Ads 468x60px

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN, NGÀY 10/6/2012


Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Phúc Âm
Mác-cô 14:12-16,22-26
12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?"
13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn ho.: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.
14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: 'Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?'
15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta".
16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy".
23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.
24 Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.
25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa".
26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra đi lên núi Ô-liu.

Chi Tiết Hay
·        (c. 12) Lễ Vượt Qua của dân Do Thái là lễ kỵ niệm ngày Thiên Chúa giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập. Chúa Giê-su lập bữa Tiệc Ly của Người trùng với ngày lễ vượt qua này, như một lễ Vượt Qua mới, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi.
·        (c. 22) Chúa Giê-su "cầm lấy bánh", "dâng lời chúc tụng", "bẻ ra", "trao". Cũng những cử chỉ này đã xảy ra trong 2 lần Chúa hóa bánh ra nhiều (Mc.6:41, 8:6). Lúc đó, các tông đồ đã chưa hiểu thấu (Mc.8:17). Giờ đây, Chúa Giê-su tỏ ra cho họ thấy: trong cái chết của Người, Người sẽ trở thành tấm bánh nuôi sống nhân loại. Chúa Giê-su cũng đã nhắc đến điều này trong Kinh Lạy Cha: "xin cho chúng con lương thực hàng ngày".
·        (c. 23) Lễ Vượt Qua thường được cử hành với 4 ly rượu, uống lần lượt , để kỵ niệm 4 lời hứa của Thiên Chúa với dân Do Thái trong sách Xuất Hành (6:6-7).
- Ly thứ nhất: "Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai-cập"
- Ly thứ hai: "Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng"
- Ly thứ ba: "Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi"
- Ly thứ tư: "Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi"
Ly rượu được nhắc lại trong câu 23 là ly thứ ba, uống sau lời tạ ơn.
·        (c. 24) "Giao-Ước" là một từ được dùng thường xuyên trong đạo Do Thái, để tả lời cam kết vềmột mối liên hệ. Trong Xuất Hành 24:3-8, Thiên Chúa lập một liên hệ với dân Do Thái, lệ thuộc vào sự tuân giữ luật Chúa. Chúa Giê-su dến và lập một giao ước mới, không lệ thuộc vào sự vâng lời của con người, mà chỉ lệ thuộc vào tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã hứa trong Xuất Hành 6: "Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy các ngươi". Trong thời đó, máu thường được dùng để đóng dấu một lời cam kết. Môi-sen đã đóng dấu giao ước với Chúa bằng máu loài vật. Thiên Chúa đóng dấu giao ước mới bằng chính máu của con mình! "Đổ ra vì muôn người" nhắc lại lời tiên tri Isaia (53:12) viết về Người Đầy Tớ Đau Khổ.




·        (c 25) Chén thứ tư của Chúa Giêsu sẽ được uống sau khi việc cứu chuộc được hoàn tất. Các bữa tiệc Thánh Thể không chỉ trong Bữa Tiệc Ly, nhưng cũng kết nối đến các bữa tiệc vinh quang trên trời. Đó là hy vọng cho tất cả những ai chia sẻ cội nguồn của mình: “Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa".






Suy niệm LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ- B
Lời Chúa: Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26

MỤC LỤC



1. Dâng tiến lễ vật.

Có một mẩu chuyện kể lại rằng: Trước khi từ giã mái nhà Nagiarét để lên đường rao giảng Phúc Âm, Chúa Giêsu đã hỏi Đức Mẹ: Thưa Mẹ, Mẹ muốn con để lại gì cho Mẹ sau những năm Mẹ đã giúp đỡ và an ủi con? Đức Mẹ đã trả lời: Mẹ chỉ mong được đứng cạnh con dưới chân thánh giá vào ngày thứ sáu hầu kết hiệp với hy lễ của con.

Đúng thế, kết hiệp với hy lễ của Đức Kitô cũng chính là điểm cao đẹp nhất mà người tín hữu chúng ta phải thực hiện. Để hiểu được điều đó, chúng ta hãy  nhìn lên bàn thờ và chúng ta sẽ thấy những gì? Trước hết vị linh mục thượng phẩm chính là Chúa Giêsu. Sau khi thiết lập và cử hành thánh lễ đầu tiên vào chiều thứ năm tuần thánh, Ngài còn tiếp tục hiện diện và cử hành trong mỗi thánh lễ. Bởi vì nếu không có Chúa Giêsu thì cũng chẳng có thánh lễ. Và như sách giáo lý đã dạy, qua bàn tay linh mục chính Chúa Giêsu cử hành thánh lễ và dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền, bởi vì Đức Chúa Giêsu là linh mục đời đời theo dòng Melchisédech.

Bên cạnh Chúa Giêsu là vị linh mục, đã lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh. Nhờ ngài mà bánh rượu sẽ trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Nhờ ngài mà thánh lễ được cử hành ở khắp mọi nơi trên mặt đất này. Như chúng ta đã thấy trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã truyền chức linh mục cho các môn đệ, rồi trong dòng thời gian, các môn đệ lại truyền chức cho những người khác, như vậy quyền dâng tiến hy lễ và truyền phép được chuyển thông cho đến tận cùng thời gian. Vị linh mục rao giảng Lời Chúa, tha thứ tội lỗi và nhất là cử hành thánh lễ.

Thế nhưng, trong thánh lễ chúng ta không chỉ dừng lại ở đó để rồi có một thái độ thụ động, mơ mộng hay ngủ gục. Chúng ta không xem lễ như xem một vở kịch, một cuốn phim, nhưng chúng ta thực sự tham dự bằng cách kết hiệp tâm tình với những lời vị linh mục đọc và những việc vị linh mục làm. Và dưới một góc độ nào đó thì trong thánh lễ chúng ta cũng là những người cử hành, những người dâng tiến.

Để chuẩn bị cho con mình trong thánh lễ mở tay, có một bà mẹ đã cẩn thật trồng một đám lúa mì. Sau khi đã thu hoạch, bà xay thành bột rồi làm thành những chiếc bánh. Và trong ngày con bà cử hành thánh lễ đầu tiên, thì chính bà đã đem những tấm bánh ấy đến nhà thờ để dâng tiến.

Hơn thế nữa, trong ngày chịu phép rửa tội, chúng ta cũng đã được xức dầu để thánh hiến cho Thiên Chúa và như thế chúng ta cũng được tham dự vào chức vụ linh mục của Chúa Giêsu, và chúng ta gọi đó là chức linh mục cộng đồng của mọi người tín hữu, khác với chức linh mục thừa tác của những người được tuyển chọn qua bí tích Truyền Chức Thánh. Bởi đó trong thánh lễ chúng ta cũng thi hành chức vụ linh mục, chúng ta cộng tác với Chúa Giêsu, chúng ta góp phần bằng của lễ cuộc đời chúng ta, đó là những lao công vất vả và những hy sinh gian khổ chúng ta gặp phải. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng: cử hành thánh lễ là việc của Chúa Giêsu và các linh mục chứ không phải là việc của tôi. Bởi đó tôi có thể nghĩ đến những chuyện khác trong khi tham dự thánh lễ. Có ý thức vai trò của mình, chúng ta mới tham dự thánh lễ một cách sống động và việc tham dự sống động này mới thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta.


2. “Này là Máu Ta” – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Máu cần thiết cho sự sống. Thiếu máu nhiều bệnh nhân sẽ khó sống. Hiến máu đã cứu được nhiều người thoát chết. Hiến máu là tặng ban sự sống. Đó là hình ảnh cuộc hiến mình của Đức Kitô trên thập giá. Trong bữa tiệc ly, Đức Kitô cho biết Người sẽ đổ máu ra để cứu thế giới khi Người cầm chén rượu và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới, sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội”. Máu để cứu sống, máu để thiết lập giao ước, máu để tha tội, tất cả những ý nghĩa này đã được tiên báo trong Cựu ước.

Máu để cứu sống được diễn tả bằng hình ảnh con Chiên Vượt Qua. Để cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa truyền cho người Do Thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, nhà nào có máu chiên bôi trên cửa sẽ được cứu thoát. Để tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, từ đó, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái vẫn giữ tập tục giết chiên mừng lễ. Lễ đó gọi là lễ Vượt Qua. Con chiên bị giết gọi là con chiên Vượt qua. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi.

Máu giao ước được diễn tả qua nghi lễ ông Môsê cử hành dưới chân núi Sinai. Bài đọc thứ nhất hôm nay thuật lại: “Ông Môsê sai các thanh niên trong dân Israel tiến dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò tơ làm lễ hiệp thông tế Chúa. Ông lấy một nửa phần máu, đổ vào những cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ. Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: Tất cả những gì Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và sẽ tuân theo. Bấy giờ, ông Môsê lấy máu rảy trên dân và nói: Đây là máu giao ước Chúa đã lập với anh em”. Đó là giao ước cũ hay là Cựu ước.

Tại Việt Nam cũng như tại các nước Á Đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Đức Giêsu đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Máu Đức Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái ruột thịt của Thiên Chúa và trở nên anh em ruột thịt với nhau. Đó là máu giao ước.

Máu để tha tội được dùng nhiều trong Cựu ước. Khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên Chúa. Thày cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì Máu Chúa không vảy lên thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta.

Những ý nghĩa mà máu súc vật trong Cựu ước tượng trưng nay được hoàn thành viên mãn trong Máu Đức Kitô.

Nhân loại đang rên xiết trong ách nô lệ đã được Người giải thoát. Nhân loại đang xa lìa Thiên Chúa và bất hòa với nhau đã được Người giao hòa thành một gia đình thương yêu thuận hòa, sống chết có nhau. Nhân loại đang sống trong tội lỗi được Máu Người tẩy sạch mọi vết nhơ.

Chúng ta được ân phúc dường ấy là nhờ Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Dòng Máu Người đổ ra đến đâu đem lại sự sống đến đấy. Dòng Máu Người lan tới đâu thì ban ơn tha tội đến đấy.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy cảm tạ tình yêu vô biên của Người đã hiến mình, đổ máu để cứu chuộc ta.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy đáp lại tình yêu của Người bằng cách siêng năng đến lãnh nhận và siêng năng đến thờ lạy Đức Giêsu ngự trong phép Thánh Thể.

Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, ta hãy noi gương Người, biết quên mình, hiến thân phục vụ đồng loại.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1)   Bạn có tham dự Thánh lễ và chịu lễ sốt sắng không?
2)   Mỗi khi chịu lễ, bạn có cảm nghiệm được Đức Giêsu ngự trong bạn không?
3)   Yêu mến Chúa trong phép Thánh Thể, bạn có muốn nên giống Người, biết hiến thân phục vụ đồng loại không?
4)   Trong Kinh Thánh, máu có những ý nghĩa nào?


3. Kết hiệp với Đức Kitô và với nhau.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ - Achille Degeest)
Chúng ta biết rằng niềm tin vào Thánh Thể đã khai mào cho nhiều cách hiểu khác nhau về sự hiện diện của Đức Kitô trong bánh và rượu. Các cách hiểu khác nhau này đôi khi đã là nguồn chia rẽ giữa các Giáo Hội. Đó đây, chúng còn là một trong nhiều cản trở mà hướng đại kết phải cố gắng vượt qua. Người ta sẽ thích đọc đoạn văn dưới đây, tuy không có tính cách chính thức, nhưng đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong bước hiệp nhất giữa Giáo Hội Công giáo và Anh giáo. Đây là một trích đoạn trong bản tuyên ngôn chung về học thuyết Thánh Thể ban ngày 7-9-1971 do uỷ ban quốc tế Anh giáo-Công giáo- La mã.

Sau khi đã nói rằng: “Chúng tôi ao uớc diễn tả trong tài liệu này sự đồng nhất mà chúng tôi đã đạt được”, Uỷ ban nói tiếp: “Việc hiệp thông với Đức Kitô trong Thánh Thể giả thiết Ngài hiện diện thật sự, được biểu lộ dưới hình thức bánh và rượu. Bánh và rượu này trở nên Mình và Máu Ngài trong mầu nhiệm này. Nhưng sự hiện diện thật sự Mình và Máu Đức Kitô chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh công cuộc cứu độ, nhờ đó Ngài tự hiến bản thân Ngài, và cũng nhờ đó Ngài ban cho những kẻ thuộc về Ngài, ơn giao hoà, bình an và sự sống. Một đàng ơn huệ Thánh Thể xuất phát từ Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, nhờ đó ý định cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện cách dứt khoát. Đàng khác mục đích của Thánh Thể là thông ban cho thân thể Ngài là Giáo Hội, sự sống của Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, đến nỗi các chi thể của Ngài luôn được kết hiệp với Đức Kitô và với nhau một cách trọn vẹn hơn nữa. Những lời của Đức Giêsu nói trong bữa Tiệc ly: “Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta” không cho phép ta tách biệt ơn huệ sự hiện diện với tác động của bữa ăn bí tích. Các yếu tố không hẳn chỉ là những dấu chỉ đơn thuần: Mình và Máu Đức Kitô hiện diện thực sự đấy và cũng được thực sự trao ban là để khi lãnh nhận chúng, các tín hữu được liên kết trong sự hiệp thông với Đức Kitô, Chúa chúng ta.

Theo quy luật phụng vụ cổ truyền, lời nguyện truyền phép dẫn đến việc tín hữu rước lễ. Nhờ lời nguyện tạ ơn này, 1 lời kinh tin tưởng dâng lên Chúa Cha, bánh và rượu nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà trở nên Mình và Máu Đức Kitô, cho nên khi rước lễ, chúng ta ăn thịt và uống máu Đức Kitô.

Vị Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chính là vị Chúa quang vinh. Trong nghi lễ tạ ơn, chúng ta hưởng trước các niềm vui của thế giới sẽ đến. Nhờ tác động biến đổi của Thần linh Thiên Chúa, bánh rượu của trần thế trở nên man-na bởi trời và rượu mới, bữa tiệc cánh chung cho người mới. Các yếu tố của tạo thành thứ nhất trở nên bảo chứng và của đầu mùa cho trời mới đất mới.

Từ đoạn văn khá cô đọng về mặt đạo lý trên, ta hãy ghi nhớ các điều này:
-     Mình và Máu Đức Kitô thật sự hiện diện trong bánh và rượu Thánh Thể.
-     Việc hiệp lễ Thánh Thể nối kết lại với Đức Kitô và với nhau.
-     Việc hiệp lễ Thánh Thể ngay từ bây giờ đã hướng chúng ta vào một định mệnh: Định mệnh liên kết chúng ta với Thiên Chúa. Việc kết hiệp này bắt đầu từ hôm nay sẽ đạt tới mức viên mãn khi thời gian kết thúc.


4. Mầu nhiệm tình yêu.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
“Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”. Đó là lời của bà Suzanna sau khi được cứu trong trận động đất ở Armêni vào tháng 12/1987. Trong số hàng ngàn người bị vùi lấp dưới đống gạch, có hai mẹ con bà Suzanna may mắn còn sống sót. Cô con gái bốn tuổi đòi uống nước. Tìm đâu ra nước khi hai mẹ con không có lối ra? Tình mẫu tử đã gợi lên cho bà một ý nghĩa táo bạo, đó là rạch ngón tay mình chảy máu để cho con mút. Đứa bé đã đỡ khát nhờ máu người mẹ. Nó đã sống cho đến khi cả hai mẹ con được cứu.

Câu truyện trên giúp chúng ta hiểu phần nào bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã chết để chúng ta được sống. Ngài chấp nhận chịu đổ máu qua cái chết thập giá và Ngài lấy Thịt Máu Ngài làm lương thực nuôi sống chúng ta.

Chính trong bối cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể, bí tích của Giao Ước mới: Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ, đó là cử chỉ thuộc nghi thức bữa tiệc Vượt Qua (x.Xh 12,26-27). Nhưng lời mời gọi: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy”, Chúa Giêsu đã biến đổi ý nghĩa của cử chỉ thuộc lễ Vượt Qua cũ, và làm cho nó trở thành cử chỉ của riêng Ngài. Cả lời Chúa phán trên chén rượu cũng vậy: “Này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”. Lời này đã gợi lại Giao Ước Sinai, nhưng ở đây giao ước không còn được niêm ấn bởi máu chiên bò, mà là máu của chính Con Một Thiên Chúa, máu có hiệu lực thanh tẩy tội lỗi (Bđ. 2)

Hơn nữa, nếu trong lễ Vượt Qua, người ta cùng ăn thịt con chiên chịu sát tế, thì cử chỉ Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho, ám chỉ thân xác Chúa bị xâu xé, hiến cho người khác, và lời nói: “Máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho nhiều người…” lại càng làm nổi bật ý nghĩa hy tế của lễ Vượt Qua mới, tức là Bàn Tiệc Thánh Thể. Nói cách khác, dưới hình thức bánh rượu, Chúa Giêsu đã thể hiện trước, đã cảm nếm trước cuộc vượt qua của chính Ngài, tức là cuộc khổ nạn và Phục Sinh sẽ xảy ra hôm sau. Ngài biến cái chết thành hy lễ cứu độ đem là sự sống, thành quà tặng và lương thực siêu nhiên cho tất cả những ai tin vào Ngài. Nhờ đó, các môn đệ Chúa Giêsu khi ăn bữa tiệc này, đã được dự phần vào Giao Ước mới, được hiệp thông với Ngài trong biến cố chết và sống lại, được cùng với Ngài đi từ cõi chết vào cõi sống muôn đời. Và cũng từ đó, qua muôn thế hệ, mỗi lần cử hành Thánh Thể, một mặt Giáo Hội tái diễn và hiện tại hoá cuộc hiến tế của Chúa Giêsu để nhớ đến Ngài; mặt khác, Giáo Hội lại hướng về tương lai, hướng tới ngày Chúa đến trong vinh quang để đưa chúng ta vào dự bàn tiệc Nước Trời, bàn tiệc viên mãn đã được khơi mào từ Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay.

Theo lời Chúa truyền dạy: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24b), mỗi ngày và đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, Giáo Hội cử hành Thánh Thể để nhắc con cái mình nhớ đến tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống vì nhân loại, Đấng ấy vẫn đang hiện diện để trao ban cho nhân loại bánh sự sống là chính Mình Máu Ngài. Vì thế, khi tham dự Thánh Lễ, tôi không hiện diện như khán giả xem một vở kịch, cũng không phải chỉ nhớ đến một kỷ niệm trong quá khứ không liên hệ gì đến cuộc sống thực tế, nhưng là hiệp thông sự sống với Chúa Kitô, là chia sẻ hy tế thập giá của Ngài và cùng với Ngài tôi hiến dâng thân mình làm lễ tế sống động đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1). Do đó, khi tham dự Thánh Lễ, tôi không lập đi lập lại những cử chỉ, những động tác theo thói quen, nhưng tôi hiến dâng cho Chúa niềm vui nỗi buồn, những lo âu và hy vọng, những tâm tư thao thức của tôi. Nói chung là tất cả những gì đan dệt nên cuộc sông đời thường đều có thể trở thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa, những hy lễ như dấu chỉ tình yêu của tôi nhằm đáp trả Đấng đã yêu thương đến nỗi hiến ban chính Con Một yêu dấu cho tôi.

Mặt khác, Thánh Thể không chỉ tạo mối tương quan ân tình giữa Chúa và cá nhân tôi, nhưng còn mờ rộng, bao trùm mọi người. Thật vậy, bí tích Thánh Thể đã được Chúa Giêsu thiết lập trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa Giêsu đã cầm và phân chia cho các môn đệ chính là bánh của bữa ăn hằng ngày nơi Ngài sống. Chén rượu cũng vậy, và bánh ấy, rượu ấy, đã được biến đổi thành Mình Máu Ngài. Do đó mầu nhiệm Thánh Thể còn là mầu nhiệm chia sẻ, chia sẻ để mọi người cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ, và chính việc chia sẻ này đã được Chúa Giêsu dùng như dấu chỉ các môn đệ làm để nhớ đến Ngài: Hai môn đệ đi Emmau đã nhân ra Đấng Phục Sinh và chính lúc Ngài “cầm lấy bánh chúc tụng, đoạn bẻ ra trao cho hai ông…” (Lc 24,30-31).

Ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người chúng ta không được đóng khung nhưng buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiẹm yêu thương ngay trong cuộc đời mỗi ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực, nếu chúng ta sống dững dưng ích kỷ, bưng tai bịt mắt trước nhưng anh em đói khát khốn cùng, đòi khát cơm bánh vật chất, nhất là đói khát công lý và tình thương.
Giờ đây, chúng ta sắp cùng nhau chia sẻ Bàn Tiệc Thánh Thể, chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô, Đấng đã hiến cả cuộc đời mình nên của lễ tình yêu. Xin Chúa giúp chúng ta, một khi đã hiệp thông với Ngài, thì cũng biết thông hiệp với anh em bằng cuộc sống yêu thương phục vụ, Có như thế, Bàn Tiệc Thánh Thể sẽ trở nên điểm hẹn diệu kỳ, nơi đây chúng ta được nối kết với Chúa Kitô, thông chia cùng một sự sống với Ngài. Nơi đây, chúng ta nối kết với mọi người anh em, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng, yêu thương, đang lúc chờ đợi Bàn Tiệc hạnh phúc vĩnh cửu trong vinh quang Nước Trời.


5. Đây là đất thánh - Arthur Tone.

Một linh mục Mỹ, cha Frank Ramsberger đi viếng đất thánh. Cha muốn khảo cứu, đặc biệt những nơi Chúa Giêsu đã sống, đã làm việc, đã chịu nạn, chết và sống lại từ cõi chết. Cha làm thân với một cậu trai tên Yosef, người có bộ mặt nâu của một người chăn cừu Ả-rập. Cậu bé giúp lễ cho cha, dạy cha một vài từ ngữ Ả-rập khó.

Khi vị linh mục sắp sửa từ biệt để đến một vùng khác của đất thánh, ngài nói với Yosef: “Có ít con trai và con gái được đặc ân sống trên mảnh đất Đức Giêsu đã sống. Con biết rằng Con Thiên Chúa đã sống như một cậu con trai, một người đàn ông, đã đi đứng trên những con đường này và đã thở bầu không khí này. Cái đó không giúp con yêu Người hơn sao? Yosef trả lời một câu đầy ý nghĩa: “Cha chẳng cần phải sống ở đây để yêu Chúa, vì bây giờ Chúa ở khắp nơi trên thế giới. Ngày nay mỗi một nơi đều là đất thánh. Bất cứ nơi nào chúng ta ở, chúng ta ở trên đất của Chúa Giêsu.

Có bao giờ bạn nghĩ như vậy không? Pilsen (thay thế bằng tên họ đạo của cha) là một phần đất thánh. Đức Giêsu ở ngay đây, ngay lúc này.

Đây là ý tưởng về ngày lễ Mình Thánh Chúa. Thân thể Đức Kitô. Chúng ta nhắc lại thứ năm tuần thánh. Lúc đầu tiên Người nói những lời này: “Đây là Mình Ta… đây là Máu Ta”. Hôm nay chúng ta mừng lễ, về việc những lời trên được lặp lại trên khắp thế giới mỗi ngày, về việc Đức Giêsu hiện diện trên mọi bàn thờ khắp thế giới. Đức Kitô ở nơi đây. Đây là đất thánh Pilsen (tên họ đạo thành phố) là đất thánh.  Đây là Betlehem. Đức Giêsu sinh ra tại đây trong mỗi Thánh Lễ. Đây là Nazareth. Đức Giêsu lớn lên ở đây trong đời sống chúng ta. Chúa Giêsu làm phép lạ ở đây, phép lạ thiêng liêng: Người chữa chúng ta khỏi phong cùi tội lỗi. Người chừa những người què thiêng liêng để họ có thể bước đi trên đường lối của Người. Người mở mắt cho những ai không thấy được những sự thiêng liêng. Đức Giêsu tha thứ tội lỗi tại nơi đây trong tòa cáo giải. Quan trọng nhất, ngôi Thánh đường này là “Căn phòng rộng trên lầu” trong Tin Mừng hôm nay, ở đó Đức Giêsu đã nói lời truyền phép đầu tiên. Không có nơi nào Thánh hơn nơi này.

Đây cũng là Cana, Đức Giêsu tham dự đám cưới trong nhà thờ này. Người dự đám tang nơi quê hương Người. Người ở ngay đây, khi chúng ta an táng một người thân yêu. Đây là Đền Thờ Giêrusalem. Đức Giêsu giảng dạy ở đây qua vị linh mục của Người, qua các thầy cô giáo lý, qua cha mẹ của các con em. Chúa Giêsu hiện diện trong làng, trong nhà thờ, ngoài phố, ngoài cánh đồng, trên bờ hồ, trên đỉnh đồi, và ngôi nhà ở đất thánh. Người cũng hiện diện trong nhà của chúng ta.

Hôm nay là ngày của Chúa Cha, trên đất thánh Đức Kitô tôn kính Cha trên trời của Người. Trong phương cách giới hạn của chúng ta, chúng ta hãy tôn kính Cha mình. Bạn hãy nói với cha bạn như Đức Giêsu thường nói với Cha Người rằng: Bạn yêu Người, bạn quý mến những gì Cha bạn làm cho bạn.

Vâng, bạn và tôi thực sự đang sống trên đất thánh, vì Thiên Chúa làm người sống tại nơi đây ở giữa chúng ta: Mình Thánh Chúa Kitô ở với chúng ta.

Xin Chúa chúc lành bạn.


6. Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy - Noel Quesson.

Năm 1263, một linh mục người Đức cử hành Thánh Lễ ở nhà thờ kính Thánh Christiana. Lúc bẻ bánh, đột nhiên, linh mục thấy Mình Thánh không còn là hình bánh, mà đã biến thành Thịt và Máu thực. Những giọt máu loang ra thấm ướt tấm khăn Thánh trên bàn thờ. Linh mục vội gấp khăn lại, nhưng gấp tới đâu, máu thấm ra tới đó, máu thấm qua 25 lần vải. Vị linh mục vừa cảm động vừa sợ hãi đến mức không tiếp tục Thánh Lễ được. Ngài tới yết kiến Đức Giáo Hoàng Urbanô và kể lại sự kiện ấy. Đức Giáo Hoàng sai một Giám Mục đến rước Mình Thánh cùng tấm khăn đẫm máu về Tòa Thánh đặt ở nhà thờ chánh tòa cho giáo dân thờ kính. Năm sau, (1264) vào ngày mồng 8 tháng 9, Người ra sắc dụ lập lễ kính Thánh Thể trong toàn Giáo Hội như chúng ta mừng kính hôm nay.

Đã có nhiều phép lạ về Thánh Thể. Chắc Chúa Giêsu muốn củng cố niềm tin của chúng ta vào bí tích này, cho chúng ta hiểu rõ ý định của Người khi lập phép Thánh Thể, đó thực là của nuôi linh hồn chúng ta, cần thiết cho linh hồn cũng như đồ ăn cần cho thân xác. Đó thực là Thịt và Máu của Chúa, dù mắt thường không nhận rõ thực tại này. Trong Thánh Lễ, linh mục làm những cử chỉ Chúa đã làm trong bữa Tiệc ly, cũng đọc những lời Chúa đã đọc: “Các con làm việc này để nhớ đến Thầy”. Làm việc này là việc gì? Là cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng bẻ ra và phân phát cho mọi người.

Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống Kitô hữu. Trước hết vì ở đây cử hành mầu nhiệm Cứu độ. Chúa Giêsu đã chết để cứu chuộc nhân loại. Người chết vì yêu thương chúng ta. Ngoài việc chết một lần trong lịch sử, Chúa còn dùng Thịt và Máu nuôi dưỡng ta, để biểu lộ Tình yêu của Chúa, để ta thông hiệp với sự sống vô biên của Chúa, của một vị Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta cho đến muôn đời. Những thực tại này được thể hiện trong bí tích Thánh Thể, trong Thánh Lễ. Sống cuộc sống thế trần chúng ta cốt đem sự sống tới cho loài người và bí tích Thánh Thể chính là suối nguồn sự sống. Chúng ta cần năng tiếp xúc với nguồn sống đó, chúng ta mới có sự sống để có thể chuyển thông sự sống ấy cho người khác. Trong Thánh Lễ, chúng ta được đón nhận Lời Chúa và tiếp nhận Mình Chúa vào tâm hồn. Lời Chúa đã thành cụ thể đi vào tâm hồn ta khi ta tiếp nhận Mình Chúa. Chúa đã hiến mạng sống cho mọi người và trao ban chính mình cho chúng ta như là bánh sự sống, vì lẽ đó, tiệc Thánh Thể là nhiệm tích Mình và Máu Đức Kitô, nhiệm tích của sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Chính Thánh Linh đã làm cho Đức Kitô thực sự có mặt và hiến ban trong Bánh và Rượu (Conseil oecuménique năm 1974).

Tiệc Thánh Thể còn là cuộc họp mặt của các tín hữu. Muốn được Ơn Chúa, chúng ta phải hiệp nhất với nhau. Thánh Thể là dấu hiệu hiệp nhất rõ ràng và vững chắc: chỉ có một tấm bánh, một chén rượu chia ra cho mọi người. Trong chúng ta đều lưu hành một của ăn và một thức uống, đều có chung một nguồn sống. Từ Thánh Lễ đi ra, chúng ta ý thức mình là một phần chi thể, là Thịt Máu Đức Kitô, chúng ta mang Đức Kitô trong mình. Trong khi đó, người anh chị em bên cạnh ta cũng là phần chi thể Máu Thịt Đức Kitô như ta. Còn gì gần gũi hơn và thân thiết hơn thế.

Lạy Chúa, nhờ bí tích Thánh Thể, chúng con được hòa nhập vào sự sống Thánh thiện của Chúa. Nhờ hiến lễ Tạ Ơn, chúng con cũng được tôn vinh Thiên Chúa; nhờ Tiệc Thánh, chúng con được hiệp nhất với nhau trong Ngài. Chúng con xin cảm tạ Ngài.

 

7. Tặng phẩm thần linh.

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
Phúc Âm kể lại: Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26,26-29; Lc, 22,14-20). Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Tiệc Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.

Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.

Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.

Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô.Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần.Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội.Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1Cor 10,17).

Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô.Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô- hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi Linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà Linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như Linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của Linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa Linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa.Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là Linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc Linh mục Truyền Phép:

“Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

“Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

 “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo,vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: “Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống …” (Mt 25, 35-36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài.Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi Linh mục đọc Lời Truyền Phép.

Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. Thiên Chúa đã yêu thế gian nổi ban chính Con Một … (Ga 3,16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.

Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng laị là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.

Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.


8. Vì muôn người.

Suy Niệm
Đại lễ Vượt qua gần đến. Chúa Giêsu ước ao ăn lễ Vượt qua lần cuối với các môn đệ trước khi chịu khổ hình (Lc 22,15). Ngài đã tiên liệu nơi tổ chức bữa tiệc. Một căn phòng rộng rãi trên lầu, đã chuẩn bị sẵn sàng. Các môn đệ chỉ phải lo những gì cần cho bữa ăn: bánh không men, rượu, chiên và rau đắng. Thế nhưng chỉ mình Chúa Giêsu biết Ngài sẽ làm gì trong bữa tiệc Vượt qua này.

Bữa tiệc cuối là thánh lễ đầu tiên của Chúa. Vẫn bánh đó, vẫn rượu đó trên bàn tiệc. Nhưng đối với các môn đệ, thật là bất ngờ. Khi Chúa Giêsu bẻ bánh, trao cho họ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là Mình Thầy”. Ngài còn mời họ uống rượu và nói: “Đây là Máu Thầy, Máu giao ước, đổ ra vì muôn người.”

Như thế bánh rượu đã được biến đổi tận căn để trở thành Mình Máu Chúa. Ăn bánh và uống rượu trở nên hành vi thông hiệp vào cái chết sắp đến của Thầy.

Ngay hôm sau, trên núi Sọ, máu Chúa đã đổ, và tấm thân Chúa bị nát tan. Hy lễ núi Sọ chỉ diễn ra một lần, nhưng ảnh hưởng trên cả dòng lịch sử.

Bữa tiệc ly chỉ diễn ra một lần, nhưng Chúa muốn nó được lặp lại cho đến tận thế: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
·        Mỗi thánh lễ là một bữa tiệc ly, vị linh mục lặp lại cử chỉ và lời nói của Chúa.
·        Mỗi thánh lễ là một tưởng nhớ hy tế thập giá. Cái chết cứu độ năm xưa, nay trở thành hiện tại để đem đến sự sống cho tín hữu thuộc mọi thời.

Rước lễ là gặp gỡ Đấng hy sinh chịu chết, là kết hợp với Đấng đã yêu đến cùng. Ta được mời gọi sống như Đấng ta lãnh nhận, nghĩa là bẻ ra, chia sẻ, phục vụ và hiến trao. Ta không thể tiếp tục sống ích kỷ và khép kín, khi ngày ngày rước lấy Đấng đã chết vì muôn người.

Rước lễ không phải chỉ là nhận Chúa vào miệng, mà là để Chúa chiếm lấy mọi ngõ tối của đời mình, nhờ đó đời ta được hoàn toàn biến đổi.

Nhiều khi có một khoảng cách quá xa giữa thánh lễ và đời thường của người Kitô hữu. Thực sự gặp Chúa dưới hình bánh rượu sẽ đưa ta gặp Chúa nơi những người nghèo khổ, vì họ cũng là sự hiện diện thật sự của Chúa (x. Mt 25, 35).

Mặt khác, càng say mê phục vụ con người, ta càng cảm thấy nhu cầu rước lấy Đấng phục vụ. Khi dự lễ, bạn hãy đem theo hy lễ đời mình để kết hiệp với Hy lễ của Chúa.

Gợi Ý Chia Sẻ
·      Nhiều bạn trẻ dự lễ ngày Chúa Nhật chỉ vì sợ mắc tội. Họ chán xem lễ”. Theo ý bạn, những nguyên nhân nào đưa đến thái độ này? Có cách nào giải quyết không?
·      Rước lễ có thể trở thành một thói quen nhàm chán, vô nghĩa, nặng phần hình thức. Theo ý bạn, làm thế nào để việc rước Chúa thực sự đem lại lợi ích cho chúng ta?



Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con một tâm hồn theo hình ảnh Tấm Bánh Thánh:

Một tâm hồn trong trắng, cố tránh cả những ô uế nhỏ mọn để luôn xứng đáng với Chúa.

Một tâm hồn khiêm hạ tìm chiếm chỗ nhỏ bé, nhưng luôn luôn muốn bày tỏ một tình yêu lớn lao.

Một tâm hồn đơn sơ, không biết đến những phức tạp của ích kỷ, và tìm hiến dâng mà không đòi lại.

Một tâm hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác biết đến.

Một tâm hồn nghèo khó, chỉ làm giàu cho mình nhờ chiếm được chính Chúa.

Một tâm hồn luôn hướng về tha nhân, quan tâm đến những nhu cầu và ước muốn của họ.

Một tâm hồn luôn kết hiệp với Chúa, và múc lấy nguồn sống từ nơi Chúa.


9. Tấm bánh tình yêu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.

Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.

Tấm bánh, tình yêu gần gũi.
Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.

Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.

Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị. Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.

Tấm bánh, tình yêu tự hiến.
Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.
Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.

Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.

Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.
Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.

Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.

Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.

Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.

Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?
Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?
Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1)   Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?
2)   Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?
3)   Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?


10. Cậu bé Marcellino.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Một cuốn phim mang tựa đề: “Cậu bé Marcellino” kể lại câu chuyện sau đây:

Ở cổng nhà dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi, một thầy dòng đã đem về nhà dòng nuôi. Với thời gian, cậu bé lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm, cậu bé bị cấm không được leo lên kho trên gác. Nhưng vì tò mò, ngày nọ Marcellino đã leo lên kho trên gác. Cậu sửng sốt khi thấy có một người khổng lồ bị treo trên Thánh giá. Nghĩ rằng người này đang đói, nên ngay đêm đó, Marcellino đã lẻn vào bếp ăn cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh giá. Từ đó, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho con người khốn khổ ấy. Thế rồi, một ngày nọ người khổng lồ ấy xuống khỏi Thánh giá, đến bên cạnh cậu bé và hỏi:
-      “Con thích điều gì nhất”.
Cậu bé đáp:
-      “Con muốn được thấy mẹ con”.
Người khổng lồ liền nói:
-      “Con hãy nhắm mắt lại và ngủ say”.
Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà không thấy Marcellino nữa, họ đi tìm khắp nơi và cuối cùng thấy cậu bé đã chết trong vòng tay của Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Anh chị em thân mến, đối với Marcellino trong câu chuyện trên, bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói với Chúa Giêsu: “Con yêu mến Chúa”, “Con muốn được săn sóc Chúa, nuôi dưỡng Chúa”. Còn đối với Chúa Giêsu, bánh và rượu Ngài ban qua Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình yêu hiến thân để trở thành lương thực nuôi sống chúng ta, và Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận.

Mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài trong Thánh Thể, con người mới có thể mở rộng trái tim và đôi bàn tay để đón nhận Ngài nơi tha nhân. Chúa Giêsu là Bánh từ trời xuống để lôi kéo họ về với Thiên Chúa. Chia sẻ sự sống thần linh nơi bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi chia sẻ cơm bánh hằng ngày với tha nhân. Và kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ với tha nhân, người tín hữu cảm nhận được sự sống trường sinh và hạnh phúc đích thức tràn ngập tâm hồn.

Thưa anh chị em, Bí tích Thánh Thể là Bí tích của Tình Yêu. Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến lạ lùng là lấy chính Thịt Máu của Ngài làm của ăn của uống để nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Chính Ngài là của ăn và của uống Chúa Giêsu ban hoàn toàn khác với manna và mạch nước trong sa mạc: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Chúa Giêsu không nhằm thoả mãn cái đói cái khát thể xác. Thế nên, Ngài xác quyết: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống”. Vậy Bánh Ngài ban chính là Thịt Máu Ngài. Cụm từ “Thịt Máu” ở đây không những bao gồm tất cả những gì nuôi sống linh hồn con người để đưa đến sự sống vĩnh cửu, mà còn ám chỉ đến Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhập thể mang lấy xác phàm trong thân phận con người và đã đổ máu ra trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn của uống là những cái thường tình nhất của cuộc sống chúng ta để đưa chúng ta đến sự sống vĩnh hằng.

Vì lý do đó, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến việc hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nghĩa là đồng hoá với Ngài, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Từ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ đưa chúng ta đến việc hiệp nhất với các anh chị em tín hữu. Vì liên kết với Chúa Kitô, nên chúng ta cũng liên kết với nhau để làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô, điều mà Thánh Phaolô gọi là “Nhiệm thể Chúa Kitô”. Ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô là lãnh nhận một động lực mạnh mẽ nhất để dẹp bỏ và xua tan những mối bất đồng, những mâu thuẫn sâu xa nhất để chỉ còn trở nên với Chúa Kitô một thân xác và một linh hồn. Sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô hữu trong Bí tích Thánh Thể có sức mạnh thu phục những khách bàng quan, những người xa lạ đến với Giáo Hội, như các tín hữu thời sơ khai đã từng chinh phục và đem lại ảnh hưởng lớn lao cho thế giới ngoại giáo: Họ nói với nhau: “Kìa xem coi họ (các tín hữu Kitô) yêu thương đoàn kết với nhau biết chừng nào!” (x.Cv 2,42-47).

Anh chị em thân mến, “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Tất cả chúng ta đều được mời đến dự tiệc Thánh Thể. Thế nhưng có khá đông người tham dự Thánh lễ mà không tiếp rước Mình Máu Thánh Chúa. Phải chăng Thánh lễ đối với họ chỉ còn là một nghi thức và bổn phận phải làm, chứ không còn là sự sống được trao ban và lãnh nhận? Hoặc phải chăng vì thấy việc rước lễ xem ra không có hiệu quả trong đời sống, nên họ thất vọng và không muốn rước lễ nữa? “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Chẳng lẽ được mời đến dự tiệc mà chẳng ăn uống gì, chỉ ngồi đó “nhìn miệng” các thực khách, rồi ra về mà lòng vẫn u sầu và bụng vẫn đói meo? Thiết tưởng không phải vô ích khi khẳng định lại điều này: Chẳng bao giờ chúng ta đến với người khác thực sự, nếu không kết hợp thâm sâu với Chúa Kitô.

Đức Cha Helder Camera, Tổng Giám Mục Giáo phận Récite ở Braxil, đã chia sẻ kinh nghiệm thống nhất đời sống hoạt động và chiêm niệm của ngài thế này: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi gặp gỡ Đức Kitô nơi anh chị em tôi. Cũng một Chúa Giêsu ở trên bàn thờ và ngoài đường phố”. Có lẽ chúng ta dễ quên chân lý này: Hiệp nhất với Chúa Kitô phải đưa đến sự hiệp nhất với anh em. Nói cách khác, hiệp nhất với Chúa Kitô đang hiện diện ẩn dấu nơi anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo đói và bất hạnh (x.Mt 25). Và chúng ta cũng hay quên rằng: Hiệp nhất sự sống phải được thể hiện trong sự hiệp nhất lối sống. Lối sống của Chúa Giêsu Thánh Thể là lối sống của tình yêu tự hiến để cho nhân loại được sống, là phục vụ đến hy sinh mạng sống để làm giá cứu chuộc muôn người.

Được nuôi dưỡng cùng một Bánh Thánh –là Thịt Máu Chúa Giêsu- chúng ta được mời gọi chia sẻ chén cơm hằng ngày cho anh em và dấn thân hoạt động cho một trật tự công bằng, huynh đệ, cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của mọi người trên thế giới hôm nay.


11. Tình yêu và sự sống.

Đã bao thế kỷ trôi qua, Giáo Hội Công giáo không ngừng đào sâu niềm tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Dẫu có gặp muôn vàn thử thách, dẫu phải đương đầu với bao chỉ trích, người tín hữu vẫn kiên vững trong niềm tin không lay chuyển, bởi chính họ biết rõ Thánh Thể đã đem lại cho họ những gì trong cuộc hành trình thiêng liêng của cuộc đời.

Mỗi thánh lễ là một lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng ngày lễ trọng được ấn định hàng năm phải là một dịp đặc biệt để chúng ta suy niệm cách sâu sắc hơn về một chân lý vốn được gọi là suối nguồn, là đỉnh cao của đời sống người Kitô hữu, đó là Bí tích Thánh Thể.

Đã hẳn, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ở đó để thực hiện lời hứa: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Nhưng trước hết sự hiện diện ấy nhằm tái diễn hy tế thập giá của Ngài. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể không phải là một hy tế mới và độc lập, thay thế hay bổ túc cho hy tế thập giá, nhưng là lặp lại hy tế chỉ diễn ra một lần trên thập giá. Cũng một lễ vật, cũng một Đấng đã tự hiến đời mình thuở xưa trên thập giá, còn nay hiến tế qua tác vụ của linh mục trong thánh lễ. Có khác chăng là khác trong cách thức biểu lộ mà thôi.

Như dân Do Thái hằng nhớ lại những kỳ công Thiên Chúa, đặc biệt là hai biến cố: Thiên Chúa giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập và không ngừng ban lương thực của Ngài cho dân suốt dọc theo những nẻo đường sa mạc. Trong thánh lễ, Giáo Hội cũng nhớ lại cuộc vượt qua của Đức Kitô và việc Ngài ban Thánh Thể cho dân mới trên đường lữ hành trần thế.

Thực vậy, tiếp nối Manna trong hoang địa, Thánh Thể trở nên lương thực, trở nên của ăn đàng cho Israel mới là Giáo Hội. Nhưng Manna mới chỉ là hình ảnh tượng trưng, chứ không thể nào sánh ví được với Bí tích Thánh Thể. Bởi vì cũng như bao lương thực trần gian khác, Manna vẫn để con người lại đó với cơn đói và nỗi khát khao vĩnh cửu. Manna chỉ cho người ta sống tạm để khỏi chết chứ không giúp người ta khỏi chết đời đời. Chính thân thể vinh hiển của Đức Kitô mới thực là bánh ban sự sống: Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.

Chúa Giêsu đã trở nên bánh khi hiến mình làm lễ tế dâng lên Chúa Cha. Chúa Cha đã chấp nhận lễ hy tế ấy bằng cách tôn vinh Chúa Giêsu và đưa vào trong vinh quang của Ngài. Ngài nhận lễ vật mà Chúa Giêsu thay cho loài người dâng tiến, để rồi ban lại cho loài người như của ăn thánh. Từ của ăn thánh ấy, loài người kín múc sự sống để thông hiệp với Thiên Chúa… Và trong bữa tiệc ấy, Thiên Chúa hòa niềm vui của Ngài với tiếng cười của nhân loại. Những ai đón nhận của ăn thánh ấy sẽ được lôi kéo vào trong quỹ đạo của tình yêu Thiên Chúa và lưu lại trong Ngài: Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì sẽ ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Người ăn uống Mình Máu Chúa sẽ thuộc về Chúa từ đời này và mai này thuộc về Ngài mãi mãi.

Như thế, Thánh Thể thực hiện trước bữa tiệc cánh chung trong nước trời, sẽ được cử hành trong niềm vui rượu mới. Và như thế Thánh Thể là dấu chỉ cho đời sống vĩnh cửu đã khởi sự và là bảo chứng cho sự sống lại trong ngày sau hết.


12. Thánh Thể.

Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bối cảnh của lễ Vượt Qua của người Do Thái, một đại lễ lớn nhất của dân tộc. Đại lễ này tưởng niệm lại hành động can thiệp đầy quyền năng của Thiên Chúa, trong việc dẫn dắt dân Người thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Bữa ăn Vượt Qua là một nghi lễ long trọng. Bữa ăn tưởng niệm lại một việc trong quá khứ, và đang khi cử hành việc tưởng niệm đó thì quyền năng của Thiên Chúa lại được tái hiện.

Chúa Giêsu nói: “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Mỗi khi chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể thì quyền năng và tình yêu của Chúa Giêsu lại được tái hiện. Nhưng không chỉ như thế, chính Chúa Giêsu lại hiện diện thật sự ở giữa chúng ta.

Trong khi đó, nhiều người Công giáo lại không ý thức đủ. Họ đi tham dự thánh lễ mà lại đến trễ, về sớm. Vài người lại nói chuyện với nhau hay chỉ nhìn ngắm kẻ khác. Nhiều người vào trong nhà thờ mà không tỏ sự tôn kính Chúa Giêsu Thánh Thể đang hiện diện trong Nhà Tạm. Nhiều người không rước lễ và hầu như không còn để ý đến việc đó nữa. Nhiều người ăn vận trang phục bất xứng, thứ trang phục mà họ không dám mặc khi đến thăm một người bạn. Trong khi xếp hàng lên rước Mình Thánh Chúa Giêsu, một số người thay vì tập trung vào việc chuẩn bị đón Chúa ngự vào tâm hồn mình thì lại đưa mắt nhìn quanh khắp cả nhà thờ.

Tại sao lại xảy ra tình trạng đáng buồn như vậy? Thật là tốt đẹp khi Giáo hội khuyến khích các tín hữu thường xuyên rước lễ và tạo điều kiện dễ dàng cho việc này. Nhưng cũng vì thế mà xảy ra tình trạng người giáo dân ơ hờ, trễ nải đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Cũng có một số tín hữu chịu ảnh hưởng của Tin lành cho rằng Bánh Thánh chỉ là biểu tượng của Chúa Giêsu mà thôi. Nhưng Chúa Giêsu không nói: “Đây là biểu tượng của Mình Thầy”. Chúa nói cách rõ ràng: “Đây là Mình Thầy”.

Ước gì đại lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô hôm nay giúp mọi tín hữu Công giáo ý thức hơn về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ước gì ngày lễ hôm nay canh tân tâm tình biết ơn của chúng ta đối với quà tặng vô giá, mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta là chính Thịt Máu Chúa. Càng ý thức hơn về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta càng có thêm sức mạnh để tiến bước trên hành trình đức tin của mình.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì quà tặng vĩ đại Chúa đã ban cho con là Bí tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp con luôn xác tín vào sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích này và hết lòng tôn sùng mến yêu.



13. Bữa tiệc.

Để cổ động cho việc cầu nguyện chung trong gia đình, linh mục Pê-tanh đã nói: “Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau thì sẽ sống hiệp nhất với nhau”. Việc cầu nguyện chung trong gia đình sẽ củng cố mối dây hiệp nhất mọi thành phần với nhau mỗi ngày một thêm bền chặt. Dù không muốn nói ngược lại linh mục Pê-tanh và không muốn làm giảm giá trị của việc cầu nguyện chung trong gia đình, nhưng cha Gioan Tô-mát, dòng Tên đã nhấn mạnh một khía cạnh khác, cũng quan trọng không kém, đó là việc dùng cơm chung với nhau thì sẽ sống hiệp nhất với nhau.

Bữa ăn chung trong gia đình có một tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó mà ngày nay nhiều người đã bỏ quên hoặc không quan tâm cho đủ. Không phải bất cứ người xa lạ nào cũng có thể ngồi vào bàn ăn dùng bữa chung trong gia đình. Một người nào được mời dùng bữa với gia đình là dấu chỉ được chấp nhận vào tình thân với gia đình đó, người được mời đến dùng bữa với gia đình là người được gia đình đó quý mến. Bữa ăn tạo dựng sự hiệp thông và yêu thương thân thiết ngày càng bền chặt hơn.

Bữa ăn chung trong gia đình làm cho mọi thành phần vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em được hiệp nhất với nhau, được dịp chia sẻ những niềm vui, những quan tâm lo lắng của nhau. Nếu quan sát thêm chúng ta sẽ thấy vai trò của mỗi người được biểu lộ cách rõ ràng trong bữa ăn chung. “Một gia đình dùng bữa chung với nhau sẽ sống hiệp nhất với nhau”, lý tưởng là như thế, nhưng không phải tất cả mọi người, mọi gia đình ngày nay đều có thể thực hiện được lý tưởng cao đẹp này. Nhiều gia đình đã bỏ mất dịp tốt này, mọi người vội vàng lo cho mình có chút gì vào bụng rồi mau chóng đi lo công việc riêng, mọi người không còn xếp đặt công việc để có thể tham dự bữa cơm chung trong gia đình nữa, nhưng mỗi người xếp đặt đời sống theo một sở thích riêng hay một nhu cầu riêng. Cha mẹ lo làm việc xếp đặt đời sống chạy theo công việc nên không còn quan tâm đến việc ăn cơm chung với con cái; phần con cái bận việc với bạn bè hay công việc riêng của mình nên cũng chẳng màng chi đến bữa cơm chung. Mỗi người trong gia đình đều có lý do riêng để không ăn cơm chung với nhau, nhiều gia đình ngày nay tan vỡ có lẽ vì hai lý do: không cầu nguyện chung với nhau và không ăn cơm chung với nhau. Chúng ta hãy nhìn lại gia đình mình và kiểm điểm theo hai nguyên tắc căn bản trên: cầu nguyện chung và dùng cơm chung.

Chúa Giêsu cũng dùng một bữa ăn, bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ để thiết lập Bí tích Thánh Thể. Chúa đã làm cho bữa ăn cuối cùng này không phải là bữa ăn chứng tỏ tình bạn như trước đây, cũng không phải là bữa ăn để Ngài tự tỏ mình ra như một Môsê mới bằng cách ban phát Manna mới cho họ qua việc hóa bánh ra nhiều, nhưng là bữa ăn liên kết tình bạn và tình yêu.

Chính vì thế thánh Gioan đã viết: “Ngài đã yêu thương các môn đệ của Ngài và đã yêu thương họ đến cùng”. Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu thương đến tột bực. Tột bực tình yêu của Ngài ở đây là việc lập Thánh Thể. Thực vậy, Chúa Giêsu đã ghi dấu đặc biệt của Ngài nơi bữa tiệc này, để từ nay Ngài trở thành nơi gặp gỡ tình yêu giữa chúng ta với Ngài và giữa chúng ta với nhau.

Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Chúa Giêsu vừa báo trước cho các môn đệ là Ngài sẽ giã từ thế gian để về cùng Cha. Ngài sẽ phải xa cách họ luôn sao? Không, trong tình yêu thương, Ngài đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Phương thế tuyệt diệu đó là Bí tích Thánh Thể, nhờ đó Ngài hiện diện thực sự và trải dài sự hiện diện đó đến tận cùng thời gian qua mọi người để ban cho họ những điều tốt lành.

Đây là một mầu nhiệm đức tin, bởi vì lý trí chúng ta không hiểu được, giác quan chúng ta không cảm nhận được, chỉ có đức tin dạy cho chúng ta biết: Chúa hiện diện thật sự trong Bí tích Thánh Thể, nên khi rước lễ là chúng ta ăn Mình Chúa và uống Máu Chúa, là lương thực vừa giúp chúng ta sống khỏe, sống mạnh, sống tốt đẹp ở đời này vừa bảo đảm cho sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu, như Chúa đã quả quyết: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì Tôi sống trong người ấy, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết và được sống đời đời”. Như vậy, người ăn Mình Chúa và uống Máu Chúa sẽ thuộc về Chúa ngay từ đời này và mai ngày thuộc về Ngài mãi mãi. Thánh Thể là dấu chỉ cho đời sống vĩnh cửu đã khởi sự, và là bảo chứng cho sự sống lại ngày sau hết. Vì vậy, chúng ta hãy siêng năng rước lễ để chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, và sự kết hiệp đó đưa chúng ta đến sự hiệp thông với nhau, tức là yêu thương nhau. Đúng ra phải như vậy, nhưng thực tế có được như vậy không? Có lẽ nhiều người Kitô hữu quên mất điều này: hiệp thông với Chúa Kitô phải đưa đến sự hiệp thông với nhau.

Tóm lại, khi dâng thánh lễ là chúng ta cùng tham dự bàn tiệc Thánh Thể, chia sẻ Mình Máu Chúa Kitô, Đấng đã hiến cả cuộc đời mình nên của lễ tình yêu. Xin Chúa cho chúng ta một khi đã được hiệp thông với Chúa, thì cũng biết hiệp thông với nhau bằng cuộc sống yêu thương phục vụ để cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

 

14. Dấu chỉ của tình yêu.

Hôm nay, mừng kính Mình và Máu thánh Đức Kitô, chúng ta cùng nhau dừng lại để chia sẻ một vài ý nghĩ đơn sơ về bí tích Thánh thể.

Trước hết, bí tích Thánh thể là dấu chỉ của tình Chúa.
Thực vậy, khi yêu thương ai, chúng ta muốn được ở gần người đó để hàn huyên tâm sự, như ca dao đã bảo:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Thất bát sông cũng lội,
Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.

Yêu nhau chẳng quản xa gần,
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.

Hiểu theo chiều hướng này, thì Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không bờ không bến, vì Ngài không phải chỉ đi qua vài ba ngọn đồi, lội qua dăm bảy con suối để đến với chúng ta. Trái lại, Ngài đã đi con đường dài nhất, con đường từ vô biên đến hữu hạn, con đường từ trời xuống đất, con đường từ một Thiên Chúa toàn năng đến một kẻ nghèo hèn, để trở thành một Emmnuel, nghĩa là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Ở cùng chúng ta hơn ba chục năm mà thôi chưa đủ, Ngài lại còn muốn ở cùng chúng ta mãi mại, cho đến tận cùng thời gian qua bí tích Thánh thể.
Tuy nhiên, Ngài không phải chỉ ở bên cạnh chúng ta, đi bên lề cuộc sống chúng ta như một kẻ xa lạ. Trái lại, Ngài còn muốn thấm nhập và trở nên một với chúng ta.

Bởi đó, mỗi khi lên rước lễ, chúng ta sẽ được kết hiệp và gắn bó mật thiết với Chúa. Sự kết hiệp và gắn bó này còn mật thiết hơn cả tình bè bạn, tình cha mẹ, tình vợ chồng, bởi vì chúng ta sẽ trở nên một với Ngài.

Giọt nước hòa tan trong rượu thế nào, chúng ta cũng sẽ được hòa tan trong Chúa như vậy. Thanh sắt nung trong lửa, sẽ nóng và đỏ như lửa thế nào, chúng ta cũng sẽ được trở nên giống Chúa như vậy.

Ngoài ra, khi yêu thương ai, ngoài việc muốn được ở gần người đó, chúng ta còn cố gắng làm cho người đó được hạnh phúc: nào là thư từ, nào là quà cáp, nào là thăm hỏi…

Nếu hiểu theo chiều hướng này, thì Chúa Giêsu cũng đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không bờ không bến bởi vì Ngài đã xuống thế để làm gì nếu không phải là để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và án phạt đời đời.

Rồi suốt cả cuộc đời, Ngài đã thực hiện biết bao nhiêu hành động yêu thương. Ngài đã cúi xuống xoa dịu những đớn đau, chữa lành mọi bệnh tật, xua trừ ma quỉ. Hơn thế nữa, Ngài còn chết trên thập già để cứu độ chúng ta như lời Ngài đả phán:

- Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Bằng đó mà thôi cũng chưa đủ, Ngài còn theít lập bí tích Thánh thể để trở nên của ăn nuôi sống linh hồn và đảm bảo cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu:
- Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống đời đời.
Một người Cha trước khi chết thường trối lại cho con cháu bản chúc thư. Những người yêu nhau trước khi đi xa, thường trao tặng cho nhau những kỷ vật. Cũng vậy, là một người cha, Đức Kitô trước khi chịu chết, đã trối lại cho các môn đệ cũng như cho mỗi người chúng ta một bản chúc thư, đó là giới luật yêu thương. Là một người tình, Đức Kitô trước khi ra đi, đã trao tặng cho chúng ta một kỷ vật, đó là thịt máu Ngài. Và như thế, bí tích Thánh thể chính là dẩu chỉ tình yêu bao la mà Chúa Giêsu đã dành cho chúng ta.

Tiếp đến, bí tích Thánh thể còn là dấu chỉ của tình người.
Thực vậy, nhìn vào một bữa ăn, một bàn tiệc, chúng ta tìm thấy ngay được dấu chỉ của sự yêu thương và hiệp nhất.

Tiên vàn, những người ngồi cùng bàn đều có một mẫu số chung nào đó. Có thể là chia sẻ một niềm vui như đi tự tiệc cưới. Có thể là chia sẻ một nỗi buồn như đi ăn đám giỗ. Có thể là chia sẻ một băn khoan lo lắng như bữa tiệc trước khi tính toán và bắt đầu một công việc quan trọng.

Ngoài ra, khi quây quần chung quanh một bàn ăn, chúng ta còn chia sẻ với nhau một nguồn sống, là những thức ăn do lao công vất vả của nhiều người làm nên. Chính những thức ăn này sẽ được tiêu hóa và trở nên thịt máu, trở nên một phần cơ thể chúng ta. Bởi đó, chúng ta thường phải tránh đi những bất hòa, xích mích trong bữa ăn: trời đánh còn tránh bữa ăn.

Chúa Giêsu cũng đã thiết lập bí tích Thánh thể dưới hình thức một bữa ăn, một bàn tiệc. Chính vì thế, ý nghĩa của sự yêu thương và hiệp nhất cần phải được nổi bật, bởi vì chúng ta cùng ăn một của ăn thiêng liêng muôi sống linh hồn, như thánh Phaolô đã viết:

- Mặc dù chúng ta tuy nhiều, nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh và làm nên một thân thể Đức Kitô.
Hơn thế nữa, nơi bàn tiệc Thánh thể, mọi người đều bình đẳng vì tất cả đều là con cái Chúa, không còn phân biệt già hay trẻ, sang hay hèn…Các tín hữu sơ khai đã ý thức được chân lý căn bản này, họ đã biến nghi thức bẻ bánh, hay bàn tiệc Thánh thể trở nên nơi qui tụ cho tình thương. Họ mang rượu bánh đến góp chung để dâng lễ, để nuôi sống linh mục và tu sĩ, cũng như để giúp đỡ những người nghèo.

Tình bác ái huynh đệ này không phải chỉ đóng khung trong khi tham dự nghi thức bẻ bánh, mà còn được nối tiếp trong cuộc sống, vì trong cuộc sống, họ đã góp chung tiền bạc, tài sản để cho các tông đồ phân phối theo nhu cầu.

Từ những xác quyết trên, chúng ta đi tới hai kết luận. Kết luận thứ nhất, vì bí tích Thánh thể là dấu chỉ của tình Chúa, nên chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ và nhất là rước lễ mỗi khi có thể, để đáp trả những yêu thương Ngài đã dành cho chúng ta.

Kết luận thứ hai, vì bí tích Thánh thể là dấu chỉ của tình người, nên chúng ta hãy cố gắng sống bác ái. Không phải chúng ta chỉ hòa giải và yêu thương trong thánh lễ, trong nhà thờ, mà còn phải hòa giải và yêu thương trong cuộc sống, bởi vì cuộc sống ngập tràn tình bác ái chính là một thánh lễ nối dài, và những hy sinh chúng ta vui lòng chịu vì người khác sẽ là những lễ vật xuất phát từ lòng cuộc đời, chúng ta dâng tiến Chúa.



15. Tình Chúa.

Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn đã xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ giết chết hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có 2 mẹ con bà Suzanna. Mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hũ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: “Mẹ ơi con khát quá”. Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình máu mủ đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến khi người ta cứu 2 mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: “Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống”

Câu chuyện trên thật cảm động. Nhưng vẫn không cảm động bằng việc Đức Giêsu tự hiến dâng thịt máu mình cho chúng ta. Bà Suzanna đã lấy máu của mình nuôi con khi bà biết rằng chắc chắn bà sẽ chết. Thay vì chết cách vô ích. Bà đã hy sinh dòng máu của mình để cho đứa con được sống. Đó là sự hy sinh trong một tình thế bó buộc. Còn Đức Giêsu thì không có gì bắt buộc cả: Ngài đến trần gian để chết cho loài người. Càng ngày Ngài càng tiến gần đến cái chết. Tuy nhiên bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể thoát khỏi cái chết ấy. Dù vậy Ngài vẫn cương quyết đi đến cái chết và cương quyết lấy thịt máu mình làm lương thực nuôi sống loài người chúng ta. Thật đúng là: “Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng tình của người dám chết cho người mình yêu thương”. Điểm thứ hai khác biệt giữa bà Suzanna với Đức Giêsu là: việc bà Suzanna hy sinh máu mình cho đứa con chỉ xảy ra một lần; còn việc Đức Giêsu ban thịt máu Ngài cho chúng ta xảy ra hằng ngày, như lời Ngài đã truyền dạy “Chúng con hãy làm việc này để nhớ đến Ta”. Mỗi lần Giáo hội dâng Thánh lễ là mỗi lần việc hy sinh của Đức Giêsu được lập lại, lập lại không chỉ như một tưởng niệm mà lập lại với tất cả hiệu quả có nó. Hiệu quả ấy là như lời Đức Giêsu đã nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời”.

Một điều đáng buồn là lòng chúng ta đã thành chai đá trước tấm lòng của Chúa mà lẽ ra phải khiến chúng ta hết sức cảm động. Ngày nay ở phương Tây, số giáo dân Pháp, chỉ còn có 10% giáo dân dự lễ Chúa Nhật. Còn bên Việt Nam chúng ta, số người bỏ lễ Chúa Nhật cũng càng ngày càng nhiều. Trong số những kẻ còn đi lễ thì nhiều người đứng ngoài Nhà thờ, vừa dự lễ vừa trò chuyện và hút thuốc. Hình như rất nhiều người đi lễ chỉ vì sợ phạm tội trọng.

Khi Nữ Tu Têrêxa Calcutta sang Liên Xô xin mở trụ sở bác ái, Bà đã gặp các vị lãnh đạo chính quyền và đã được đồng ý nhanh chóng. Tuy nhiên khi bà xin cho có Linh mục tại những trụ sở đó thì các vị ấy đã ngần ngại. Lúc Mẹ Têrêxa giải thích: Nguồn sức mạnh của các Nữ Tu chúng tôi là do Mình Thánh Chúa. Nhờ mỗi ngày được rước Mình Thánh Chúa nên các Nữ Tu chúng tôi có sức hy sinh quên mình để phục vụ những người nghèo khổ. Do đó cần phải có Linh mục để mỗi ngày dâng Thánh Lễ và cho chúng tôi rước lễ. Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Bà là những người đã cảm nghiệm được Lời Chúa phán khi lập phép Mình Thánh Chúa “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì sẽ được sống muôn đời”.

Hôm nay lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Chúng ta ôn lại tình yêu bao la của Đức Giêsu khiến Ngài chịu chết vì chúng ta và trước khi chết đã ban Mình và Máu Ngài làm thương thực nuôi linh hồn chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng nhận thấy sự giảm sút lòng sốt săng của chúng ta đối với việc dự lễ và rước lễ. Chúng ta thờ ơ với một thứ lương thực quý giá mà Chúa đã ban. Chúng ta bỏ mất biết bao ơn ích do việc rước lễ mà nhiều người đạo đức rất quý chuộng.

Giờ đây chắc chúng ta biết mình phải làm gì:
-      Trước hết, là những người làm cha mẹ, làm ông bà, chúng ta hãy nhắc nhở và khuyến khích con cháu mình thường xuyên tham dự Thánh Lễ và Rước lễ sốt sắng.
-      Phần chúng ta, mỗi khi dự lễ và Rước Lễ, chúng ta hãy cố gắng sốt sắng. Đừng làm một cách máy móc theo thói quen, nhưng hãy đặt hết tâm tình vào đó.

 Để kết thúc, xin trích đọc sau đây tâm tình của một người đã biết cách dự lễ và rước lễ sốt sắng: “Mỗi Thánh Lễ, tôi lại cảm thấy có điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt. Mỗi Thánh Lễ, tôi lại thấy mình muốn đặt lên đĩa Thánh một chút cố gắng riêng tư, đau khổ, mơ ước, thao thức… Tôi không đi dự Thánh Lễ với hai bàn tay trắng, nhưng với lễ vật là chính cuộc đời tôi. Trong mỗi Thánh Lễ, Lời Chúa lại tác động đến tôi, những lời nói đã nghe nhiều lần tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho tôi, và tôi cũng phải trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh chị em tôi”.



16. Tình Chúa.

Du khách đến Huế không thể quên được Nam Giao, cũng như đến Bắc Kinh không thể bỏ qua Điện Trời. Chính tại nơi đây, hàng năm nhà vua sẽ tế Trời thay cho toàn dân.

Tại Huế, Điện Thái Hòa, cửa Ngọ Môn và đàn Nam Giao cũng nằm ngay trên một đường Thẳng. Điện Thái Hòa là nơi vua quan lo việc triều chính. Cửa Ngọ Môn quay về hướng nam. Khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, lúc 12 giờ trưa, tức là giờ Ngọ, thì hình và bóng sẽ trở nên đồng nhất.

Từ Điện Thái Hòa, vua sẽ qua cửa Ngọ Môn, tiến về phương nam đển lên đàn Nam Giao thay dân tế Trời. Sau khi ăn chay nằm đất, vua sẽ bước lên tế đàn hình vuông tượng trưng cho đất, rồi mới tiến lên tế đàn hình tròn, tượng trưng cho Trời. Chính tại nơi đó, vua sẽ long trọng thay mặt toàn thể con dân tế Trời.

Vua trần gian thay dân tế Trời bằng những của lễ vật chất. Vua vũ trụ, Đức Giêsu Kitô dùng chính thân xác và linh hồn của Người để tế lễ cho Thiên Chúa.

Vua trần gian thay dân tế Trời rồi trở lại với công việc triều chính. Vua Giêsu khi tế lễ cho Thiên Chúa lại dùng chính thân xác mình làm của ăn của uống nuôi toàn dân.

“Này là Mình Ta, các con hãy cầm lấy mà ăn… Này là Máu Ta các con hãy cầm lấy mà uống”. Tiệc Thánh Thể này đã được chính Đức Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, đã được Người hứa ban cho dân ở Caphanaum, đã được Người thiết lập ở Giêrusalem trước khi bước vào cuộc khổ nạn, và đã được chính Người cử hành đầu tiên tại làng quê hẻo lánh Emmau. Bốn khung cảnh này hòa quyện, đan kết với nhau tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa.
·      Thánh Thể chính là trung tâm đời sống người tín hữu Kitô.
·      Thánh Thể chính là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.
·      Thánh thể chính là món quà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại.
·      Thánh Thể chính là lương thực thiêng liêng cho cuộc sống người tín hữu.
·      Thánh Thể chính là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của chúng ta.

Mầu nhiệm tình yêu này vượt quá tầm trí mọn của con người. Đức Giêsu đã tự hiến trọn vẹn cho chúng ta, đến nỗi Người không thể cho chúng ta điều gì hơn thế nữa.

Thánh Thể chính là sáng kiến táo bạo nhất của Thiên Chúa đang yêu. Trước khi giã từ cõi thế. Người không còn gì quý hơn để ban tặng cho con người. Người đã trao ban cả thân xác, để thấm nhập vào xác thân con người. Yêu là cho đi, là cho hết, cho cả cuộc đời.



17. Kể lại câu chuyện.

Trên một ngọn đồi ở gần Cape Town, Nam Phi, ngay bên dưới ngọn núi Table nổi tiếng, có một khẩu súng mỗi ngày đều được bắn vào mỗi buổi trưa. Ngọn đồi đó được biết đến như là ngọn đồi Đánh Dấu. Việc bắn súng đã từng phục vụ cho một mục đích tốt đẹp. Nó báo hiệu có một con tàu trên đường đi tới hoặc rời khỏi Ấn Độ, đã đến bến cảng, với đầy hàng hóa, và được cung cấp thực phẩm và thức uống. Kết quả là một cuộc trao đổi đẹp đẽ. Có sự tiếp nhận và có sự cho đi.

Nhưng cảnh đó diễn ra từ trước đây rất lâu. Hiện nay, mục đích này không còn tồn tại nữa. Tuy nhiên mỗi ngày, khẩu súng đó vẫn còn được bắn một cách nghiêm túc, mặc dù bây giờ, tiếng súng bắn nhỏ hơn, như một lễ nghi không có nội dung. Việc bắn súng này đã từng mang một ý nghĩa thật đẹp. Hiện nay, ý nghĩa này không còn nữa. Hầu hết người dân địa phương đều không để ý tới tiếng súng đó. Người ta nói với các du khách “nếu giữa trưa, bạn nghe thấy môt tiếng nổ lớn, thì đừng lo lắng gì cả. Đó chỉ là tiếng súng thôi”.

Tuy nhiên, lễ nghi đó vẫn còn có một mục tiêu. Hầu hết mọi người đều biết về câu chuyện phía sau lễ nghi đó. Nếu câu chuyện này bị mất đi, thì lễ nghi đó sẽ lại càng trở nên nghèo nàn hơn.

Phép Thánh Thể cử hành một sự kiện tuyệt vời – ân sủng mà Đức Giêsu đã thay mặt chúng ta thực hiện bằng chính sự sống của Người. Mỗi lần chúng ta cử hành Phép Thánh Thể, là chúng ta kể lại câu chuyện này. Nhưng giống như bất cứ điều gì được lập đi lập lại, có một nguy cơ là điều đó có thể trở thành một thứ lễ nghi mà thôi.

Trong Phép Thánh Thể, Đức Giêsu nuôi dưỡng chúng ta bằng bánh ban sự sống. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự giao thông một chiều. Khi được đón nhận Đức Giêsu, Người chờ đợi chúng ta có một gì đó để đáp trả lại – không phải là cho bản thân Người, mà cho nhau. Nhưng thông thường, việc đón nhận Phép Thánh Thể lại không tạo ra được hiệu quả đáng lẽ phải có – hiến thân phục vụ người khác một cách vô vị lợi.

Chúng ta vẫn tiếp tục công bố về bánh và chén, “Đây là mình Thầy, hiến thân vì anh em… Đây là máu Thầy, đổ ra vì anh em”. Tuy nhiên, dường như Phép Thánh Thể ít có hiệu quả trên con người. Chúng ta không nhìn thấy người nào chịu hiến mạng sống của mình, trong việc phục vụ người khác. Người nào ăn bánh và uống chén này mỗi ngày, thì thường đang được sống cuộc sống trung tâm của mình.

Đối với người Do thái, sự ghi nhớ không chỉ là kể lại. Đó là trình bày cho mỗi thế hệ về những sự kiện mang tính cách giải quyết trong quá khứ. Cũng tương tự như vậy, Phép Thánh Thể không chỉ là giới thiệu về Mình và Máu Đức Kitô, mà còn loan báo và tưởng nhớ về cái chết ban sự sống của Người.

Phép Thánh Thể là trung tâm của tất cả mọi sự. Nhưng không bao giờ có thể tách rời Phép Thánh Thể ra khỏi sự thanh tẩy bản thân. Có hai chân lý được nối kết với nhau – chúng ta được hiệp thông với Đức Giêsu, để có thể hiệp thông với người khác.
Thật là một điều đáng tiếc, nếu Phép Thánh Thể chỉ là một lễ nghi, một thứ lễ nghi trống rỗng. Ở đây, Đức Giêsu hiến thân cho chúng ta, để đến lượt mình, chúng ta có thể hiến thân cho anh em.

 

18. Chia sẻ.

Trong ý nghĩa yêu thương, trước giờ biệt ly, Chúa Giêsu muốn để lại cho loài người một vật kỷ niệm. Người đời trước khi đi xa, thường lưu lại cho người thân thích một món đồ nào đó để ghi nhớ: một cuốn sách, một khăn tay, một tấm hình, một cái áo, một chiếc nhẫn v.v… Đối với Chúa Giêsu, những vật đó hay bất cứ vật nào cũng đều tầm thường quá, hời hợt quá, không đủ nói lên tấm lòng yêu thương nồng nhiệt của Chúa đối với nhân loại. Kỷ vật Chúa muốn lưu lại cho loài người phải hết sức đặc biệt, đó là chính bản thân Chúa.

Nhưng bản thân bằng xương bằng thịt của Chúa lại sắp sửa bị bắt và bị giết chết. Do đó, Chúa đã thực hiện ý muốn trên bằng một thể thức vô cùng linh diệu, là lưu lại bản thân dưới hình thức nhiệm mầu. Chúa lấy bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Ngài: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”. Với những lời ấy, Chúa Giêsu đã lập Phép Thánh Thể. Rồi Chúa còn truyền cho các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, tức là Chúa ban quyền cho các môn đệ được làm việc cao quý này để tưởng niệm đến Ngài.

Như thế, trong bữa tiệc ly và cũng là thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành, Chúa đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và ban quyền chức linh mục cho các tông đồ. Từ đó trở đi, cho tới ngày nay, và cho tới tận thế, trong thánh lễ, khi linh mục trịnh trọng lặp lại những lời của Chúa Giêsu: “Này là Mình Thầy”, “Này là chén Máu Thầy”, tức thì bánh không còn là bánh, rượu không còn là rượu nữa, nhưng là Mình và Máu Chúa Kitô. Đây là một chân lý cao siêu vượt quá sự hiểu biết của trí khôn loài người. Bởi vì trước và sau khi linh mục đọc lời truyền phép, chúng ta có nhìn xem, đụng chạm tới hay nếm bánh và rượu chưa truyền phép và đã truyền phép, chúng ta chẳng thấy có gì khác nhau. Nhưng theo đức tin thì lại khác xa nhau một trời một vực: một đàng là Mình Máu Thánh Chúa Kitô, một đàng là một tấm bánh nhỏ bé, một chút rượu tầm thường. Vì thế, chúng ta gọi đây là một bí tích và là một mầu nhiệm đức tin.

Như vậy, trong tình yêu và vì tình yêu, Chúa Giêsu đã tìm ra một phương thế để ở lại với các môn đệ; và qua mọi thời gian, ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Vì thế, Thánh Thể được gọi là bí tích của sự hiện diện. Dưới hình bánh và hình rượu, Chúa Giêsu hiện diện luôn mãi với loài người nơi trần gian. Thánh thể còn là bí tích của sự hiệp nhất. Trước hết, Thánh Thể làm cho chúng ta kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, bởi vì Ngài đến với chúng ta dưới hình bánh hình rượu, làm cho chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài. Đồng thời, khi kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, thì thánh thể cũng kết hiệp chúng ta với nhau: được qui tụ chung quanh một bàn ăn, chúng ta cùng uống một chén, chia sẻ cùng một của ăn, chúng ta sống bằng chính mầu nhiệm của tình thương, chúng ta càng hiệp nhất với nhau còn hơn là con cái của một gia đình.

Thánh Thể còn là bí tích của sự chia sẻ: Bí tích Thánh Thể đã được Chúa Giêsu thiết lập trong bầu khí thân tình của một bữa ăn từ giã. Tấm bánh Chúa Giêsu đã cầm và phân chia cho các môn đệ cũng như chén rượu Ngài đã trao cho các môn đệ là để họ cùng ăn cùng uống trong tình huynh đệ; và chính việc chia sẻ này đã được Chúa dùng như dấu chỉ cho các môn đệ làm để nhớ đến Ngài. Cũng vậy, ý thức chia sẻ đòi buộc mỗi người không được đóng khung những buổi cử hành Thánh Thể bên trong nhà thờ, nhưng phải sống mầu nhiệm Thánh thể, mầu nhiệm yêu thương ngay trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta cũng không thể cử hành Thánh Thể một cách trung thực nếu chúng ta sống dửng dưng, ích kỷ, không quan tâm đến những anh chị em chung quanh. Nếu chúng ta nghèo của cải vật chất, chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho tình thương, sự thông cảm, vị tha, bác ái dưới mọi hình thức với hết mọi người.

Tóm lại, về Phép Thánh Thể, chúng ta hãy nhớ: Thánh Thể là một bí tích. Trong Thánh Thể, có Chúa Giêsu thật sự. Vì thế, sau khi truyền phép, không còn bánh và rượu trên bàn thờ nữa. Chúng ta hãy siêng năng tham dự thánh lễ. Mỗi lần dâng thánh lễ là chúng ta cử hành việc Chúa lập Phép Thánh Thể. Đàng khác, chúng ta hãy cố gắng rước lễ mỗi khi tham dự thánh lễ, bởi vì rước lễ làm cho chúng ta kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau; tăng thêm sức mạnh cũng như nghị lực cho chúng ta trên đường lữ thứ trần gian; và bảo đảm sự sống đời đời của chúng ta. Như thế, bàn tiệc Thánh Thể trở nên điểm hẹn diệu kỳ, nơi đó, chúng ta được nối kết với Chúa Kitô và nối kết với nhau, để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.


19. Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua – JKN.

Câu hỏi gợi ý:
1. Tại sao Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể khi ăn mừng lễ Vượt Qua, và Ngài cũng tử nạn và phục sinh vào dịp đại lễ này? Điều đó có ý nghĩa gì?
2. Khác với lễ vật bị đốt cháy hoàn toàn trong hy lễ toàn thiêu, con chiên bị sát tế vào dịp lễ Vượt Qua lại trở nên của ăn cho con người. Bạn có nhìn thấy tương quan giữa hy lễ thập giá và bí tích Thánh Thể không?
3. Đức Giêsu không chỉ chịu đau khổ và chết cho con người, mà còn trở nên của ăn cho họ. Bạn có thấy đó là mẫu gương để chúng ta bắt chước không?

Suy tư gợi ý:
1. Sự trùng hợp giữa ba biến cố quan trọng
Đã đến thời điểm Đức Giêsu phải sát tế chính bản thân mình làm lễ hy sinh toàn thiêu để thờ phượng Thiên Chúa và đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Thời điểm ấy trùng vào dịp mừng lễ Vượt qua hàng năm của người Do Thái. Và cũng nhân dịp này Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể, ngay trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua với các tông đồ. Sự trùng hợp giữa ba biến cố này - lễ Vượt Qua, việc lập bí tích Thánh Thể, và cuộc tử nạn phục sinh của Đức Giêsu - ắt phải có một ý nghĩa rất lớn, và ba biến cố này ắt phải liên hệ với nhau rất mật thiết. Chúng ta hãy tìm hiểu.

2. Lễ Vượt Qua của người Do Thái
Đại lễ này bắt nguồn từ biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của Ai Cập, xảy ra trước Đức Giêsu khoảng 1250 năm (x. Xh 7,8-15,21). Nhờ sự can thiệp giải phóng của Thiên Chúa, dân Do Thái được vượt từ cảnh nô lệ qua tự do. Đức Giêsu cũng đến để giải phóng con người, làm cho họ vượt từ ách nô lệ tội lỗi và ma quỉ qua tình trạng tự do của con cái Thiên Chúa, từ tình trạng chết trong tội lỗi qua tình trạng sống trong ân sủng, từ đau khổ qua hạnh phúc. Ngài thực hiện sự giải phóng đó bằng cả cuộc đời của một vị Thiên-Chúa-Nhập-Thể, đặc biệt bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Cuộc tử nạn và phục sinh này cũng là một cuộc vượt qua: vượt từ cõi chết qua cõi sống, từ tình trạng hay hư nát qua tình trạng bất diệt. Như vậy, cuộc vượt qua của dân Do Thái qua Biển Đỏ là biến cố đi trước làm hình bóng hay ẩn dụ cho cuộc vượt qua của Đức Giêsu, cũng là cuộc vượt qua của những ai tin vào Ngài: vượt từ cảnh nô lệ tội lỗi qua cảnh tự do của con cái Thiên Chúa. Vì thế, việc Đức Giêsu chọn thời điểm mừng lễ Vượt Qua để thực hiện cuộc tử nạn và phục sinh của mình bao hàm một ý nghĩa hết sức sâu xa.

3. Hy tế toàn thiêu và hy tế chiên vượt qua
Để cứu chuộc và giải phóng nhân loại, Đức Giêsu phải trả giá bằng đau khổ tột cùng và chết thê thảm như một của lễ vật bị sát tế dâng lên Thiên Chúa. Để hiểu được sự đau khổ và cái chết của Đức Giêsu là một hy tế thờ phượng Thiên Chúa Cha và đền tội nhân loại, và để hiểu được việc lập bí tích Thánh Thể như một của ăn tâm linh mà Đức Giêsu để lại khi bị sát tế như một lễ vật, chúng ta cần hiểu ít nhiều về lễ hy sinh toàn thiêu và lễ sát tế chiên Vượt Qua của người Do Thái.

Ngày xưa - ít nhất kể từ ông Nôê trở về sau (x. St 8,20) - dân Do Thái thờ phượng Thiên Chúa bằng cách dâng lên Ngài những hy lễ toàn thiêu. Theo tập tục được đặt ra sau này từ thời Môsê, thì người muốn dâng hy lễ toàn thiêu phải đặt tay trên con vật khi nó bị giết để nói lên mình là người chủ muốn dâng lễ vật ấy. Vị tư tế lấy máu của con vật rẩy quanh bàn thờ. Rồi con vật được chặt ra thành mảnh. Vị tư tế đặt các mảnh thịt lên bàn thờ để thiêu hủy hoàn toàn, chứ không phải thiêu cho chín để sau đó đem ăn. Ý nghĩa của lễ toàn thiêu là con người muốn biểu lộ sự toàn phục của mình đối với Thiên Chúa, là Chúa Tể của vũ trụ, có toàn quyền sinh sát trên toàn thể tạo vật. Đáng lẽ con người phải tự sát tế chính mình, nhưng nếu như thế, con người sẽ phải chết, là điều Thiên Chúa không muốn. Vì thế, con người dùng một con vật nào đó tượng trưng cho sinh mạng của mình để giết và thiêu cháy hoàn toàn. Điều này muốn nói lên lòng thành của con người, không tiếc với Thiên Chúa điều gì, vì tất cả đều thuộc về Ngài. Lễ vật toàn thiêu vừa để thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa, vừa để đền tội và xin ơn cho mình.

Nhưng trước ngày giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa truyền dạy một hình thức sát tế mới được thực hiện vào các dịp đại lễ Vượt Qua hàng năm. Cách hy tế mới khác với cách cũ ở chỗ: trong hy tế cũ - tức hy lễ toàn thiêu - thì lễ vật bị thiêu hủy hoàn toàn, còn trong hy lễ Vượt Qua thì lễ vật cũng bị sát tế, nhưng bị không thiêu hủy hoàn toàn: thịt con vật chỉ được nướng lên để sau đó con người ăn nó (xem Xh 12,3-14). Trong nghi thức sát tế mới này con người cũng được dự phần vào lễ vật, và lễ vật trở thành của ăn nuôi dưỡng con người. Đây chính là hình bóng hay ẩn dụ cho bí tích Thánh Thể mà Đức Giêsu thiết lập vào dịp này.

4. Cuộc tử nạn của Đức Giêsu với hy lễ Thánh Thể
Cuộc tử nạn của Đức Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Ngài vừa là chủ dâng, vừa là tư tế, vừa là lễ vật. Bình thường ba khoản này khác nhau; tuy nhiên, cũng có thể chủ dâng cũng là tư tế, nhưng cả hai người ấy dường như không bao giờ lại là lễ vật. Vì lễ vật là đối tượng bị giết, chịu đau khổ và chết thay cho chủ dâng hay thay cho kẻ có tội phải đền mạng. Trong hy lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu tự nguyện làm lễ vật bị sát tế, chẳng những để thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa thay cho con người, mà còn để đền tội cho toàn thể nhân loại, đồng thời xin ơn tha thứ cho họ. Sự tự nguyện khủng khiếp này chỉ có thể phát xuất từ tình yêu cao cả đối với Thiên Chúa và toàn thể con người, đồng thời từ sự toàn phục đối với Thiên Chúa Cha.

Nhưng hy lễ này, Đức Giêsu không muốn thực hiện theo kiểu hy lễ toàn thiêu, trong đó lễ vật hoàn toàn bị thiêu hủy. Kiểu hy tế ấy biểu hiện tính «vì Thiên Chúa» một cách triệt để. Ngài muốn thực hiện hy lễ của Ngài theo kiểu hy lễ chiên vượt qua, trong đó lễ vật ngoài việc dâng hiến cho Thiên Chúa, còn trở nên của ăn cho con người. Kiểu hy tế này mang tính hai chiều: vừa «vì Thiên Chúa» mà cũng vừa «vì con người ». Đó là hai chiều kích căn bản trong việc nhập thể của Ngài và trong Giao Ước Mới do Ngài thiết lập. Khi tự nguyện làm lễ vật bị giết, Ngài chọn chết trên thập giá - là bàn thờ của hy tế này - được cấu tạo bằng hai chiều ngang và dọc, tượng trưng cho hai chiều kích căn bản ấy.

5. Tình yêu Đức Giêsu dành cho con người
Vì thế, trước khi ra đi chịu tử hình thập giá, tự nguyện làm «Con Chiên Vượt Qua» bị sát tế, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể để lễ vật bị sát tế ấy là chính Ngài trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người. Tôi thật xúc động khi nghĩ đến điều này. Ngài vốn là Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài lại yêu thương con người chúng ta vô hạn. Tình yêu của Ngài đối với chúng ta là một đối trọng cho tình yêu của Ngài đối với Thiên Chúa. Và chính Thiên Chúa cũng hài lòng khi thấy Con mình biết chia sẻ cho nhân loại tình yêu mà đáng lẽ phải dành trọn vẹn cho mình. Tại sao? Chính vì Thiên Chúa cũng yêu thương con người. Điều này có phần nào tương tự như người chồng đòi hỏi người vợ phải dành trọn vẹn tình yêu và sự trìu mến cho mình, nhưng lại rất hài lòng khi thấy vợ mình chia sẻ tình yêu và sự trìu mến ấy cho con cái, vì chính người chồng cũng yêu thương con cái không kém gì người vợ. Như vậy, Ba Ngôi Thiên Chúa đã chia sẻ cho chúng ta tình yêu mà đáng lẽ các Ngài phải dành trọn vẹn cho nhau. Điều đó chúng ta thấy được nơi Đức Giêsu.

Ngài đến thế gian không chỉ nghĩ đến việc thi hành thánh ý Chúa Cha, đến việc biểu lộ tình yêu, sự vâng phục đối với Chúa Cha, mà còn nghĩ rất nhiều đến con người, đến việc sáng kiến ra những điều Ngài có thể làm cho con người. Ngài yêu con người, chắc chắn không chỉ vì con người là tạo vật của Thiên Chúa được nâng lên hàng con cái Ngài, mà còn vì thấy con người rất đáng thương, quá đau khổ do tội lỗi. Càng chia sẻ đau khổ với con người, càng cảm nghiệm được sự dày vò khó chịu của đau khổ, Ngài càng yêu thương con người hơn. Tình yêu đầy tính cảm thông đó khiến Ngài không chỉ đau khổ và chết thay cho chúng ta, mà còn mà trở nên của ăn để nuôi dưỡng chúng ta, để ở lại với chúng ta, để có thể ban sức mạnh thần thiêng cho chúng ta, để đời sống chúng ta nên mạnh mẽ, hạnh phúc hơn.

6. Áp dụng tinh thần yêu thương của Đức Giêsu vào đời sống
Thiên Chúa cảm thông và yêu thương chúng ta như vậy, lẽ nào chúng ta lại không cảm thông và yêu thương nhau? Tình yêu của Đức Giêsu có hai chiều kích: yêu Thiên Chúa và thương con người, lẽ nào chúng ta cùng là con người với nhau lại chỉ quan tâm đến Thiên Chúa mà không quan tâm đến nhau? Là một Thiên Chúa yêu thương, chắc chắn Ngài muốn chúng ta yêu thương nhau, quan tâm đến nhau hơn là quan tâm đến Ngài. Tại sao? Vì những người chung quanh chúng ta cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta hơn Ngài rất nhiều. Ngài là Thiên Chúa - Đấng không thiếu thốn sự gì và cũng không hề ích kỷ - Ngài không cần tình yêu và sự quan tâm của chúng ta cho bằng những người chung quanh đang sống với chúng ta. Tại sao chúng ta lại quá quan tâm tới Ngài mà bỏ rơi anh chị em mình? Trong thực tế, chính khi ta yêu thương và quan tâm đến anh chị em mình, là chúng ta yêu mến Thiên Chúa. Nếu yêu mến Thiên Chúa thì hãy bắt chước Đức Giêsu: chẳng những chấp nhận chịu khổ để anh chị em mình đỡ khổ, mà còn trở nên «của ăn» cho anh chị em mình nữa.

Cầu nguyện
Lạy Cha, Đức Giêsu là Thiên Chúa mà lại yêu thương con người như vậy, đang khi chúng con cùng là con người với nhau, cùng chịu đau khổ như nhau, mà chúng con lại không thông cảm với nhau, không yêu thương nhau, không quan tâm tới nhau. Chúng con quá ích kỷ, tình yêu của chúng con quá nghèo nàn. Xin Cha hãy ban tình yêu cho chúng con.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.