Ads 468x60px

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

DOMINE QUO VADIS ?


DOMINE QUO VADIS ?
Vì quên đưa hình viếng nhà thờ nơi thánh Phêrô chạy trốn bách hại gặp Thầy Giêsu vác thập giá vào thành Rôma, thánh nhân hỏi “Thưa Thầy, Thầy đi đâu ? Domine Quo Vadis ?” Thầy vác thập giá vô Roma chết một lần nữa vì môn đệ trốn…
Đây là câu chuyện Đức Cha kể trong tuần hiệp hành đánh động mình, thắng cám dỗ trốn sứ vụ… nay bổ túc đưa vào, chỉ tiếc ghé hai lần mà không biết có dấu chân Phêrô đi ra, Chúa đi vào… chắc phải qua

coi lại.
Lạy thánh Phêrô, thầy đã sợ, đã trốn nhưng sau này can đảm, không chỉ chịu đóng đinh mà đóng đinh ngược. Xin giúp con khi sợ, khi sắp chìm, khi muốn trốn… biết can đảm lên.
Đọc tiếp »

MỪNG BỔN MẠNG PHÊRÔ PHAOLÔ


MỪNG BỔN MẠNG PHÊRÔ PHAOLÔ
Mừng đại lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, xin nhớ lại đã thăm nhà thánh Bổn mạng Phêrô và tượng ngài ở biển hồ Galilê-Israel, mộ và tượng ngài ở đền thờ thánh Phêrô-Rôma-Italia, đền thờ thánh Phaolô nơi có mộ ngài…
Xin hai thánh cầu cùng Chúa cho chúng con được ân sủng đổi mới: từ tội nhân thành tông đồ, như xưa Chúa đã biến các ngài là người chối Chúa ba lần, giết hại những người tin Chúa… thành tông đồ vĩ đại, trụ cột xây dựng Hội Thánh Chúa.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

CHA MẸ: CHỨNG TÁ ƠN GỌI GIA ĐÌNH (ĐTC Phanxicô, 25/06/2022)


Việc cha mẹ suy tư về cách hành động của Thiên Chúa thật quan trọng biết bao! Thiên Chúa yêu thương người trẻ, nhưng điều đó không có nghĩa là Người bảo vệ họ khỏi mọi rủi ro, khỏi mọi thử thách và mọi đau khổ. Thiên Chúa không lo lắng và bảo vệ quá mức; trái lại, Người tin tưởng những người trẻ và kêu gọi mỗi người vươn đến tầm cao của cuộc đời và sứ mạng. Chúng ta hãy

nghĩ về cậu bé Samuel, chàng thiếu niên Đavít hay chàng trai trẻ Giêrêmia; trên hết, chúng ta hãy nghĩ đến Đức Trinh Nữ Maria.
Quý vị cha mẹ thân mến, Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường: đừng che chở cho con cái mình khỏi những khó khăn và đau khổ dù là nhỏ nhất, nhưng cố gắng truyền đạt cho chúng niềm đam mê sống, khơi dậy trong chúng khát vọng khám phá ơn gọi của mình và đón nhận sứ mạng vĩ đại mà Thiên Chúa dành cho họ. Chính khám phá đó đã làm cho ngôn sứ Êlisê can đảm và quyết tâm; nó đã giúp ngài trở thành một người lớn. Quyết định bỏ lại cha mẹ và hy sinh những con bò là một dấu hiệu cho thấy ngôn sứ Êlisê nhận ra rằng giờ đã đến lúc "tùy thuộc vào ngài", rằng đã đến lúc chấp nhận lời kêu gọi của Thiên Chúa và tiếp tục công việc của thầy mình. Ngài sẽ thực hiện điều này cách can đảm đến cuối đời. Các bậc cha mẹ thân mến, nếu anh chị em giúp con cái khám phá và chấp nhận ơn gọi của chúng, anh chị em sẽ thấy rằng chúng cũng sẽ bị "nắm chặt" bởi sứ mạng này; và chúng sẽ tìm thấy sức mạnh cần thiết để đối đầu và vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Tôi muốn nói thêm rằng, đối với các nhà giáo dục, cách tốt nhất để giúp người khác tiếp nối ơn gọi của họ là đón nhận ơn gọi của chính mình với tình yêu trung thành. Đó là điều mà các môn đệ đã thấy Chúa Giêsu làm. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một khoảnh khắc tiêu biểu khi Chúa Giêsu "quyết định lên đường đi lên Giêrusalem" (Lc 9,51), dù biết rõ rằng ở đó Người sẽ bị kết án và bị giết. Trên đường đi Giêrusalem, Chúa Giêsu vấp phải sự từ chối của cư dân Samaria, điều này làm dấy lên phản ứng phẫn nộ của Giacôbê và Gioan, nhưng Người chấp nhận sự từ chối đó, vì đó là một phần ơn gọi của Người. Ngay từ đầu, Chúa đã bị từ chối, đầu tiên là ở Nadarét, bây giờ là ở Samaria, và Người sắp bị từ chối ở Giêrusalem. Chúa Giêsu đã chấp nhận tất cả, vì Người đã đến để gánh lấy tội lỗi của chúng ta.
Tương tự như vậy, không gì có thể khích lệ con cái hơn là nhìn xem cha mẹ của họ sống cuộc sống hôn nhân và gia đình như một sứ mạng, thể hiện lòng chung thủy và sự kiên nhẫn bất chấp khó khăn, lúc đau buồn và khi thử thách. Những gì Chúa Giêsu gặp phải tại Samaria diễn ra trong mọi ơn gọi Kitô hữu, kể cả ơn gọi gia đình. Có những lúc chúng ta phải gánh lấy sự phản kháng, chống đối, từ chối và hiểu lầm xuất phát từ trái tim con người, và với ân sủng của Chúa Kitô, hãy biến những điều này thành việc đón nhận người khác và thành tình yêu nhưng không.” (ĐTC Phanxicô, 25/06/2022)
Đọc tiếp »

CHÚA GIÊSU CỨU CHỮA… (ĐTC Phanxicô, 27/06/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay trong bài Tin Mừng (x. Mc 5,21-43) Chúa Giêsu đối diện với hai hoàn cảnh bi đát nhất của chúng ta là cái chết và bệnh tật. Ngài giải thoát hai người khỏi các hoàn cảnh bi thảm này: một bé gái, là người vừa chết khi cha cô chạy đi cầu xin sự giúp đỡ của Chúa Giêsu; và một phụ nữ, bị mất máu nhiều năm.
Chúa Giêsu cảm động trước sự đau khổ và cái chết của chúng ta, và Ngài làm ra hai dấu chỉ chữa lành để cho chúng ta biết rằng cả đau khổ và sự chết đều không có tiếng nói cuối cùng. Ngài nói với chúng ta rằng chết không phải là hết. Ngài đánh bại kẻ thù này, kẻ thù mà một mình chúng ta mà thôi thì không thể giải phóng được mình.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này, thời điểm mà bệnh tật vẫn là trung tâm của các bản tin, chúng ta nên tập trung vào một dấu chỉ khác, đó là sự chữa lành cho người phụ nữ bị mắc chứng xuất huyết. Không chỉ có vấn đề về sức khỏe mà thôi, tình cảm của cô ấy cũng đã bị tổn hại. Tại sao? Cô bị xuất huyết và do đó, theo suy nghĩ của người thời đó, cô bị coi là người không trong sạch. Cô ấy là một phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội; cô ấy không thể có những mối quan hệ ổn định; cô ấy không thể có chồng; cô ấy không thể có một gia đình, và không thể có những mối quan hệ xã hội bình thường, bởi vì cô ấy “không trong sạch”, một căn bệnh đã khiến cô ấy “không trong sạch”. Cô sống cô đơn, với một trái tim đầy vết thương.
Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là gì? Bệnh lao chăng? Đại dịch chăng? Thưa: Không phải như thế. Căn bệnh lớn nhất của cuộc đời là thiếu tình yêu; là không thể yêu. Người phụ nữ tội nghiệp này bị bệnh, vâng, vì mất máu, nhưng kết quả là, thiếu tình yêu thương, vì cô ấy không thể ở bên người khác trong xã hội. Và sự chữa lành ngoạn mục nhất là sự chữa lành về tình cảm. Nhưng làm thế nào để chúng ta tìm thấy sự chữa lành? Chúng ta có thể nghĩ về những người chúng ta thương mến: họ có bị bệnh không hay đang có sức khỏe tốt? Nếu họ mắc bệnh, Chúa Giêsu có thể chữa lành cho họ…” (ĐTC Phanxicô, 27/06/2021)
Đọc tiếp »

ĐỪNG XÉT ĐOÁN, HÃY YÊU THƯƠNG (ĐTC Phanxicô, 27/06/2021)


“…Chúa Giêsu không hờ hững nhìn chung chung như chúng ta, nhưng Ngài nhìn vào từng cá nhân. Ngài không dừng lại ở những vết thương và sai lầm của quá khứ, mà còn vượt lên trên những tội lỗi và định kiến. Tất cả chúng ta đều có một lịch sử, và mỗi người chúng ta, trong bí mật của mình, đều biết rõ những vấn đề xấu xa trong lịch sử của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu đã nhìn vào đó để

chữa lành.
Trái lại, chúng ta thích nhìn những vấn đề xấu xa của người khác. Biết bao lần khi trò chuyện, chúng ta lại rơi vào tình trạng huyên thuyên nói xấu người khác, “xỉa xói” người khác. Nhưng này: làm như thế thì đi đến đâu? Chúng ta thường không hành động như Chúa Giêsu, Đấng luôn nhìn vào những cách thế để cứu chúng ta; Ngài nhìn vào ngày hôm nay; Ngài không nhìn vào lịch sử xấu xa mà chúng ta có. Chúa Giêsu vượt lên trên tội lỗi. Chúa Giêsu vượt ra ngoài những định kiến. Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở những vẻ bề ngoài, nhưng đi đến tận thẳm sâu trái tim. Và Ngài chữa lành hoà toàn cho cô ấy, là người đã bị mọi người khước từ như một người phụ nữ không trong sạch. Ngài dịu dàng gọi cô là “con” (câu 34) - phong cách của Chúa Giêsu là gần gũi, từ bi và dịu dàng: “Này con” - và Ngài ca ngợi đức tin của cô, khôi phục sự tự tin cho cô.
Anh chị em đang hiện diện ở đây thân mến, hãy để Chúa Giêsu nhìn vào và chữa lành trái tim anh chị em. Tôi cũng phải làm điều này: là để Chúa Giêsu nhìn vào trái tim tôi và chữa lành nó. Và nếu anh chị em đã cảm thấy sự dịu dàng khi Ngài nhìn vào anh chị em, hãy bắt chước Ngài, và làm như Ngài đã làm. Nhìn xung quanh: anh chị em sẽ thấy rằng nhiều người sống bên cạnh anh chị em cảm thấy bị thương và cô đơn; họ cần cảm thấy được yêu thương: hãy thực hiện từng bước.
Chúa Giêsu yêu cầu anh chị em một cái nhìn không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, nhưng đi vào trái tim: một cái nhìn không phán xét, nhưng chào đón - chúng ta hãy ngừng phán xét người khác - Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta một cái nhìn không phán xét. Vì chỉ tình yêu mới có thể hàn gắn cuộc đời. Xin Đức Mẹ, Đấng An Ủi những người đau khổ, giúp chúng ta có thể vuốt ve những người có trái tim bị tổn thương mà chúng ta gặp trên hành trình của mình. Và đừng phán xét; đừng phán xét thực tế cá nhân, xã hội của người khác. Chúa yêu tất cả mọi người! Đừng phán xét; hãy để người khác sống và cố gắng tiếp cận họ bằng tình yêu thương.” (ĐTC Phanxicô, 27/06/2021)
Đọc tiếp »

VINH QUANG THIÊN CHÚA LÀ CON NGƯỜI SỐNG (Thánh Irênê, lễ nhớ 28/06)


“Vinh quang của Thiên Chúa làm cho sống, nên ai thấy Thiên Chúa thì đón nhận được sự sống. Vì thế, Đấng mà loài người không thể dò thấu, không thể lãnh hội, không thể thấy được thì lại tỏ mình ra cho họ thấy, cho họ lãnh hội và dò thấu, để ban sự sống cho những ai đón nhận và thấy Người. Vì không thể sống mà không có sự sống, nên sự sống chỉ tồn tại khi nó thông phần vào sự sống của Thiên Chúa, mà thông phần vào sự sống của Thiên Chúa là được thấy Thiên Chúa và vui hưởng lòng nhân hậu của Người…
Thật vậy, con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa. Quả thế, nếu việc Thiên Chúa được nhận biết qua thụ tạo đã mang lại sự sống cho mọi kẻ hiện hữu trên mặt đất, thì việc Chúa Cha được nhận biết qua Ngôi Lời càng mang lại sự sống hơn biết bao cho những ai nhìn thấy Thiên Chúa.”
Đọc tiếp »

Thứ ba, Tuần XIII- Mùa TN



Đọc tiếp »

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

THA THỨ TRONG GIA ĐÌNH (ĐTC Phanxicô, 22/06/2022)


“Anh chị em thân mến,
Sự tha thứ chữa lành mọi vết thương. Tha thứ là một món quà được tuôn trào từ ân sủng mà Chúa Kitô ban tràn trên mỗi cặp vợ chồng và mọi gia đình khi chúng ta để cho Người hành động, và khi chúng ta hướng về Người. Thật tuyệt vời khi các bạn đã cử hành “Ngày lễ tha thứ” với con cái, và làm mới lời thề hứa hôn nhân của mình trong cử

hành Thánh Thể. Điều này làm tôi liên tưởng đến bữa tiệc mà người cha tổ chức cho đứa con hoang đàng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15, 20-24). Chỉ có điều, lần này người đi lạc là cha mẹ, chứ không phải đứa con! "Cha mẹ hoang đàng". Tuy nhiên, điều này cũng thật thú vị, và có thể là một chứng tá tuyệt vời đối với con cái.
Trên thực tế, những đứa trẻ, ngay từ khi còn thơ bé, đã bắt đầu nhận ra rằng cha mẹ của chúng không phải là “siêu nhân”; không toàn năng, và trên tất cả, không hoàn hảo. Và con cái các bạn đã thấy điều gì đó quan trọng hơn nhiều nơi các bạn: chúng thấy được sự khiêm nhường cầu xin sự tha thứ và sức mạnh mà các bạn nhận được từ Thiên Chúa để đứng dậy sau khi vấp ngã. Trẻ em thực sự cần điều này! Trên thực tế, chúng cũng sẽ phạm sai lầm trong cuộc sống, và rồi sẽ khám phá ra rằng chúng cũng không hoàn hảo, nhưng chúng sẽ nhớ rằng Đức Chúa nâng chúng ta lên, rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân được tha thứ, rằng chúng ta phải cầu xin người khác tha thứ, và rằng chúng ta cũng phải tha thứ cho chính mình. Bài học này con cái các bạn học được từ các bạn sẽ còn mãi trong trái tim chúng. Và chúng tôi cũng rất vui khi lắng nghe các bạn. Cảm ơn các bạn về chứng tá về ​​sự tha thứ này!” (ĐTC Phanxicô, 22/06/2022)
Đọc tiếp »

TRÁNH LỜI RAO GIẢNG GÂY CHIA RẼ (ĐTC Phanxicô, 23/06/2021)


“Người Galát thấy mình đang ở trong một tình huống khủng hoảng. Họ đã phải làm gì? Lắng nghe và làm theo những gì Thánh Phaolô đã rao giảng cho họ, hay lắng nghe những người mới rao giảng đã buộc tội ngài?
Ta dễ dàng hình dung được trạng thái bất an đang tràn ngập trong lòng họ. Đối với họ, được biết Chúa Giêsu và tin vào công cuộc cứu rỗi được thực hiện bởi cái chết và sự phục sinh của Người, thực sự là khởi đầu của một cuộc sống mới, một cuộc sống tự do. Họ đã dấn thân vào một con đường cho phép họ được tự do, bất chấp sự kiện là lịch sử của họ đan xen với nhiều hình thức nô lệ bạo lực, đặc biệt là đã từng khiến họ phải phục tùng hoàng đế Rôma. Do đó, đối diện với những lời chỉ trích từ những người rao giảng mới, họ cảm thấy lạc lõng và không biết phải cư xử ra sao: “Nhưng ai đúng? Ông Phaolô này, hay những người này bây giờ đến dạy những điều khác? Tôi nên lắng nghe ai đây?” Nói tóm lại, có rất nhiều điều đang bị đe dọa!
Tình trạng trên không xa lạ gì với kinh nghiệm của nhiều Kitô hữu ngày nay. Thật vậy, ngày nay cũng không thiếu những người rao giảng, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông mới, có thể làm xáo trộn các cộng đồng. Họ tự trình bày họ chủ yếu không như những người đến để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người nơi Chúa Giêsu, chịu Đóng đinh và Phục sinh, nhưng để khẳng định, với tư cách là “những người duy trì chân lý” đích thực, họ tự gọi họ như thế, và cho đó là cách tốt nhất để trở thành Kitô hữu. Họ còn khẳng định mạnh mẽ rằng Kitô giáo đích thực là đạo được họ theo, thường được đồng nhất với một số hình thức nào đó của quá khứ, và giải pháp cho những khủng hoảng ngày nay là quay trở lại để không đánh mất tính chân chính của đức tin.
Ngày nay, cũng như lúc ấy, luôn có cơn cám dỗ muốn khép mình vào một số điều chắc chắn có được từ truyền thống quá khứ. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể nhận ra những người này? Thí dụ, một trong những dấu vết của lối tiến hành này là tính thiếu linh hoạt. Đối diện với việc rao giảng Tin Mừng giúp chúng ta được tự do, giúp chúng ta vui vẻ, những người này cứng ngắc. Luôn cứng ngắc: bạn phải làm thế này, bạn phải làm thế kia… Tính không linh hoạt là đặc trưng của những người này.
Làm theo lời dạy của Thánh tông đồ Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galát sẽ giúp chúng ta hiểu được con đường phải đi. Con đường được Thánh Tông đồ chỉ ra là con đường giải phóng và luôn luôn mới của Chúa Giêsu, chịu Đóng đinh và Phục sinh; đó là con đường công bố, đạt được nhờ sự khiêm nhường và tình huynh đệ; còn những người rao giảng chia rẽ không biết khiêm nhường là gì, tình huynh đệ là gì, không biết tin cậy nhu mì và vâng lời là gì. Rao giảng như thánh Phaolô là những người biết nhu mì hay vâng lời. Và cách thức nhu mì và vâng lời này dẫn ta tin chắc rằng Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội mọi thời đại. Cuối cùng, đức tin vào Chúa Thánh Thần hiện diện trong Giáo hội đem chúng ta lên phía trước và sẽ cứu chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 23/06/2021)
Đọc tiếp »

Thứ hai, Tuần XIII- Mùa TN



Đọc tiếp »

ĐẠI HỘI QUỐC TẾ GIA ĐÌNH X (2)


Chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện với lời kinh vang lên trong ngày 23/06/2022, tại hội trường Phaolô VI, Roma, lúc 19g00 để cùng với các gia đình, cầu nguyện cho các gia đình:
“Lạy Cha Chí Thánh, chúng con hiện diện nơi đây trước tôn nhan Cha để ca tụng và cảm tạ Cha về hồng ân cao trọng của gia đình. Chúng con cầu nguyện cho các gia đình đã được thánh hiến trong Bí tích Hôn Nhân...
Chúng con cầu nguyện cho các gia đình đang gặp khó khăn, đau khổ, bệnh tật mà chỉ mình Cha biết...
Chúng con cầu nguyện cho các trẻ em và những người trẻ để họ có thể gặp Cha và đáp lại với niềm hân hoan về ơn gọi mà Cha đã muốn nơi họ.
Chúng con cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà để các ngài nhận biết sự hiện hữu của các ngài là dấu chỉ về tình phụ tử và mẫu tử của Thiên Chúa...
Lạy Chúa, xin hãy làm cho mỗi gia đình có thể sống ơn gọi nên thánh trong Giáo Hội... Xin Chúa chúc lành cho cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đinh. Amen”.
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2022

LÒNG NGAY THẤY CHÚA (Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô, giám mục Nít-xê)


“Trong đời sống con người, thân xác được khoẻ mạnh là một điều tốt ; nhưng thật là hạnh phúc nếu vừa biết sức khoẻ là gì lại vừa thật sự được khoẻ mạnh. Thật thế, ai luôn ca tụng sức khoẻ, mà cứ ăn những thứ làm cho máu ra xấu và sinh bệnh, thì thử hỏi những lời ca tụng sức khoẻ kia có ích gì cho họ đang khi họ bị bệnh tật giày vò ? Ta cũng phải hiểu như thế về lời giảng dạy đã được trình bày, nghĩa là Chúa không bảo người biết được điều gì đó về Thiên Chúa là người có phúc, nhưng là người có Thiên Chúa ngự trong mình. Chúa nói : Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Vì vậy tôi không nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ để cho người có con mắt linh hồn đã được thanh luyện nhìn thấy Người gần như trực diện ; nhưng có thể lời nói cao cả kia muốn gợi cho ta nhớ một lời khác rõ ràng hơn. Lời đó là : Triều đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông. Sở dĩ như thế là để dạy ta biết rằng : Ai thanh luyện lòng mình cho khỏi vương vấn thụ tạo và những tình cảm xấu xa, người ấy sẽ được nhìn ngắm hình ảnh bản tính Thiên Chúa trong vẻ xinh đẹp của lòng mình…
Vậy nếu bạn lại tẩy xoá các vết nhơ dính đầy lòng bạn bằng một đời sống chuyên cần và chăm chỉ, thì vẻ đẹp của Thiên Chúa sẽ sáng ngời nơi bạn. Cũng như thông thường một thanh sắt trước kia đen sì, sau khi được mài cho sạch mọi gỉ sét, sẽ sáng loáng dưới ánh mặt trời, thì cũng vậy, con người nội tâm mà Chúa gọi là lòng, một khi được tẩy sạch các vết nhơ làm cho linh hồn ra hư hỏng vì cách ăn nết ở xấu xa, con người ấy sẽ phục hồi được hình ảnh nguyên thuỷ và trở nên tốt lành…
Thiên Chúa là Đấng trong sạch, không hề vấn vương nết xấu hay dục vọng nào và hoàn toàn xa lạ với sự dữ. Vậy nếu bạn được như thế, thì hẳn bạn đã có Thiên Chúa ở trong bạn rồi. Vậy khi tâm hồn bạn trong trắng không nhiễm phải thói hư tật xấu, thanh thoát chẳng vấn vương tục luỵ và hoàn toàn không dính bén mùi đời, thì bạn thật là diễm phúc vì bạn có cái nhìn sâu sắc và tinh tường.
Quả thế, điều người ta không thấy vì không được thanh tẩy, thì bạn thấy vì bạn đã được thanh tẩy. Một khi con mắt linh hồn bạn không còn bị vật chất làm cho ra tối tăm mù mịt, bạn sẽ được hưởng kiến Thánh Nhan tỏ tường trong cõi lòng thanh thản và trong sạch của bạn. Nhưng, điều ấy nghĩa là gì ? Thưa, đó là sự thánh thiện, trong sạch, đơn sơ : tất cả những điều như thế là ánh quang huy hoàng của bản tính Thiên Chúa làm cho chúng ta nhìn thấy Người.”
Đọc tiếp »

MỤC VỤ BỊ CHỐNG PHÁ (ĐTC Phanxicô, 23/06/2021)


“Điều chúng ta cần lưu ý là mối quan tâm mục vụ của Thánh Phaolô, tất cả đều bừng lửa. Sau khi thành lập các Giáo hội này, ngài nhận thức được mối nguy lớn đối với sự phát triển đức tin của họ - mục tử giống như một người cha hay một người mẹ ngay lập tức nhận thức được những nguy hiểm đối với con cái họ. Chúng phát triển, và những nguy hiểm tự xuất hiện. Như ai đó đã nói, "Những con kền kền đến gây tàn phá trong cộng đồng".
Thật vậy, một số Kitô hữu xuất thân từ đạo Do Thái đã xâm nhập vào các Giáo Hội này, và bắt đầu gieo rắc những lý thuyết trái ngược với lời dạy của Thánh Tông đồ, thậm chí còn bôi nhọ ngài. Họ bắt đầu với giáo lý - "Không với điều này, có với điều kia", và sau đó họ phỉ báng Thánh Tông đồ. Đó là phương pháp thông thường: phá hoại thẩm quyền của Thánh Tông đồ. Như chúng ta có thể thấy, đôi khi tự cho mình là người sở hữu duy nhất sự thật, sự trong sáng và nhằm mục đích coi thường công việc của người khác, ngay cả với những lời vu khống là một thói quen cổ xưa. Những người chống đối Thánh Phaolô cho rằng ngay cả dân ngoại cũng phải chịu phép cắt bì và sống theo các quy định của Luật Môsê. Họ quay trở lại với những tuân ngiữ trước đây, những tuân giữ đã được Tin Mừng thay thế.
Do đó, người Galát phải từ bỏ bản sắc văn hóa của mình để qui phục các chuẩn mực, quy định và phong tục đặc trưng của người Do Thái. Không những thế, những người chống đối còn lập luận rằng Thánh Phaolô không phải là tông đồ thực sự và do đó không có thẩm quyền để rao giảng Tin Mừng. Chúng ta hãy nghĩ xem cách họ hành động tại một số cộng đồng hoặc giáo phận Kitô giáo, trước tiên, họ bắt đầu bằng những câu chuyện, và sau đó họ kết thúc bằng cách làm mất uy tín của linh mục hoặc giám mục. Đó chính là con đường của kẻ ác, của những kẻ chia rẽ, không biết xây dựng. Và trong Thư gửi tín hữu Galát, chúng ta thấy rõ diễn trình này… “ (ĐTC Phanxicô, 23/06/2021)
Đọc tiếp »

CHÚA NHẬT XIII-TN C



Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2022

LỊCH MỤC VỤ THÁNG 7-2022

Đọc tiếp »

ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH THẾ GIỚI X (Web HĐGMVN)


“Đại hội Gia đình Thế giới lần thứ X với chủ đề “Tình yêu gia đình: Ơn gọi và Con đường nên Thánh” do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức đã được khai mạc hôm 22/6/2022 tại Roma. Đại hội qui tụ khoảng 2.000 đại biểu chính thức của các hội đồng giám mục, các hiệp hội gia đình Công giáo, và các phong trào từ 120 quốc gia. Các chương trình cũng được hàng triệu người tham gia trực tuyến, hoặc theo sáng kiến của các Giáo hội ​​địa phương trên khắp thế giới…

Đời sống hôn nhân và gia đình là con đường dẫn đến sự thánh thiện, nhưng lại là một lộ trình đầy dẫy khó khăn. Do đó, ĐTC huấn dụ :
- Hãy tiến lên một bước, dù là nhỏ bé.
- Hãy bắt đầu từ vị trí của bạn, và từ đó, hãy cố gắng cùng nhau dấn bước hành trình: cùng nhau như những cặp vợ chồng, cùng nhau trong gia đình của bạn, cùng với những gia đình khác, và cùng với Giáo hội.

- Đừng bao giờ quên rằng sự gần gũi là “phong cách” của Thiên Chúa, sự gần gũi và tình yêu dịu dàng.
- Với ân sủng của bí tích, Thiên Chúa biến hôn nhân thành một cuộc hành trình tuyệt vời để được đi cùng với Ngài, không bao giờ đơn độc.
- Chúng ta có thể có những ước mơ đáng yêu nhất, những lý tưởng cao cả nhất, nhưng cuối cùng, chúng ta khám phá ra những giới hạn của chính mình, mà tự mình, chúng ta không thể vượt qua được, nhưng cần mở lòng ra với Thiên Chúa, với tình yêu và ân sủng của Ngài…
- Sống trong gia đình cùng với những người khác với mình, chúng ta học cách trở thành anh chị em. Chúng ta học cách vượt qua sự chia rẽ, định kiến ​​và hẹp hòi, để cùng nhau xây dựng một điều gì đó vĩ đại, đẹp đẽ, trên cơ sở về những điểm chung của chúng ta.
- Mỗi gia đình đều có một sứ mệnh phải thực hiện trong thế giới, một chứng tá để đưa ra… Chúng ta hãy tự vấn: Lời mà Thiên Chúa muốn nói qua cuộc sống của chúng ta với những người chúng ta gặp gỡ là gì? Hôm nay Thiên Chúa đang yêu cầu gia đình chúng ta thực hiện những “bước tiến” nào?” (Web HĐGMVN)
Đọc tiếp »

RAO GIẢNG CHÚA KITÔ NHƯ THÁNH PHAO LÔ (ĐTC Phanxicô, 23/06/2021)


“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Sau cuộc hành trình dài dành cho việc cầu nguyện, hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới. Tôi hy vọng rằng với hành trình cầu nguyện này, chúng ta đã thành công trong việc cầu nguyện tốt hơn một chút, cầu nguyện nhiều hơn một chút. Hôm nay, tôi muốn suy gẫm về một số chủ đề do Thánh tông đồ Phaolô đề ra trong Thư gửi tín hữu Galát. Đó là một Thư rất quan trọng, thậm chí tôi dám nói, mang tính quyết định, không chỉ để hiểu rõ hơn về vị Tông đồ, mà trên hết là để xem xét một số chủ đề được ngài đề cập một cách sâu sắc, cho thấy vẻ đẹp của Tin Mừng…
Đặc điểm đầu tiên xuất hiện từ Thư này là công việc truyền giảng tin mừng vĩ đại được Thánh Tông đồ thực hiện; ngài đã đến thăm các cộng đồng ở Galát ít nhất hai lần trong các cuộc hành trình truyền giáo của ngài. Thánh Phaolô ngỏ lời với các Kitô hữu của lãnh thổ đó. Chúng ta không biết chính xác ngài đề cập đến khu vực địa lý nào, cũng như không thể nói chắc chắn về ngày ngài viết Thư này. Chúng ta biết rằng người Galát là một dân tộc Celt cổ đại, sau nhiều thăng trầm, họ đã định cư ở khu vực rộng lớn Anatolia, nơi có thủ đô là thành phố Ancyra, ngày nay là Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Phaolô chỉ kể lại rằng, vì bệnh tật, ngài buộc phải ở lại vùng đó (x. Gl 4:13). Thánh Luca, trong Tông đồ Công vụ, thay vào đó, tìm thấy một động lực thiêng liêng hơn. Ngài nói rằng “Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia” (16: 6).
Hai sự kiện không mâu thuẫn với nhau: đúng hơn, chúng cho thấy con đường rao giảng Tin Mừng không phải lúc nào cũng tùy thuộc vào ý muốn và kế hoạch của chúng ta, nhưng đòi hỏi sự sẵn lòng để cho mình được định hình và đi theo những con đường khác không lường trước được. Trong số anh chị em, có gia đình đã chào hỏi tôi: họ nói rằng họ phải học tiếng Latvia, và tôi không biết ngôn ngữ ấy là gì, vì họ sẽ đi truyền giáo ở vùng đất đó.
Ngày nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục đưa nhiều nhà truyền giáo rời quê hương và đến một đất nước khác để thực hiện sứ mệnh của họ. Tuy nhiên, điều chúng ta thấy là trong công việc truyền giảng Tin Mừng không mệt mỏi của mình, Thánh Tông đồ đã thành công trong việc thành lập một số cộng đồng nhỏ rải rác khắp vùng Galát. Thánh Phaolô, khi đến một thành phố, một vùng nào đó, đã không xây dựng một nhà thờ lớn ngay lập tức, không. Ngài tạo ra các cộng đồng nhỏ vốn là chất men của nền văn hóa Kitô giáo ngày nay của chúng ta. Ngài bắt đầu bằng cách tạo ra các cộng đồng nhỏ. Và những cộng đồng nhỏ này lớn lên, chúng lớn mạnh và tiến triển.
Ngày nay, phương pháp mục vụ này cũng được sử dụng trong mọi vùng truyền giáo. Tôi nhận được một lá thư vào tuần trước, từ một nhà truyền giáo ở Papua New Guinea; ngài nói với tôi rằng ngài đang rao giảng Tin Mừng trong rừng, cho những người thậm chí không biết Chúa Giêsu Kitô là ai. Quả là đẹp đẽ! Người ta bắt đầu bằng cách hình thành các cộng đồng nhỏ. Ngay cả ngày nay, phương pháp rao truyền tin mừng này vẫn là phương pháp rao truyền tin mừng đầu tiên…” (ĐTC Phanxicô, 23/06/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

LỄ SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẢY GIẢ



Đọc tiếp »

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

NƠI SINH THÁNH GIOAN TẨY GIẢ


Sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả 24/06 năm nay trùng với lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu, nên ta mừng trước một ngày hôm nay. Nhớ lại đã hành hương kính viếng nơi này năm 2014, nằm cầu nguyện nơi ngài ra đời đem niềm vui cho gia đình và bà con, và mọi người nhận tự hỏi “trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.” (Lc 1, 66)
Lạy Chúa, không chỉ Gioan, mà chúng con và mọi trẻ thơ đều “có bàn tay Chúa phù hộ”, có chương trình đặc biệt Chúa dành cho từng người chúng con. Xin cho mọi người biết trân quí trẻ thơ và cộng tác với Chúa trong kế hoạch Chúa dành cho các em, như Chúa đã dành cho chúng con. Amen.









Đọc tiếp »

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2022

TÌNH BẠN TUYỆT VỜI


“Ông Gio-na-than còn bắt ông Đa-vít thề, vì tình yêu của ông đối với ông Đa-vít : thật vậy, ông yêu ông Đa-vít như yêu chính mình.” (2Sm 20,17)
Trích khảo luận của chân phước En-rê-đô, viện phụ, về tình bằng hữu thiêng liêng :
“Trong các thanh niên, Gio-na-than trổi vượt hơn cả. Chàng không ham vương tước, cũng chẳng mong quyền hành, nhưng đã kết ước cùng Đa-vít, và vì tình bạn, đã coi kẻ bề tôi ngang hàng với chủ. Một kẻ bề tôi đang phải trốn tránh vua cha, đang ẩn náu trong hoang địa, một kẻ đã bị án tử, chỉ còn chờ chết, mà chàng lại quý hơn chính mình. Chàng hạ mình xuống, nâng bạn mình lên. Chàng nói : Chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh.
Ôi, tấm gương sáng ngời về tình bằng hữu chân thật ! Chuyện lạ biết bao ! Vua cha thì nổi cơn thịnh nộ với một kẻ bề tôi, khích động cả nước chống lại hắn như chống lại kẻ muốn tranh ngai vàng ; rồi ông buộc cho các tư tế tội phản loạn và tàn sát họ chỉ vì một mối nghi ngờ ; ông lục soát rừng rậm, tảo thanh thung lũng, đem quân vây hãm núi đồi ; người người quyết chí trả thù cho vua được hả giận. Chỉ có Gio-na-than, người duy nhất có lý để ghen, thì lại nghĩ là mình phải làm ngược ý vua cha, tìm cách giúp bạn trốn đi, góp ý kiến với bạn trong hoàn cảnh éo le như thế. Coi tình bằng hữu trọng hơn cả ngai vàng, chàng nói : Chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh. Rồi bạn để ý xem vua cha khích cho chàng thanh niên ghen ghét bạn mình làm sao : ông nguyền rủa, nạt nộ, doạ tước quyền nối ngôi, nhắc cho biết là sẽ mất hết vinh dự.
Thật vậy, dầu vua cha đã tuyên án tử cho Đa-vít, Gio-na-than vẫn không bỏ bạn. Chàng nói : Tại sao Đa-vít lại phải chết ? Anh ấy có tội tình chi ? Anh ấy đã làm gì ? Chính anh ấy đã liều mạng đánh bọn Phi-li-tinh, và phụ vương đã mừng rỡ. Vậy thì tại sao Đa-vít lại phải chết ? Nghe Gio-na-than nói thế, vua giận điên lên, lấy sức phóng lao định ghim cho Gio-na-than dính vào tường, rồi nguyền rủa doạ nạt thêm : Thằng con của người đàn bà hư thân mất nết kia, tao biết là mày thương nó để mày mang nhục và người đàn bà nhơ nhuốc đẻ ra mày cũng phải mang nhục. Và những gì độc địa nhất có thể trút lên người thanh niên, ông mửa hết ra. Ông còn thêm những lời kích thích tham vọng, khơi dậy lòng ghen ghét, thổi bùng lửa ghen tuông và gia tăng nỗi cay đắng : Bao lâu thằng con trai lão Gie-sê còn sống, thì vương quyền của mày sẽ không vững đâu !
Nghe những lời trên, ai lại không động lòng, ai chẳng phát ghen lên ? Tình nghĩa nào, tình bạn nào lại không tàn phai, không tan vỡ ? Thế mà chàng thanh niên dạt dào tình thương mến kia vẫn giữ trọn lời thề kết nghĩa, vẫn mạnh mẽ trước những tiếng doạ nạt, vẫn nhẫn nhục trước những lời nguyền rủa. Vì tình bằng hữu, chàng coi rẻ ngai vàng, chỉ nhớ đến tình thân mà không màng danh lợi. Chàng nói : Chính anh sẽ làm vua, còn tôi sẽ làm phó cho anh.
Thế mới là tình bằng hữu chân thật, hoàn hảo, vững bền và vĩnh viễn : ghen tuông không thể huỷ hoại, nghi ngờ không làm suy giảm, tham vọng không thể phá tan. Bị thử thách đến vậy mà vẫn không nao núng, bị xô đẩy đến thế mà vẫn không ngã quỵ, bị nguyền rủa thế nào cũng không lay, bị lăng mạ ra sao cũng không chuyển. Vậy bạn hãy đi và cũng hãy làm như vậy.”
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.