Ads 468x60px

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

BA TRỤ CỘT : ƯỚC MƠ, KÝ ỨC và CẦU NGUYỆN (Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 31/05/2021, Lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Elizabeth, Phanxicô)


“Theo cái nhìn này, tôi muốn nói với mỗi anh chị em rằng cần phải có anh chị em để xây dựng thế giới tương lai, trong tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội, là thế giới mà chúng ta, cùng với con cháu chúng ta, sẽ sống sau khi cơn bão đã lắng dịu xuống. Tất cả “chúng ta hãy là những người chủ động trong việc phục hồi và hỗ trợ những tầng lớp xã hội bị tổn thương” (ibid., 77). Trong số các trụ cột chống đỡ công trình mới này, có ba trụ cột mà anh chị em, hơn bất kỳ ai khác, có thể giúp thiết lập. Ba trụ cột đó là ước mơ, ký ức và cầu nguyện. Sự gần gũi của Chúa sẽ ban cho tất cả chúng ta, ngay cả những người yếu đuối nhất, sức mạnh cần thiết để bắt đầu một cuộc hành trình mới trên con đường của ước mơ, ký ức và cầu nguyện.
Ngôn sứ Giô-en đã từng loan báo lời hứa này: “người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (3, 1). Tương lai của thế giới phụ thuộc vào giao ước giữa trẻ và già. Ai có thể chắp cánh ước mơ của người già và biến chúng thành hiện thực, nếu không phải là người trẻ? Tuy nhiên, để có được điều này, chúng ta cần phải tiếp tục ước mơ. Ước mơ của chúng ta về công lý, về hòa bình, về tình liên đới có thể giúp những người trẻ chúng ta có những cái nhìn mới; bằng cách này, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng tương lai. Anh chị em cần chứng tỏ rằng có thể vượt qua và đổi mới sau trải nghiệm gian khổ. Tôi chắc chắn rằng anh chị em đã hơn một lần trải nghiệm như thế: trong cuộc đời, anh chị em đã phải đối mặt với vô số khó khăn nhưng vẫn có thể vượt qua. Giờ đây hãy sử dụng những kinh nghiệm đó để biết cách vượt qua.
Những ước mơ vì thế mà đan xen với ký ức. Tôi nghĩ đến giá trị những ký ức đau thương của chiến tranh và tầm quan trọng của nó trong việc giúp các thế hệ trẻ học được giá trị của hòa bình. Những anh chị em đã trải nghiệm những đau khổ của cuộc chiến phải truyền lại thông điệp này. Sứ mệnh đích thực của mỗi người cao tuổi là giữ cho ký ức sống động: lưu giữ ký ức và chia sẻ nó với những người khác. Edith Bruck, người đã sống sót sau cuộc thảm sát Shoah, đã nói rằng “dù chỉ soi sáng lương tâm của một con người thì cũng đáng cho những nỗ lực và đau đớn để giữ ký ức về những gì đã qua được tồn tại”. Bà nói tiếp: "Đối với tôi, lưu giữ ký ức là sống.”[3] Tôi cũng nghĩ đến ông bà của tôi và những người trong anh chị em đã phải di cư và trải qua nỗi khó khăn khi rời bỏ chính ngôi nhà của mình, như rất nhiều người hôm nay vẫn tiếp tục phải làm thế, hy vọng nơi một tương lai tốt hơn. Một số người trong những người này thậm chí có thể bây giờ đang ở cạnh chúng ta, chăm sóc chúng ta. Ký ức này có thể giúp xây dựng một thế giới nhân văn và hiếu khách hơn. Ngược lại, không có ký ức, chúng ta sẽ không bao giờ có thể xây dựng; không có nền móng thì không bao giờ xây được nhà. Không bao giờ. Và nền tảng của cuộc sống là ký ức.
Cuối cùng là cầu nguyện. Như đấng tiền nhiệm của tôi, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, một vị cao niên thánh thiện vẫn tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo hội, đã từng nói: "Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, giúp ích cho thế giới có lẽ hữu hiệu hơn là hoạt động tất bật của nhiều người"[4]. Ngài đã nói những lời này năm 2012 lúc gần cuối triều đại giáo hoàng của ngài. Câu nói quá hay! Lời cầu nguyện của anh chị em là một nguồn lực vô cùng quý giá, như là hơi thở sâu nơi buồng phổi mà lúc này Giáo hội và thế giới rất cần (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 262). Đặc biệt là vào thời khắc khó khăn này của nhân loại, khi chúng ta tiếp tục chèo chống trên cùng một con thuyền giữa biển cả vượt cơn bão tố của đại dịch, lời cầu bầu của anh chị em cho thế giới và cho Giáo hội vô cùng giá trị: nó mang lại cho mọi người sự bình an và tin tưởng rằng chúng ta sẽ sớm cập bến.
Các bậc ông bà và anh chị em cao niên thân mến, kết thúc Sứ điệp gửi đến anh chị em, tôi cũng muốn đề cập đến mẫu gương Chân phước Charles de Foucauld (sắp được phong thánh). Ngài sống như một ẩn sĩ ở Algeria và ở đó ngài đã làm chứng cho “niềm khao khát được cảm nghiệm mọi người, bất kỳ ai, cũng đều là anh em của ngài” (Fratelli Tutti, 287). Câu chuyện về cuộc đời ngài cho thấy làm thế nào, con người dù có đơn độc trong sa mạc của riêng mình, vẫn có thể cầu bầu cho những người nghèo trên toàn thế giới và thực sự trở thành anh chị em của mọi người.
Tôi cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta, nhờ gương lành của anh Charles, cũng có thể mở tấm lòng, biết nhạy cảm trước những nỗi khổ đau của người nghèo và biết cầu khẩn cho những nhu cầu của họ. Chớ gì mỗi người chúng ta học cách lặp lại với mọi người, và đặc biệt là với người trẻ, những lời an ủi mà chúng ta đã nghe nói hôm nay: “Ta luôn ở cùng anh chị em”! Hãy tiếp tục tiến bước! Xin Chúa chúc lành cho anh chị em.” (Roma, đền thờ thánh Gioan Laterano, ngày 31/05/2021, Lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Elizabeth, Phanxicô)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.