Ads 468x60px

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

ĐTC TẠ ƠN SAU CHUYẾN TÔNG DU IRAQ


“Trong mấy ngày qua, Chúa đã cho phép tôi đến thăm Iraq, thực hiện một dự án của Thánh Gioan Phaolô II. Trước đây, chưa bao giờ một vị Giáo hoàng nào đã có mặt tại lãnh thổ của Ápraham. Chúa Quan Phòng muốn rằng điều đó xảy ra vào lúc này, như một dấu hiệu của hy vọng, sau nhiều năm chiến tranh và khủng bố, và trong một trận đại dịch nghiêm trọng.

Sau chuyến thăm này, linh hồn tôi tràn ngập lòng biết ơn - lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và tất cả những người đã làm chuyến viếng thăm khả hữu: với Tổng thống nước Cộng hòa và Chính phủ Iraq; tới các Thượng phụ và Giám mục của đất nước, cùng với tất cả các bộ trưởng và thành viên tín hữu của các Giáo hội liên hệ; với các thẩm quyền tôn giáo, bắt đầu với Đại Giáo Trưởng Al-Sistani, người mà tôi đã có một cuộc gặp gỡ khó quên tại dinh thự của ngài ở Najaf.
Tôi cảm thấy mạnh mẽ một cảm thức thống hối liên quan đến cuộc hành hương này: Tôi không thể đến gần dân tộc bị tra tấn đó, đến Giáo Hội tử đạo đó, mà không nhân danh Giáo Hội Công Giáo, vác lấy cây thánh giá mà họ đã vác trong nhiều năm nay; một cây thánh giá khổng lồ, giống cây thánh giá được đặt ở lối vào Qaraqosh. Tôi cảm thấy nó cách đặc biệt khi nhìn thấy những vết thương vẫn còn rỉ máu từ sự tàn phá, và còn hơn thế nữa khi gặp gỡ và nghe chứng từ của những người sống sót cơn bạo lực, bách hại, lưu đày…
Và đồng thời, tôi thấy xung quanh tôi niềm hân hoan được chào đón sứ giả của Chúa Kitô; Tôi nhìn thấy niềm hy vọng được mở ra hướng tới chân trời hòa bình và huynh đệ, được tóm gọn trong lời lẽ của Chúa Giêsu vốn dùng làm phương châm cho Cuộc viếng thăm: “Anh em đều là anh em” (Mt 23,8). Tôi đã tìm thấy niềm hy vọng này trong bài diễn văn của Tổng thống Cộng hòa. Tôi đã khám phá ra điều đó một lần nữa trong nhiều lời chào kính và chứng từ, trong các bài thánh ca và cử chỉ của người dân. Tôi đọc được điều đó trên khuôn mặt rạng ngời của những người trẻ và trong đôi mắt đầy sức sống của những người cao niên. Người ta đứng chờ Đức Giáo Hoàng cả 5 tiếng đồng hồ, thậm chí cả các phụ nữ ôm con trên tay nữa. Họ chờ đợi và niềm hy vọng rạng rỡ trong đôi mắt họ...
...chúng ta đã gặp gỡ và cầu nguyện với các Kitô hữu và người Hồi giáo, với đại diện của các tôn giáo khác, ở Ur, nơi Ápraham đã nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa khoảng bốn nghìn năm trước đây. Ápraham là tổ phụ của chúng ta trong đức tin vì ông đã lắng nghe tiếng Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi. Ông bỏ lại mọi thứ và lên đường khởi hành. Thiên Chúa trung thành với những lời hứa của Người và cho đến tận ngày nay, vẫn hướng dẫn các bước đi của chúng ta hướng đến hòa bình. Người hướng dẫn các bước đi của những người đang lữ hành trên Trái đất với ánh mắt luôn hướng về Thiên đường. Và tại Ur - chúng tôi, dòng dõi của ông, cùng nhau đứng dưới những bầu trời sáng lạn đó, chính những bầu trời mà tổ phụ Ápraham của chúng ta đã thấy, câu anh em đều là anh chị em dường như lại vang lên một lần nữa.
Một sứ điệp của tình huynh đệ đã phát xuất từ cuộc gặp gỡ giáo hội tại Nhà thờ Công Giáo Syriac ở Baghdad, nơi 48 người, trong số đó có hai linh mục, đã bị giết trong Thánh lễ năm 2010. Giáo Hội tại Iraq là một Giáo Hội tử đạo. Và tại nhà thờ có dòng chữ khắc trên đá tưởng nhớ các vị tử đạo đó, niềm vui đã vang lên trong cuộc gặp gỡ đó. Sự ngạc nhiên của tôi khi được ở giữa họ chan hòa với niềm vui của họ khi có Giáo hoàng ở giữa họ...
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa vì chuyến thăm lịch sử này và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho vùng đất đó và cho Trung Đông. Ở Iraq, bất chấp tiếng gầm thét của tàn phá và vũ khí, cây cọ, biểu tượng và niềm hy vọng của đất nước, vẫn tiếp tục phát triển và đơm hoa kết trái. Tình huynh đệ cũng như vậy: như trái cọ không gây ồn ào, nhưng cây cọ thì kết trái và sinh sôi. Cầu xin Thiên Chúa, Đấng vốn là hòa bình, ban tương lai huynh đệ cho Iraq, cho Trung Đông và cho toàn thế giới!” (10/03/2021)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.