánh thiện và vô nhiễm”. Vẻ đẹp không chút tì vết của Mẹ chúng ta là khôn sánh, nhưng đồng thời vẻ đẹp ấy cũng thu hút chúng ta. Chúng ta hãy giao phó bản thân cho Đức Mẹ và nói “không” với tội lỗi và nói tiếng “xin vâng” với ân sủng Chúa một lần và mãi mãi.” (ĐTC Phanxicô, 08/12/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

PHỤNG VỤ: CỬ CHỈ, QUÌ GỐI… LỜI CHÚA (Trích tông thư DESIDERIO DESIDERAVI, ĐTC Phanxicô, 29/06/2022)


Trích tông thư DESIDERIO DESIDERAVI, ĐTC Phanxicô, 29/06/2022:
“53. Mỗi cử chỉ và lời nói đều chứa đựng một tác động chính xác luôn mới mẻ, vì được đặt trong một thời điểm cũng luôn mới mẻ trong cuộc sống chúng ta. Tôi xin giải thích điều này bằng một ví dụ đơn giản. Chúng ta quỳ gối để cầu xin ơn tha thứ, để bẻ gập tính kiêu ngạo, để dâng lên Chúa

những giọt nước mắt, để xin Người phù trợ, để cảm ơn Người về một ân huệ đã nhận được. Đó luôn là một cử chỉ tự nó đã cho thấy con người chúng ta thật nhỏ bé trước mặt Chúa.
Tuy nhiên, được thực hiện trong những thời điểm khác nhau của cuộc sống, động tác này tạo nên chiều sâu nội tâm để rồi thể hiện ra bên ngoài trong mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta. Hãy thực hiện động tác quỳ gối cách nghệ thuật, nghĩa là với nhận thức đầy đủ về ý nghĩa biểu tượng và sự cần thiết của cử chỉ này để thể hiện cách chúng ta hiện diện trước mặt Chúa. Và nếu tất cả những điều vừa nói áp dụng đúng cho cử chỉ đơn giản này, thì việc cử hành Lời Chúa sẽ còn hơn như thế nào nữa?
À, vậy thì chúng ta được mời gọi phải học nghệ thuật nào cho việc công bố Lời, lắng nghe Lời, để Lời Chúa khơi nguồn cho lời cầu nguyện của chúng ta, để Lời Chúa trở thành chính cuộc sống của chúng ta? Tất cả những điều này đáng được quan tâm tối đa - không phải về hình thức hay chỉ đơn thuần bên ngoài, nhưng là liên quan đến cuộc sống và đời nội tâm - để từng cử chỉ và lời nói của cử hành phụng vụ, khi được thể hiện cách “nghệ thuật,” sẽ hình thành nhân cách Kitô hữu của mỗi cá nhân và của cả cộng đoàn.”
Đọc tiếp »

HOÁN CẢI: TÌM CHÚA... (ĐTC Phanxicô, 06/12/2020)


“... Khía cạnh thứ hai của sự hoán cải chính là đích điểm của cuộc hành trình, nói cách khác là cuộc tìm kiếm Thiên Chúa và vương quốc của Ngài. Từ bỏ những thứ trần tục và tìm kiếm Chúa và vương quốc của Ngài. Việc từ bỏ những tiện nghi và tinh thần thế gian tự nó không phải là cùng đích, hoán cải không phải là một chủ nghĩa khổ hạnh chỉ nhằm mục đích đền tội: Kitô hữu không hành

động như một “thầy tu khổ hạnh”. Đó là một điều khác. Từ bỏ tự nó không
phải là cùng đích, mà là nhằm đạt được điều gì đó vĩ đại hơn, đó là Nước Trời, tình hiệp thông với Chúa, và tình bạn với Ngài. Nhưng điều này không dễ dàng, bởi vì có rất nhiều mối ràng buộc khiến chúng ta gắn bó với tội lỗi, và nó không phải là dễ dàng... Các cơn cám dỗ luôn lôi kéo chúng ta xuống, kéo xuống, và vì thế có những ràng buộc níu kéo chúng ta trong tội lỗi: đó là thiếu quyết tâm, chán nản, ác ý, những môi trường độc hại, và các gương mù. Đôi khi sức đẩy mà chúng ta cảm thấy muốn hướng về Chúa quá yếu và dường như Chúa im lặng; Những lời hứa an ủi của Người dường như xa vời và viển vông đối với chúng ta, giống như hình ảnh người mục tử ân cần và chu đáo, vang lên hôm nay trong trích sách Tiên tri Isaia (x. Is 40,1.11). Và sau đó lại có cám dỗ để nói rằng không thể thực sự hoán cải được. Đã bao lần chúng ta cảm thấy chán nản như thế! “Không, tôi không thể. Tôi chỉ bắt đầu được một chút rồi quay lại”. Và điều này thật tệ. Nhưng hoán cải là điều có thể, hoàn toàn có thể. Khi anh chị em có ý nghĩ nản chí như thế, đừng dừng lại ở đó, bởi vì đây là cát, nó là cát lún: anh chị em sẽ lún sâu trong sự tồn tại tầm thường. Sự tầm thường là thế này: Còn có thể làm gì trong trường hợp khi một người muốn cất bước nhưng cảm thấy rằng mình không thể? Trước hết, hãy nhớ rằng hoán cải là một ân sủng: không ai có thể hoán cải bằng chính sức lực của mình. Đó là một ân sủng mà Chúa ban cho anh chị em, và do đó chúng ta phải cầu xin Chúa một cách mạnh mẽ, hãy cầu xin Chúa hoán cải chúng ta, để chúng ta thực sự hoán cải, đến mức chúng ta có thể mở lòng mình ra đón nhận vẻ đẹp, sự tốt lành, và sự dịu dàng của Chúa. Thiên Chúa không phải là một người cha xấu, một người cha khó khăn, không phải. Ngài dịu dàng, ngài yêu chúng ta rất nhiều, như người chăn chiên lành, người tìm kiếm con cuối cùng trong đàn chiên của mình. Đó là tình yêu, và hoán cải là ân sủng từ Thiên Chúa. Anh chị em hãy tiến bước vì chính Ngài là Đấng thúc đẩy anh chị em bước đi, và anh chị em sẽ thấy Ngài đến như thế nào. Hãy cầu nguyện, hãy bước đi và anh chị em sẽ luôn tiến về phía trước.
Xin Đức Maria Rất Thánh, Đấng mà chúng ta sẽ mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày mốt, giúp chúng ta ngày càng tách mình ra khỏi tội lỗi và tinh thần thế gian, để mở lòng mình với Thiên Chúa, với lời Người, với tình yêu tái sinh và cứu độ của Người.” (ĐTC Phanxicô, 06/12/2020)
Đọc tiếp »

THINH LẶNG THÁNH (Trích Tông thư DESIDERIO DESIDERAVI, về đào tạo Phụng Vụ cho dân Chúa của ĐTC Phanxicô, 29/06/2022)


Trích Tông thư DESIDERIO DESIDERAVI, về đào tạo Phụng Vụ cho dân Chúa của ĐTC Phanxicô, 29/06/2022:
“52. Trong số các động tác nghi lễ dành cho toàn thể cộng đoàn, thinh lặng chiếm một vị trí quan trọng tuyệt đối. Động tác này được quy định rõ trong luật chữ đỏ. Toàn bộ việc cử hành Thánh Thể chìm đắm trong thinh lặng trước khi bắt đầu và đánh dấu mọi khoảnh khắc của nghi lễ đang diễn ra.
Thật vậy, mọi người thinh lặng trong nghi thức sám hối, sau lời mời gọi “Chúng ta hãy cầu nguyện”, trong Phụng vụ Lời Chúa (trước các bài đọc, giữa các bài đọc và sau bài giảng), trong Kinh nguyện Thánh Thể, sau khi hiệp lễ. Thinh lặng không phải là nơi ẩn náu để thu mình trong một kiểu cô lập nội tâm nào đó, như thể muốn rời khỏi những nghi thức làm phân tâm chia trí. Kiểu thinh lặng đó mâu thuẫn với bản chất của cử hành phụng vụ. Thinh lặng trong Phụng vụ là một điều gì đó cao siêu hơn nhiều: đây là biểu tượng của sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm sinh động toàn bộ việc cử hành.
Vì thế, thinh lặng là cao điểm của một trình tự phụng vụ. Chính vì là biểu tượng của Thánh Thần, nên thinh lặng có sức mạnh thể hiện hành động đa dạng của Thánh Thần. Theo cách này, trong những khoảnh khắc tôi vừa đề cập, thinh lặng đưa đến tâm tình đau buồn vì tội lỗi và ước muốn được hoán cải, đánh thức tâm trí sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Chúng ta thinh lặng để tôn thờ Mình và Máu Chúa Kitô. Nơi mỗi người, khi kết hiệp mật thiết với Chúa, thinh lặng gợi lên điều Thánh Thần muốn tác động trong cuộc sống để làm cho chúng ta trở nên tấm Bánh được bẻ ra. Vì tất cả những lý do đó, chúng ta được kêu gọi thực hiện thật sốt sắng phút thinh lặng như một động tác mang tính biểu tượng, để qua đó chúng ta được Chúa Thánh Thần uốn nắn.”
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

HOÁN CẢI (ĐTC Phanxicô, 20/03/2022)


“Thay vì đổ lỗi cho Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần nhìn vào bên trong mình: chính tội lỗi đã tạo ra sự chết; sự ích kỷ của chúng ta có thể làm tan vỡ các mối quan hệ; những lựa chọn sai lầm và bạo lực của chúng ta có thể gây ra cái ác. Tại thời điểm này, Chúa đưa ra giải pháp đích thực, đó là sự hoán cải: Ngài nói: “nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết

như vậy” (Lc 13,5).
Đó là một lời kêu gọi khẩn thiết, nhất là trong thời gian Mùa Chay này. Chúng ta hãy chào đón lời mời gọi ấy với một trái tim rộng mở. Chúng ta hãy từ bỏ điều ác, chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi đã quyến rũ chúng ta, chúng ta hãy mở lòng đón nhận luận lý của Tin Mừng vì nơi tình yêu và tình huynh đệ ngự trị, thì sự dữ không còn sức mạnh nào nữa!
Nhưng Chúa Giêsu biết rằng việc hoán cải không hề dễ dàng, và Ngài muốn giúp chúng ta ở đây, vì đã có quá nhiều lần chúng ta lặp lại những lỗi lầm và lặp lại cùng một tội lỗi. Chúng ta có thể trở nên chán nản, và đôi khi cam kết làm điều tốt của chúng ta dường như vô ích trong một thế giới mà cái ác dường như thống trị. Vì vậy, sau lời kêu gọi của mình, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta bằng một dụ ngôn kể về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta phải ghi nhớ sự kiên nhẫn của Thiên Chúa mà Ngài dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh an ủi về cây vả không kết trái đúng mùa, nhưng nó không bị chặt. Ngài cho nó thêm thời gian, thêm một cơ hội khác. Tôi thích nghĩ rằng một cái tên đẹp dành cho Chúa có thể là “Chúa của những cơ hội khác”: Chúa luôn cho chúng ta một cơ hội khác, luôn luôn, luôn luôn.
Lòng thương xót của Ngài là như vậy đó. Đây là cách Chúa làm việc với chúng ta. Ngài không cắt đứt tình yêu với chúng ta. Ngài không ngã lòng hay mệt mỏi trao ban cho chúng ta sự tin cậy của Ngài bằng sự dịu dàng. Thưa anh chị em, Chúa tin tưởng vào chúng ta! Chúa tin cậy chúng ta và đồng hành với chúng ta bằng sự kiên nhẫn, sự kiên nhẫn của Chúa với chúng ta. Ngài không nản lòng mà luôn truyền cho chúng ta niềm hy vọng. Thiên Chúa là Cha và chăm sóc anh chị em như một người cha. Là người cha tuyệt vời nhất, Ngài không nhìn vào những thành quả anh chị em chưa đạt được, nhưng nhìn đến những thành quả anh chị em vẫn có thể làm được. Ngài không theo dõi những thiếu sót của anh chị em nhưng Ngài khuyến khích tiềm năng của anh chị em. Ngài không chăm chăm vào quá khứ của anh chị em mà tự tin đặt cược vào tương lai của anh chị em. Điều này là do Thiên Chúa ở gần chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, Ngài gần gũi với lòng thương xót và sự dịu dàng. Bằng cách này, Thiên Chúa đồng hành với chúng ta: gần gũi, thương xót và dịu dàng.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria với tràn đầy hy vọng và lòng can đảm, và khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát được hoán cải.” (ĐTC Phanxicô, 20/03/2022)
Đọc tiếp »

HÃY NHÌN SỰ THÁNH THIÊNG TRONG LÒNG HỘI THÁNH (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cho giáo triều)


“Mùa Chay vừa qua tôi đã cố gắng làm sáng tỏ mối nguy hiểm của việc sống “etsi Christus non daretur,”, tức là “như thể Chúa Kitô chưa bao giờ tồn tại.” Tiếp tục dòng suy nghĩ này, trong các bài suy niệm Mùa Vọng năm nay, tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến một mối nguy hiểm tương tự khác: đó là việc sống “như thể Giáo hội không hơn gì” những vụ bê bối, tranh cãi, xung đột cá tính, buôn chuyện, hoặc cùng lắm chỉ hữu ích chút đỉnh về mặt xã hội. Nói tóm lại, Giáo Hội chỉ là chuyện của con người, giống như mọi thứ khác trong quá trình lịch sử.
Tôi muốn làm sáng tỏ vẻ huy hoàng bên trong của Giáo hội và đời sống Kitô. Chúng ta không được nhắm mắt trước thực tế, cũng không được trốn tránh trách nhiệm của mình; đồng thời, chúng ta cần phải đối mặt với chúng từ một góc độ đúng đắn và không để bản thân mình bị chúng đè bẹp. Chúng ta không thể mong đợi các nhà báo và các phương tiện truyền thông tính đến quan điểm của chính Giáo hội, nhưng kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu như chúng ta, những người thuộc về Giáo hội và những thừa tác viên của Tin Mừng, cuối cùng lại đánh mất đi mầu nhiệm ẩn chứa trong Giáo hội và thối lui để hành xử như người khác và luôn ở thế phòng thủ.
Nói về việc loan báo Tin Mừng, Thánh Tông đồ Phaolô viết: “Chúng ta đựng kho tàng này trong những bình sành dễ vỡ” (2Cr 4, 7). Thật là ngu ngốc khi dành toàn bộ thời gian và sức lực của chúng ta để tập trung vào “những chiếc lọ đất sét dễ vỡ” trong khi quên mất “kho báu”. Thánh Tông đồ cho chúng ta một lý do để khẳng định điều tích cực tồn tại ngay cả trong những tình cảnh như hoàn cảnh của chúng ta ngày nay. Ngài nói rằng điều này là “để có thể thấy rõ rằng quyền năng phi thường này thuộc về Thiên Chúa và không đến từ chúng ta” (2 Cr 4, 7).
Giáo Hội giống như những ô cửa kính màu của một nhà thờ lớn. (Tôi đã trải nghiệm điều này khi đến thăm nhà thờ chính tòa thành Chartres.) Nếu anh chị em nhìn vào các cửa sổ từ bên ngoài, từ đường phố, tất cả những gì anh chị em thấy là những mảnh kính đen được giữ lại với nhau bằng những dải chì sẫm màu. Nhưng nếu anh chị em đi vào bên trong và nhìn vào chính những ô cửa sổ đó với ánh sáng tràn vào, thì thật là một mảng màu rực rỡ, những câu chuyện và ý nghĩa mở ra trước mắt anh chị em! Tôi đề nghị rằng chúng ta nên nhìn Giáo hội từ bên trong, theo nghĩa sâu xa nhất của từ này, để thấy Giáo Hội dưới ánh sáng của mầu nhiệm mà Giáo Hội thủ đắc…” (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cho giáo triều)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

MỞ CỬA ĐÓN CHÚA (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa giảng tĩnh tâm Mùa Vọng 2022 cho giáo triều)


“Thưa Đức Thánh Cha, các Cha đáng kính nhất, các anh chị em của Giáo triều Rôma, tôi đã nhiều lần tự hỏi ý nghĩa và sự hữu ích của những bài giảng trong Mùa Vọng và Mùa Chay này, những bài giảng làm gián đoạn hoặc trì hoãn các công việc khác và quan trọng hơn. Điều khích lệ tôi và khiến tôi không ngại lãng phí thời gian của các vị là niềm tin rằng người ta đến với những bài giảng này
không phải để nghe ý kiến hoặc tìm giải pháp cho các vấn đề của Giáo Hội vào thời điểm này, mà để nhận được sức mạnh từ các chân lý đức tin và do đó đối mặt với mọi vấn đề một cách đúng tinh thần. Nói tóm lại, để tắm rửa – hay ít nhất là một sự sảng khoái – của niềm tin, hy vọng và lòng bác ái.
Đây là lý do tại sao tôi nghĩ đến việc chọn ba nhân đức đối thần làm chủ đề cho ba bài giảng Mùa Vọng này. Đức tin, đức cậy và đức mến là vàng, nhũ hương và mộc dược mà chúng ta, những Đạo sĩ ngày nay, muốn mang đến như một món quà dâng lên Thiên Chúa, Đấng “từ trên cao đến thăm viếng chúng ta”. Tận dụng truyền thống cổ xưa – thời giáo phụ và thời trung cổ – về các nhân đức thần học, tôi sẽ cố gắng đào sâu– càng nhiều càng tốt trong ba bài suy niệm ngắn – một đường lối hiện đại và hiện sinh, nghĩa là, đáp lại những thách thức, những sự phong phú và, đôi khi, những điều thay thế được đề xuất ngày nay đối với các đức tính thần học của Kitô giáo.
* * *
Trong lời cầu nguyện của Kitô giáo, một Thánh Vịnh luôn có âm vang lớn, có nội dung sau:
Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên,
cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính,
để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
Đức Vua vinh hiển đó là ai?
Là Thiên Chúa mạnh mẽ oai hùng
Thiên Chúa oai hùng khi xuất trận.
(Tv 24, 7-8).
Theo cách giải thích thiêng liêng của các Giáo phụ và phụng vụ, những cánh cửa được nói đến trong Thánh Vịnh là những cánh cửa của trái tim con người: “Phúc cho ai được Chúa Kitô gõ cửa”, Thánh Ambrôsiô bình luận. “Cánh cửa của chúng ta là đức tin… Nếu bạn muốn nâng cánh cửa đức tin của mình lên, thì vua vinh quang sẽ đến với bạn”. Thánh Gioan Phaolô II đã biến những lời trong Thánh Vịnh thành bản tuyên ngôn cho triều đại giáo hoàng của mình. “Hãy mở rộng những cánh cửa cho Chúa Kitô!”, ngài đã hét lên với thế giới, vào ngày bắt đầu sứ vụ mục tử toàn thể Hội Thánh của mình.
Cánh cửa lớn mà con người có thể mở hoặc đóng với Chúa Kitô là một và được gọi là tự do. Tuy nhiên, nó mở ra theo ba cách khác nhau, hay theo ba loại quyết định khác nhau mà chúng ta có thể coi là ba cánh cửa: đức tin, đức cậy và đức mến. Đây đều là những cánh cửa đặc biệt: chúng mở từ bên trong và bên ngoài cùng một lúc: bằng hai chìa khóa, một chiếc nằm trong tay con người, chiếc còn lại nằm trong tay Chúa. Con người không thể mở chúng nếu không có sự giúp đỡ của Chúa và Chúa không muốn mở những cánh cửa ấy nếu không có sự hợp tác của con người…”
Đọc tiếp »

ĐỪNG NGUYỀN RỦA, HÃY CHÚC LÀNH (ĐTC Phanxicô, 02/12/2020)


“...Chúng ta hãy nghĩ tới điều Chúa Giêsu đã làm với ông Dakêu (xem Lc 19, 1-10). Mọi người đều nhìn thấy sự xấu xa nơi ông; thay vào đó, Chúa Giêsu nhận rõ một tia sáng tốt lành, và từ sự tốt lành này - từ sự tò mò muốn nhìn thấy Chúa Giêsu này – Người đã để lòng thương xót cứu rỗi tuôn qua. Vì vậy, đầu tiên trái tim của Dakêu thay đổi, và sau đó là cuộc đời của ông. Chúa Giêsu

nhìn thấy phúc lành không thể xóa nhòa của Chúa Cha trong những người bị bác bỏ và xua đuổi. Ông là một tội nhân công khai, Ông đã làm rất nhiều điều khủng khiếp, nhưng Chúa Giêsu đã nhìn thấy dấu hiệu không thể xóa nhòa đó là phúc lành của Chúa Cha và vì điều đó, Người có lòng cảm thương. Cụm từ được lặp đi lặp lại thường xuyên trong Tin Mừng, “Người động lòng thương”, và lòng thương này dẫn Người đến việc giúp đỡ và thay đổi tấm lòng của ông. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn tiến đến chỗ đồng hóa chính Người với mọi người đang gặp khó khăn (xem Mt 25, 31-46). Trong đoạn nói về qui thức cuối cùng mà tất cả chúng ta sẽ bị phán xét, Mátthêu 25, Chúa Giêsu nói: “Ta ở đó, Ta đói, Ta trần truồng, Ta ở trong tù, Ta ở bệnh viện, Ta ở đó”.
Đối với Thiên Chúa, Đấng chúc lành cho chúng ta, chúng ta hãy đáp trả bằng lời chúc tụng - Thiên Chúa đã dạy chúng ta cách chúc tụng thì chúng ta phải chúc tụng - qua lời cầu nguyện ngợi khen, thờ lạy, cảm tạ. Sách Giáo lý viết: “Lời cầu nguyện chúc tụng là sự đáp trả của con người đối với các phúc lành của Thiên Chúa: vì Thiên Chúa chúc lành, nên trái tim con người có thể chúc tụng Đấng là nguồn mọi phúc lành” (số 2626). Cầu nguyện là niềm vui và tạ ơn. Thiên Chúa không đợi chúng ta hoán cải trước khi bắt đầu yêu thương chúng ta, nhưng Người đã yêu chúng ta từ rất lâu trước đó, khi chúng ta vẫn còn sống trong tội lỗi.
Chúng ta không thể không chúc tụng đấng Thiên Chúa này, Đấng vốn chúc lành cho chúng ta; chúng ta phải chúc lành cho mọi người trong Người, hết mọi người, chúc tụng Thiên Chúa và chúc lành cho anh chị em của chúng ta, chúc lành cho thế giới - và đây là gốc rễ của tính hiền lành Kitô giáo, khả năng cảm thấy được chúc lành và khả năng chúc lành.
Nếu tất cả chúng ta đều làm điều này, chiến tranh chắc chắn sẽ không hiện hữu. Thế giới này cần chúc lành, và chúng ta có thể ban chúc lành và nhận chúc lành.
Chúa Cha yêu thương chúng ta. Điều duy nhất còn lại đối với chúng ta là niềm vui được chúc tụng Người, và niềm vui được cảm ơn Người, và học từ Người không phải nguyền rủa, nhưng chúc lành. Xin nói với những người hay nguyền rủa, những người có thói quen nói xấu, nghĩ xấu, nói lời thâm độc, hãy lưu ý rằng chúng ta còn phạm phải điều này không, và nếu có, hãy xin Chúa ban ơn để thay đổi thói quen này, bởi vì chúng ta có một trái tim đã được chúc lành và những lời nguyền rủa không thể xuất phát từ một trái tim đã được chúc lành. Xin Chúa dạy chúng ta đừng bao giờ nguyền rủa, nhưng hãy chúc lành.” (ĐTC Phanxicô, 02/12/2020)
Đọc tiếp »

SỰ BẤP BÊNH CỦA CUỘC ĐỜI (Suy niệm mùa vọng của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng, ngày 04/12/2020)


“Tại thời điểm này trong cuộc sống của chúng ta, toàn thể nhân loại đang trải qua cùng cái cảm giác bấp bênh và bất định do đại dịch coronavirus gây ra.
“Như thánh Grêgôriô Cả đã viết: ‘Chúa đôi khi hướng dẫn chúng ta bằng lời nói, và đôi khi Ngài chỉ đường cho chúng ta bằng các sự kiện’. Trong năm được đánh dấu bằng ‘sự kiện’ coronavirus

choáng ngợp và kinh hoàng này, chúng ta hãy cố gắng rút ra từ đó giáo huấn cho cuộc sống cá nhân và tinh thần của riêng mình. Chúng ta chỉ có thể chia sẻ những suy tư này giữa những tín hữu, vì sẽ hơi thiếu khôn ngoan nếu đề xuất những suy tư ấy với tất cả mọi người mà không có sự phân biệt, vì làm thế sẽ làm tăng thêm sự bất an đối với đức tin vào Chúa mà đại dịch gây ra ở một số người.
Những chân lý vĩnh cửu mà chúng ta muốn tập trung vào trong những suy tư của mình là: Thứ nhất, chúng ta chỉ là người phàm, và ‘chúng ta không có thành trì bền vững trên trái đất này’ (Dt 13, 14); Thứ hai, cuộc sống đó không kết thúc bằng cái chết, bởi vì cuộc sống vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta; Thứ ba, chúng ta không cô đơn đối diện với những đợt sóng trên con thuyền nhỏ hành tinh chúng ta vì ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.’ (Ga 1,14)...
“Xin dạy chúng con biết đếm ngày tháng của mình, để chúng con có được sự khôn ngoan trong lòng’, như tác giả Thánh Vịnh cầu xin Chúa (Tv 90, 12). Cách nhìn về cái chết này không chỉ giới hạn trong Cựu Ước, nhưng còn được tiếp tục trong Tin Mừng của Chúa Kitô. Chúng ta hãy nhớ lời cảnh báo của Người: ‘Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào’ (Mt 25,13), câu kết trong dụ ngôn người giàu có lo toan xây các kho lẫm lớn hơn cho mùa thu hoạch là: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? (Lc 12, 20), và một lần nữa Chúa Giêsu nói: ‘nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?’(x. Mt 16,26)...
Với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã vô hiệu hóa cái chết của chính mình. Chúng ta cũng có thể làm tương tự. Trên thực tế, Chúa Giêsu đã phát minh ra phương tiện này để khiến chúng ta tham gia vào cái chết của Ngài, để hợp nhất chúng ta với chính Ngài. Theo thuật ngữ của Thánh Alphonsô đệ Liguori, tham dự Bí tích Thánh Thể là cách thức chân thực, chính xác và hiệu quả nhất để ‘chuẩn bị’ cho cái chết,. Trong đó, chúng ta cũng cử hành cái chết của chính mình, và ngày ngày chúng ta dâng cái chết của chúng ta lên Chúa Cha. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể dâng lên Chúa Cha tiếng ‘amen’, tiếng ‘xin vâng’ của chúng ta đối với những gì đang chờ đợi chúng ta, đối với kiểu chết mà Người muốn dành cho chúng ta. Trong đó, chúng ta viết “di chúc của chúng ta”: chúng ta quyết định chúng ta muốn từ giã cuộc sống của mình cho ai, chúng ta muốn chết cho ai...
Nhờ lòng trung tín của Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời.” (Suy niệm mùa vọng của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng, ngày 04/12/2020)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.