Ads 468x60px

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2020

Tv 23:

Ai được lên núi Chúa ?

Ai được ở trong đền thánh của Người ?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng.
Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người,
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
Who can ascend the mountain of the LORD?
or who may stand in his holy place?
One whose hands are sinless, whose heart is clean,
who desires not what is vain.
He shall receive a blessing from the LORD,
a reward from God his savior.
Such is the race that seeks for him,
that seeks the face of the God of Jacob.
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

CẦU NGUYỆN CHO NHAU (ĐTC Phanxicô, 16/12/2030)


“... Trái tim con người hướng về việc cầu nguyện. Điều này hoàn toàn nhân bản. Ai không yêu thương anh chị em mình thì không cầu nguyện nghiêm túc. Ai đó có thể nói: người ta không thể cầu nguyện khi chìm đắm trong hận thù; người ta không thể cầu nguyện khi chìm đắm trong sự dửng dưng. Lời cầu nguyện chỉ được dâng lên trong tinh thần yêu thương. Những người không yêu chỉ giả vờ cầu nguyện, họ tin họ đang cầu nguyện, nhưng họ không cầu nguyện vì họ thiếu tinh thần thích hợp, đó là tình yêu. Trong Giáo hội, những người quen với nỗi buồn và niềm vui của người khác đào sâu hơn những người điều tra “hệ thống chủ yếu” của thế giới. Vì thế, kinh nghiệm của con người hiện diện trong mọi lời cầu nguyện, vì bất kể người ta có thể đã phạm phải những lỗi lầm nào, họ không bao giờ bị bác bỏ hoặc bị gạt sang một bên.

Khi các tín hữu, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, cầu nguyện cho những người tội lỗi, họ không được lựa chọn, không được phán xét hay lên án ai: họ cầu nguyện cho tất cả mọi người. Và họ cầu nguyện cho chính họ. Lúc đó, họ biết rằng họ không khác những người được họ cầu nguyện cho. Họ nhận ra mình là những kẻ tội lỗi giữa những kẻ tội lỗi và họ cầu nguyện cho mọi người. Bài học của dụ ngôn người Pharisiêu và người thu thuế luôn sống động và có liên quan (xem Lc 18: 9-14): chúng ta không tốt hơn ai hết, tất cả chúng ta đều là anh chị em, những người mang thân phận mong manh, đau khổ và tội lỗi chung.
...
Thế giới tiếp tục tiến bước nhờ vào chuỗi những người cầu nguyện này, những người chuyển cầu, và là những người phần lớn không được biết đến, nhưng Thiên Chúa biết đến! Trong tất cả các chi thể của mình, Giáo Hội có sứ mạng thực hành lối cầu nguyện chuyển cầu: chuyển cầu cho người khác. Điều này đặc biệt đúng đối với những người thực thi các vai trò trách nhiệm: cha mẹ, giáo viên, thừa tác viên thụ phong, cấp trên của các cộng đồng… Giống như Ápraham và Môsê, đôi khi họ phải “bênh vực” dân đã được giao phó cho họ trước mặt Thiên Chúa. Trên thực tế, chúng ta đang nói về việc bảo vệ họ bằng đôi mắt và trái tim của Thiên Chúa, bằng lòng từ bi và sự dịu dàng bách chiến bách thắng của Người. Cầu nguyện cho người khác một cách âu yếm.
Thưa anh chị em, chúng ta đều là những chiếc lá trên cùng một thân cây: mỗi chiếc rơi xuống nhắc nhở chúng ta về lòng đạo đức cao cả cần được nuôi dưỡng trong lời cầu nguyện, cho nhau. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau. Nó sẽ mang lại điều tốt cho chúng ta và cho mọi người. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 16/12/2030)
Đọc tiếp »

NGÀY 19-12

Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (7)


Bảy lời nguyện xin

2803
Sau khi đã đặt mình trước tôn nhan Thiên Chúa là Cha để thờ lạy, yêu mến và chúc tụng Người, Thần Khí Nghĩa Tử khơi lên trong lòng chúng ta bảy lời nguyện xin, bảy lời chúc tụng. Ba lời đầu tiên, trực tiếp hướng về Thiên Chúa hơn, hướng lòng ta đến Vinh Quang Thiên Chúa. Bốn lời sau, như những con đường đến với Thiên Chúa, xin Người nhìn đến thân phận khốn cùng của chúng ta mà ban Ân Phúc. "Kìa vực thẳm kêu gào vực thẳm,... Chúa quên con sao đành?" (Tv 42,8-10).
2804
Ba lời nguyện đầu tiên hướng chúng ta về Thiên Chúa và vì Thiên Chúa : Danh Cha, Nước Cha, Ý Cha. Đặc tính của tình yêu là trước hết nghĩ đến người mình yêu. Ba lời nguyện này, không nói gì đến chúng ta; nhưng chúng ta bị lôi cuốn theo lòng "khát khao mong mỏi" "đến khắc khoải" của Chúa Con vì lo cho Vinh Quang của Cha Người : "nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện..." Ba lời nguyện này được Thiên Chúa nhận lời trong hy tế cứu độ của Đức Ki-tô; nhưng từ nay, những lời nguyện này chứa chan hy vọng, còn đang hướng về ngày thực hiện chung cuộc, bao lâu Thiên Chúa chưa hoàn tất chương trình cứu độ của Người (1Cr15,28).
2805
Bốn lời cầu xin sau đó diễn ra giống như trong một số lời nguyện "xin ban Thánh Thần" trong thánh lễ: Chúng ta dâng lên những hy vọng của mình và mong được Thiên Chúa là Cha Đầy Lòng Thương Xót nhìn đến. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời này, xin cho chính mình, ở đời này trong hiện tại "xin cho chúng con... xin tha nợ cho chúng con... xin chớ để chúng con... xin cứu chúng con..." Lời xin thứ tư và thứ năm liên quan đến cuộc sống thực tế của ta : xin lương thực và xin tha tội. Với hai lời cầu xin cuối, chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa giúp sức trong cuộc chiến để Sự Sống chiến thắng, đây cũng là cuộc chiến trong cầu nguyện.
2806
Nhờ ba lời nguyện đầu tiên, chúng ta được củng cố đức tin, tràn đầy đức cậy và nung nóng đức mến. Chẳng những là thụ tạo mà còn là tội nhân, chúng ta phải khẩn cầu cho chúng ta, cho toàn thể nhân loại trong thế giới và lịch sử. Chúng ta dâng tất cả cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Vì chính nhờ Danh Đức Ki-tô và triều đại của Thánh Thần Người, Chúa Cha hoàn thành kế hoạch cứu độ của Người, cho chúng ta và cho toàn thế giới
Đọc tiếp »

Mt 1:

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.

This is how the birth of Jesus Christ came about. When his mother Mary was betrothed to Joseph, but before they lived together, she was found with child through the Holy Spirit. Joseph her husband, since he was a righteous man, yet unwilling to expose her to shame, decided to divorce her quietly. Such was his intention when, behold, the angel of the Lord appeared to him in a dream and said, "Joseph, son of David, do not be afraid to take Mary your wife into your home. For it is through the holy Spirit that this child has been conceived in her. She will bear a son and you are to name him Jesus, because he will save his people from their sins." All this took place to fulfill what the Lord had said through the prophet: Behold, the virgin shall be with child and bear a son, and they shall name him Emmanuel, which means "God is with us." When Joseph awoke, he did as the angel of the Lord had commanded him and took his wife into his home.
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

NGÀY 18-12

Đọc tiếp »

NGƯỜI CẦU NGUYỆN LÀ “ăng-ten” GIÚP MỌI NGƯỜI KẾT NỐI VỚI CHÚA...


“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Những người cầu nguyện không bao giờ quay lưng lại với thế giới. Nếu không tiếp nhận các niềm vui và nỗi buồn, hy vọng và lo lắng của con người, lời cầu nguyện trở thành một hoạt động “trang trí”, một cách hành xử hời hợt, đóng kịch, đơn độc. Tất cả chúng ta đều cần có nội tâm tính: rút lui vào một không gian và một thời gian dành riêng cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Nhưng điều này không có nghĩa chúng ta trốn tránh thực tại. Trong lời cầu nguyện, Thiên Chúa “tiếp nhận chúng ta, ban phước cho chúng ta, rồi bẻ bánh và ban cho chúng ta”, để thỏa mãn cơn đói của mọi người. Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi trở nên bánh ăn, được bẻ ra và chia sẻ trong bàn tay Thiên Chúa. Đó là, đó là lời cầu nguyện cụ thể, đó không phải là một việc trốn tránh.
Vì vậy, những người nam nữ cầu nguyện tìm kiếm sự thanh vắng và im lặng, không phải để khỏi bị quấy rầy, nhưng để lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa cách tốt hơn. Đôi khi họ rút lui hoàn toàn khỏi thế giới, trong cảnh bí mật của căn phòng riêng của họ, như Chúa Giêsu vốn khuyến cáo (x. Mt 6, 6). Nhưng dù ở đâu, họ vẫn luôn giữ cho cánh cửa tâm hồn họ rộng mở: cánh cửa rộng mở cho những ai cầu nguyện mà không biết phải cầu nguyện ra sao; cho những người không cầu nguyện gì cả nhưng mang trong mình một tiếng kêu ngột ngạt, một lời khẩn cầu tiềm ẩn; cho những người lầm đường lạc lối… Bất cứ ai gõ cửa người cầu nguyện đều thấy một tấm lòng nhân ái không loại trừ một ai. Lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim và tiếng nói của chúng ta, sẽ mang trái tim và tiếng nói lại cho rất nhiều người không biết cách cầu nguyện, hoặc không muốn cầu nguyện, hay không thể cầu nguyện: chúng ta như những người chuyển cầu, là trái tim và tiếng nói của những người này, gúp họ vươn lên tới Chúa Giêsu, vươn lên tới Chúa Cha. Trong cảnh yên tĩnh của những người cầu nguyện, cho dù sự yên tĩnh này kéo dài một thời gian lâu hay chỉ nửa giờ, để cầu nguyện, những người cầu nguyện tách mình ra khỏi mọi sự và khỏi mọi người để tìm thấy mọi sự và mọi người trong Thiên Chúa. Những người này cầu nguyện cho cả thế giới, gánh trên vai những nỗi buồn và tội lỗi của họ. Họ cầu nguyện cho mỗi người và mọi người: họ giống như những chiếc “ăng-ten” của Thiên Chúa trong thế giới này. Người cầu nguyện nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô nơi mọi người nghèo đến gõ cửa, nơi mọi người đã đánh mất ý nghĩa của sự vật. Trong Sách Giáo Lý chúng ta đọc: “việc chuyển cầu, tức cầu xin cho người khác (…) là đặc điểm của một tấm lòng cùng rung nhịp với lòng thương xót của Thiên Chúa”. Điều này thật đẹp đẽ.
Khi cầu nguyện, chúng ta cùng rung nhịp với lòng thương xót của Thiên Chúa; có lòng thương xót đối với tội lỗi của chúng ta, thương xót với chính chúng ta, nhưng cũng thương xót với tất cả những người đã yêu cầu được cầu nguyện, những người mà chúng ta muốn cầu nguyện cho cùng nhịp với trái tim của Thiên Chúa. Đây là lời cầu nguyện đích thực: cùng nhịp với lòng thương xót của Thiên Chúa, với trái tim thương xót của Người. “Trong thời đại của Giáo hội, sự chuyển cầu của Kitô hữu tham dự vào sự chuyển cầu của Chúa Kitô, như một biểu thức của sự hiệp thông các thánh” (n. 2635). Tham dự vào sự chuyển cầu của Chúa Kitô nghĩa là gì? Khi tôi chuyển cầu cho ai đó hoặc cầu nguyện cho ai đó: thì Chúa Kitô ở trước mặt Chúa Cha, Người là Đấng chuyển cầu, Người cầu nguyện cho chúng ta, Người cầu nguyện, cho Chúa Cha thấy những vết thương trên tay của Người, thì Chúa Giêsu hiện diện trước mặt Chúa Cha với nhiệm thể của Người. Và Chúa Giêsu là người chuyển cầu của chúng ta và cầu nguyện là giống như Chúa Giêsu một chút: chuyển cầu trong Chúa Giêsu cùng Chúa Cha, cho những người khác. Điều này rất đẹp đẽ...” (ĐTC Phanxicô, 16/12/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

NGÀY 17-12


 

Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (6)


2794

"Ở TRÊN TRỜI"
Khi gọi Thiên Chúa là "Đấng ngự trên trời", Thánh Kinh không muốn nói Người đang ở một nơi nào đó trong không gian, nhưng nói đến một cách hiện hữu; không muốn nói Người ở xa ta, nhưng muốn nói Người rất uy nghi cao cả. Thiên Chúa không ở một nơi nào đó, nhưng Người là Đấng Thánh vượt trên mọi sự chúng ta có thể quan niệm. Vì Người là Đấng Chí Thánh, nên rất gần gũi với những tâm hồn khiêm cung và thống hối :
Thật có lý khi ta hiểu "Lạy Cha chúng con ở trên trời" là Người hiện diện nơi tâm hồn những người công chính, như trong đền thờ của Người. Câu kinh đó cũng có nghĩa là người cầu nguyện ước mong Đấng mình kêu cầu ngự trong lòng mình (T. Âu-tinh, Bài giảng Chúa nhật 2,5,17 ) .
"Ở đây, chúng ta có thể hiểu "trời" là những ai mang hình ảnh thiên quốc, Thiên Chúa vui thích cư ngụ nơi tâm hồn họ" (T. Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem 5,11).
2795
Biểu tượng "trời" nhắc chúng ta nhớ đến mầu nhiệm Giao Ước chúng ta đang sống, khi đọc kinh "Lạy Cha". Trời là nơi Thiên Chúa ngự, là Nhà Cha, nên là "quê hương" của ta. Vì tội lỗi, chúng ta bị lưu đày xa miền đất Giao Ước; nhờ hoán cải tâm hồn, chúng ta được về "trời", về cùng Cha. trong Đức Ki-tô, trời đất được giao hòa, vì chỉ Chúa Con là Đấng "từ trời xuống thế" và đưa chúng ta lên trời với Người, nhờ cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Thăng Thiên (x. Ga 12,32; 14,2-3; 16,28;20,17; Eph 4,9-10; Dt 1,3; 2,13).
2796
Khi kêu cầu "Lạy Cha chúng con ở trên trời", Hội Thánh tuyên xưng : chúng ta là Dân Thiên Chúa, "đã được cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời" (Eph 2,6), "hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa"(Cl 3,3), đồng thời, "chúng ta rên siết là vì những ước mong được thấy ngôi nhà thiên quốc của chúng ta phủ lên chiếc lều ở dưới đất này"(2 Cr 5,2):
"Các tín hữu có xác phàm, nhưng không sống theo xác phàm. Họ sống trên dương thế, nhưng là công dân Nước Trời" (Epitre á Diognète 5, 8-9).
2797
Chúng ta phải đọc kinh Lạy Cha với lòng tin tưởng đơn sơ và trung thành, khiêm tốn và vui mừng phó thác nơi Thiên Chúa.
2798
Chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là "Cha", vì Con Thiên Chúa làm người đã dạy chúng ta như thế. Trong Đức Ki-tô, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Người và được nhận là con Thiên Chúa.
2799
Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, đồng thời chúng ta được biết thiên chức của mình (GS 22,1).
2800
Khi đọc kinh "Lạy Cha", chúng ta phải ước muốn được nên giống Thiên Chúa, và phải có lòng khiêm tốn và tin tưởng.2801
Khi đọc Lạy Cha "của chúng con", chúng ta nhắc đến Giao Ước Mới trong Đức Giê-su Ki-tô, sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu Thiên Chúa bao trùm cả thế giới nhờ Hội Thánh.
2802
Khi gọi Thiên Chúa là Đấng "ở trên trời", chúng ta không nghĩ rằng Người đang ở một nơi nào đó, nhưng muốn nói Người rất uy nghi cao cả và đang hiện diện nơi tâm hồn những người công chính. "Trời" là Nhà Cha, là quê hương đích thực, nơi chúng ta hy vọng sẽ tới và hiện nay chúng ta đã là thành viên.
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

KINH LẠY CHA (5)


2786

"LẠY CHA "CHÚNG CON"
Khi gọi Thiên Chúa là Cha "của chúng ta", chúng ta không nghĩ rằng mình chiếm hữu được Thiên Chúa, nhưng có một tương quan mới mẻ với Người.
2787
Khi gọi Thiên Chúa là Cha "của chúng ta", trước hết chúng ta nhìn nhận rằng mọi lời Thiên Chúa yêu thương hứa qua các ngôn sứ đã được thực hiện nơi Đức Ki-tô trong Giao ước Mới và Vĩnh cữu : Chúng ta đã trở thành Dân "của Người" và từ nay Người là Thiên Chúa "của chúng ta". Thiên Chúa và chúng ta thuộc về nhau : tương quan mới này là quà tặng của Thiên Chúa ( x. Hs 2,21-22; 6,1-6 ) . Chúng ta phải đáp lại "ân sủng và sự thật" mà Người ban tặng "nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (Ga 1,17) bằng lòng yêu mến và trung thành.
2788
Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Dân Chúa trong "thời sau hết", nên khi đọc "của chúng con" chúng ta hy vọng vững vàng vào lời hứa tối hậu của Thiên Chúa. Trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới, Người sẽ phán với kẻ chiến thắng : "Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy và người ấy sẽ là con của Ta"( Kh 21,7).
2789
Khi đọc "Lạy Cha chúng con", chúng ta thân thưa với Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Chúng ta không phân chia thần tính, vì Chúa Cha là "nguồn mạch và căn nguyên" của thần tính. Nhưng ở đây, chúng ta muốn tuyên xưng : từ muôn thuở, Chúa Con được Chúa Cha sinh ra và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha. Chúng ta cũng không hề lẫn lộn các Ngôi Vị, vì chúng ta tuyên xưng rằng : chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần duy nhất. Ba Ngôi Chí Thánh đồng bản tính và không thể phân chia. Khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Người cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
2790
Khi đọc "Lạy Cha chúng con", chúng ta tuyên xưng Người là Cha của nhiều người. Chỉ có một Thiên Chúa và Người được nhìn nhận là Cha của những kẻ đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần (nhờ tin vào Con Một Thiên Chúa). "Hội Thánh" chính là hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và loài người : Hội Thánh hiệp nhất với Con Một Thiên Chúa là "trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8,29), nên Hội Thánh được hiệp thông với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Khi thưa "Lạy Cha chúng con", mỗi Ki-tô hữu cầu nguyện trong sự hiệp thông này : "các tín hữu tuy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý" ( Cv 4,32 ).
2791
Do đó, dù các Ki-tô hữu còn chia rẽ, kinh Lạy Cha vẫn là tài sản chung và là một lời mời gọi khẩn thiết cho mọi Ki-tô hữu. Được hiệp thông với Chúa Ki-tô nhờ đức tin và nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ phải cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su để các môn đệ được hiệp nhất ( x. UR 8;22).
2792
Sau cùng, nếu thật lòng cầu nguyện "Lạy Cha chúng con", chúng ta thoát được chủ nghĩa cá nhân, vì khi đón nhận Thiên Chúa yêu thương, chúng ta được giải thoát. Từ "chúng con" ở đầu kinh Lạy Cha, cũng như từ "chúng con" trong bốn lời xin cuối kinh, không loại trừ một ai. Để thật lòng đọc kinh Lạy Cha ( x. Mt 5,23-24;6,14-16 ) , chúng ta phải vượt qua mọi chia rẽ và chống đối.
2793
Các tín hữu không thể cầu nguyện "Lạy Cha chúng con", mà không dâng lên tất cả những ai Chúa đã ban tặng Con yêu dấu. Tình yêu của Thiên Chúa không có biên giới, nên lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải như vậy ( x. NA 5) . Khi đọc "Lạy Cha chúng con", lòng chúng ta được mở rộng theo tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ trong Đức Ki-tô : cầu nguyện với và cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa, để họ "được quy tụ về một mối" (Ga11,52). Sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mọi người và muôn loài đã thôi thúc các thánh nhân, chúng ta phải mở rộng lời cầu nguyện theo tình thương này khi chúng ta dám đọc "Lạy Cha chúng con".
Đọc tiếp »

Thứ thư, Tuần III MV


 

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

LOẠI TRỪ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI, SỰ SỐNG ĐỜI NÀY ĐAU KHỔ GIA TĂNG...


“Đối với các Kitô hữu, đức tin vào sự sống đời đời không dựa trên những lập luận triết học về sự bất tử của linh hồn. Nó dựa trên một sự kiện chính xác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, và lời hứa của Ngài: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14, 2-3). Đối với chúng ta, các Kitô hữu, sự sống đời đời không phải là một phạm trù trừu tượng, mà là một con người. Nó có nghĩa là sống với Chúa Giêsu, “làm nên một thân thể” với Người, chia sẻ sự sống của Đấng Phục sinh trong sự sung mãn và niềm vui sự sống của Chúa Ba Ngôi: “Cupio dissolvi et esse cum Christo”, như thánh Phaolô đã nói với dân thành Philípphê thân yêu: “Tôi khao khát được rời bỏ cuộc sống này và ở với Đức Kitô” (Pl1,23).

Chúng ta có thể tự hỏi điều gì đã xảy ra với chân lý Kitô về sự sống đời đời. Trong những thời đại như thời của chúng ta, bị chi phối bởi vật lý và vũ trụ học, những người theo thuyết vô thần đưa ra trên hết là thái độ phủ nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo ra thế giới; vào thế kỷ 19, họ thích bác bỏ đời sau. Hegel đã tuyên bố rằng “những người theo đạo Thiên Chúa làm lãng phí năng lượng dành cho trái đất”. A dua theo lời chỉ trích này, Feuerbach và đặc biệt là Marx đã chống lại niềm tin vào một cuộc sống sau khi chết, cho rằng điều đó dẫn đến thái độ xa lánh những dấn thân trên trần thế. Ý tưởng về sự tồn tại của cá nhân trong Chúa đã được thay thế bằng sự tồn tại trong chủng loại và trong xã hội tương lai. Dần dà, từ “vĩnh cửu” không chỉ bị nghi ngờ, mà còn bị lãng quên và chìm vào im lặng.
Trào lưu thế tục hóa (secularization) sau đó đã đưa quá trình này đến chỗ hoàn thành và làm điều đó mạnh đến mức thậm chí ngày nay rất là bất tiện để tiếp tục nói về sự vĩnh cửu giữa những người có học thức, là những người cố theo cho kịp thời đại. Thế tục hóa là một hiện tượng phức tạp trong sự bất nhất của nó. Nó có thể được dùng để đề cập đến quyền tự quyết của các vấn đề trần thế và sự tách biệt giữa Nước Trời và vương quốc của Caesar, và theo nghĩa này, nó không những không chống lại Tin Mừng, mà còn tìm thấy trong Tin Mừng một trong những cội nguồn sâu xa nhất của nó. Mặt khác, từ thế tục hóa cũng có thể được dùng để chỉ một tập hợp các thái độ xã hội thù địch với tôn giáo và đức tin. Theo nghĩa này, thuật ngữ chủ nghĩa thế tục (secularism) là thích hợp hơn. Chủ nghĩa thế tục có cùng mối tương quan với thế tục hóa như mối tương quan giữa chủ nghĩa khoa học và tính chính xác khoa học, hay như mối tương quan giữa chủ nghĩa duy lý đối với tính hợp luận lý.
Ngay cả trong những giới hạn như vậy, các khía cạnh nhiều mặt của thế tục hóa xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như thần học, khoa học, đạo đức học, khoa diễn giải Kinh thánh, và các biểu hiện của văn hóa và đời sống thường nhật. Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của nó chỉ có một và rất rõ ràng. “Thế tục hóa”, cũng giống như “chủ nghĩa thế tục”, bắt nguồn từ thuật ngữ saeculum mà trong ngôn ngữ hàng ngày tối hậu là dùng để chỉ thời điểm hiện tại, theo Kinh Thánh đó là “thời gian dài hiện tại, đối lập với vĩnh cửu là thời gian bất tận tương lai; hay “saeculum saeculorum”, nghĩa là “thời của mọi thời, sự sống đời đời”, như Kinh thánh gọi. Theo nghĩa này, chủ nghĩa thế tục là một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa đời tạm (temporalismo, temporalism), trong đó giản lược thực tại trong chiều kích trần thế của nó mà thôi. Điều đó nhắm đến sự sụp đổ triệt để của chiều kích vĩnh hằng.
Tất cả những điều này đã có một tác động rõ ràng đến đức tin của các tín hữu. Chính đức tin này, từ lúc đó, đã trở nên nhút nhát và rụt rè. Lần cuối cùng chúng ta nghe ai đó giảng về cuộc sống vĩnh cửu là khi nào? Nhà triết học Kierkegaard đã rất chí lý: “Cuộc sống đời sau đã biến thành một trò đùa, một nhu cầu không chắc chắn đến mức không những không còn được tôn trọng mà thậm chí không còn được xem xét. Người ta thậm chí còn cười cợt khi nghĩ rằng đã có lúc ý tưởng này định hình toàn bộ cuộc sống.” Chúng ta tiếp tục nói trong Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, nhưng không thực sự đánh giá cao tầm quan trọng của những lời đó. Sự sụp đổ của chiều kích vĩnh cửu có ảnh hưởng tương tự đối với đức tin Kitô như tác động của cát trên một ngọn lửa: nó làm ngọn lửa tắt ngúm.
Đâu là hậu quả thực tế của tình trạng lu mờ ý tưởng về sự vĩnh cửu? Đề cập đến ý định của những người không tin vào sự sống lại từ trong kẻ chết, Thánh Phaolô nói: “Chúng ta hãy ăn uống, vì ngày mai chúng ta chết” (1Cor 15, 32). Khi bị xuyên tạc, mong muốn tự nhiên được sống muôn đời trở thành một sự thèm khát, hay đúng hơn là một sự điên cuồng, muốn được sống cho đã, nghĩa là sống cho thoải mái, ngay cả khi, nếu cần, thì người khác phải trả giá cho điều đó. Toàn bộ trái đất trở thành những gì Dante Alighieri đã từng mô tả về nước Ý vào thời của ông như “một cái sàn đập lúa nhỏ kích động mạnh sự dã man của chúng ta.” Một khi chiều kích vĩnh hằng đã sụp đổ, nỗi đau khổ của con người dường như tăng lên gấp đôi một cách phi lý và không có biện pháp khắc phục. Thế giới trông giống như “một đống kiến đang vỡ vụn”, hay như “hình vẽ của một con sóng trên bờ biển bị xóa bởi con sóng tiếp theo.” (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 11/12/2020)
Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (4)


2779

"LẠY CHA !"
Trước khi bắt đầu nguyện xin, chúng ta phải loại bỏ một số hình ảnh sai lạc của "thế gian này". Chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận rằng : "Không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho", nghĩa là "cho những người bé mọn" (Mt11,25-27). Chúng ta phải thanh luyện tâm hồn, nghĩa là đừng để những hình ảnh của Thiên Chúa như người cha hay người mẹ, theo kinh nghiệm bản thân hay văn hóa, ảnh hưởng đến tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người siêu việt trên mọi phạm trù của thế giới thụ tạo. Khi gán cho Người hay loại bỏ khỏi Người những ý tưởng của chúng ta về Thiên Chúa, chúng ta có nguy cơ tạo ra những ngẫu tượng để tôn thờ hay đạp đổ. Cầu nguyện cùng Chúa Cha là đón nhận mầu nhiệm của Người, như Người hằng hữu và như Chúa Con đã mặc khải cho chúng ta :
"Cách gọi Thiên Chúa là Cha trước đây chưa hề mạc khải. Khi ông Mô-sê hỏi danh tánh Thiên Chúa, ông đã được nghe một danh xưng khác. Đối với chúng ta, Danh Thiên Chúa đã được mặc khải trong Chúa Con; vì Chúa Giê-su nhận mình là Con nên Thiên Chúa được gọi là Cha" (Tertulano, 3).
2780
Chúng ta có thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người mặc khải như vậy, và vì Thần Khí của Chúa Con đã làm cho chúng ta nhận biết như vậy. Chúng ta tin Đức Giê-su là Đấng Ki-tô và chúng ta "đã được Thiên Chúa sinh ra"( 1Ga 5,1), nên Thần Khí của Chúa Con cho chúng ta tham dự vào tương quan ngã vị giữa Chúa Con và Chúa Cha; đây là điều con người không thể nghĩ ra được và thần thánh trên trời cũng không hiểu được (1 Ga 5,1).
2781
Khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta được hiệp thông với Người, và với Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô (1 Ga 1,3). Lúc đó, chúng ta mới nhận biết và nhận ra Người, với lòng thán phục không ngơi. Với lời đầu tiên của kinh Lạy Cha, chúng ta chúc tụng thờ lạy Chúa Cha trước khi nguyện xin Người. Thiên Chúa được tôn vinh khi chúng ta nhìn nhận Người là Cha và là Thiên Chúa thực. Chúng ta tạ ơn Người vì đã mặc khải Danh Thánh, đã cho chúng ta tin vào Danh Người và Người hiện diện trong chúng ta.
2782
Chúng ta có thể thờ lạy Chúa Cha vì Người đã tái sinh chúng ta trong sự sống của Người khi nhận chúng ta là nghĩa tử trong Con Một nhờ bí tích Thánh Tẩy. Người tháp nhập chúng ta vào Thân Thể Chúa Ki-tô, và nhờ bí tích Thêm Sức, Người cho chúng ta trở thành những "người được xức dầu" bằng Thánh Thần.
Thực vậy, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta được làm nghĩa tử, được đồng hình đồng dạng với Thân Thể vinh quang của Đức Ki-tô. Từ nay, anh em được dự phần với Đức Ki-tô, anh em đương nhiên được gọi là những "người được xức dầu" (T.Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem 3,1).
Con người mới, sau khi được tái sinh và trả về cho Thiên Chúa nhờ ân sủng, trước hết sẽ thưa: "Lạy Cha" vì đã trở nên con Thiên Chúa (T. Xy-ri-an 9).
2783
Như thế với kinh Lạy Cha, chúng ta được mặc khải về Thiên Chúa là Cha, đồng thời được biết thiên chức của mình (x. GS 22,1 ) :
"Con người ơi, ngươi không dám ngước mặt lên trời, chỉ cúi nhìn xuống đất. Rồi thình lình, ngươi nhận được ân sủng của Đức Ki-tô: mọi tội lỗi ngươi đã được tha. Từ một tên đầy tớ gian ác, ngươi trở thành đứa con ngoan... Hãy ngước mắt nhìn lên Chúa Cha, Đấng đã chuộc ngươi nhờ Con của Người, và thưa: lạy Cha...
Nhưng ngươi đừng đòi hỏi một đặc quyền nào. Người là Cha cách đặc biệt, của riêng Đức Ki-tô, nhưng Người cũng còn là Cha của tất cả chúng ta, vì Người chỉ sinh ra; còn chúng ta là thụ tạo do một mình Đức Ki-tô nhưng Người đã dựng nên chúng ta. Vậy nhờ ân sủng, ngươi cũng hãy thưa: Lạy Cha chúng con, để xứng đáng là con của Người" (T.Am-rô-xi-ô 5,19)
2784
Ơn nghĩa tử đòi chúng ta phải hoán cải không ngừng để sống cuộc đời mới. Khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải có hai tâm tình căn bản :
Tâm tình thứ nhất là ước muốn được nên giống Người. Dù được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng phải nhờ ân sủng chúng ta mới được phục hồi nét giống Thiên Chúa hơn, nên chúng ta có bổn phận đáp lại ân sủng này.
Phải nhớ rằng : khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta có bổn phận sống như con Thiên Chúa (T. Xy-ri-an 11 ) .
"Anh em không thể gọi Thiên Chúa Chí Nhân là Cha, nếu anh em còn giữ lòng độc ác và bất nhân; vì khi đó, anh em không còn giữ được dấu tích lòng nhân lành của Cha Trên Trời" (T.Gio-an Kim Khẩu ) .
"Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha Trên Trời, để tâm hồn mình thấm nhuần vẻ đẹp đó" (T.Ghê-gô-ri-ô thành Nít ) .
2785
Tâm tình thứ hai là lòng khiêm tốn và tin tưởng nơi Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta "trở nên như trẻ em" ( Mt 18,3); vì Chúa Cha "mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11,25).
(Khi đọc kinh Lạy Cha), chúng ta phải chiêm ngắm Thiên Chúa, lòng chúng ta bừng cháy lửa yêu mến. Nhờ đó, linh hồn tan biến và hướng tới việc yêu mến Thiên Chúa, thân tình trò chuyện với Thiên Chúa như người Cha ruột, với lòng yêu mến thảo kính đặc biệt (T. Gio-an Cát-xi-ô 9,18).
"Lạy Cha chúng con : danh hiệu này gợi lên trong lòng chúng ta tình yêu và sự tha thiết khi cầu nguyện... đồng thời tin tưởng sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Thiên Chúa từ chối sao được, khi chính Người vừa nhận họ là con?" (T. Âu-tinh 2,4, 16).
Đọc tiếp »

Thứ ba, Tuần III MV

Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (3)


2773

Đáp lại lời xin của các môn đệ :"Thưa Thầy xin dạy chúng con cầu nguyện"( Lc11,1), Đức Giê-su đã dạy các ngài lời kinh căn bản của Ki-tô giáo là kinh Lạy Cha.
2774
Lời Kinh Chúa dạy thực là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng, là tuyệt hảo, là tâm điểm của Thánh Kinh.
2775
Kinh Lạy Cha được gọi là "kinh của Chúa" vì do chính Chúa Giê-su dạy. Người là Thầy mẫu mực hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.
2776
Hơn mọi kinh khác, kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của Hội Thánh. Kinh Lạy Cha là thành phần tất yếu của các giờ kinh phụng vụ chính và của các bí tích khai tâm Ki-tô Giáo: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Khi đọc lên trong thánh lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung: cộng đoàn Ki-tô hữu cầu nguyện và chờ đợi" cho tới khi Chúa lại đến"( 1Cr 11,26).
"Lạy Cha chúng con ở trên trời"
"CHÚNG TA DÁM NGUYỆN RẰNG"
2777
Trong phụng vụ Rô-ma, cộng đoàn tham dự thánh lễ được mời đọc kinh Lạy Cha với sự dạn dĩ của người con; phụng vụ Đông Phương cũng sử dụng và khai triển các kiểu nói tương tự: "Chúng ta dám tin tưởng nguyện rằng", "xin Chúa cho chúng con xứng đáng nguyện rằng". Trước Bụi Gai Rực Cháy, có tiếng phán bảo Môi-sê: "Chớ lại gần, cởi dép ra" ( Xh 3,5). Chỉ một mình Đức Giê-su có thể vượt qua ngưỡng cửa thánh thiện để đến gần Thiên Chúa, vì Người là Đấng "đã tẩy trừ tội lỗi"(Dt 1, 3), chính Người dẫn chúng ta đến trước Thánh Nhan Chúa Cha: "Này Con đây, cùng với những con cái mà Cha đã ban cho Con" (Dt 2,13).
Ý thức tình trạng nô lệ của mình lẽ ra chúng ta phải độn thổ, kiếp phàm nhân phải tan thành cát bụi, nếu như uy quyền của chính Cha chúng ta và Thần Khí của Chúa Con không thúc đẩy chúng ta kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Rm 8,15). Có khi nào một phàm nhân yếu hèn lại dám gọi Thiên Chúa là Cha, nếu con người không được Quyền Năng từ trời cao tác động?" (T.Gio-an Phê-rô Rít-sô-lô-gơ, bài giảng 71).
2778
Chính Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đọc kinh Lạy Cha. Phụng vụ Đông và Tây Phương diễn tả điều này bằng từ "Parrhésia", một thuật ngữ đặc biệt Ki-tô giáo muốn diễn tả tâm tình đơn sơ chân thành, lòng tin tưởng của người con, vui mừng an tâm, dạn dĩ nhưng khiêm nhu, xác tín là mình được yêu thương (x Eph 3,12; Dt 3,6;4,16; 10,19; 1Ga 2,28; 3,21; 5,14).
Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (2)


“... 2764

Với Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su dạy ta sống, với kinh Lạy Cha, Người dạy ta cầu nguyện. Trong cả hai, Thần Khí của Chúa Giê-su đem lại khuôn mẫu mới cho những ước muốn là những tâm tình tác động đến cách sống của ta. Chúa Giê-su dùng lời nói để dạy ta phải sống cuộc đời mới và dùng lời kinh xin Chúa Cha ban ơn giúp ta sống như vậy. Khi cầu nguyện đúng, chúng ta sẽ biết sống trong Chúa.
LỜI KINH CHÚA DẠY
2765
Truyền thống Ki-tô giáo gọi kinh Lạy Cha là Lời Kinh Chúa dạy, vì chính Chúa Giê-su đã soạn và truyền lại. Lời kinh nầy độc đáo vì chính là lời kinh "của Chúa". Qua những lời trong kinh này, Con Một Thiên Chúa trao cho chúng ta những Lời Người đã nhận được từ Chúa Cha : Người là Thầy dạy chúng ta cầu nguyện. Mặt khác, vì là Ngôi Lời nhập thể, Người biết rõ những nhu cầu của chúng ta, những anh chị em của Người theo nhân tính, và Người đã nêu cho ta thấy những nhu cầu đó : Người là Mẫu Mực hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.
2766
Đức Giê-su không dạy ta một công thức để chúng ta lặp đi lặp lại như cái máy ( x. Mt 6,7; 1 V 18,26-29 ). Cũng như mọi khẩu nguyện khác, Chúa Thánh Thần dùng Lời Chúa để cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện cùng Chúa Cha. Đức Giê-su không những dạy chúng ta lời kinh của người con mà còn ban Thánh Thần để nhờ đó những lời kinh này trở nên "thần khí và sự sống"( Ga 6, 63 ) trong chúng ta. Hơn nữa, "Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : "Áp-ba, Cha ơi"( Gl 4,6 ); điều này chứng tỏ chúng ta có khả năng dâng lên Chúa Cha kinh nguyện của người con. Khi cầu nguyện chúng ta nói lên những ước nguyện của mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng thật ra, Chúa Cha "thấu suốt tâm can", Người "biết Thần khí muốn nói gì", vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" ( Rm 8,27). Dạy cầu nguyện cùng Cha Trên Trời là một phần trong sứ mạng huyền diệu của Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA HỘI THÁNH
2767
Ngay từ đầu, Lời Kinh Chúa dạy và Thánh Thần, Đấng làm cho lời kinh sống động trong lòng các tín hữu, đã được Hội Thánh lãnh nhận và sống như một hồng ân duy nhất. Những cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi đọc kinh Lạy Cha "ba lần mỗi ngày", thay vì đọc "mười tám lời chúc tụng" theo thói quen đạo đức Do Thái.
2768
Theo truyền thống các tông đồ, lời kinh Chúa dạy đã ăn sâu vào kinh nguyện phụng vụ.
"Chúa dạy chúng ta cầu nguyện chung cho mọi anh chị em. Vì Người không nói "Lạy Cha của con, ngự trên trời", nhưng là "Lạy Cha chúng con", để chúng ta một lòng một ý cầu nguyện cho toàn Thân Thể Hội Thánh" (T.Gio-an Kim Khẩu).
Trong mọi truyền thống phụng vụ, kinh Lạy Cha là thành phần tất yếu của các giờ kinh phụng vụ chính. Đặc biệt, trong ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo, kinh Lạy Cha càng nỗi rõ đặc tính là kinh của Hội Thánh.
2769
Trong bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, nghi thức trao kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc tái sinh vào đời sống thần linh. Trong Ki-tô giáo, cầu nguyện là nói với Thiên Chúa bằng chính Lời Chúa, nên những ai "đã được tái sinh nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống"(1Pr 1,23) sẽ học biết kêu cầu Chúa Cha, bằng chính Lời duy nhất mà Cha luôn đón nhận. Họ có thể kêu cầu như thế, vì Chúa Thánh Thần đã để lại ấn tích, không thể tẩy xóa được, trong lòng họ, trên tai họ, trên môi miệng, trên toàn thân người con cái Thiên Chúa. Vì thế, đa số các bài giải thích kinh Lạy Cha của giáo phụ đều dành riêng cho các dự tòng và tân tòng. Khi đọc kinh Lạy Cha, Hội Thánh luôn luôn đọc với tư cách là dân "được tái sinh", dân cầu nguyện và được Thiên Chúa xót thương (1Pr 2,1-10).
2770
Trong phụng vụ Thánh Thể , chúng ta thấy rõ kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của toàn Hội Thánh, với đầy đủ ý nghĩa và hiệu năng. Được đặt giữa kinh Tạ Ơn và phần hiệp lễ, kinh Lạy Cha một mặt thâu tóm toàn bộ những lời khẩn nguyện và chuyển cầu đã nêu lên trong phần "xin ban Thánh Thần"; mặt khác, dẫn ta đến Bàn Tiệc Thánh Thể như tiền dự vào Bàn Tiệc Nước Trời.
2771
Trong Thánh Lễ, các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha còn cho thấy đặc tính cánh chung. Kinh Lạy Cha đúng là kinh nguyện của "thời sau hết", thời cứu độ đã bắt đầu với việc Thánh Thần được ban xuống và sẽ kết thúc vào ngày Chúa Quang Lâm. Khác với các kinh nguyện trong Cựu Ước, những lời nguyện xin trong kinh Lạy Cha dựa trên mầu nhiệm cứu độ đã được thực hiện, một lần dứt khoát trong Chúa Ki-tô, Đấng đã chịu khổ nạn và phục sinh.
2772
Vì tin tưởng vững vàng vào Đức Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại, chúng ta tràn đầy hy vọng khi xướng lên từng điều trong bảy lời nguyện xin của kinh Lạy Cha. Những lời nguyện xin này là tiếng than van của những người đang sống giữa trần thế hôm nay trong nhẫn nại và đợi chờ, vì chúng ta đã là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ (1 Ga 3,2). Thánh Lễ và kinh Lạy Cha đều hướng về ngày Chúa quang lâm "cho tới khi Chúa lại đến" (1Cr 11,26).”
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2020

HÃY VUI LÊN (ĐTC Phanxicô, 13/12/2020)

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Lời mời gọi hãy vui lên là đặc điểm của Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Sự chờ mong chúng ta đang sống là một niềm vui, giống như khi chúng ta chờ đợi sự viếng thăm của một người mà chúng ta rất yêu quý, chẳng hạn như một người bạn, hay một người thân mà lâu rồi chúng ta không được gặp. Chúng ta đang sống trong niềm vui mong đợi. Và chiều kích của niềm vui này dâng trào cách đặc biệt vào ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, được mở đầu với lời khích lệ của Thánh Phaolô trong bài Ca Nhập Lễ “Hãy luôn vui mừng trong Chúa” (x. Pl 4, 4-5). “Hãy vui lên!” Đó là niềm vui của người Kitô hữu. Và lý do của niềm vui này là gì? Thưa vì “Chúa đã gần đến” (câu 5). Chúa càng gần chúng ta, chúng ta càng vui mừng; Ngài càng xa, chúng ta càng buồn. Đây là một quy tắc dành cho các tín hữu Kitô. Có lần một triết gia đã nói đại loại như thế này: “Tôi không hiểu làm thế nào đến ngày hôm nay mà bạn còn có thể tin được, bởi vì những người nói rằng họ tin đều có khuôn mặt ngái ngủ. Họ không làm chứng cho niềm vui về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”. Rất nhiều Kitô hữu với khuôn mặt như thế, vâng, khuôn mặt ngái ngủ, khuôn mặt của nỗi buồn. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu mến anh chị em! Mà sao anh chị em không có niềm vui? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này một lúc và tự hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần tôi, vì Chúa yêu tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”
Ngoại trừ Đức Mẹ và Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên và có nhiều kinh nghiệm nhất trong nỗi chờ mong Đấng Mêsia và trong niềm vui khi thấy Người đến (x Ga 1, 19-28)... Ngài nói: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27). Ngài luôn hướng sự chú ý đến Chúa, cũng như Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Luôn luôn đặt Chúa ở trung tâm. Các thánh là những người luôn loan báo Chúa cho mọi người. Những ai không loan báo Chúa thì không phải là thánh!
Đây là điều kiện đầu tiên của niềm vui Kitô: đừng đặt bản thân mình ở trung tâm, nhưng đặt Chúa Giêsu ở trung tâm. Đây không phải là sự tha hóa bản thân, bởi vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, Ngài là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mọi người nam nữ đã đến trong thế gian này. Chính năng động của tình yêu này khiến tôi đi ra khỏi chính mình, không phải để đánh mất chính mình, nhưng để tìm thấy chính mình trong khi trao ban chính mình cho tha nhân, và tìm kiếm điều tốt đẹp của người khác...
Thánh Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những ai trong Giáo Hội được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy khi tách biệt khỏi chính mình và khỏi tinh thần thế gian, không thu hút mọi người chú ý đến với mình nhưng hướng mọi người đến với Chúa Giêsu. Niềm vui là thế này: là định hướng nơi Chúa Giêsu. Và niềm vui phải là dấu chỉ đức tin của chúng ta. Ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, niềm vui nội tâm là biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa ở với chúng ta, Chúa đã sống lại. Chúa! Chúa! Chúa! Đây là trung tâm cuộc sống của chúng ta, và đây là trung tâm của niềm vui của chúng ta. Hôm nay anh chị em hãy suy nghĩ kỹ điều này: Chúng ta nên cư xử như thế nào? Chúng ta có phải là người vui mừng, biết cách truyền đạt niềm vui khi trở thành một Kitô hữu không, hay chúng ta luôn giống như những người buồn bã, mà tôi đã đề cập trước đó, những người với khuôn mặt ngái ngủ? Nếu tôi không có niềm vui vì đức tin của mình, tôi sẽ không thể làm chứng và những người khác sẽ nói: “Nhưng nếu đức tin mà buồn hiu như thế, chẳng thà đừng có thì hơn”. (ĐTC Phanxicô, 13/12/2020)
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

CẦU NGUYỆN: ĐỢI CHỜ (ĐTC Phanxicô, 09/12/2020)


“... Và, thưa anh chị em, chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ đáp lời. Trong Sách Thánh Vịnh, không lời cầu nguyện nào nói lên một lời than thở mà lại không được nhận lời. Thiên Chúa luôn trả lời: có thể hôm nay, ngày mai, nhưng Người luôn trả lời, bằng cách này hay cách khác. Người luôn trả lời. Kinh thánh lặp lại điều đó không biết bao nhiêu lần: Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của những ai cầu khẩn Người. Ngay cả những câu hỏi miễn cưỡng của chúng ta, những câu hỏi vẫn còn ở trong vùng sâu thẳm của tâm hồn, mà chúng ta xấu hổ không dám bày tỏ: Chúa Cha lắng nghe chúng và mong muốn ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng mọi lời cầu nguyện và biến đổi mọi sự.

Thưa anh chị em, trong cầu nguyện, luôn luôn có một vấn đề kiên nhẫn, luôn luôn, hỗ trợ sự chờ đợi. Nay, chúng ta đang ở trong thời gian của Mùa Vọng, một thời gian đặc trưng mong đợi; mong đợi Lễ Giáng sinh. Chúng ta đang chờ đợi. Điều này thấy rất rõ. Nhưng trọn cuộc sống của chúng ta cũng đang chờ đợi. Và cầu nguyện luôn mong đợi, vì chúng ta biết rằng Chúa sẽ nhận lời. Ngay cả cái chết cũng run sợ khi một Kitô hữu cầu nguyện, bởi vì nó biết rằng tất cả những ai cầu nguyện đều có một đồng minh mạnh mẽ hơn nó: Chúa Phục sinh. Sự chết đã bị đánh bại trong Chúa Kitô, và ngày sẽ đến khi mọi sự sẽ tận cùng, và nó sẽ không còn khinh thường sự sống và hạnh phúc của chúng ta nữa.
Chúng ta hãy học cách ở thế chờ đợi; chờ đợi Chúa. Chúa đến thăm chúng ta, không chỉ trong những ngày lễ trọng đại này - lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh - mà đúng hơn Chúa đến thăm chúng ta mỗi ngày, trong tình thân thiết của tâm hồn chúng ta nếu chúng ta biết chờ đợi. Và rất thường xuyên chúng ta không nhận ra rằng Chúa đang ở gần, Người đang gõ cửa nhà chúng ta, và chúng ta để Người đi mất. Thánh Augustinô từng nói: “Tôi sợ Thiên Chúa khi Ngài đi qua. "Tôi sợ rằng Người đi qua mà tôi không nhận ra". Và Chúa đi qua, Chúa đến, Chúa gõ cửa. Nhưng nếu tai bạn đầy những tiếng ồn ào khác, bạn sẽ không nghe thấy tiếng Chúa gọi.
Thưa anh chị em, ở trong tư thế chờ đợi: đó là cầu nguyện. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 09/12/2020)
Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA


Đọc GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, giúp suy niệm 30 phút lãnh Ơn Toàn Xá năm Thánh Giuse :

“Số 2759
Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông" ( Lc 11,1). Đáp lại, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ và Hội Thánh lời kinh căn bản của Ki-tô giáo. Thánh Luca ghi lại bản kinh Lạy Cha ngắn (có năm lời nguyện xin), còn thánh Matthêu ghi lại bản dài hơn (có bảy lời nguyện xin). Truyền thống Phụng Vụ của Hội Thánh sử dụng bản văn Matthêu (Mt 6,9-13) :
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con
hôm nay lương thực hàng ngày
và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
2761
"Lời kinh Chúa dạy thực sự là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng". Sau khi dạy mẫu kinh này, Chúa Giêsu thêm : "Anh em cứ xin thì sẽ được" (Lc 11,9). Vậy mỗi người có thể dâng lên Chúa những lời kinh khác nhau tùy nhu cầu, nhưng luôn phải bắt đầu bằng kinh nguyện căn bản là Lời Kinh Chúa dạy".
2762
Sau khi cho thấy các Thánh Vịnh là chất liệu chính cho kinh nguyện của Ki-tô hữu và tất cả được thâu tóm trong những lời nguyện xin của kinh Lạy Cha, thánh Âu-tinh kết luận :
"Cứ đọc hết các kinh nguyện trong Sách Thánh, chúng ta không thể tìm thấy một điều gì không được thâu tóm trong Lời Kinh Chúa dạy".
2763
Toàn bộ Cựu Ước (Lề Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh) đều được ứng nghiệm nơi Đức Ki-tô (Lc 24,44). Đây là "Tin Mừng" được các sách Tin Mừng công bố. Thánh Mat-thêu tóm lược lời loan báo Tin Mừng đầu tiên trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7). Kinh Lạy Cha được thánh Mat-thêu đặt ở tâm điểm của lời loan báo này. Chúng ta phải hiểu các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha trong văn mạch đó: “Kinh Lạy Cha là kinh tuyệt hảo... với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của ta nữa" (Thánh Tôma Aquinô)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2020

MỌI TẠO VẬT ĐỀU CẦU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 09/12/2020)


“... Con người chúng ta chia sẻ lời kêu cầu giúp đỡ này với mọi tạo vật khác. Chúng ta không phải là những người duy nhất “cầu nguyện” trong vũ trụ vô biên này: mọi mảnh của tạo thế đều khát kháo Thiên Chúa. Và chính Thánh Phaolô đã phát biểu điều đó theo cách sau đây. Ngài nói: “chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng” (Rm 8, 22-24). Điều này tốt. Trong chúng ta đang vang lên tiếng kêu đa dạng của các tạo vật: của cây, của đá, của động vật. Mọi loài đều khao khát được nên trọn. Tertullianô từng viết: “Mọi tạo vật đều cầu nguyện; gia súc và thú rừng cầu nguyện và bái quỳ, và khi chúng đi ra từ các tầng và hang ổ, chúng nhìn lên trời miệng cất tiếng, làm cho hơi thở của chúng vang động theo cách riêng của chúng. Hơn thế, chim chóc cũng vậy, bay ra khỏi tổ, nâng mình lên trời, và thay vì dùng tay, mở rộng đôi cánh của chúng, và phần nào đó dường như như cầu nguyện ”(De oratione, XXIX). Đây là một cách diễn đạt thơ mộng lời bình luận về những gì Thánh Phaolô nói: “toàn thể tạo vật đang rên rỉ”. Nhưng chúng ta là những người duy nhất cầu nguyện một cách có ý thức, biết rằng chúng ta đang nói chuyện với Chúa Cha, và đối thoại với Chúa Cha.

Vì vậy, chúng ta không nên ngỡ ngàng nếu cảm thấy cần phải cầu nguyện, chúng ta không nên xấu hổ. Và cầu xin, đặc biệt khi chúng ta cần. Chúa Giêsu nói về một người quản lý bất trung, người phải giải quyết các tài khoản với chủ nhân của mình, đã nói “ăn mày thì hổ ngươi”. Và nhiều người trong chúng ta có cảm giác này: chúng ta xấu hổ khi phải cầu xin, xin sự giúp đỡ, xin điều gì đó ở người có thể giúp chúng ta, đạt được mục đích của chúng ta, và chúng ta cũng xấu hổ khi cầu xin Thiên Chúa. "Không, điều này không thể làm được". Đừng xấu hổ khi cầu nguyện. “Lạy Chúa, con cần điều này”, “Lạy Chúa, con đang gặp khó khăn”, “Xin cứu giúp con!”: Tiếng kêu, tiếng kêu từ trái tim kêu lên Thiên Chúa là Cha. Và cũng phải làm như vậy trong những khoảnh khắc hạnh phúc, không chỉ trong những lúc tồi tệ, nhưng cũng trong những lúc hạnh phúc nữa, để cảm ơn Chúa vì tất cả những gì Người đã ban cho chúng ta, và không coi bất cứ điều gì là hiển nhiên hoặc như thể người ta nợ chúng ta: mọi sự đều là ân sủng. Chúng ta phải học điều này. Chúa luôn ban cho chúng ta, luôn luôn, và mọi sự đều là ân sủng, mọi sự. Ân sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không được bóp nghẹt lời khẩn cầu dâng lên trong mình một cách tự phát. Lời cầu nguyện xin ơn cùng đi với việc chấp nhận giới hạn của chúng ta và bản chất của chúng ta như các tạo vật. Người ta thậm chí có thể không tiến tới chỗ tin tưởng vào Thiên Chúa, nhưng khó mà không tin vào lời cầu nguyện: nó đơn giản có đó, nó hiện diện với chúng ta như một tiếng kêu; và tất cả chúng ta đều biết tiếng nói bên trong này có thể im lặng trong một thời gian dài, nhưng một ngày nào đó nó sẽ thức giấc và lớn tiếng kêu lên...” (ĐTC Phanxicô, 09/12/2020)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.