Ads 468x60px

Hiển thị các bài đăng có nhãn POPE FRANCIS. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn POPE FRANCIS. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

BIỆN PHÂN (PHÂN ĐỊNH) (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)


“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!
Hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới: chúng ta đã hoàn thành loạt bài giáo lý về tuổi già, bây giờ chúng ta bắt đầu một chu kỳ mới về chủ đề biện phân. Biện phân là một hành động quan trọng có liên quan đến mọi người, vì các chọn lựa là một phần thiết yếu của cuộc sống. Người ta chọn thức ăn, quần áo, khóa học, việc làm, mối liên hệ. Trong tất cả những điều này, một dự án cuộc sống được thể hiện, và ngay cả mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được cụ thể hóa.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến sự biện phân bằng những hình ảnh lấy từ cuộc sống đời thường; chẳng hạn, Người mô tả người đánh cá chọn những con cá tốt và loại bỏ những con cá xấu; hoặc thương gia biết cách xác định trong số rất nhiều viên ngọc trai, viên ngọc trai nào có giá trị lớn nhất. Hoặc người đang cày ruộng, tình cờ gặp một thứ hóa ra là của báu (x. Mt 13,44-48).
Dưới ánh sáng những thí dụ này, sự biện phân được trình bầy như một thao tác của trí hiểu, cũng là một thao tác của kỹ năng [tiếng Ý: ‘perizia’] và của cả ý chí nữa, để nắm bắt thời cơ: đây là những điều kiện để thực hiện một lựa chọn tốt. Cần có trí hiểu, kỹ năng và cả ý chí để thực hiện một lựa chọn tốt. Và cũng có một cái giá cần thiết để sự biện phân trở nên hữu hiệu. Để thực hiện nghề nghiệp của mình hết khả năng tốt nhất của mình, người đánh cá phải tính đến công việc khó khăn, những đêm dài trên biển, sau đó bỏ một số khỏi mẻ cá, chấp nhận thiệt hại vì lợi ích của những người mà mẻ cá dự định dành cho. Người buôn ngọc trai không ngần ngại chi tiêu mọi sự để mua được viên ngọc trai đó; và người tình cờ tìm được kho báu cũng vậy. [Đây là] những tình huống bất ngờ, không có kế hoạch, trong đó điều quan trọng là phải nhận ra tầm quan trọng và tính cấp bách của một quyết định phải được thực hiện.
Mọi người đều phải đưa ra các quyết định; không ai làm điều này cho chúng ta. Ở một điểm nào đó, người trưởng thành có thể thoải mái hỏi ý kiến; chúng ta có thể suy nghĩ, nhưng quyết định là của chúng ta. Chúng ta không thể nói, 'Tôi mất cái này, bởi vì chồng tôi quyết định, vợ tôi quyết định, anh tôi quyết định.' Không. Anh chị em phải quyết định, mỗi người chúng ta phải quyết định, và vì lý do này, điều quan trọng là phải biết cách biện phân, để quyết định tốt cần phải biết cách biện phân…” (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

ĐỪNG TRÁCH NGƯỜI, BIẾT TRÁCH MÌNH (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)


“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế.” (Mc 7, 15) Đúng hơn, chính là “từ bên trong, từ trong lòng” (c. 21) mà những điều xấu xa được sinh ra. Những từ này mang tính cách mạng, bởi vì trong tư duy thời đó, người ta cho rằng một số loại thực phẩm hoặc các tiếp xúc bên ngoài sẽ làm cho họ không trong sạch. Chúa Giêsu đảo ngược quan điểm: những gì đến từ bên ngoài không gây hại, nhưng đúng hơn, chính là những gì phát sinh ra từ bên trong.
Anh chị em thân mến, điều này cũng liên quan đến chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng cái xấu chủ yếu đến từ bên ngoài: từ hành vi của người khác, từ những người nghĩ xấu về chúng ta, từ xã hội. Chúng ta thường đổ lỗi cho người khác, cho xã hội, cho thế giới, đã gây ra tất cả những gì xảy ra cho chúng ta! Đó luôn là lỗi của “những người khác”: đó là lỗi của con người, của những người cai trị, của bất hạnh, v.v. Có vẻ như các vấn đề luôn đến từ bên ngoài. Và chúng ta dành thời gian để đổ lỗi; nhưng dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian. Chúng ta càng trở nên tức giận, càng trở nên cay đắng thì càng khiến Chúa xa rời lòng mình. Giống như những người trong bài Tin Mừng, những người phàn nàn, những người bị tai tiếng, những người gây tranh cãi và không chấp nhận Chúa Giêsu. Người ta không thể thực sự ngoan đạo khi phàn nàn: phàn nàn là chất độc, nó dẫn anh chị em đến tức giận, phẫn uất và buồn bã, và trái tim anh chị em đóng chặt cánh cửa lại với Chúa.
Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi cho người khác như những đứa trẻ con: “Không, đó không phải lỗi của tôi! của người này, của người kia”. Chúng ta hãy cầu xin ơn đừng lãng phí thời gian để làm ô nhiễm thế giới với những lời phàn nàn, bởi vì đó không phải là thái độ của Kitô Hữu. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và thế giới bắt đầu từ trái tim của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ tìm thấy gần như tất cả những gì bên ngoài mà chúng ta vẫn thường khinh miệt. Và khi chúng ta thành tâm cầu xin Chúa thanh tẩy trái tim mình, thì đó là lúc chúng ta bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Bởi vì có một cách không thể sai lầm để đánh bại cái ác: đó là bằng cách bắt đầu chinh phục nó trong chính anh chị em.
Các Giáo Phụ đầu tiên của Giáo Hội, các tu sĩ, khi được hỏi: “Con đường nên thánh là gì?”, Bước đầu tiên, họ thường nói, là tự trách mình: hãy tự trách mình. Tự trách mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta, trong ngày, vào một thời điểm nào đó trong ngày hoặc một thời điểm nào đó trong tuần, có thể tự trách mình ở một mức độ nào đó không? “Vâng, điều này, điều kia, điều nọ đã gây ra cho tôi, đó là sự man rợ”. Nhưng còn tôi thì sao? Tôi cũng làm điều tương tự, hoặc tôi làm thế này, thế kia…. Đó là sự khôn ngoan: anh chị em hãy học cách tự trách mình. Hãy cố gắng làm điều đó, nó sẽ làm anh chị em tốt hơn. Nó làm cho tôi tốt hơn, khi tôi làm được như vậy, nhưng khi đó nó cũng tốt cho chúng ta, cho tất cả mọi người.
Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã thay đổi lịch sử nhờ sự trong sạch của tâm hồn, giúp chúng ta thanh tẩy chính mình, bằng cách vượt qua trước hết và quan trọng hơn hết là thái độ đổ lỗi cho người khác và phàn nàn về mọi thứ.” (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

ĐỨC TIN PHẢI CHẠM ĐẾN TRÁI TIM (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay cho thấy một số luật sĩ và biệt phái ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giêsu. Họ chướng tai gai mắt vì các môn đệ của Ngài dùng bữa mà không thực hiện các nghi lễ truyền thống trước. Họ tự nghĩ: “Làm thế là trái với các thực hành tôn giáo” (xem Mc 7, 2-5).
Chúng ta cũng có thể tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ của ngài bỏ qua những truyền thống này? Xét cho cùng chúng không phải là những điều xấu, mà là thói quen lễ nghi tốt, đơn giản là rửa ráy sạch sẽ trước khi dùng bữa. Tại sao Chúa Giêsu không chú ý đến nó? Thưa: Bởi vì điều quan trọng là Ngài phải đưa niềm tin trở lại trung tâm của nó. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy điều đó lặp đi lặp lại: Chúa luôn muốn đưa đức tin trở lại trung tâm. Và để tránh cho những luật sĩ đó, cũng như cho chúng ta, nguy cơ chỉ tuân theo các hình thức bề ngoài, Chúa Giêsu đặt cả trái tim và đức tin vào nền tảng.
Nhiều khi chúng ta cũng “đánh phấn thoa son” cho tâm hồn mình. Nghĩa là, chúng ta chỉ chú ý đến hình thức bề ngoài chứ không phải trung tâm của đức tin: đây là một nguy cơ. Đó là nguy cơ của một vẻ ngoài tôn giáo: chỉ cốt làm cho bề ngoài trông đẹp đẽ, mà không hề thanh lọc tâm hồn. Chúng ta luôn có cám dỗ là “đặt để Chúa” trong giới hạn của một số lòng sùng kính bề ngoài, nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ thờ phượng này. Chúa Giêsu không muốn những hình thức bề ngoài, Ngài muốn một đức tin chạm đến trái tim.” (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)
Đọc tiếp »

GIẢ HÌNH (ĐTC Phanxicô, 25/08/2021)


“Nếu hôm nay anh chị em có chút thời gian, anh chị em hãy mở chương 23 Tin Mừng Mátthêu và xem xem bao nhiêu lần Chúa Giê-su nói: “Kẻ giả hình, kẻ giả hình, kẻ giả hình”, đây là cách tính giả hình tự biểu lộ nó.
Những kẻ giả hình là những người giả vờ, xu nịnh và lừa dối vì họ sống với một chiếc mặt nạ che mặt và không có đủ can đảm để đối mặt với sự thật. Vì lý do này, họ không có khả năng yêu thương thực sự: kẻ giả hình không biết cách yêu thương. Họ tự giới hạn mình vào việc sống theo chủ nghĩa vị kỷ và không có đủ sức mạnh để biểu lộ trái tim họ cách minh bạch. Có rất nhiều tình huống trong đó, tính giả hình đang hoạt động. Nó thường giấu mặt ở nơi làm việc, nơi người ta tỏ ra bầu bạn với đồng nghiệp, trong khi đâm sau lưng họ do óc tranh giành. Trong chính trị, điều thông thường là thấy những kẻ giả hình sống theo một cách ở nơi công cộng và sống theo một cách khác hẳn ở nơi riêng tư. Giả hình trong Giáo hội là điều đặc biệt đáng ghê tởm; và thật không may, giả hình hiện hữu trong Giáo hội và có nhiều Kitô hữu và thừa tác viên giả hình.
Chúng ta đừng bao giờ quên lời của Chúa: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Thưa anh chị em, hôm nay, chúng ta hãy suy nghĩ về thói giả hình mà Thánh Phaolô lên án, và Chúa Giêsu lên án: giả hình. Và chúng ta đừng sợ sống chân thật, nói sự thật, nghe sự thật, làm cho mình tuân theo lẽ thật, để chúng ta có thể yêu thương. Kẻ giả hình không biết yêu thương. Hành động khác với sự thật có nghĩa là gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa đã cầu nguyện.” (ĐTC Phanxicô, 25/08/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

COI CHỪNG KINH TẾ BỆNH HOẠN…(ĐTC Phanxicô, 26/08/2020)


“Đại dịch đã phơi bày và làm trầm trọng thêm các vấn đề xã hội, trên hết là vấn đề bất bình đẳng... Những triệu chứng của sự bất bình đẳng trên cho thấy một căn bệnh xã hội; nó là một loại virus phát xuất từ một nền kinh tế bệnh hoạn. Và chúng ta phải nói một cách đơn giản: nó là một nền kinh tế đang mắc bệnh. Nó đã mắc bệnh. Nó đang mắc bệnh. Đó là hậu quả của một việc tăng trưởng kinh tế bất bình đẳng - căn bệnh đó như thế đó: nó là hậu quả của tăng trưởng kinh tế bất bình đẳng - coi thường các giá trị căn bản của con người. Trong thế giới ngày nay, một số ít người giàu có sở hữu nhiều hơn tất cả phần còn lại của nhân loại. Tôi xin lặp lại điều này để nó giúp chúng ta suy nghĩ: một số ít người giàu có, chỉ một nhóm nhỏ thôi, đang sở hữu nhiều hơn tất cả những người còn lại của nhân loại...
Sau cuộc khủng hoảng, liệu chúng ta có tiếp tục với hệ thống kinh tế bất công xã hội và đánh giá thấp sự quan tâm dành cho môi trường, cho công trình sáng tạo, cho ngôi nhà chung của chúng ta không? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này. Mong các cộng đồng Kitô hữu của thế kỷ XXI phục hồi thực tại này - quan tâm đến mọi tạo vật và công bằng xã hội: chúng đi đôi với nhau… - nhờ thế làm chứng cho sự Phục sinh của Chúa. Nếu chúng ta chăm sóc của cải mà Đấng Hóa Công đã ban tặng cho chúng ta, nếu chúng ta đặt những gì chúng ta sở hữu làm của chung để không ai bị thiếu chúng, thì chúng ta sẽ thực sự gây hứng để đức cậy tái tạo một thế giới lành mạnh và bình đẳng hơn.
Và để kết luận, chúng ta hãy nghĩ đến những đứa trẻ. Hãy đọc số liệu thống kê: biết bao trẻ em ngày nay đang chết đói vì sự phân bổ của cải không tốt, vì hệ thống kinh tế, như tôi đã nói ở trên; và biết bao trẻ em ngày nay không được quyền học hành vì cùng y một lý do. Mong rằng hình ảnh về những đứa trẻ bị đói khát và thiếu học này giúp chúng ta hiểu rằng sau cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải thoát ra khỏi nó tốt hơn.” (ĐTC Phanxicô, 26/08/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

HIỆP THÔNG-TRUYỀN GIÁO (Trích tông huấn "Người Kitô hữu giáo dân" của ĐTC Gioan Phaolô II, 1988, số 32)


"Hiệp thông và truyền giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai thâm nhập và bao hàm nhau, đến độ sự hiệp thông vừa là nguồn mạch vừa là kết quả của việc truyền giáo : hiệp thông mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp thông. Luôn luôn cùng một Thánh Thần duy nhất kêu gọi và hiệp nhất Giáo Hội, sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất” (Cv
1,8).
Về phần mình, Giáo Hội ý thức rằng sự hiệp thông mà Giáo Hội đã đón nhận như một hồng ân, là được ban cho hết thảy mọi người. Như thế, Giáo Hội cảm thấy mình mắc nợ hết mọi người và với từng người, về hồng ân đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần, Đấng gieo rắc nơi trái tim người tín hữu tình mến của Chúa Giêsu-Kitô, là sức mạnh nối kết bên trong và cũng là sức mạnh bành trước bên ngòai. Việc truyền giáo của Giáo Hội phát xuất từ chính bản tính của Giáo Hội, như ý định của Đức Kitô : đó là trở thành “dấu chỉ và khí cụ... của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Sứ vụ này nhằm giúp mọi người biết và sống sự hiệp thông “mới”, sự hiệp thông đẽ đến trong lịch sử nhân loại qua Con Thiên Chúa làm người. Chính theo nghĩa đó, chứng từ của thánh Gioan Tông Đồ đã xác định một cách dứt khoát đích điểm “hồng phúc” mà tất cả sứ vụ của Giáo Hội hướng tới : "Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người" (1 Ga 1,3).
Trong bối cảnh sứ vụ của Giáo Hội, Chúa trao phó một phần lớn trách nhiệm cho giáo dân, hiệp thông với các thành phần khác của Dân Thiên Chúa. Các Nghị Phụ Công Đồng Vatican II đã ý thức rất rõ về điều đó : “Các chủ chăn nhận thấy rõ sự đóng góp lớn lao của giáo dân cho lợi ích Giáo Hội. Các ngài biết rằng Đức Kitô đã không đặt các ngài lên để một mình lãnh lấy tất cả sứ vụ cứu độ của Giáo Hội đối với thế giới ; nhưng nhiệm vụ cao cả của các ngài là chăn dắt các tín hữu và nhận biết các phận sự và đoàn sủng nơi họ, để mọi người cùng góp phần vào công cuộc chung, tùy theo cách thức của mình”. Xác tín này còn được lặp lại một cách minh bạch và mạnh mẽ, trong suốt Thượng-hội-đồng."
Đọc tiếp »

THOÁT DỊCH PHẢI TỐT HƠN (ĐTC Phanxicô, 19/08/2020)


“Tất cả chúng ta đều lo lắng về những hậu quả xã hội của đại dịch. Tất cả chúng ta. Nhiều người muốn trở lại trạng thái bình thường và tiếp tục các hoạt động kinh tế. Chắc chắn là như tế, nhưng “trạng thái bình thường” này không nên bao gồm các bất công xã hội và sự suy thoái của môi trường. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng, và chúng ta không thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng giống như trước đây: hoặc chúng ta thoát ra khỏi nó tốt hơn, hoặc chúng ta thoát ra khỏi nó tồi tệ hơn. Chúng ta phải thoát khỏi nó tốt hơn, để chống lại bất công xã hội và hủy hoại môi trường...
Nếu virút bùng phát mạnh mẽ trở lại trong một thế giới bất công với người nghèo và người dễ bị tổn thương, thì chúng ta phải thay đổi thế giới này. Theo gương Chúa Giêsu, vị thầy thuốc của tình yêu thần thiêng toàn diện, nghĩa là chữa lành thể xác, xã hội và tâm linh (x. Ga 5: 6-9) - giống như việc chữa lành của Chúa Giêsu - chúng ta phải hành động ngay bây giờ, để chữa lành các bệnh dịch gây ra bởi những virút nhỏ, vô hình, và để chữa lành những bệnh dịch gây ra bởi các bất công xã hội to lớn và hữu hình...” (ĐTC Phanxicô, 19/08/2020)
Đọc tiếp »

QUA CỬA HẸP (ĐTC Phanxicô, 21/08/2022)


“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật vui vẻ!
Trong đoạn Phúc âm Luca cho phụng vụ Chúa nhật này, có người hỏi Chúa Giêsu, “những người được cứu rỗi thì ít, có phải thế không?” Và Chúa đáp lại: “Hãy cố gắng mà vào bằng cửa hẹp” (Lc 13,24). Cánh cửa hẹp… đây là một hình ảnh có thể khiến chúng ta sợ hãi, như thể sự cứu rỗi chỉ dành

cho một số ít người được tuyển chọn, hoặc những người hoàn hảo. Nhưng điều này mâu thuẫn với những gì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong nhiều dịp khác. Và, thực tế là, ngay sau đó, ngài xác nhận, “Mọi người từ đông tây nam bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (câu 29). Vì vậy, cánh cửa này tuy hẹp, nhưng vẫn rộng mở cho tất cả mọi người! Đừng quên điều này. Cánh cửa rộng mở cho tất cả mọi người!
Nhưng để hiểu rõ hơn, cánh cửa hẹp này là gì, chúng ta cần hỏi nó là gì. Chúa Giêsu đang sử dụng một hình ảnh từ cuộc sống đương đại, rất có thể ám chỉ sự thật rằng, khi buổi tối buông xuống, các cánh cửa của thành phố sẽ đóng lại và chỉ một cửa nhỏ nhất và hẹp nhất vẫn mở. Để trở về nhà, ai đó chỉ có thể đi qua đó.
Bây giờ chúng ta hãy nghĩ về thời điểm Chúa Giêsu nói, “Ta là cửa. Nếu ai nhờ Ta mà vào, thì sẽ được cứu độ “(Ga 10: 9). Ngài muốn nói với chúng ta rằng để đi vào sự sống của Thiên Chúa, vào sự cứu rỗi, chúng ta cần phải đi qua Ngài, chứ không phải qua người khác, qua Ngài; chào đón Ngài và Lời của Ngài. Cũng như để vào thành phố, ai đó phải “đo lường” cho vừa vì đó là cánh cửa hẹp duy nhất còn lại đang mở, vì vậy cánh cửa Kitô giáo cũng là một cuộc sống mà “thước đo là Chúa Kitô”, được thiết lập và làm mẫu cho mọi người. Điều này có nghĩa là quy tắc đo lường là Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, không phải những gì chúng ta nghĩ, mà là những gì Ngài nói với chúng ta.
Vì vậy, chúng ta đang nói về một cánh cửa hẹp không phải vì chỉ một số ít người được định sẵn để đi qua nó, không, nhưng vì thuộc về Chúa Kitô có nghĩa là theo Ngài, sống đời mình trong tình yêu, sự phục vụ và hiến thân như Ngài, nghĩa là đi qua cửa hẹp của thập tự giá. Bước vào dự án mà Thiên Chúa đề ra cho cuộc đời chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải hạn chế không gian của chủ nghĩa vị kỷ, giảm bớt sự tự phụ, hạ thấp đỉnh cao của sự kiêu ngạo và tự phụ, và chúng ta phải vượt qua sự lười biếng, để chấp nhận gánh lấy rủi ro của tình yêu, thậm chí khi điều đó liên quan đến thập tự giá.
Nói một cách cụ thể, chúng ta hãy nghĩ về những hành động yêu thương hàng ngày mà chúng ta phải đấu tranh để thực hiện: chúng ta hãy nghĩ đến những bậc cha mẹ dành hết mình cho con cái, hy sinh và bỏ thời gian của chính mình; những người quan tâm đến người khác chứ không chỉ về lợi ích của bản thân (có bao nhiêu người tốt như thế này); chúng ta hãy nghĩ đến những người dành bản thân mình để phục vụ người già, những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất; chúng ta hãy nghĩ về những người tiếp tục làm việc tận tâm, bất kể những khó chịu và có lẽ có cả những hiểu lầm; chúng ta hãy nghĩ đến những người đau khổ vì đức tin của họ, nhưng họ vẫn tiếp tục cầu nguyện và yêu thương; Chúng ta hãy nghĩ đến những người, thay vì làm theo bản năng của mình, đã đáp lại điều ác bằng điều thiện, tìm thấy sức mạnh để tha thứ và can đảm để bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài ví dụ về những người không chọn cửa rộng thuận tiện cho mình, nhưng chọn cửa hẹp của Chúa Giêsu, của một đời sống yêu thương. Chúa phán hôm nay rằng Chúa Cha sẽ nhận ra họ hơn nhiều so với những người tin rằng họ đã được cứu nhưng thực sự là “kẻ làm việc cho sự dữ” (Lc 13,27) trong cuộc sống.
Thưa anh chị em, chúng ta muốn đứng về phía nào? Chúng ta thích lối sống dễ dãi chỉ nghĩ về bản thân, hay chúng ta chọn cánh cửa hẹp của Tin Mừng khiến lòng ích kỷ của chúng ta rơi vào khủng hoảng, nhưng lại khiến chúng ta có thể đón nhận sự sống đích thực đến từ Thiên Chúa và làm cho chúng ta hạnh phúc? Chúng ta đang đứng về phía nào? Xin Đức Mẹ, Đấng đã theo Chúa Giêsu suốt con đường thập giá, giúp chúng con đo lường sự sống của chúng con với Người để đi vào cuộc sống vĩnh cửu viên mãn.” (ĐTC Phanxicô, 21/08/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 16 tháng 8, 2022

TIN MỪNG NHƯ LỬA… (ĐTC Phanxicô, 14/08/2022)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Trong Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, có một diễn tả về Chúa Giêsu luôn đánh động chúng ta và thách thức chúng ta. Khi đang cùng đi với các môn đệ, Chúa Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Chúa đang nói về ngọn lửa gì vậy? Và những lời này có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay, đâu là ý nghĩa ngọn lửa mà Chúa Giêsu mang đến?
Như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đến để mang đến cho thế giới Phúc Âm, tức là tin mừng về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Vì vậy, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Tin Mừng giống như một ngọn lửa, bởi vì nó là một sứ điệp mà khi nó bùng lên trong lịch sử, sẽ đốt cháy những cân bằng cũ trong cuộc sống, đốt cháy những cân bằng cũ trong não trạng của chúng ta, thách thức chúng ta thoát ra khỏi chủ nghĩa cá nhân của mình, thách thức chúng ta vượt qua tính ích kỷ, thách thức chúng ta chuyển từ nô lệ của tội lỗi và sự chết sang cuộc sống mới của Đấng Phục sinh, của Chúa Giêsu Phục sinh.
Nói cách khác, Tin Mừng không để mọi thứ như chúng vốn có; Khi Tin Mừng đi qua, và được lắng nghe và tiếp nhận, mọi thứ không y như chúng vốn có. Tin Mừng kích động sự thay đổi và mời gọi sự hoán cải. Tin Mừng không tạo ra một nền hòa bình thân mật giả tạo, nhưng gây ra sự bồn chồn khiến chúng ta phải hành động, và thúc đẩy chúng ta mở lòng ra với Chúa và với anh em của chúng ta. Tin Mừng giống như lửa: trong khi sưởi ấm chúng ta bằng tình yêu của Chúa, Tin Mừng muốn đốt cháy lòng ích kỷ của chúng ta, để soi sáng những mặt tối của cuộc sống, tất cả chúng ta đều có những mặt tối như thế! Tin Mừng đến để thiêu đốt những thần tượng giả tạo đang nô dịch chúng ta…” (ĐTC Phanxicô, 14/08/2022)
Đọc tiếp »

NHIÊM NHƯỜNG (ĐTC Phanxicô, 15/08/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
chúc mừng
ngày lễ!
Hôm nay, Lễ Trọng Kính Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, kinh Magnificat lại vang lên trong phụng vụ. Bài thánh ca ngợi khen này giống như một “bức ảnh” của Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria “vui mừng trong Chúa”, tại sao? Thưa: “vì Người đoái thương nhìn

tới phận nữ tỳ hèn mọn” (Lc 1, 47-48).
Bí quyết của Đức Maria là sự khiêm nhường. Chính sự khiêm nhường của Mẹ đã thu hút ánh nhìn của Chúa. Mắt người phàm luôn tìm kiếm sự hùng vĩ và tự cho phép mình bị lóa mắt bởi những gì hào nhoáng. Trái lại, Thiên Chúa không nhìn vẻ bề ngoài, Thiên Chúa nhìn vào tấm lòng (xem 1 Sam 16, 7) và bị mê hoặc bởi sự khiêm nhường. Lòng khiêm nhường làm đẹp lòng Chúa. Ngày hôm nay, khi nhìn Đức Maria được lên trời, chúng ta có thể nói rằng sự khiêm nhường là con đường dẫn đến Thiên đàng.
Từ “khiêm nhường”, như chúng ta biết, bắt nguồn từ thuật ngữ humus trong tiếng Latinh, có nghĩa là “đất”. Thật là nghịch lý: để vươn lên cao đến Thiên đường, điều cần thiết là phải hạ mình xuống dưới đất! Chúa Giêsu dạy điều này: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11). Thiên Chúa không tôn vinh chúng ta vì những tài năng của chúng ta, vì sự giàu có của chúng ta hay vì chúng ta giỏi giang, nhưng vì sự khiêm nhường. Chúa yêu thích sự khiêm hạ. Thiên Chúa nâng dậy kẻ hạ mình xuống; Ngài nâng người tôi tớ lên. Thật vậy, Đức Maria không gán cho mình một “tước vị” nào khác, ngoại trừ là người tôi tớ, người phục vụ: Mẹ là “tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38). Mẹ không nói gì khác về bản thân, Mẹ không tìm kiếm điều gì khác cho chính mình. Chỉ muốn được làm tôi tớ của Chúa.
Vậy thì hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi chính mình, mỗi người trong trái tim chúng ta: tôi đang định làm thế nào với sự khiêm nhường? Tôi muốn được người khác công nhận, khẳng định bản thân và được khen ngợi, hay tôi nghĩ về việc phục vụ? Tôi có biết cách lắng nghe, giống như Đức Maria, hay tôi chỉ muốn nói và nhận được sự chú ý? Tôi có biết cách giữ im lặng, giống như Đức Maria hay không, hay tôi luôn huyên thuyên? Tôi có biết cách lùi lại một bước, xoa dịu những cuộc cãi vã và tranh luận, hay tôi luôn muốn trở nên nổi hơn, trội hơn người khác? Mỗi người chúng ta hãy nghĩ về những câu hỏi này: tôi đang làm như thế nào với sự khiêm tốn?” (ĐTC Phanxicô, 15/08/2021)





Đọc tiếp »

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2022

MẸ LÊN TRỜI, Trích tông hiến Thiên Chúa vô cùng đại lượng của Đức giáo hoàng Pi-ô XII :


"Khi giảng dạy hay diễn thuyết cho dân ngày lễ Đức Mẹ Thiên Chúa Hồn Xác Lên Trời, các thánh giáo phụ và các bậc đại tiến sĩ vẫn nói về sự kiện Đức Ma-ri-a được đưa lên trời như một chân lý đã được các Ki-tô hữu hiểu biết và tin nhận. Các ngài đã giải thích rõ hơn về sự kiện đó, dựa vào những lý lẽ sâu sắc hơn để trình bày ý nghĩa và bản chất của sự kiện, nhất là cho mọi người thấy rõ hơn rằng : lễ này không phải chỉ để kính nhớ việc thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a sau khi chết không bị hư nát chút nào, mà còn kính nhớ việc Mẹ chiến thắng tử thần và được tôn vinh trên trời cũng giống như Đức Giê-su Ki-tô, Con Một của Mẹ.
Thánh Gio-an Đa-mát là vị giảng thuyết trổi vượt về chân lý vẫn được lưu truyền này. Khi so sánh hồng ân Mẹ Thiên Chúa được đưa về trời cả thân xác với các ân huệ và đặc ân khác Mẹ đã nhận được, thánh nhân đã nói rất hùng hồn như sau : “Đấng đã bảo toàn được nguyên vẹn đức đồng trinh khi sinh con hẳn cũng giữ gìn được cho thân xác mình khỏi mọi hư hoại khi lìa đời. Đấng đã bồng ẵm Tạo Hoá trong lòng mình như bồng ẵm một bé thơ phải được cư ngụ trong nhà Thiên Chúa. Đấng được Chúa Cha nhận làm hiền thê hẳn phải được ở trong loan phòng thiên quốc. Đấng đã ngắm nhìn Con mình trên thập giá và chịu lưỡi gươm đau đớn đâm thâu tâm hồn, lưỡi gươm đã tránh được lúc sinh Con, hẳn phải được ngắm nhìn người Con ấy đang ngự bên hữu Chúa Cha. Đấng làm Mẹ Thiên Chúa phải được những gì thuộc về Con mình và phải được mọi thụ tạo tôn kính như Thân Mẫu Thiên Chúa và như nữ tỳ của Người.”
Còn theo thánh Giê-ma-nô Con-tan-ti-nô, nếu thân xác Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, không bị hư hoại và được đưa về trời, thì điều đó không những xứng hợp với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, mà còn xứng hợp với thân xác đồng trinh rất thánh của Mẹ nữa : “Theo Kinh Thánh, Mẹ kiều diễm ; thân xác đồng trinh của Mẹ hoàn toàn thánh thiện, hoàn toàn thanh khiết và đích thực là nơi Thiên Chúa ngự. Cũng vì thế, thân xác ấy không thể tan thành bụi đất. Nhưng, vì là thân xác con người, nên phải được biến đổi mới có thể đạt tới cuộc sống tuyệt vời bất hoại. Tuy nhiên, vẫn chính thân xác ấy nay sống động, vinh hiển rạng ngời, toàn vẹn và được thông chia sự sống hoàn hảo.”
Một tác giả cổ thời quả quyết : “Vì Đức Ma-ri-a là Mẹ hiển vinh của Đức Ki-tô, mà Đức Ki-tô chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng ta, Đấng ban sự sống và sự trường sinh bất tử, nên Mẹ phải được Đức Ki-tô làm cho sống và cho thân xác Mẹ được nên giống thân xác Người, nghĩa là không bao giờ bị hư hoại. Chính Người là Đấng đã cho Mẹ được trỗi dậy, ra khỏi mồ và là Đấng đã đưa Mẹ lên với Người, bằng cách nào thì chỉ một mình Người biết.”
Tất cả những lập luận suy tư của các thánh giáo phụ đều lấy Kinh Thánh làm nền tảng cuối cùng, mà Kinh Thánh lại trình bày rõ ràng như đặt ngay trước mắt chúng ta một Đấng Thân Mẫu cao cả của Thiên Chúa. Mẹ hết sức gắn bó với Con mình, người Con mang thần tính, và Mẹ luôn thông phần vào vận mệnh của Người Con ấy...
Mẹ được gìn giữ vẹn toàn, không bị hư nát chút nào trong phần mộ, và như Con của Mẹ, Mẹ chiến thắng tử thần và cả hồn lẫn xác được đưa về hưởng vinh quang cao cả trên trời. Nơi đó, Mẹ là hoàng hậu sáng ngời rực rỡ bên hữu Con của mình là Đức Vua bất tử muôn đời."
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

MUỐI CHO ĐỜI (Trích bài giảng của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, về Tin Mừng theo thánh Mát-thêu)


“Chính anh em là muối cho đời. Chúa muốn nói : Thầy trao lời cho anh em không phải cho mình anh em mà cho khắp cả thiên hạ được sống. Thầy không chỉ sai anh em đến với hai thành, mười thành, hay hai mươi thành, cũng không sai anh em đến với một dân tộc như sai các ngôn sứ xưa, nhưng Thầy sai anh em đi khắp cả địa cầu, biển khơi, đến với toàn thế giới đang bị ảnh hưởng xấu xa.
Khi nói Chính anh em là muối cho đời, Người muốn cho ta thấy rằng toàn thể bản chất con người đã nhạt đi và hư đốn vì tội lỗi. Bởi thế, Người triệt để đòi những kẻ Người sai đi phải có các nhân đức cần thiết và hữu hiệu hơn nữa cho việc chăm sóc mọi người. Bởi chưng một người hiền lành, tiết độ, thương người và công chính thì không chỉ đóng khung các việc lành lại nơi một mình mình, mà còn liệu sao cho những dòng suối đặc biệt đó tuôn chảy để làm ích cho người khác. Cũng vậy, một người có tâm hồn trong sạch, yêu chuộng hoà bình và chịu khổ vì chân lý thì sẽ cống hiến cuộc sống của mình cho lợi ích chung.
Người muốn nói : anh em đừng tưởng anh em được lôi kéo vào những cuộc chiến nhẹ nhàng, cũng đừng nghĩ các việc anh em làm là không quan trọng. Chính anh em là muối cho đời nghĩa là gì vậy ? Phải chăng các ông đã phục hồi nguyên trạng cho những gì hư hỏng ? Không hề, bởi vì các ông không thể trộn muối vào mà cứu vãn được những gì hôi thối. Hẳn nhiên là các ông đã không làm như thế. Song những gì Chúa đã đổi mới trước, đã khử sạch mùi hôi thối rồi trao cho các ông, thì các ông trộn muối vào để giữ cho mới mãi đúng như tình trạng các ông đã nhận được bởi Chúa. Vì muốn giải thoát con người khỏi hư thối do tội lỗi, cần có sức mạnh của Đức Ki-tô ; còn muốn cho con người khỏi trở lại tình trạng hư thối trước kia, thì cần đến những chăm lo vất vả của các Tông Đồ.
Bạn có nhận ra là dần dần Người cho thấy các Tông Đồ hơn hẳn các ngôn sứ như thế nào không ? Người không bảo các ông đi dạy dỗ xứ Pa-lét-tin mà thôi, nhưng khắp cả thế giới. Người muốn nói : Anh em đừng ngạc nhiên khi Thầy không nói với những người khác, mà chỉ nói với anh em, lôi cuốn anh em vào những nguy hiểm lớn lao dường ấy. Hãy xem Thầy sẽ sai anh em đi làm đầu bao nhiêu thành, bao nhiêu dân nước. Vì thế, không những Thầy muốn cho anh em được khôn ngoan, mà Thầy còn muốn anh em làm cho người ta cũng nên giống như anh em nữa. Vì nếu anh em không làm như thế thì chính anh em cũng còn thiếu sót.
Bởi chưng khi người khác ra nhạt, họ có thể nhờ tác vụ của anh em mà mặn lại. Nhưng nếu chính anh em rơi vào tình trạng xấu xa ấy, anh em sẽ lôi kéo người khác theo mình tới chỗ tiêu vong. Vì vậy, được trao quyền càng quan trọng, anh em càng phải chăm lo thi hành. Bởi đó Người thêm : Muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.”
Đọc tiếp »

ĐỪNG THỜ Ơ, HÃY CHĂM SÓC LẪN NHAU (ĐTC Phanxicô, 12/08/2020)


“Đại dịch đã làm nổi bật mức độ dễ bị tổn thương và mối liên hệ qua lại giữa mọi người. Nếu chúng ta không chăm sóc lẫn nhau, bắt đầu với những người nhỏ bé nhất, với những người bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm cả công trình sáng tạo, thì chúng ta không thể chữa lành được thế giới.
Đáng khen thay nỗ lực của rất nhiều người đã và đang làm chứng cho tình yêu nhân bản và Kitô giáo đối với người lân cận, hiến thân cho người bệnh ngay cả khi nguy hiểm đến sức khỏe của họ. Họ là những đấng anh hùng!
...
Trong khi tất cả chúng ta đều làm việc để có thuốc chữa virút hiện đang tấn công mọi người không phân biệt ai, đức tin khuyên chúng ta cam kết nghiêm túc và tích cực để chống lại sự thờ ơ khi đối đầu với những vi phạm nhân phẩm.
Nền văn hóa thờ ơ này đi kèm với nền văn hóa vứt bỏ: những thứ không ảnh hưởng đến tôi, tôi không quan tâm. Đức tin luôn đòi chúng ta phải để bản thân được chữa lành và hoán cải khỏi chủ nghĩa cá nhân, bất luận có tính cá nhân hay tập thể; chủ nghĩa cá nhân đảng phái chẳng hạn.
Cầu xin Chúa “phục hồi thị giác của chúng ta” để chúng ta khám phá lại ý nghĩa của việc trở thành thành viên của gia đình nhân loại. Và mong sao thị giác này được chuyển dịch thành những hành động cụ thể của lòng cảm thương và tôn trọng mọi người cũng như sự quan tâm và bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.”
(ĐTC Phanxicô, 12/08/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2022

HÀNH HƯƠNG TÀPAO ĐÚC KẾT HIỆP HÀNH: Cù Mi hành hương khoảng 160 người từ 11-12/08/2022 hiệp hành với giáo phận, nhưng vì công việc chỉ gặp được nhóm nhỏ ghi hình kỷ niệm… Xin Mẹ nâng đỡ giáo xứ, giáo phận chúng con.











Đọc tiếp »

GIÁO DÂN : ĐỘC ĐÁO CÁ NHÂN HIỆP THÔNG PHONG PHÚ (Trích tông huấn "Người Kitô hữu giáo dân" của ĐTC Gioan Phaolô II, 1988, số 28)


“Giáo dân, hiệp nhất với các linh mục và tu sĩ nam nữ, làm nên một Dân duy nhất của Thiên Chúa, một Thân Thể duy nhất của Đức Kitô.
“chi thể” của Giáo Hội, điều đó không cản trở mỗi người kitô-hữu vẫn là một “hữu thể độc nhất và không thể thay thế” ; ngược lại, điều đó làm cho tính độc nhất bất khả thay thế của mỗi người có được ý nghĩa sâu xa nhất, vì tính độc nhất này là nguồn gốc của sự đa dạng và phong phú cho tòan thể Giáo Hội. Chính theo nghĩa đó mà Thiên Chúa, qua Đức Giêsu-Kitô, kêu gọi đích danh từng người trong chúng ta, mà không thể lẫn lộn. Lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Cả các anh nữa, vào làm vườn nho cho tôi đi” nói với từng cá nhân và có nghĩa là “cả anh nữa, cũng vào làm vườn nho cho tôi đi !”.
Chính vì thế mà mỗi người chúng ta, với tính cách độc nhất không thể thay thế của mình, hiến thân làm cho sự hiệp thông giáo hội được tăng trưởng, bằng bản thân và hành động của mình, cũng như đón nhận và đồng hóa theo cách riêng mình, sự phong phú của Giáo Hội tòan cầu. Chính đó là sự “Hiệp thông các Thánh” mà chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : thiện ích của mọi người trở thành thiện ích của mỗi người và thiện ích của mỗi người trở thành thiện ích của mọi người. Thánh Grêgôriô Cả đã viết : “Trong Hội Thánh, mỗi ngườinâng đỡ các người khác và các người khác nâng đỡ lại họ”.
Một điều tuyệt đối cần thiết là giáo dân phải luôn ý thức sống động mình là một “chi thể của Giáo Hội”, được trao phó một nhiệm vụ độc đáo, không thể thay thế và không thể ủy thác cho người khác, một nhiệm vụ phải hoàn thành vì lợi ích của mọi người. trong viễn ảnh đó, quả quyết của Công Đồng Vatican II về việc mỗi người nhất thiết phải làm việc tông đồ, đã nói lên tất cả ý nghĩa : “Việc tông đồ mà mỗi người phải thực hiện và là việc luôn luôn bắt nguồn từ mạch sống Kitô-giáo (x. Ga 4,14), việc ấy là nguyên lý và điều kiện của mọi hoạt động tông đồ giáo dân, kể cả việc tông đồ giáo dân tập thể, và không gì có thể thay thế được. Việc tông đồ cá nhân này rất hiệu quả ở bất cứ nơi nào và thời nào ; hơn nữa, trong một số hoàn cảnh, chỉ có nó mới thích hợp và mới có thể thực hiện được. Mọi người giáo dân, dù thuộc thành phần nào đi nữa, dù không có cơ hội hay khả năng cộng tác trong các phong trào, cũng đều được kêu gọi và đều có nhiệm vụ phải thực hành việc tông đồ cá nhân”.
Việc tông đồ cá nhân chứa đựng kho tàng phong phú lớn lao cần được khám phá để gia tăng sức năng động truyền giáo của mỗi giáo dân. Nhờ hình thức tông đồ này, Tin Mừng có thể chiếu giãi như hiện tượng mạo dẫn, đi vào mọi khu vực và môi trường mà cuộc sống thường nhật và cụ thể của giáo dân đang tiếp xúc. Hơn nữa, đây là sự chiếu giãi trường kỳ, vì có liên hệ với sự gắn bó liên lỉ của đời sống cá nhân với đức tin, đồng thời đây cũng là sự chiếu giãi rất sắc bén, vì khi chia sẻ hoàn toàn các điều kiện sinh sống, lao động, những khó khăn và hy vọng của anh em mình, giáo dân có thể đánh động tâm hồn những người lân cận, bạn bè, đồng nghiệp, và mở rộng tâm hồn họ tới chân trời toàn diện, tới ý nghĩa đầy đủ của cuộc sống : tức là hiệp thông với Thiên Chúa và giữa con người với nhau."
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA (ĐTC Phanxicô, 16/07/2022, Sứ điệp cho giới trẻ Đại hội quốc tế Mễ Du lần 33)


“…Các con sẽ học được từ Đức Giêsu khi cùng đi với Người và noi gương Người. Đức Giêsu là một vị Thầy, Đấng không áp đặt lên người khác những gánh nặng mà chính Người không từng mang vác. Đức Giêsu nhắc đến những người khiêm tốn, bé mọn, và nghèo khổ vì chính Người trở nên nghèo nàn và khiêm nhường. Và để học hỏi, trước hết, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận sự ngu dốt và kiêu ngạo đã khiến chúng ta nghĩ rằng mình có thể làm được mọi thứ bằng khả năng và sức
riêng của mình. Cần có đôi tai rộng mở lắng nghe Lời Chúa, nhờ đó, các con học được từ trái tim, tình yêu, lối nghĩ, lối nhìn, và hành động của Chúa. Cần có sự can đảm để đến gần Chúa và noi gương Người.
Các con thân mến, đừng sợ nhưng hãy đến với Đức Giêsu với tất cả những gì các con chất chứa trong lòng: Người là Đức Chúa duy nhất mang lại sự nghỉ ngơi bồi dưỡng và bình an đích thực. Hãy noi gương Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu và của chúng ta, Đấng sẽ dẫn các con đến với Người. Hãy tin tưởng vào Ngôi Sao Biển (Stella Maris), dấu hiệu của hy vọng giữa sóng cả ba đào, chính Mẹ sẽ dẫn chúng ta cập bến bình an. Mẹ là người biết Con của Mẹ, sẽ giúp các con noi gương Người trong mối tương quan của các con với Thiên Chúa là Cha, với lòng trắc ẩn đối với người lân cận và ý thức về những gì chúng ta được mời gọi để trở thành, những con cái của Thiên Chúa. Vào thời điểm giữa mùa hè hiện nay, Đức Chúa mời gọi các con đi nghỉ với Người, ở nơi đặc biệt nhất, đó là chính trái tim của các con.
Các bạn trẻ thân mến, trong khi các con nghỉ ngơi trong Chúa Giêsu Kitô, cha phó thác các con cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên quốc của chúng ta, để nhờ lời chuyển cầu và gương mẫu của Mẹ, các con có thể mang lấy ách nhẹ nhàng và êm ái của việc đi theo Đức Kitô.
Nguyện xin ánh mắt của Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương từng người trong các con, dõi theo các con mỗi ngày, để trong mối tương quan với người khác, các con trở nên chứng nhân của sự bình an mà các con được lãnh nhận như một hồng ân.
Cha hiệp ý cầu nguyện và ưu ái ban phép lành cho các con; cha cũng xin các con cầu nguyện cho cha.” (ĐTC Phanxicô, 16/07/2022, Sứ điệp cho giới trẻ Đại hội quốc tế Mễ Du lần 33)
Đọc tiếp »

CHÚA GIÊSU-BÁNH SỰ SỐNG (ĐTC Phanxicô, 08/08/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ ngày hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục rao giảng cho những người đã từng thấy sự phi thường trong phép lạ hóa bánh ra nhiều. Và Ngài mời những người đó thực hiện một bước nhảy vọt về chất: sau khi nhắc nhớ lại ma-na mà Thiên Chúa đã cho tổ tiên họ ăn trong cuộc hành trình dài qua sa mạc, giờ đây Ngài áp dụng biểu tượng bánh cho chính mình. Người nói rõ: “Ta là bánh ban sự sống” (Ga 6, 48).
Bánh của sự sống có nghĩa là gì? Chúng ta cần bánh mì để sống. Những người đói không đòi cao lương mỹ vị, họ xin bánh mì. Những người thất nghiệp không yêu cầu mức lương cao ngất ngưởng, mà là “chiếc bánh mì” công việc. Chúa Giêsu tỏ mình ra là bánh, nghĩa là điều chính yếu, là

điều cần thiết cho cuộc sống hàng ngày; không có Ngài cuộc sống chúng ta không hoạt động.
Chúa Giêsu không phải một chiếc bánh trong số nhiều chiếc bánh khác, nhưng là bánh của sự sống. Nói cách khác, không có Người, thay vì sống động, chúng ta trở nên vất vưởng: bởi vì chỉ có Người mới nuôi dưỡng linh hồn ta; chỉ một mình Ngài tha thứ cho chúng ta khỏi điều ác mà chúng ta không thể tự mình vượt qua được; một mình Ngài khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương ngay cả khi những người khác làm chúng ta thất vọng; chỉ một mình Ngài cho chúng ta sức mạnh để yêu thương, và một mình Ngài cho chúng ta sức mạnh để tha thứ trong những hoàn cảnh khó mà thứ tha; chỉ một mình Ngài mang lại sự bình yên mà trái tim chúng ta đang tìm kiếm; chỉ một mình Ngài ban cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu khi cuộc sống ở đây, trên dương thế này, kết thúc. Ngài là bánh cần thiết của sự sống…
Chúa Giêsu biết rằng Chúa Cha đang yêu cầu Người không chỉ ban thức ăn cho nhân loại, mà còn ban chính mình, bẻ chính mình ra, trao ban sự sống của chính Ngài, thịt của chính Ngài, trái tim của chính Chúa để chúng ta có được sự sống. Những lời này của Chúa đã khơi dậy trong chúng ta sự ngạc nhiên về hồng ân Thánh Thể. Không ai trên dương thế này, dù yêu một người khác đến mức nào đi nữa, cũng không thể biến bản thân trở thành thức ăn cho người mình yêu. Chúa đã làm như vậy, và làm như vậy, cho chúng ta. Chúng ta hãy làm mới lại sự ngạc nhiên này. Chúng ta hãy làm như vậy khi chúng ta tôn thờ Bánh Sự Sống, bởi vì sự tôn thờ đó làm cho cuộc sống chúng ta đầy những kinh ngạc…
Ta là bánh của sự sống. Ít nhất một lần mỗi ngày chúng ta thấy mình đang ăn cùng nhau; có lẽ là vào buổi tối với gia đình của chúng ta, sau một ngày làm việc hoặc học tập. Thật là đáng yêu, trước khi bẻ bánh, hãy mời Chúa Giêsu, bánh của sự sống, cầu xin Ngài chúc phúc cho những gì chúng ta đã làm và những gì chúng ta đã thất bại. Chúng ta hãy mời Ngài vào nhà của chúng ta; chúng ta hãy cầu nguyện trong một phong cách “ấm cúng”. Chúa Giêsu sẽ đồng bàn cùng chúng ta và chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bởi một tình yêu lớn hơn…” (ĐTC Phanxicô, 08/08/2021)
Vì bị cách li tập trung, cách li ở nhà, cả người lành không được đi lễ cũng như thể “cách li” khỏi nhà thờ, nên anh chị em không rước lễ được. Hãy rước lễ thiêng liêng để Chúa Giêsu-Bánh Sự Sống luôn nuôi sống chúng ta .
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.