Ads 468x60px

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

KINH LẠY CHA (5)


2786

"LẠY CHA "CHÚNG CON"
Khi gọi Thiên Chúa là Cha "của chúng ta", chúng ta không nghĩ rằng mình chiếm hữu được Thiên Chúa, nhưng có một tương quan mới mẻ với Người.
2787
Khi gọi Thiên Chúa là Cha "của chúng ta", trước hết chúng ta nhìn nhận rằng mọi lời Thiên Chúa yêu thương hứa qua các ngôn sứ đã được thực hiện nơi Đức Ki-tô trong Giao ước Mới và Vĩnh cữu : Chúng ta đã trở thành Dân "của Người" và từ nay Người là Thiên Chúa "của chúng ta". Thiên Chúa và chúng ta thuộc về nhau : tương quan mới này là quà tặng của Thiên Chúa ( x. Hs 2,21-22; 6,1-6 ) . Chúng ta phải đáp lại "ân sủng và sự thật" mà Người ban tặng "nhờ Đức Giê-su Ki-tô" (Ga 1,17) bằng lòng yêu mến và trung thành.
2788
Kinh Lạy Cha là kinh nguyện của Dân Chúa trong "thời sau hết", nên khi đọc "của chúng con" chúng ta hy vọng vững vàng vào lời hứa tối hậu của Thiên Chúa. Trong thành thánh Giê-ru-sa-lem mới, Người sẽ phán với kẻ chiến thắng : "Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy và người ấy sẽ là con của Ta"( Kh 21,7).
2789
Khi đọc "Lạy Cha chúng con", chúng ta thân thưa với Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Chúng ta không phân chia thần tính, vì Chúa Cha là "nguồn mạch và căn nguyên" của thần tính. Nhưng ở đây, chúng ta muốn tuyên xưng : từ muôn thuở, Chúa Con được Chúa Cha sinh ra và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha. Chúng ta cũng không hề lẫn lộn các Ngôi Vị, vì chúng ta tuyên xưng rằng : chúng ta được hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con là Đức Giê-su Ki-tô, trong Thánh Thần duy nhất. Ba Ngôi Chí Thánh đồng bản tính và không thể phân chia. Khi cầu nguyện cùng Chúa Cha, chúng ta thờ lạy và tôn vinh Người cùng với Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
2790
Khi đọc "Lạy Cha chúng con", chúng ta tuyên xưng Người là Cha của nhiều người. Chỉ có một Thiên Chúa và Người được nhìn nhận là Cha của những kẻ đã được tái sinh bởi nước và Thánh Thần (nhờ tin vào Con Một Thiên Chúa). "Hội Thánh" chính là hiệp thông mới giữa Thiên Chúa và loài người : Hội Thánh hiệp nhất với Con Một Thiên Chúa là "trưởng tử giữa một đàn em đông đúc" (Rm 8,29), nên Hội Thánh được hiệp thông với Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần. Khi thưa "Lạy Cha chúng con", mỗi Ki-tô hữu cầu nguyện trong sự hiệp thông này : "các tín hữu tuy đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý" ( Cv 4,32 ).
2791
Do đó, dù các Ki-tô hữu còn chia rẽ, kinh Lạy Cha vẫn là tài sản chung và là một lời mời gọi khẩn thiết cho mọi Ki-tô hữu. Được hiệp thông với Chúa Ki-tô nhờ đức tin và nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ phải cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su để các môn đệ được hiệp nhất ( x. UR 8;22).
2792
Sau cùng, nếu thật lòng cầu nguyện "Lạy Cha chúng con", chúng ta thoát được chủ nghĩa cá nhân, vì khi đón nhận Thiên Chúa yêu thương, chúng ta được giải thoát. Từ "chúng con" ở đầu kinh Lạy Cha, cũng như từ "chúng con" trong bốn lời xin cuối kinh, không loại trừ một ai. Để thật lòng đọc kinh Lạy Cha ( x. Mt 5,23-24;6,14-16 ) , chúng ta phải vượt qua mọi chia rẽ và chống đối.
2793
Các tín hữu không thể cầu nguyện "Lạy Cha chúng con", mà không dâng lên tất cả những ai Chúa đã ban tặng Con yêu dấu. Tình yêu của Thiên Chúa không có biên giới, nên lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải như vậy ( x. NA 5) . Khi đọc "Lạy Cha chúng con", lòng chúng ta được mở rộng theo tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ trong Đức Ki-tô : cầu nguyện với và cho tất cả những ai chưa nhận biết Chúa, để họ "được quy tụ về một mối" (Ga11,52). Sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mọi người và muôn loài đã thôi thúc các thánh nhân, chúng ta phải mở rộng lời cầu nguyện theo tình thương này khi chúng ta dám đọc "Lạy Cha chúng con".

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.