Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021
Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021
Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021
MỤC TỬ NHÂN LÀNH (ĐTC Phanxicô, 25/04/2021)
“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh, cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Tin Mừng (Ga 10,11-18) trình bày Chúa Giêsu là người mục tử đích thực, người bảo vệ, hiểu biết và yêu thương đàn chiên của mình...
Chúa Giêsu, người mục tử chân thật, luôn luôn bảo vệ chúng ta và cứu chúng ta khỏi bao nhiêu tình huống khó khăn, nguy hiểm nhờ ánh sáng lời Ngài và sức mạnh từ sự hiện diện của Ngài mà chúng ta luôn cảm nghiệm được nếu chúng ta muốn lắng nghe mỗi ngày...
Chúa Giêsu, người mục tử nhân lành, biết chiên của mình và chiên biết Người (câu 14). Thật tuyệt vời và an ủi biết bao khi biết rằng Chúa Giêsu biết chúng ta từng người một, rằng chúng ta không phải là vô danh tiểu tốt đối với Ngài, rằng tên tuổi của chúng ta được Ngài biết đến! Chúng ta không phải là một hạt tí ti trong một “khối to lớn”, hay một trong “vô số” đối với Ngài, không. Chúng ta là những cá thể độc nhất vô nhị, mỗi người có câu chuyện riêng của mình, Người biết chúng ta và những câu chuyện riêng của chúng ta, mỗi người chúng ta đều có giá trị riêng của mình, bởi vì chúng ta đã được tạo ra và đã được cứu chuộc bởi Chúa Kitô. Mỗi người chúng ta có thể nói: Chúa ơi, Chúa biết con! Từng người chúng ta có thể nói Chúa Giêsu biết tôi! Đó là sự thật, nó là như thế này: Ngài biết chúng ta không giống như những người khác. Chỉ có Ngài mới biết những gì trong lòng chúng ta, những dự định, những cảm xúc thầm kín nhất của chúng ta. Chúa Giêsu biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của chúng ta, và luôn sẵn sàng chăm sóc cho chúng ta, để chữa lành vết thương lỗi lầm của chúng ta với lòng thương xót dư dật của Ngài. Nơi Ngài, hình ảnh mà các tiên tri đã đưa ra về người chăn dắt dân Chúa được ứng nghiệm hoàn toàn: Chúa Giêsu quan tâm đến bầy chiên của Ngài, Ngài gom chúng lại, Ngài băng bó các vết thương của chúng, Ngài chữa lành các bệnh tật của chúng. Chúng ta có thể đọc điều này trong Sách Tiên tri Ezekiel (xem Ez 34, 11-16).
Vì vậy, Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành bảo vệ, biết rõ và trên hết là yêu thương đàn chiên của Người. Và đây là lý do tại sao Ngài ban sự sống của Ngài cho họ (xem Ga 10, 15). Tình yêu dành cho chiên của mình, nghĩa là dành cho mỗi người trong chúng ta, sẽ dẫn đến cái chết trên thập tự giá. Vì đây là ý muốn của Thiên Chúa, là không ai bị hư mất. Tình yêu của Chúa Kitô không chọn lọc; tình yêu ấy bao trùm tất cả mọi người. Chính Ngài nhắc nhở chúng ta điều này trong Tin Mừng hôm nay khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16). Những lời này làm chứng cho mối quan tâm phổ quát của Ngài: Ngài là người chăn dắt mọi người. Chúa Giêsu muốn mọi người có thể đón nhận tình yêu của Chúa Cha và gặp gỡ Thiên Chúa.
Và Giáo Hội được mời gọi để thực hiện sứ mệnh này của Chúa Kitô. Bên cạnh những người tham gia vào cộng đoàn của chúng ta, phần lớn, rất nhiều người, chỉ tham gia vào những thời điểm cụ thể hoặc không bao giờ. Nhưng điều này không có nghĩa là họ không phải là con cái Thiên Chúa: Chúa Cha giao phó mọi người cho Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành, và Người đã hiến mạng sống mình vì mọi người.
Thưa anh chị em, Chúa Giêsu bảo vệ, biết và yêu thương chúng ta, tất cả mọi người. Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta là những người đầu tiên đón tiếp và bước theo Vị Mục Tử Nhân Lành, để cộng tác trong niềm vui sứ vụ của Người. (ĐTC Phanxicô, 25/04/2021)
Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021
Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021
Mục vụ tháng 5-2021
Ý CẦU NGUYỆN:Xin cho những người chịu trách nhiệm về tài chánh, biết làm việc với chính phủ, chỉnh đốn tài chánh cho phù hợp lợi ích quốc dân.
Đọc tiếp »
Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021
Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021
KHẨU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 21/04/2021)
“Lời cầu nguyện đầu tiên của con người luôn là khẩu nguyện : lời tụng thành tiếng. Môi luôn chuyển động trước tiên. Mặc dù tất cả chúng ta đều ý thức rằng cầu nguyện không có nghĩa là lặp lại các lời nói, tuy nhiên, cầu nguyện thành tiếng vẫn là điều chắc chắn nhất và luôn có thể thực hành được. Mặt khác, tình cảm, dù cao thượng đến đâu, cũng không luôn chắc chắn: chúng đến rồi đi, chúng rời bỏ chúng ta rồi quay trở lại. Không những thế, các ơn thánh của cầu nguyện cũng không thể đoán trước được: có lúc được an ủi rất nhiều, nhưng vào những ngày đen tối nhất, chúng dường như biến mất hoàn toàn. Lời cầu nguyện của trái tim là điều mầu nhiệm, và vào một số thời điểm nào đó, nó như không có. Thay vào đó, lời cầu nguyện trên môi được đọc thì thầm hoặc đọc thuộc lòng luôn luôn có thể tiếp cận được, và cũng cần thiết như lao động chân tay. Sách Giáo lý dạy chúng ta về điều này, và quả quyết rằng: “cầu nguyện thành tiếng là một yếu tố thiết yếu của đời sống Kitô hữu. Với các môn đệ, được lời cầu nguyện thầm lặng của Thầy mình lôi cuốn, Chúa Giêsu dạy một kinh cầu thành tiếng, đó là Kinh Lạy Cha” (số 2701). “Hãy dạy chúng con cách cầu nguyện”, các môn đệ xin Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu dạy họ một kinh cầu thành tiếng: Kinh Lạy Cha. Và mọi sự đều ở đó, trong kinh cầu đó…
Tất cả chúng ta nên có sự khiêm tốn của một số người cao niên, những vị, trong nhà thờ, có lẽ vì thính giác của họ không còn nhạy bén, nên đã đọc thầm những lời cầu nguyện mà họ đã học khi còn nhỏ, lấp đầy lòng nhà thờ bằng những lời thì thầm. Lời cầu nguyện đó không làm xáo trộn sự im lặng, nhưng làm chứng cho sự trung thành của họ đối với bổn phận cầu nguyện, được thực hành suốt đời các vị không hề sai chạy. Những người thực hành kiểu cầu nguyện khiêm nhường này thường là những người cầu bầu tuyệt vời trong các giáo xứ: họ là những cây sồi từ năm này qua năm khác vươn cành tỏa bóng mát cho số lượng người đông đảo nhất. Chỉ có Thiên Chúa mới biết khi nào và mức nào trái tim của họ đã được kết hợp với những lời cầu nguyện được họ đọc thành tiếng: chắc chắn các vị này cũng đã phải đối diện với những đêm đen và những khoảnh khắc trống rỗng. Nhưng các vị luôn có thể trung thành với lời cầu nguyện thành tiếng của mình. Nó giống như chiếc mỏ neo: người ta có thể giữ chặt sợi dây và mãi trung thành, bất chấp điều gì xảy ra.
...chúng ta không được coi thường việc cầu nguyện thành tiếng. Người ta dám nói rằng “À, kiểu này chỉ dành cho trẻ em, dành cho những người ngu dốt; Tôi tìm cách cầu nguyện trong tâm trí, suy niệm, khoảng trống bên trong để Thiên Chúa có thể đến với tôi… ” Xin làm ơn! Đừng sa vào thứ kiêu ngạo mà la rầy lối cầu nguyện thành tiếng. Đó là lời cầu nguyện của người đơn sơ, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy: Lạy Cha chúng con ở trên trời… Các lời chúng ta đọc nắm lấy tay chúng ta; đôi khi chúng khôi phục được hương vị, chúng đánh thức ngay cả những trái tim mê ngủ nhất; chúng đánh thức dậy những tâm tình mà chúng ta đã lãng quên xưa nay. Và chúng cầm tay dẫn chúng ta hướng tới việc cảm nghiệm Thiên Chúa, những lời này… Và trên hết, chúng là những lời duy nhất, một cách chắc chắn, đạo đạt lên Thiên Chúa những câu hỏi mà Người muốn nghe. Chúa Giêsu đã không để chúng ta trong một màn sương mù. Người nói với chúng ta: "Hãy cầu nguyện như thế này". Và Người dạy Kinh Lạy Cha (x. Mt 6, 9). (ĐTC Phanxicô, 21/04/2021)
Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021
GẶP CHÚA PHỤC SINH (ĐTC Phanxicô, 18/04/2021)
“Vào Chúa Nhật thứ ba của Lễ Phục Sinh, chúng ta trở lại Giêrusalem, đến Phòng Tiệc Ly, theo sự hướng dẫn của hai môn đệ Emmaus, là những người đã lắng nghe những lời của Chúa Giêsu một cách vô cùng xúc động trên đường đi và sau đó nhận ra Ngài “trong cử chỉ bẻ bánh” (Lc 24, 35). Giờ đây, tại Nhà Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa nhóm các môn đệ và chào: “Bình an cho anh em!” (Câu 36). Nhưng, như Tin Mừng cho biết, họ sợ hãi và nghĩ rằng họ “nhìn thấy một bóng ma” (câu 37). Rồi Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy những vết thương trên thân thể Người và nói: “Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây” (câu 39). Và để thuyết phục họ, Ngài xin thức ăn và ăn uống trước cái nhìn đầy kinh ngạc của họ (xem câu 41-42).
...
Đoạn Tin Mừng này được đặc trưng bởi ba động từ rất cụ thể, theo một nghĩa nào đó phản ánh đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta: nhìn, chạm đến và ăn. Ba hành động có thể mang lại niềm vui cho cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Giêsu hằng sống.
Nhìn. “Hãy nhìn vào bàn tay và bàn chân của Thầy”, Chúa Giêsu nói. Nhìn không chỉ là thấy, nó còn hơn thế nữa, nó còn bao hàm cả ý định, ý chí. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ tốt lành nhìn bệnh nhân một cách cẩn thận… Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt đi của một người trước những khó khăn và đau khổ của người khác. Nhìn. Tôi có nhìn thấy, hay nhìn vào Chúa Giêsu không?
Động từ thứ hai là chạm vào. Mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy rằng Người không phải là ma - hãy chạm vào Thầy! Chúa Giêsu chỉ cho các Tông đồ và cho chúng ta thấy rằng mối quan hệ với Người và với anh em của chúng ta không thể có “khoảng cách”, không có Kitô giáo ở khoảng cách xa xa, không có Kitô giáo chỉ ở mức độ nhìn. Tình yêu đòi buộc nhìn ngắm nhưng nó cũng yêu cầu gần gũi, nó yêu cầu tiếp xúc, và chia sẻ cuộc sống. Người Samaritanô nhân hậu không chỉ nhìn người đàn ông mà anh ta tìm thấy đã sống dở chết dở dọc đường: anh ta dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho nạn nhân, chạm vào anh ta, chất anh ta lên lưng lừa và chở anh ta về quán trọ. Và với chính Chúa Giêsu cũng vậy: yêu mến Chúa có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sống động, một sự hiệp thông với Người.
Và sau đó chúng ta đến với động từ thứ ba, ăn, động từ này diễn tả rõ ràng con người chúng ta trong sự nghèo đói tự nhiên nhất của nó, tức là nhu cầu nuôi dưỡng bản thân để sống còn. Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của cử hành... Biết bao lần Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều kích hiệp thông này với các môn đệ của Người, ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh. Đến mức bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu chỉ tiêu biểu cho cộng đồng Kitô hữu. Cùng nhau ăn và uống Mình Máu Thánh Chúa Kitô: đây là trung tâm của đời sống Kitô hữu.
Thưa anh chị em, đoạn Tin Mừng này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, nhưng là một Bản thể sống động; rằng khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Ngài làm chúng ta vui mừng đến mức không tin, và khiến chúng ta kinh ngạc, với sự kinh ngạc mà chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa mới đem lại, bởi vì Chúa Giêsu là Đấng Hằng Sống. Kitô Giáo trước hết không phải là một học thuyết hay một lý tưởng luân lý, mà là một mối quan hệ sống động với Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được nuôi dưỡng nhờ Người và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, để rồi chúng ta nhìn, chạm vào và nuôi dưỡng người khác như anh chị em với mình. Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống kinh nghiệm ân sủng này.” (ĐTC Phanxicô, 18/04/2021)
Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021
SỨC MẠNH của CẦU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)
“Những người nam, nữ thánh thiện không có cuộc sống dễ dàng như những người khác. Thậm chí họ thực sự có những vấn đề riêng cần giải quyết, và hơn thế nữa, họ thường là đối tượng bị chống đối. Nhưng sức mạnh của họ là việc cầu nguyện. Họ luôn múc từ “cái giếng” vô tận của Mẹ Giáo Hội. Nhờ cầu nguyện, họ nuôi dưỡng ngọn lửa đức tin của họ, như dầu thường làm cho đèn. Và do đó, họ tiến bước trong đức tin và đức cậy. Các thánh, những vị thường ít được coi trọng trong con mắt thế gian, trên thực tế là những người nâng đỡ thế gian, không phải bằng vũ khí tiền bạc và quyền lực, của các phương tiện truyền thông - v.v. - nhưng bằng vũ khí cầu nguyện.
Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đã đặt ra một câu hỏi cảm kích luôn khiến chúng ta phải suy gẫm: “Khi Con Người đến, Người có tìm thấy đức tin trên trái đất nữa không?” (Lc 18, 8/ hay Người sẽ chỉ tìm thấy các tổ chức, như các nhóm doanh nhân có đức tin, mọi sự được tổ chức tốt, thực hiện các việc bác ái, nhiều việc lắm, hay Người sẽ tìm thấy đức tin? "Khi Con người đến, liệu Người có tìm thấy đức tin trên trái đất nữa không?" Câu hỏi này xuất hiện ở phần cuối của một dụ ngôn muốn cho thấy sự cần thiết phải cầu nguyện một cách kiên trì, không mệt mỏi (xem các câu 1-8). Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng ngọn đèn đức tin sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất chừng nào còn dầu cầu nguyện. Chính điều này dẫn đức tin tiến tới và dẫn cuộc sống của chúng ta, những người yếu đuối và tội lỗi tiến tới, nhưng cầu nguyện sẽ dẫn nó tiến tới một cách an toàn.
Câu hỏi mà các Kitô hữu chúng ta cần tự hỏi là: Tôi có cầu nguyện không? Chúng ta có cầu nguyện không? Tôi phải cầu nguyện như thế nào? Như những con vẹt hay tôi cầu nguyện với trái tim mình? Tôi phải cầu nguyện như thế nào? Tôi có cầu nguyện, chắc chắn rằng tôi đang ở trong Giáo hội và tôi cầu nguyện với Giáo hội không? Hay tôi cầu nguyện chút chút theo các ý nghĩ của mình và sau đó làm cho ý nghĩ của mình thành lời cầu nguyện? Đó là một lời cầu nguyện của người ngoại giáo, không phải của Kitô hữu. Tôi nhắc lại: Chúng ta có thể kết luận rằng ngọn đèn đức tin sẽ luôn được thắp sáng trên trái đất chừng nào còn có dầu cầu nguyện.
Và đây là nhiệm vụ thiết yếu của Giáo hội: cầu nguyện và dạy cách cầu nguyện. Truyền ngọn đèn đức tin và dầu cầu nguyện từ thế hệ này sang thế hệ nọ. Ngọn đèn đức tin soi sáng sẽ sửa chữa mọi sự như chúng thực sự vốn là, nhưng nó chỉ có thể tiến tới bằng dầu đức tin. Nếu không, nó sẽ tắt ngúm. Nếu không có ánh sáng của ngọn đèn này, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy con đường truyền giảng Tin Mừng, hay đúng hơn, chúng ta sẽ không thể nhìn thấy đường để tin cho tốt; chúng ta sẽ không thể nhìn thấy khuôn mặt của anh chị em chúng ta để đến gần và phục vụ; chúng ta sẽ không thể chiếu sáng căn phòng nơi chúng ta gặp gỡ trong cộng đồng. Không có niềm tin mọi sự đều sụp đổ; và nếu không có lời cầu nguyện, đức tin sẽ bị dập tắt. Đức tin và lời cầu nguyện đi đôi với nhau. Không có lựa chọn nào khác. Vì lý do này, Giáo hội, như căn nhà và trường học dạy hiệp thông, là căn nhà và trường học dạy đức tin và cầu nguyện.” (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)
Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021
Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021
CẦU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)
Giáo Hội là trường vĩ đại dạy ta cầu nguyện. Nhiều người trong chúng ta đã học cách thì thầm những lời cầu nguyện đầu tiên trong lòng cha mẹ hoặc ông bà. Có lẽ chúng ta trân trọng ký ức về mẹ về cha chúng ta, những người đã dạy chúng ta cầu nguyện trước khi đi ngủ. Những khoảnh khắc hồi tưởng này thường là những khoảnh khắc trong đó cha mẹ lắng nghe một bí quyết thân thiết nào đó và có thể cho chúng ta lời khuyên được Tin Mừng truyền cảm hứng. Sau đó, khi lớn thêm, người ta có những cuộc gặp gỡ khác, với những nhân chứng và những thầy dạy cầu nguyện khác (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2686-2687). Nhớ lại những điều đó quả là việc tốt lành.
Cuộc sống của một giáo xứ và mỗi cộng đồng Kitô hữu được đánh dấu bằng những khoảnh khắc phụng vụ và cầu nguyện cộng đồng. Chúng ta đã ý thức được rằng ơn phúc chúng ta nhận được một cách đơn sơ khi còn thơ ấu là một di sản tuyệt vời, một cơ nghiệp phong phú và kinh nghiệm cầu nguyện ngày càng đáng được thâm hậu hóa nhiều hơn (xem sđd, 2688).
Tấm áo đức tin không cứng ngắc, nhưng phát triển cùng với chúng ta; nó không cứng ngắc, nó phát triển, thậm chí nhờ những khoảnh khắc khủng hoảng và hồi sinh. Trên thực tế, không có sự trưởng thành nào mà không có những khoảnh khắc khủng hoảng vì khủng hoảng khiến anh chị em trưởng thành. Trải qua khủng hoảng là điều cần thiết để trưởng thành. Và hơi thở của đức tin là việc cầu nguyện: chúng ta lớn lên trong đức tin bao lâu chúng ta học cách cầu nguyện. Sau những bước quá độ nào đó trong cuộc sống, chúng ta ý thức được rằng nếu không có đức tin, chúng ta rất có thể không thoát được và sức mạnh của chúng ta là việc cầu nguyện - không chỉ là việc cầu nguyện của bản thân, mà còn là việc cầu nguyện của anh chị em chúng ta, của cộng đồng đã đồng hành và hỗ trợ chúng ta, của những người biết chúng ta, những người chúng ta xin cầu nguyện cho chúng ta nữa...” (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)
Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021
Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021
VẾT THƯƠNG CHỮA LÀNH (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
“Sau khi sự bình an trong lòng được phục hồi và sự tha thứ nâng các môn đệ đứng dậy, đây là ân sủng thứ ba mà Chúa Giêsu thương xót các môn đệ: Ngài ban cho họ những vết thương. Từ những vết thương đó, chúng ta được chữa lành (x. 1 Pt 2, 24; Is 53, 5).
Nhưng làm thế nào để một vết thương có thể chữa lành chúng ta? Thưa: với lòng thương xót. Trong những vết thương đó, giống như Tông đồ Tôma, chúng ta chạm vào bằng bàn tay của mình để thấy rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến tận sâu thẳm, rằng Người đã biến vết thương của chúng ta thành của riêng Người, rằng Người đã mang những yếu đuối của chúng ta vào cơ thể của Người. Những vết thương này là những kênh thông thoáng giữa Ngài và chúng ta, là những kênh thương xót đổ xuống trên những đau khổ của chúng ta. Những vết thương này là những con đường mà Thiên Chúa đã mở rộng cho chúng ta để chúng ta bước vào sự dịu dàng của Ngài và chạm vào Nhiệm thể Ngài bằng đôi tay của chúng ta. Và chúng ta không còn chút nghi ngờ nào về lòng thương xót của Người. Bằng cách yêu mến, hôn lên vết thương của Người, chúng ta khám phá ra rằng tất cả những nhược điểm của chúng ta đều được hoan nghênh trong sự dịu dàng của Người. Điều này xảy ra trong mọi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu dâng hiến cho chúng ta Thân thể bị thương và đã phục sinh của Người: chúng ta chạm vào Người và Người chạm vào cuộc đời của chúng ta. Và điều đó làm cho Thiên đường xuống trong chúng ta.
Những vết thương phát sáng của Người xuyên thủng bóng tối mà chúng ta mang bên trong. Và chúng ta, giống như Thánh Tôma, tìm thấy Chúa, chúng ta khám phá ra Ngài thân mật và gần gũi, và xúc động khi nói với Ngài: “Lạy Chúa và là Chúa của con!” (Ga 20, 28). Và mọi thứ đều bắt nguồn từ đây, từ ơn của người được thương xót. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình của Kitô hữu. Mặt khác, nếu chúng ta dựa vào khả năng của mình, vào hiệu quả của các công trình và dự án của chúng ta, chúng ta sẽ không tiến xa được. Chỉ khi chúng ta chào đón tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể ban tặng một điều gì đó mới mẻ cho thế giới.” (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
CHÚA PHỤC SINH BAN THÁNH THẦN THA TỘI (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
“Chúa Giêsu thương xót các môn đệ bằng cách ban Chúa Thánh Thần cho họ. Ngài ban Thánh Thần để các ngài có năng quyền tha tội (Ga 20, 22-23). Các môn đệ là những người có tội, họ đã chạy trốn bỏ rơi Thầy. Và tội lỗi ám ảnh, cái ác có giá của nó. Tội lỗi của chúng ta, theo Thánh Vịnh (xem 51: 5), luôn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể hủy bỏ nó một mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể loại trừ, chỉ có Ngài với lòng thương xót mới làm cho chúng ta thoát ra khỏi những đau khổ sâu xa nhất của chúng ta.
Giống như những môn đệ đó, chúng ta cần cho phép mình được tha thứ, và nói từ tận đáy lòng: “Lạy Chúa, xin thứ tha tội lỗi con”. Hãy mở rộng trái tim để cho phép mình được tha thứ. Sự tha thứ trong Chúa Thánh Thần là ân sủng Phục sinh để được phục sinh từ bên trong. Chúng ta hãy xin ơn đón nhận Người, đón nhận bí tích tha tội. Và xin ơn để hiểu rằng ở trung tâm của bí tích hòa giải không phải là chúng ta với tội lỗi của mình, mà là Thiên Chúa với lòng thương xót của Người.
Chúng ta không đi xưng tội để suy sụp, nhưng để làm cho chúng ta được phục hồi. Chúng ta cần đến bí tích hòa giải rất nhiều, tất cả mọi người đều cần. Chúng ta cần bí tích hòa giải như những đứa trẻ nhỏ, mỗi khi ngã, chúng cần được bố mẹ nâng lên. Chúng ta cũng thường xuyên sa ngã. Và bàn tay của Chúa Cha đã sẵn sàng để giúp chúng ta đứng dậy và tiếp tục bước đi. Bàn tay an toàn và đáng tin cậy này là bí tích hòa giải. Đó là Bí tích nâng chúng ta lên, không để chúng ta nằm trên mặt đất mà khóc trên những sàn cứng của những sa ngã. Đó là bí tích của sự phục sinh, đó là lòng thương xót thuần khiết. Và bất cứ ai nhận được bí tích hòa giải phải làm cho chính mình cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót.
Và đây là cách của các cha giải tội khi tiếp nhận lời xưng thú của mọi người: hãy làm cho mọi người cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ mọi sự. Chúa tha thứ mọi sự.” (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021
BÌNH AN CHO ANH EM (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
“Ngay từ đầu, Chúa Giêsu mang lại cho các môn đệ ơn bình an. Những môn đệ này đã rất đau khổ. Họ đã nhốt mình trong nhà vì sợ hãi, vì sợ bị bắt và kết cục cũng sẽ như Thầy. Nhưng không chỉ đóng cửa nhà, các ngài còn đóng kín cửa tâm hồn trong sự hối hận. Các ngài đã bỏ rơi và chối Chúa Giêsu. Các ngài cảm thấy mình chẳng có khả năng gì, chẳng được ơn ích gì, và sai lầm. Chúa Giêsu đến và lặp lại hai lần: “Bình an cho anh em!”. Người không mang lại một sự bình an giúp loại bỏ những vấn đề bên ngoài, mà là một sự bình an giúp khơi dậy sự tự tin bên trong. Không phải bình an bên ngoài, mà là bình an trong lòng. Người nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21). Như thể Người đang nói: “Thầy sai anh em đi bởi vì Thầy tin tưởng anh em”. Những môn đệ thất vọng đó được làm hòa với chính mình.
Sự bình an của Chúa Giêsu khiến họ chuyển từ hối hận sang sứ mệnh. Trên thực tế, sự bình an của Chúa Giêsu làm phát sinh sứ mệnh. Bình an của Chúa không phải là sự yên tĩnh, nó không phải là sự nhàn nhã, nhưng là sự đi ra khỏi chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu giải thoát khỏi sự khép kín làm tê liệt, và phá vỡ xiềng xích giam giữ trái tim. Và các môn đệ cảm thấy đầy lòng thương xót: họ cảm thấy rằng Thiên Chúa không lên án họ, không sỉ nhục họ, nhưng tin tưởng vào họ. Vâng, Người tin vào chúng tôi nhiều hơn chúng tôi tin vào chính mình. “Ngài yêu chúng ta nhiều hơn chúng ta yêu chính chúng ta” (xem Thánh John Henry Newman, Suy niệm và Tôn sùng, III, 12:2). Đối với Chúa không ai bất tài, không ai vô dụng, không ai bị loại trừ. Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại một lần nữa: “Bình an cho anh em, là những người quý giá trong mắt Thầy. Bình an cho anh em, là những người quan trọng với Thầy. Bình an cho anh em, là những người có sứ mệnh. Không ai có thể làm điều đó thay cho anh em. Anh em là những người không thể thay thế được. Và Thầy tin vào anh em”. (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)