Ads 468x60px

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

TÔI CHỊU GIAN TRUÂN ĐỂ ANH EM CHÁY LỬA MẾN CHÚA...


Trích thư của thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh gửi các chủng sinh chủng viện Kẻ Vĩnh năm 1843 :
"Tôi là Phao-lô, đang bị xiềng xích vì Đức Ki-tô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi dâng lời ca ngợi Thiên Chúa : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời : ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn phiền, cả ruồi muỗi rận rệp.
Nhưng Đấng đã giải thoát ba người thanh niên khỏi ngọn lửa bừng bừng vẫn luôn ở cùng tôi ; Người cũng đã giải thoát tôi khỏi những sự khốn khó này bằng cách làm cho trở nên ngọt ngào : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. Người là Thầy của chúng ta, Người mang tất cả sức nặng của thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất. Người không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính Người đang chiến đấu và chiến thắng. Vì thế, triều thiên vinh quang đã được đặt trên đầu Người, nhưng chi thể cũng được hân hoan vì vinh quang của đầu..."
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

THIÊN ĐÀNG, LUYỆN NGỤC, HỎA NGỤC (GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1993)


Tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, những ngày cuối tháng cầu cho người đã qua đời, ta cùng đọc GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1993 về số phận cuối cùng của nhân loại:
II. Thiên Đàng (1023–1029)
1023
Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống muôn đời với Đức Ki-tô. Muôn đời họ sẽ giống như Thiên Chúa, bởi vì họ

thấy Ngài “như Ngài là” (1 Ga 3,2), “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12)
“Bằng thẩm quyền tông đồ, chúng tôi định tín rằng: Theo sự an bài chung của Thiên Chúa, từ sau cuộc Thăng thiên của Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô, linh hồn của tất cả các Thánh… và của mọi Ki-tô hữu đã chết sau khi lãnh nhận Phép Rửa thánh thiêng của Đức Ki-tô, nếu họ không có gì phải thanh luyện, sau khi họ chết,… hoặc nếu lúc đó nơi họ đã hoặc sẽ có gì phải thanh luyện, mà đã thanh luyện xong sau khi chết… thì ngay cả trước khi họ đảm nhận lại thân xác của mình và trước cuộc phán xét chung, các linh hồn này đã, đang và sẽ được ở trên trời, trên Nước Trời và trên Thiên Đàng cùng với Đức Ki-tô, được nhập đoàn các thánh Thiên thần, và sau cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô, các linh hồn này đã và đang

được xem thấy bản tính thần linh bằng sự hưởng kiến trực tiếp và giáp mặt, không qua trung gian một thụ tạo nào.”
1024
Đời sống trọn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh, việc hiệp thông sự sống với Ngài, với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, với các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “thiên đàng.” Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hoàn thành các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn.
1025
Sống trên thiên đàng là “ở với Đức Ki-tô.” Những người được tuyển chọn sống “trong Người”, nhưng ở đó họ vẫn giữ, thậm chí họ tìm được, căn tính riêng của mình, danh xưng riêng của mình.
“Quả vậy, sự sống là được ở với Đức Ki-tô, bởi vì ở đâu có Đức

Ki-tô, ở đó là Nước Trời.”
1026
Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, đã “mở cửa” thiên đàng cho chúng ta. Sự sống của các Thánh cốt tại việc sở hữu sung mãn các hoa trái của ơn Cứu Chuộc mà Đức Ki-tô đã hoàn thành, Người là Đấng kết hợp vào vinh quang thiên quốc của Người những ai đã tin vào Người và đã trung thành với thánh ý Người. Thiên Đàng là cộng đồng vinh phúc của tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Ki-tô.
1027
Mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Ki-tô, vượt quá mọi hiểu biết và mọi trình bày. Thánh Kinh nói với chúng ta về mầu nhiệm này bằng các hình ảnh: sự sống, ánh sáng, sự bình an, tiệc cưới, rượu Nước Trời, nhà Cha, thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, thiên đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1 Cr 2,9).
1028
Thiên Chúa, vì sự siêu việt của Ngài, không ai có thể trông thấy Ngài như Ngài là, nếu chính Ngài không mở mầu nhiệm của Ngài cho con người chiêm ngưỡng trực tiếp, và nếu chính Ngài không ban cho con người khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa như vậy trong vinh quang thiên quốc của Ngài, được Hội Thánh gọi là “sự hưởng kiến vinh phúc” (visio beatifica):
“Bạn sẽ vinh quang và hạnh phúc biết bao vì được phép nhìn thấy Chúa, được hân hạnh hưởng niềm vui cứu độ và ánh sáng vĩnh cửu cùng với Chúa Ki-tô, Thiên Chúa của bạn,… bạn sẽ hưởng niềm vui của sự bất tử cùng với những người công chính và các bạn hữu của Thiên Chúa trong Nước Trời.”
1029
Trong vinh quang trên trời, các Thánh vẫn tiếp tục thi hành thánh ý của Thiên Chúa một cách hân hoan đối với những người khác và đối với toàn thể các thụ tạo. Các ngài đã hiển trị cùng với Đức Ki-tô; cùng với Người, các ngài “sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).
III. Sự thanh luyện cuối cùng hoặc Luyện ngục (1030–1032)
1030
Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.
1031
Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt. Hội Thánh công bố đạo lý đức tin liên quan đến luyện ngục, chủ yếu trong các Công đồng Florentinô và Tri-đen-ti-nô. Truyền thống của Hội Thánh, dựa trên một số bản văn của Thánh Kinh, nói đến lửa thanh luyện:
“Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,32). Trong lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau.”
1032
Đạo lý này cũng dựa trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố, điều này đã được Thánh Kinh nói đến: “Bởi đó ông Giu-đa Ma-ca-bê đã dâng hy lễ đền tội cho những người quá cố, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46). Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời:
“Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông: tại sao bạn lại hồ nghi, là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không?… Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ.”
IV. Hỏa ngục (1033–1037)
1033
Chúng ta không thể được kết hợp với Thiên Chúa, nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng chống lại Ngài, chống lại người lân cận của chúng ta hoặc chống lại chính chúng ta: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân, và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,15). Chúa chúng ta cảnh cáo rằng chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi Người, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn, là các anh em của Người. Chết trong tội trọng mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Ngài đến muôn đời, vì sự chọn lựa tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn như vậy (“autoexclusio”) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Thánh, được gọi bằng từ “hỏa ngục.”
1034
Chúa Giê-su thường nói về lửa không hề tắt của “hỏa ngục”, dành cho những ai cho đến chết vẫn không tin và không chịu hối cải, ở đó cả linh hồn và thân xác có thể bị hư mất. Chúa Giê-su dùng những lời nghiêm khắc loan báo: “Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung… mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa” (Mt 13,41-42), và chính Người sẽ công bố lời kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41).
1035
Đạo lý của Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của hỏa ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi, ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hỏa ngục, chịu “lửa muôn đời.” Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng.
1036
Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội Thánh về hỏa ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm qua đó con người phải sử dụng sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời của mình. Đồng thời là lời kêu gọi khẩn thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14):
“Vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để, khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt kê vào số người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), kẻo cũng như những tôi tớ xấu xa và lười biếng (x. Mt 25,26) chúng ta được lệnh phải vào lửa muôn đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng.”
1037
Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng. Hội Thánh, trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn “cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9):
“Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Chúa,
và của toàn thể gia đình Chúa…
Xin an bài cho đời chúng con được sống trong bình an của Chúa,
cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời
và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn.”
Đọc tiếp »

MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, 24/11-Lễ Trọng





Đọc tiếp »

XIN VUA GIÊSU GIẢI THOÁT CHÚNG CON (ĐTC Phanxicô, 21/11/2021)


“Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Sự Thật.” (Ga 18,37)…
Chính sự thật của Người đã giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Nhưng chân lý của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một điều gì đó trừu tượng: chân lý của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Người tạo ra chân lý bên trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi những hư cấu, khỏi những giả dối mà chúng ta có bên trong, khỏi thói nói một đàng làm một nẻo. Khi sống trong tình thân mật với Chúa Giêsu, chúng ta sống trong sự thật.
Cuộc sống của một Kitô Hữu không phải là một vở kịch mà anh chị em có thể đeo chiếc mặt nạ phù hợp với mình nhất. Bởi vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong trái tim, Người giải phóng trái tim chúng ta khỏi thói đạo đức giả, giải thoát nó khỏi những thứ thấp hèn, khỏi sự giả tạo. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta là khả năng chúng ta có thể tách rời khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, những gì khiến nó trở nên mơ hồ, mờ đục, buồn bã. Khi cuộc sống mông lung, một chút ở đây, một chút ở đó, thật buồn, thật buồn.
Tất nhiên, chúng ta phải luôn đối mặt với những hạn chế và khiếm khuyết: tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Nhưng, khi sống dưới vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta không trở nên hư hỏng, không trở nên giả dối, không có khuynh hướng che đậy sự thật. Không có cuộc sống hai mặt. Hãy nhớ kỹ: chúng ta là những kẻ tội lỗi, đúng như thế, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội! Tội thì có, nhưng băng hoại thì không bao giờ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày đều biết tìm kiếm chân lý của Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nô lệ trần gian và dạy chúng ta kềm chế những tệ nạn của mình.” (ĐTC Phanxicô, 21/11/2021)
Đọc tiếp »

MỪNG BỔN MẠNG CA ĐOÀN XÊXILIA (CECILIA)


Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa
Trích bài diễn giải thánh vịnh của thánh Âu-tinh, giám mục:
“Hãy tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm ; kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một bài ca mới. Hãy cởi bỏ cái cũ kỹ ; anh

em đã biết bài ca mới. Con người mới, giao ước mới, bài ca mới. Bài ca mới không thích hợp với những con người cũ. Bài ca đó, chỉ những con người mới mới học được, vì nhờ ân sủng họ đã được đổi mới từ tình trạng cũ kỹ và từ nay thuộc về giao ước mới, tức là Nước Trời. Tất cả tình yêu của chúng ta tha thiết hướng về Nước ấy và hát bài ca mới ; hãy hát bài ca mới, không phải bằng môi miệng nhưng bằng đời sống.
Hãy dâng Chúa một bài ca mới, hãy hát cho hay để mừng Người. Mỗi người tự hỏi phải hát mừng Thiên Chúa thế nào. Hãy hát mừng Người, nhưng đừng hát sai. Người không muốn bị chói tai. Hãy hát cho hay, hỡi anh em. Trước mặt một người sành âm nhạc, nếu người ta bảo bạn : “Hãy hát cho ông ấy thưởng thức”, mà bạn không được huấn luyện về âm nhạc, thì bạn sợ không dám hát kẻo làm mất lòng người nghệ sĩ. Thật thế, những lỗi người không thạo nhạc chẳng nhận ra, thì người nghệ sĩ sẽ thấy rõ. Vậy ai dám cho mình là hát hay để hát mừng Thiên Chúa, Đấng đánh giá người hát, Đấng xem xét mọi sự, Đấng nghe thấy tất cả ? Bao giờ bạn mới có thể hát cách điêu luyện đến mức không làm chói đôi tai thành thạo ấy chút nào ?
Đây chính Người chỉ cho bạn cách hát : đừng tìm lời, như thể bạn có khả năng diễn tả bằng lời điều làm cho Thiên Chúa ưa thích. Hãy hát mừng Người bằng tiếng reo vui. Hát bằng tiếng reo vui, đó là hát cho hay để dâng Chúa. Hát bằng tiếng reo vui là gì ? Phải hiểu rằng tiếng hát của tâm hồn không thể diễn tả bằng lời. Cũng như những người hát trong khi gặt lúa hoặc hái nho hay khi làm một công việc gì phấn khởi : thoạt đầu họ vui mừng hân hoan nhờ những lời của bài ca, sau đó họ như đầy tràn một niềm vui lớn lao đến nỗi không thể diễn tả bằng lời, nên họ không dùng lời nữa mà chuyển sang tiếng reo vui.
Reo vui là một tiếng phát ra để diễn tả rằng : tâm hồn đang trào dâng một điều gì đó không thể nói lên được. Tiếng reo vui ấy thích hợp với ai hơn là với Thiên Chúa, Đấng không gì diễn tả được ? Đấng không gì diễn tả được là Đấng bạn không thể nói lên được bằng lời. Nếu bạn không thể nói lên bằng lời, mà cũng không được phép thinh lặng, thì bạn còn cách nào hơn là reo vui ? Tâm hồn cứ hân hoan mà không cần lời để niềm vui vô biên không bị ngôn từ giới hạn. Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa.”
Đọc tiếp »

BỀN ĐỖ LÀM ĐIỀU THIỆN (ĐTC Phanxicô, huấn từ 13/11/2022)


“…Vì thế, đây là sự bền đỗ của chúng ta: hãy xây dựng lòng tốt mỗi ngày. Bền đỗ là luôn luôn hướng thiện, đặc biệt là khi thực tế xung quanh thúc giục chúng ta làm khác đi. Chúng ta hãy suy ngẫm về một vài ví dụ: Tôi biết rằng lời cầu nguyện là quan trọng, nhưng, giống như mọi người, tôi cũng luôn có rất nhiều việc phải làm, và vì vậy tôi nói: “Không, tôi đang bận, tôi không thể, tôi 'sẽ làm điều đó sau’. Hoặc, tôi thấy
nhiều người xảo quyệt lợi dụng các tình huống, những người né tránh các giới luật, và vì vậy tôi cũng ngừng tuân giữ những giới luật ấy, ngừng kiên trì với những gì là công lý và hợp pháp: “Nhưng nếu những kẻ vô lại này làm điều đó, thì tôi cũng vậy!”. Hãy coi chừng điều này! Và một lần nữa: Tôi thực hiện công việc phục vụ Giáo hội, cho cộng đồng, cho người nghèo, nhưng tôi thấy nhiều người trong thời gian rảnh rỗi chỉ nghĩ đến việc tận hưởng bản thân, nên tôi cảm thấy muốn từ bỏ và làm những gì họ làm. Bởi vì tôi không nhìn thấy kết quả, hoặc tôi cảm thấy buồn chán, hoặc nó không làm cho tôi hạnh phúc.
Thay vào đó, sự bền đỗ phải dựa vào sự thiện. Chúng ta hãy tự hỏi mình: sự bền đỗ của tôi là như thế nào? Tôi có liên tục không, hay tôi sống đức tin, công bằng và bác ái theo thời điểm: Tôi cầu nguyện nếu tôi cảm thấy thích; Tôi công bằng, sẵn lòng và giúp đỡ người khác nếu điều đó phù hợp với tôi; trong khi nếu tôi không hài lòng, nếu không ai cảm ơn tôi, tôi có dừng lại không? Tóm lại, lời cầu nguyện và sự phục vụ của tôi phụ thuộc vào hoàn cảnh hay vào tấm lòng kiên trung trong tình yêu Chúa? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta bền đỗ, chúng ta không có gì phải sợ hãi, ngay cả trong những biến cố đau buồn và tối tăm của cuộc sống, thậm chí trước những điều xấu xa mà chúng ta thấy xung quanh mình, bởi vì chúng ta vẫn dựa vào điều tốt. Dostoevsky viết: “Đừng sợ tội lỗi của con người. Hãy yêu mến một người ngay cả trong tội lỗi của anh ta, vì đó là vẻ vang của Tình yêu Thiên Chúa và là tình yêu cao cả nhất trên trái đất “ (Anh em nhà Karamazov, II, 6, 3g). Sự bền bỉ là sự phản chiếu trong thế giới tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tình yêu thương của Thiên Chúa là sự chung thủy, nó bền bỉ, không bao giờ thay đổi.
Xin Đức Mẹ, tôi tớ Chúa, Mẹ luôn kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1,12), xin Mẹ thêm sức cho chúng con.”
Đọc tiếp »

CA ĐOÀN CECILIA 2022



Đọc tiếp »

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

ĐỨC MARIA CẦU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 18/11/2020)



“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Trong quá trình dạy giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp gỡ Đức Trinh Nữ Maria như người phụ nữ cầu nguyện. Đức Mẹ đã cầu nguyện. Khi thế giới vẫn chưa biết gì về ngài, khi ngài còn là một cô gái đơn sơ đính hôn với một người đàn ông thuộc nhà Đa-vít, Đức Maria đã cầu nguyện. Chúng ta có thể tưởng tượng cô gái trẻ Nazareth được bao bọc trong im lặng, liên tục đối thoại với Thiên Chúa, Đấng sẽ sớm giao phó cho ngài một sứ mệnh. Ngài đã tràn đầy ân sủng và vô nhiễm ngay từ khi được thụ thai; nhưng ngài chưa biết gì về ơn gọi bất ngờ và phi thường của mình cũng như vùng biển bão tố mà ngài sẽ phải vượt qua. Điều chắc chắn là: Đức Maria thuộc về đoàn rất nhiều người có tấm lòng khiêm tốn mà các sử gia chính thức không bao giờ đưa vào sách của họ, nhưng là người mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho Con của Người xuống thế.
Đức Maria đã không tự ý tiến hành cuộc sống của mình: ngài chờ đợi Thiên Chúa cầm cương con đường của ngài và hướng dẫn ngài đến nơi Người muốn. Ngài ngoan ngoãn, và sẵn sàng chuẩn bị cho những biến cố lớn trong đó Thiên Chúa dự phần vào thế giới. Sách Giáo lý nhắc đến sự hiện diện thường xuyên và đầy quan tâm của ngài trong thiết kế đầy nhân từ của Chúa Cha trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu (xin xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2617-2618).
Đức Maria đang cầu nguyện thì Tổng lãnh thiên thần Gabriel mang sứ điệp của Thiên Chúa đến cho ngài ở Nazareth. Suốt trong lịch sử cứu độ, câu thưa “Tôi đây” nhỏ bé nhưng bao la của ngài, một câu nói làm cho mọi tạo vật nhảy mừng hân hoan vào lúc đó, đã theo sau nhiều câu “Tôi đây” khác, của nhiều người tin cậy vâng lời, của nhiều người sẵn sàng mở lòng ra đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Không có cách nào tốt để cầu nguyện hơn là đặt mình vào một thái độ cởi mở, một tấm lòng rộng mở đối với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Tấm lòng rộng mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa là thế đó. Và Chúa luôn đáp trả. Có biết bao tín hữu đã sống việc cầu nguyện của họ như thế! Những ai có tấm lòng khiêm tốn nhất đều cầu nguyện như thế này: với lòng khiêm nhường từ trong yếu tính, có thể nói như thế; với lòng khiêm nhường đơn sơ: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Họ cầu nguyện như vậy và không buồn khi các vấn đề tràn ngập ngày sống của họ, nhưng họ tiếp tục đối mặt với thực tại và biết rằng trong tình yêu khiêm nhường, trong tình yêu dâng hiến theo mỗi hoàn cảnh, chúng ta trở thành công cụ cho ơn thánh của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Một lời cầu nguyện đơn giản nhưng là lời cầu nguyện trong đó chúng ta đặt mình trong tay Chúa để Người hướng dẫn chúng ta. Tất cả chúng ta có thể cầu nguyện như thế, hầu như không cần lời nói...” (ĐTC Phanxicô, 18/11/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

CHẾT-PHÁN XÉT


1020
Ki-tô hữu nào kết hợp sự chết riêng của mình với sự chết của Chúa Giê-su, thì coi sự chết như việc đến với Chúa và đi vào sự sống muôn đời. Khi Hội Thánh, lần cuối cùng, đọc lời xá giải của Đức Ki-tô để tha thứ cho Ki-tô hữu hấp hối, xức dầu ban sức mạnh và trao Chúa Ki-tô là của ăn đàng như lương thực cho cuộc hành trình, Hội Thánh dịu dàng trấn an người ấy:
“Hỡi linh hồn Ki-tô hữu, hãy ra đi khỏi trần gian này,
nhân danh Chúa Cha toàn năng,
Đấng đã tạo dựng nên con,
nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô,
Con Thiên Chúa hằng sống,
Đấng đã chịu khổ hình vì con,
nhân danh Chúa Thánh Thần,
Đấng đã được tuôn đổ trên con;
hôm nay xin cho con được bình an đến chỗ của con
và nơi lưu ngụ của con bên Thiên Chúa trong thành thánh Xi-on,
cùng với Đức thánh Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa,
với thánh Giu-se, với tất cả các Thiên thần và các Thánh của Thiên Chúa…
Xin cho con được trở về cùng Đấng đã lấy bùn đất tạo dựng nên con.
Khi con lìa bỏ đời này, xin thánh Ma-ri-a, các Thiên thần và toàn thể các Thánh đón tiếp con…
Xin cho con được nhìn thấy mặt giáp mặt Đấng Cứu Chuộc con và con được chiêm ngưỡng Thiên Chúa đến muôn đời.”
I. Phán xét riêng (1021–1022)
1021
Sự chết kết thúc đời sống con người, xét như quãng thời gian mở ngỏ để đón nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Ki-tô. Tân Ước nói về sự phán xét chủ yếu trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ sau cùng với Đức Ki-tô khi Người ngự đến lần thứ hai, nhưng cũng nhiều lần khẳng định sự thưởng phạt mỗi người ngay sau khi họ chết, tùy theo công việc và đức tin của họ. Dụ ngôn về người nghèo khó Lazarô, và lời Đức Ki-tô trên thập giá nói với người trộm lành, cũng như những bản văn khác trong Tân Ước nói đến số phận cuối cùng của linh hồn, một số phận có thể khác nhau giữa người này với người khác.
1022
Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Ki-tô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời.
“Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu.”
V. Phán xét cuối cùng (1038–1041)
1038
Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng… Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Ki-tô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu… Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).
1039
Đối diện với Đức Ki-tô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:
“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)… Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt họ làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta.”
1040
Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Ki-tô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Ki-tô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết.
1041
Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).
Đọc tiếp »

SỐNG ĐẠO THEO THÁNH PHÊRÔ (Trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ, chương 1)


Trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ, chương 1:
“1 Tôi là Si-mê-on Phê-rô, tôi tớ và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, kính gửi những người, nhờ sự công chính của Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta, cũng đã lãnh nhận một đức tin quý giá như chúng tôi. 2 Chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, nhờ được biết Thiên Chúa và Đức Giê-su, Chúa chúng ta.
3 Thật vậy, Đức Ki-tô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta. 4 Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.
5 Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, 6 có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, 7 có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái. 8 Thật vậy, nếu anh em có những đức tính ấy và có dồi dào, thì anh em sẽ không trở nên những người chẳng làm gì và chẳng làm gì được để biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 9 Ai không có những đức tính ấy thì là người đui mù, người cận thị : kẻ ấy quên rằng mình đã được tẩy sạch các tội xưa đã phạm.
10 Vì vậy, thưa anh em, anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đó nên vững mạnh. Có thế, anh em sẽ không bao giờ vấp ngã, 11 và nhờ đó, con đường rộng mở để đón nhận anh em vào Nước vĩnh cửu của Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.”
Đọc tiếp »

BỀN ĐỖ XÂY DỰNG ĐIỀU VỮNG BỀN (ĐTC Phanxicô, huấn từ 13/11/2022)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên Giêrusalem, nơi thánh thiêng nhất: đó là đền thờ. Ở đó, xung quanh Chúa Giêsu, một số người nói về vẻ tráng lệ của tòa nhà đồ sộ đó, “được tô điểm bằng những viên đá quý” (Lc 21,5). Nhưng Chúa nói: “Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà không bị ném xuống” (Lc 21,6). Sau đó,

Ngài thêm vào câu chuyện, giải thích rằng trong lịch sử, hầu hết mọi thứ đều sụp đổ như thế nào: Ngài nói, sẽ có các cuộc cách mạng và chiến tranh, động đất và đói kém, ôn dịch và bách hại (xem các câu 9-17). Như thể Chúa muốn nói: không nên đặt quá nhiều niềm tin vào những thực tại trần thế chóng qua. Đây là những lời khôn ngoan, tuy nhiên có thể khiến chúng ta hơi cay đắng. Đã có rất nhiều điều tiêu cực.
Tại sao Chúa lại còn đưa ra những tuyên bố tiêu cực như thế? Trên thực tế, ý định của Ngài không phải là tiêu cực, mà ngược lại, Chúa muốn ban cho chúng ta một giáo huấn có giá trị, đó là con đường để có thể thoát khỏi tất cả sự bấp bênh này. Và đâu là lối thoát? Làm thế nào chúng ta có thể thoát ra khỏi thực tại đang trôi qua và sẽ không còn nữa?
Nó nằm trong một từ mà có lẽ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa Kitô mạc khải điều đó trong câu cuối cùng của Tin Mừng, khi Người nói: “Có bền đỗ, anh em mới giữ được mạng sống mình” (c. 19). Bền đỗ. Bền đỗ là gì? Từ này chỉ ra một cái gì đó “rất nghiêm ngặt”; nhưng nghiêm ngặt theo nghĩa nào? Phải chăng là nghiêm ngặt với chính mình, cho rằng mình không đạt tiêu chuẩn? Không. Phải chăng là nghiêm ngặt với những người khác, trở nên cứng nhắc và không linh hoạt? Cái này cũng không. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải “nghiêm nhặt”, không khoan nhượng, kiên trì với những gì Ngài nghĩ trong lòng, với những gì đáng kể. Bởi vì, những gì thực sự quan trọng, thường không trùng khớp với những gì thu hút sự quan tâm của chúng ta.
Giống như những người ở đền thờ, chúng ta thường ưu tiên cho công việc do bàn tay chúng ta thực hiện, những thành tựu, truyền thống tôn giáo và dân sự, những biểu tượng thiêng liêng và xã hội của chúng ta. Điều này là tốt, nhưng chúng ta dành quá nhiều ưu tiên cho những sự ấy. Những điều này quan trọng thật, nhưng chúng qua đi. Thay vào đó, Chúa Giêsu nói hãy tập trung vào những gì còn lại, đừng dành cuộc đời của chúng ta để xây dựng một cái gì đó rồi sẽ bị phá hủy, chẳng hạn như ngôi đền đó, và quên xây dựng những gì sẽ không sụp đổ, được dựng xây trên lời của Người, trên tình yêu, trên sự tốt lành. Hãy kiên trì, nghiêm khắc và kiên quyết xây dựng trên những gì không qua đi…
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

KỂ CHUYỆN HIỆP HÀNH (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy-Giáo phận Phan Thiết)


KỂ CHUYỆN HIỆP HÀNH

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy-Giáo phận Phan Thiết
(Bản tin Hiệp Thông số 131, tháng 9 & 10 năm 2022)
“Synod”, từ gốc Hy Lạp đã được dùng từ lâu, nhưng chưa đến một năm nay, được dịch ra Việt ngữ là “Hiệp hành”, không chỉ

khó hiểu với những người Công giáo ít học, mà cả giới trí thức, có người cũng thấy xa lạ, ít muốn tiếp nhận. Nhưng đến lúc này, nó đã thân quen với mọi hạng người, cả những bà mẹ nhà quê cũng biết “họp hiệp hành”, “đi hiệp hành” với giáo phận.
Đáp lời của cha Tổng thư ký Ủy ban Giáo sĩ và chủng sinh mời chia sẻ “Những suy tư và kinh nghiệp về gặp gỡ, lắng nghe và phân định”  “những hoa trái có được

trong tiến trình hiệp hành”
 giáo phận, sau khi bản thân tham dự hơn 14 lần hiệp hành, xin ghi lại những gì đã gặp, đã thấy, đã nghe, đã nghĩ, đã nói tại giáo phận Phan Thiết trong tiến trình hiệp hành với Giáo Hội hoàn vũ.
Tài liệu chuẩn bị của Toà Thánh và nhiều tác giả đã phân tích từ ngữ Synod, đặc tính, ý nghĩa thần học của Hội Thánh hiệp

hành… nay, là một cha sở vùng quê Bình Thuận, theo cách dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng của Liên Hội đồng Giám mục Á châu là tiếp tục
 “Kể lại câu chuyện Chúa Giêsu”, xin KỂ CHUYỆN HIỆP HÀNH.
 
  1. Cùng giáo xứ sống hiệp hành
Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 diễn ra theo chiều “nghịch”: từ các giáo phận tiến về Rôma, trong hoàn cảnh đại dịch bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam cách tàn khốc nhất. Dù vậy, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Phan Thiết đã thực hiện việc hiệp hành rất sớm, rất kỹ bất chấp hoàn cảnh khó khăn.
Khi Covid làm cho cả nước bị phong toả với chỉ thị 16, nhốt chặt mọi người ở nhà hay chỉ ở riêng trong phòng vì cách ly, thì “Zoom meeting” chính là phương tiện gặp gỡ. Linh mục, tu sĩ, giáo dân, khi cần họp mục vụ, tĩnh tâm đều qua hình thức online này. Chắc hiếm có Giám mục nào đã họp 150 lần bằng zoom meeting như Giám mục Phan Thiết ! Bản thân tôi cũng nhiều lần họp chung và riêng với ngài, trao đổi mục vụ, tĩnh tâm chung, góp ý soạn thảo giáo lý, tìm giải pháp mục vụ trong hoàn cảnh nhiều “vùng đỏ” hiểm nguy dịch bệnh… Thánh lễ online-trực tuyến không thay thế được thánh lễ trực tiếp, nhưng “gặp gỡ online” cũng hữu hiệu cho việc mục vụ và gần gũi, đồng cảm, chia sẻ, nâng đỡ nhau trong thời đại dịch.
Gặp gỡ không được thì sao lắng nghe, đeo khẩu trang và nhốt ở nhà sao nói ? Thỉnh ý hiệp hành bằng “Google forms” được áp dụng cho toàn giáo phận. Có nhóm linh hoạt viên được đào tạo giúp hướng dẫn, Đức cha cho gởi nhiều biểu mẫu với nhiều hình thức góp ý khác nhau, các câu hỏi dọn sẵn, linh mục, tu sĩ, giáo dân gởi ý kiến của mình bằng Google forms, ai không biết thì nhờ con cháu giúp và nhóm linh hoạt hỗ trợ.
Vẫn gặp trở ngại vì ít người theo được với kỷ thuật mới này, giáo phận cho photo các câu hỏi, gởi đến từng giáo xứ chia ra cho từng người theo các giới và đoàn thể điền vào; thu lại rồi nhờ những người biết vi tính nhập Google forms, để tất cả các ý kiến đến được Đức Giám mục, và nhờ ban linh hoạt là tám phó tế tại Toà Giám mục giúp ngài lắng nghe. Nghe bằng mắt.
Tôi và giáo xứ mình cũng cố gắp tham gia vào tiến trình hiệp hành của giáo phận, thực hiện việc thỉnh ý hiệp hành bằng cả hai hình thức Google forms và photo giấy.
Như thói quen triển khai sớm đường hướng mục vụ của Hội Thánh đến với dân Chúa, từ logo “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành : Hiệp thông-Tham gia-Sứ vụ”, trong các bài giảng lễ, và nhất là lần hiệp hành cấp giáo xứ, được thực hiện khi dịch tạm yên mà mọi người có thể đến với nhau và nói với nhau được, tôi đã giải thích cho giáo dân về hiệp hành.
Đôi khi đọc những ý tưởng, bài viết như thể xưa nay Hội Thánh chưa hiệp hành, bây giờ mới “hướng tới”. Từ “hướng tới” cũng dễ làm cho giáo dân hiểu nó sẽ đến trong tương lai như hiện nay việc mục vụ của Phan Thiết “hướng tới” mừng kim khánh giáo phận năm 2025… tôi coi lại từ tiếng Anh “for”, từ tiếng Pháp “pour” tiếng Đức “für”, rồi giúp bà con hiểu “vì” một Hội Thánh hiệp hành, bản chất hiệp hành của Hội Thánh đã có ngay từ đầu và hoàn hảo hơn chúng ta ngày nay, vì đó là “những người cùng đi trên con đường” (Cv 9,2; 19,9.23) và Chúa Giêsu đã nói “Thầy là con đường” (Ga 14,6).  Ai đi sát con đường Đức Kitô, ai bước theo chính lộ cho bằng các Kitô hữu đầu tiên ? Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều đó : "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? " (Cv 9,4). Các tín hữu đầu tiên đã được Chúa đồng hoá với mình. Nhưng vì 2000 năm qua, với những lệch lạc theo thời gian, có thể bản thân ta hay một nhóm nhỏ, hoặc một Giáo Hội địa phương nào đó (nhiều người lo cho Giáo Hội Đức) đã đánh mất tính hiệp hành, đi lạc, hoặc có nguy cơ lệch xa con đường của Đức Kitô, thì nay sám hối, được chữa lành… trở về với chính lộ nhờ sống hiệp thông-tham gia-sứ vụ với Giám mục địa phương, với Toà Thánh.
Chắc xứ nào cũng thấy càng ngày số người tham dự Thánh lễ thưa dần, sinh hoạt đoàn thể ít đi, kinh nguyện gia đình khó thực hiện… đó là sự hiệp thông với Chúa bị suy giảm. Hiệp thông với nhau theo gương các Kitô hữu đầu tiên “hợp nhất với nhau… đồng tâm nhất trí”(Cv 2, 44.46 ) cũng sa sút: tính đồng thuận, đồng lòng trong công việc còn yếu, thích theo ý riêng rồi dễ cãi nhau… người giáo dân cần lắng nghe Lời Chúa, nghe và sống giáo huấn của Hội Thánh để tái lập sự hiệp thông, xây dựng sự hiệp nhất. Giảm hiệp thông thì tỉ lệ tham gia cũng giảm, công tác mục vụ giáo xứ ít người dần, “số còn sót lại” (x.Am 9,12) gắn bó làm việc chung nhà xứ đôi khi chỉ đủ đếm trên năm ngón tay, các cuộc qui tụ mục vụ của giáo xứ và giáo phận tham dự thưa thớt, hoặc miễn cưỡng… Vì không ý thức sứ vụ được giao nên không muốn tham gia việc chung, an phận cho khoẻ…
“Vì một Hội Thánh hiệp hành” là cơ hội tốt để giúp mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ rà soát lại bản thân, điều chỉnh lại thái độ hiệp thông, tham gia, sứ vụ của từng cá nhân, gia đình và đoàn thể mình. Tạ ơn Chúa dịch bệnh tan dần, giáo xứ đã có những buổi gặp gỡ sinh hoạt cộng đồng trở lại, mọi người có thể thăm viếng, gặp nhau, nói và nghe nhau. Trước hết cần gặp gỡ Lời Chúa và lắng nghe tiếng Chúa, phân định nhận ra ý Chúa sẽ tiến tới hiệp thông với anh chị em, nhiệt tình tham gia việc chung, vui vẻ đón nhận sứ vụ Chúa trao qua các mục tử của mình. Vẫn biết Thượng Hội đồng lần này muốn chúng ta gặp gỡ, lắng nghe nhau để tìm ra ý Chúa, đừng nghe lời đồn hay tin vịt, fake news rồi làm đau nhau bởi những kẻ “ngồi lê đôi mách” mà Đức thánh cha cũng là “nạn nhân” và ngài khiển trách điều này nhiều lần. Hãy gặp gỡ nhau, hiện diện thể lý chứ không phải trên thế giới ảo hay qua màn hình. Chúa vô hình mà còn thân hành đến gặp con người diện đối diện. Gặp gỡ để nghe nhau, hiểu nhau, hiệp thông yêu mến nhau, cùng nhau tham gia, cùng đi con đường Giêsu, chia sẻ đồng một sứ vụ…
Giáo dân cũng được mời gọi vô gặp các cha, chứ có gì đâu mà còn có người sợ, phải nhờ người khác nhắn tin dùm. Giáo dân gặp gỡ, lắng nghe các mục tử, những người được Chúa uỷ thác chỉ đường đi đúng cho đoàn chiên, bao lâu lời rao giảng của các linh mục là “rao giảng Lời Chúa, chứ không rao giảng ý kiến riêng tư hay của loài người” (Kinh cầu cho các Linh mục) thì ta phân định đó là ý Chúa đem ra thực hành. Chiều ngược lại, tiếng nói của dân, lòng khao khát van nài của dân Chúa diễn tả nguyện vọng chính đáng của đoàn chiên, thì người mục tử cũng phải phân định, nhận ra ý Chúa mà thực hiện. Tất cả giáo dân ước ao các mục tử “thánh thiện, thân thiện, dễ gần”, thì đây là ý Chúa muốn các linh mục hoàn thiện dần; hay khi có ai “rên” cha dữ quá, khó quá… cũng là dịp người mục tử bình tâm phân định để điều chỉnh lối hành xử cho phù hợp.
Giáo xứ biết nhìn lại từ kinh nghiệm đức tin cha ông để xét mình “có đi đúng con đường Giêsu không, có nhắm loan báo Tin Mừng không”, theo gợi ý của Đức giám mục trong lần gặp gỡ cấp giáo hạt. Dựa vào sách Công vụ tông đồ, chương 2, 42-45 : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.” để xác định mình đi đúng đường. Vì 135 năm qua, giáo xứ chuyên cần nghe các Đức giám mục là đấng kế vị các tông đồ giáo huấn, gắn bó với nhà thờ, nên dù chiến tranh có lúc nhà thờ bị cháy và phải “lưu đày“  10 năm (1965-1975) mới về lại xứ, vẫn kiên trì xây dựng 14 ngôi nhà thờ; nay hằng ngày lên đền thờ 3 lần: sáng lễ, 3 giờ chiều kinh lòng thương xót, 6 giờ chiều lễ, tối lần hạt Mân Côi ngoài đài Đức Mẹ và học Kinh Thánh cầu nguyện thứ hai mỗi tuần… Giáo xứ cũng sám hối và điều chỉnh: trước đây đi chầu chỉ hơn 20 người, nay gần 200; một số ít có khuynh hướng xin phép chuẩn khác đạo cho mau và tiện lợi, nay ý thức hơn việc loan báo Tin Mừng khi con cháu kết hôn; hiệp hành trong lời cầu nguyện bằng “Kinh cầu cho Hội Thánh hiệp hành” được đọc lên trong mỗi thánh lễ Chúa nhật...
Những khi đi hiệp hành với giáo phận về, tôi cũng chia sẻ những tâm tình cho giáo xứ, để tất cả hiệp thông với nhịp sống của giáo hội địa phương mà mau mắn tham gia khi Đức giám mục kêu gọi trong các việc mục vụ cụ thể sau này. Giáo huấn của Đức thánh cha, Thư mục vụ của Đức giám mục đều được chia sẻ đến giáo dân qua các bài giảng lễ hằng ngày và Chúa nhật. Nhờ hiểu và sống đặc tính hiệp hành, nay khi triển khai có những chương trình mục vụ cụ thể như tổ chức ngày người cao tuổi 24/07, hành hương Tàpao hiệp hành với giáo phận 11-12/08, Hội đồng mục vụ giáo xứ và các đoàn thể vui vẻ, nhiệt tâm thi hành…
 
  1. Đi hiệp hành cùng giáo phận
Nói đi hiệp hành có vẻ dư vì hiệp hành là cùng đi con đường Giêsu, nhưng lối nói bình dân này, nay đã thành quen thuộc để diễn tả việc ra đi “hiệp thông-tham gia-sứ vụ” chung của giáo xứ hay giáo phận.
Ngay khi còn bị “buộc đeo khẩu trang”  “cách li nhà với nhà”, hay chỉ được đi lại trong xứ vì bị nhiều chốt chặng, các linh mục Phan Thiết đã có tài liệu chuẩn bị hiệp hành của Toà Thánh và hướng dẫn thực hiện của giáo phận, dạng file pdf gởi qua email; rồi hết thời giãn cách, khi gặp gỡ lần đầu tại Toà Giám Mục vào tháng 3/2022 mà khi ra đó tôi phải test âm tính để đồng hành với các linh mục trẻ, được nghe nhiều lần bài Phúc Âm thường công bố trong các buổi hiệp hành: câu chuyện Emmaus (Lc 24,13-35) để cầu nguyện xin Thánh Thần hướng dẫn hiệp hành, dường như tất cả có tác động đến riêng mình.
Ban hiệp hành chính nằm ở Toà giám mục, tôi chỉ thực hiện thỉnh ý hiệp hành và tổ chức hiệp hành cho xứ mình mà thôi. Thế mà tự nhiên chiều thứ bảy, 14/05/2022, Đức cha gọi điện thoại và bảo “Cha Duy, nếu được mời cha đi hiệp hành với tôi, cùng lắng nghe và giúp phân định”. Trực giác tự nhiên tôi thấy sứ vụ, nên hỏi “đi đâu, thưa Đức cha?”- “ ra Long Hương hạt Bắc Tuy.”- “Khi nào, thưa Đức cha ?”- “thứ hai, cha ra Toà giám mục rồi cùng đi…”. Như hai môn đệ nhận ra ý Chúa lập tức rời Emmaus, quay lại thủ đô Giêrusalem, tự nhiên tôi mau mắn nhận lời (dù trước đây đã dại dột từ chối ba lần ba Đức cha trước giao việc vì sợ mình yếu), vội vã thu xếp việc xứ, rời xứ Cù Mi xinh đẹp bao quanh bởi đồng ruộng và vườn chuối, chạy khoảng 90 Km về thành phố Phan Thiết để sáng mại kịp ra Long Hương.
Hạt Bắc Tuy hiệp hành rất sớm, 07g00 sáng đã khai mạc nên phải dậy sớm, ăn sáng lúc 04g30 chạy thêm hơn 100 Km nữa, đến nơi gặp gỡ, ngồi nghe 5 tiếng đồng hồ, nhiều người nói đi nói lại, rất muốn nói gì đó, nhưng đành kiên nhẫn ngồi nghe, chờ đợi. Khởi đầu hiệp hành là gác việc xứ, chạy gần 200 Km, ngồi nghe liên tục không nói một lời. Một bài học lắng nghe. Nhớ lại cuộc đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã kiên nhẫn lắng nghe. Ngài hỏi như người không biết và bị chê là người duy nhất ở Giêrusalem mà không biết chuyện động trời vừa xảy ra : Giêsu Nazareth bị đóng đinh. Hai môn đệ say xưa “kể chuyện Chúa Giêsu” cho Đức Kitô nghe… Nhiều lần tôi đã không để cho người khác tiếp tục trình bày vì mình… biết rồi, đã nghe nói rồi, thiếu kiên nhẫn lắng nghe. Phải học lại từ Thầy Giêsu : Chúa biết mà như không biết, để lắng nghe kỹ hơn, rõ hơn, nghe cả điều sai để biết môn đệ lạc đường, khai trí mở lòng, giúp họ quây về nẻo chính đường ngay.
Tôi nghe có những nơi càm ràm khi được phát giấy thỉnh ý hiệp hành, họ cho rằng các cha rảnh quá bày chuyện. Ban đầu nhiều người không nhớ cả từ “hiệp hành”, chỉ biết điền giấy thống kê gì đó nộp cho Toà giám mục. Rồi quen dần họ nói giấy hiệp hành, đi hiệp hành mà mệt mỏi như thể “bị hành” hết hiệp này đến hiệp khác… Ngày hiệp hành tại hạt Phan Thiết, sau những hướng dẫn trình bày của Đức giám mục giáo phận, lắng nghe tiếng nói của dân Chúa theo 4 vùng : núi, biển, thành phố, vườn thanh long; đại diện các giới và đoàn thể, tôi có dịp để chia sẻ cho họ. Chỉ vào logo trên cung thánh và giải thích : “ từ Synod trước đây luôn được dịch và hiểu là Thượng hội đồng Giám mục thế giới, nay dịch mới là “hiệp hành”. Anh chị em từ các xứ về đây, hỏi đi đâu, thưa đi hiệp hành, chính là đi tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới đang diễn ra ở cấp giáo phận. Nó quan trọng và ý nghĩa, không phải bày chuyện đâu. Chúng ta cùng nhau hiệp thông cầu nguyện với Đức giám mục, đấng kế vị các tông đồ, tham gia cuộc gặp gỡ, lắng nghe các mục tử và nghe nhau, phân định tìm ra ý Chúa để điều chỉnh lại đời sống và công việc của ta trong sứ vụ Hội Thánh trao. Hiệp hành còn hiểu là cùng đi con đường Giêsu. Bản thân ta, gia đình ta, đoàn thể và giáo xứ ta có dấu gì đi lạc đường Giêsu không, nếu thấy mình sai, hãy lập tức quây lại Giêruralem như hai môn đệ Emmaus, để hiệp thông với cộng đoàn và tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng phục sinh…” Sau buổi gặp gỡ, nhiều giáo dân quen biết đến chào và nói nhờ cha nói mà con mới rõ và biết đi hiệp hành, hổm giờ cứ lơ mơ…
Cùng Đức giám mục, tôi tham gia 5 lần hiệp hành ở 5 giáo hạt (16-20/05/2022), 6 lần hiệp hành cấp giáo phận tại Tàpao (13-19/06/2022) cho các giới và đoàn thể, linh mục, tu sĩ; cộng thêm 2 lần ở giáo xứ và một lần họp riêng cho hiệp hành linh mục thì đúng 14 lần. Đây là lúc gặp gỡ diện đối diện và nghe bằng tai. Nếu tham gia cách mệt mỏi miễn cưỡng thì giống đang sống yên lành mà “bị hành 14 hiệp” như 14 chặng đàng thánh giá, còn khi ta thấy đây là cơ hội gặp gỡ-lắng nghe-phân định, thì chính là dịp may cho tôi nghe nhiều hơn để biết nhiều hơn, biết rộng hơn, biết kỹ hơn việc giáo phận hầu sống tinh thần hiệp thông-tham gia-sứ vụ. Tạ ơn Chúa.
Nói vậy nhưng không phải là không có lúc ngao ngán, cám dỗ muốn trốn cho khoẻ. Câu chuyện hiệp hành mà Đức giám mục kể với hình ảnh minh hoạ từ nhà thờ Domine Quo Vadis ở Roma: Phêrô theo lời khuyên của cộng đoàn, ý chung là ý Chúa, trốn khỏi Roma vì bách hại, gặp Thầy Giêsu vác thập giá đi vào, hỏi Thầy đi đâu ? (Domine Quo Vadis ?) Đi chết. Sao lại chết nữa ? Vì con trốn… tác động đến tôi. Đức cha kể câu chuyện ấy để minh chứng ý chung của dân chưa hẵn là ý Chúa, Phêrô có cách phân định riêng nhờ gặp Chúa riêng… nhưng câu chuyện ấy lại cho tôi bài học riêng mình là: thầy mình đang vác thập giá mà mình trốn sao ? Tiếp tục sứ vụ…
Nhờ Thánh Thần hướng dẫn, tiến trình hiệp hành diễn ra tốt đẹp cho những ai hết lòng tham dự, lắng nghe. Mọi thành phần dân Chúa nói lên nguyện vọng của mình, những tiếng rên, tiếng than của tu sĩ và giáo dân về cha xứ : nào là sài sang quá, hãy ra khỏi nhà xứ đến thăm giáo dân, giảng Lời Chúa chứ đừng la chúng con, hãy chăm lo cho giới trẻ con cái chúng con, hãy giúp chúng con học hỏi thêm… và chiều ngược lại, các giới và đoàn thể tông đồ giáo dân được hướng dẫn : thay vì bận tâm tìm kiếm số hội viên cho đông mà có khi “chiêu mộ” từ đoàn khác để mình “phát triển mạnh hơn”, hãy lo ra vùng ngoại vi, tìm “chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,6) -tức các tín hữu không còn đến nhà thờ; tìm “chiên chưa thuộc đàn này” (Ga 10,6) – tức là những người ngoài Công giáo, để đưa về một đàn chiên và một Chủ chiên. Mến thánh giá tại thế áo đen, dù có 10 người, đừng lo qua rủ thêm 5 người áo đỏ của Lòng thương xót (có người mặc thêm áo nâu của Phansinh tại thế nữa, một mình ba màu áo) mà hãy ra vùng ngoại vi, đưa những người không đi con đường đến nhà thờ, không còn vào nhà thờ… hãy vui mừng không phải vì nhóm ta có 99 người thay màu áo đi lễ, mà vui mừng vì đoàn thể mình đã tìm được 1 người bỏ lễ đến nhà thờ, con đường Giêsu cũng hiểu cụ thể là con đường đưa ta đến nhà thờ gặp Chúa và gặp nhau…
Khi nhận thấy bề trên đau buồn vì môn đệ đi sai đường… trong buổi hiệp hành tu sĩ mà tôi là linh mục triều và cha xứ duy nhất, nghe và “gánh” tiếng than của tu sĩ thay cho anh em, tự nhiên được đánh động chia sẻ điều trước đây mình chưa nghĩ tới bao giờ. Cũng chỉ một câu chuyện Emmaus thôi, nhưng Lời Chúa thật phong phú cho mọi hoàn cảnh sống của chúng ta. Như Đức Kitô biết hai môn đệ bỏ về Emmaus là sai đường, nhưng vẫn chấp nhận đi sai 11km với họ, bề trên hãy chịu đồng hành cả khi cùng bước lệch dường với anh chị em mình. Chúa ẩn mình vì nếu ngài hiện ra từ đầu có thể họ bỏ chạy vì sợ ma (xin các nhà Kinh Thánh thứ lỗi) vì tôi thấy có lần Chúa hiện ra các tông đồ cứ sợ ma. (x.Lc 24,37). Chỉ nhờ giải thích Kinh Thánh và Thánh Thể (bẻ bánh) lòng trí họ bừng sáng, Chúa mới cho họ nhận ra Ngài, và lập tức sửa sai, quay về chính lộ. Bề trên dám bước một đoạn lệch đường, ẩn mình theo dõi bề dưới, đừng làm họ “sợ ma”, khai sáng cho họ, đưa về với cộng đoàn như hai môn đệ tìm về Giêrusalem…
Nói với giáo dân tôi chỉ hình logo, nhưng với tu sĩ, tôi nhắc việc “Lắng nghe Kinh Thánh”. Tài liệu của Thượng hội đồng triển khai điều này ở mục III, với 8 số, từ 16-23. Gặp gỡ Chúa, lắng nghe Chúa sẽ giúp gặp gỡ lắng nghe nhau, đưa ta hiệp thông, tham gia và chu toàn sứ vụ. Chính kho tàng Kinh Thánh, ghi lại cuộc đời Đức Kitô và những người đi con đường của Ngài, soi sáng cho ta tiếp bước đúng con đường ấy. Hai môn đệ hiền lành, tội nghiệp buồn phiền đi sai đường về Emmaus thì Chúa đi theo, nhưng Saolơ kiêu căng, tự phụ và tỏ ra quá nguy hiểm khi lạc đường tìm bắt các tín hữu, thì Chúa chỉnh liền, té ngựa, mù loà, được khai sáng và dắt đi bởi Khanania, một người ngán sợ Saolơ (x. Cv 9,1-19). Bề trên biết phân định ý Chúa và hoàn cảnh để dìu bước theo họ, hay chặn lại ngay lập tức khi môn đệ sai đường.
Cũng từ kho tàng Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy tầm quan trọng của sứ vụ, nhiệm vụ được sai. “Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” (Ga 21,4-6). Đi đánh cá ban đầu là ý riêng của Phêrô, được tất cả anh em đồng thuận, với công việc đầy kinh nghiệm của mình, nhưng vất vả cả đêm vô ích. Cũng chỗ đó, cũng lưới thuyền đó, cũng bao nhiêu người tay nghề đó và có thể bị mệt rồi, nhưng “thả lưới bên phài thuyền” là sứ vụ Thầy Giêsu sai, kết quả đầy cá. Coi chừng một nhóm giáo dân, một nhóm tu sĩ, hay linh mục, đã đồng thuận 100% rồi, làm thôi, nhưng theo ý riêng, không phải ý Chúa, vô ích, tốn sức, tốn của… Sứ vụ rất quan trọng, hãy làm theo sứ vụ. Giáo dân kêu ca tại sao chúng con đã lên kế hoạch lâu rồi, đã đồng thuận đồng lòng rồi, quen tay nghề rồi mà cha xứ không cho làm… hãy học bài học mẻ cá lạ này để phân định ý Chúa.
Nếu coi việc tham dự Hội nghị thường niên các Đại chủng viện từ 04-09/07/2022 tại Đàlạt vừa qua là hiệp hành quốc gia cho các nhà đào tạo, thì đây là dịp may tôi có thêm một lần hiệp hành nữa. Ước vọng của tu sĩ, giáo dân mong có được những linh mục giản dị, hiền lành, hy sinh cho đoàn chiên, đừng bắt dự tòng đi từ xứ này sang xứ khác xin học giáo lý vì chưa có khoá; hay các dòng ngày nay có thể lạc đường khi quá đầu tư làm kinh tế… được gặp thấy trong gương sáng của Đức cha Lambert de La Motte và bản Monita ngài nhắn nhũ các thừa sai: biết khổ chế, siêng năng cầu nguyện, đừng làm ăn buôn bán, không lệ thuộc của cải và thế quyền… quí trọng, chăm lo cho các dự tòng và tân tòng…
Giáo phận đã có bản đúc kết 10 trang A4 gởi cho Hội đồng Giám mục trong đó trình bày những thành quả lớn đáp ứng nguyện vọng của dân Chúa như soạn bộ giáo lý “Hành trình Đức tin”, lập các “vệ tinh” và xây dựng cơ sở đào tạo nhân sự… Kể chuyện hiệp hành chỉ ghi nhận những hoa trái cá nhân trong suốt hành trình hiệp thông tham gia hiệp hành như một sứ vụ mới Chúa trao.
 
  1. Kết
Mười lăm Thượng hội đồng Giám mục thế giới trước ít có người giáo dân nào biết. Họ chỉ nghe nói đến khi được cha nào siêng năng đọc và trình bày vài ý tưởng trong các bài giảng. Thượng Hội đồng (Synod) sau cùng dành cho Amazôn (Querida Amazoia) với bản Tông huấn ngày 02/02/2020 thì ta không đọc chắc cũng không đáng trách lắm, thế nhưng mấy ai đọc những Tông huấn Synod quan trọng gần đây “Lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay” (Gaudete et exultate, 19/03/2018) và gần nhất là Synod dành cho Giới trẻ (Christus vivit, 25/03/2019) mà Đức cha Chủ tịch Uỷ ban giáo sĩ chủng sinh, trước khi về Phan Thiết, là nghị phụ có bài tham luận chỉ ba phút. Tông huấn này có nhắc đến chân phước Anrê Phú Yên của chúng ta (số 54) một giáo lý viên trẻ, ấy thế mà chắc cũng ít người trẻ biết, hy vọng các cha đặc trách giới trẻ đọc hết tông huấn này để hướng dẫn giới trẻ.
Nhưng nay, người giáo dân Phan Thiết không thể không biết Thượng Hội đồng Giám mục “hiệp hành”, mà vị chủ chăn của mình đồng hành đến 20 hiệp (ngài đi cả 5 lần ở 5 dòng tu mà tôi không được dự), mỗi cha ít là 3 hiệp, giáo dân siêng năng và nòng cốt linh hoạt giáo xứ cũng 3 hiệp : giáo xứ, giáo hạt, giáo phận và ngày 11-12/08/2022 còn một hiệp tổng kết nữa tại Tàpao cho dịp hành hương riêng của giáo phận.
Một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông-tham gia-sứ vụ đã thân quen với người Công giáo bình dân. Các tín hữu đầu tiên là mẫu gương hiệp hành cho chúng ta tiếp tục, nhờ gặp gỡ, lắng nghe, phân định để tìm ra ý Chúa, bước tiếp con đường Giêsu. Lắng nghe Kinh Thánh, lắng nghe nhau trong Thánh Thần, mục tử lắng nghe dân Chúa, đoàn chiên lắng nghe chủ chăn Chúa uỷ thác “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16). Dân lữ hành sống hiệp hành mãi, cho đến khi được hiệp thông, tham dự vào tình yêu Chúa cách trọn vẹn nơi nhà Cha Đức Kitô, cũng là Cha chúng ta.
Tạ ơn Chúa là Cha đã ban Thánh Thần cho Đức thánh cha Phanxicô khi ngài đảo nghịch trật tự tổ chức Synod, để dân Chúa biết được đường lối mục vụ của Tòa Thánh trước khi tông huấn hậu Synod ra đời, hầu kịp thời giúp đoàn dân lữ hành đi đúng con đường Giêsu. Phải chăng vì ngài biết ngày nay chúng ta lười đọc, bao nhiêu tư tưởng hay và đường lối hữu ích còn nằm trên kệ sách, nên Synod lần thứ 16 này, đã làm trước khi đọc, và giáo dân các Giáo hội địa phương, nhỏ nhất là giáo xứ cũng đã làm, đã sống, trước khi các nghị phụ chính thức họp tại Roma tháng 10/2023.


Cù Mi, Chúa nhật 24/07/2022
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.