Ads 468x60px

Hiển thị các bài đăng có nhãn POPE FRANCIS. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn POPE FRANCIS. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

HÃY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU CÁC CON SẼ BÌNH AN (ĐTC Phanxicô, Sứ điệp giới trẻ quốc tế lần thứ 33, được tiến hành từ ngày 01 - 06/08/2022 tại Đền thánh Đức Mẹ Medjugorje, thuộc Cộng hòa Bosnia Herzegovina.)


“Các bạn trẻ thân mến,
Theo tường thuật của thánh sử Matthêu, Chúa Giêsu ngỏ lời với mọi người rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28 -30). Vào thời điểm đó, cũng như hôm nay, với chủ đề của ngày Lễ hội, được gợi hứng từ đoạn Tin Mừng mà cha vừa đề cập, Chúa Giêsu cũng mời gọi các con: “Hãy học cùng Thầy, các con sẽ tìm được bình an”.
Đức Chúa không dành những lời này chỉ cho các tông đồ hoặc cho một số bạn bè của mình, nhưng Người nói chúng với tất cả những ai đang mệt mỏi và bị áp bức. Đức Giêsu biết cuộc sống vốn khó khăn và có nhiều điều khiến trái tim chúng ta đau khổ ra sao: quá nhiều thất vọng, nhiều vết thương trong quá khứ, nhiều gánh nặng chúng ta phải mang vác, và nhiều bất công, bất ổn và lo lắng mà chúng ta phải chịu đựng. Đối diện với những điều này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta: “Hãy đến với Thầy và hãy học với Thầy”. Đây là lời mời gọi hãy tiến lên, đừng đứng yên, đừng để mình bị đơ cứng và sợ hãi khi đương đầu với thực tế cuộc sống, nhưng hãy tin cậy nơi Chúa Giêsu. Điều này nghe ra có vẻ dễ dàng, nhưng trong những thời khắc đen tối, việc co cụm vào chính mình là lẽ đương nhiên. Do đó, vì muốn đưa chúng ta ra ngoài, nên Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hãy đến”.
Hãy nhìn lên Đức Giêsu, Đấng thực sự yêu thương chúng ta để tìm ra lối thoát ngay trong những mối tương quan của chúng ta. Nhưng, chỉ thoát ra khỏi bản thân mà thôi thì chưa đủ; chúng ta còn cần phải biết nơi mình sẽ đi, bởi vì có rất nhiều lời đề nghị lừa dối hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng lại khiến chúng ta rơi vào tình trạng cô độc như trước đây. Vì thế, Chúa Giêsu chỉ ra nơi để chúng ta đi: “Hãy đến với Thày”.
Các bạn trẻ thân mến, với con tim rộng mở, các con hãy đến với Chúa Giêsu, mang lấy ách của Người và học hỏi nơi Người. Hãy đến với vị Thầy để trở thành môn đệ và người thừa kế lời hứa bình an của Người. Việc mang lấy ách của Chúa Giêsu sẽ giúp các con khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa và dẫn các con tới việc thông phần vào mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Đức Kitô. “Cái ách” mà Đức Kitô nói đến là luật yêu thương, là giới răn mà Người đã trối lại cho các môn đệ: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15, 12). Bởi vì phương thuốc đích thực cho những vết thương của nhân loại là lối sống dựa trên tình yêu thương huynh đệ, vốn được phát xuất từ chính tình yêu của Thiên Chúa…” (ĐTC Phanxicô, Sứ điệp giới trẻ quốc tế lần thứ 33, được tiến hành từ ngày 01 - 06/08/2022 tại Đền thánh Đức Mẹ Medjugorje, thuộc Cộng hòa Bosnia Herzegovina.)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

THÁNH ĐA MINH


Thánh nhân sinh quãng năm 1170, tại Ca-lê-ru-ê-ga, Tây Ban Nha. Người học thần học tại Pa-len-xi-a rồi làm kinh sĩ giáo phận Ốt-ma. Trước hết, người quy tụ một số phụ nữ về sống tại Pơ-rô-vin-lơ (Pháp), theo một tu luật, rồi sau người lập dòng Anh Em Thuyết Giáo tại Tu-lu-dơ để đối lại lạc giáo Ca-tha. Chính người đã chiến đấu với lạc giáo bằng lời giảng thuyết, bằng gương sáng và đã thu hoạch được kết quả khả quan. Người muốn các anh em trong dòng phải sống khất
thực, và lời giảng dạy phải xuất phát và được nuôi dưỡng bằng chiêm niệm. Người đã đặt trung tâm dòng ở Rô-ma trước khi qua đời ở Bô-lô-nha ngày 6 tháng 8 năm 1221.
Trích các văn kiện lịch sử dòng Anh Em Thuyết Giáo :
“Thánh Đa-minh rất mực đoan chính và nhiệt tình mến Chúa. Không nghi ngờ gì nữa, ai cũng chứng thực là người thật đáng kính và đầy ân sủng. Tâm hồn người hết sức bình thản, chỉ xao động khi đồng cảm nỗi thống khổ của người khác hay khi tỏ lòng thương xót khoan dung. Lòng vui thì nét mặt cũng vui lây, nên người đã giãi toả niềm an vui nội tâm trên khuôn mặt khả ái hân hoan.
Qua lời nói cũng như việc làm, đâu đâu người cũng tỏ ra là một con người phúc âm. Ban ngày, không ai hoà đồng vui vẻ với anh em bằng hữu hơn người. Ban đêm, chẳng ai kiên trì canh thức cầu nguyện đủ cách như người. Người ít nói, ngoại trừ nói với Thiên Chúa -tức là cầu nguyện- hay nói về Thiên Chúa, và người thường khuyên bảo anh em như vậy.
Người thường dâng lên lời cầu khẩn đặc biệt này, là xin Thiên Chúa thương ban cho người lòng bác ái chân thật, lòng bác ái giúp người nỗ lực tìm kiếm và đem lại ơn cứu độ cho con người. Người nghĩ rằng người chỉ thật sự là chi thể của Đức Ki-tô khi đem trọn vẹn con người và sức lực ra cứu các linh hồn như Chúa Giê-su là Đấng cứu độ mọi người đã dâng hiến trọn vẹn con người mình để cứu độ chúng ta. Và để thực hiện công trình này, theo kế hoạch quan phòng sâu thẳm từ ngàn đời của Thiên Chúa, người đã lập dòng Anh Em Thuyết Giáo.
Người hay dùng lời nói và thư từ khuyên bảo anh em dòng thường xuyên học hỏi Tân Ước và Cựu Ước. Lúc nào người cũng mang theo mình sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu cùng với các thư thánh Phao-lô, và học đến hầu như thuộc lòng…”
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

TÔI SÙNG BÁI CỦA CẢI, HAY LÀM GIÀU THEO Ý CHÚA ? (ĐTC Phanxicô, 31/07/2022)


“Hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng trọng tâm của tất cả những điều này không chỉ là một số người quyền lực, hoặc một số hệ thống kinh tế nhất định. Sự thèm muốn trong trái tim của mọi người là trung tâm. Và vì vậy, chúng ta hãy thử tự hỏi mình: Tôi đang ở đâu trong cố gắng đừng dính bén đến tài sản, tách mình khỏi sự giầu sang? Tôi có phàn nàn về những gì tôi thiếu thốn, hay tôi biết bằng lòng với những gì mình đang có? Tôi
có bị cám dỗ để hy sinh các mối quan hệ và thời gian cho người khác vì tiền bạc và cơ hội không? Và một lần nữa, liệu tôi có hy sinh tính hợp pháp và lòng trung thực cho bàn thờ của sự thèm muốn không? Tôi đã nói “bàn thờ”, bàn thờ của sự thèm muốn, nhưng tại sao tôi lại nói bàn thờ? Bởi vì của cải vật chất, và tiền bạc, có thể trở thành một sự sùng bái, một thứ thờ ngẫu tượng thực sự.
Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta bằng những lời lẽ mạnh mẽ. Ngài nói, anh chị em không thể phục vụ hai chủ, và, hãy cẩn thận, Chúa Giêsu không nói hai chủ ấy là Thiên Chúa và ma quỷ, không, thậm chí Ngài cũng không nói hai chủ ấy là điều lành và điều ác, nhưng hai chủ ấy là Thiên Chúa và của cải (x. Lc 16,13). Người ta có thể ngờ rằng Chúa Giêsu sẽ nói rằng anh chị em không thể phục vụ hai chủ, Thiên Chúa và ma quỷ, không phải như thế, nhưng là Thiên Chúa và sự giàu có. Sự giàu có phải phục vụ chúng ta; còn ta phục vụ cho sự giàu có thì không, đó là thờ ngẫu tượng, đó là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa.
Như thế chúng ta có thể nghĩ, không nên khao khát làm giàu? Chắc chắn, anh chị em có thể làm giàu; anh chị em có quyền muốn được làm giàu. Thật đẹp khi trở nên giàu có, nhưng giàu theo ý Chúa! Chúa là Đấng giàu có nhất. Ngài giàu lòng nhân ái, giàu lòng nhân hậu. Sự giàu có của Ngài không làm nghèo đi một ai, không tạo ra những cuộc cãi vã, chia rẽ. Đó là sự giàu có biết cho đi, biết phân phát, biết chia sẻ. Thưa anh chị em, tích lũy của cải vật chất không đủ để sống sung túc, vì Chúa Giêsu cũng nói rằng sự sống không bao gồm những gì người ta sở hữu (x. Lc 12,15). Thay vào đó, nó phụ thuộc vào các mối quan hệ tốt, với Chúa, với những người khác, và thậm chí với những người có ít hơn chúng ta.
Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: Đối với bản thân, tôi muốn làm giàu bằng cách nào? Tôi muốn làm giàu theo Chúa hay theo lòng tham? Và, quay lại chủ đề thừa kế, tôi muốn để lại di sản gì? Tiền trong ngân hàng, những thứ vật chất, hay những người hạnh phúc xung quanh tôi, những việc tốt không bị lãng quên, những người tôi đã giúp đỡ để trưởng thành và thăng tiến?
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta hiểu thế nào là của cải thực sự của sự sống, là của cải tồn tại mãi mãi.” (ĐTC Phanxicô, 31/07/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

THAM LAM, HAM CỦA, TRANH GIÀNH (ĐTC Phanxicô, 31/07/2022)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Trong bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, một người đưa ra lời yêu cầu này với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi” (Lc 12,13). Đây là một tình huống rất phổ biến. Những vấn đề tương tự như thế vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Bao nhiêu anh chị em, bao nhiêu thành viên trong cùng một gia đình, chẳng may cãi nhau về tài sản thừa kế, có lẽ không còn nói chuyện được với nhau!
Đáp lại yêu cầu của người này, Chúa Giêsu không đi vào những chi tiết cụ thể, nhưng đi vào gốc rễ của những chia rẽ gây ra bởi sự sở hữu của cải. Ngài nói rõ ràng: “Hãy đề phòng mọi sự tham lam” (câu 15). “Hãy đề phòng mọi sự thèm muốn”. Lòng tham là gì? Đó là lòng tham của cải không kiềm chế được, luôn ham muốn giàu sang. Đây là một căn bệnh hủy hoại con người, bởi vì sự thèm khát của cải tạo ra một cơn nghiện. Trên tất cả, những người có nhiều không bao giờ bằng lòng, họ luôn muốn nhiều hơn, và chỉ cho bản thân mình. Nhưng như thế, người đó không còn tự do nữa: người đó bị ràng buộc vào của cải, biến thành một nô lệ cho điều nghịch lý thay lẽ ra phải phục vụ họ để họ được sống tự do và thanh thản. Thay vì được phục vụ bởi tiền, người đó trở thành tôi tớ của tiền.
Lòng tham cũng là một căn bệnh nguy hiểm cho xã hội, do lòng tham mà ngày nay chúng ta đã đạt đến những nghịch lý khác: một sự bất công chưa từng thấy trong lịch sử, trong đó một thiểu số sở hữu rất nhiều trong khi đại đa số có rất ít hay thậm chí chẳng có gì. Chúng ta hãy xem xét các cuộc chiến tranh và xung đột. Ham muốn tài nguyên và sự giàu có hầu như luôn là động lực. Có bao nhiêu quyền lợi đằng sau chiến tranh! Chắc chắn, một trong số này là buôn bán vũ khí. Vụ mua bán này là một vụ tai tiếng mà chúng ta không bao giờ được cam chịu…” (ĐTC Phanxicô, 31/07/2022)
Đọc tiếp »

CẦU NGUYỆN, YÊU MẾN (Trích bài giáo huấn của thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê:)


“Các con thân mến, kho tàng của người Ki-tô hữu không phải ở dưới đất, nhưng ở trên trời. Thế thì lòng trí chúng ta phải hướng đến nơi có kho tàng của chúng ta. Con người có một bổn phận cao đẹp là cầu nguyện và yêu mến... Các con cầu nguyện, các con yêu mến : đó là hạnh phúc của con người trên trần gian.
Cầu nguyện không gì khác hơn là kết hợp với Thiên Chúa. Khi có tâm hồn trong sạch và gắn bó với Thiên Chúa, ta thấy nơi mình một thứ hương thơm dịu dàng ngây ngất, một luồng ánh sáng rực rỡ chói chang. Trong mối kết hợp mật thiết này, Thiên Chúa và linh hồn tựa hai khối sáp nóng chảy hoà vào nhau, không thể tách rời nhau nữa. Thiên Chúa kết hợp với thụ tạo bé nhỏ của Người : đẹp đẽ biết bao ! Hạnh phúc này, không sao hiểu thấu.
Xưa kia chúng ta chẳng xứng đáng cầu nguyện, nhưng Thiên Chúa đã thương cho chúng ta được thưa chuyện với Người. Lời cầu nguyện của chúng ta là làn hương thơm rất đẹp lòng Người.
Các con thân mến, trái tim các con nhỏ hẹp, nhưng lời cầu nguyện sẽ khiến nó mở rộng và có sức yêu mến Thiên Chúa...
Cầu nguyện là nếm trước hạnh phúc trời cao, là làm cho phúc lộc thiên đàng tuôn đổ. Không bao giờ cầu nguyện mà không thấy dịu êm. Cầu nguyện là mật chảy vào hồn, biến tất cả nên êm ái ngọt ngào. Buồn phiền cực nhọc sẽ biến tan khi cầu nguyện sốt sắng, tựa tuyết tan dưới ánh mặt trời.
Cầu nguyện làm cho thời gian đi rất mau và đầy hứng thú, khiến ta không cảm thấy lâu. Đúng vậy : hồi các cha sở vùng Bơ-rét-xơ bị bệnh hầu hết, cha phải đi khắp vùng. Cha vừa đi vừa cầu nguyện với Thiên Chúa nhân lành. Nói thật với các con là cha chẳng thấy lâu gì cả.
Cha biết có những người đắm chìm trong cầu nguyện như cá trong nước. Họ thuộc trọn về Thiên Chúa nhân lành. Họ không bị chia trí. Ôi, cha mến những tâm hồn quảng đại này quá ! Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di và thánh Co-lê-ta trông thấy Chúa và chuyện vãn với Người như chúng ta vẫn trò chuyện với nhau. Còn chúng ta, biết bao lần chúng ta đến nhà thờ mà chẳng biết mình đến để làm gì, cũng chẳng biết mình muốn xin gì ! Thế mà khi đến nhà ai thì ta lại biết rõ mình đến để làm gì... Có những người như muốn nói với Thiên Chúa nhân lành rằng : “Con đến nói mấy câu cho xong chuyện với Chúa đây...” Cha thường nghĩ rằng : Khi đến tôn thờ Chúa, chúng ta sẽ được mọi điều như sở nguyện, với điều kiện là lời cầu xin của chúng ta đi đôi với một đức tin sống động và một tấm lòng thật trong trắng.”
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2022

TẠI SAO TA TÌM CHÚA ? (ĐTC Phanxicô, 01/08/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Khung cảnh ban đầu của bài Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay (Ga 6,24-35) cho chúng ta thấy một số con thuyền đang tiến về Caphácnaum: đám đông đang đi tìm Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nghĩ rằng đây là một điều rất tốt, nhưng Phúc Âm dạy chúng ta rằng tìm kiếm Thiên Chúa thôi thì chưa đủ đâu; chúng ta cũng phải hỏi tại sao chúng ta tìm kiếm Ngài. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê “ (câu 26). Thực tế là dân chúng đã chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, nhưng họ không hiểu được ý nghĩa của cử chỉ đó: họ dừng lại ở phép lạ bên ngoài, họ dừng lại ở chiếc bánh vật chất: chỉ ở đó, không đi xa hơn, để có thể hiểu được ý nghĩa của điều này.
Đây là câu hỏi đầu tiên chúng ta có thể tự hỏi: tại sao chúng ta tìm kiếm Chúa? Tại sao tôi tìm kiếm Chúa? Đâu là động lực cho đức tin của tôi, cho đức tin của chúng ta? Chúng ta cần phải phân định điều này, bởi vì trong số nhiều cám dỗ mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống, trong số rất nhiều cám dỗ, có một cám dỗ mà chúng ta có thể gọi là cám dỗ thờ ngẫu tượng. Đó là điều thúc đẩy chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa để sử dụng cho chính mình, để giải quyết các vấn đề, để nhờ Ngài chúng ta đạt được những gì chúng ta không thể tự mình có được, vì lợi ích của chúng ta.
Nhưng theo cách này, đức tin vẫn còn hời hợt và thậm chí, tôi có thể nói đó là đức tin hệ tại vào phép lạ: chúng ta tìm kiếm Chúa để nuôi chúng ta và sau đó quên đi Ngài khi chúng ta đã no nê. Trung tâm của đức tin non nớt này không phải là Thiên Chúa, mà là những nhu cầu của chính chúng ta, chỉ nghĩ đến lợi ích của chúng ta, nhiều thứ… Trình bày nhu cầu của chúng ta với lòng Chúa là đúng, nhưng Chúa, Đấng hành động vượt xa sự mong đợi của chúng ta, trước hết muốn sống với chúng ta trong mối quan hệ yêu thương. Và tình yêu đích thực là không vụ lợi, là tự do: yêu chỉ vì muốn được hồi đáp một ân huệ thì không phải là yêu! Đó là vụ lợi; và rất thường xuyên trong cuộc sống, chúng ta bị thúc đẩy bởi tư lợi.” (ĐTC Phanxicô, 01/08/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

TÔI TRUYỀN LẠI GÌ CHO THẾ HỆ SAU ? (ĐTC Phanxicô, giảng lễ tại Canada, 26/07/2022)


“…Chúng ta đừng quên rằng nhựa sống đi từ rễ đến cành, đến lá, đến hoa, rồi đến quả của cây. Truyền thống đích thực được thể hiện theo chiều dọc này: từ dưới lên. Chúng ta cần phải cẩn thận kẻo rơi vào một bức tranh biếm họa của truyền thống, không phải theo chiều dọc, từ rễ đến trái, mà là chiều ngang : tiến và lùi. Truyền thống được hình thành theo cách này chỉ dẫn chúng ta đến

một loại “văn hóa ngược”, nơi ẩn náu của tính tự cao, là thứ chỉ đơn giản là nuôi dưỡng hiện tại, nhốt nó trong tâm lý nói rằng, “Chúng ta luôn làm theo cách này”.
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng các ông có phúc vì được thấy và nghe điều mà biết bao ngôn sứ và những người công chính chỉ có thể hy vọng (x. Mt 13, 16-17). Nhiều người đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa về Đấng Mêsia sẽ đến, đã dọn đường cho Ngài và báo tin Ngài sẽ đến. Nhưng bây giờ Đấng Mêsia đã đến, những ai có thể nhìn thấy và nghe thấy Ngài được kêu gọi để chào đón Ngài và công bố sự hiện diện của Ngài ở giữa chúng ta.
Thưa anh chị em, điều này cũng áp dụng cho chúng ta. Những người đi trước chúng ta đã truyền cho chúng ta một niềm đam mê, một sức mạnh và một khao khát, một ngọn lửa mà chúng ta có thể thắp lại. Vấn đề không phải là bảo quản tro cốt, mà là thắp lại ngọn lửa mà họ đã thắp lên. Ông bà và những người lớn tuổi của chúng ta muốn thấy một thế giới công bằng, huynh đệ và đoàn kết hơn, và họ đã chiến đấu để mang lại cho chúng ta một tương lai. Bây giờ, chúng ta đừng để họ thất vọng. Việc tiếp nhận truyền thống đã nhận được là tùy thuộc vào chúng ta, bởi vì truyền thống đó là đức tin sống động của những người đã khuất của chúng ta. Chúng ta đừng biến nó thành “chủ nghĩa truyền thống”, tức là đức tin đã chết của người sống, như một tác giả đã từng nói. Được những người là cội rễ của chúng ta vun đắp, giờ đến lượt chúng ta đơm hoa kết trái.
Chúng ta là những cành phải nở hoa và gieo rắc những hạt giống mới của lịch sử. Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình một vài câu hỏi cụ thể. Là một phần của lịch sử cứu rỗi, dưới ánh sáng của những người đi trước tôi và yêu thương tôi, tôi phải làm gì bây giờ? Tôi có một vai trò độc đáo và không thể thay thế trong lịch sử, nhưng tôi sẽ để lại dấu ấn gì? Tôi đang truyền lại điều gì cho những người sẽ đến sau tôi? Tôi đang cho cái gì của bản thân?
Thông thường, chúng ta đo lường cuộc sống của mình dựa trên thu nhập, loại nghề nghiệp, mức độ thành công và cách người khác nhìn nhận về chúng ta. Tuy nhiên, đây không phải là những tiêu chí mang lại sự sống. Câu hỏi thực sự là: tôi có đang trao ban cuộc sống không? Tôi có mở ra lịch sử của một tình yêu mới và tái tạo mà trước đây không có? Tôi có đang loan báo Tin Mừng trong khu phố của tôi không? Tôi có đang tự do phục vụ người khác, như cách mà những người đi trước đã làm cho tôi không? Tôi đang làm gì cho Giáo hội, thành phố, xã hội của mình?
Thưa anh chị em, thật dễ dàng để chỉ trích, nhưng Chúa không muốn chúng ta chỉ là những người chỉ trích hệ thống, hoặc khép kín và “nhìn ngược lại”, như tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái đã nói (x.Dt 10,39). Thay vào đó, Thánh Phaolô muốn chúng ta trở thành những nghệ nhân của một lịch sử mới, những người dệt nên hy vọng, những người xây dựng tương lai, những người kiến tạo hòa bình.” (ĐTC Phanxicô, giảng lễ tại Canada, 26/07/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

NGƯỜI CAO NIÊN LÀ TẤM BÁNH NUÔI SỐNG TA (ĐTC Phanxicô, giảng lễ ngày Thế giới người cao tuổi lần I, 25/07/2021)


“…Chúng ta đừng đánh mất ký ức được gìn giữ bởi những người cao niên, vì chúng ta là con cái của lịch sử đó, và không có cội nguồn, chúng ta sẽ khô héo. Các ngài đã bảo vệ chúng ta khi chúng ta lớn lên, và bây giờ đến lượt chúng ta bảo vệ cuộc sống của các ngài, giảm bớt khó khăn của các ngài, quan tâm đến nhu cầu của các ngài và bảo đảm rằng các ngài được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày và không cảm thấy cô đơn.
Chúng ta hãy tự hỏi mình: “Tôi đã đến thăm ông bà, những người thân lớn tuổi của mình, những người lớn tuổi trong khu phố của tôi chưa? Tôi đã lắng nghe các ngài chưa? Tôi đã dành thời gian cho các ngài chưa?” Chúng ta hãy bảo vệ các ngài, để không có gì trong cuộc sống và ước mơ của các ngài có thể bị mất. Cầu xin cho chúng ta không bao giờ phải hối tiếc rằng chúng ta đã thiếu quan tâm đến những người thân yêu của chúng ta, và là những người đã cho chúng ta cuộc sống.
Anh chị em, ông bà và các cụ cao niên là tấm bánh nuôi sống chúng ta. Chúng ta biết ơn các ngài vì những ánh mắt dõi theo đã quan tâm đến chúng ta, những cánh tay đã ôm chúng ta và những chiếc đầu gối đã quỳ xuống với chúng ta. Chúng ta biết ơn các ngài vì những bàn tay đã ôm chúng ta và nâng chúng ta lên, vì những trò chơi mà các ngài đã chơi với chúng ta và vì sự thoải mái khi chúng ta được vuốt ve.
Xin đừng quên các ngài. Chúng ta hãy giao ước với các ngài. Chúng ta hãy học cách tiếp cận các ngài, lắng nghe các ngài và không bao giờ loại bỏ các ngài. Chúng ta hãy trân trọng các ngài và dành thời gian cho các ngài. Chúng ta sẽ trở nên tốt hơn vì điều đó. Và, cùng nhau, dù già hay trẻ, chúng ta sẽ tìm thấy sự thỏa mãn trong bàn tiệc chia sẻ, được Chúa chúc lành.” (ĐTC Phanxicô, giảng lễ ngày Thế giới người cao tuổi lần I, 25/07/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

BẢO TỒN LỊCH SỬ, TRI ÂN TIỀN NHÂN (ĐTC Phanxicô, giảng lễ 26/07/2022)


“Sách Huấn ca cũng cho chúng ta biết rằng việc bảo tồn lịch sử đã cho chúng ta sự sống không có nghĩa là che lấp “vinh quang” của tổ tiên chúng ta. Chúng ta không nên đánh mất ký ức về các ngài, cũng như không nên quên lịch sử đã sinh ra cuộc đời của chính chúng ta. Chúng ta nên luôn nhớ đến những người chìa bàn tay ra âu yếm chúng ta và những người đã ôm chúng ta trong

vòng tay của họ; vì trong lịch sử này, chúng ta có thể tìm thấy niềm an ủi trong những lúc nản lòng, một ánh sáng dẫn đường cho chúng ta và can đảm đối mặt với những thử thách của cuộc sống. Tuy nhiên, bảo tồn lịch sử đã cho chúng ta sự sống cũng có nghĩa là liên tục trở lại ngôi trường đó, nơi chúng ta lần đầu tiên học cách yêu. Nó có nghĩa là tự hỏi bản thân, khi đối mặt với những lựa chọn hàng ngày, điều khôn ngoan nhất của những người lớn tuổi mà chúng ta từng biết sẽ làm khi các ngài ở trong tình thế của chúng ta, ông bà và ông bà cố của chúng ta sẽ đưa ra lời khuyên gì cho chúng ta.
Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tự hỏi: con cháu chúng ta có đủ khả năng bảo vệ kho tàng mà chúng ta được thừa hưởng này không? Chúng ta có nhớ những lời dạy tốt đẹp mà chúng ta đã nhận được không? Chúng ta có nói chuyện với người lớn tuổi và dành thời gian để lắng nghe họ không? Và, trong những ngôi nhà ngày càng được trang bị đầy đủ, hiện đại và tiện dụng, chúng ta có biết dành một không gian xứng đáng để lưu giữ ký ức của các ngài, một vị trí đặc biệt, một đài tưởng niệm nhỏ của gia đình mà thông qua những bức ảnh và đồ vật quý giá, chúng ta có thể ghi nhớ trong lời cầu nguyện những người đã đi trước chúng ta? Chúng ta có lưu giữ Kinh thánh, và chuỗi hạt Mân Côi của các ngài chưa? Trong lớp sương mù của sự lãng quên che mờ thời kỳ hỗn loạn của chúng ta, điều cần thiết là anh chị em, hãy chăm sóc cội nguồn của chúng ta, cầu nguyện và cùng với các bậc tiền nhân của chúng ta, dành thời gian để tưởng nhớ và bảo vệ di sản của các ngài. Đây là cách một cây gia đình phát triển; đây là cách tương lai được xây dựng.
Bây giờ chúng ta hãy nghĩ đến điều quan trọng thứ hai. Ngoài việc là những đứa con của một lịch sử cần được bảo tồn, chúng ta còn là tác giả của một lịch sử chưa được viết ra. Mỗi chúng ta đều có thể nhận ra bản thân mình là ai và là gì, được đánh dấu bằng cả ánh sáng và bóng tối, và bằng tình yêu mà chúng ta đã hoặc chưa nhận được. Đây là điều bí ẩn của cuộc sống con người: tất cả chúng ta đều là con của một người nào đó, được sinh ra và uốn nắn bởi người khác, nhưng khi chúng ta trở thành người lớn, chúng ta cũng được kêu gọi để trao ban sự sống, làm cha, làm mẹ hoặc ông bà cho người khác.
Hãy nghĩ về con người chúng ta ngày nay, chúng ta muốn làm gì với bản thân? Những ông bà đi trước, những người cao tuổi, những người luôn mơ ước và hy vọng cho chúng ta, và đã hy sinh rất nhiều cho chúng ta, đặt ra cho chúng ta một câu hỏi thiết yếu: chúng ta muốn xây dựng một xã hội như thế nào? Chúng ta đã nhận được rất nhiều từ bàn tay của những người đi trước. Đến lượt mình, chúng ta muốn để lại điều gì cho những người đến sau chúng ta? Đức tin “nước hoa hồng”, đó là một đức tin loãng, hay một đức tin sống động? Một xã hội được thành lập dựa trên lợi nhuận cá nhân hay dựa trên tình huynh đệ? Một thế giới có chiến tranh hay một thế giới hòa bình? Một tạo vật bị tàn phá hay một ngôi nhà tiếp tục được chào đón?” (ĐTC Phanxicô, giảng lễ 26/07/2022)
Đọc tiếp »

CHIA SẺ và GIỮ GÌN (ĐTC Phanxicô, 25/07/2021)


“Chia sẻ. Thấy dân chúng đói khổ, Chúa Giêsu muốn cho họ ăn. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nhờ một thanh niên đưa năm ổ bánh và hai con cá. Thật cảm động biết bao, ở trung tâm của phép lạ mà nhờ đó khoảng năm nghìn người lớn đã được cho ăn, chúng ta thấy một người trẻ sẵn sàng chia sẻ những gì anh ta có.
Ngày nay, chúng ta cần một giao ước mới giữa người trẻ và người cao niên. Chúng ta cần chia sẻ kho báu của cuộc sống, cùng nhau ước mơ, vượt qua xung đột giữa các thế hệ và chuẩn bị một tương lai cho tất cả mọi người. Nếu không có sự chia sẻ giao ước như vậy về cuộc sống, ước mơ và tương lai, chúng ta có nguy cơ chết vì đói, khi các mối quan hệ tan vỡ, sự cô đơn, ích kỷ và sức mạnh của sự tan rã ngày càng gia tăng.
Trong xã hội của chúng ta, chúng ta thường đầu hàng trước quan niệm “mỗi người vì chính mình”. Nhưng điều đó là chết người! Tin Mừng mời gọi chúng ta chia sẻ những gì chúng ta đang có và những gì chúng ta sở hữu, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới tìm thấy sự thỏa mãn. Tôi thường nhắc đến những lời của tiên tri Giô-ên về việc trẻ và già đến với nhau (xem Giô-ên 3, 1). Những người trẻ tuổi, như những nhà tiên tri của tương lai, những người trân trọng lịch sử của chính họ. Người cao niên, những người tiếp tục ước mơ và chia sẻ kinh nghiệm của các ngài với người trẻ, mà không cản đường họ. Trẻ và già, kho tàng của truyền thống và sự tươi mới của Thánh Linh. Trẻ và già cùng nhau. Cùng nhau trong xã hội và trong Giáo hội.
Giữ gìn. Sau khi đám đông đã ăn xong, Phúc âm kể lại rằng bánh còn lại rất nhiều. Vì vậy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi” (Ga 6, 12). Điều này cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa: Ngài không chỉ ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta cần, mà Ngài còn quan tâm đến việc không có gì bị mất, dù chỉ là một mảnh vụn. Một mẩu bánh có vẻ là một thứ nhỏ nhặt, nhưng trong mắt Thiên Chúa, không có gì là thứ để vứt bỏ. Thậm chí hơn thế nữa, không có người nào bị loại bỏ. Chúng ta cần thực hiện lời kêu gọi tiên tri này được nghe giữa chúng ta và trong thế giới của chúng ta: hãy thu thập, giữ gìn cẩn thận, và bảo vệ. Ông bà và người cao niên không phải là đồ thừa của cuộc sống, là đồ bỏ đi. Các ngài là những miếng bánh quý giá còn sót lại trên bàn đời vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”. (ĐTC Phanxicô, 25/07/2021)
Đọc tiếp »

TRI ÂN THỪA KẾ ÔNG BÀ (ĐTC Phanxicô giảng lễ mừng thánh Gioakim và Anna, ông bà ngoại Chúa Giêsu, 26/07/2022)



“Hôm nay chúng ta mừng lễ ông bà ngoại của Chúa Giêsu. Chúa đã tập hợp tất cả chúng ta lại với nhau một cách chính xác vào dịp này, là dịp lễ rất yêu quý đối với anh chị em và đối với tôi. Chính tại nhà của hai thánh Gioakim và Anna, Chúa Giêsu đã làm quen với những người họ hàng lớn tuổi của mình và cảm nhận được sự gần gũi, tình yêu thương dịu dàng và sự khôn ngoan

của ông bà mình. Chúng ta hãy nghĩ về ông bà của chúng ta, và suy ngẫm về hai điều quan trọng.
Thứ nhất: chúng ta là những đứa con của một lịch sử cần được bảo tồn. Chúng ta không phải là những cá thể biệt lập, những hòn đảo. Không ai bước vào thế giới này tách rời khỏi những người khác. Nguồn gốc của chúng ta, tình yêu đã chờ đợi chúng ta và chào đón chúng ta vào thế giới, gia đình mà chúng ta lớn lên, là một phần của lịch sử độc đáo đã đi trước chúng ta và cho chúng ta sự sống. Chúng ta đã không chọn lịch sử đó; chúng ta đã nhận nó như một ân sủng, một món quà mà chúng ta được kêu gọi trân trọng, vì như Sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta, chúng ta là “con cháu” của những người đi trước chúng ta; chúng ta là “cơ nghiệp” của các ngài (Hc 44:11). Một sự thừa kế, không phải là kế thừa uy tín hoặc quyền lực, trí thông minh hoặc sự sáng tạo trong các bài hát hoặc thơ ca, nhưng tập trung vào sự công chính, vào lòng trung thành với Thiên Chúa và thánh ý của Ngài. Đây là những gì họ đã truyền lại cho chúng ta. Để chấp nhận con người thật của chúng ta và biết rằng chúng ta quý giá như thế nào, chúng ta cần phải chấp nhận rằng mình là một phần của chính những người nam nữ mà chúng ta là con cháu. Họ không đơn giản chỉ nghĩ về bản thân, mà đã truyền lại cho chúng ta kho báu của cuộc sống.
Chúng ta có mặt ở đây là nhờ cha mẹ của chúng ta, nhưng cũng cảm ơn ông bà của chúng ta, những người đã giúp chúng ta cảm thấy được chào đón trên thế giới. Thường thì họ là những người yêu thương chúng ta vô điều kiện, không mong nhận lại bất cứ điều gì. Họ đã nắm tay chúng ta khi chúng ta sợ hãi, trấn an chúng ta trong bóng tối của đêm đen, khích lệ chúng ta trong ánh sáng ban ngày khi chúng ta phải đối mặt với những quyết định quan trọng của cuộc đời. Nhờ ông bà, chúng ta đã nhận được một sự vuốt ve từ lịch sử đi trước: chúng ta học được rằng lòng tốt, tình yêu dịu dàng và trí tuệ là cội rễ vững chắc của nhân loại. Chính trong nhà của ông bà, nhiều người trong chúng ta đã hít thở hương thơm của Tin Mừng, sức mạnh của một đức tin khiến chúng ta cảm thấy như ở nhà. Nhờ họ, chúng ta đã khám phá ra loại đức tin “quen thuộc”, một đức tin tại gia. Bởi vì đó là cách đức tin được truyền lại một cách căn bản, tại gia đình, thông qua tiếng mẹ đẻ, với tình cảm và sự khích lệ, quan tâm và gần gũi.
Đây là lịch sử của chúng ta, mà chúng ta là người thừa kế và chúng ta được kêu gọi bảo tồn. Chúng ta là con cái bởi vì chúng ta là cháu chắt. Ông bà của chúng ta đã để lại một dấu ấn riêng cho chúng ta bằng cách sống của họ; họ đã cho chúng ta phẩm giá và sự tự tin vào bản thân và những người khác. Họ đã ban tặng cho chúng ta thứ gì đó không bao giờ có thể lấy đi được từ chúng ta và điều đó đồng thời cho phép chúng ta trở nên độc nhất, nguyên bản và tự do.
Từ ông bà chúng ta, chúng ta học được rằng tình yêu không bao giờ bị ép buộc; nó không bao giờ tước đi tự do nội tâm của người khác. Đó là cách Gioakim và Anna yêu mến Đức Maria và Chúa Giêsu; và đó là cách mà Mẹ Maria đã yêu Chúa Giêsu, với một tình yêu không bao giờ bóp chết hay kìm hãm Người, nhưng đã đồng hành với Người trong việc thực hiện sứ mệnh mà Người đã đến trong thế gian. Chúng ta hãy cố gắng học hỏi điều này, với tư cách cá nhân và với tư cách là một Giáo hội. Mong sao chúng ta học cách không bao giờ gây áp lực lên lương tâm của người khác, không bao giờ hạn chế quyền tự do của những người xung quanh, và trên hết, đừng bao giờ thất bại trong việc yêu thương và tôn trọng những người đi trước và được giao phó cho chúng ta chăm sóc. Vì họ là một kho tàng quý báu lưu giữ một lịch sử vĩ đại hơn chính họ…”
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2022

PHÚC CHO AI BIẾT CHO (Trích bài giảng của thánh Ba-xi-li-ô Cả, giám mục)


“Này bạn, hãy làm như ruộng đất : hãy sinh hoa kết quả như nó, đừng để mình bị coi là kém loài vô tri. Đất nuôi hoa trái, không phải cho chính nó, nhưng cho bạn được hưởng. Còn bạn, mỗi khi trổ sinh hoa trái là việc lành phúc đức, bạn sẽ thu hoạch cho chính mình, vì ân phúc và phần thưởng do việc lành sẽ về lại với những người quảng đại thi ân. Bạn đã cho kẻ đói ăn thì cái bạn cho là của bạn và trở nên phong phú gấp bội khi về lại với bạn. Hạt lúa gieo xuống đất sinh lời cho kẻ gieo thế nào, thì tấm bánh trao cho người đói sẽ sinh lợi nhiều cho bạn về sau như thế. Hãy khởi sự mùa gieo phúc đức khi bạn kết thúc mùa gặt hái ruộng vườn. Vì Kinh Thánh nói : Hãy gieo công chính rồi sẽ được gặt tình thương.
Thật ra, muốn hay không, bạn cũng sẽ phải bỏ lại nơi đây tiền bạc của bạn. Trái lại, khi về với Chúa, bạn sẽ mang theo vinh dự do việc lành phúc đức bạn đã làm. Bấy giờ, trước mặt Vị Thẩm Phán tối cao, đám dân đông đảo vây quanh bạn sẽ gọi bạn là người cấp dưỡng, là kẻ quảng đại thi ân, và sẽ tặng bạn tất cả những danh hiệu nói lên lòng nhân ái và từ tâm của bạn.
Bạn chẳng thấy sao : có những kẻ đổ tiền của vào các hý trường cho những lực sĩ võ đài, những diễn viên hài kịch, những tay đấu với thú dữ mà chỉ nhìn thấy thôi, ai cũng phát gớm ? Họ đổ tiền ra như thế chỉ vì chút vinh dự mau qua và để được thấy dân chúng hò hét tung hô.
Còn bạn, khi phải chi cho những khoản đem lại vinh quang lớn lao dường ấy cho bạn, bạn lại dè sẻn sao ? Bạn sẽ được Thiên Chúa tán thưởng, các thiên thần ngợi khen, mọi người từ thuở tạo thành trái đất ca tụng là diễm phúc. Bạn sẽ lãnh nhận vinh quang vĩnh cửu, triều thiên công chính và Nước Trời làm phần thưởng, vì đã biết phân phát của cải mau qua một cách chính đáng. Thế mà bạn chẳng bận tâm gì về những điều trên đây, vì ham của cải hiện thời mà coi thường những gì bạn đã ký thác và đang trông đợi. Nào, bạn hãy phân phát của cải bằng nhiều cách. Hãy rộng rãi và hào phóng khi phải chi tiêu cho những người túng thiếu. Ước gì người ta cũng nói về bạn : Kẻ túng nghèo, họ rộng tay làm phúc, đức công chính của họ tồn tại muôn đời.”
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

BA TRỤ CỘT : ƯỚC MƠ, KÝ ỨC và CẦU NGUYỆN (Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 31/05/2021, Lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Elizabeth, Phanxicô)


“Theo cái nhìn này, tôi muốn nói với mỗi anh chị em rằng cần phải có anh chị em để xây dựng thế giới tương lai, trong tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, là thế giới mà chúng ta, cùng với con cháu chúng ta, sẽ sống sau khi cơn bão đã lắng dịu xuống. Tất cả “chúng ta hãy là những người chủ động trong việc phục hồi và hỗ trợ những tầng lớp xã hội bị tổn thương” (ibid., 77). Trong số các trụ cột chống đỡ công trình mới này, có ba trụ cột mà anh chị em, hơn bất kỳ ai khác, có thể giúp thiết lập. Ba trụ cột đó là ước mơ, ký ức và cầu nguyện. Sự gần gũi của Chúa sẽ ban cho tất cả chúng ta, ngay cả những người yếu đuối nhất, sức mạnh cần thiết để bắt đầu một cuộc hành trình mới trên con đường của ước mơ, ký ức và cầu nguyện.
Ngôn sứ Giô-en đã từng loan báo lời hứa này: “người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3, 1). Tương lai của thế giới phụ thuộc vào giao ước giữa trẻ và già. Ai có thể chắp cánh ước mơ của người già và biến chúng thành hiện thực, nếu không phải là người trẻ? Tuy nhiên, để có được điều này, chúng ta cần phải tiếp tục ước mơ. Ước mơ của chúng ta về công lý, về hòa bình, về tình liên đới có thể giúp những người trẻ chúng ta có những cái nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai. Anh chị em cần chứng tỏ rằng có thể vượt qua và đổi mới sau trải nghiệm gian khổ. Tôi chắc chắn rằng anh chị em đã hơn một lần trải nghiệm như thế: trong cuộc đời, anh chị em đã phải đối mặt với vô số khó khăn nhưng vẫn có thể vượt qua. Giờ đây hãy sử dụng những kinh nghiệm đó để biết cách vượt qua.
Những ước mơ vì thế mà đan xen với ký ức. Tôi nghĩ đến giá trị những ký ức đau thương của chiến tranh và tầm quan trọng của nó trong việc giúp các thế hệ trẻ học được giá trị của hòa bình. Những anh chị em đã trải nghiệm những đau khổ của cuộc chiến phải truyền lại thông điệp này. Sứ mệnh đích thực của mỗi người cao tuổi là giữ cho ký ức sống động: lưu giữ ký ức và chia sẻ nó với những người khác. Edith Bruck, người đã sống sót sau cuộc thảm sát Shoah, đã nói rằng “dù chỉ soi sáng lương tâm của một con người thì cũng đáng cho những nỗ lực và đau đớn để giữ ký ức về những gì đã qua được tồn tại”. Bà nói tiếp: "Đối với tôi, lưu giữ ký ức là sống.”[3] Tôi cũng nghĩ đến ông bà của tôi và những người trong anh chị em đã phải di cư và trải qua nỗi khó khăn khi rời bỏ chính ngôi nhà của mình, như rất nhiều người hôm nay vẫn tiếp tục phải làm thế, hy vọng nơi một tương lai tốt hơn. Một số người trong những người này thậm chí có thể bây giờ đang ở cạnh chúng ta, chăm sóc chúng ta. Ký ức này có thể giúp xây dựng một thế giới nhân văn và hiếu khách hơn. Ngược lại, không có ký ức, chúng ta sẽ không bao giờ có thể xây dựng; không có nền móng thì không bao giờ xây được nhà. Không bao giờ. Và nền tảng của cuộc sống là ký ức.
Cuối cùng là cầu nguyện. Như đấng tiền nhiệm của tôi, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một vị cao niên thánh thiện vẫn tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội, đã từng nói: "Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, giúp ích cho thế giới có lẽ hữu hiệu hơn là hoạt động tất bật của nhiều người"[4]. Ngài đã nói những lời này năm 2012 lúc gần cuối triều đại giáo hoàng của ngài. Câu nói quá hay! Lời cầu nguyện của anh chị em là một nguồn lực vô cùng quý giá, như là hơi thở sâu nơi buồng phổi mà lúc này Giáo hội và thế giới rất cần (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 262). Đặc biệt là vào thời khắc khó khăn này của nhân loại, khi chúng ta tiếp tục chèo chống trên cùng một con thuyền giữa biển cả vượt cơn bão tố của đại dịch, lời cầu bầu của anh chị em cho thế giới và cho Giáo hội vô cùng giá trị: nó mang lại cho mọi người sự bình an và tin tưởng rằng chúng ta sẽ sớm cập bến.
Các bậc ông bà và anh chị em cao niên thân mến, kết thúc Sứ điệp gửi đến anh chị em, tôi cũng muốn đề cập đến mẫu gương Chân phước Charles de Foucauld (sắp được phong thánh). Ngài sống như một ẩn sĩ ở Algeria và ở đó ngài đã làm chứng cho “niềm khao khát được cảm nghiệm mọi người, bất kỳ ai, cũng đều là anh em của ngài” (Fratelli Tutti, 287). Câu chuyện về cuộc đời ngài cho thấy làm thế nào, con người dù có đơn độc trong sa mạc của riêng mình, vẫn có thể cầu bầu cho những người nghèo trên toàn thế giới và thực sự trở thành anh chị em của mọi người.
Tôi cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta, nhờ gương lành của anh Charles, cũng có thể mở tấm lòng, biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau của người nghèo và biết cầu khẩn cho những nhu cầu của họ. Chớ gì mỗi người chúng ta học cách lặp lại với mọi người, và đặc biệt là với người trẻ, những lời an ủi mà chúng ta đã nghe nói hôm nay: “Ta luôn ở cùng anh chị em”! Hãy tiếp tục tiến bước! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.” (Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 31/05/2021, Lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Elizabeth, Phanxicô)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

DÙ SỨC TÀN LỰC KIỆT… CHÚNG TA CẦN ĐẾN NHAU (ĐTC Phanxicô, sứ điệp ngày Thế giới Ông bà và người cao tuổi lần I, 25/07/2021)


“…Do đó, tại một thời điểm quyết định của lịch sử, mỗi anh chị em cũng có một ơn gọi được đổi mới. Anh chị em có thể tự hỏi: Làm sao có thể thế được? Sức lực tôi đang dần cạn kiệt và tôi không nghĩ mình có thể làm được nhiều việc. Làm sao tôi có thể bắt đầu hành xử khác đi khi thói quen đã thành quy tắc trong cuộc đời tôi? Làm sao tôi có thể cống hiến cho người nghèo khi còn canh cánh bao nỗi lo toan về gia đình mình? Làm sao tôi có thể mở rộng tầm nhìn khi tôi thậm chí không thể rời khỏi nơi mình đang ở. Chẳng lẽ sự cô độc của tôi chưa đủ là một gánh nặng hay sao?
Có bao nhiêu người trong anh chị em đang hỏi câu đó: chẳng lẽ sự cô độc của tôi chưa đủ là một gánh nặng hay sao? Chính Chúa Giêsu đã nghe ông Nicôđêmô hỏi một câu tương tự: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?” (Ga 3, 4). Chúa trả lời, điều đó có thể xảy ra nếu chúng ta mở lòng đón nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng muốn thổi đâu thì thổi. Chúa Thánh Thần vẫn hằng luôn tự do, Ngài đến bất cứ nơi đâu và làm bất kỳ điều gì Ngài muốn.
Như tôi đã nhiều lần lặp lại, chúng ta sẽ không thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại mà vẫn cứ y nguyên như cũ, hoặc sẽ tốt hơn hoặc sẽ tệ hơn. Và “Ước gì đây không là một bi kịch khác của lịch sử mà lại một lần nữa chúng ta chẳng học được gì – chúng ta vốn cứng đầu – ! Ước gì chúng ta luôn nhớ đến những người già đã chết vì thiếu máy trợ thở [...]. Ước gì nỗi đớn đau dằn vặt lớn lao đó không trở nên vô ích, nhưng là bước tiến giúp chúng ta biết đổi mới cách sống.
Ước gì chúng ta tái khám phá và vĩnh viễn nhận biết rằng chúng ta cần đến nhau, chúng ta mắc nợ lẫn nhau để nhờ đó, gia đình nhân loại được tái sinh”(Fratelli Tutti, 35). Không ai được cứu một mình. Tất cả chúng ta đều mắc nợ lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều là anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, sứ điệp ngày Thế giới Ông bà và người cao tuổi lần I, 25/07/2021)
Đọc tiếp »

ANH CHỊ EM CÓ DẠY CHO CON CÁI MÌNH KHÔNG ? (ĐTC Phaolô VI- x.Tông huấn Gia Đình, số 60)

-“Hỡi các bà mẹ, chị em có dạy cho các con nhỏ của mình những lời kinh của người Kitô hữu không? Chị em có cộng tác với các linh mục để chuẩn bị cho chúng lãnh nhận các Bí tích: Xưng tội, Rước lễ, Thêm sức không? Nếu chúng đau ốm, chị em có tập cho chúng quen nghĩ tới sự đau khổ của Đức Kitô, quen kêu cầu sự giúp đỡ của Đức Mẹ đồng trinh và các thánh không? Chị em có lần hạt chung với chúng ở nhà không?
Còn anh em, hỡi những người cha, anh em có biết cầu nguyện chung với con cái, với cộng đồng gia đình, ít là thỉnh thoảng không? Gương sống ngay thẳng của anh em trong tư tưởng và hành động, được hỗ trợ ít nhiều bằng kinh nguyện chung, quả là một bài học sống động, một hành vi thờ phượng đáng tuyên dương.”
(ĐTC Phaolô VI- x.Tông huấn Gia Đình, số 60)
Đọc tiếp »

NHƯ CHÚA, TA KHÔNG NGHỈ HƯU (ĐTC Phanxicô, sứ điệp ngày Ông bà và Người cao tuổi…)


“Tuy nhiên, Chúa vẫn gửi cho chúng ta những sứ giả qua Lời Chúa. Ngài không bao giờ để cho cuộc đời chúng ta thiếu vắng Lời của Ngài. Mỗi ngày chúng ta hãy ráng đọc một trang Tin Mừng, cầu nguyện với các Thánh vịnh, đọc các sách Ngôn sứ! Chúng ta sẽ sửng sốt bởi sự thành tín của Chúa. Kinh Thánh cũng sẽ giúp chúng ta hiểu trong cuộc sống hiện nay Chúa yêu cầu chúng ta phải gì. Vì vào mỗi giờ trong ngày (x. Mt 20, 1-16) và ở mỗi giai đoạn cuộc đời, Chúa vẫn tiếp tục sai thợ vào làm vườn nho cho Chúa.
Chính tôi có thể chứng thực rằng tôi đã được kêu gọi để trở thành Giám mục của Roma, có thể nói được là, khi tôi đã đến tuổi nghỉ hưu và nghĩ rằng tôi sẽ chẳng còn làm được điều gì mới. Chúa luôn ở gần chúng ta, luôn luôn ở gần, với những khả năng mới, ý tưởng mới, niềm an ủi mới, nhưng luôn luôn ở bên chúng ta. Anh chị em biết rằng Chúa là vĩnh cửu, Ngài không bao giờ nghỉ hưu, không bao giờ.
Trong Tin Mừng thánh Mátthêu, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (28, 19-20). Hôm nay những lời này cũng được nói với chúng ta, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về ơn gọi của mình: gìn giữ cội nguồn của chúng ta, trao truyền đức tin cho lớp trẻ và chăm sóc các trẻ nhỏ. Hãy suy nghĩ kỹ: ơn gọi của chúng ta ngày nay, ở tuổi của chúng ta là gì? Gìn giữ cội nguồn của mình, trao truyền niềm tin cho lớp trẻ và chăm sóc các trẻ nhỏ. Đừng bao giờ quên điều này.
Dù anh chị em bao nhiêu tuổi, còn đi làm hay đã nghỉ, độc thân hay có gia đình, trở thành ông, thành bà khi còn trẻ hay lúc đứng tuổi, vẫn tự lập hay cần trợ giúp, thì cũng chẳng hệ gì, bởi không có tuổi nghỉ hưu để khỏi loan báo Tin Mừng và chuyển trao các truyền thống cho con cháu. Anh chị em chỉ cần lên đường và nhất là ra khỏi chính mình để thực hiện điều gì đó mới.” (ĐTC Phanxicô, sứ điệp ngày Ông bà và Người cao tuổi…)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2022

CHÚA SAI THIÊN THẦN NÂNG ĐỠ BẠN… (ĐTC Phanxicô, sứ điệp ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi…)


“…Chúa nhận biết tất cả những nỗi thống khổ của chúng ta trong thời gian này. Ngài gần gũi với những ai cảm thấy buồn phiền vì bị cách ly. Ngài không dửng dưng với nỗi cô đơn của chúng ta, mà trong mùa dịch nỗi cô đơn này lại càng trở nên gay gắt hơn.
Có một truyền thống kể lại rằng, thánh Gioakim, ông ngoại của Chúa Giêsu, cũng đã bị những người xung quanh xa lánh vì ngài không có con; cuộc sống của ngài, cũng như của bà Anna vợ ngài, bị coi là vô tích sự. Thế rồi Thiên Chúa đã sai thiên thần đến an ủi. Trong khi ngài buồn bã đăm chiêu bên ngoài cổng thành, một sứ giả của Chúa hiện ra và bảo: “Gioakim, Gioakim! Chúa đã nghe lời van nài tha thiết của ông”. Họa sĩ Giotto, nơi một trong các bức bích họa nổi tiếng của mình, dường như đã đặt bối cảnh đó vào ban đêm, một đêm trong nhiều đêm mất ngủ, đầu óc đầy những kỷ niệm, lo lắng và mong ước, là những trải nghiệm mà chắc nhiều người chúng ta đã từng biết.
Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, như trong những tháng ngày đại dịch này, Chúa vẫn tiếp tục sai các thiên thần đến để xoa dịu nỗi cô đơn của chúng ta và nhắc nhở chúng ta: “Ta luôn ở với con”. Ngài nói điều này với mỗi anh chị em, và Ngài nói điều đó với tôi. Đó là ý nghĩa của Ngày này, Ngày mà tôi muốn chúng ta cử hành lần đầu tiên trong năm đặc biệt này, sau thời gian dài bị cô lập và khi cuộc sống xã hội dần dần bắt đầu trở lại. Mong sao mọi bậc ông bà và người lớn tuổi, đặc biệt những người lẻ loi nhất trong chúng ta, được một thiên thần thăm viếng!
Đôi khi các thiên thần đó mang khuôn mặt con cháu chúng ta, có lúc lại là khuôn mặt của các thành viên trong gia đình, của các bạn nối khố hoặc những người mà chúng ta quen biết trong thời kỳ khó khăn này. Thời gian hiện nay cho chúng ta thấy rõ, đối với mỗi người chúng ta, những cái ôm và các cuộc thăm hỏi thì quan trọng dường nào. Tôi rất buồn vì ở một số nơi những điều này vẫn còn chưa thể thực hiện được!”
(ĐTC Phanxicô, sứ điệp ngày Thế giới Ông bà người và Người cao tuổi…)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.