Ads 468x60px

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

NƠI MẸ THĂM BÀ ISAVE


Hiệp hành : Gặp gỡ, lắng nghe trong Thánh Thần, việc Đức Mẹ thăm viếng bà chị họ Isave hôm nay đã thể hiện rõ điều này. Đức Mẹ đã gặp gỡ, lắng nghe sứ thần truyền tin, nay lên đường gặp gỡ con người, đem Chúa đến cho họ, là việc loan báo Tin Mừng đúng nghĩa…
Tạ ơn Chúa con đã đến nơi gặp gỡ lịch sử này năm 2014, con suối Đức Mẹ đi qua nay có tên Maria... Mừng lễ kính Mẹ thăm viếng hôm nay, kết thúc tháng Hoa, giáo xứ chúng con hát ca dâng Mẹ và cùng nhau lần chuỗi 50, hiệp thông với ĐTC Phanxicô lần hạt tại đền thờ Đức Bà Cả (Roma) với một gia đình Ucraina và cộng đoàn để cầu nguyện cho hoà bình.
Xin ban Thánh Thần giúp chúng con nhận ra thánh ý Chúa trong các cuộc gặp gỡ thăm viếng mục vụ và bác ái.
Đọc tiếp »

ĐỨC MẸ ĐI THĂM VIẾNG BÀ ELISABETH



Đọc tiếp »

THÔNG BÁO của UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN về “nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”



Đọc tiếp »

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

PHÙ VÂN (ĐTC Phanxicô, 25/05/2022)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Trong suy gẫm của chúng ta về tuổi già, chúng ta tiếp tục suy gẫm về tuổi già, hôm nay chúng ta bàn tới Sách Qoheleth, hay sách Giảng viên, một viên ngọc khác được nạm vào Kinh thánh.
Đọc nó lần đầu, cuốn sách ngắn này gây ấn tượng

mạnh và khiến người ta ngạc nhiên bởi điệp khúc nổi tiếng của nó: “Mọi sự đều là phù vân”, mọi sự đều là phù vân: điệp khúc cứ thế lặp đi lặp lại, mọi sự đều là phù vân, mọi sự đều là “sương mù”, mọi sự đều là “mây khói”, mọi sự đều là “trống rỗng”. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy trong Kinh Thánh những biểu thức nghi vấn ý nghĩa của đời sống.
Thực thế, việc Qoheleth liên tục dao động giữa ý nghĩa và vô nghĩa là trình bầy đầy oái oăm một nhận thức về cuộc sống tách rời khỏi niềm đam mê công lý, mà Sự phán xét của Thiên Chúa về nó là một bảo đảm. Và phần kết luận của Sách chỉ ra con đường thoát khỏi thử thách: “Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các điều răn của Người; vì đây là toàn thể bổn phận của con người ”(12,13). Đấy là lời khuyên để giải quyết vấn đề này.
Đối diện với một thực tại mà ở một số thời điểm nào đó, đối với chúng ta, dường như có thể tiếp nhận mọi mâu thuẫn, gán cho chúng cùng một số phận bất chấp mọi điều, một cách sẽ kết cục trong hư vô, con đường thờ ơ cũng có thể xuất hiện với chúng ta như một phương thuốc duy nhất cho sự vỡ mộng đầy đau đớn. Những câu hỏi như thế này nảy sinh trong chúng ta: Các cố gắng của chúng ta có thay đổi được thế giới chưa? Có ai có khả năng xác nhận sự khác biệt giữa người công chính và người bất chính chưa? Có vẻ như tất cả những điều này đều vô ích… Tại sao phải nỗ lực nhiều như vậy?…” (ĐTC Phanxicô, 25/05/2022)
Đọc tiếp »

Thứ hai, Tuần VII- Mùa PS



Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

KHI CẦU XIN MÀ CHƯA ĐƯỢC (ĐTC Phanxicô, 26/05/2021)


“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Có một sự phản đối mạnh mẽ chống lại việc cầu nguyện, phát xuất từ một nhận xét mà tất cả chúng ta đều có: chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin, nhưng đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được nhậm lời: những gì chúng ta đã cầu xin, cho chính mình hoặc cho người khác mà không được ứng nghiệm.
Chúng ta có kinh nghiệm này, rất thường xuyên… Nếu lý do cầu nguyện của chúng ta cao thượng (chẳng hạn như cầu cho sức khỏe của một người bệnh, hay như để kết thúc chiến tranh), thì việc không ứng nghiệm này xem ra gây tai tiếng. Thí dụ, đối với các cuộc chiến tranh: chúng ta cầu xin cho các cuộc chiến tranh kết thúc, những cuộc chiến này có ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hãy nghĩ đến Yemen, hãy nghĩ đến Syria, những quốc gia đã trải qua nhiều năm chiến tranh, bị tàn phá bởi chiến tranh, và chúng ta cầu nguyện, nhưng các cuộc chiến tranh này không hề kết thúc. Nhưng làm thế nào chuyện này có thể xảy ra? “Một số người thậm chí ngừng cầu nguyện vì họ nghĩ rằng lời thỉnh cầu của họ không được lắng nghe” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2734). Nhưng nếu Thiên Chúa là Cha, tại sao Người không lắng nghe chúng ta? Người đã bảo đảm với chúng ta rằng Người ban những điều tốt lành cho những đứa con đến cầu xin Người những điều ấy (x. Mt 7:10), tại sao Người không đáp ứng lời cầu xin của chúng ta? Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này: chúng ta đã cầu nguyện, đã cầu nguyện nhiều, cho bệnh tật của một người bạn, một người cha, một người mẹ, vân vân. Nhưng Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta như chúng ta đã van nài! Đó là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều đã có.
Sách Giáo lý cung cấp cho chúng ta một bản tóm tắt rất tốt về vấn đề này. Nó giúp chúng ta đề phòng nguy cơ không sống một trải nghiệm đức tin chân chính, mà là biến đổi mối liên hệ với Thiên Chúa thành một điều gì đó có tính ma thuật. Cầu nguyện không phải là cây đũa thần: nó là một cuộc đối thoại với Chúa. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta có thể mắc nguy cơ không phải là người phục vụ Thiên Chúa, nhưng mong đợi Chúa phục vụ chúng ta (xem 2735). Như thế, đây là một lời cầu nguyện luôn đòi hỏi, muốn hướng các sự kiện theo kế sách riêng của chúng ta, vốn không thừa nhận bất cứ kế hoạch nào khác ngoài các mong muốn của chính chúng ta. Mặt khác, Chúa Giêsu hết sức khôn ngoan khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Như chúng ta biết, đó là lời cầu nguyện chỉ gồm các câu hỏi, nhưng các câu hỏi đầu tiên chúng ta thốt ra đều quy hướng về phía Thiên Chúa. Chúng cầu xin sự ứng nghiệm không phải kế hoạch của chúng ta, mà là ý muốn của Người đối với thế giới. Tốt hơn nên phó mặc cho Người: “Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện” (Mt 6, 9-10).
...khi người ta cầu nguyện với tấm lòng chân thành, khi họ cầu xin những điều tương ứng với Nước Thiên Chúa, khi một người mẹ cầu nguyện cho đứa con bị bệnh của mình, tại sao đôi khi Thiên Chúa dường như không nghe họ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần thanh thản suy gẫm các sách Tin Mừng. Các trình thuật về cuộc đời của Chúa Giêsu đầy những lời cầu nguyện: nhiều người bị thương tích về thể xác và tinh thần xin Người chữa lành; có những người cầu nguyện cho một người bạn không còn đi được nữa; có những người cha, người mẹ nuôi dưỡng những đứa con trai, con gái đau ốm… Tất cả đều là những lời cầu nguyện thấm đẫm đau khổ. Đó là một dàn hợp xướng bao la khẩn nài: “Xin thương xót chúng con!”... Chúng ta thấy rằng đôi khi đáp ứng của Chúa Giêsu đến ngay lập tức, trong khi trong một số trường hợp khác, đáp ứng của Người bị trì hoãn: dường như Thiên Chúa không trả lời...
Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu ngỏ với Chúa Cha tại vườn Giêtsimany dường như cũng không được lắng nghe. “Lạy Cha, nếu có thể, xin hãy cất chén này khỏi con”. Dường như Chúa Cha không lắng nghe Người. Chúa Con phải uống cạn chén thống khổ. Nhưng Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương cuối cùng, vì đến ngày thứ ba, tức Chúa Nhật, là ngày Phục Sinh... Chúng ta hãy học cho được tính kiên nhẫn khiêm tốn này, biết chờ đợi ơn thánh của Chúa, chờ đợi ngày cuối cùng. Thường thì điều áp chót rất vất vả, vì các đau khổ của con người bao giờ cũng vất vả. Nhưng Thiên Chúa ở đó. Và vào ngày cuối cùng, Người sẽ giải quyết mọi việc. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 26/05/2021)
Đọc tiếp »

CHÚA NHẬT VII - PS C: LỄ CHÚA THĂNG THIÊN



Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

NƠI CHÚA LÊN TRỜI


Xem lại nơi Chúa chia tay các tông đồ rồi Người lên trời, ở đó nay có nhà thờ gọi là “Hỡi người Galilê” sao còn đứng mãi nhìn trời, Đấng vừa lên trời sẽ lại đến, đó là lời thiên thần nhắc các tông đồ xuống núi lo việc truyền giáo.
Hôm đó (2014) có phái đoàn Nga, họ nhảy múa rất hay nơi Chúa lên trời, mình cũng đặt chân vào phiến đá Chúa (lấy đà) bay lên với hy vong tất cả chúng ta cũng được lên trời khi kết thúc cuộc lữ hành dương thế, vì “quê hương chúng ta ở trên trời”.
Đọc tiếp »

ÔNG GIÓP LÊN TIẾNG (Trích sách Gióp (G 12, 1-25))


Trích sách Gióp (G 12, 1-25):
1Bấy giờ ông Gióp lên tiếng nói :
2“Các anh thật là khôn ngoan !
Nhưng cùng với các anh, sự khôn ngoan sẽ chết.
3Tôi đây, tôi cũng nghĩ được như các anh,
với các anh, tôi đâu thua kém gì,
ai chẳng biết như vậy ?
4Thế mà bạn hữu đã nhạo cười tôi
là người đã từng khẩn cầu Thiên Chúa
và được Người đáp lại.
Than ôi, người công chính vẹn toàn
lại trở nên trò cười cho thiên hạ !
5‘Người đã bất hạnh lại còn bị khinh chê !
Kẻ đã trượt chân còn bị xô thêm nữa.’
Những kẻ gặp may lành thường xử sự như thế.
6Nhưng quân cướp lại sống bình an trong lều,
những kẻ chọc giận Thiên Chúa được mọi bề yên ổn
và kẻ bắt Thiên Chúa phục vụ mình cũng thế !
7Nhưng anh cứ hỏi súc vật, chúng sẽ chỉ giáo cho anh,
cứ hỏi chim trời, chúng sẽ cho anh biết.
8Thú rừng sẽ chỉ giáo cho anh hay,
cá biển sẽ giải thích cho anh rõ.
9Vì trong giống vật, có con nào lại không biết
rằng tay ĐỨC CHÚA đã làm nên những điều đó !
10Chính Người nắm trong tay hồn của mọi sinh vật
cũng như hơi thở của tất cả người phàm.
11Lẽ nào tai không phân biệt được lời nói,
và cổ họng không thưởng thức được món ăn ?
12Người tóc bạc được trí khôn ngoan,
bậc tuổi cao có tài thông hiểu.
13Nhưng nơi Thiên Chúa có cả khôn ngoan lẫn sức mạnh,
mưu lược cũng như tài thông hiểu đều thuộc về Người.
14Người phá huỷ, chẳng ai xây lại được,
Người giam cầm, không ai cứu thoát nổi.
15Người giữ nước lại, trời liền hạn hán,
Người thả nước ra, đất bị tan hoang.
16Nơi Người có cả dũng lực lẫn tài trí,
kẻ lầm lạc cũng như người gây ra lầm lạc
đều ở trong tay Người.
17Người bắt các mưu sĩ phải đi chân đất,
làm cho các thẩm phán ra điên rồ.
18Người gỡ bỏ cân đai của vua chúa
và bắt họ phải dùng khố thắt lưng.
19Người bắt các tư tế phải đi chân đất
Người lật đổ những kẻ quyền uy.
20Người làm cho nhà hùng biện mất cả tài ăn nói,
cho bậc lão thành chẳng còn óc biện phân.
21Người đổ nhuốc nhơ xuống hàng quyền quý,
và nới lỏng dây lưng cho quân bạo tàn.
22Người vạch trần những tối tăm bí ẩn,
phơi bày bóng tối tử thần ra ánh sáng.
23Người làm cho các dân lớn mạnh rồi tiêu diệt,
để cho bành trướng rồi bắt phải lưu vong.
24Người làm cho thủ lãnh của dân ra ngu muội,
bắt phải lang thang trong sa mạc không lối thoát.
25Chúng mò mẫm trong tăm tối mịt mù,
lảo đảo như người thấm men say.”
Đọc tiếp »

Thứ bảy, Tuần VI- Mùa PS



Đọc tiếp »

PHẢN ĐỐI CHÚA TRƯỚC ĐỚN ĐAU (ĐTC Phanxicô, 18/05/2022)


“Các nạn nhân có quyền phản đối mầu nhiệm sự ác, một quyền mà Thiên Chúa ban cho mọi người, mà sau cùng, chính Người đã truyền cảm hứng cho. Đôi khi tôi gặp những người đến gần tôi và nói: “Nhưng thưa Cha, con đã phản đối Thiên Chúa vì con có vấn đề này và vấn đề nọ….” Nhưng bạn biết đấy, bạn à, phản đối là một cách cầu nguyện khi nó được thực hiện như vậy.

Khi trẻ em, khi người trẻ phản đối cha mẹ, đó là cách kéo chú ý của họ và yêu cầu họ chăm sóc mình. Nếu anh chị em có một vết thương trong lòng, một vài nỗi đau, và anh chị em muốn phản đối, hãy phản đối ngay cả với Thiên Chúa. Thiên Chúa sẵn sàng lắng nghe anh chị em. Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa không sợ lời cầu nguyện phản kháng của chúng ta, không! Thiên Chúa hiểu. Nhưng hãy tự do, hãy tự do trong lời cầu nguyện của anh chị em. Đừng giam cầm lời cầu nguyện của anh chị em trong những khuôn mẫu đã định trước! Không! Lời cầu nguyện phải như thế này: một cách tự phát, giống như của một đứa trẻ nói với cha mình, em nói ra mọi điều từ miệng em bởi vì em biết cha em hiểu em.
Đoạn đầu tiên của bộ phim, “sự im lặng” của Thiên Chúa, đã diễn tả điều này. Thiên Chúa không né tránh cuộc đối đầu, nhưng ngay từ đầu, Người đã cho phép ông Gióp trút hết sự phản đối của mình ra, và Thiên Chúa lắng nghe. Đôi khi, chúng ta cần học hỏi lòng tôn trọng và sự dịu dàng này của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa không thích cuốn bách khoa đó, hãy tạm gọi như vậy, của những lời giải thích, những suy nghĩ mà bạn bè của ông Gióp đã đưa ra. Đây là những điều phát ra từ đầu lưỡi của họ và đều không đúng - kiểu lòng đạo giải thích mọi sự, nhưng trái tim thì mãi lạnh lùng. Thiên Chúa không thích điều này. Người thích sự phản đối và sự im lặng của ông Gióp hơn.” (ĐTC Phanxicô, 18/05/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022

ĐỨC ÁI (Bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng)


Bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng :
“Chúng ta phải hiểu luật Chúa là gì, nếu không phải là đức ái, vì nhờ đức ái, tâm trí chúng ta luôn luôn nhớ đến những điều răn phải đem ra thực hành để được sống ? Quả vậy, có lời của Đấng là Chân Lý phán về luật ấy rằng : Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau. Thánh Phao-lô cũng dạy : Yêu thương là chu toàn Lề Luật. Người lại nói thêm : Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô. Thật thế, không có gì diễn tả luật Đức Ki-tô cách thích đáng hơn đức ái ; luật ấy, chúng ta giữ trọn được khi chúng ta lấy tình thương mà mang gánh nặng cho anh em mình.
Nhưng luật ấy là luật đa diện, vì đức ái có mặt trong mọi hành vi của các nhân đức khác nhờ sự nhiệt tâm ân cần. Luật đó khởi đầu với hai điều răn, nhưng khai triển thành vô số các điều răn khác. Chính thánh Phao-lô đã kể rõ tính cách đa diện của luật ấy như sau : Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không tham lam, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Người sống đức ái thì nhẫn nhục, vì họ chịu đựng với tâm hồn thanh thản mọi điều ác người ta làm cho mình ; hiền hậu, vì họ quảng đại lấy điều thiện đáp lại điều ác ; không ghen tuông, vì họ không ham muốn gì ở đời này và không biết ghen tị với người khác về những thành công ở trần gian ; không tự đắc, vì họ nóng lòng mong đợi phần thưởng bên trong chứ không vênh vang vì những của cải bên ngoài ; không làm điều bất chính, vì họ chỉ lo phát triển lòng mến Chúa yêu người, chứ không biết đến những gì làm họ xa rời đức chính trực.
Ai sống đức ái thì không tham lam, vì bên trong họ nhiệt tâm lo việc của mình, chứ không ham muốn của cải thuộc về người khác ở bên ngoài ; không tìm tư lợi, vì họ coi thường tất cả những gì họ có ở đời tạm này, và coi đó như là của người khác, bởi lẽ họ không coi điều gì là của riêng mình ngoại trừ điều sẽ ở mãi với mình ; không nóng giận, vì dù họ có gặp phải những bất công dồn đập, lòng họ vẫn chẳng hề buông theo ý muốn báo thù, bởi lẽ họ trông đợi phần thưởng mai sau lớn hơn bù lại những nỗi gian lao vất vả bây giờ ; không nuôi hận thù, vì tâm trí họ đã gắn chặt vào lòng yêu mến sự thanh sạch, và họ đã khử trừ tận căn mọi mối hận thù, không để điều gì len lỏi vào làm cho lòng mình hoen ố.
Người sống đức ái không mừng khi thấy sự gian ác, vì họ chỉ tha thiết yêu thương tất cả mọi người, và dầu có thấy kẻ thù sa cơ lỡ vận, cũng không lấy thế làm vui ; nhưng cùng vui khi thấy điều chân thật, vì một khi họ yêu thương tha nhân như chính mình, nếu nhận thấy nơi kẻ khác điều gì chính trực, họ vui mừng như thể chính bản thân mình được thăng tiến. Vậy, luật Chúa quả là đa diện.”
Đọc tiếp »

THÁNH THẦN ĐỔI MỚI (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sách Tông đồ Công Vụ (Cv 2, 1-11) kể lại những gì xảy ra tại Giêrusalem 50 ngày sau Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Các môn đệ đang tập trung trong Phòng Tiệc Ly, và Đức Trinh Nữ Maria ở với họ. Chúa Phục Sinh đã bảo họ ở lại thành phố cho đến khi họ nhận được ân sủng của Chúa Thánh Linh từ Trời. Và điều này đã được tỏ lộ với một “âm thanh” mà họ bất ngờ nghe thấy từ trời, giống như “cơn gió thổi mạnh” tràn ngập ngôi nhà họ đang ở (xem câu 2). Như thế, điều đó liên quan đến một trải nghiệm thực tế nhưng cũng mang tính biểu tượng; nói cách khác, một điều gì đó đã xảy ra nhưng cũng mang đến cho chúng ta một thông điệp mang tính biểu tượng cho cả cuộc đời của chúng ta.
Kinh nghiệm này cho thấy rằng Chúa Thánh Thần giống như một cơn gió mạnh và tự do thổi; nghĩa là, Ngài mang đến cho chúng ta sức mạnh và mang lại cho chúng ta sự tự do: một luồng gió mạnh mẽ và tự do. Ngài không thể bị kiểm soát, dừng lại, chẳng thể đo lường được; cũng chẳng thể nói trước được hướng đi của Ngài. Ngài không thể hiểu được trong khuôn khổ chật hẹp của loài người chúng ta - chúng ta luôn cố gắng đóng khung mọi thứ - Ngài không để bản thân bị đóng khung trong các phương pháp và định kiến của chúng ta. Thần Khí xuất phát từ Chúa Cha và từ Con của Người là Đức Giêsu Kitô và bùng nổ trên Giáo hội; Thánh Linh bùng nổ trên mỗi người chúng ta, mang lại sự sống cho tâm trí và trái tim của chúng ta. Như Kinh Tin Kính nói: Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”. Ngài đầy quyền năng bởi vì Ngài là Thiên Chúa, và Ngài ban sự sống.
Vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn còn mất phương hướng và sợ hãi. Họ vẫn chưa có đủ can đảm để đi ra ngoài. Đôi khi chúng ta cũng thích ở trong những bức tường bảo vệ của môi trường xung quanh. Nhưng Chúa biết cách tiếp cận chúng ta và mở rộng cửa cho tâm hồn chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng bao phủ chúng ta và chế ngự mọi sự do dự của chúng ta, phá bỏ sự phòng thủ của chúng ta, phá bỏ những định kiến sai lầm của chúng ta. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành những con người mới, giống như Người đã làm ngày hôm đó với các Tông đồ: Người đổi mới chúng ta, những con người mới.
Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, họ không còn như trước nữa - Ngài đã thay đổi họ, nên họ tiến ra ngoài và bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu, rao giảng rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi người hiểu những lời các Tông đồ rao giảng bằng ngôn ngữ của riêng mình. Thánh Thần là phổ quát; Ngài không xóa bỏ những khác biệt về văn hóa hay những khác biệt về tư tưởng. Ngài được dành cho tất cả mọi người, nhưng mỗi người hiểu Ngài trong nền văn hóa của riêng mình, bằng ngôn ngữ của riêng mình. Thánh Thần thay lòng đổi dạ, mở rộng tầm nhìn cho các môn đệ. Ngài giúp họ có thể truyền đạt cho mọi người những công trình vĩ đại, vô hạn của Thiên Chúa, vượt qua những giới hạn văn hóa và tôn giáo mà họ đã quen trong suy nghĩ và lối sống. Ngài cho các Tông đồ khả năng thông đạt cho những người khác, trong khi tôn trọng khả năng lắng nghe và hiểu biết của họ, qua văn hóa và ngôn ngữ của mỗi người (câu 5-11). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần đặt những người khác nhau vào tiến trình giao tiếp, đạt đến cả sự hiệp nhất lẫn tính phổ quát của Giáo hội.
Và ngày nay sự thật này, thực tại này của Chúa Thánh Thần, nói với chúng ta rất nhiều, vì trong Giáo Hội có những nhóm nhỏ luôn tìm cách chia rẽ, để tách mình ra khỏi những người khác. Đây không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí của Thiên Chúa là sự hòa hợp, là sự hợp nhất, hợp nhất những khác biệt. Một vị Hồng Y khả kính, người từng là Tổng Giám mục Genoa, đã nói rằng Giáo hội giống như một dòng sông: điều quan trọng là ở bên trong; nếu anh chị em có một chút ở bên đó và một chút ở bên kia thì điều đó không quan trọng; Chúa Thánh Thần tạo ra sự hiệp nhất. Vị Hồng Y đã sử dụng hình ảnh của một dòng sông Điều quan trọng là ở bên trong, trong sự hiệp nhất của Thánh Linh, và đừng nhìn vào những chi tiết nhỏ như bạn hơi ở bên này và một chút ở bên kia, rằng bạn cầu nguyện theo cách này hay cách khác…. Điều đó không quan trọng đối với Chúa. Giáo hội là của mọi người, vì mọi người, như Chúa Thánh Thần đã tỏ ra trong ngày Lễ Hiện Xuống.
Hôm nay, chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, cầu bầu để Chúa Thánh Thần hiện xuống dồi dào, đổ đầy tâm hồn các tín hữu và thắp lên ngọn lửa tình yêu của Người trong lòng mọi người.” (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)
Đọc tiếp »

Thứ sáu, Tuần VI- Mùa PS





Đọc tiếp »

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Thứ năm, Tuần VI- Mùa PS



Đọc tiếp »

BA LỜI KHUYÊN của THÁNH THẦN (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)


“Lời khuyên đầu tiên mà Chúa Thánh Thần đưa ra là: “Hãy sống trong hiện tại”. Hiện tại, chứ không phải là quá khứ hay tương lai. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính ưu việt của ngày hôm nay, chống lại cám dỗ để bản thân bị tê liệt bởi những cay đắng hoặc những hoài niệm của quá khứ, hoặc bởi sự bất định hoặc sợ hãi về tương lai. Thánh Linh nhắc nhở chúng ta về ân sủng của giây phút

hiện tại. Không có thời điểm nào tốt hơn cho chúng ta: bây giờ, ở đây và ngay lúc này, là thời điểm duy nhất và độc đáo để làm điều thiện, để cuộc sống của chúng ta trở thành một ân sủng. Chúng ta hãy sống trong hiện tại!
Thánh Linh cũng nói với chúng ta rằng “Hãy nhìn toàn thể”. Nhìn toàn bộ, chứ không phải một phần. Thánh Thần không uốn nắn những cá nhân biệt lập, nhưng uốn nắn chúng ta thành một Giáo hội với muôn vàn đặc sủng của chúng ta, thành một thể thống nhất không bao giờ đồng nhất. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính ưu việt của tổng thể. Ở đó, trong tổng thể, trong cộng đồng, Thánh Linh thích hoạt động và mang lại sự mới mẻ. Chúng ta hãy nhìn vào các Tông đồ. Tất cả đều hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, các ngài có Matthêu, một người thu thuế đã từng cộng tác với người La Mã, và Simôn thuộc nhóm Quá Khích, là người đã chiến đấu với họ. Họ có những ý tưởng chính trị trái ngược, những tầm nhìn khác nhau về thế giới. Tuy nhiên, một khi họ nhận được Thánh Linh, họ học cách dành quyền ưu tiên không phải cho quan điểm của con người mà cho “toàn thể”, tức là cho kế hoạch của Thiên Chúa. Ngày nay, nếu chúng ta lắng nghe Thánh Linh, chúng ta sẽ không quan tâm đến những người bảo thủ và những người tiến bộ, những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người cách tân, cánh hữu và cánh tả. Khi những điều đó trở thành tiêu chí của chúng ta, thì Giáo hội đã quên Thánh Linh. Đấng Bảo Trợ thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hiệp nhất, sự hòa hợp, sự hài hòa của sự đa dạng. Ngài khiến chúng ta thấy mình là những bộ phận của cùng một cơ thể, là anh chị em của nhau. Chúng ta hãy nhìn vào toàn bộ! Kẻ thù muốn sự đa dạng trở thành sự đối kháng và vì vậy nó khiến chúng trở thành những người ý thức hệ. Hãy nói không với ý thức hệ, và nói vâng với tổng thể.
Lời khuyên thứ ba của Thánh Linh là, “Hãy đặt Chúa trước mặt mình”. Đây là bước quyết định trong đời sống thiêng liêng. Đời sống thiêng liêng của chúng ta không phải là tổng hợp những công lao và thành tựu của chúng ta, mà là sự cởi mở khiêm nhường với Thiên Chúa. Thánh Linh khẳng định vị trí tối thượng của ân sủng. Chỉ bằng cách làm trống rỗng bản thân, chúng ta mới có chỗ dành cho Chúa; chỉ bằng cách hiến thân cho Ngài, chúng ta mới tìm thấy chính mình; chỉ bằng cách trở nên nghèo nàn về tinh thần, chúng ta mới trở nên giàu có trong Chúa Thánh Thần. Điều này cũng đúng với Giáo hội. Chúng ta không cứu được ai, kể cả chính chúng ta, bằng chính nỗ lực của chúng ta. Nếu chúng ta ưu tiên cho các dự án của chúng ta, các cơ cấu của chúng ta, các kế hoạch cải cách của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến hiệu lực, hiệu quả, chúng ta sẽ chỉ nghĩ theo chiều ngang và kết quả là chúng ta sẽ chẳng có kết quả gì cả. Một “-ism” là một ý thức hệ chia rẽ và tách biệt. Giáo hội là con người, nhưng không chỉ đơn thuần là một tổ chức của con người, mà còn là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mang ngọn lửa của Thánh Linh đến thế gian và Giáo hội được cải tổ bằng sự xức dầu của ân sủng, bằng tính nhưng không trong sự xức dầu của ân sủng, bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, niềm vui của sứ mệnh và vẻ đẹp của sự nghèo khó không so đo tính toán. Chúng ta hãy đặt Chúa ở vị trí đầu tiên! (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

CHÚA AN ỦI CÒN TA DẠY ĐỜI… (ĐTC Phanxicô, 18/05/2022)


“Trong đoạn kết của cuốn sách, chúng ta nhớ câu chuyện, phải không? Ông Gióp mất tất cả mọi sự ở trong đời, mất của cải, mất gia đình, mất con trai và thậm chí mất cả sức khỏe, và thế là ông ở đây, bị dịch hạch, trong cuộc đối thoại với ba người bạn, rồi một người thứ tư, họ đến thăm chào ông: đó là câu chuyện, và hôm nay, trong đoạn này, đoạn kết của cuốn sách, khi Thiên Chúa

cuối cùng lên tiếng (và cuộc đối thoại giữa Ông Gióp và các bạn của ông giống như nẻo đường dẫn đến khoảnh khắc trong đó Thiên Chúa cất lên tiếng nói của Người), Ông Gióp được ca ngợi vì ông hiểu mầu nhiệm dịu dàng của Thiên Chúa ẩn sau sự im lặng của Người.
Thiên Chúa quở trách các người bạn của ông Gióp, những người cho rằng họ biết mọi sự, biết về Thiên Chúa và về sự đau khổ, và khi đến để an ủi ông Gióp, kết cục họ lại phán xét ông bằng những khuôn mẫu định kiến của họ. Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi tính đạo đức giả hình và tự phụ này! Thiên Chúa bảo vệ chúng ta khỏi tính đạo đức dạy đời này và tính đạo đức của các giới luật vốn đem lại cho chúng ta một sự cao ngạo nào đó, và dẫn anh chị em đến chủ nghĩa biệt phái và đạo đức giả.
Đây là cách Chúa tự phát biểu chính mình Người với họ. Chúa phán như vậy: “Cơn thịnh nộ của ta bừng bừng chống lại các ngươi […] vì các ngươi đã không nói điều đúng về ta, như tôi tớ Gióp của ta đã nói”, Chúa phán với các bạn của Gióp như thế. “Tôi tớ của ta, Gióp sẽ cầu nguyện cho các ngươi, vì ta sẽ nhận lời cầu xin của nó là không giao dịch với các ngươi theo sự điên rồ của các ngươi; vì các ngươi chẳng nói điều gì đúng về ta, như Gióp tôi tớ ta đã nói ”(G 42, 7-8). Lời tuyên bố của Thiên Chúa khiến chúng ta ngạc nhiên bởi vì chúng ta đã đọc những trang rực lửa với sự phản đối của Gióp khiến chúng ta mất tinh thần. Tuy nhiên, Chúa nói Gióp đã nói tốt, ngay cả khi ông tức giận, và thậm chí giận Thiên Chúa, nhưng ông nói tốt vì ông không chấp nhận việc nói rằng Thiên Chúa là “Kẻ bách hại”. Thiên Chúa là một điều khác thế. Và đó là điều gì? Ông Gióp đang tìm kiếm điều đó. Và như một phần thưởng, Thiên Chúa trả lại cho Gióp gấp đôi số tài sản của ông, sau khi yêu cầu ông cầu nguyện cho những người bạn xấu xa này của mình.
Bước ngoặt trong cuộc trò chuyện về đức tin xảy ra ngay ở cao điểm của ông Gióp, khi ông nói, “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (G 19, 25-27). Đoạn văn này thực sự rất đẹp. Nó khiến tôi liên tưởng đến phần cuối của bài thánh nhạc tuyệt vời đó của Handel, Đấng Mêxia, sau bài hát Hallelujah có tính cử hành, giọng nữ cao chậm rãi hát đoạn này: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống”, một cách yên bình. Và vì vậy, sau kinh nghiệm đau đớn và vui sướng này của Gióp, tiếng nói của Chúa là một điều hoàn toàn khác. “Tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc của tôi đang sống”, đó thực sự là một điều tuyệt đẹp. Chúng ta có thể giải thích nó như thế này: “Chúa ơi, con biết Chúa không phải là Kẻ bách hại. Thiên Chúa của con sẽ đến và thực thi công lý cho con”. Đó là đức tin đơn sơ vào sự sống lại của Thiên Chúa, đức tin đơn sơ vào Chúa Giêsu Kitô, đức tin đơn sơ rằng Chúa luôn chờ đợi chúng ta và sẽ đến.” (ĐTC Phanxicô, 18/05/2022)
Đọc tiếp »

Lời kinh của Kitô hữu cùng với sáng tạo: (Laudato Si-246)


Lạy Cha,
Cùng với muôn tạo vật xuất phát từ ban tay uy quyền của Cha,
chúng con cùng ngợi khen Cha.
Tất cả đều thuộc về Cha
và tất cả được tràn đầy sự hiện diện và tình âu yếm của Cha.
Chúng con xin ngợi khen Cha.
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa,

nhờ Chúa mà tất cả được tạo thành.
Trong cung lòng Mẹ Maria,
Chúa đã nhận lấy hình dạng con người ;
Chúa trở thành một thành phần của trái đất này
và đã nhìn thế giới với con mắt nhân loại.
Ngày nay Chúa vẫn sống động trong từng tạo vật
với vinh quang phục sinh của Chúa.
Chúng con xin ngợi khen Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần,
nhờ ánh sáng của Chúa,
Chúa đã hướng thế giới này đến tình yêu của Chúa Cha;
Chúa vẫn sống trong tâm hồn chúng con,
để khuyến khích chúng con thực hành các việc thiện.
Chúng con xin ngợi khen Chúa.
Lạy Thiên Chúa, Duy nhất và Ba Ngôi,
cộng đoàn tối thượng của tình yêu vô biên,
xin dạy chúng con biết nhìn ngắm Chúa
trong vẻ đẹp của vũ trụ,
nơi tất cả nói với chúng con về Chúa.
Xin khơi dậy trong chúng con lời ca ngợi với lòng biết ơn
đối với từng hữu thể do Chúa sáng tạo.
Xin ban cho chúng con hồng ân
để chúng con cảm nhận sự gắn bó thân thiết với tất cả vạn vật.
Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như khí cụ tình yêu của Chúa
đối với tất cả sinh vật trên trái đất này,
mà không tạo vật nào lại quên Chúa.
Xin soi sáng cho những người ôm lấy giàu sang và quyền hành,
để họ lánh xa khỏi tội lỗi về sự dửng dưng,
biết yêu mến công ích,
động viên kẻ yếu hèn
và chăm sóc thế giới mà chúng con đang sống,
Kẻ nghèo và trái đất đều van xin:
Lạy Chúa, xin nắm lấy chúng con
bằng quyền năng và ánh sáng của Chúa,
để chỡ che mọi sự sống,
để chuẩn bị một tương lai tốt đẹp,
ước gì Nước công bằng, bình an, tình thương và vẻ đẹp mau đến.
Chúng con chúc tụng Chúa. Amen.

Đọc tiếp »

ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH -1Ga4:

1Anh em thân mến,
anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin,
nhưng hãy cân nhắc các thần khí
xem có phải bởi Thiên Chúa hay không,
vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian.
2Căn cứ vào điều này,
anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa :
thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô
là Đấng đã đến và trở nên người phàm,
thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa ;
3còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su,
thì không bởi Thiên Chúa ;
đó là thần khí của tên phản Ki-tô.
Anh em đã nghe nói là nó đang tới,
và hiện nay nó ở trong thế gian rồi.
4Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
anh em thuộc về Thiên Chúa,
và anh em đã thắng được các ngôn sứ giả đó,
vì Đấng ở trong anh em
mạnh hơn kẻ ở trong thế gian.
5Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian ;
vì thế, chúng nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng.
6Còn chúng ta, chúng ta thuộc về Thiên Chúa.
Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta.
Ai không thuộc về Thiên Chúa
thì không nghe chúng ta.
Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra
thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm.
7Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau,
vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.
Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa.
8Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa,
vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Đọc tiếp »

ĐẤNG ỦI AN (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)


“... Anh chị em thân mến, nếu anh chị em cảm thấy bóng tối của cô đơn, nếu anh chị em cảm thấy có các chướng ngại trong anh chị em cản trở con đường hướng đến hy vọng, nếu trái tim anh chị em có những vết thương đang mưng mủ, nếu anh chị em không thể thấy lối thoát, thì hãy mở rộng trái tim mình để đón nhận Chúa Thánh Thần.
Thánh Bonaventura nói với chúng ta rằng, “nơi nào những thử thách lớn hơn, thì Ngài mang lại sự thoải mái hơn, không giống như thế gian, nơi an ủi và tâng bốc chúng ta khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng lại chê bai và lên án chúng ta khi mọi sự không như ý” (Bài giảng trong Tuần Bát nhật Lễ Thăng thiên). Đó là những gì thế giới làm, đặc biệt là, những thần khí ác độc do ma quỷ xui khiến làm ra. Đầu tiên, nó tâng bốc chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy bất khả chiến bại, vì những lời tâng bốc của ma quỷ nuôi dưỡng thói phù phiếm của chúng ta; sau đó nó hạ gục chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy rằng chúng ta là những người thất bại. Nó đùa giỡn trên chúng ta. Nó làm mọi cách để quật ngã chúng ta, trong khi Thánh Linh của Chúa Phục sinh muốn nâng chúng ta lên.
Hãy nhìn các Tông đồ: họ đang cô đơn vào buổi sáng hôm đó, cô đơn và hoang mang, thu mình sau những cánh cửa đóng kín, sống trong sợ hãi và choáng ngợp trước những yếu đuối, thất bại và tội lỗi của họ, vì họ đã chối bỏ Chúa Kitô. Những năm họ đã trải qua với Chúa Giêsu không thay đổi họ: họ không khác bao nhiêu so với trước đó. Sau đó, họ nhận được Thánh Linh và mọi thứ thay đổi: các vấn đề và những thất bại vẫn còn, nhưng họ không còn sợ hãi trước những vấn nạn đó, cũng chẳng e ngại trước những ai thù địch với họ. Họ cảm nhận được sự an ủi bên trong và họ muốn gieo rắc sự an ủi của Thiên Chúa. Trước đây, họ sợ hãi; giờ đây nỗi sợ hãi duy nhất của họ là không làm chứng cho tình yêu mà họ đã nhận được. Chúa Giêsu đã báo trước điều này: “Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng.” (Ga 15: 26-27).
Chúng ta cũng được kêu gọi để làm chứng trong Chúa Thánh Thần, trở thành những người giúp đỡ, và những người an ủi. Thánh Linh đang yêu cầu chúng ta thể hiện ơn an ủi mà Ngài mang lại. Làm thế nào chúng ta có thể làm điều này? Thưa: Không phải bằng cách tạo ra những bài phát biểu tuyệt vời, mà bằng cách thu hút người khác đến gần. Không phải bằng những lời sáo rỗng, mà bằng lời cầu nguyện và sự gần gũi.
Chúng ta hãy nhớ rằng sự gần gũi, lòng từ bi và sự dịu dàng của Thiên Chúa luôn luôn là một “thương hiệu”. Đấng Bảo Trợ đang nói với Giáo hội rằng hôm nay là thời gian để an ủi. Đây là thời gian để hân hoan loan báo Tin Mừng hơn là chống lại các ngoại giáo. Đó là thời gian để mang lại niềm vui của Chúa Phục Sinh, chứ không phải để than thở về thảm kịch tục hóa. Đây là lúc để đổ tình yêu thương lên thế gian, nhưng không đón nhận tinh thần thế gian. Đây là thời gian để làm chứng cho lòng thương xót, hơn là khắc sâu các quy tắc và luật lệ...
Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí Bảo Trợ, xin an ủi tâm hồn chúng con. Hãy biến chúng con thành những nhà truyền giáo loan truyền ơn an ủi của Người. Hãy biến chúng con thành những người bảo vệ lòng thương xót của Chúa trước thế giới (đang dịch bệnh)...” (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.