Ads 468x60px

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

CHÚA NHẬT II TN-NĂM B - SỨC MẠNH CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ

CHÚA NHẬT II TN-NĂM B
(1Sm 3, 3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1, 35-42)
SỨC MẠNH CỦA TÌNH HUYNH ĐỆ


Trong tuần giảng phòng cho Linh mục đoàn Giáo phận Phan Thiết từ ngày 09 -13/01/2012, Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi có kể một câu chuyện hơi khôi hài, nhưng có một vài điểm tương đồng với đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay.


Có hai tu sĩ muốn sống nhiệm nhặt khắc khổ để đền tội. Họ vào hoang địa và tìm thấy hai cái hang nằm trên một sườn núi cheo leo, tuy không xa nhau lắm, nhưng không có lối qua lại. Họ rất hài lòng về vị trí thuận tiện của hai cái hang và bắt đầu sống cuộc đời khắc khổ trong sự cô liêu hoàn toàn. Sau đó cả hai cùng chết, nhưng không một ai hay biết. Một thời gian sau, có hai tên cướp bị truy nã chạy trốn vào vùng núi hoang dã ấy để ấp nấp. Tình cờ họ tìm thấy hai cái hang của hai tu sĩ trên đây và họ đã ở lại đó. Để tránh sự dòm ngó của nhà cầm quyền, họ khoác áo nhà tu và trở thành những tu sĩ bất đắc dĩ. Chiếc áo đôi khi cũng làm nên thầy tu! Quả thế, họ bắt đầu ăn năn sám hối vì tội ác mình đã phạm. Nhưng thay vì sống biệt lập cách xa nhau, họ tìm cách khai thông con đường nối liền hai chiếc hang. Dần dần với sức lao động kiên trì, một con đường nhỏ đã xuất hiện giữa họ và mỗi ngày họ đi thăm viếng an ủi lẫn nhau. Cùng với những bước chân, họ gieo vãi hai bên đường những giống hoa rừng mà họ tìm được trong vùng núi. Cuối cùng, con đường đầy hoa thơm cỏ lạ và làn hương thánh thiện của hai tu sĩ bất đắc dĩ đã đến tai người dân trong vùng lân cận và người ta đã bắt đầu đến xin gia nhập cộng đoàn để chia sẻ với nhau tình huynh đệ.


Và Đức Cha đã đưa ra kết luận: Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy tình yêu thương huynh đệ không những chứa đựng một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống con người, nhưng nó còn đóng một vai trò rất lớn trong việc thăng tiến cá nhân và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng Hội Thánh và việc truyền giáo.
Quả thật, trang Tin Mừng hôm nay của thánh sử Gioan đã cho chúng ta thấy sức mạnh của tình huynh đệ. Sống tình “huynh-đệ” hơn là tình “sư-đệ” nên Gioan Tẩy Giả không ngần ngại giới thiệu cho hai đệ tử của mình về Đấng được gọi là “Chiên Thiên Chúa”. Hai đệ tử đã đi theo và ở lại với Chúa Giêsu. Sau đó, một trong hai đệ tử ấy lại giới thiệu cho em mình. Ông Anrê dẫn em mình là ông Simon đến gặp Chúa Giêsu và được Chúa Giêsu biến đổi thành con người mới qua việc đặt tên mới là Kêpha (Phêrô). Lịch sử đã minh chứng, Phêrô trở nên tảng đá xây dựng Giáo Hội của Chúa Giêsu (x. Mt 16,18).


Nếu không có một tình “huynh đệ” chân thật và thân tình, mà chỉ nghĩ tới tình “sư-đệ”, nghĩ đến tầm ảnh hưởng của cộng đoàn, muốn củng cố cộng đoàn của mình theo tính toán cá nhân… thì Gioan Tẩy Giả đã không giới thiệu Chúa Giêsu cho hai đệ tử. Và cũng chính tình “huynh đệ” máu mủ ruột thịt mà Phêrô được biết Chúa Giêsu và được biến đổi. Chính tình huynh đệ chân thành là nhịp cầu nối kết chúng ta với Chúa Giêsu và với nhau. Tình huynh đệ chân thành có khả năng biến đổi cuộc đời chúng ta.

Tình huynh đệ đích thực có khả năng biến đổi cuộc đời chúng ta đã được Chúa Giêsu tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,13-14). Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cách sống tình huynh đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Như thế, khi “thực hiện những điều Thầy truyền dạy” là chúng ta sống tình huynh đệ với Chúa Giêsu và nên giống Ngài.

Chính tình huynh đệ với Chúa Giêsu giúp ta thăng tiến mình và thăng tiến anh em một cách tốt nhất. Tình huynh đệ với Chúa Giêsu là nền tảng cho đời sống Kitô hữu. Chính tình huynh đệ với Chúa Giêsu và với nhau là sức mạnh và là nguồn động lực thúc đẩy chúng ta truyền giáo, giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác như Gioan Tẩy Giả và Anrê trong trang Tin Mừng hôm nay.

Thomas Nguyễn Văn Hiệp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.