Ads 468x60px

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2021

KỶ NIỆM ĐỨC MẸ TÀPAO


08/12/1959, Lễ trọng Mẹ Vô Nhiễm, là ngày làm phép tượng Đức Mẹ Tàpao, giáo phận Phan Thiết đã mừng 50 năm, 60 năm long trọng với Năm Thánh, nay con mừng 62 năm trong âm thầm, nhớ lại những kỷ niệm đẹp với Mẹ:
1-Chuyến hành hương đầu đời vào năm 1999, khi là phó tế giúp xứ Võ Đắt, con đã đến đây rồi, nay chẳng

còn cái hình nào, chỉ ghi nhớ trong ký ức leo núi đường đất khó khăn… cũng năm này người ta nói thấy điềm lạ, hành hương đông, con cũng nhiều lần tiếp tục đến…
2-Năm 2003 con nhận xứ Bình An và lo xây nhà thờ, chính Mẹ Tàpao và khách hành hương Đức Mẹ đã giúp nhiều. Với lòng tri ân, con viết mấy bài về Mẹ, tiếng Việt và có trang web dịch ra tiếng Anh để giới thiệu Đức Mẹ Tàpao…
3-Đức cha Giuse Vũ Duy Thống nói ngài có đọc bài viết ấy trước khi về Phan Thiết… nên ngài kêu con cùng ngài viết tờ “Bên Mẹ Tàpao”, số đầu tiên vào ngày 13/05/2012, kéo dài đến 13/02/2017, liên tục không bỏ số nào, vì ngài qua đời (01/03/2017) nên ngưng…
4-Trong thời gian đó, tháng nào cũng đi Tàpao để chụp hình, ghi chứng từ… như sứ vụ được giao, lên núi làm lễ vài lần, ấn tượng nhất là Cha Xứ đưa giáo xứ Mũi Né hành hương (2015)…
5-Cũng chính Đức cha cố Giuse giao đặc trách Gia trưởng giáo phận, nên cùng anh em hành hương vào 13/03 hằng năm, dịp Mùa Chay đi Đàng Thánh Giá, vác thánh giá mà Đức cha đã vác…
6-Năm Thánh 60 năm Đức Mẹ Tàpao, giáo phận có mỗi tháng một bài giáo lý, con cũng góp một bài tháng 3/2019. Đây là kỷ niệm dạy giáo lý đông nhất với hơn 5000 người nghe, thật quí khi mọi người chăm chú lắng nghe, sốt sắng…
7-Lần gần đây là dịp Đức cha Giuse-tân Giám Mục Chính Toà Phan Thiết bế mạc Năm Thánh 60 năm, còn lưu lại với Đức tổng Marek Zalewski -Đại diện ĐTC tại Việt Nam hình so chiều cao với ngài…
Mẹ ơi, dịch bệnh lâu quá rồi con không lên thăm Mẹ, xin Mẹ giúp chúng con !
Đọc tiếp »

GIÁO HỘI VỮNG VÀNG (Trích thư của thánh Am-rô-xi-ô, giám mục )


“Bạn đã nhận thừa tác vụ giám mục, và nay từ buồng lái, bạn điều khiển con thuyền Giáo Hội giữa phong ba bão táp. Bạn hãy giữ chặt bánh lái đức tin để dông tố phong ba đời này không làm bạn quay cuồng nao núng. Biển rộng lớn, biển mênh mông, nhưng bạn chẳng có chi phải sợ, vì nền trái đất, Chúa dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông.
Bởi thế không lạ gì, giữa bao dông bão trần gian, Hội Thánh của Chúa vẫn vững vàng không lay chuyển vì đã được xây trên đá tảng Tông Đồ, và vẫn tồn tại trên nền tảng vững chắc trước những đợt sóng dữ dội. Sóng nước ngập tràn nhưng không làm con thuyền lay chuyển, và cho dầu biết bao phen gặp phải sức công phá mãnh liệt của các nguyên tố trần gian, Hội Thánh vẫn là bến cứu độ thật an toàn đón tiếp những người gặp hiểm nguy khốn khó.
Và cho dầu có khi phải lao đao trên biển cả, chẳng mấy chốc mà con thuyền Hội Thánh lại lướt nhanh trên sóng nước : bạn hãy hiểu rằng điều này đã được nói tới trong câu : Sóng nước đã gầm lên tiếng thét gào. Vì chưng có những dòng nước chảy ra từ lòng kẻ đón nhận thức uống do Chúa Ki-tô ban và từ Thánh Thần của Thiên Chúa. Vì vậy những dòng nước này, khi đầy tràn ơn thiêng thì đã gầm lên tiếng thét gào…”
Đọc tiếp »

HÀNH HƯƠNG MILAN (Ý)

Mừng lễ thánh Ambrôsiô, Giám mục Milan (Milanô), nhớ lại chuyến hành hương nơi đây cũng vào Mùa Vọng... Cám ơn Sr.Maria Thu Điệp-Chị Trường vùng Vêrôna cùng các chị em MTGPT thời 2011 cùng nhau thực hiện chuyến đi này.
Đến đây viếng nhà thờ Chính Toà Milan, nhà thờ lớn thứ 4 thế giới, viếng nhà thờ có xác thánh Ambrôsiô, với 1 vị thánh tử đạo, lưu niệm nơi toà giảng thánh nhân chinh phục thánh Augustinô và xin ngài cho con biết giảng… Tất cả là hồng ân.


Đọc tiếp »

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2021

THÁNH NICOLAS: Xin Thánh Nicolas và Đức Cha Nicolas cầu cho chúng con !




Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

CHÚA NHẬT II-MV C



Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

TÌM CHÚA-suy niệm của thánh giám mục Anxenmô :

"Này hỡi con người bé nhỏ ! Hãy tạm gác một bên các nỗi lo toan, hãy tạm xa lánh các mối bận rộn. Giờ đây hãy vất bỏ những nỗi lo lắng vất vả, hãy để đó những căng thẳng nặng nề. Hãy dành cho Thiên Chúa một khoảng thời gian, và nghỉ ngơi đôi chút trong Người.
Hãy vào phòng bạn ; hãy loại bỏ mọi thứ, ngoại trừ Thiên Chúa và những gì giúp bạn kiếm tìm Người, và sau khi đóng cửa lại, bạn hãy kiếm tìm Người. Bây giờ, hồn tôi hỡi, hãy nói, hãy thưa cùng Chúa : Con tìm kiếm nhan Ngài ; nhan Ngài, lạy Thiên Chúa, con tìm kiếm...
Lạy Chúa, xin đoái nhìn, xin lắng nghe, xin rọi ánh sáng trên chúng con, xin tỏ mình cho chúng con. Xin trở lại với chúng con, để chúng con được hạnh phúc, chẳng vậy thì thật là bất hạnh cho chúng con. Xin thương nhìn đến những nỗi khó nhọc và sức cố gắng của chúng con trong việc đi tìm Chúa, vì nếu không có Chúa, chúng con chẳng làm được gì.
Xin dạy con tìm Chúa và xin Chúa tỏ mình ra cho kẻ đang kiếm tìm, vì con không thể tìm Chúa, nếu Chúa không dạy cho, cũng không gặp được Chúa, nếu Chúa không tỏ mình. Chớ gì con khát khao tìm Chúa và khi gặp rồi, con lại càng khát khao, chớ gì con mến yêu gặp Chúa, và khi gặp rồi, con lại càng mến yêu."
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Ngày 03 tháng 12: THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ, LINH MỤC


Thánh Phan-xi-cô chào đời tại Tây Ban Nha năm 1506. Khi đang học văn chương ở Pa-ri, người nhập đoàn với thánh I-nha-xi-ô. Người chịu chức linh mục ở Rô-ma năm 1537 và chăm lo thực hành việc bác ái. Năm 1541, người lên đường sang phương Đông. Trong mười năm, người can đảm loan báo Tin Mừng cho người Ấn-độ và Nhật-bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận đức tin. Người qua đời năm 1552 ở đảo Xan-xi-an, cửa ngõ vào Trung Quốc.
Trích thư của thánh Phanxicô Xaviê, linh mục, gửi thánh Inhaxiô :
"Chúng tôi đã tới nhiều làng tân tòng mới được chịu phép rửa cách đây ít năm. Người Bồ Đào Nha không ở các làng này vì đất đai xác xơ cằn cỗi. Vì không có linh mục nên các Ki-tô hữu bản xứ chẳng biết gì khác ngoài việc mình là Ki-tô hữu. Chẳng có ai cử hành bí tích cho họ, chẳng có ai dạy họ kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, chẳng có ai dạy họ biết các điều răn của Chúa.
Từ khi đến đây, tôi chẳng ngưng lúc nào : tôi rảo khắp làng mạc, làm phép rửa cho nhiều trẻ em chưa được lãnh bí tích này. Tôi đã làm phép rửa cho một số rất đông các trẻ em chưa biết phân biệt bên phải với bên trái. Khi tôi đến các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nhật tụng, ăn uống, ngủ nghỉ, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh. Vì thế, tôi bắt đầu hiểu tại sao Nước Trời lại là của những người giống như chúng.
Cũng vì không đang tâm từ khước một lời xin thánh thiện như vậy, tôi đã bắt đầu dạy chúng làm dấu thánh giá mà tuyên xưng niềm tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, rồi dạy chúng kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng. Tôi nhận thấy chúng rất thông minh. Và nếu có ai huấn luyện cho chúng về đạo lý Ki-tô giáo, tôi dám chắc chúng sẽ trở nên những Ki-tô hữu rất tốt lành.
Tại các miền ấy, có nhiều người không được làm Ki-tô hữu chỉ vì không có ai làm cho họ trở thành Ki-tô hữu. Nhiều lần tôi đã có ý định đi tới các đại học ở châu Âu, trước hết là đại học Pa-ri, mà kêu gào khắp nơi như một kẻ mất trí và thúc đẩy những người chỉ nghiên cứu học thuyết hơn là thực hành bác ái rằng : Tiếc thay, chỉ vì lỗi các ông mà biết bao linh hồn thay vì lên thiên đàng lại phải xuống hoả ngục.
Ước chi họ miệt mài với văn chương chữ nghĩa thế nào thì họ cũng miệt mài với công việc tông đồ này như vậy, để có thể trả lẽ với Thiên Chúa về học thuyết của họ cũng như các nén bạc đã được trao phó cho họ."
Đọc tiếp »

Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ :

Trích bài giảng của thánh Bê-na-đô, viện phụ :
"Chúng ta biết có ba lần Chúa đến. Lần thứ ba ở giữa hai lần kia. Hai lần kia thật là rõ ràng, còn lần thứ ba ở giữa thì không. Lần đầu, Người xuất hiện trên mặt đất và ở với người phàm, như chính Người quả quyết, họ đã thấy và ghét Người. Còn lần cuối, mọi xác phàm sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta và chúng sẽ nhìn xem Đấng chúng đã đâm thâu. Lần giữa thì ẩn khuất, chỉ có những ai được tuyển chọn mới thấy Người trong lòng mình, và linh hồn những người ấy được cứu độ. Vậy lần đầu, Người đến mang xác phàm và phận mỏng manh ; lần giữa, Người đến với thần khí và sức mạnh ; còn lần cuối, Người đến trong vinh quang và oai hùng.
Chính lần giữa là đường đưa từ lần đầu tới lần cuối : lần đầu, Đức Ki-tô cứu chuộc chúng ta, lần cuối Người sẽ làm cho chúng ta được sống, và lần giữa này, Người cho chúng ta được nghỉ ngơi và an ủi.
Nhưng, để đừng ai tưởng rằng những điều chúng tôi nói về lần giữa là chuyện bày đặt, xin các bạn hãy nghe chính Người nói : Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy..."
Đọc tiếp »

TỈNH THỨC : ĐỪNG NGỦ VÙI TRONG THỜ Ơ (ĐTC Phanxicô, 29/11/2020)



“... Cũng có một loại say ngủ nội tâm khác: đó là ngủ vùi trong sự thờ ơ. Những người thờ ơ xem mọi thứ đều giống nhau, như thể trong đêm đen; họ không quan tâm đến những người xung quanh họ. Khi mọi thứ xoay quanh chúng ta và quanh các nhu cầu của chúng ta, chúng ta thờ ơ với nhu cầu của người khác, màn đêm dần buông xuống trong tâm hồn chúng ta. Trái tim của chúng ta trở nên tối tăm. Chúng ta ngay lập tức bắt đầu phàn nàn về mọi thứ và mọi người; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và trở nên cay đắng với mọi thứ. Đó là một vòng luẩn quẩn. Ngày nay, màn đêm đó dường như đã chụp xuống trên quá nhiều người, những người chỉ đòi hỏi những thứ cho bản thân và đui mù trước nhu cầu của người khác.
Làm thế nào để chúng ta vực dậy bản thân khỏi giấc ngủ của sự thờ ơ? Thưa: với sự tỉnh thức của lòng bác ái. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong những điều tầm thường và sự lạnh nhạt đó, cần có sự tỉnh thức của lời cầu nguyện. Để đánh thức chúng ta khỏi ngủ say trong sự thờ ơ, cần có sự tỉnh thức của lòng bác ái. Bác ái là nhịp tim đập của Kitô hữu: cũng như người ta không thể sống mà không có nhịp tim đập, thì người ta cũng không thể là Kitô hữu mà không có lòng bác ái. Một số người dường như nghĩ rằng lòng nhân ái, giúp đỡ và phục vụ người khác là dành cho những người thất bại trên đường đời. Tuy nhiên, đây là những điều duy nhất mang lại chiến thắng cho chúng ta, vì chúng ta đã biết hướng tới tương lai, hướng đến ngày của Chúa, tất cả những điều khác sẽ qua đi và chỉ có tình yêu mới tồn tại muôn đời. Chính nhờ những việc làm của lòng thương xót mà chúng ta đến gần Chúa. Đây là những gì chúng ta kêu cầu trong lời nguyện mở đầu thánh lễ hôm nay: “xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến”. Đó là quyết tâm chạy ra để gặp Chúa Kitô bằng những việc lành phúc đức. Chúa Giêsu đang đến, và con đường để gặp Người được đánh dấu rõ ràng: đó là thông qua các công việc bác ái.
Anh chị em thân mến, cầu nguyện và yêu thương: đó là ý nghĩa của sự tỉnh thức. Khi Giáo Hội thờ phượng Chúa và phục vụ người lân cận của chúng ta, thì Giáo Hội không sống trong đêm đen. Bất kể yếu đuối và mệt mỏi, Giáo Hội đang hành trình về phía Chúa. Giờ đây chúng ta hãy cầu khẩn Người. Lạy Chúa, xin hãy đến! chúng con cần Chúa! Xin Chúa đến bên chúng con. Chúa là ánh sáng. Xin đánh thức chúng con khỏi ngủ vùi trong những điều tầm thường; xin đánh thức chúng con khỏi bóng tối của sự thờ ơ. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy biến tâm hồn xao lãng của chúng con thành những trái tim tỉnh thức. Xin khơi dậy trong chúng con khát vọng cầu nguyện và nhu cầu yêu thương.” (ĐTC Phanxicô, 29/11/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Thông tin - Lễ tấn phong Giám mục Giáo phận Bắc Ninh | ĐGM Giuse Đỗ Quang Khang





Đọc tiếp »

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

ĐGM Giuse Đỗ Quang Khang cắt nghĩa từ HIỆP HÀNH

Đọc tiếp »

TÌNH THƯƠNG THÊM THẮM THIẾT…

1Tx:
3 12 Thưa anh em, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. 13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người. Amen.
4 1 Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế ; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. 2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.
Beloved,
may the Lord make you increase and abound in love for one another and for all, just as we have for you, so as to strengthen your hearts, to be blameless in holiness before our God and Father at the coming of our Lord Jesus with all his holy ones. Amen.
Brothers and sisters, we earnestly ask and exhort you in the Lord Jesus that, as you received from us
how you should conduct yourselves to please God– and as you are conducting yourselves– you do so even more.
For you know what instructions we gave you through the Lord Jesus.
Đọc tiếp »

THỨC DẬY…

Rm 13:
11 Thưa anh em, anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. 12 Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. 13 Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày : không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. 14 Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng.
Brothers and sisters: You know the time; it is the hour now for you to awake from sleep. For our salvation is nearer now than when we first believed; the night is advanced, the day is at hand. Let us then throw off the works of darkness (and) put on the armor of light; let us conduct ourselves properly as in the day, not in orgies and drunkenness, not in promiscuity and licentiousness, not in rivalry and jealousy. But put on the Lord Jesus Christ.
Đọc tiếp »

Mt 4:

18 Khi ấy, Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
As Jesus was walking by the Sea of Galilee, he saw two brothers, Simon who is called Peter, and his brother Andrew, casting a net into the sea; they were fishermen. He said to them, "Come after me, and I will make you fishers of men." At once they left their nets and followed him. He walked along from there and saw two other brothers, James, the son of Zebedee, and his brother John. They were in a boat, with their father Zebedee, mending their nets. He called them, and immediately they left their boat and their father and followed him.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ





Đọc tiếp »

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Rm 13,11b-12

Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu.
Lời nguyện Chúa Nhật I Mùa Vọng :
Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con, hằng quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian, nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

PHỤC SINH-SỐNG LẠI (GIÁO LÝ CÔNG GIÁO) (28/11/2021)


Mùa Vọng mà nói phục sinh không phải “lộn mùa”, hay “trái mùa”, nhưng nối tiếp bài giáo lý trong thời đại dịch cho phép viếng nghĩa trang lãnh ơn toàn xá cả tháng 11…
Ta đã tìm hiểu thân phận con người cao quí nhưng yếu đuối, tội lỗi và phải chết. Nhưng ta không chỉ là xác hư nát trở về bụi tro, mà có linh hồn bất tử Chúa trực tiếp ban cho, ta có yếu tố trường tồn, vĩnh hằng… con người tồn tại mãi dù đã chết, và tận thế, toàn bộ con người sẽ phục sinh. GIÁO LÝ CÔNG GIÁO dạy :
997 :
“Phục sinh" là gì ? Khi chết, hồn lìa khỏi xác, thân xác con người lâm cảnh hư nát trong khi linh hồn đến gặp Thiên Chúa, nhưng trong tình trạng chờ đợi được tái hợp với thân xác vinh quang. Thiên Chúa toàn năng sẽ làm cho thân xác chúng ta vĩnh viễn không còn hư nát nữa, khi hợp nhất nó với linh hồn nhờ hiệu năng của Chúa Giê-su Phục Sinh.
998 :
Ai sẽ phục sinh ? Mọi người đã chết đều sẽ phục sinh : "Ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5, 29; x. Ðn 12, 2).
999 :
Phục sinh thế nào ? Ðức Ki-tô đã phục sinh với chính thân xác mình : "Hãy nhìn chân tay Thầy coi : đúng là Thầy đây mà" (Lc 24, 39). Nhưng Người không trở về với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, mọi người sẽ sống lại với thân xác của mình, thân xác họ đang có bây giờ " (x. Cđ Latran IV: DS 801), nhưng thân xác đó "sẽ biến đổi thành thân xác vinh hiển" (Pl 3, 21), thành "thân xác có thần khí" (1 Cr 15, 44) : Có người thắc mắc : Kẻ chết sống lại như thế nào? Họ lấy thân hình nào mà trở về ? Ðồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là thân hình sẽ mọc lên nhưng là một hạt trơ trụi… Khi gieo xuống là thân xác hư nát, mà khi sống lại thì bất diệt... những kẻ chết sẽ sống lại mà không còn hư nát... Vì cái thân phải hư nát này cần phải mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này cần phải mặc lấy sự bất tử (x. l Cr 15, 35-37. 42, 42-53).
1000 :
“Thân xác con người phục sinh như thế nào" là điều vượt quá sức tưởng tượng và hiểu biết của chúng ta. Chúng ta chỉ hiểu được trong đức tin. Dầu vậy, khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta được nếm trước việc thân xác chúng ta được biến đổi nhờ Ðức Ki-tô : Bánh là hoa mầu ruộng đất, nhưng sau khi đã kêu cầu Thiên Chúa, không còn là bánh thường nữa mà trở thành Mình Thánh Chúa, gồm cả hai thực tại trần thế và thượng giới. Cũng vậy, khi con người rước Mình Thánh Chúa, thân xác sẽ không phải hư nát vì mang trong mình hạt giống phục sinh (x Irênê, chống lạc giáo 4, 18, 4-5).
1001 :
Bao giờ kẻ chết sống lại ? Mọi người sẽ sống lại (x. Ga 6, 39-40, 44. 54;11, 24) "vào ngày sau hết", "ngày tận thế"(x. LG 48). Ngày kẻ chết sống lại chính là ngày Ðức Ki-tô quang lâm :
"Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời xuống và những kẻ chết trong Ðức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên" (lTx 4, 16).
1002 :
Ðức Ki-tô sẽ cho chúng ta sống lại "ngày sau hết" nhưng có thể nói, chúng ta đã phục sinh với Ðức Ki-tô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, cuộc đời Ki-tô hữu đã dự phần vào cái chết và sự Phục Sinh của Ðức Ki-tô ngay từ đời này : “Anh em đã được mai táng cùng với Ðức Ki-tô, khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, bởi anh em đã tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ðấng làm cho Người sống lại từ kẻ chết… Vậy bởi anh em đã sống lại cùng với Ðức Ki-tô, thì anh em hãy tìm kiếm những gì trên trời, nơi Ðức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 2, 12; 3, 1).
1003 :
Ðược kết hiệp với Ðức Ki-tô nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu thật sự tham dự vào đời sống trên trời của Ðức Ki-tô Phục Sinh (x. Pl 3, 20), nhưng sự sống này còn "ẩn tàng với Ðức Ki-tô trong Thiên Chúa" (Cl 3, 3). "Thiên Chúa đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Ðức Ki-tô trên cõi trời" (Ep 2, 6). Ðược nuôi dưỡng bằng Mình Máu Ðức Ki-tô, chúng ta đã thuộc về Thân Thể Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, chúng ta sẽ "xuất hiện với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang" (Cl 3, 4).
1004 :
Trong khi chờ đợi ngày ấy, xác và hồn của tín hữu đã được vinh dự "thuộc về Ðức Ki-tô". Vì thế, phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của kẻ khác, nhất là khi thân xác phải chịu đau đớn : Thân xác là để phụng sự Thiên Chúa vì Chúa là chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Ðức Ki-tô sống lại, cũng sẽ cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết thân xác anh em là chi thể của Ðức Ki-tô sao ? ... Anh em đâu còn thuộc về mình nữa… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em (x. l Cr 6, 13-15. 19-20).
1005 :
Muốn được phục sinh với Ðức Ki-tô, chúng ta phải cùng chết với Người, ta phải "lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa" (2 Cr 5,8) Chết là "ra đi" (Pl 1, 23), hồn lìa khỏi xác. Hồn sẽ họp lại với xác trong ngày kẻ chết sống lại (x. SPF 28).
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2021

DỊCH BỆNH, ĐAU BUỒN… CỨ HÁT HALLELUIA


Trích bài giảng của thánh Âu-tinh, giám mục:
“Trên cõi đời này, dẫu còn phải âu lo, chúng ta hãy cứ hát lên Ha-lê-lui-a, để một ngày kia khi được yên ổn nơi cõi phúc, chúng ta vẫn có thể hát lên lời này.
Tại sao ở đời này ta phải âu lo ? Tôi đọc thấy thế này : Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời thử thách sao, mà bạn lại bảo tôi đừng lo lắng ư ? Tôi nghe dạy thế này : Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ, mà bạn lại bảo tôi đừng lo lắng ư ? Cám dỗ quá nhiều, đến nỗi Chúa phải truyền dạy chúng ta cầu nguyện thế này : Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con, mà bạn lại bảo tôi đừng lo lắng ư ?
Ngày ngày phải cầu xin, vì ngày ngày ta mắc tội. Ngày ngày tôi phải xin tha tội, xin cứu nguy, mà bạn lại bảo tôi cứ yên lòng yên trí sao ? Thật vậy, vừa nhắc đến tội lỗi đã phạm : Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con, tôi đã phải nghĩ ngay đến hiểm nguy sắp tới và thêm : Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Dân hạnh phúc làm sao được khi còn phải cùng tôi kêu cầu : Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ.
Tuy vậy, thưa anh em, ngay khi gặp sự dữ như thế, chúng ta cũng cứ hát Ha-lê-lui-a mừng Thiên Chúa nhân lành là Đấng cứu chúng ta khỏi sự dữ. Chúng ta hãy cứ hát Ha-lê-lui-a cùng với mọi người, dầu đang gặp hiểm nguy, dầu đang chịu cám dỗ. Thánh Phao-lô nói : Thiên Chúa là Đấng trung tín : Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức. Vậy giờ đây, chúng ta hãy hát Ha-lê-lui-a.
Bây giờ, con người mắc tội, nhưng Thiên Chúa trung tín. Thánh Tông Đồ không bảo là Thiên Chúa không để anh em bị thử thách, mà nói : Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức. Nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho lối thoát, để anh em có sức chịu đựng. Bạn gặp thử thách, nhưng Thiên Chúa sẽ cho lối thoát để bạn khỏi quỵ ngã trong thử thách. Như chiếc bình trong tay thợ gốm, bạn được lời giảng dạy nắn đúc và được gian truân tôi luyện. Nhưng khi gặp thử thách, bạn hãy nhớ là mình có lối thoát, vì Thiên Chúa trung tín : Người gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới…” (Halleluia : Chúc tụng Chúa)
Đọc tiếp »

MỤC VỤ THÁNG 12 GIÁO XỨ CÙ MI: Xin Thánh Thần đổi mới chúng con sống năm phụng vụ mới…


Đọc tiếp »

Thánh Gioan Kim Khẩu:

"Bao lâu là chiên, bấy lâu ta thắng. Cho dù vô số sói dữ vây quanh, ta vẫn thắng. Nhưng nếu là sói, ta sẽ thua : vì không còn được Đấng Chăn Chiên trợ giúp. Thật vậy, Chúa không chăn sói, chỉ chăn chiên. Người sẽ bỏ rơi và xa lánh bạn, vì bạn không để cho Người bày tỏ quyền năng.
Người muốn nói thế này : Khi sai anh em đi giữa sói rừng, Thầy truyền cho anh em hãy nên như chiên, và như bồ câu. Thầy đã có thể làm ngược lại, không sai anh em đi để gặp phải điều dữ, cũng không nộp anh em như nộp chiên cho sói, nhưng có thể làm cho anh em nên hùng mạnh hơn sư tử..." (Thánh Gioan Kim Khẩu)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG và GIÁNG SINH của ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

Đọc tiếp »

TÔI CHỊU GIAN TRUÂN ĐỂ ANH EM CHÁY LỬA MẾN CHÚA...


Trích thư của thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh gửi các chủng sinh chủng viện Kẻ Vĩnh năm 1843 :
"Tôi là Phao-lô, đang bị xiềng xích vì Đức Ki-tô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi dâng lời ca ngợi Thiên Chúa : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời : ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn phiền, cả ruồi muỗi rận rệp.
Nhưng Đấng đã giải thoát ba người thanh niên khỏi ngọn lửa bừng bừng vẫn luôn ở cùng tôi ; Người cũng đã giải thoát tôi khỏi những sự khốn khó này bằng cách làm cho trở nên ngọt ngào : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. Người là Thầy của chúng ta, Người mang tất cả sức nặng của thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất. Người không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính Người đang chiến đấu và chiến thắng. Vì thế, triều thiên vinh quang đã được đặt trên đầu Người, nhưng chi thể cũng được hân hoan vì vinh quang của đầu..."
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Thánh Gioan Phaolô II, giảng lễ phong thánh TĐVN, 19/06/1988 :



“... Tôi chào tất cả các anh em Giám Mục, cũng như Giáo dân của Tây Ban Nha, Pháp quốc và Phi Luật Tân, những xứ sở mà trong suốt ba thế kỷ đã góp phần vào việc truyền giáo tại Việt Nam. Tất cả tuôn về Rôma hôm nay để tưởng niệm những người anh em trước kia là Thừa Sai xuất xứ từ ba quốc gia này.
Một tư tưởng ưu ái xin gửi tới các Linh Mục Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Đức Mẹ Mân Côi đã thành lập từ bốn thế kỷ, và Hội Thừa Sai Paris đã cống hiến một số đông đảo Giám Mục và Linh Mục, mà hôm nay chúng ta sùng kính như những vị Tử Đạo vì Đức Tin, vì đã rao giảng lời Chúa.
Một cách đặc biệt cha gửi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là thành phần Giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: Mỹ Châu, Á Châu, Úc Châu và Âu Châu tuôn về địa điểm này. Cha biết rằng các con đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm nhu cầu đứng chung quanh các vị Thánh - để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương mến hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này các con hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt các con cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng.
Lên tiếng với các con để hô vang Chúa Kitô tử nạn Thập Giá. Tất cả chúng ta hôm nay gởi lời cám ơn các con vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam các con đã nêu cao, bất cứ các Ngài là con dân Việt Nam, hay là những vị Thừa Sai xuất xứ từng những nước đã in sâu mầm mống Đức Tin Chúa Kitô.
Làm sao kể lại cho hết ? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh Agnès Lê Thị Thành mẹ của sáu người con.
Truyền thống còn ghi nhớ truyền thống chết vì Đạo của Giáo Hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa được truyền Đạo, Giáo Hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt ba thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo Hội Âu Châu xưa. Từng ngàn giáo dân Tử Đạo, từng trăm ngàn người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc!
...
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em, Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kính nể tha nhân, yêu thương anh em, kính yêu Thiên Chúa cũng như tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (I Pet. 2, 13-17). Do đó công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có Đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng, như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân...”
Đọc tiếp »

MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 24/11-Lễ Trọng








Đọc tiếp »

CẦU NGUYỆN NƠI BỨC TƯỜNG THAN KHÓC (ISRAEL)


Lời Chúa hôm nay, thứ ba tuần cuối (34 TN) diễn tả Chúa Giêsu nhìn xuyên qua vẻ đẹp lộng lẫy, hoành tráng, nguy nga của đền thờ Giêrusalem, và thấy trước cảnh điêu tàn đổ nát của nó : “Khi ấy, nhân có mấy người nói về Đền Thờ lộng lẫy nguy nga với những phiến đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giê-su bảo : “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” (Lc 21, 5-6)…
Lạy Chúa, giữa đại dịch này, chúng con rất cần “ơn tiên tri” để thấy được những đớn đau, tang thương, chết chóc… xuyên qua bức màn “xanh” an toàn, nhộn nhịp, thịnh vượng… hầu luôn cảnh giác ngăn ngừa, đừng cho nó xảy ra… và không bất ngờ, tuyệt vọng nếu chẳng may nó đến…
Tạ ơn Chúa năm 2014 con đã đến đặt tay, úp mặt vào tường, cầu nguyện nơi bức tường than khóc của thành Giêrusalem, nơi Chúa đã khóc thương thành, như các Đức giáo hoàng, các tổng thống và hàng trăm triệu người… hiệp nhau cầu nguyện cho thế giới, sớm chấm dứt cảnh chiến tranh, dịch bệnh, điêu tàn, tan thương… xây dựng nền văn minh tình thương…
Đọc tiếp »

CẦU NGUYỆN KHI BỒN CHỒN... (ĐTC Phanxicô, 18/11/2020)


“... Cầu nguyện là cách làm dịu những bồn chồn. Chúng ta bồn chồn, luôn muốn có những sự vật trước khi yêu cầu được chúng, và chúng ta muốn có ngay. Sự bồn chồn này làm hại chúng ta. Và việc cầu nguyện biết cách làm dịu sự bồn chồn, biết cách biến nó thành sự sẵn sàng. Khi bồn chồn, tôi cầu nguyện và lời cầu nguyện mở trái tim tôi ra và khiến tôi cởi mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi của Biến cố Truyền Tin, Đức Trinh Nữ Maria biết cách bác bỏ sự sợ hãi, ngay cả khi cảm thấy lời “xin vâng” của mình sẽ mang đến cho mình những thử thách vô cùng khó khăn. Nếu trong việc cầu nguyện, chúng ta hiểu rằng mỗi ngày Thiên Chúa ban là một lời mời gọi, thì trái tim chúng ta sẽ mở rộng ra và chúng ta sẽ chấp nhận mọi sự. Chúng ta sẽ học cách nói: “Chúa muốn gì, lạy Chúa. Chỉ cần Chúa hứa với con rằng Chúa sẽ có mặt trên mỗi bước đường con đi”. Điều này rất quan trọng: cầu xin Chúa hiện diện trên mọi bước đường ta đi: để Người không bỏ rơi chúng ta một mình, để Người không bỏ rơi chúng ta trong cơn cám dỗ, để Người không bỏ rơi chúng ta trong những giờ phút tồi tệ. Kinh Lạy Cha kết thúc thế này: Ơn thánh mà chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta là cầu xin Chúa...” (ĐTC Phanxicô, 18/11/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

BỆNH, DỊCH…


Không biết có ai không bệnh không, nhưng tôi và nhiều người bị nó đeo bám hằng ngày. Nay dịch tràn lan, có khi quê hương Bình Thuận vượt quá 1000 ca trong ngày, chỉ đứng sau Sàigòn, nhiều giáo dân và người thân cũng nhiễm dịch bệnh…
GIÁO LÝ CÔNG GIÁO nói về bệnh tật giúp ta cảm thấu phận mình và cảm thông nỗi thống khổ của các bệnh nhân… Xin Chúa giúp ta được thanh luyện từ dịch bệnh, không ngã lòng nhưng vững tin, tha thiết khẩn cầu Chúa Giêsu, là vua nhân hậu và là lương y chữa lành chúng ta và thế giới :
1500 :
Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và sự hữu hạn của mình. Bệnh tật khiến con người ý thức về cái chết nhiều hơn.
1501 :
Bệnh tật có thể làm cho con người xao xuyến, yếm thế, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng cũng có thể làm cho con người chín chắn hơn, giúp họ nhận ra những điều phụ thuộc trong cuộc sống để biết quay về với những điều chính yếu. Thường bệnh tật hối thúc con người tìm kiếm Thiên Chúa và quay về với Người.
1502 :
Cựu Ước nhìn bệnh tật trong tương quan với Thiên Chúa. Con người than thở với Chúa về bệnh tật (x. Tv 38) và xin Người cứu chữa, vì Người là Chúa sự sống và sự chết (x. Tv 6,3; Is 38). Bệnh tật trở thành con đường hoán cải và Thiên Chúa có tha thì bệnh mới lành (x. Tv 32,5; 107,20; Mc 2, 5-12). Dân Ít-ra-en có kinh nghiệm rằng bệnh tật liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ; trung thành giữ luật Chúa sẽ được Người hoàn lại sự sống, "vì Ta là Chúa, là Lương Y của ngươi" (Xh 15,26). Ngôn sứ I-sai-a tin rằng đau khổ cũng có giá trị chuộc tội cho kẻ khác (x Is 53,11). Ông loan báo Thiên Chúa sẽ ban cho Xi-on một thời đại, lúc đó Người sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành mọi bệnh tật (x. Is 33,34).
1503 :
Ðức Ki-tô cảm thương người bệnh tật và chữa lành nhiều kẻ yếu đau (x. Mt 7,24): đó là dấu chỉ tỏ tường Thiên Chúa viếng thăm Dân Người (Lc 7,16) và Nước Trời đã gần kề. Ðức Giê-su không những có quyền chữa bệnh nhưng còn có quyền tha tội (x. Mc 2,5-12): Người đến chữa lành con người, cả hồn lẫn xác; Người là Lương Y mà các bệnh nhân cần đến (x. Mc 2,17). Người cảm thương mọi bệnh nhân đến nỗi đồng hóa với họ : "Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom" (Mt 25,36). Lòng yêu thương Ðức Ki-tô dành cho những người đau yếu luôn thôi thúc các tín hữu đón nhận tất cả những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tình yêu này là nguồn mọi cố gắng không ngừng để nâng đỡ những anh em đau khổ.
1504 :
Ðức Giê-su thường đòi các bệnh nhân phải tin (x. Mc 5,34; 9,23). Người dùng những dấu bề ngoài để chữa bệnh : nước miếng và việc đặt tay (x. Mc 7, 32-36; 8,22-25), bùn đất và rửa sạch (x. Ga 9,6tt). Các bệnh nhân tìm cách chạm đến Chúa (x. Mc 1,41; 3,10; 6,56), "vì có một năng lực tự nơi Người phát ra chữa tất cả mọi người" (Lc 6,19). Trong các bí tích, Ðức Ki-tô tiếp tục "chạm" đến để chữa lành chúng ta.
1505 :
Xúc động trước bao cảnh khổ đau, Ðức Giê-su không những để cho bệnh nhân chạm đến Người nhưng còn nhận lấy đau khổ của họ làm của mình : "Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta" (x. Mt 8,17; Is 53,4). Tuy nhiên, Người đã không chữa mọi bệnh nhân. Việc Người chữa lành là dấu chỉ Nước Trời đang đến, loan báo việc chữa lành tận căn : đó là toàn thắng trên tội lỗi và cái chết nhờ cuộc Vượt Qua của Người. Trên thập giá, Ðức Ki-tô đã mang lấy tất cả mọi gánh nặng của sự dữ. Người "xóa tội trần gian" (Ga 1,29) mà bệnh tật chỉ là một hậu quả. Khi chịu nạn và chịu chết trên thánh giá, Ðức Ki-tô đã đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ : đau khổ giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô và liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn cứu độ của Người.
Đọc tiếp »

CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ


Hôm nay lễ Chúa Kitô là Vua vũ trụ, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, cử hành Thánh Lễ trong “vùng vàng” theo qui định chỉ có 10 người, dù có 4 người hát lễ, vẫn còn hai thừa tác viên đọc sách… nhưng bầu khí âm thầm lạ thường trong ngày tôn vinh Vua cả trời đất.
Sau lễ cầu nguyện với kinh thần vụ sáng, tự nhiên nhớ lại lần lên núi kính viếng tượng Chúa Kitô Vua nổi tiếng thế giới ở Brazil trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (World Youth Day-28th) 2013 tại Rio de Janeiro… chuyến đi dài nhất, rất quí vì lần đầu đồng tế với ĐTC, các GM và LM khắp nơi trên thế giới… chắc không thể đến đó lần 2 !
Lạy Vua muôn vua, chỉ có Ngài mới giải thoát chúng con khỏi dịch bệnh này !


Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.