Ads 468x60px

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

SỰ BẤP BÊNH CỦA CUỘC ĐỜI (Suy niệm mùa vọng của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng, ngày 04/12/2020)


“Tại thời điểm này trong cuộc sống của chúng ta, toàn thể nhân loại đang trải qua cùng cái cảm giác bấp bênh và bất định do đại dịch coronavirus gây ra.
“Như thánh Grêgôriô Cả đã viết: ‘Chúa đôi khi hướng dẫn chúng ta bằng lời nói, và đôi khi Ngài chỉ đường cho chúng ta bằng các sự kiện’. Trong năm được đánh dấu bằng ‘sự kiện’ coronavirus

choáng ngợp và kinh hoàng này, chúng ta hãy cố gắng rút ra từ đó giáo huấn cho cuộc sống cá nhân và tinh thần của riêng mình. Chúng ta chỉ có thể chia sẻ những suy tư này giữa những tín hữu, vì sẽ hơi thiếu khôn ngoan nếu đề xuất những suy tư ấy với tất cả mọi người mà không có sự phân biệt, vì làm thế sẽ làm tăng thêm sự bất an đối với đức tin vào Chúa mà đại dịch gây ra ở một số người.
Những chân lý vĩnh cửu mà chúng ta muốn tập trung vào trong những suy tư của mình là: Thứ nhất, chúng ta chỉ là người phàm, và ‘chúng ta không có thành trì bền vững trên trái đất này’ (Dt 13, 14); Thứ hai, cuộc sống đó không kết thúc bằng cái chết, bởi vì cuộc sống vĩnh cửu đang chờ đợi chúng ta; Thứ ba, chúng ta không cô đơn đối diện với những đợt sóng trên con thuyền nhỏ hành tinh chúng ta vì ‘Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.’ (Ga 1,14)...
“Xin dạy chúng con biết đếm ngày tháng của mình, để chúng con có được sự khôn ngoan trong lòng’, như tác giả Thánh Vịnh cầu xin Chúa (Tv 90, 12). Cách nhìn về cái chết này không chỉ giới hạn trong Cựu Ước, nhưng còn được tiếp tục trong Tin Mừng của Chúa Kitô. Chúng ta hãy nhớ lời cảnh báo của Người: ‘Anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào’ (Mt 25,13), câu kết trong dụ ngôn người giàu có lo toan xây các kho lẫm lớn hơn cho mùa thu hoạch là: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? (Lc 12, 20), và một lần nữa Chúa Giêsu nói: ‘nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?’(x. Mt 16,26)...
Với việc thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã vô hiệu hóa cái chết của chính mình. Chúng ta cũng có thể làm tương tự. Trên thực tế, Chúa Giêsu đã phát minh ra phương tiện này để khiến chúng ta tham gia vào cái chết của Ngài, để hợp nhất chúng ta với chính Ngài. Theo thuật ngữ của Thánh Alphonsô đệ Liguori, tham dự Bí tích Thánh Thể là cách thức chân thực, chính xác và hiệu quả nhất để ‘chuẩn bị’ cho cái chết,. Trong đó, chúng ta cũng cử hành cái chết của chính mình, và ngày ngày chúng ta dâng cái chết của chúng ta lên Chúa Cha. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta có thể dâng lên Chúa Cha tiếng ‘amen’, tiếng ‘xin vâng’ của chúng ta đối với những gì đang chờ đợi chúng ta, đối với kiểu chết mà Người muốn dành cho chúng ta. Trong đó, chúng ta viết “di chúc của chúng ta”: chúng ta quyết định chúng ta muốn từ giã cuộc sống của mình cho ai, chúng ta muốn chết cho ai...
Nhờ lòng trung tín của Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời.” (Suy niệm mùa vọng của Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng, ngày 04/12/2020)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.