Ads 468x60px

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

Tông huấn "NIỀM VUI của TÌNH YÊU" (số 13) :


"Từ cuộc gặp gỡ chữa lành được nỗi cô đơn này (đó là nỗi ưu tư của người đàn ông đi tìm cho mình “một trợ tá tương xứng” (St2,18-20), khả dĩ lấp đầy được nỗi cô đơn bức bối mà sự gần gũi của các loài vật và mọi thụ tạo cũng không khỏa lấp được-số 12), phát sinh sự sống mới và gia đình. Và sau đây là chi tiết thứ hai mà chúng ta có thể ghi nhận: Ađam, vốn cũng là con người của mọi thời đại và của tất cả mọi vùng miền trên hành tinh này của chúng ta, cùng với vợ mình, khai sinh một gia đình mới, như Đức Giêsu đã nhắc lại bằng cách trích dẫn sách Sáng thế: “Người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt19,5; cf. St 2,24).

Động từ “gắn bó”, trong nguyên ngữ Hipri, chỉ một sự hòa điệu sâu xa, một sự gắn bó cả về thể xác lẫn tâm hồn đến độ nó được dùng để diễn tả sự kết hiệp với Thiên Chúa: “Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó” (Tv 63,9), như tác giả thánh vịnh vẫn hát. Sự kết hợp hôn nhân như vậy gợi lên không chỉ trong chiều kích tính dục và thân xác mà còn cả trong sự trao hiến tình yêu tự nguyện. Kết quả của sự kết hợp này là “trở thành một xương một thịt”, hoặc bằng việc hai thân xác gắn chặt với nhau, hoặc bằng sự kết hợp giữa hai con tim và đời sống và, có lẽ, nơi đứa con được sinh ra từ cả hai sẽ mang trong mình “cốt nhục” của cả cha lẫn mẹ, không chỉ về di truyền học mà cả về tâm linh nữa."
Đọc tiếp »

NGÀY 30-12, TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

29/12-ngày thứ 5 trong tuần bát nhật Giáng Sinh

Bđ 1: 1Ga 2

3Anh em thân mến,
căn cứ vào điều này,
chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa :
đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người.
4Ai nói rằng mình biết Người
mà không tuân giữ các điều răn của Người,
đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.
5Còn hễ ai giữ lời Người dạy,
nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo.
Căn cứ vào đó,
chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa.
6Ai nói rằng mình ở lại trong Người,
thì phải đi trên con đường Đức Giê-su đã đi.
7Anh em thân mến,
đây không phải là một điều răn mới
tôi viết cho anh em, nhưng là một điều răn cũ
mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu.
Điều răn cũ ấy là lời mà anh em đã nghe.
8Nhưng đó cũng là một điều răn mới
tôi viết cho anh em, -điều ấy thật là thế
nơi Đức Giê-su và nơi anh em-,
bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật đã tỏ rạng.
9Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng
mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối.
10Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng,
và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.
11Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối
và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu,
vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng.
Suy niệm
Lạy Chúa, xin cho chúng con “biết Thiên Chúa : đó là chúng con tuân giữ các điều răn của Người” xin giúp con “giữ lời Người dạy” để “tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” trong chúng con.
Lạy Chúa Hà Đồng là “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng...”, xin giúp con ghi nhớ và sống Lời Chúa hôm nay : “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng.” Amen.
Beloved: The way we may be sure that we know him is to keep his commandments. Whoever says, "I know him," but does not keep his commandments is a liar, and the truth is not in him.
But whoever keeps his word, the love of God is truly perfected in him. This is the way we may know that we are in union with him:
whoever claims to abide in him ought to live (just) as he lived.
Beloved, I am writing no new commandment to you but an old commandment that you had from the beginning. The old commandment is the word that you have heard. And yet I do write a new commandment to you, which holds true in him and among you, for the darkness is passing away, and the true light is already shining. Whoever says he is in the light, yet hates his brother, is still in the darkness. Whoever loves his brother remains in the light, and there is nothing in him to cause a fall.
Whoever hates his brother is in darkness; he walks in darkness and does not know where he is going because the darkness has blinded his eyes.
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

ĐỌC TÔNG HUẤN “NIỀM VUI của TÌNH YÊU”


Giáo huấn lễ Thánh Gia 27/12/2020, Đức Thánh Cha kêu mời học hỏi tông huấn “Niềm vui của Tình yêu” : “Mẫu gương loan báo Tin Mừng với gia đình mà ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta, một lần nữa đề xuất chúng ta lý tưởng về tình yêu vợ chồng và gia đình, như đã được nhấn mạnh trong Tông huấn Amoris laetitia -Niềm vui của tình yêu, sẽ được kỷ niệm 5 năm ban hành vào ngày 19/03/2021 tới đây. Và sẽ có một năm suy tư về Amoris laetitia và sẽ là một cơ hội để đào sâu nội dung của văn kiện. Những suy tư này sẽ được cung cấp cho các cộng đoàn Giáo hội và các gia đình, để đồng hành với họ trên hành trình của họ”.

Đó là lý do chúng ta cần đọc, suy niệm và sống tông huấn này, giúp hóa gia đình :
“1. NIỀM VUI của TÌNH YÊU trong đời sống của các gia đình cũng là niềm vui của Hội thánh. Như các nghị phụ trong Thượng Hội đồng đã ghi nhận, mặc dầu vẫn có nhiều dấu chỉ cho thấy có khủng hoảng trong đời sống hôn nhân, “khát vọng có được một mái ấm gia đình vẫn còn rất mạnh mẽ, đặc biệt nơi những người trẻ, và vẫn đang là cảm hứng của Hội thánh”. Như một đáp ứng cho khát vọng này, “loan báo Kitô giáo về gia đình đích thực là một tin vui”.
Đọc tiếp »

GIA ĐÌNH (ĐTC Phanxicô, 27/12/2020)


“Noi gương Thánh Gia, chúng ta được mời gọi khám phá lại giá trị giáo dục của đơn vị gia đình: gia đình đòi hỏi phải được đặt trên nền tảng của tình yêu luôn tái tạo các mối quan hệ bằng cách mở ra những chân trời hy vọng. Trong gia đình, chúng ta có thể cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thành khi gia đình là nhà cầu nguyện, khi tình cảm nghiêm túc, sâu sắc và trong sáng, khi sự tha thứ chiếm ưu thế hơn lời nói, khi sự khắc nghiệt hàng ngày của cuộc sống được xoa dịu bằng sự dịu dàng dành cho nhau, và bằng sự thanh thản tuân theo thánh ý Chúa. Bằng cách đó, gia đình mở ra niềm vui mà Thiên Chúa ban cho tất cả những ai biết trao ban với niềm vui. Đồng thời, trong gia đình, chúng ta tìm thấy năng lượng tinh thần khi mở lòng ra với người khác, phục vụ anh em của mình, cộng tác để xây dựng một thế giới ngày càng mới mẻ và tốt đẹp hơn; do đó, có khả năng trở thành người đưa ra các kích thích tích cực.

Gia đình truyền giáo bằng gương sống. Đúng vậy, trong mỗi gia đình đều có những vấn đề, và đôi khi có cả những cuộc cãi vã. “Thưa cha, con đã cãi nhau với người này, người kia trong gia đình…” - chúng ta là con người, chúng ta yếu đuối, và tất cả chúng ta đều có lúc đi đến chuyện chiến đấu với nhau trong gia đình. Tôi muốn nói với anh chị em một điều: nếu chúng ta chiến đấu trong gia đình, đừng kết thúc một ngày mà không làm hòa. “Vâng, tôi đã có một cuộc chiến”, nhưng trước khi một ngày kết thúc, hãy làm hòa. Và bạn có biết tại sao không? Vì chiến tranh lạnh kéo dài đến tận ngày hôm sau rất nguy hiểm. Nó không giúp ích gì. Và rồi, trong gia đình có ba chữ, ba chữ mà chúng ta luôn phải giữ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “ xin lỗi”. “Xin phép”, để không xâm phạm cuộc sống của người khác. “Tôi có thể làm điều đó không? Làm như thế có được không?”. Hãy xin phép chứ đừng gây áp lực. “Xin phép” là từ đầu tiên. Từ thứ hai là “cảm ơn” vì rất nhiều sự giúp đỡ, rất nhiều sự phục vụ mà chúng ta thực hiện trong gia đình. Luôn luôn cảm ơn. Lòng biết ơn là máu của một tâm hồn cao thượng. Hãy cảm ơn. Và sau đó, câu khó nói nhất là “Xin lỗi”. Bởi vì chúng ta luôn làm những điều xấu và không ít lần có ai đó cảm thấy bị xúc phạm vì điều chúng ta làm. “Tôi xin lỗi”. Đừng quên ba từ: “xin phép”, “cảm ơn”, và “xin lỗi”. Nếu trong môi trường gia đình có ba chữ này thì gia đình đó ổn.” (ĐTC Phanxicô, 27/12/2020)
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

LỄ THÁNH GIA THẤT

Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (15-hết)


VINH TỤNG CA KẾT THÚC

2855
Để kết thúc, Vinh tụng ca "Vì Cha là Vua, là Chúa quyền năng, là Đấng vinh hiển muôn đời" lặp lại ba lời nguyện đầu tiên dâng lên Cha trên trời : danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện. Nhưng câu lặp lại này mang hình thức thờ lạy và tạ ơn, như lời cộng đoàn chư thánh trên trời. Xa-tan là "thủ lãnh thế gian này" đã dối gạt người đời, tự gán cho mình ba tước hiệu : Vua, quyền năng và vinh quang. Đức Ki-tô là Đức Chúa, Người hoàn lại các tước hiệu này về cho Cha của Người cũng là Cha của chúng ta, cho tới ngày Người trao Vương Quốc lại cho Cha, khi mầu nhiệm cứu độ được hoàn tất chung cuộc, khi "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (x.1Cr 15,24-28).
2856
Sau khi đọc kinh xong, chúng ta thưa : A-MEN, nghĩa là "Xin Chúa cứ làm cho con như vậy" (Lc 1,38). Qua lời A-men, chúng ta quyết tâm đón nhận những điều Thiên Chúa dạy trong lời kinh này (T. Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem 5,18).
TÓM LƯỢC
2857
Trong kinh Lạy Cha, ba lời nguyện đầu hướng về Vinh Quang của Cha: Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện. Bốn lời xin sau trình lên Người những ước vọng của chúng ta. Chúng ta xin những gì cần thiết cho đời sống của mình : lương thực nuôi sống, ơn tha tội, và ơn phù trợ trong cuộc chiến để đạt tới điều thiện và thắng được Sự Ác.
2858
Khi "nguyện danh Cha cả sáng", chúng ta tham dự vào chương trình của Thiên Chúa: làm cho Danh Người - đã mặc khải cho Mô-sê, sau đó được biểu lộ nơi Đức Giê-su được cả sáng, được tôn vinh nơi chúng ta và do chúng ta, cũng như nơi mỗi người và nơi muôn dân.
2859
Với lời nguyện thứ hai, Hội Thánh mong đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm và Nước Chúa hoàn tất. Triều Đại Thiên Chúa đến lần cuối cùng khi Đức Ki-tô tái lâm. Chúng ta cũng cầu xin cho Nước Thiên Chúa lớn mạnh trong "ngày hôm nay" của đời sống ta.
2860
Trong lời nguyện thứ ba, chúng ta xin Cha trên trời cho ý của ta được nên một với ý của Chúa Con để chu toàn chương trình Cứu Độ của Người trong cuộc sống trần thế.
2861
Trong lời xin thứ tư, khi đọc "xin cho chúng con", chúng ta hiệp thông với anh em, nói lên lòng tín thác của con cái đối với Cha trên trời. Chữ "lương thực" vừa chỉ thức ăn cần để nuôi sống thân xác, vừa chỉ về Bánh Hằng Sống là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa Ki-tô. Chúng ta được lãnh nhận lương thực thiên quốc này trong "Ngày Hôm Nay" của Thiên Chúa, như của ăn không thể thiếu, của ăn cốt yếu của Bàn Tiệc Nước Trời mà chúng ta được nếm trước trong bí tích Thánh Thể.
2862
Lời xin thứ năm khẩn cầu Thiên Chúa xót thương tha thứ những gì ta xúc phạm đến Người. Nguồn ơn thương xót của Chúa chỉ vào được lòng ta nếu ta biết tha thứ cho kẻ thù, theo gương mẫu và với sự trợ giúp của Chúa Ki-tô.
2863
Khi đọc "xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ", chúng ta cầu xin Thiên Chúa đừng để chúng ta theo con đường dẫn đến tội lỗi. Với lời cầu này, chúng ta muốn xin Thiên Chúa ban Thánh Thần để biết nhận định và có sức mạnh, biết canh thức và bền đỗ đến cùng.
2864
Trong lời xin cuối cùng "nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ", cùng với Hội Thánh chúng ta xin Thiên Chúa biểu dương chiến thắng mà Đức Ki-tô đã đạt được trên "thủ lãnh thế gian" là Xa-tan, kẻ chống đối Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Người.
2865
Với tiếng A-men cuối cùng, chúng ta thưa "xin Chúa cứ làm cho con" như bảy lời nguyện xin, "ước gì được như vậy... ".
(15 bài giáo lý trích trực tiếp từ sách GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992, giúp suy niệm Kinh Lạy Cha ít là 30 phút để hưởng ơn Toàn Xá hằng ngày trong năm Thánh Giuse : 08/12/2020-08/12/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Mục vụ tháng 1-2021

Đọc tiếp »

ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi Rôma và toàn thế giới, 25/12/2020


“Anh chị em thân mến,
Chúc mừng Giáng sinh!

Tôi muốn chuyển đến mọi người thông điệp mà Giáo hội loan báo trong ngày lễ này, theo lời của Tiên tri Isaia: “Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9: 5)...
Nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể hướng về Thiên Chúa và gọi Người là “Cha”, là “Bố”. Chúa Giêsu là Con Một; không ai khác biết Chúa Cha, trừ ra Chúa Con. Nhưng Ngài đã đến thế gian chính xác là để mạc khải thiên nhan của Chúa Cha cho chúng ta. Và như vậy, nhờ Hài Nhi này, tất cả chúng ta có thể gọi nhau là anh em và thực sự là anh em với nhau: bất kể sống ở châu lục nào, bất kể những dị biệt về ngôn ngữ và văn hóa, bất kể những khác biệt về bản sắc giữa chúng ta, tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Trong thời điểm lịch sử này, được đánh dấu bởi cuộc khủng hoảng sinh thái và sự mất cân bằng nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, và tình hình còn trầm trọng hơn bởi đại dịch coronavirus, chúng ta cần tình huynh đệ hơn bao giờ hết. Và Thiên Chúa ban tình huynh đệ ấy cho chúng ta bằng cách ban cho chúng ta Con Ngài là Chúa Giêsu: đó không phải là một tình huynh đệ được tạo nên bởi những lời hoa mỹ, những lý tưởng trừu tượng, những tình cảm mơ hồ… Không, không phải như thế. Nhưng đó là một tình huynh đệ dựa trên tình yêu thương thực sự, có khả năng gặp gỡ tha nhân, là những người khác biệt với chúng ta – có khả năng thương cảm trước những đau khổ của họ, để tiếp cận và chăm sóc họ ngay cả khi họ không phải là những người trong gia đình tôi, trong dân tộc tôi, tôn giáo của tôi; người ấy khác tôi nhưng người ấy là anh trai tôi, là em gái tôi. Và điều này cũng đúng trong quan hệ giữa các dân tộc và quốc gia: tất cả đều là anh em!
...
Ngài đến để cứu chúng ta! Ngài thông báo rằng đau khổ và cái ác không có tiếng nói sau cùng. Chiều theo bạo lực và bất công có nghĩa là phủ nhận niềm vui và hy vọng của Giáng sinh.
Trong ngày lễ này, tôi nhớ cách riêng đến những người không để cho mình bị choáng ngợp bởi những hoàn cảnh bất lợi, nhưng cố gắng mang lại hy vọng, sự an ủi và giúp đỡ, trong khi giúp đỡ những người đau khổ và đồng hành với những ai cô đơn.
Chúa Giêsu sinh ra trong chuồng gia súc, nhưng được bao bọc trong tình yêu của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Giuse. Khi hoá thành nhục thể, Con Thiên Chúa đã thánh hiến tình yêu gia đình. Suy nghĩ của tôi lúc này là đến các gia đình: đến những người không thể đoàn tụ hôm nay, cũng như những người bị buộc phải ở nhà. Ước gì Giáng sinh là dịp để mọi người khám phá lại gia đình là cái nôi của sự sống và đức tin; là nơi đón nhận tình yêu thương, đối thoại, tha thứ, liên đới huynh đệ và chia sẻ niềm vui, là nguồn bình an cho toàn thể nhân loại...” (ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Giáng Sinh Urbi et Orbi gởi Rôma và toàn thế giới, 25/12/2020)
Đọc tiếp »

NGÀY 26-12


 

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

KINH LẠY CHA (14)


"NHƯNG CỨU CHÚNG CON CHO KHỎI SỰ DỮ"

2850
Lời xin cuối cùng dâng lên Cha cũng được bao hàm trong kinh nguyện của Đức Giê-su: "Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần" (Ga 17,15). Lời xin này liên hệ đến từng người chúng ta, nhưng bao giờ cũng là "chúng con" đang cầu nguyện, trong hiệp thông với toàn Hội Thánh và xin Thiên Chúa cứu toàn thể gia đình nhân loại. Kinh Lạy Cha không ngừng mở ra cho chúng ta thấy những chiều kích của nhiệm cục cứu độ. Chúng ta từng liên đới với nhau trong tội lỗi và sự chết, nay được liên đới trong Thân Thể Chúa Ki-tô, trong mầu nhiệm "các thánh thông công" (x. 1 Cr 16, 13; Cl 4, 2; 1 Tx 5, 6; 1Pr 5, 😎.
2851
Trong lời xin này, Sự Dữ không là một điều trừu tượng, nhưng là một nhân vật, là Xa-tan, Ác thần, thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Sự Dữ ở đây là ma quỷ (tiếng Hy Lạp là Dia-Bolos: kẻ phá ngang), kẻ tìm cách ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ trong Chúa Ki-tô.
2852
Ma quỷ "ngay từ đầu đã là tên sát nhân, là kẻ nói dối và là cha sự gian dối"(Ga 8,44), "là Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại" (Kh 12,9). Do thần dữ, tội lỗi và sự chết đã xâm nhập thế giới, và khi nó bị đánh bại hoàn toàn, mọi thụ tạo"sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết" (x. MR, kinh nguyện Thánh Thể IV) . "Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, thì không phạm tội nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra gìn giữ người ấy và Ác Thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác Thần"(1Ga 5,18-19) : "Chúa là Đấng xóa tội và tha lỗi cho chúng ta; Người bảo vệ và gìn giữ chúng ta khỏi những mưu kế của Ma Quỷ hãm hại, để kẻ thù quen dẫn đường tội lỗi không lừa dối được chúng ta. Ai trông cậy Chúa thì không sợ ma quỷ. "Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, còn ai chống lại được chúng ta? " (Rm 8,31) (T. Am-brô-xi-ô 5,30).
2853
Thần Dữ là "thủ lãnh thế gian" đã bị đánh bại, một lần dứt khoát, vào Giờ Đức Giê-su tự hiến thân chịu chết để ban cho chúng ta Sự Sống của Người. Đó là lúc Người phán xét thế gian này và "thủ lãnh thế gian này bị tống ra ngoài" (Ga 12,31; Kh 12,11). "Sách Khải Huyền cho biết : "Khi đó, nó đuổi bắt Người Phụ Nữ" (12,13), nhưng không bắt được Bà; Bà là E-và mới, "đầy ân sủng" của Thánh Thần, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự hư nát do cái chết. Hội Thánh hiểu Người Phụ Nữ này là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và được ơn Hồn Xác Lên Trời. Người Phụ Nữ này cũng là hình ảnh của Hội Thánh. "Lúc đó, nó nổi giận với Người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi Bà" (Kh 12,17). Vì thế Thánh Thần và Hội Thánh cùng cầu nguyện : "Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến" (Kh 22,17-20), vì khi Người quang lâm sẽ giải thoát chúng ta khỏi tay Ác Thần.
2854
Khi xin Thiên Chúa giải thoát khỏi Ác Thần, chúng ta cũng xin cứu khỏi mọi sự dữ trong quá khứ, hiện tại và tương lai, do ma quỷ là thủ phạm hay kẻ chủ mưu. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội Thánh trình lên Cha mọi nỗi khốn cùng của thế giới. Hội Thánh không những xin được gìn giữ khỏi mọi sự dữ đang hoành hành nơi nhân loại, mà còn van xin Cha ban ơn bình an và ơn bền vững đang khi trông đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm. Khi cầu nguyện như thế, Hội Thánh khiêm tốn và tin tưởng tiền dự vào ngày mọi người và mọi loài được quy tụ trong Đức Ki-tô Đấng nắm quyền trên "Tử Thần và Âm Phủ", "Chủ Tể của mọi sự, Đấng hiện có, đã có và đang đến" (Kh 1,4.8.18)
1041
Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi, và được an toàn khỏi mọi biến loạn, đang khi chúng con đợi chờ ngày hồng phúc, ngày Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng con ngự đến"(SLRM. nghi thức hiệp lễ).
Đọc tiếp »

LỄ BAN NGÀY 25-12


 

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

Giáo xứ Cù Mi_Thánh lễ đêm 24-12 Giáng Sinh

Đọc tiếp »

CHÚA TRỞ NÊN NGƯỜI NGHÈO...


“Nhận thức rằng Thiên Chúa đã hóa thành người phàm thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cũng cần biết Thiên Chúa đã hóa thành loại người phàm nào. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thấy Thánh Gioan và Thánh Phaolô khác biệt nhau ra sao và bổ sung cho nhau như thế nào trong cách thức mỗi vị mô tả mầu nhiệm nhập thể. Đối với Thánh Gioan, điều này bao gồm sự kiện Ngôi Lời là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1: 1-14); đối với Thánh Phaolô, điều đó bao gồm thực tế là ‘Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ’ (x. Pl 2: 5ff.) Đối với Thánh Gioan, Ngôi Lời, là Thiên Chúa, đã làm người; còn với Thánh Phaolô ‘Chúa Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó’ (x 2 Cor: 8-9)...

‘Bí tích’ của sự nghèo khó! Đây là những từ rất mạnh mẽ, nhưng chúng có cơ sở. Nếu quả thực, bởi sự kiện nhập thể, theo một cách nào đó, Ngôi Lời đã mặc lấy mọi người lên mình Ngài (như một số giáo phụ Hy Lạp đã tuyên bố), thì về cách thức điều này được thực hiện, Người đã mặc lấy lên mình những người nghèo, những người khiêm nhường, và những người đau khổ. Chúa Giêsu đã “thiết lập” dấu chỉ này theo cùng một thể thức như Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người nói khi bẻ bánh: ‘Này là mình Thầy’ và Người cũng dùng những từ ngữ tương tự như thế về người nghèo. Người đã làm như vậy khi đề cập đến những gì người ta đã làm - hoặc không làm - cho những người đói khát, chịu giam cầm, trần truồng hay là những người lạ, bằng cách trang trọng thêm rằng: ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy, và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25: 31ff.)...
Giáo hội của người nghèo không chỉ bao gồm những người nghèo trong chính Giáo hội! Theo một nghĩa nào đó, tất cả những người nghèo trên thế giới đều thuộc về nó, cho dù họ đã được rửa tội hay chưa. Một số người sẽ phản đối: ‘Sao lại thế? Họ chưa lãnh nhận đức tin hoặc chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà!’ Điều đó đúng, nhưng nếu như thế thì cũng không có các Thánh Anh Hài mà chúng ta mừng sau lễ Giáng sinh. Trong mắt Thiên Chúa, sự nghèo khó và đau khổ của họ, nếu không xuất phát từ tội lỗi, chính là phép rửa bằng máu của chính họ. Thiên Chúa có nhiều cách cứu rỗi hơn những cách chúng ta tưởng tượng ra, mặc dù tất cả những cách này, không có ngoại lệ nào đều phải qua Chúa Kitô và ‘trong một cách chỉ một mình Thiên Chúa biết’.
Người nghèo ‘thuộc về Chúa Kitô’, không phải vì họ tự nhận mình thuộc về Ngài, nhưng vì Ngài tuyên bố họ thuộc về mình, Ngài tuyên bố họ là chi thể của Ngài. Điều này không có nghĩa là chỉ cần nghèo trong thế giới này là đủ để tự động bước vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những lời: ‘Hỡi những ai được Cha Ta chúc phúc, hãy đến’ (Mt 25:34) được gửi đến những người đã chăm sóc người nghèo, không nhất thiết được gởi đến cho chính những người nghèo chỉ vì họ nghèo về vật chất trong cuộc sống của họ...
Đức Giáo Hoàng, cùng với mọi mục tử trong Giáo hội, thực sự là ‘cha của người nghèo’. Tất cả chúng ta đều vui mừng và cảm thấy được khích lệ khi thấy vai trò này được các Giáo hoàng gần đây và đặc biệt là vị mục tử hiện đang ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô coi trọng như thế nào. Ngài là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho người nghèo trong một thế giới chỉ quen với việc chọn lọc và đào thải. Ngài chắc chắn đã không ‘quên người nghèo’! Trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy một phước lành đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến người nghèo:
Phúc thay ai lưu tâm đến người nghèo khổ:
trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống,
lại ban cho hạnh phúc trên đời,
không trao họ cho địch thù hung hãn. (Tv 41: 2-3).
Trong Tin Mừng, chúng ta đọc về Đức Maria và Thánh Giuse rằng “nhà trọ không có chỗ cho họ” (Lc 2, 7). Ngày nay, không có chỗ cho người nghèo trong quán trọ trên thế giới, nhưng lịch sử đã cho thấy Thiên Chúa đứng về phía nào và Giáo hội phải đứng về phía nào. Đến với người nghèo là noi gương sự khiêm nhường của Chúa. Đó là tự mình nhỏ bé vì tình yêu thương, để nâng đỡ những người bên dưới.” (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)
Đọc tiếp »

NGÀY 24-12

Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (13)


"XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ"

2846
Lời xin này đề cập đến gốc rễ của lời xin trước, vì chúng ta phạm tội khi chiều theo chước cám dỗ. Do đó, chúng ta xin : chớ để chúng con "sa" chước cám dỗ. Theo nguyên ngữ Hy Lạp, chữ "sa" này có nghĩa là "lâm vào" (x. Mt 26,41 ),"khỏi sa ngã theo chước theo cám dỗ". "Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai" (Gc 1,13). Trái lại, Người muốn giải thoát chúng ta khỏi cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Người đừng để ta đi vào con đường dẫn đến tội lỗi. Chúng ta đang bị giằng co giữa xác thịt và Thần Khí. Với lời nguyện cầu này, chúng ta muốn xin Thiên Chúa ban Thánh Thần để biết nhận định và có sức mạnh chống lại cơn cám dỗ.
2847
Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết "nhận định" đâu là thử thách cần thiết để con người nội tâm tăng trưởng nhờ "quen chịu đựng gian truân" (Rm 5,3-5), và đâu là cám dỗ dễ dẫn đến tội lỗi và sự chết. Chúng ta còn phải biết phân biệt giữa "bị cám dỗ" và "chiều theo chước cám dỗ". Nhờ nhận định, chúng ta có thể vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ: bề ngoài, đối tượng có vẻ "ngon lành, trông đẹp mắt, đáng quý" (St 3,6), nhưng kết quả của nó là sự chết.
"Thiên Chúa không muốn áp đặt điều tốt, Người muốn chúng ta tự do... Cám dỗ cũng có cái lợi. Ngoại trừ Thiên Chúa, không ai biết được những gì hồn ta đã nhận được từ Thiên Chúa, kể cả chính bản thân ta. Nhưng cơn cám dỗ bộc lộ cho chúng ta biết nhận ra con người của mình; nhờ đó, chúng ta khám phá ra tình trạng tệ hại của mình, và buộc chúng ta phải tạ ơn Chúa vì những ơn lành được cơn cám dỗ làm lộ ra"(Ô-ri-gê-nê 29 ) .
2848
Muốn khỏi "sa chước cám dỗ", chúng ta phải có quyết tâm: "Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó... Không ai có thể làm tôi hai chủ" (Mt 6,21.24). "Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà hành động" (Gl 5,25). Khi biết "chiều theo" Thánh Thần, chúng ta được Chúa ban sức mạnh. "Không một cám dỗ nào đã xảy đến cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín : Người sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức; nhưng khi để anh em bị cám dỗ, Người sẽ cho anh em phương thế để thoát khỏi và sức mạnh để chịu đựng" (1 Cr 10,13).
2849
Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta chỉ có thể chiến thắng nhờ cầu nguyện. Nhờ cầu nguyện, Đức Giê-su đã chiến thắng Tên Cám Dỗ, lúc khởi đầu sứ vụ (x. Mt 4,1-11) và trong cuộc chiến cuối cùng (x.Mt 26,36-44 ) vào giờ hấp hối. Đức Ki-tô kết hiệp chúng ta với Người trong cuộc chiến đấu và cơn hấp hối của Người để xin Chúa Cha "chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Người khẩn nài chúng ta cùng canh thức với Người. Canh thức là giữ tâm hồn mình. Đức Giê-su xin Chúa Cha "gìn giữ chúng ta trong danh Cha" (Ga 17,11). Chúa Thánh Thần luôn tìm cách giúp chúng ta canh thức. Lời cầu xin này càng trở nên quan trọng hơn nữa, khi cuộc chiến đấu trên trần thế của ta bước vào cơn cám dỗ cuối cùng; chúng ta phải xin ơn bền đỗ đến cùng : "Đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ đang canh thức" (Kh 16,15).
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

CANH TÂN GIÁO HỘI (Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma, 21/12/2020)


(Khủng hoảng nhưng không xung đột)

“... Tôi (ĐTC Phanxicô) mong anh chị em đừng nhầm lẫn giữa khủng hoảng và xung đột. Chúng là hai thứ khác nhau. Khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu. Trong tình huống như vậy, chỉ có một bên có thể giành được chiến thắng...
Khi Giáo Hội được nhìn nhận dưới góc độ xung đột : hữu khuynh so với tả khuynh, cấp tiến so với truyền thống, thì Giáo Hội trở nên phân tán và phân cực, bóp méo và phản bội thực chất của mình. Mặt khác, Giáo Hội là một thực thể bị khủng hoảng liên tục, chính vì Giáo Hội vẫn sống động. Giáo Hội không bao giờ được trở thành một thực thể đang trong tình trạng xung đột, có kẻ thắng và người thua, vì như thế, Giáo Hội sẽ gieo rắc sự sợ hãi, trở nên cứng ngắc hơn và ít hòa hợp hơn, và áp đặt một sự đồng nhất, khác xa với sự phong phú và đa dạng mà Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội của Ngài.
Sự mới mẻ sinh ra từ khủng hoảng và theo thánh ý của Thánh Linh không bao giờ là một sự mới mẻ đối lập với cái cũ, nhưng là cái mới nảy sinh từ cái cũ và làm cho nó liên tục sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu giải thích quá trình này bằng một hình ảnh đơn giản và rõ ràng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Sự chết của một hạt giống có tính chất mâu thuẫn nội tại: nó vừa là sự kết thúc vừa là sự khởi đầu của một cái gì đó mới. Nó có thể được gọi là cả hai vừa là “chết chóc và suy tàn” lại vừa là “sinh sôi và triển nở”, vì cả hai là một. Chúng ta thấy một sự kết thúc, nhưng đồng thời, trong cái kết thúc ấy, một khởi đầu mới đang hình thành.
Theo nghĩa này, việc chúng ta không muốn rơi vào khủng hoảng và không muốn để cho mình được Thánh Linh dẫn dắt vào những thời khắc thử thách sẽ giữ chặt chúng ta trong tình trạng vô vọng và không sinh hoa kết quả, hoặc thậm chí trong tình trạng xung đột. Khi tìm cách tránh né khủng hoảng, chúng ta cản trở công việc của ân sủng Thiên Chúa, ân sủng này sẽ biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta. Nếu một tầm nhìn hiện thực nào đó khiến chúng ta thấy lịch sử gần đây của mình chỉ là một chuỗi những thảm họa, những tai tiếng và thất bại, những tội lỗi và mâu thuẫn, những hụt hẫng và trở ngại trong chứng tá của chúng ta, thì chúng ta không nên lo sợ. Chúng ta cũng không nên phủ nhận mọi thứ trong bản thân và trong cộng đồng của chúng ta, là những thứ rõ ràng đã bị ô nhiễm bởi cái chết, và đang đòi phải có sự hoán cải. Mọi điều xấu xa, sai trái, yếu đuối và không lành mạnh được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải chết đi đối với một lối sống, một lối suy nghĩ và hành động không phản ánh Phúc Âm. Chỉ khi chết đi đối với một não trạng nào đó, chúng ta mới có thể có chỗ cho sự mới mẻ mà Thánh Thần không ngừng đánh thức trong lòng Giáo Hội. Các Giáo phụ của Giáo Hội nhận thức rõ điều này, và họ gọi nó là “metanoia“.
Mọi cuộc khủng hoảng đều chứa đựng một nhu cầu chính đáng phải đổi mới và phải có một bước tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự mong muốn đổi mới, chúng ta phải có can đảm để hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải ngừng xem việc cải tổ Giáo Hội như việc vá lại một chiếc áo cũ, hay chỉ đơn giản là soạn thảo ra một Hiến chế mới. Sự cải tổ của Giáo Hội là một cái gì đó khác xa như thế.
Không thể là chuyện vá chỗ này chỗ kia, vì Giáo Hội không chỉ là một y phục của Đức Kitô, mà là Nhiệm thể của Người, bao trùm cả lịch sử (x. 1 Cr 12:27). Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Nhiệm thể Đức Kitô, “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng chúng ta được mời gọi mặc áo mới cho Nhiệm thể ấy sao cho mọi người thấy rõ ràng rằng ân sủng mà chúng ta có không đến từ chính chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, “kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4: 7). Giáo Hội luôn là một cái bình sành, quý giá chính vì những gì nó chứa đựng chứ không phải vì dáng vẻ bên ngoài của nó. Lát nữa đây, tôi sẽ hân hạnh được tặng cho anh chị em một cuốn sách, đó là món quà của Cha Ardura, cuốn sách cho thấy cuộc đời của một bình sành làm rạng rỡ sự vĩ đại của Thiên Chúa và những cải cách của Giáo Hội. Ngày nay, dường như rõ ràng là đất sét mà chúng ta được tạo ra bị sứt mẻ, hư hỏng và nứt nẻ. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, kẻo sự yếu đuối của chúng ta trở thành chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng hơn là làm chứng cho tình yêu bao la mà Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta (x. Ep 2: 4). Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, ra khỏi cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ là một lời nói dối, một sự giả trá.
Trong thời kỳ khủng hoảng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại một số nỗ lực nhằm thoát ra khỏi nó đã có thể thấy trước ngay từ đầu là sẽ thất bại. Nếu ai đó “xé áo mới lấy vải vá áo cũ”, thì kết quả có thể đoán trước được: “không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Tương tự, “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” (Lc 5:36-38)...
Chúng ta nên làm gì trong thời kỳ khủng hoảng? Trước tiên, hãy chấp nhận đó là thời gian ân sủng được ban cho chúng ta để phân định thánh ý Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Hội Thánh. Chúng ta cần tiến vào một khái niệm xem ra có vẻ nghịch lý là “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Chúng ta nên ghi nhớ những lời trấn an của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Côrinhtô: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13)...
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy duy trì sự bình an và thanh thản tuyệt vời, với ý thức đầy đủ rằng tất cả chúng ta, bắt đầu từ chính bản thân tôi, chỉ là những “đầy tớ bất xứng” (Lc 17:10) mà Chúa đã dủ lòng thương xót. Vì lý do này, sẽ rất tốt cho chúng ta khi ngừng sống trong xung đột và một lần nữa cảm thấy rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau, sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng. Hành trình luôn bao gồm các động từ liên quan đến chuyển động. Khủng hoảng tự nó là chuyển động, là một phần của cuộc hành trình của chúng ta. Trái lại, xung đột là một con đường mòn dẫn chúng ta lạc lối, không mục đích, không định hướng và bị mắc kẹt trong một mê cung; đó là một sự lãng phí năng lượng và là cơ hội cho ma quỷ. Điều ác đầu tiên mà xung đột dẫn chúng ta đến, và chúng ta phải cố gắng tránh, là tin đồn. Chúng ta hãy chú ý đến điều này! Tung tin đồn không phải là nỗi ám ảnh của tôi; nhưng nó là lời tố cáo cho thấy ma quỷ đã xâm nhập vào Giáo triều. Ở đây trong Điện Tông Tòa này, có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, ma quỷ đi vào và chúng ta quen với điều này. Những lời đàm tiếu khiến chúng ta rơi vào trạng thái quy hướng vào chính mình buồn bã, và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung đột. Tin Mừng cho chúng ta biết các mục đồng đã tin lời sứ thần truyền và lên đường hướng về Chúa Giêsu (x. Lc 2:15-16). Trái lại, Hêrôđê đã khép lòng mình lại trước câu chuyện do các đạo sĩ kể lại và biến sự khép kín ấy thành gian dối và bạo lực (x. Mt 2:1-16).
Mỗi người trong chúng ta, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội, nên tự hỏi liệu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu với sự ngoan ngoãn của những người chăn cừu, hay với thái độ phòng thủ của Hêrôđê; muốn đi theo Người giữa cuộc khủng hoảng hay muốn ngăn chặn Người trong cuộc xung đột...
Đừng ai cố ý cản trở công việc Chúa đang hoàn thành vào lúc này, và chúng ta hãy xin ơn để phục vụ trong khiêm nhường, để Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (x. Ga 3:30)...”
(Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma, 21/12/2020)
Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (12)


"XIN THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON "

2838
Lời cầu xin này thật lạ lùng. Nếu chỉ có phần đầu "xin tha nợ chúng con", lời xin này lẽ ra đã hàm chứa trong ba lời nguyện đầu kinh Lạy Cha, vì Đức Ki-tô tự hiến tế để "cho mọi người được tha tội". Phần thứ hai của lời xin cho thấy : Thiên Chúa chỉ nhận lời nếu trước đó chúng ta đáp ứng một đòi buộc. Lời xin này sẽ được Thiên Chúa ban với điều kiện chúng ta phải đáp ứng điều Chúa đòi buộc trước: Thiên Chúa sẽ tha cho chúng ta "như " chúng ta tha cho anh em.
"Xin tha nợ chúng con"...
2839
Chúng ta đã bắt đầu xin Cha trên trời với lòng tin tưởng dạn dĩ. Khi "nguyện Danh Cha cả sáng", chúng ta đã xin Người luôn thánh hóa chúng ta hơn nữa. Nhưng dù đã được mặc áo trắng tinh tuyền khi Rửa Tội, chúng ta vẫn tiếp tục phạm tội, quay lưng lại với Thiên Chúa. Giờ đây, trong lời xin này, chúng ta như người con hoang đàng trở về với Cha, và như người thu thuế nhận mình là tội nhân trước nhan Người. Lời xin này bắt đầu bằng một lời thú tội, vừa thú nhận tình trạng khốn cùng của mình vừa tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng hay thương xót. Niềm hy vọng này được bảo đảm trong Con Một Người, "chúng ta đã được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1,14; Ep 1,7). Trong các bí tích của Hội Thánh, chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha tội (x. Mt 26-28; Ga20,23).
2840
Nhưng thật đáng sợ, nguồn ơn thương xót của Thiên Chúa không vào được lòng ta nếu chúng ta không tha cho những người có lỗi với chúng ta. Cũng như Thân Thể Đức Ki-tô, Tình yêu không thể phân chia: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu ta không yêu mến anh chị em mà ta đang thấy được. Khi từ chối tha thứ cho anh chị em mình, lòng chúng ta đóng lại và trở nên chai đá không thể đón nhận tình thương tha thứ của Cha. Khi thú nhận tội lỗi, chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng của Người.
2841
Lời xin này quan trọng đến nỗi đây là lời duy nhất, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su phải trở lại chủ đề này và khai triển thêm. Con người không có khả năng chu toàn đòi hỏi quyết liệt này của mầu nhiệm giao ước, nhưng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.
..."như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"
2842
Khi giảng dạy, Đức Giê-su nhiều lần dùng chữ "như": "anh em hãy nên hoàn thiện "như" Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48); "Anh em hãy có lòng nhân từ "như" Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6,36) ; "Thầy ban cho anh em một điều răn mới : anh em hãy yêu thương nhau "như" Thầy đã yêu thương anh em"(Ga 13,34). Chúng ta không thể giữ được điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước Chúa bằng những hành vi bên ngoài. Chúng ta phải hiệp thông sống động và "hết lòng" với sự thánh thiện, lòng thương xót và yêu thương của Thiên Chúa. Chỉ có Thánh Thần, "nhờ Người mà chúng ta sống" (Ga 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được tâm tình của Đức Giê-su Ki-tô (Pl 2,1-5). Khi được hiệp thông với Thiên Chúa đầy lòng tha thứ, "chúng ta biết tha thứ cho nhau "như" Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Đức Ki-tô" (Ep 4,32).
2843
Như thế, lời Chúa dạy về tha thứ mang sức sống vì dạy chúng ta sống đến tận cùng của tình yêu (Ga 13,1). Khi đưa ra dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót là đỉnh cao của giáo huấn về hiệp thông trong Hội Thánh ( x. Mt 18,23-35 ) , Đức Giê-su kết luận : "Cũng vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (Mt 18, 23-35). Tội lỗi của chúng ta bị cầm buộc hay được tháo gỡ đều tùy vào việc "hết lòng tha thứ" của ta. Chúng ta không có khả năng bỏ qua hay quên đi lỗi của anh em; nhưng ai sống theo Thánh Thần sẽ biết cảm thương người bị xúc phạm đến mình và thanh luyện ký ức bằng cách chuyển cầu cho người có lỗi.
2844
Việc cầu nguyện giúp người Ki-tô hữu biết tha thứ cho cả kẻ thù (x. Mt 5,43-44, và biến đổi người môn đệ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một đỉnh cao của kinh nguyện Ki-tô giáo; Thiên Chúa chỉ ban ơn cầu nguyện cho tâm hồn nào biết hòa nhịp với lòng thương xót của Người. Tha thứ còn minh chứng rằng trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Đức Giê-su bằng cách này. Tha thứ là điều kiện căn bản để có sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa ( x. 2Cr 5, 18-21) và giữa con người với nhau (x. Gio-an Phao-lô II, DM 14).
2845
Sự tha thứ này bắt nguồn từ Thiên Chúa nên không có giới hạn hay mức độ. Nếu đề cập đến xúc phạm (hay "tội" theo Lc 11,4; "nợ" theo Mt 6,12), trong thực tế chúng ta luôn luôn là kẻ mắc nợ : "anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái" (Rm13,8). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và tiêu chuẩn chân thực cho mọi tương quan. Chúng ta sống hiệp thông này trong cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể.
Thiên Chúa không nhận lễ vật của kẻ gây bất hòa. Người dạy họ để của lễ lại bàn thờ về giao hòa với anh em trước đã; Thiên Chúa chỉ vui nhận những lời cầu nguyện trong an hòa. Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là chúng ta sống an bình, hòa thuận, và toàn dân thánh hiệp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (T.Cyprien 23).
Đọc tiếp »

NGÀY 23-12

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

XIN VÂNG (ĐTC Phanxicô, 20/12/2020)


“Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Vào Chúa Nhật thứ tư và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Truyền Tin. “Hãy vui mừng”, sứ thần nói với Đức Maria: “Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 28-31). Đó dường như thuần tuý là một lời loan báo về một niềm vui, được định sẵn để làm cho Đức Trinh Nữ hạnh phúc: vì ai trong số những người phụ nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó báo trước một thử thách rất lớn đối với Đức Maria. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó Đức Maria đã “hứa hôn” (câu 27). Trong tình huống này, Luật Môisê quy định rằng không được có bất cứ quan hệ luyến ái hay chung sống. Vì thế, nếu sinh con, Đức Maria đã phạm lề luật, và những hình phạt dành cho phụ nữ phạm vào tội đó thật khủng khiếp: việc ném đá đã có thể hình dung ra trước (x. Đnl 22, 20-21). Chắc chắn sứ điệp thiêng liêng sẽ tràn ngập ánh sáng và sức mạnh trong trái tim của Đức Maria; tuy nhiên, Mẹ cũng phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: nói “Vâng” với Chúa, tức là mạo hiểm mọi thứ, kể cả mạng sống mình, hoặc từ chối lời mời này và tiếp tục con đường bình thường của mình.
Mẹ đã làm gì? Thưa: Mẹ trả lời như thế này: “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1, 38). Nhưng trong ngôn ngữ mà Tin Mừng được viết ra, là tiếng Hy Lạp, nó không chỉ đơn giản là “xin vâng như thế”. Biểu hiện bằng lời nói của Đức Mẹ cho thấy một mong muốn mạnh mẽ, biểu thị ý chí mong muốn một điều gì đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu phải xảy ra như thế, thì đành để nó xảy ra…, nếu không thể làm khác hơn được…”. Tiếng xin vâng của Đức Mẹ không phải là một sự cam chịu. Nó không thể hiện một sự chấp nhận yếu ớt và phục tùng, nó thể hiện một khát vọng mạnh mẽ, một khát vọng sống động. Nó không bị động, nó đang chủ động. Mẹ không miễn cưỡng chịu khổ vì Chúa, Mẹ tuân theo lời Người. Mẹ là một người yêu mến Chúa, sẵn sàng phục vụ Chúa của mình trong mọi việc và ngay lập tức. Mẹ có thể xin một thời gian để suy nghĩ về điều đó, hoặc xin được giải thích thêm về những gì sắp xảy ra; và có thể đặt một số điều kiện... Nhưng thay vào đó, Mẹ không làm mất thời gian, Mẹ không khiến Chúa phải chờ đợi, Mẹ không trì hoãn.
Giờ đây, chúng ta hãy nghĩ về chính mình. Đã bao nhiêu lần, biết bao nhiêu lần, cuộc sống của chúng ta được tạo thành từ những sự trì hoãn, ngay cả trong cuộc sống tinh thần! Ví dụ: Tôi biết cầu nguyện là tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian… “ ngày mai nhé, ngày mai vậy, ngày mai, ngày mai…”. Hãy trì hoãn mọi việc: tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Tôi biết việc giúp đỡ ai đó là quan trọng, vâng, tôi nên giúp đỡ họ. Mai nhé. Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Đó là một chuỗi liên tục những ngày mai… những trì hoãn trong mọi thứ. Hôm nay, trước thềm Lễ Giáng Sinh, Đức Maria mời gọi chúng ta đừng trì hoãn, nhưng hãy nói “xin vâng”: “Tôi có nên cầu nguyện không?” “Vâng, nên lắm”. “Tôi có nên giúp đỡ người khác không? Vâng, nên lắm”. Làm thế nào để thực hiện những điều đó? Tôi làm ngay không chút trì hoãn. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó, chắc chắn rồi, nhưng giá phải trả ấy luôn luôn ít hơn những gì tiếng “xin vâng” dũng cảm của Đức Mẹ “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” phải trả. Đó là tiếng “xin vâng” mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi.
Và chúng ta có thể nói tiếng “xin vâng” nào? Trong thời điểm khó khăn này thay vì phàn nàn về những gì đại dịch cản trở chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho những người có ít hơn chúng ta: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, mà cho một người nghèo khó mà không ai nghĩ đến! Và đây là một lời khuyên khác: để Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn: chúng ta hãy tiến bước và cầu nguyện. Chúng ta đừng để cho mình bị chủ nghĩa tiêu dùng “khiêng đi”: “Tôi phải mua những món quà này, tôi phải làm điều này, điều nọ...” Chúng ta đừng điên cuồng làm nhiều thứ vì chỉ có một điều quan trọng là Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc Giáng Sinh của chúng ta. Chủ nghĩa tiêu dùng không có trong máng cỏ Bêlem: nhưng ở đó chỉ có nghèo đói và tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như Mẹ Maria đã làm: xa lánh tội lỗi, và sẵn sàng đón Chúa.
“Tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Đó là câu cuối cùng của Đức Trinh Nữ vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, và đó là lời mời gọi thực hiện một bước cụ thể hướng tới Lễ Giáng Sinh. Bởi vì nếu sự ra đời của Chúa Giêsu không chạm đến cuộc sống của chúng ta - của tôi, của anh chị em, của tất cả mọi người - nếu Lễ Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống, thì Lễ này sẽ trôi qua vô ích. Trong kinh Truyền Tin chúng ta đọc bây giờ, chúng ta cũng sẽ nói “xin lời Chúa được ứng nghiệm trong tôi”. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói điều đó bằng cuộc sống của mình. Bằng thái độ này trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho Lễ Giáng Sinh.” (ĐTC Phanxicô, 20/12/2020)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.