Ads 468x60px

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2022

CÙ MI HOAN CA NOËL 2022

Đọc tiếp »

GIÁNG SINH: TRỞ VỀ NHỮNG GÌ THIẾT YẾU… (ĐTC Phanxicô, huấn từ cho giáo triều, 22/12/2022)


“Anh chị em thân mến!
Một lần nữa Chúa ban cho chúng ta ân sủng được mừng mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh. Mỗi năm, khi quỳ gối trước Hài Nhi nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12), chúng ta có thể nhìn đời mình dưới ánh sáng đặc biệt này. Đó không phải là ánh sáng vinh quang của thế gian này, mà là “ánh sáng đích thực, soi sáng mọi người” (Ga 1,9). Đối với chúng ta, sự khiêm nhường của Con Thiên Chúa, Đấng đã dự phần vào thân phận con người của chúng ta, là một bài học để nhìn mọi sự đúng như bản chất của chúng. Như Chúa đã chọn sự thanh bần, nghĩa là không chỉ thiếu của cải, mà là hoàn toàn đơn sơ, cũng vậy, mỗi chúng ta được mời gọi trở về với những gì thiết yếu trong cuộc sống của chính mình, loại bỏ tất cả những gì thừa thãi và là những trở ngại tiềm ẩn trên con đường tu tập, con đường nên thánh. Và con đường nên thánh đó là không thể tương nhượng.
Đồng thời, chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng khi nhìn lại cuộc sống và quá khứ của mình, chúng ta phải luôn bắt đầu bằng việc hồi tưởng lại tất cả những điều tốt đẹp mà chúng ta đã biết. Vì chỉ khi chúng ta ý thức được lòng nhân hậu của Chúa đối với chúng ta, chúng ta mới có thể nêu đích danh sự dữ mà chúng ta đã trải qua hoặc chịu đựng. Nhận thức về sự nghèo khó của chúng ta, nếu không đi kèm với việc nhận ra tình yêu của Thiên Chúa, sẽ nghiền nát chúng ta. Do đó, thái độ nội tâm mà chúng ta phải là đánh giá cao lòng biết ơn, như một điều quan trọng nhất…
Thiên Chúa trở thành Hài Nhi, và Hài Nhi ấy, khi đã lớn, để mình bị đóng đinh trên thập giá. Không có gì yếu hơn một người bị đóng đinh, nhưng sự yếu đuối đó đã trở thành sự mạc khải quyền năng tối cao của Thiên Chúa. Trong sự tha thứ, quyền năng của Thiên Chúa luôn hoạt động. Xin cho lòng biết ơn, hoán cải và bình an là quà tặng của Lễ Giáng Sinh này.”
Đọc tiếp »

ĐTC GIẢNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2020:


“Đêm nay, lời tiên báo vĩ đại của Tiên tri Isaia đã được ứng nghiệm: “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng cho chúng ta” (Is 9, 6).
Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúng ta thường nghe rằng niềm vui lớn nhất trong cuộc đời là một đứa trẻ chào đời. Đó là một điều gì đó phi thường và thay đổi mọi thứ. Điều đó mang lại một sự phấn khích khiến chúng ta quên đi sự mệt mỏi, khó chịu và những đêm mất ngủ, vì nó khiến chúng ta tràn ngập niềm hạnh phúc khôn tả và khôn sánh. Ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh là thế này: Chúa Giêsu Giáng Sinh là “sự mới mẻ” giúp chúng ta được tái sinh mỗi năm và tìm thấy nơi Ngài sức mạnh cần thiết để đối mặt với mọi thử thách. Tại sao? Thưa: Vì sự ra đời của Người là dành cho chúng ta - cho tôi, cho anh chị em, cho tất cả mọi người. “Cho” là một từ được lặp đi lặp lại trong đêm thánh này: Tiên tri Isaia nói tiên tri rằng “một hài nhi được sinh ra cho chúng ta”. Thánh Vịnh lặp lại rằng “Hôm nay Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Thánh Phaolô thì nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã “hiến thân cho chúng ta” (Tt 2:14), và trong Tin Mừng, sứ thần đã tuyên bố: “Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi” (Lc 2:11)...
Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Chúa Cha đã không ban cho chúng ta một điều gì, hay một vật gì; Ngài đã ban cho chúng ta Con Một của Người, là tất cả niềm vui của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào sự vô ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và sự bất công của chúng ta đối với rất nhiều anh chị em của mình, một mối nghi ngờ có thể nảy sinh. Liệu Chúa có đúng không khi ban cho chúng ta quá nhiều như thế? Liệu Chúa có đúng không khi vẫn tin tưởng nơi chúng ta? Liệu Người có đánh giá chúng ta quá cao hay không? Tất nhiên, Chúa đánh giá chúng ta quá cao, nhưng Ngài làm như thế vì Ngài yêu chúng ta đến điên cuồng. Chúa không thể không yêu chúng ta. Đó là đường lối của Người, là điều rất khác với chúng ta. Chúa luôn yêu chúng ta bằng một tình yêu lớn hơn chúng ta dành cho chính mình. Đây là bí mật của Ngài để đi vào trái tim của chúng ta. Thiên Chúa biết rằng chúng ta trở nên tốt hơn chỉ khi chúng ta chấp nhận tình yêu trung tín của Ngài, một tình yêu không thay đổi đã thay đổi chúng ta. Chỉ có tình yêu của Chúa Giêsu mới có thể biến đổi cuộc sống của chúng ta, chữa lành những tổn thương sâu sắc nhất của chúng ta, và giải thoát chúng ta khỏi vòng luẩn quẩn của thất vọng, giận dữ và phàn nàn liên tục...
Tuy nhiên, chúng ta cũng nghe thấy từ “cho” ở một nơi khác. Sứ thần tuyên bố với các mục đồng: “Đây sẽ là dấu chỉ cho anh em: một hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Dấu chỉ đó, Hài nhi trong máng cỏ, cũng là dấu chỉ cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta trong suốt cuộc đời. Ở Bethlehem, một cái tên có nghĩa là “Nhà Bánh”, Thiên Chúa nằm trong máng cỏ, như muốn nhắc nhở chúng ta rằng, để sống, chúng ta cần có Người, giống như bánh chúng ta ăn. Chúng ta cần được lấp đầy bằng tình yêu nhưng không, trung tín và cụ thể của Người. Nhưng trái lại, quá thường chúng ta lại thèm khát giải trí, thành công và những thú vui trần tục, và nuôi dưỡng cuộc sống bằng những lương thực không làm chúng ta thỏa mãn và khiến chúng ta trống rỗng bên trong! Qua tiên tri Isaia, Chúa đã phàn nàn rằng con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, còn chúng ta, dân Người, lại không biết Người, là nguồn sống của chúng ta (x. Is 1: 2-3). Đúng là như thế: trong lòng ham muốn chiếm hữu vô tận của mình, chúng ta chạy theo vô số máng cỏ chứa đầy phù du mà quên mất máng cỏ Bethlehem. Máng cỏ, nghèo nàn về mọi thứ nhưng giàu tình yêu thương, dạy chúng ta rằng phần lương đích thực trong cuộc sống đến từ việc để chúng ta được Chúa yêu thương và đến lượt chúng ta yêu thương người khác. Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta một tấm gương. Ngài, Ngôi Lời của Thiên Chúa, đã trở thành một hài nhi mới sinh; Người không nói một lời nào nhưng dâng hiến cuộc sống. Chúng ta thì lại khác, chúng ta ba hoa đủ thứ lời, nhưng thường ít nói về điều lành phúc đức...
Một người con đã được ban tặng cho chúng ta. Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Hài Nhi đã làm cho con trở thành một đứa trẻ. Chúa yêu con như con là, chứ không phải như con tưởng tượng con sẽ là. Khi đón nhận Chúa, Hài Nhi của máng cỏ, một lần nữa con đón nhận trọn cuộc đời mình. Khi chào đón Chúa, Bánh của sự sống, con cũng mong muốn được trao tặng cuộc sống của con. Lạy Chúa, Đấng Cứu Rỗi của con, xin dạy con biết phục vụ. Lạy Chúa, Đấng đã không để con lẻ loi, xin hãy giúp con an ủi các anh chị em của Chúa, vì từ đêm nay trở đi, tất cả đều là anh chị em của con.”
Đọc tiếp »

LỄ GIÁNG SINH - LỄ BAN NGÀY



Đọc tiếp »

KHIÊM NHƯỜNG THÌ GẶP CHÚA… (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)


“Anh chị em thân mến, khiêm nhường là con đường duy nhất dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Đồng thời, nhất là vì nó dẫn chúng ta đến với Người, nên sự khiêm nhường cũng dẫn chúng ta đến những điều cốt yếu của cuộc sống, đến ý nghĩa chân thật nhất của nó, đến lý do đáng tin cậy nhất để giải thích tại sao cuộc sống thực sự đáng sống.
Chỉ có sự khiêm tốn mới mở ra cho chúng ta kinh nghiệm sự thật, niềm vui đích thực, biết điều gì quan trọng. Nếu không có sự khiêm nhường, chúng ta bị “cắt đứt”, chúng ta bị cắt đứt khỏi sự hiểu biết về Thiên Chúa và sự hiểu biết về chính mình. Khiêm tốn là cần thiết để hiểu bản thân mình, và càng như thế để hiểu rõ Thiên Chúa. Các đạo sĩ thậm chí có thể vĩ đại theo luận lý của thế giới, nhưng họ tự cho mình là thấp hèn, khiêm tốn và chính vì điều này mà họ đã thành công trong việc tìm thấy Chúa Giêsu và nhận ra Người. Họ chấp nhận sự khiêm tốn của việc tìm kiếm, bắt đầu một cuộc hành trình, lên tiếng hỏi, chấp nhận rủi ro, phạm sai lầm.
Mỗi người, trong sâu thẳm trái tim mình, được mời gọi tìm kiếm Thiên Chúa: tất cả chúng ta đều có sự bồn chồn đó. Công việc của chúng ta không phải để loại bỏ sự bồn chồn đó, nhưng để cho nó phát triển bởi vì chính sự bồn chồn đó tìm kiếm Thiên Chúa; và, với ân sủng của chính Người, có thể tìm thấy Người. Chúng ta có thể biến lời cầu nguyện này của Thánh Anselm (1033-1109) thành của riêng chúng ta: “Lạy Chúa, xin dạy con tìm kiếm Chúa và tỏ Chúa ra cho con khi con tìm kiếm, bởi vì con không thể tìm kiếm Chúa nếu Chúa không dạy con cách thức và cũng không tìm thấy Chúa trừ khi Chúa tự mạc khải Chúa ra. Xin Chúa cho con tìm kiếm Chúa trong sự khao khát Chúa; xin cho con khao khát Chúa trong việc tìm kiếm Chúa; xin cho con tìm thấy Chúa trong tình yêu Chúa; xin cho con yêu Chúa trong việc tìm thấy Chúa" (Proslogion, 1).
Anh chị em thân mến, tôi muốn mời mọi người nam nữ đến chuồng bò Bêlem để tôn thờ Con Thiên Chúa làm người. Xin cho mỗi người chúng ta đến gần máng cỏ trong nhà của chúng ta hoặc trong nhà thờ hoặc ở một nơi khác, và cố gắng thực hiện một hành động tôn thờ, bên trong: “Con tin Chúa là Thiên Chúa, em bé này là Thiên Chúa. Xin ban cho con ơn khiêm tốn để hiểu biết”. (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)
Đọc tiếp »

GIÁNG SINH KHÔNG ĐƯỢC BUỒN, PHẢI VUI...


Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng :
"Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Đấng cứu độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm này phá tan sự sợ hãi trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời.
Không ai bị gạt ra khỏi niềm hân hoan đó, vì mọi người đều có chung một lý do để vui mừng. Chúa chúng ta là Đấng huỷ diệt tội lỗi và sự chết, vì Người không thấy ai vượt qua được tình trạng này, nên đã đến để giải cứu mọi người. Thánh nhân hãy mừng vui vì ngày khải hoàn đã gần tới. Tội nhân hãy hân hoan vì được mời gọi đón nhận ơn thứ tha. Người ngoại giáo hãy phấn khởi vì được mời gọi đến hưởng sự sống.
Thật vậy, khi thời gian tới hồi viên mãn đúng như kế hoạch cao sâu huyền nhiệm của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính loài người, để con người được giao hoà với Đấng Tạo Hoá ; như thế, ma quỷ là kẻ gây ra sự chết, sẽ bị đánh bại do chính bản tính mà nó đã thắng.
Khi Chúa sinh ra, các thiên thần nhảy mừng và ca hát : Vinh danh Thiên Chúa trên trời ; lại loan báo : Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Quả thế, các vị ấy nhìn thấy Giê-ru-sa-lem thiên quốc được thành hình với đủ dân tộc trần gian. Trước công trình kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, các thiên thần cao sang còn hân hoan vui mừng, thì loài người hèn hạ phải vui mừng biết bao nhiêu.
Vì vậy, anh chị em thân mến, chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Do lòng thương vô tận, Thiên Chúa Cha đã yêu mến, đã thương xót chúng ta ; dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô, để trong Đức Ki-tô, chúng ta trở nên một thụ tạo mới, một công trình mới.
Bởi thế, chúng ta hãy cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó ; khi đã được tham dự vào mầu nhiệm Giáng Sinh của Đức Ki-tô, chúng ta hãy từ bỏ lối sống theo xác thịt.
Hỡi các Ki-tô hữu, hãy ý thức về phẩm giá của bạn. Giờ đây, bạn đã được thông phần bản tính của Thiên Chúa, đừng để mình bị thoái hoá qua việc trở lại với lối sống bất xứng đã qua. Bạn hãy nhớ ai là đầu của bạn, và bạn là chi thể của thân mình nào. Hãy nhớ rằng bạn đã được cứu thoát khỏi quyền lực tối tăm, đã được đưa vào trong ánh sáng và Nước Thiên Chúa.
Nhờ bí tích Thánh Tẩy, bạn đã trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Bạn đừng xua đuổi vị khách quý trọng như thế do những hành động xấu xa của bạn, đừng để mình lại rơi vào ách nô lệ ma quỷ, vì giá chuộc bạn là chính Máu Đức Ki-tô."
Đọc tiếp »

YÊU MẾN SỰ ĐƠN SƠ NHỎ BÉ...


ĐTC Phanxicô, giảng lễ đêm Giáng Sinh 2021:
"...Thưa anh chị em, khi dừng lại trước máng cỏ, chúng ta hãy chiêm ngắm điều gì là trung tâm, vượt lên trên ánh sáng và những đồ trang trí, những gì đẹp đẽ, để chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng. Trong sự nhỏ bé, Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta. Hãy nhận ra Người: “Hài Nhi, Chúa là Thiên Chúa, Chúa Hài Đồng”. Chúng ta hãy để cho mình bị bao trùm bởi sự kinh ngạc với nghịch lý này. Người ôm ấp cả vũ trụ lại cần được ôm trong một vòng tay. Đấng tạo ra mặt trời, phải được sưởi ấm. Đấng là sự dịu dàng lại cần được nâng niu. Tình yêu vô bờ bến giờ đây lại có một trái tim nhỏ bé, biết phát ra những nhịp đập êm ái. Ngôi Lời vĩnh cửu lại là một trẻ sơ sinh, tức là không thể nói được. Bánh của sự sống phải được cho ăn. Đấng tạo ra thế giới lại là người vô gia cư. Hôm nay mọi thứ bị đảo lộn: Chúa đến với thế giới nhỏ bé. Đấng vĩ đại trao ban chính mình trong sự nhỏ bé.
Và chúng ta - chúng ta hãy tự hỏi mình - chúng ta có đón nhận cách thế này của Thiên Chúa không? Đó là thử thách của lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa tỏ mình ra, nhưng loài người không hiểu Ngài. Ngài tự biến mình trở nên nhỏ bé trong mắt thế giới và chúng ta tiếp tục tìm kiếm sự vĩ đại theo tinh thần thế gian, thậm chí có lẽ nhân danh Ngài. Chúa hạ thấp mình còn chúng ta lại muốn trở nên vĩ đại. Đấng Tối Cao chỉ ra sự khiêm tốn còn chúng ta thích vẻ bề ngoài. Chúa đi tìm những mục đồng, những người vô danh tiểu tốt giữa chúng ta; chúng ta lại tìm kiếm những người vang danh thiên hạ. Chúa Giêsu được sinh ra để phục vụ và chúng ta dành cả đời để theo đuổi thành công. Chúa không tìm kiếm sức mạnh và quyền thế, Ngài tìm kiếm sự dịu dàng và tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.
Đây là điều chúng ta nên cầu xin Chúa Hài Đồng trong lễ Giáng Sinh: chúng ta hãy xin Chúa ban cho ân sủng của sự đơn sơ nhỏ bé. “Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu mến sự nhỏ bé. Xin giúp chúng con hiểu rằng đó là con đường dẫn đến sự vĩ đại thực sự”. Nhưng cụ thể, chào đón sự nhỏ bé có nghĩa là gì? Trước hết, điều đó có nghĩa là tin rằng Thiên Chúa muốn đến với những điều nhỏ bé trong cuộc sống của chúng ta, muốn sống trong những thực tế hàng ngày, những cử chỉ đơn giản mà chúng ta làm ở nhà, trong gia đình, ở trường học và nơi làm việc. Chính trong cuộc sống bình thường của chúng ta, Ngài muốn thực hiện những điều phi thường. Và đó là một thông điệp đầy hy vọng: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quý trọng và khám phá lại những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Nếu Ngài ở đó với chúng ta, chúng ta còn thiếu điều gì? Vì vậy, chúng ta hãy dẹp sang một bên những tiếc nuối dành cho những sự vĩ đại mà chúng ta không có được. Chúng ta hãy từ bỏ những lời phàn nàn và khuôn mặt dài thoòng, hãy quên đi những lòng tham không đời nào được thoả mãn!..."
Đọc tiếp »

XIN ƠN KHIÊM NHƯỜNG ĐỂ GẶP CHÚA (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)


“…chúng ta phải cầu xin ơn khiêm nhường: “Lạy Chúa, để con đừng kiêu căng, con đừng lấy mình làm đủ, con đừng tin rằng con là trung tâm của vũ trụ. Xin Chúa làm cho con khiêm tốn. Xin Chúa ban ơn khiêm nhường cho con. Và với sự khiêm nhường này, xin cho con tìm thấy Chúa”. Đó là cách duy nhất; không có sự khiêm nhường chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy Thiên Chúa: chúng ta sẽ chỉ tìm thấy chính mình. Lý do là người không khiêm tốn không có chân trời phía trước họ. Họ chỉ có một tấm gương để soi mình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa đập vỡ tấm gương này để chúng ta có thể nhìn xa hơn, tới chân trời, nơi Người đang ngự. Nhưng Người cần phải làm điều này: ban cho chúng ta ân sủng và niềm vui của đức khiêm nhường để đi con đường này.
Vậy thì, thưa anh chị em, giống như ngôi sao đã làm với các đạo sĩ, tôi muốn đồng hành đến Bêlem với tất cả những ai không có lòng bận tâm về tôn giáo, những người không đặt câu hỏi về Thiên Chúa, hoặc những người thậm chí có thể chống lại tôn giáo, tất cả những ai bị nhận diện không thích đáng là những người vô thần. Tôi muốn nhắc lại với họ thông điệp của Công đồng Vatican II: “Giáo hội chủ trương rằng việc nhìn nhận Thiên Chúa không hề thù địch với phẩm giá của con người, vì phẩm giá này được bắt nguồn và hoàn thiện trong Thiên Chúa. […] Trên hết, Giáo hội biết rằng sứ điệp của mình hòa hợp với những khao khát thầm kín nhất của trái tim con người ”(Gaudium et Spes, 21).
Chúng ta hãy trở về nhà với bài hát của thiên : “Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng: “tình yêu hệ ở điều này, không phải vì chúng ta yêu Thiên Chúa nên Người yêu chúng ta […] Người yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,10.19), Người đã tìm kiếm chúng ta. Chúng ta đừng quên điều này.
Đây là lý do để chúng ta vui mừng: chúng ta được yêu thương, chúng ta được tìm kiếm, Chúa tìm kiếm chúng ta để thấy chúng ta, để yêu chúng ta nhiều hơn. Đây là lý do của niềm vui: biết rằng chúng ta được yêu thương mà không cần bất cứ công trạng gì, chúng ta luôn được Thiên Chúa yêu thương trước hết, với một tình yêu cụ thể đến nỗi Người đã mặc lấy xác phàm và đến sống giữa chúng ta, trong Hài Nhi mà chúng ta thấy trong trong máng cỏ. Tình yêu này có một cái tên và một khuôn mặt: Chúa Giêsu là tên và khuôn mặt của tình yêu - đây là nền tảng của niềm vui của chúng ta.
Anh chị em thân mến, tôi xin kính chúc anh chị em một mùa Giáng sinh hân hoan, hạnh phúc và thánh thiện. Và tôi muốn những lời chúc tốt lành, những cuộc đoàn tụ gia đình, điều này luôn rất tươi đẹp; nhưng ước mong cũng nên ý thức rằng Chúa đến “vì tôi”. Mọi người hãy nói điều này: Chúa đến vì tôi.
Cần ý thức rằng muốn tìm kiếm Thiên Chúa, muốn gặp Thiên Chúa, muốn chấp nhận Thiên Chúa, thì cần phải khiêm nhường: khiêm nhường tìm kiếm ơn đập bể tấm gương phù phiếm, kiêu căng, ngắm nhìn mình. Ngắm nhìn Chúa Giêsu, nhìn về phía chân trời, nhìn Thiên Chúa, Đấng đến với chúng ta và chạm đến trái tim chúng ta, với sự náo nức mang hy vọng đến cho chúng ta. Chúc anh em chị em một lễ Giáng sinh vui vẻ và thánh thiện!” (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

CÙ MI NOËL 2022

Đọc tiếp »

GX CÙ MI: MỤC VỤ THÁNG 01-2023


Đọc tiếp »

CHÚA GIÁNG SINH (ĐTC Phanxicô, 23/12/2020)


“Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý tuần này, lúc chúng ta sửa soạn mừng Lễ Giáng Sinh, Cha muốn đưa ra một số thức ăn để chúng ta cùng suy nghĩ và chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Giáng Sinh. Trong phụng vụ Thánh Lễ lúc nửa đêm, lời Thiên thần loan báo cho các Mục đồng: “Đừng sợ; vì nầy, ta đem đến cho các ngươi Tin mừng, một tin vui lớn lao cho muôn dân; hôm nay trong thành vua Davít, đã sinh ra một Đấng Cứu Thế, là Đức Kitô, Chúa muôn dân.” (Lc 2, 10-12).
Bắt chước những người chăn chiên, chúng ta cũng hãy tiến về Bếtlêhem, nơi Đức Maria đã hạ sinh Hài nhi, đặt nằm trong máng cỏ, “vì không có chỗ cho họ trong quán trọ” (2: 7). Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ phổ biến, ngay cho cả những người không tin cũng cảm nhận được cái bầu khí nhộn nhịp tưng bừng của đại lễ này. Tuy nhiên, người theo đạo Thiên Chúa cần ý thức rằng Lễ Giáng sinh là một sự kiện quyết liệt, một ngọn lửa vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã nhóm lên cho thế gian, và không được nhầm lẫn với những thứ phù vân vật chất bề ngoài. Điều quan trọng là đừng biến nó thành một lễ hội bề ngoài, chỉ thuần túy mua sắm hưởng thụ mà thôi!
Chủ nhật tuần trước, Cha có đề cập tới vấn đề này, chủ nghĩa tiêu dùng đã chiếm đoạt Giáng sinh. Không! Lễ Giáng Sinh không được giản lược vào một lễ hội bề ngoài hay tiêu xài, mua sắm quà cáp và gửi đi những lời cầu chúc tốt đẹp bề ngoài mà lại thiếu chiều sâu của niềm tin Kitô giáo, và nghèo nàn về tình người. Vì vậy, cần phải kiềm chế một tâm thức trần tục nào đó, làm suy giảm đi cái cốt lõi đức tin của chúng ta là: “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta, đây là hồng ân và sự thật; chúng ta đã được chiêm ngưỡng vinh quang của Người, vinh quang của một người Con, được phát sinh từ Chúa Cha ”(Ga 1,14). Và đây là nhân tố cốt lõi của Giáng sinh; đúng hơn, đó là sự thật của Giáng sinh, không có gì khác thay thế được.
Một mặt, Lễ Giáng sinh mời gọi chúng ta nhìn lại thảm trạng của lịch sử, trong đó những người nam nữ đã bị tổn thương vì tội lỗi, không ngừng đi tìm kiếm chân lý, tìm kiếm lòng thương xót và tìm kiếm ơn cứu chuộc; và mặt khác, về lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta để truyền đạt cho chúng ta Chân lý cứu rỗi và làm cho chúng ta được chia sẻ vào tình bằng hữu và sự sống của Ngài. Và món quà cuộc sống này là hồng ân nhưng không, không phải do công đức của chúng ta.
Có một vị Cha chung đã nói: “Hãy nhìn ở đằng kia, hãy tìm kiếm điều công chính và bạn sẽ không tìm kiếm được cái gì khác ngoài ân sủng Chúa”. Mọi sự đều là hồng ân, là quà tặng của ân sủng. Và món quà ân sủng này, chúng ta nhận được thông qua sự đơn nghèo và huyền thể của Giáng sinh, và nó có thể loại trừ khỏi trái tim và tâm trí chúng ta sự bi quan yếm thế của ngày nay trước cơn đại dịch. Chúng ta có thể vượt qua cảm giác hoang mang chán chường đó, không để mình bị choáng ngợp bởi những thảm bại và thất bại, khi nhận ra và tái khám phá ra rằng Hài Nhi khiêm hạ và mỏng manh, ẩn mình nhỏ bé, là chính Thiên Chúa, đã làm người vì chúng ta...
“Vì sự nhập thể của Ngài, Con Thiên Chúa đã kết hợp chính Ngài theo một cách nào đó với mọi người. Ngài hoạt động qua bàn tay con người, Ngài suy nghĩ bằng trái tim con người, hành động bằng sự lựa chọn của con người và yêu bằng trái tim con người. Được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi ”(Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và hy Vọng (Gaudium et Spes) 22)...
Trước đây, khi trao đổi với một số nhà khoa học, chúng tôi đã nói về trí thức nhân tạo và người máy rô-bốt… có những rô-bốt được lập trình làm được các công việc như con người, làm được mọi thứ, và ngành công nghệ này đang được tiếp tục phát triển. Và Cha nói với các khoa học gia, "Những gì robot sẽ không bao giờ làm được?" Họ đã nghĩ về điều đó, và đưa ra những đề xuất, mà cuối cùng họ đều đồng ý về một điều: sự dịu dàng, lòng thương xót. Robot sẽ không bao giờ có khả năng này. Và đây là điều mà Thiên Chúa ban chúng ta, ngày nay: một niềm vui tuyệt vời mà Thiên Chúa mong muốn mang vào trong thế giới, và điều này làm sống lại sự dịu dàng, yêu thương trong chúng ta, một sự dịu dàng làm cho con người giống Thiên Chúa. Và hôm nay chúng ta đang rất cần đến sự dịu dàng, lòng thương xót, chúng ta cần tới nó trong giao tiếp con người, khi đối diện với quá nhiều đau khổ! Nếu đại dịch buộc chúng ta phải xa nhau, thì trong nôi hèn nơi Chúa sinh ra, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách dịu dàng thương cảm để gần nhau, sống nhân bản con người hơn. Hãy làm cho chúng ta bước đi trên con đường này. Chúc anh chị em một lễ Giáng sinh vui vẻ!” (ĐTC Phanxicô, 23/12/2020)
Đọc tiếp »

CHÚA TRỞ NÊN NGƯỜI NGHÈO... (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)


“Nhận thức rằng Thiên Chúa đã hóa thành người phàm thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cũng cần biết Thiên Chúa đã hóa thành loại người phàm nào. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thấy Thánh Gioan và Thánh Phaolô khác biệt nhau ra sao và bổ sung cho nhau như thế nào trong cách thức mỗi vị mô tả mầu nhiệm nhập thể. Đối với Thánh Gioan, điều này bao gồm sự kiện Ngôi Lời là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1: 1-14); đối với Thánh Phaolô, điều đó bao gồm thực tế là ‘Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ’ (x. Pl 2: 5ff.) Đối với Thánh Gioan, Ngôi Lời, là Thiên Chúa, đã làm người; còn với Thánh Phaolô ‘Chúa Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó’ (x 2 Cor: 8-9)...
‘Bí tích’ của sự nghèo khó! Đây là những từ rất mạnh mẽ, nhưng chúng có cơ sở. Nếu quả thực, bởi sự kiện nhập thể, theo một cách nào đó, Ngôi Lời đã mặc lấy mọi người lên mình Ngài (như một số giáo phụ Hy Lạp đã tuyên bố), thì về cách thức điều này được thực hiện, Người đã mặc lấy lên mình những người nghèo, những người khiêm nhường, và những người đau khổ. Chúa Giêsu đã “thiết lập” dấu chỉ này theo cùng một thể thức như Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người nói khi bẻ bánh: ‘Này là mình Thầy’ và Người cũng dùng những từ ngữ tương tự như thế về người nghèo. Người đã làm như vậy khi đề cập đến những gì người ta đã làm - hoặc không làm - cho những người đói khát, chịu giam cầm, trần truồng hay là những người lạ, bằng cách trang trọng thêm rằng: ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy, và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25: 31ff.)...
Giáo hội của người nghèo không chỉ bao gồm những người nghèo trong chính Giáo hội! Theo một nghĩa nào đó, tất cả những người nghèo trên thế giới đều thuộc về nó, cho dù họ đã được rửa tội hay chưa. Một số người sẽ phản đối: ‘Sao lại thế? Họ chưa lãnh nhận đức tin hoặc chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà!’ Điều đó đúng, nhưng nếu như thế thì cũng không có các Thánh Anh Hài mà chúng ta mừng sau lễ Giáng sinh. Trong mắt Thiên Chúa, sự nghèo khó và đau khổ của họ, nếu không xuất phát từ tội lỗi, chính là phép rửa bằng máu của chính họ. Thiên Chúa có nhiều cách cứu rỗi hơn những cách chúng ta tưởng tượng ra, mặc dù tất cả những cách này, không có ngoại lệ nào đều phải qua Chúa Kitô và ‘trong một cách chỉ một mình Thiên Chúa biết’.
Người nghèo ‘thuộc về Chúa Kitô’, không phải vì họ tự nhận mình thuộc về Ngài, nhưng vì Ngài tuyên bố họ thuộc về mình, Ngài tuyên bố họ là chi thể của Ngài. Điều này không có nghĩa là chỉ cần nghèo trong thế giới này là đủ để tự động bước vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những lời: ‘Hỡi những ai được Cha Ta chúc phúc, hãy đến’ (Mt 25:34) được gửi đến những người đã chăm sóc người nghèo, không nhất thiết được gởi đến cho chính những người nghèo chỉ vì họ nghèo về vật chất trong cuộc sống của họ...
Đức Giáo Hoàng, cùng với mọi mục tử trong Giáo hội, thực sự là ‘cha của người nghèo’. Tất cả chúng ta đều vui mừng và cảm thấy được khích lệ khi thấy vai trò này được các Giáo hoàng gần đây và đặc biệt là vị mục tử hiện đang ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô coi trọng như thế nào. Ngài là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho người nghèo trong một thế giới chỉ quen với việc chọn lọc và đào thải. Ngài chắc chắn đã không ‘quên người nghèo’! Trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy một phước lành đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến người nghèo:
Phúc thay ai lưu tâm đến người nghèo khổ:
trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống,
lại ban cho hạnh phúc trên đời,
không trao họ cho địch thù hung hãn. (Tv 41: 2-3).
Trong Tin Mừng, chúng ta đọc về Đức Maria và Thánh Giuse rằng “nhà trọ không có chỗ cho họ” (Lc 2, 7). Ngày nay, không có chỗ cho người nghèo trong quán trọ trên thế giới, nhưng lịch sử đã cho thấy Thiên Chúa đứng về phía nào và Giáo hội phải đứng về phía nào. Đến với người nghèo là noi gương sự khiêm nhường của Chúa. Đó là tự mình nhỏ bé vì tình yêu thương, để nâng đỡ những người bên dưới.” (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)
Đọc tiếp »

NGÀY 24-12



Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

NGÀY 23-12



Đọc tiếp »

XIN VÂNG (ĐTC Phanxicô, 20/12/2020)


“Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Vào Chúa Nhật thứ tư và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Truyền Tin. “Hãy vui mừng”, sứ thần nói với Đức Maria: “Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 28-31). Đó dường như thuần tuý là một lời loan báo về một niềm vui, được định sẵn để làm cho Đức Trinh Nữ hạnh phúc: vì ai trong số những người phụ nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó báo trước một thử thách rất lớn đối với Đức Maria. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó Đức Maria đã “hứa hôn” (câu 27). Trong tình huống này, Luật Môisê quy định rằng không được có bất cứ quan hệ luyến ái hay chung sống. Vì thế, nếu sinh con, Đức Maria đã phạm lề luật, và những hình phạt dành cho phụ nữ phạm vào tội đó thật khủng khiếp: việc ném đá đã có thể hình dung ra trước (x. Đnl 22, 20-21). Chắc chắn sứ điệp thiêng liêng sẽ tràn ngập ánh sáng và sức mạnh trong trái tim của Đức Maria; tuy nhiên, Mẹ cũng phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: nói “Vâng” với Chúa, tức là mạo hiểm mọi thứ, kể cả mạng sống mình, hoặc từ chối lời mời này và tiếp tục con đường bình thường của mình.
Mẹ đã làm gì? Thưa: Mẹ trả lời như thế này: “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1, 38). Nhưng trong ngôn ngữ mà Tin Mừng được viết ra, là tiếng Hy Lạp, nó không chỉ đơn giản là “xin vâng như thế”. Biểu hiện bằng lời nói của Đức Mẹ cho thấy một mong muốn mạnh mẽ, biểu thị ý chí mong muốn một điều gì đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu phải xảy ra như thế, thì đành để nó xảy ra…, nếu không thể làm khác hơn được…”. Tiếng xin vâng của Đức Mẹ không phải là một sự cam chịu. Nó không thể hiện một sự chấp nhận yếu ớt và phục tùng, nó thể hiện một khát vọng mạnh mẽ, một khát vọng sống động. Nó không bị động, nó đang chủ động. Mẹ không miễn cưỡng chịu khổ vì Chúa, Mẹ tuân theo lời Người. Mẹ là một người yêu mến Chúa, sẵn sàng phục vụ Chúa của mình trong mọi việc và ngay lập tức. Mẹ có thể xin một thời gian để suy nghĩ về điều đó, hoặc xin được giải thích thêm về những gì sắp xảy ra; và có thể đặt một số điều kiện... Nhưng thay vào đó, Mẹ không làm mất thời gian, Mẹ không khiến Chúa phải chờ đợi, Mẹ không trì hoãn.
Giờ đây, chúng ta hãy nghĩ về chính mình. Đã bao nhiêu lần, biết bao nhiêu lần, cuộc sống của chúng ta được tạo thành từ những sự trì hoãn, ngay cả trong cuộc sống tinh thần! Ví dụ: Tôi biết cầu nguyện là tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian… “ ngày mai nhé, ngày mai vậy, ngày mai, ngày mai…”. Hãy trì hoãn mọi việc: tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Tôi biết việc giúp đỡ ai đó là quan trọng, vâng, tôi nên giúp đỡ họ. Mai nhé. Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Đó là một chuỗi liên tục những ngày mai… những trì hoãn trong mọi thứ. Hôm nay, trước thềm Lễ Giáng Sinh, Đức Maria mời gọi chúng ta đừng trì hoãn, nhưng hãy nói “xin vâng”: “Tôi có nên cầu nguyện không?” “Vâng, nên lắm”. “Tôi có nên giúp đỡ người khác không? Vâng, nên lắm”. Làm thế nào để thực hiện những điều đó? Tôi làm ngay không chút trì hoãn. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó, chắc chắn rồi, nhưng giá phải trả ấy luôn luôn ít hơn những gì tiếng “xin vâng” dũng cảm của Đức Mẹ “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” phải trả. Đó là tiếng “xin vâng” mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi.
Và chúng ta có thể nói tiếng “xin vâng” nào? Trong thời điểm khó khăn này thay vì phàn nàn về những gì đại dịch cản trở chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho những người có ít hơn chúng ta: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, mà cho một người nghèo khó mà không ai nghĩ đến! Và đây là một lời khuyên khác: để Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn: chúng ta hãy tiến bước và cầu nguyện. Chúng ta đừng để cho mình bị chủ nghĩa tiêu dùng “khiêng đi”: “Tôi phải mua những món quà này, tôi phải làm điều này, điều nọ...” Chúng ta đừng điên cuồng làm nhiều thứ vì chỉ có một điều quan trọng là Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc Giáng Sinh của chúng ta. Chủ nghĩa tiêu dùng không có trong máng cỏ Bêlem: nhưng ở đó chỉ có nghèo đói và tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như Mẹ Maria đã làm: xa lánh tội lỗi, và sẵn sàng đón Chúa.
“Tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Đó là câu cuối cùng của Đức Trinh Nữ vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, và đó là lời mời gọi thực hiện một bước cụ thể hướng tới Lễ Giáng Sinh. Bởi vì nếu sự ra đời của Chúa Giêsu không chạm đến cuộc sống của chúng ta - của tôi, của anh chị em, của tất cả mọi người - nếu Lễ Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống, thì Lễ này sẽ trôi qua vô ích. Trong kinh Truyền Tin chúng ta đọc bây giờ, chúng ta cũng sẽ nói “xin lời Chúa được ứng nghiệm trong tôi”. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói điều đó bằng cuộc sống của mình. Bằng thái độ này trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho Lễ Giáng Sinh.” (ĐTC Phanxicô, 20/12/2020)
Đọc tiếp »

GIÁNG SINH, TIN MỪNG CHO NHÂN LOẠI (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)


“Hôm nay, chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh, tôi muốn cùng anh chị em nhớ lại sự kiện lịch sử không thể không kể đến: sự ra đời của Chúa Giêsu.
Để tuân hành sắc lệnh của Hoàng đế Cesar Augustus ra lệnh cho các ngài phải về nơi xuất xứ của mình để đăng ký, Thánh Giuse và Đức Maria đã từ Nadarét xuống Bêlem. Ngay khi đến nơi, các

ngài lập tức tìm chỗ ở vì thời điểm Đức Maria sinh con sắp diễn ra. Thật không may, họ đã không tìm thấy bất cứ điều gì. Vì vậy, Đức Maria buộc phải sinh con trong một chuồng bò (xem Lc2,1-7).
Anh chị em hãy nghĩ xem: Đấng tạo ra vũ trụ… Người không được ban cho một nơi để sinh ra! Có lẽ đây là một dự ứng về những gì thánh sử Gioan sẽ nói: “Người đã đến nhà riêng của mình, nhưng dân riêng của Người không đón nhận Người” (1,11); và những gì chính Chúa Giêsu sẽ nói: “Cáo có hang, chim trời có tổ; nhưng Con người không có nơi để đặt đầu”(Lc9,58).
Chính một thiên thần đã thông báo về sự ra đời của Chúa Giêsu, và ngài đã làm như vậy với một số người chăn chiên thấp hèn. Và chính một ngôi sao đã chỉ đường cho các đạo sĩ đến Bêlem (x. Mt2,1.9.10). Thiên thần là sứ giả của Thiên Chúa. Ngôi sao nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã tạo ra ánh sáng (St1,3) và Hài nhi là “ánh sáng thế gian”, như chính Người đã định nghĩa (x. Ga8,12.46), là “ánh sáng đích thực soi sáng cho mọi người ”(Ga1,9), “soi sáng trong bóng tối, và bóng tối không khuất phục được ”(c. 5).
Các người chăn chiên nhân cách hóa những người nghèo của Israel, những người thấp hèn sống mà ý thức rõ các thiếu thốn của chính mình. Chính vì lý do này, họ tín thác vào Thiên Chúa hơn những người khác. Họ là những người đầu tiên được thấy Con Thiên Chúa làm người, và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi họ sâu xa. Tin Mừng ghi nhận rằng họ trở về “tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa về tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy”(Lc2,20).
Các đạo sĩ cũng ở bên cạnh Chúa Giêsu mới sinh (x. Mt2,1-12). Các sách Tin Mừng không cho chúng ta biết những vị vua này là ai, cũng không cho biết có bao nhiêu vị, cũng như tên của các vị là gì. Điều duy nhất chúng ta biết chắc chắn là các vị đến từ một quốc gia xa xôi ở phương Đông (có lẽ từ Babylonia, hoặc Ả Rập, hoặc Ba Tư thời đó), các vị bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm Vua của người Do Thái, người mà các vị đồng nhất hóa với Thiên Chúa trong lòng các vị bởi vì các vị nói các vị muốn tôn thờ Người. Các đạo sĩ đại diện cho các dân tộc ngoại giáo, đặc biệt là tất cả những người đã tìm kiếm Thiên Chúa qua các thời đại, và những người bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm Người. Họ cũng đại diện cho những người giàu có và quyền thế, nhưng chỉ những người không làm nô lệ cho của cải, những người không bị "sở hữu" bởi những thứ họ tin rằng họ sở hữu.
Thông điệp của các sách Tin Mừng rất rõ ràng: sự ra đời của Chúa Giêsu là một sự kiện phổ quát liên quan đến toàn thể nhân loại.” (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.