Ads 468x60px

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

THẬP GIÁ (ĐTC Phanxicô, giảng Lễ Dầu, 01/04/2021)


“... chúng ta ngạc nhiên khi thấy thập tự giá hiện diện trong cuộc đời của Chúa ngay từ lúc bắt đầu sứ vụ của Ngài, ngay cả trước khi Ngài chào đời. Thập giá đã ở đó trong sự bối rối ban đầu của Đức Maria trước sứ điệp của thiên thần; thập giá ở đó trong giấc ngủ chập chờn của Thánh Giuse, khi thánh nhân cảm thấy phải đưa Mẹ Maria ra đi một cách lặng lẽ. Thập giá ở đó trong cuộc bách hại của Hêrôđê và trong những gian khổ mà Thánh Gia phải chịu đựng, giống như những gia đình khác khi phải sống lưu vong bên ngoài quê hương của họ.

Tất cả những điều này làm cho chúng ta nhận ra rằng mầu nhiệm thập giá hiện diện “ngay từ đầu”. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng thập tự giá không phải là một suy nghĩ sau đó, một điều gì đó đã xảy ra một cách tình cờ trong cuộc đời của Chúa. Đúng là tất cả những ai đóng đinh người khác trong suốt lịch sử thường xem thập tự giá như một hình phạt tình cờ, nhưng không phải vậy: thập tự giá không xuất hiện một cách tình cờ. Thập giá lớn nhỏ của nhân loại, thập giá của mỗi chúng ta, không ngẫu nhiên xuất hiện.
Tại sao Chúa đã chấp nhận thập giá trọn vẹn và cho đến cùng? Tại sao Chúa Giêsu lại chấp nhận trọn cuộc Khổ nạn của Ngài: sự phản bội và bỏ rơi của bạn bè sau Bữa Tiệc Ly, sự bắt giữ bất hợp pháp, phiên tòa chóng vánh và bản án không tương xứng, sự bạo hành vô cớ và không thể biện minh được khi Ngài bị đánh đập và phỉ nhổ? Nếu hoàn cảnh là yếu tố duy nhất quyết định sức mạnh cứu rỗi của thập tự giá, Chúa đã không chấp nhận mọi sự. Nhưng khi giờ của Ngài đến, Ngài đã chấp nhận thập tự giá một cách trọn vẹn. Vì trên thập tự giá không thể có sự mơ hồ! Thập giá là không thể thương lượng.
...đúng là có một khía cạnh của thập tự giá là một phần tích hợp của tình trạng con người, giới hạn và sự yếu đuối của chúng ta. Tuy nhiên, cũng đúng là một điều gì đó đã xảy ra trên Thập tự giá không liên quan gì đến sự yếu đuối của con người chúng ta mà là vết cắn của con rắn, là kẻ, khi nhìn thấy Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, đã cắn Ngài trong một nỗ lực đầu độc và đập tan mọi công việc của Ngài. Một vết cắn cố gắng gây tai tiếng - và đây là thời đại của những vụ tai tiếng - một vết cắn tìm cách vô hiệu hóa và biến tất cả sự phục vụ và hy sinh yêu thương cho người khác thành ra vô ích và vô nghĩa. Đó là nọc độc của kẻ ác luôn khăng khăng: hãy tự cứu lấy mình.
Chính trong “vết cắn” khắc nghiệt và đau đớn tìm cách mang đến cái chết này, chiến thắng của Thiên Chúa cuối cùng đã được nhìn thấy. Thánh Maximô Cha Giải Tội nói với chúng ta rằng trong Chúa Giêsu bị đóng đinh, một sự đảo ngược đã xảy ra. Khi cắn thịt Chúa, ma quỷ không đầu độc được Ngài, vì trong Ngài, nó chỉ gặp được sự hiền lành vô hạn và sự vâng phục thánh ý Chúa Cha. Ngược lại, nó bị dính vào cái móc của thập tự giá, nó ăn thịt của Chúa, là điều xem ra độc hại đối với nó, trong khi đối với chúng ta, đó là liều thuốc giải độc vô hiệu hóa sức mạnh của kẻ ác.
Đây là những suy ngẫm của tôi. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ân sủng để sinh lợi từ giáo huấn này. Đúng là thập tự giá hiện diện trong việc rao giảng Tin Mừng của chúng ta, nhưng đó là thập tự giá mang đến ơn cứu rỗi cho chúng ta. Nhờ bửu huyết giao hòa của Chúa Giêsu, chính cây thập tự giá chứa đựng sức mạnh chiến thắng của Chúa Kitô, chiến thắng sự dữ và giải cứu chúng ta khỏi kẻ ác. Đón nhận thánh giá cùng với Chúa Giêsu, và như Ngài đã làm trước chúng ta là ra đi rao giảng, sẽ cho phép chúng ta phân biệt và loại bỏ nọc độc của tai tiếng, mà ma quỷ muốn đầu độc chúng ta bất cứ khi nào cây thập tự bất ngờ xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta...
Cách chúng ta đón nhận thập tự giá trong việc rao giảng Tin Mừng - bằng những việc làm và bằng lời nói, khi cần thiết - làm rõ hai điều này. Thứ nhất, những đau khổ đến từ Tin Mừng không phải là của chúng ta, mà là “những đau khổ của Đức Kitô trong chúng ta” ( 2Cr 1: 5), và thứ hai là “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa; còn phần chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu” ( 2Cr 4, 5).
Tôi muốn kết thúc bằng cách chia sẻ một trong những kỷ niệm của tôi. “Một lần, vào một thời điểm đen tối trong cuộc đời, tôi đã cầu xin Chúa ban cho ân sủng để giải thoát tôi khỏi một hoàn cảnh khó khăn và phức tạp. Một khoảnh khắc đen tối. Tôi đã giảng các Bài Linh Thao cho một số nữ tu, và vào ngày cuối cùng, theo thông lệ trong những ngày đó, tất cả họ đều đi xưng tội. Một sơ lớn tuổi đến; sơ ấy có một cái nhìn trong sáng, đôi mắt đầy ánh sáng. Một người phụ nữ của Chúa. Khi sơ ấy xưng tội xong, tôi cảm thấy thôi thúc muốn xin sơ ấy một ân huệ, vì vậy tôi nói với sơ ấy, ‘Thưa sơ, để làm việc đền tội, sơ hãy cầu nguyện cho tôi, vì tôi cần một ân sủng đặc biệt. Hãy cầu xin Chúa cho điều đó. Nếu sơ cầu xin Chúa, chắc chắn Ngài sẽ ban cho tôi điều đó’. Sơ ấy dừng lại trong im lặng một lúc và dường như đang cầu nguyện, sau đó sơ ấy nhìn tôi và nói, ‘Chúa chắc chắn sẽ ban cho cha ân sủng đó, nhưng cha nên rõ ràng rằng: Ngài sẽ ban cho cha theo thánh ý của riêng Ngài’. Điều này đã làm tôi rất vui khi nghe được rằng Chúa luôn ban cho chúng ta những gì chúng ta xin, nhưng Người làm như vậy theo cách của Người. Cách đó liên quan đến thập tự giá. Không phải vì chủ nghĩa khổ hạnh. Nhưng vì tình yêu, tình yêu cho đến cùng”. (ĐTC Phanxicô, giảng Lễ Dầu, 01/04/2021)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.