Ads 468x60px

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Chúa Nhật XXXI TN-B


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô
 (Mc 12, 28b-34)
   
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". 

Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.

  Đó là lời Chúa.
Mục lục:
SUY NIỆM TIN MỪNG XXXI TN-B
Luật Tối Thượng
 ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trg 3
Làm Sao Có Thể Yêu Mến Thiên Chúa Hết Lòng?
 Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Trg 7
Luật Lệ Bóp Chết Con Tim
 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Trg 9
Thể Hiện Tình Yêu Đối Với TC Qua Việc Phục Vụ ..
 Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Trg 11
Mến Chúa Yêu Người
 Lm. John Nguyễn
Trg 13
Con Đường Lên Trời
 Lm. Paul Nguyễn Nguyên
Trg 15
Đạo Yêu Thương
 PM. Cao Huy Hoàng
Trg 17
      THƠ TIN MỪNG
Hãy Yêu Thương
   Lm. Pet Vĩnh Tiến
Trg 19
Luật Chúa
    Đỗ Văn
Trg 19
Đạo Yêu Thương
    Lm. Khuất Dũng sss
Trg 20
Mến Chúa Yêu Người
   Thế Kiên Dominic
Trg 20
Điều Răn Trọng Nhất
    Scholastica
Trg 21
Yêu Chúa Yêu Người
    Cát Vàng
Trg 22
Mến Chúa Yêu Người
    Vincent Khánh Trần
Trg 23
Giới Luật Ngọt Ngào
    Giuse Nguyễn Văn Sướng
Trg 24
Bức Họa Tình Yêu
    Song Lam
Trg 25
Cho Con Bết Yêu
    Hương Sion
Trg 26
Đôi Cánh Nhiệm Mầu
    Monica Lệ Thi
Trg 27
Luật Thiện Toàn
    Hạt Nắng
Trg 28
Luật Thiện Hảo
    Bâng Khuâng Chiều Tím
Trg 29
Bài Học Vào Đời
    Nắng Sài Gòn
Trg 30
Hương Tình Yêu
    AP. Mặc Trầm Cung
Trg 31

 


LUẬT TỐI THƯỢNG

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


Không có dân tộc nào say mê luật như dân tộc Do Thái. Người Do Thái đặt ra đủ các thứ luật. Họ giữ luật cặn kẽ chi li. Họ học luật ngay từ khi còn nhỏ. Họ đeo cả lề luật trên trán, trên tay. Nhưng vì quá say mê luật nên họ bị luẩn quẩn trong một mớ bòng bong, không còn biết giữ luật thế nào cho đúng, không còn biết đâu là luật quan trọng đâu là luật bình thường. Hôm nay, nhân một thắc mắc rất hợp lý, Chúa Giêsu đã giải thích cho họ những điểm then chốt trong lề luật. Đó là:

Thiên Chúa là độc nhất vô song. Đây là một chân lý nhưng nhiều khi bị lãng quên. Thiên Chúa là chủ tể muôn loài. Ngài là Đấng duy nhất cao cả. Không ai có thể sánh bằng. Ngài dựng nên muôn loài muôn vật. Ngài là nguồn mạch sự sống của muôn loài muôn vật. Ngài là mục đích của muôn loài muôn vật. Vũ trụ chỉ tồn tại trong Ngài. Vì thế ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự.

Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Tuy nhiên Chúa là chúa tể mọi loài. Quyền uy vô song tuyệt đối. Nhưng Ngài là Thiên Chúa rất mực yêu thương. Ngài ban cho ta sự sống. Ngài nhận ta làm con của Ngài. Ngài cai quản vũ trụ không bằng quyền uy nhưng bằng tình thương. Ngài là người cha luôn yêu thương con cái. Ngài mong muốn ta đáp lại bằng tình yêu mến Ngài. Yêu mến Thiên Chúa không những là điều công bằng và hợp tình hợp lý, mà còn đem lại cho ta sự sống và hạnh phúc. Xa lìa Thiên Chúa đưa ta đến diệt vong vì mất sự sống và mất hạnh phúc. Nhưng con người yếu hèn, lại bị ma quỉ cám dỗ, nên thường lãng quên Thiên Chúa, coi thường Thiên Chúa và phản bội tình yêu của Ngài.

Yêu tha nhân như chính mình. Thiên Chúa là Đấng vô hình vô ảnh ta không thấy được. Ta nói yêu mến Thiên Chúa, điều đó khó mà kiểm chứng được. Nên Thiên Chúa đã ràng buộc điều răn mến Chúa vào điều răn yêu người. Yêu Chúa thì phải yêu tha nhân. Yêu tha nhân là bằng chứng yêu mến Chúa. Còn hơn thế nữa, yêu tha nhân chính là yêu Chúa. Vì Chúa đã tự đồng hóa với con người, với những người bé nhỏ nhất trong xã hội. Điều này chính Chúa Giêsu đã công khai minh định: “Ta bảo thật, mỗi lần các ngươi giúp đỡ một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Thành ra hai giới răn chỉ là một. Đó chỉ là hai khía cạnh của cùng một giới răn.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng tình yêu là quan trọng nhất. Tình yêu là giới răn đứng hàng đầu trong các giới răn. Mọi lề luật đều phải hướng đến tình yêu. Ai chu toàn tình yêu là chu toàn lề luật. Như câu kết của kinh Mười điều răn: Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà nhớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự. Sau lại yêu người như mình ta vậy.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn cho ta hiểu rằng lề luật của Chúa thật nhẹ nhàng vì lề luật chính là tình yêu. Nếu yêu mến Chúa và yêu mến anh em, ta sẽ thấy việc giữ luật không còn gì khó khăn nữa. Tình yêu sẽ làm cho ta cảm nếm sự ngọt ngào trong việc tuân giữ lề luật. Như lời Chúa mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

Qua lời dạy hôm nay Chúa muốn giúp ta xây dựng một thế giới mới chan chứa tình người. Thế giới còn chiến tranh, xã hội còn nhiều bất công vì con người chưa tuân giữ luật Chúa. Nếu mọi người biết yêu mến Chúa và yêu mến nhau, thế giới sẽ tươi đẹp, cuộc sống sẽ hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu mến Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ
1)    Yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Bạn có thấy điều này là hợp tình hợp lý không?
2)    Tại sao ta phải yêu mến tha nhân?
3)    Bạn hãy tưởng tượng ra một thế giới trong đó mọi người giữ luật yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân. Bạn thấy thế giới đó thế nào?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt




LÀM SAO CÓ THỂ
YÊU MẾN THIÊN CHÚA HẾT LÒNG?
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

          Đề tài được đem ra đây thảo luận vẫn hoàn toàn nằm trong phạm trù của Cựu Ước. Thầy kinh sư am tường Sách Thánh và luật Mô-sê đặt cho Đức Giê-su một câu hỏi mang tính lý thuyết liên quan tới hiểu biết suy luận nhiều hơn: Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? Câu trả lời không khó, chỉ cần trích dẫn hầu như nguyên văn sách Đệ Nhị Luật chương 6 câu 4-5 là đã có được câu trả lời hoàn hảo: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh, hết lòng, hết dạ, hết sức anh(Đnl 6,4-5). Ngay cả điều răn thứ hai mà Đức Giê-su muốn nối kết với điều răn đứng đầu cũng không xa lạ gì. Nó được tìm thấy trong sách Lê-vi chương 19 câu 18b: Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình”. Xét về mặt hiểu biết, ông kinh sư không thua kém gì Đức Giê-su, thậm chí ông còn xử dụng đoạn Sách Thánh khác để bổ túc cho câu trả lời thêm rõ: Ta là Đức Chúa, không còn Chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ ta (I-sai-a 45,5; Đnl 4,35). Cuộc thảo luận lý thuyết đó rốt cuộc chẳng dẫn tới kết quả nào khả quan, ngoài lời khích lệ bâng quơ: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!
         
Vấn đề mà nhiều người chúng ta đặt ra trong tư cách là Ki-tô hữu, không nằm trong phạm trù suy tư lý thuyết, nhưng cụ thể và hiện sinh hơn nhiều: làm cách nào mà tôi có thể ‘yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi’, trong đời sống thường ngày? Thiết tưởng Đức Giê-su đến trần gian và thành lập Hội Thánh không nhằm mục đích dạy một điều, cho dầu rất căn bản đi chăng nữa, nhưng đã được ghi chép quá rõ ràng trong Sách Thánh Cựu Ước. Cuộc sống dương thế của Người, nhất là cái chết thập giá, chính là để trả lời cho nghi vấn cụ thể mang tính hành động trên, điều mà Cựu Ước chỉ mới làm cách rất sơ sài.
         
Yêu mến tự nó không thể bị ép buộc bởi một mệnh lệnh từ bên ngoài, “ngươi phải yêu mến Đức Chúa! Ngay cả Đệ Nhị Luật cũng chỉ khuyên ‘hãy yêu mến Đức Chúa!’. Khi ban hành Thập Giới, Gia-vê đã trưng viện lý do: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa cứu ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ (Xh 20,2). Nhưng chính Thập Giới cũng không đòi phải yêu mến Thiên Chúa’, mà chỉ qui định việc phụng thờ Người’. Vậy thì khi xác định điều này, hẳn Đức Giê-su phải đưa ra được lý lẽ lớn hơn việc ‘đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ’ nhiều. Đúng thế, tình yêu chỉ có thể bị cưỡng ép bởi tình yêu. Chỉ có tình yêu mãnh liệt cháy bỏng, một khi được biểu lộ và minh chứng cách cụ thể, mới có sức trói buộc. Đức Giê-su hiểu rất rõ điều này nên Người hằng mơ ước giờ phút thập giá, mà Người gọi là kairos- giờ của Người. Vì chỉ trên thập giá, Người mới cống hiến được bằng chứng về một tình yêu tự hiến trọn vẹn. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13) Bằng cái chết tự hiến đó, Người mới có thể hút mọi người vào giao ước tình yêu song phương. Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi (Ga 12,32). Chỉ như thế điều răn phải yêu mến Đức Chúa mới có được cái sức ràng buộc thật sự.
         
Nói như vậy cũng đồng thời là lời giải đáp cho một trong các vấn nạn mà từ lâu nay nhiều tín hữu, thậm chí cả tu sĩ linh mục,vẫn hằng ấp ủ: làm thế nào tôi có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng? Nếu tình yêu không thể bị ép, thì dầu nỗ lực hay cố gắng tới mấy, tôi cũng sẽ không bao giờ có thể yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực mình. Điều duy nhất tôi có thể làm là nghiệm ra tình yêu Chúa hiến mình cho tôi càng sâu bao nhiêu càng tốt, để qua đó, tôi sẽ cảm thấy mình bị ép, bị lôi cuốn đáp trả tình yêu này. Phải chăng đó là Giao Ước mới? Tông đồ Gio-an đã dành nhiều nỗ lực để cảm nghiệm thứ tình yêu đó trước khi viết về giới luật yêu thương. Trong lá thư 1 ngài viết. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này… Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (1 Ga 4,9-10). Phao-lô cũng nói tới một thứ tình yêu thúc bách Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi… Vì Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (2 Cr 5,14-15). ‘Yêu Chúa hết lòng’ phải tới từ chiêm ngắm và cảm nghiệm, nhất là trong cử hành Hiến Tế Thập giá. Tôi có thâm tín điều đó không?
         
Lạy Chúa, Chúa không đòi hỏi con làm điều không thể được. Khi ban điều răn ‘phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức’ thì chính Chúa đã hết lòng hết sức yêu mến con trước. Xin cho con hằng biết chiêm ngắm lòng thương xót nhân ái vô bờ của Chúa, để học biết yêu mến Chúa ngày càng hơn. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

LỀ LUẬT BÓP CHẾT CON TIM
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Các biệt phái ngày xưa họ thường nhân danh lề luật để làm theo ý mình. Lề luật trở thành dụng cụ để người ta thống trị người khác. Lề luật bị lạm dụng đến nỗi không còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người mà nhằm bảo vệ quyền lợi cho một nhóm nhỏ lãnh đạo. Lề luật không đưa đến sự an bình, hạnh phúc cho con người nhưng trở thành một gánh nặng, một nỗi sợ hãi cho số đông thấp cổ bé miệng.

Nhân danh lề luật họ răn đe người này, khủng bố người kia. Họ nhân danh Chúa để bôi nhọ người này, rêu rao lỗi lầm người kia. Điều tệ hại nhất là họ có thể nhân danh Chúa, nhân danh lề luật để loại trừ người khác. Cụ thể là những người bị coi là ô uế đều bị loại trừ thẳng tay như: người bệnh phong cùi, người phụ nữ ngoại tình, người vi phạm luật của Chúa mà theo luật đã trở nên ô uế thì đều bị loại ra khỏi sinh hoạt cộng động.

Họ cũng có thể nhân danh Chúa để ném đá, để đóng đinh kẻ đi ngược lại với quan điểm của mình. Lề luật trở thành phương tiện để họ lợi dụng, để họ vu khống, để họ hãm hại người khác. Đã có rất nhiều cái chết oan uổng chỉ vì ý đồ cá nhân. Đã có quá nhiều cái chết cay nghiệt của những người công chính bị hàm oan.

Điều đáng buồn là những người nhân danh lề luật để hãm hại người khác nhưng họ không hề tỏ lòng hối tiếc về hành vi gian ác của mình. Lương tâm họ đã bị lề luật trói buột. Trái tim họ đã bị lề luật làm tê cứng. Lề luật đáng lý giúp cho lương tâm trong sáng và trái tim nhân bản hơn, thế nhưng, vì quá chú trọng lề luật nên họ đã đánh mất đi trái tim yêu thương của con người chỉ còn lại những mưu mô xảo trá.

Cách đây ít năm  Gilgal Zamir, người thanh niên 25 tuổi đã sát hại Thủ tướng Do thái, ông Y. Rabin, khi bị tòa án tại Tel Aviv kết án tù chung thân, chẳng những không để lộ bất cứ cử chỉ hối hận nào, mà còn tuyên bố: "Tất cả những gì tôi làm là làm cho Chúa, làm cho lề luật, làm cho dân tộc Israel". Thái độ của Gilgal Zamir đã khiến cho quan tòa đưa ra nhận định: Gilgal Zamir có những khuynh hướng vị kỷ, nhìn thế giới chỉ dưới hai mầu trắng đen mà thôi; anh ta là sản phẩm của một nền giáo dục không quan tâm đủ đến những giá trị nhân bản và đạo đức cần mang lại cho người trẻ hiện nay.

Lương tâm của Gilgal Zamir đã bị lề luật làm cho trai cứng. Trái tim của anh đã bị băng giá bởi lề luật mà anh đã được giáo dục. Anh mến Chúa. Anh trung thành với lề luật nhưng anh không được giáo dục để có một trái tim yêu thương. Những người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng hành xử như vậy. Họ nhân danh lề luật. Họ nhân danh Giavê Thiên Chúa để áp đặt và thống trị người khác. Chính họ đã làm cho lề luật trở thành gánh nặng cho dân.

Nhân danh lề luật, những người Biệt phái thời Chúa Giêsu không ngừng dòm ngó rình mò để bắt bẻ Ngài, nhất là những gì có liên quan đến việc tuân giữ ngày Hưu lễ như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay. Nhưng đối với Chúa Giêsu, linh hồn của lề luật chính là tình yêu thương. Con người sống với Chúa và sống với tha nhân là nhờ tình yêu và cho tình yêu. Con người được sống nhờ tình yêu của Chúa nên con người cũng phải biết sống cho tình yêu một cách trọn vẹn: yêu Chúa hết mình và yêu tha nhân như chính mình.

Người Việt Nam thường có câu “sống có lý có tình”. Nếu cuộc sống chung chỉ có lý mà không có tình thì cuộc sống chung đó là một hoả ngục. Người ta chỉ rình mò kết án lẫn nhau. Người ta chỉ dựa theo lý để hành xử sẽ dẫn đến cảnh cá lớn, nuốt cá bé. Cuộc đời sẽ trở thành bãi chiến trường mà kẻ mạnh làm chúa, kẻ yếu làm tôi. Nếu cuộc sống chung chỉ dựa theo lý sẽ dẫn đến sa mạc hoá tình người. Người ta sẽ nại vào lý do này, nại vào lý do kia để từ chối giúp đỡ anh em của mình. Sống phải có tình mới có thể “chín bỏ làm mười”. Sống phải có tình có lý người ta mới quan tâm giúp đỡ nhau, người ta mới sống chân thành và cởi mở, chia sẻ  với nhau đến độ “một con người đau cả tàu bỏ cỏ”.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh đến hai vấn đề cốt lõi của cuộc sống đó là: con người có hồn có xác. Con người cần phải có tương quan và bổn phận với Chúa và tha nhân. Mến Chúa phải yêu tha nhân. Mến Chúa mà không yêu tha nhân điều đó hợp lý nhưng không hợp tình. Hợp lý vì con người là thụ tạo của Chúa thì phải thờ phượng và kính mến Chúa. Nhưng con người là hình ảnh Thiên Chúa nên phải yêu mến tha nhân. Ngược lại yêu mến tha nhân mà không kính mến Chúa là vô ơn bất hiếu. Vì sự sống là của Chúa, những gì chúng ta làm được cho tha nhân đều xuất phát từ ân huệ của Chúa nên con người phải thờ phương kính mến Chúa. Yêu mến Chúa phải yêu hình ảnh của Chúa. Vì thế mà thánh Gioan bảo rằng: “ai nói mình yêu mến Chúa mà không yêu mến tha nhân đó là kẻ nói dối”.

Ước gì mỗi người chúng ta không chỉ yêu Chúa trên môi miệng mà yêu Chúa thật lòng, biết dành thời giờ phụng thờ Chúa và biết dùng khả năng để phục vụ hình ảnh Chúa nơi tha nhân. Amen
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền 




THỂ HIỆN TÌNH YÊU ĐỐI VỚI THIÊN CHÚA
 QUA VIỆC PHỤC VỤ THA NHÂN.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Trong đạo Do-Thái, từ “Mười Điều Răn” Đức Chúa Trời ban cho ông Mô-sê trên núi Xi-nai, các thầy Ráp-bi diễn giải thêm thắt thành 613 điều khoản, trong đó có 248 điều buộc và 365 điều cấm.

Khi có người thông luật đến hỏi xem điều răn nào trọng nhất trong số 613 khoản luật ấy, Chúa Giê-su trả lời ngay: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi (Đnl 6,5); Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Lv 19,18). Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó." (Mác-cô 12, 29-31)

Chúa Giê-su nhập hai giới răn thành một
Điều răn mến Chúa được ghi trong sách Đệ Nhị Luật, điều răn yêu người được chép ở sách Lê-vi, thuộc về hai bộ sách khác nhau đã được Chúa Giê-su liên kết thành một điều răn duy nhất là mến Chúa yêu người.

Thế nhưng, có nhiều tín hữu vẫn xem việc mến Chúa và yêu người là hai điều riêng biệt, chẳng liên hệ gì đến nhau. Người ta tưởng có thể hết lòng tôn kính phụng thờ Thiên Chúa nhưng đồng thời vẫn ghét bỏ, bạc đãi con người.

Chúa Giê-su phá bỏ quan điểm sai lầm đó khi nối kết giới răn mến Chúa và yêu người thành một và Người nhấn mạnh rằng chính khi yêu người cũng là lúc mến Chúa và tình yêu đối với Thiên Chúa phải được thể hiện qua tình yêu thương anh chị em chung quanh và những gì ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa.
Tại sao lại như thế?

Thiên Chúa và con người chỉ là một
Khi Sao-lê bắt bớ các tín hữu đầu tiên theo Chúa Giê-su, ông bị Chúa Giê-su quật ngã trên đường Đa-mát và Người lên tiếng quở trách: "Sao-lê! Tại sao ngươi bắt bớ Ta?"

Thực ra, lúc bấy giờ, Sao-lê chỉ lùng bắt các tín hữu của Chúa Giê-su thôi, còn Chúa Giê-su thì đã phục sinh và lên trời rồi thì làm sao có thể bắt bớ Người được. Vậy mà Chúa Giê-su không hạch ông: “Tại sao ngươi bắt bớ các tín hữu của Ta”, mà lại nói: "Tại sao ngươi bắt bớ Ta" (Cv 9, 4). Sở dĩ Chúa nói như vậy là vì các ki-tô hữu là hiện thân của Chúa, là những chi thể trong thân mình Người, nên ai bắt bớ họ là bắt bớ Chúa.

Đặc biệt qua dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su dạy cho ta biết Người đồng hóa mình với những anh chị em chung quanh khi phán rằng: "Những gì các ngươi đã làm cho các anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta""những gì các ngươi đã không làm cho các anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã không làm cho chính Ta". (Mt 25, 40.45)

Dựa vào lời dạy trên đây của Chúa Giê-su, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI, qua sứ điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” cũng xác nhận rằng Thiên Chúa và con người chỉ là một. Ngài viết: “Chúa Giê-su đồng hóa mình với những người cùng quẫn, những người đói khát, những khách lạ, những kẻ trần truồng, đau yếu và những người đang trong vòng lao lý”. Người phán: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25:40) Như thế, mến Chúa và yêu người đã trở thành một: Trong những người anh em bé nhỏ nhất, chúng ta tìm thấy chính Chúa Giêsu… (sđd số 15)

Việc phụng thờ Thiên Chúa phải đi đôi với việc phục vụ con người.
Phát xuất từ sự thật Thiên Chúa đồng hóa với con người và những gì ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa Giê-su, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI dạy rằng việc phụng thờ Thiên Chúa phải đi đôi với việc phục vụ con người, không được phép xao lãng một trong  hai. Ngài viết: chúng ta “không thể tách rời tình yêu mến Thiên Chúa và tha nhân vì cả hai chỉ là một giới răn duy nhất.” (sđd số 18)

Qua số 22 trong sứ điệp nầy, Ngài viết tiếp: Vì thế, “tình yêu đối với các quả phụ, kẻ mồ côi, người bị tù đày, người bệnh tật và người túng thiếu dưới mọi hình thức, thì cũng thiết yếu đối với Hội Thánh như là cử hành các bí tích và rao giảng Tin Mừng. Hội Thánh không thể lơ là việc phục vụ bác ái cũng như không thể lơ là việc ban các bí tích và rao giảng Lời Chúa.” (sđd số 22)

Lạy Chúa Giê-su,
Chúa tự đồng hóa mình với con người và mỗi người thật sự là một phần thân thể của Chúa là một sự thật lớn lao cao cả trước mắt mọi người; thế mà tiếc thay, không mấy ai nhìn thấy, không mấy người nhận ra; mà vì không nhận ra sự thật cao cả nầy nên con người liên tục gây ra vô vàn đau thương, bất hạnh cho nhau trên cõi đời nầy.
Xin ban Thánh Thần Chúa cho chúng con và cho toàn thể nhân loại, để Người khai mở tâm hồn mọi người nhận ra sự thật vĩ đại nầy; nhờ đó, nhân loại sẽ luôn được sống trong hòa bình và yêu thương.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà


MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Lm. John Nguyễn

Trong suốt thời gian xảy ra nội chiến, tổng thống Abraham Lincoln vẫn thường đến các bệnh viện để thăm hỏi và trò chuyện với những thương binh đang điều trị ở đó. Một lần, các bác sĩ dẫn Lincoln đến bên giường một người lính trẻ đang gần kề với cái chết. Tổng thống hỏi: "Tôi có thể làm cho anh được điều gì ngay bây giờ không?" Người lính trẻ thều thào nói: "Xin ông hãy giúp tôi viết một lá thư cho mẹ tôi!" Vị Tổng thống viết từng chữ mà người lính trẻ có thể đọc được bằng hơi sức yếu ớt của mình: "Mẹ yêu quý! Con bị thương rất nặng trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Con sợ rằng, con không thể qua khỏi được. Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng quá đau buồn vì con nhé. Xin hãy hôn em Mary và John giúp con. Xin ơn trên phù hộ cho bố mẹ." Người lính đã quá yếu sức và không thể tiếp tục được nữa, nên vị Tổng thống ký tên giùm anh vào cuối bức thư và thêm vào dòng chữ: "Viết thay cho con trai bà - Abraham Lincoln." Người lính trẻ nhìn vào bức thư, và anh thật sự ngạc nhiên khi đọc thấy tên người giúp anh thực hiện nguyện vọng cuối cùng của mình. Anh ta hỏi: "Ngài chính là Tổng thống ư?". "Vâng, tôi đây!" Lincoln trả lời một cách bình thản, và lại tiếp tục hỏi: "Tôi có thể làm thêm được gì cho anh". Người lính nói "Xin ông hãy nắm lấy tay tôi, điều đó sẽ giúp tôi rất nhiều khi phải đối diện với cái chết!". Và trong căn phòng tĩnh lặng, vị Tổng thống cao gầy nắm chặt lấy tay anh lính trẻ, nhẹ nhàng nói những lời an ủi, động viên cho đến khi anh ta ra đi trong thanh thản và bình an.

Một cử chỉ nhỏ bé đơn sơ của vị tổng thống, nhưng nó có một ý nghĩa rất lớn đối với người lính trẻ. Thật vậy, yêu thương tha nhân là giới răn quan trọng mà chính Chúa Giêsu nói với các kinh sư và với chúng ta qua những trang Tin mừng hôm nay.

Khởi đi từ sách Đệ nhị luật, chúng ta được nghe lại lời của Môsê, ngài nói với dân chúng rằng: "Anh em phải kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em mọi ngày trong suốt cuộc đời..., và hãy đem những điều ấy ra thực hành" (6,2-3). Ngài còn nói thêm: "Hỡi Israel! Hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ." (6,5). Lời đó không còn khắc trên bia đá nữa, mà được khắc vào tận đáy lòng con người. Và nó trở thành nền tảng của lề luật, luật đó được tóm tắt thành một câu: "Mến Chúa Yêu Người", mà chính Chúa Giêsu đã trả lời cho các kinh sư đến hỏi Ngài: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào là đứng hàng đầu?". Chúa Giêsu trả lời: "Điều răn đứng hàng đầu là: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của người, hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". ( Mc12, 28-31).

"Mến Chúa yêu người", câu nói này thì quá quen thuộc đối với mọi người chúng ta. Nhưng khi đi vào thực tế của cuộc sống, thì chúng ta thấy không dễ thực hiện. Chúng ta nói yêu mến Chúa thì rất dễ, lúc nào chúng ta cũng có thể nói được với người khác rằng, tình thương của Chúa thật lớn lao, vô bờ bến, Chúa ban cho rất nhiều thứ, Chúa chữa lành bệnh tật, gia đình binh an, phúc lành... Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải vì ta tài giỏi, không phải vì ta xinh đẹp, không phải vì ta giàu có, không phải vì ta là người trí thức, không phải vì ta là người khéo nói để được Chúa thương. Tất cả điều đó chẳng có nghĩa lý gì đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương chúng ta, vì Ngài là nguồn suối tình yêu, mà thánh Gioan đã định nghĩa: "Thiên Chúa là tình yêu". Đồng thời, Ngài cũng mời gọi chúng ta yêu Chúa, chính là yêu thương người thân cận.

Làm sao chúng ta có thể yêu được một người đang là thù nghịch, hay một kẻ đang làm hại cuộc đời của ta?. Có bao giờ chúng ta nói lời yêu thương với kẻ đã gây cho ta sự tổn thương, cho ta đau khổ và buồn phiền? Thật là khó khi ta nói lời yêu thương kẻ hại mình. Thật là khó khi ta chấp nhận người khác hơn mình. Thật là khó khi ta chấp nhận yếu đuối và tội lỗi của mình. Thật là khó khi ta ngợi khen một người thân thành công và tài giỏi hơn mình. Thật là khó khi ta nắm tay với người anh em giàu có hơn mình...Cái khó vẫn còn nằm bên trong "cái tôi" chật hẹp và ích kỷ. Chủ nghĩa cái tôi đang bóp nghẹn lòng yêu thương, tha thứ, khoan dung và bác ái. Cho nên, giới răn mến Chúa yêu người vẫn còn rất xa vời, cho dẫu nó đã quá quen thuộc với chúng ta.

Dẫu biết rằng, yêu thương và tha thứ là phương dược làm xóa đi những vết thương của tâm hồn, và làm trổ sinh đức ái. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần sự hy sinh và lòng quảng đại. Victor Hugo nói: "Ai khổ vì yêu hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu." Nhưng trên thế gian này có ai đã chết cho người khác. Chỉ có nơi Chúa Giêsu, Vị Vua Tình yêu mới chết cho nhân loại. Ngài đã thực hiện tình yêu thương nhân loại, và tha thứ cho kẻ thù. Cho nên, mến Chúa yêu người chính là giới răn quan trọng nhất, mà chính Chúa Giêsu đã thực hiện bằng cái chết của Ngài. Là người Kitô hữu mang danh Đức Kitô, chúng ta không thể nói yêu mến Chúa, mà vẫn còn lòng hận thù ghen ghét anh em mình.

Lạy Chúa, đã nhiều lần chúng con chưa yêu Chúa thật lòng, giã dối với anh em. Đã nhiều lần chúng con lỗi đức ái với anh em và những người thân cận, vì sự ích kỷ và tính toán của chúng con. Đã nhiều lần chúng con chưa thật lòng yêu thương, khoan dung và tha thứ cho kẻ đã gây ra cho chúng con vết thương và đau buồn. Ước gì, Lời Chúa hôm làm biến đổi cõi lòng cứng cỏi, chay lì của chúng con. Xin tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa thánh hóa chúng con trở nên khí cụ bình an và yêu thương cho anh em. 

Lm. John Nguyễn


CON ĐƯỜNG LÊN TRỜI
Lm Paul Nguyễn Nguyên

   “Mến Chúa, yêu người” là hai điều răn không xa lạ gì với đạo công giáo chúng ta. Thế nhưng, trong đạo Do thái, giữa một bộ luật dầy cộm, gồm 613 điều trong đó có 248 điều buộc (không làm không được) và 365 điều cấm (không được làm) thì một người Do thái bình thường cũng khó trả lời câu hỏi: giới răn nào trọng nhất? Rồi cùng với ách thống trị của người Roma, Luật trở thành cái gông thứ hai đè lên cổ người dân, biến họ thành những cỗ máy giữ Luật, trong nỗi cơ cùng, hoang mang và sợ hãi. Chính trong bối cảnh đó, một luật sĩ đã đến đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, trong các giới răn, đâu là giới răn trọng nhất”. Đáp lời ông ta, Chúa Giêsu đã đưa ra một giới răn duy nhất, với một chữ duy nhất là chữ Yêu: Yêu mến Thiên Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn và hãy yêu thương anh em như chính mình ngươi”. Khi trả lời như thế, Chúa Giêsu muốn đưa con người trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa: Lề Luật không phải gánh nặng khổ cực, nhưng được ban tặng để con người được sống và sống thật hạnh phúc. Ngài cũng muốn xác định: Không phải chỉ việc làm cho Chúa, mà cả việc làm cho tha nhân cũng được kể là yêu mến Chúa. Nói cách khác, chỉ khi học biết yêu thương người đồng loại thật lòng, con người mới có thể thực sự yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa.

Đây quả thật là một thách đố đối với mỗi người chúng ta, thực tế cho thấy, với bản tính con người, yêu mến Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, điều đó không phải là chuyện dễ dàng gì, bởi vì sống ở trần gian là chúng ta bị trói buộc vào những sự vật và những con người trong cuộc sống này, cùng với những bon chen của cuộc sống, áp lực của đam mê và nhu cầu về hưởng thụ, nên càng lúc Thiên Chúa càng mất dần chỗ đứng trong trái tim ta, trong cuộc sống ta, và nếu có chỗ thì Ngài cũng chỉ được xếp vào hạng cuối cùng trong những bậc thang giá trị của cuộc sống ở đời mà thôi. Bằng chứng là có khi chỉ vì một người bạn, một bữa nhậu, một cuộc đi chơi, một công việc, một đam mê, hay một danh dự hảo huyền ở trần gian… cũng khiến chúng ta coi việc thờ phượng Chúa là thứ yếu, sẵn sàng bỏ cả lễ ngày Chúa nhật, sẵn sàng vi phạm lề luật của Thiên Chúa mà không chút áy náy lương tâm. Mến Chúa đã khó, yêu người lại càng khó hơn. Vì người ta đâu phải ai cũng dễ mến, dễ thương mà trái lại có rất nhiều người dễ ghét và đáng ghét. Cùng với đầy những khuyết điểm, tật xấu thậm chí còn tệ bạc, và có những thái độ không tốt với ta mà bắt ta yêu mến thì điều đó lại càng không dễ dàng hơn chút nào, nếu không dám nói là bất khả thi hành.

Mà đúng như vậy,
- Làm sao tôi có thể thương được người hàng xóm hay đưa điều đặt chuyện để nói xấu tôi?
- Làm sao tôi có thể thương được ông chồng vô trách nhiệm, đã nhiều lần phụ bạc tôi?
- Làm sao thương được thằng con rể trời đánh chuyên ăn nói xấc xược, hành hạ vợ con? hay đứa con dâu hổn láo dám cãi tay đôi với tôi? Hay bà mẹ chồng luôn cau có đối xử cay nghiệt với tôi? Thương cả người chống đối, phá hoại cộng đồng tôi ư?

…Không..không thể nào làm được khó lắm…Phải..khó lắm, nhưng đó lại là con đường duy nhất làm cho chúng ta “không còn xa nước Thiên Chúa bao nhiêu”.

Vậy ước gì qua lời Chúa hôm nay, mỗi người trong chúng ta hãy cùng nhìn lại và cùng nhau sửa đổi cung cách sống Đạo của mình. Nhìn lại để thấy được yếu tố chính yếu làm nên chất Kytô và việc phụng tự đẹp lòng Thiên Chúa, không chỉ là những cử hành phụng tự trong thánh đường của giáo xứ, là việc đọc kinh, đi lễ, chịu các bí tích mà còn là những cử hành bằng bác ái yêu thương, khởi đi từ những ngôi đền thánh trong gia đình, trong khu xóm của chính chúng ta. Bởi giới luật yêu thương của Chúa không phải là những đề tài để suy niệm hay giảng thuyết, mà chính là những hạt mầm cần được ươm gieo, lớn lên trong tâm hồn và trổ sinh bông hạt trong đời thường của cuộc sống, đó là những hạt mầm quyết định cho phẩm chất của người tín hữu Kytô. Cho nên, hãy bắt đầu thực hiện giới răn yêu thương ngay từ chính gia đình của mình, với những người thân, với hàng xóm láng giềng ; hãy sửa lại những lời nói, những thái độ đối với mẹ với cha, với vợ với chồng, hãy sẵn lòng tha thứ và bỏ qua những bất hòa người khác gây cho mình. Và như vậy, chúng ta sẽ không chỉ được xứng danh là môn đệ Chúa, mà còn mang lấy phẩm giá cao quí là Con Thiên Chúa nhờ đã biết sống yêu thương vì: “Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa”. Amen.
Lm Paul Nguyễn Nguyên







ĐẠO YÊU THƯƠNG
PM. Cao Huy Hoàng

Nhớ lại, chiều ngày 23-11-2009, Tại Sở Kiện, trong dịp khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 350 năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, tôi đặc biệt tâm đắc lời phát biểu bằng cung giọng miền Nam rất đơn sơ chân chất của Đức Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, chủ tịch Ủy Ban Năm Thánh Toàn Quốc: “Người Công giáo Việt Nam hãy viết lại định nghĩa Đạo Công Giáo vào trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đoàn nơi chúng ta sống. Ước mong sử sách sẽ ghi nhận lại định nghĩa này vào trong văn hóa và tiềm thức của mỗi người: Đạo Công giáo – Đạo Yêu Thương, người Công giáo là người luôn ý thức rằng Chúa yêu thương mình và do đó ý thức được bổn phận phải yêu thương tất cả mọi người”.

Có thể có nhiều triết gia, nhà thần học, nhà ngôn ngữ học, hoặc những người thông thái cho rằng câu nói tầm thường ấy có gì mà đáng tâm đắc. Nhưng với tôi, tâm đắc chính chỗ tầm thường ấy, giản dị ấy mà chất chứa cả một mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Có người cho rằng việc yêu thương nhau là chuyện hẳn nhiên như “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”  hoặc “thương người như thể thương thân”, “máu chảy ruột mềm” theo cách văn hóa của người Việt vốn có từ ngàn xưa trong cái xã hội đình làng, lũy tre, bờ xe, bến nước…
         
Nét đẹp văn hóa ấy ở đâu ra? Tự nhiên mà có hay là có cùng thời với Tiếng Việt, cùng thời với việc loan báo Tin Mừng cho người Việt bằng Tiếng Việt? Thiết nghĩ, câu trả lời dành cho các nhà sử học.
         
Phần chúng ta, có thể hiểu rằng, Tin Mừng đến quê hương này là đã có ngay luật điều căn bản cho người công giáo:
          “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.
         
Những người công giáo đầu tiên trên đất nước nầy đã sống và giữ luật điều quan trọng ấy đến nỗi người lương có thể nhận thấy và chúc tụng: Đạo Công Giáo chính là Đạo Yêu Thương.

          Bởi cách thể hiện tình yêu thương của người công giáo không giống như của người chưa thấm nhập Tin Mừng. Người công giáo yêu thương người vì kính mến Chúa. Người chưa phải công giáo thì yêu thương người để được người khác yêu thương lại, để tạo một tương quan thuận lợi trong cuộc sống. Vì kính mến Chúa, vì lề luật tích cực của Chúa trở thành một bổn phận của lẽ công bằng: yêu người vì Chúa đã yêu ta, yêu người như Chúa đã yêu ta, cho nên, người công giáo yêu thương cả người thân, kẻ sơ, cả người giàu có lẫn kẻ nghèo khó, cả người thương lẫn kẻ ghét, cả người tôn trọng tự do tín ngưỡng lẫn người bức bách cấm cách, bắt bỏ tù, tra tấn, ngục hình chém giết dã man…Nếu không phải yêu người như Chúa dạy, hẳn là người Công Giáo đã nổi loạn lên rồi, thay vì âm thầm chấp nhận làm chứng cho Đức Tin vào sự sống lại và cầu nguyện cho người dám đưa chân đạp mũi nhọn biết đàng ăn ăn trở lại.

          Nhìn lại Đạo Yêu Thương của những người Công Giáo Việt Nam đi trước chúng ta, là cha ông chúng ta, hẳn mỗi chúng ta phải đặt lại cách sống đúng với Tin Mừng như Chúa muốn, như cha ông ta đã nêu.

          Đạo Yêu Thương bắt đầu nơi các gia đình: vì yêu Chúa, kính sợ lề luật của Thiên Chúa, cha mẹ sốt sắng thờ phượng Chúa qua các giờ kinh chung tối sáng, giờ cầu nguyện chung trong gia đình, nhắc nhớ nhau đời sống bí tích, đời sống giáo hội. Nhờ đó, kín múc ân sủng của Thiên Chúa mà trung thành với nhau trong tình yêu hôn nhân để làm gương sáng cho con bằng một tình yêu tận hiến. Gương sáng Đạo Yêu Thương của gia đình này sẽ là ngọn đèn soi cho gia đình kia, tạo nên một xóm làng sống Đạo Yêu Thương, không kể là lương hay giáo.
          Đạo Yêu Thương từ gia đình đến Giáo Xứ. Uy tín của Chúa Giê-su mỗi ngày mỗi lớn lao, được mọi người tôn kính khi họ nhìn thấy cộng đoàn giáo xứ sống chan hòa yêu thương từ mục tử đến đoàn chiên, từ những người giúp việc giáo xứ đến những người nghèo khổ nhất. Không có gì đau khổ cho Chúa Giê-su bằng việc chính những người có Đạo Yêu Thương lại không yêu thương nhau, không đoàn kết với nhau, lại còn hơn thua nhau, ganh tị với nhau, tố cáo lẫn nhau, và tồi tệ hơn nữa là tranh giành nhau có chức có quyền hơn là tranh giành nhau mà phục vụ mọi người.
Đạo Yêu Thương của Cộng Đoàn Giáo Hội Địa Phương, cấp Giáo Phận, hẳn là bằng chứng hùng hồn nhất của Giáo Hội Chúa Ki-tô Toàn Cầu. Nếu các Giáo Xứ chân thành nêu gương đời sống yêu thương, hẳn là Giáo Hội Địa Phương của Chúa Giê-su đang có một sức mạnh thẩm thấu thế giới này, cho dẫu là thế giới của những kẻ không muốn tin vào Thiên Chúa. Sự Hiệp Nhất, Nên Một trong Chúa Ki-tô nguồn mạch Tình Yêu, nguồn mạch Sự Sống, không cho phép các Ki-tô Hữu, các cộng đoàn Giáo Xứ tách lìa nhau cách tự trị, nhưng ngược lại, luôn tương trợ nhau trong đời sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

Dường như Ông Môi-sê cũng đang nói với các gia đình, các giáo xứ, các giáo phận, với tất cả chúng ta "Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài”. (x.Đnl 6, 2-6)
Và Chúa Giê-su đang nhắc lại:
"Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". (Mc 12, 29-31)

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống Đạo Yêu Thương để dạy cho con cháu, hậu duệ bằng gương sống “Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.

PM. Cao Huy Hoàng, 2-11-2012

HAI MẶT BÀN TAY
AM Trần Bình An

Công ty địa ốc MKB Fastighets AB - trực thuộc Hội đồng Malmo, thành phố lớn thứ ba của Vương quốc Thụy Điển, đã bỏ ra 1,3 triệu kronor (197.000 USD) cho một chiến dịch khuyến khích những người thuê nhà của họ, chào hỏi hàng xóm láng giềng, như trong câu hát “khi mỗi hàng xóm là một người bạn” trong nhạc phẩm bất hủ Happy New Year của ban ABBA
Chiến dịch “Lời chào đến hàng xóm bạn” (Sag hej till din granne) được MKB thực hiện từ ngày 7-7-2012, dựa trên kết quả khảo sát vào đầu năm nay: 70% muốn nhờ vả hàng xóm khi cần thiết, 70% tin mối giao hảo với hàng xóm tốt cho mọi người và 80% muốn nói chuyện với hàng xóm.

Từ 15 năm nay số người nhập cư tăng cao, chủ yếu đến từ các nước Hồi giáo. Nhiều người chọn Malmo vì nằm ở cực nam, khí hậu ấm áp hơn thủ đô Stockholm. Tuy Malmo rộng chỉ hơn 280.000km2, chỉ có 293.900 người, nhưng có tới 170 quốc tịch và 150 tiếng nói khác nhau.

Điều đáng chú ý là cùng với sự lớn mạnh của các cộng đồng nhập cư thì tình trạng bạo lực, tội phạm có vũ trang, buôn lậu ma túy cũng gia tăng. Đó là chưa kể tình trạng bạo lực gia đình, phổ biến nhất là trong những gia đình gốc nhập cư Hồi giáo, đến từ Trung Đông và Pakistan

Chiến dịch chào hỏi của MKB như vậy có thể được xem như một sáng kiến mới của thành phố “nhiều màu sắc” này, làm mọi người xích lại gần nhau hơn, nhất là trong bối cảnh Malmo sẽ là thành phố chủ nhà cho Eurovision 2013, cuộc thi hát uy tín nhất tại châu Âu.(Tuổi Trẻ 12/10/2012)

Theo tạp chí The Economist, Thụy Điển dứng đầu về chỉ số dân chủ trên thế giới và đứng thứ bảy trong Liên Hiệp Quốc, vè chỉ số phát triển con người. Tuy nhiên theo thống kê, Thụy Điển là một trong những nước vô thần nhất thế giới, vì 85% người dân không tin vào tôn giáo. (Wikipedia)

Bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc đến thái độ đối với tha nhân. Thánh Marcô tường thuật một kinh sư cảm phục Chúa Giêsu đối đáp hay, bèn đến hỏi Người: “Thưa Thầy trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12, 28). Nhưng trong Tin Mừng Thánh Matthêu và Luca, lại nói rõ là vị kinh sư đó, đại diện cho nhóm Pharisiêu đển thử thách Người, ngay sau khi Người đã làm cho nhóm Xa Đốc phải câm miệng.” (Mt 22, 34).

Yêu Chúa yêu người
Đức Giêsu trả lời: Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” (Mc 12, 29-31)

Ngoài Lề Luật trong Sách Thánh, các thầy rabbi còn thêm 248 điều răn và 365 điều cấm. Người ta còn phân biệt khoản lớn với khoản nhỏ, điều nặng với điều nhẹ. Như thế, đâu dễ dàng tìm ngay ra một câu giải đáp vắn gọn và đầy đủ như yêu cầu của vị kinh sư. Nhưng Chúa Giêsu trả lời ngay lập tức, đã khiến vị kinh sư phải tức khắc khẩu phục, tâm phục.

Hai Mặt Bàn Tay
“Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, Ngoài Người ra không có đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn lễ toàn thiêu và hy lễ.”(Mc 12, 32-33)

Nghĩ Chúa Giêsu sẽ sa vào cái bẫy với hàng trăm luật lệ rườm rà, như mớ bong bong, nhưng nghe thấy Người tóm gọn chính xác và vắn tắt điều răn quan trọng, vị kinh sư ngạo mạn phải kính cẩn, chân thành ca ngợi Người và đồng thanh khẳng định lại chân lý đó.

Từ thái độ thách đố, khinh khi, chuyển ngay sang thái độ phục thiện và tôn kính, vị kinh sư đương nhiên hiểu rằng: Yêu Chúa và yêu tha nhân liên kết chặt chẽ như hai mặt của bàn tay, hai mặt của đồng tiền, không thể phủ nhận mặt nào hết, nếu muốn giữ nguyên giá trị.

Cụ thể hóa giới răn hàng đầu
Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12, 34) Người khen vị kinh sư và muốn ông cụ thể hóa điều vô cùng trọng đại đó, áp dụng ngay vào cuộc sống. Còn khoảng không còn xa kia tùy theo cái tâm mỗi người chân thành hay không.

Trở lại câu chuyện bên trên, sở dĩ Cty địa ốc MKB Fastighets AB, phát động “lời chào đến hàng xóm bạn”, vì dân cư thiếu quan tâm đến tha nhân, chẳng yêu người, vì đã  khước từ Thiên Chúa hiện diện trong đời sống.

Đối với Kitô hữu, không tài nào kính mến Thiên Chúa mà không thương mến nhân loại, thương mến nhân loại mà không yêu thương mọi người, yêu thương mọi người mà không quý mến những người mình biết, với một tình yêu cụ thể và tích cực. (M. Delbrel)

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con yêu mến Chúa, bằng chính cuộc sống thương yêu chia sẻ đến với mọi người con quen biết. Cho con biết yêu người như chính bản thân con.
Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết chấp nhận và yêu mến mọi người, như xưa kia Mẹ hằng thương yêu, chăm lo, săn sóc các Tông Đồ cùng toàn thể cộng đồng, từ tiệc cưới Cana đến đồi Golgotha, vì tình yêu Thien Chúa muôn đời. Amen.

AM. Trần Bình An


HÃY YÊU THƯƠNG
(Mc 12, 28b-34)

Kinh sư đại diện băn khoăn
Thưa Thầy cho biết giới răn đứng đầu.
Điều nhất được xếp hàng đầu,
Lắng nghe cho kỹ ngõ hầu thực thi.
Chúa là độc nhất, từ bi,
Hết lòng yêu mến, hết tình hiến dâng.
Hai là yếu mến người thân,
 Như yêu chính cái bản thân của mình.
Thưa Thầy, Thầy dạy chí tình,
Hai điều quý giá huyền linh bội phần.
Giêsu xuống giọng ân cần,
Nước Trời ông đã bước gần rồi đây.
Khôn ngoan ghi nhớ lời Thầy,
Và mang thực hiện có ngày hưởng công
Chúng con ra sức hiệp thông,
Yêu người, mến Chúa hằng trông lên trời.

Lm. Pet Vĩnh Tiến




LUẬT CHÚA
(Mc 12, 28b-34) 

Luật lệ xưa nay dạy rõ ràng
Mến Chúa yêu người chẳng hoang mang!
Duy nhất, uy quyền Vua Trời Đất
Chúc tụng, ca khen Đấng Vĩnh Hằng.
Yêu người như chính yêu mình vậy
Quý mến, từ tâm, xử công bằng.
Thứ tha, đùm bọc như thủ túc
Khốn khó, vui buồn, năng viếng thăm.
Toàn thiêu, hy lễ làm sao sánh!
Luật Chúa thiên thu tợ trăng rằm.

Đỗ Văn



ĐẠO YÊU THƯƠNG
(CN 30 TN B Mc 12, 28 – 34)
 Yêu Thiên Chúa - yêu người muôn thuở
Đặt ngang bằng với Chúa tấm gương
Tình Yêu duy nhất bốn phương
Kết thành Lề Luật mến thương tinh ròng

Một thế giới đại đồng Thiên đạo
Dù lương hay giáo thiết tha
Đông,  TâyNam,  Bắc,  một nhà
Sống tình huynh đệ đậm đà con Cha

Mọi giai cấp mầu da tất cả
Kẻ an nhàn,  vất vả …lắng lo
Giầu tiền, nghèo đói… co ro
Chẳng còn thù hận so đo,  cằn nhằn

Luật Đức Ái điều răn dạy thế !
Giống như nhau thân thể gắn liền
Vươn lên tột đỉnh vô biên
Tình Yêu hiệp nhất triền miên với Người

Yêu mến Chúa cao vời tình mến
Yêu tha nhân trọn vẹn tuyệt vời
Hiến thân cho Chúa không rời
Tình Yêu chìa khóa Nước trời mở ra
 Suối bất tận chan hòa kín múc
Mãi  vĩnh hằng hạnh phúc đời đời
Điều Răn trọng nhất sáng ngời
Mến yêu Thiên Chúa yêu người anh em.

Lm. Khuất Dũng sss

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Đạo Chúa truyền lan suốt mọi đời:
Yêu người, mến Chúa, luật chung đôi.
Trong lòng mến Chúa, chưa là đủ,
Ngoài miệng yêu người, giả dối thôi.
Mến Chúa, xác hồn luôn tận hiến.
Yêu người, lòng dạ chẳng xa rời.
Tin Mừng, luật Chúa hằng lan toả.
Gương phúc thiện nhân mãi sáng ngời.
Thế Kiên Dominic


ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
(CN 31 TN B – Mc 12, 28b -34)

Trong tất cả điều răn Luật Thánh
Trọng điều chi nhất cạnh điều chi?
Yêu người mến Chúa thực thi
Ấy điều trọng nhất không chi sánh bằng.

Yêu Chúa hết tâm can lòng dạ
Mến tha nhân trọn cả tình thân
Quí hơn của lễ trong ngần
Toàn thiêu hy hiến tình dâng Chúa Trời.

Yêu Chúa chẳng dễ chơi đâu nhé
Bởi con đâu muốn bé nhỏ hoài
Kiêu căng thống trị mệt nhoài
Bỏ mình lạy Chúa kính ngoài thờ trong.

Yêu nhân loại khó lòng hơn nữa
“Chín người mười ý” sửa sao vừa
Yêu như Chúa cũng chưa bưa
Hy sinh đến chết chưa vừa lòng dân.

Con yếu đuối tâm thân mỏng mảnh
Khấng ban ơn sức mạnh cho con
Xả thân thờ Chúa vẹn toàn
Yêu người mến Chúa vuông tròn Ý Cha.

Scholastica 

YÊU CHÚA YÊU NGƯỜI
(CN XXXI TN-B - Mc 12, 28-34)

Mến yêu Thiên Chúa chân thành
Tương quan xây dựng trọn hành trình xa
Khởi đầu lòng biết ơn Cha
Tình yêu trải nghiệm nhận ra Người tình.

Không chân dung, chẳng ảnh hình
Mà luôn xác tín Người mình yêu thương
E thờ ngẫu tượng thần lương
Trăm tay nghìn mắt nếu tương quan hời.

Con chưa thấy Chúa trên đời
Mà Người cắt tỉa nát bời tim con
Ước giao hẹn núi thề non
Con yêu mến Chúa  sắt son chứng từ.

Yêu người dài bức tâm thư
Yêu người khó lắm khó như yêu Trời
Bao nhiêu nước mắt tuôn rơi
Tan trong Máu Thánh uống Lời bình an.

Luật Trời tinh gọn rõ ràng
Yêu người yêu Chúa Thiên Đàng ngất ngây
Hết lòng trí lực dựng xây
Diệu vời lễ tế tràn đầy thánh ân.

Thánh Thần thúc bách xin vâng
Hiệp thông thánh giá chung phần phúc vinh
Ba Ngôi sức mạnh huyền linh
Hồng ân thánh hiến trọn tình mến yêu.

Cát Vàng 

MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

Một luật sĩ thật lòng muốn biết
Điều răn nào cần thiết trước tiên
Bao năm tôi đã ưu phiền
Luật Thiên Chúa dậy trước tiên phải làm

Chúa biết ông không ham danh lợi
Một kinh sư mong đợi điều lành
Chúa liền giải nghiã ngọn ngành
Trước thờ Thiên Chúa sau dành tha nhân

Thờ Thiên Chúa hơn thân mình sống
Hết tâm hồn hết cả trí khôn
Thiên Chúa duy nhất trong hồn
Tôn thờ một Chúa nhớ luôn ghi lòng

Yêu tha nhân điều trong luật dậy
Phải hết lòng trông cậy lẫn nhau
Thờ Chúa mà chẳng mến nhau
Trở nên vô nghiã làm đau lòng Người

Là Thượng Tế muôn đời thánh thiện
Chúa dậy người thể hiện tình yêu
Hơn mọi lễ vật toàn thiêu
Yêu người mến Chúa là điều trọng tâm

Nay cuộc sống sai lầm tội lỗi
Bao tâm hồn cằn cỗi yêu thương
Lời Chúa soi sáng con đường
Bình an hạnh phúc ngát hương tình đời
Mến Chúa thì phải yêu người

Vincent Khánh Trần
GIỚI LUẬT NGỌT NGÀO

Thấy Giêsu đối đáp hay
Ông Kinh-sư đến đưa ngay nan đề:
"Điều răn trọng nhất vẹn bề?"
Giêsu khẳng định chẳng hề phân vân:
"Ích-diên nghe hỡi toàn dân
Điều răn trọng nhất tối cần cho ta
Chúa là Đức Chúa cao xa
Trên Trời duy nhất Ngài là Chúa ngươi
Vậy yêu Chúa hết lòng ngươi
Hết tâm, hết sức vẹn mười sâu xa
Và điều thứ hai ấy là
Yêu người như thể yêu ta trên đời."
Nhiêu khê lề luật ngàn khơi
Nhưng hai điều chốt Đạo Trời thanh tao
Yêu: Là luật pháp ngọt ngào
Yêu người yêu Chúa muôn cao hết lòng
Còn muôn sự khác tùy tòng
Tình yêu trọn đỉnh Chúa mong nơi người
Ai có tình yêu sáng tươi
Ấy người được phúc vẹn mười Chúa ban
Ngày sau hiện hữu thiên đàng
Duy còn Đức Mến thênh thang vĩnh hằng.
                                                                                   
Giuse Nguyễn Văn Sướng



BỨC HỌA TÌNH YÊU
 (Mc 12, 28b - 34)

Một bức họa tình yêu
Dệt nên giữa hai chiều
Hòa chung một tín điều
Yêu người và yêu Chúa

Câu chuyện tình muôn thưở
Thiên Chúa và loài người
Không phân biệt chín, mười
Mà chung một tình yêu

Nói và nghe thật nhiều
Nhưng khi phải yêu người
Con ra điều tính toán
Khi cần phải yêu Chúa

Con lại nhẩm hơn, thua
Yêu Chúa con được chi?
Yêu người con được gì?
Tình yêu chỉ có một

Cho đi lại đau xót
Thua đi… càng xót xa
Vì yêu phải thứ tha
Không chỉ có một lần

Mà trăm ngàn lần tha thứ!
Chúa ơi!xin gìn giữ
Tình yêu mến trong con
Yêu Chúa tình sắt son

Yêu người mãi vuông tròn
Thủy chung tình sau trước
Không chơi vơi lạc bước
Một tình mến mà thôi!

1/11/2012
Song Lam




CHO CON BIẾT YÊU
 
Sống yêu thương, là muối men cho đời
Ngát hương nồng, tình mến dậy khắp nơi
Giữa đời thường, cùng sẻ chia khao khát
Cho thiên đường, nơi trần thế xinh tươi

Mến thương nhau, bằng trái tim nhân lành
Phúc ân nào, bằng quí chuộng giới răn
Lối đường nào, bằng ủi an tha thứ
Hy sinh nào, sánh quên mình chân thành

Cho con biết yêu, như chính Chúa đã yêu
Biết hy sinh nhiều, nên hy lễ toàn thiêu
Xin cho con hiểu, tình yêu nơi Thánh Giá
Đã yêu thương nhiều, xin dạy con biết yêu

Biết yêu thương, đời thắm trong ân tình
Hãy khiêm nhường, nhìn Chúa chịu đóng đinh
Suốt đường đời, Ngài sống cho nhân thế
TrangTin Mừng, chính con đường ân tình

2-11- 2012
Hương Sion

ĐÔI CÁNH NHIỆM MẦU
CN XXXI TN-B – (Mc 12, 28b – 34)

Thiên Chúa tác tạo muôn loài,
nguồn mạch sự sống trong Ngài trào tuôn.
Tình yêu Ngài mãi trường tồn,
điều hành vũ trụ càn khôn xoay vần.
Tình Ngài rất mực từ nhân,
hằng ban sự sống hồng ân dư đầy.
Tình yêu thập giá đền thay,
con người thoát kiếp đọa đày tối tăm.
Khoan dung, nhân ái, từ tâm,
khiêm nhu đồng hóa tha nhân kết tình.
Trần gian sao lãng bội tình,
chối từ, phản bội, tiến trình diệt vong.
***
Thiên Chúa tuyệt đối vô song,
trao ban giới luật tinh ròng, thanh cao.
Tình yêu hương vị ngọt ngào,
yêu người – yêu Chúa dạt dào như nhau.
Cân bằng đôi cánh nhiệm mầu,
tha nhân – Thiên Chúa nối cầu tương quan.
Tha nhân tình nghĩa nồng nàn,
yêu Chúa hết dạ, ngập tràn trí khôn.
Yêu Chúa hết cả linh hồn,
phụng thờ, tuân phuc, kính tôn Danh Ngài.
***
Đời con gánh nặng nghiêng vai,
coi trọng lề luật phôi phai nghĩa tình.
Răn đe, ném đá, đóng đinh,
không cùng quan điểm với mình triệt tiêu.
Gây ra thảm trạng tiêu điều,
kết án cay nghiệt tạo nhiều nghi nan.
Hồi tâm lòng thấy bất an,
yêu Chúa mà lại hàm oan cho người.
Tim con tan nát Chúa ơi!
chiêm ngắm thập giá thấm Lời Tình Yêu.
Giới luật của Chúa huyền siêu,
Ngài đã minh chứng buổi chiều Can-vê.
Tha nhân – Thiên Chúa, vẹn thề,
chiếc cầu nối nhịp đi về Nhà Cha.
Tình yêu giới luật giao thoa …

01/11/2012
Monica Lệ Thi

LUẬT THIỆN TOÀN
CN XXXI TN-B – (Mc 12, 28b – 34)


Giới luật Tình Yêu Chúa kiện toàn,

nhẹ nhàng, êm ái, ách bình an

Yêu người vẹn nghĩa, tình nồng ấm,

mến Chúa trọn tình, nghĩa chứa chan.

Thiên Chúa trao ban niềm hạnh phúc,

tha nhân chia sẻ lúc gian nan.

Tình yêu giữa trọn chu toàn luật,

dẫn lối ta về hưởng Thánh Nhan.

02/11/2012
Hạt Nắng









LUẬT THIỆN HẢO
CN XXXI TN-B – (Mc 12, 28b – 34)

Đấng chủ tể muôn loài, trên mọi sự,
đã điều hành vũ trụ rất tinh thông.
Mặt trời ban mai, tỏa chiếu ánh nắng hồng,
mặt trăng, tinh tú cùng xoay vòng chiếu sáng.
Quyền uy vô song, nhưng tình Ngài lai láng,
vạn vật muôn loài cai quản bằng tình thương.
Yêu thế nhân, vất vưởng trong bóng tối dặm trường,
ban Con Một, làm người, mở đường Ơn Cứu Độ.
Cái chết thập giá, tình yêu Ngài biểu lộ,
mở rộng trái tim, dòng máu đỏ tuôn trào.
Yêu hết mình, khi Ngài được giương cao,
vì bạn hữu, còn tình yêu nào hơn thế.
***
Luật Yêu Thương, Ngài kiện toàn luật lệ,
cho con người một phương thế huyền linh.
Yêu Thiên Chúa bằng hết cả lòng mình,
cả trí khôn, cả linh hồn, sức lực.
Yêu tha nhân cả tấm lòng trung thực,
như chính mình, trong nhận thức tình yêu.
Vì Ngài đã hóa thân như người nghèo khổ, tiêu điều,
giúp đỡ người bé mọn, là điều làm cho chính Ngài vậy.
Thiên Chúa vô hình, mắt loài người không thấy,
chính tha nhân, khơi dậy hình ảnh Ngài.
Mến Chúa – yêu người, Ngài minh định công khai,
Sống Luật Yêu Thương, đường thái lai hạnh phúc.
***
Kiếp trần ai, cảnh thất tình, lục dục,
mến Chúa – yêu người, nghe đau nhức tâm can.
Bụi hồng trần, lạc thú với vinh quang,
nhân tình thế thái, sao bẽ bàng, cay đắng.
Là Kitô hữu, đòi buộc con vượt thắng,
ơn gọi làm người, Chúa ban tặng khai tâm.
Hạt giống tình yêu, Chúa gieo được nẩy mầm,
sinh hoa trổ hạt, giữa thăng trầm cuộc sống.
Luật Yêu Thương, trung kiên giữa dòng đời dao động,
vững bước trung thành bằng sức sống thần linh.
Là môn đệ Chúa, phải biết từ bỏ, quên mình,
tình yêu bừng sáng trên hành trình về Thiên Quốc.
Noi gương Chúa, trong công trình cứu chuộc,
mến chúa – yêu người là ngọn đuốc sáng giữa trần gian.

02/11/2012 - Bâng Khuâng Chiều Tím

BÀI HỌC VÀO ĐỜI
CN XXXI TN-B – (Mc 12, 28b – 34)


Chúa đã dạy con bài học vào đời,
noi gương của Người thao thức trái tim yêu.
Thánh ý Cha trao, sống trọn tình thảo hiếu,
lễ dâng ban chiều minh chứng tình khôn nguôi.

Chúa đã dạy con bài học vào đời,
yêu thương mọi người, thao thức với tha nhân.
Giao kết tình thân, sớt chia tình nhân ái,
yêu như chính mình, gương Chúa đã hy sinh.

Ôi! Giới luật Tình Yêu, Chúa đã kiện toàn,
Ngài trao ban giới luật linh thánh.
Không còn ganh ghét đua tranh,
tình yêu xóa tan hận thù,
xua tan mây mù, bầu trời tươi sáng trong xanh.
Ôi! Tiếng vọng Tình yêu, Chúa đã gọi mời,
thuyền ra khơi đến cùng thế giới.
Đáp lời tung lưới muôn phương,
ủi an những ai đoạn trường,
đức tin kiên cường, tình người xây đắp yêu thương.

Chúa chắp cho con đôi cánh tuyệt vời,
tung bay giữa đời vang tiếng hát yêu thương.
Khúc hát trầm hương bay lên tòa Thiên Chúa,
tình yêu chan hòa hạnh phúc trong tình Cha.

02/10/2012
Nắng Sài Gòn


HƯƠNG TÌNH YÊU
CN XXXI TN–B – (Mc 12, 28b – 34)


Tình yêu Chúa cao vời, vô hạn,
đã hiến thân thí mạng vì yêu.
Sống vì yêu, chết vì yêu,
toàn thiêu hy lễ một chiều Can-vê.

Một thế giới u mê lầm lạc,
sống hẹp hòi, gian ác, cuồng ngông.
Con người đi đến diệt vong,
chiến tranh, tội ác, bất công lan tràn.

Chúa đã đến kiện toàn lề luật,
sống yêu thương hiệp nhất ân tình.
Hết lòng yêu Chúa uy linh
trọn cả sức lực, tâm tình, trí khôn.

Với tha nhân xóm thôn lân cận,
cùng sẻ chia thân phận kiếp người.
Dựng xây thế giới đẹp tươi,
cuộc sống hạnh phúc nụ cười thương trao.

Hương tình yêu ngọt ngào thơm ngát,
luật yêu thương tươi mát cuộc đời.
Giới răn Chúa thật tuyệt vời,
nhân loại nếm cảm rượu mời nồng say.

Nhấp vào hồn thấy ngất ngây…

A.P Mặc Trầm Cung

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.