Ads 468x60px

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Ngày 06/10/2013. Chúa nhật XXVII TN-C.
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Bổn mạng Hội Mân Côi giáo xứ Cù Mi

Những ai đọc kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và là anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu Kitô. Tôn sùng phép lần hạt Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn tiền định cứu rỗi.

LỊCH SỬ PHỤNG VỤ LỄ MÂN CÔI

Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 7-10-1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, Đức Thánh Pi-ô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Đức Mẹ.
Đến đời Đức Grêgôriô XIII, theo lời dòng Đa-minh tâu xin, đổi lại ngày lễ. Ngài ra sắc lệnh ngày 1-4-1573 đổi là lễ Mẹ Mân Côi được mừng vào Chúa nhật I tháng 10 tại các nhà thờ tôn kính Mẹ Mân Côi.
Năm 1671, lễ này cũng được Đức Clemente X ban phép mừng khắp Giáo Hội Tây Ban Nha.
Năm 1716, sau những chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temeswar và Corfu ở ven biển Hylạp, các giáo hữu gọi Mẹ là Mẹ chiến thắng và Đức Clemente XI truyền cho khắp Giáo Hội đặc biệt mừng lễ Mẹ Mân Côi hàng năm.
Ngày 11-9-1887, Đức Lê-ô XIII nâng lễ Mẹ Mân Côi lên bậc nhì với kinh lễ và kinh Phụng vụ theo phụng vụ dòng Đa-minh.
Đức Thánh Pi-ô X ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10

LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI

Kinh Mân Côi nguyên tiếng La-tinh là Rosarium, tiếng Anh, tiếng Pháp là Rose, là hoa hồng tượng trương kinh Kính mừng kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Đức Mẹ như cổ thời Hy-lạp, và một số nước hiện nay, người ta làm vòng hoa tươi treo vào cổ trao tặng nhau.
Trước kia người ta đếm kinh bằng hạt sỏi, dần dần người ta kết những hạt khác thành chuỗi Mân Côi gọi là Rosary. Thế kỷ XII, 150 Thánh vịnh của Vua Đa-vít dài quá đối với nhiều người không thể đọc được, nên người ta đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế. Dần dần người ta đọc 150 kinh Kính Mừng thay 150 kinh Lạy Cha. Do đó Thánh Đaminh gọi là "Thánh vịnh Đức Mẹ". Sau này Đức Sixtô IV gọi tắt là "Thánh vịnh".
Bắt đầu kinh Kính mừng chỉ gồm có lời chào của thiên sứ Gabriel: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà" (Lc. 1,28), rồi được thêm lời chào của bà Thánh Elizabeth: "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Con lòng Bà gồm phúc lạ" (Lc. 1,42).
Cũng trong thế kỷ XII, Đức Mẹ hiện ra trao truyền tràng hạt Mân côi cho Thánh Đa-minh để cải hoá bè rối Albigense đang tung hoành ở phía nam nước Pháp.
Sang thế kỷ XIII, đời Đức Urbano IV, Thánh Danh "Giêsu" được thêm vào. Thời đó người ta đọc 150 kinh Kính mừng cùng với 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính mừng một kinh Lạy Cha.
Đến thế kỷ XIV, thầy Henry Kalkar (1328-1408), dòng Carthusian do Thánh Brunô sáng lập, chia 150 kinh Kính mừng thành từng chục (10) mỗi chục một kinh Lạy Cha.
Thế kỷ XV, Cha Đa-minh Prussia (1384-1460) cũng dòng Carthusian chia 150 Kinh Kính mừng thành 3 chỗi 50. Cũng trong thế kỷ này, Chân phúc Alano de la Roche hay là De Rupe thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng kinh Mân côi gọi là "Vòng hoa hồng". Chân phúc Alanô nhiệt thành phổ biến kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã trao truyền cho Thánh Đa-minh. Chân phúc Alano thành lập Hội Mân côi năm 1480 và được Đức Mẹ hứa ban 15 ơn cho những ai trung thành đọc kinh Mân côi.
Năm 1521, cha Albertô da Castello, O.P, sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm.
Năm 1569, Đức Thánh Pi-ô V với bửu sắc "Consueverent Romani Pontifices" thêm phần thứ hai kinh Kính mừng: "Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời..." với kinh Sáng Danh, và ấn định kinh Mân Côi như chúng ta đọc ngày nay.

15 ƠN ĐỨC MẸ HỨA BAN CHO NHỮNG AI ĐỌC KINH MÂN CÔI
Đức Mẹ hiện ra với chân phước Alano long trọng hứa ban 15 đặc ân sau đây:
1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách đọc kinh Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.
2. Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt và ban nhiều đặc ân cho những ai đọc kinh Mân Côi.
3. Kinh Mân Côi sẽ là áo mã giáp để chống lại hoả ngục. Kinh Mân Côi tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi và phá tan các ngụy thuyết.
4. Kinh Mân Côi giúp nhân đức và các việc lành triển nở. Kinh Mân Côi kéo nhiều tình thương của Chúa xuống trên các linh hồn; giúp người ta khinh chê thế tục cùng những giả trá của nó và nâng tâm hồn họ khao khát những của trên trời. Kinh Mân côi chính là phương tiện giúp thánh hoá các linh hồn.
5. Linh hồn đến với Mẹ bằng kinh Mân Côi sẽ không hư mất.
6. Những ai đọc kinh Mân Côi sốt sắng và áp dụng những mầu nhiệm của kinh Mân Côi vào đời sống mình sẽ không sợ bị rủi ro. Chúa sẽ nhân từ với họ và họ sẽ không phải chết bất tử. Nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn Chúa và xứng đáng hưởng Quê Trời.
7. Những ai thực tôn sùng mầu nhiệm Mân Côi sẽ được ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.
8. Những ai trung thành lần hạt Mân Côi, khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được ánh sáng Chúa soi dẫn cùng với đầy dẫy ân huệ của Ngài. Khi lâm tử, họ sẽ được chia sẻ huân nghiệp của các thánh trên thiên đàng.
9. Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép lần hạt Mân Côi.
10. Những con cái trung thành của phép lần hạt Mân Côi sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên trời.
11. Nhờ lần hạt Mân Côi, các con sẽ được hết những gì mình xin.
12. Những ai truyền bá phép lần hạt Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ trong lúc gian truân, khốn khổ.
13. Mẹ đã xin Con chí thánh Mẹ ơn này cho những ai truyền bá phép lần hạt Mân Côi, là họ sẽ được cả Triều đình Thiên quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.
14. Những ai đọc kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và là anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.
15. Tôn sùng phép lần hạt Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn tiền định cứu rỗi.

(Sưu tầm).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.