Ads 468x60px

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

NGÀY 17-12





Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

TIN SỐNG VĨNH HẰNG GIÚP SỐNG HẰNG NGÀY (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, 11/12/2020)


“... Không nhiều người biết rằng Bài Ca Mặt Trời hay Bài Ca Các Tạo Vật của Thánh Phanxicô thành Assisi xuất phát từ niềm tin bất ngờ vào cuộc sống vĩnh hằng. Các nguồn tài liệu của dòng Phanxicô mô tả nguồn gốc của bài ca ấy như sau. Một đêm nọ, khi Thánh Phanxicô đặc biệt đau đớn vì nhiều bệnh tật trầm kha của mình, ngài nói trong lòng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp con trong nhiều bệnh tật của con, để con kiên nhẫn chịu đựng chúng!”. Và ngay lập tức ngài nghe thấy những lời này trong tinh thần: “Phanxicô, hãy nói với Ta: nếu ai đó đã cho con một kho tàng quý giá lớn lao để đền đáp cho những bệnh tật và đau khổ của con, con sẽ không coi đất, đá và nước chẳng là gì so với kho báu đó chứ? Con không tràn ngập niềm vui sao?”. Phanxicô trả lời: “Lạy Chúa, đó sẽ là một kho tàng tuyệt vời mà không có gì so sánh được, quý giá và đáng yêu và đáng mơ ước”. Giọng nói kết thúc: “Vậy thì, hãy vui vẻ và vui mừng trước những bệnh tật và khó khăn của con; từ bây giờ hãy sống hạnh phúc, như thể con đã ở trong Vương quốc của Ta. “

Khi thức dậy vào sáng hôm sau, Phanxicô nói với những người bạn đồng hành của mình: “Bây giờ tôi rất vui mừng trong lúc bệnh tật và đau đớn, và luôn cảm tạ Thiên Chúa vì ân sủng và phước lành tuyệt vời Ngài đã ban cho tôi. Thật vậy, Ngài đã rủ lòng thương xót mà ban cho tôi, người tôi tớ nhỏ bé bất xứng của Ngài vẫn còn sống dưới trần gian này, sự chắc chắn sẽ chiếm hữu được Vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Vì vậy, để ngợi khen Ngài và an ủi tôi, cũng như xây đắp cho người lân cận của chúng ta, tôi muốn sáng tác một “Lauda” mới, một bài thơ ca ngợi Chúa thay cho các tạo vật của Ngài. Mỗi ngày chúng ta vui thích trước các tạo vật của Thiên Chúa và chúng ta không thể sống thiếu chúng. Và mỗi ngày, chúng ta tỏ ra vô ơn vì lợi ích to lớn đó, và chúng ta không ca ngợi Đấng Tạo Hóa về điều đó như chúng ta nên làm”. Và thánh nhân ngồi xuống, chìm sâu vào suy nghĩ, rồi nói: “Altissimo, onnipotente, bon Segnore...” nghĩa là “Lạy Chúa là Đấng tối cao, toàn năng, và nhân lành”. Ý nghĩ về cuộc sống vĩnh cửu đã không khơi dậy trong thánh Phanxicô sự khinh miệt đối với thế giới này và các tạo vật, nhưng khơi lên nhiệt tình và lòng biết ơn đối với chúng, thậm chí đến mức khiến nỗi đau hiện tại dễ chịu đựng hơn.
Việc suy ngẫm về sự vĩnh hằng hôm nay chắc chắn không miễn trừ cho chúng ta cảm nghiệm chung cùng với tất cả các cư dân khác trên hành tinh này về mức độ chông gai chúng ta phải chịu đựng trước đại dịch chúng ta đang trải qua; nhưng ít nhất giúp chúng ta với tư cách là các tín hữu không bị đè bẹp bởi nó và có thể truyền lòng can đảm và hy vọng của chúng ta cho những người không có sự an ủi của niềm tin. Chúng ta hãy kết thúc bằng một lời cầu nguyện tuyệt đẹp từ phụng vụ:
Lạy Chúa, Đấng khiến cho tâm trí của các tín hữu hợp nhất trong một mục đích duy nhất, xin ban cho dân Chúa biết yêu mến những gì Chúa đã truyền và khao khát những gì Chúa đã hứa, để, giữa những bất ổn của thế giới này, trái tim của chúng con có thể đặt cố định ở nơi mà niềm vui thực sự được tìm thấy. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. AMEN” (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, 11/12/2020)
Đọc tiếp »

Thứ sáu, Tuần III - Mùa Vọng



Đọc tiếp »

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

Trích sách Gương Chúa Giêsu


"Bạn đừng bận tâm tìm hiểu xem ai là người ủng hộ hay phản đối bạn ; nhưng hãy lo sao cho có Thiên Chúa ở với bạn trong mọi việc bạn làm.
Cứ giữ lương tâm cho ngay thẳng, rồi Thiên Chúa sẽ phù hộ bạn.
Thiên Chúa muốn phù trợ ai, thì không kẻ xảo trá nào có thể hại họ được.
Nếu biết làm thinh và nhẫn nhục, nhất định bạn sẽ được Chúa trợ giúp.
Chính Chúa biết phải cứu bạn lúc nào và cách nào, vì vậy, bạn hãy tín thác nơi Người.
Thiên Chúa là Đấng phù hộ và giải thoát khỏi mọi nỗi nhuốc nhơ.
Khi người khác biết và khiển trách những khuyết điểm của chúng ta, đó thường là dịp rất có ích để chúng ta khiêm tốn hơn nữa.
Người biết tự hạ vì khuyết điểm của mình sẽ dễ dàng làm đẹp lòng người khác, và sẽ làm nguôi lòng kẻ tức giận mình.
Thiên Chúa bảo trợ, cứu thoát kẻ khiêm nhường ; Thiên Chúa âu yếm và an ủi kẻ khiêm nhường ; Thiên Chúa đoái nhìn kẻ khiêm nhường và rộng ban cho họ ân huệ cao cả. Sau khi hạ họ xuống, Thiên Chúa lại nâng họ lên tới chỗ vinh quang.
Thiên Chúa bày tỏ cho kẻ khiêm nhường biết những bí ẩn của Người ; Người dịu dàng lôi kéo và mời gọi họ đến với Người.
Dù có phải chịu nhục, ai khiêm nhường vẫn được bình an, bởi vì họ tựa nương vào Thiên Chúa, chứ không phải vào thế gian.
Bạn đừng nghĩ mình đã tấn tới, nếu chưa biết nhìn nhận mình kém hơn mọi người.
Trước hết, hãy giữ cho mình được bình an, rồi bạn sẽ có thể làm cho người khác được bình an.
Người hiếu hoà có ích hơn người uyên bác.
Người đam mê thì biến cả điều thiện thành điều ác, và dễ dàng tin điều ác.
Người tốt lành và hiếu hoà biến mọi sự nên tốt.
Người nào thật sự sống bình an sẽ không nghi ngờ ai hết. Còn kẻ bất mãn và dao động thì ngờ vực đủ điều ; họ không được yên và cũng không để người khác được yên..."
Đọc tiếp »

Thứ năm, Tuần III - Mùa Vọng



Đọc tiếp »

XIN MẸ VÔ NHIỄM GIÚP CON SỐNG ÂN BAN NGÀY ĐƯỢC RỬA TỘI (ĐTC Phanxicô, Huấn từ 08/12/2022:)


“Chúc anh chị em ngày lễ vui vẻ và hạnh phúc!
Tin Mừng Lễ Trọng hôm nay giới thiệu chúng ta ngôi nhà của Đức Maria để kể lại biến cố Truyền Tin (x. Lc 1,26-38). Thiên thần Gabriel chào Đức Trinh Nữ như thế này: “Kính mừng Bà đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà” (c. 28). Người không gọi tên Mẹ là Maria, nhưng bằng một tên mới mà Mẹ không biết: đầy ơn phúc. Đầy ân sủng và do

đó không có tội lỗi, đó là tên Thiên Chúa ban cho Mẹ và chúng ta mừng lễ hôm nay.
Nhưng chúng ta hãy nghĩ đến sự ngạc nhiên của Đức Maria: chỉ khi đó Mẹ mới khám phá ra danh tính thực sự của mình. Thật vậy, bằng cách gọi Mẹ bằng cái tên đó, Chúa tiết lộ cho Đức Mẹ bí mật lớn nhất của Mẹ, là điều mà trước đây Mẹ chưa hay biết. Điều gì đó tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta. Theo nghĩa nào? Thưa: Theo nghĩa là chúng ta, những người tội lỗi, cũng đã nhận được một ân sủng ban đầu đã lấp đầy cuộc sống của chúng ta, một ân sủng lớn hơn bất cứ điều gì khác: chúng ta đã nhận được một ân sủng nguyên thủy. Chúng ta nói nhiều về tội nguyên tổ, nhưng chúng ta cũng đã nhận được một ân sủng nguyên thủy mà chúng ta thường không ý thức được.
Ân sủng nguyên thủy ấy là gì? Thưa: Đó là những gì chúng ta đã lãnh nhận vào ngày chịu phép Rửa tội, đó là lý do tại sao chúng ta nên nhớ và phải cử hành biến cố ấy! Tôi sẽ hỏi anh chị em một câu: ân sủng này nhận được vào ngày Rửa Tội, thật là quan trọng. Nhưng có bao nhiêu người trong anh chị em nhớ ngày rửa tội của mình, ngày rửa tội của chính mình là ngày nào? Hãy suy nghĩ về điều đó. Và nếu anh chị em không nhớ, khi về nhà, hãy hỏi cha đỡ đầu, mẹ đỡ đầu, cha mẹ của anh chị em: “Con được rửa tội khi nào?”, vì ngày đó là ngày hồng phúc trọng đại, khi một cuộc sống mới bắt đầu, ngày của một ân sủng ban đầu mà chúng ta có.
Thiên Chúa đã đến với cuộc đời chúng ta vào ngày hôm đó, và chúng ta mãi mãi trở thành những đứa con yêu dấu của Người. Đây là vẻ đẹp ban đầu của chúng ta, hãy vui mừng! Hôm nay, Mẹ Maria, ngạc nhiên trước ân sủng đã làm cho Mẹ tuyệt vời ngay từ giây phút đầu tiên trong đời, khiến chúng ta phải kinh ngạc trước vẻ tuyệt vời của mình. Chúng ta có thể nắm bắt được điều này qua hình ảnh chiếc áo trắng lễ rửa tội; nó nhắc nhở chúng ta rằng, ngoài những điều xấu xa mà chúng ta đã tự làm vấy bẩn mình trong nhiều năm, còn có một điều tốt đẹp trong chúng ta lớn hơn tất cả những điều xấu xa đã xảy ra. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng vọng, chúng ta hãy nghe Chúa nói với chúng ta: “Hỡi con, hỡi con trai con gái của Ta, Cha yêu con và Cha luôn ở bên con, con rất quan trọng đối với Cha, mạng sống của con thật quý giá”. Đó là sứ điệp của Chúa cho chúng ta. Khi mọi việc không suôn sẻ và chúng ta nản lòng, khi chúng ta chán nản và có nguy cơ cảm thấy mình vô dụng hoặc sai lầm, chúng ta hãy nghĩ về điều này, về ân sủng nguyên thủy này. Và Chúa ở cùng chúng ta, Chúa ở cùng anh chị em từ ngày ấy. Chúng ta hãy nghĩ về điều đó một lần nữa.
Hôm nay Lời Chúa dạy chúng ta một điều quan trọng khác: đó là để bảo vệ vẻ đẹp của chúng ta cần phải trả giá, cần phải đấu tranh. Thật vậy, Tin Mừng cho chúng ta thấy lòng can đảm của Đức Maria, người đã thưa “Xin vâng” với Thiên Chúa, người đã chọn sự mạo hiểm của Thiên Chúa; và đoạn sách Sáng Thế về tội nguyên tổ nói với chúng ta về cuộc chiến chống lại tên cám dỗ và những cám dỗ của hắn (x. St 3,15). Chúng ta cũng biết điều này từ kinh nghiệm, tất cả chúng ta: phải nỗ lực để chọn điều tốt, chúng ta phải trả giá; cần phải nỗ lực để bảo vệ những điều tốt đẹp trong chúng ta. Hãy nghĩ xem bao nhiêu lần chúng ta đã phung phí bằng cách chiều theo sự cám dỗ của điều ác, của xảo quyệt vì lợi ích riêng của chúng ta hoặc làm điều gì đó có thể làm ô uế tâm hồn chúng ta; hoặc thậm chí lãng phí thời gian vào những việc vô ích hoặc có hại, chẳng hạn như trì hoãn việc cầu nguyện và nói “Hôm nay tôi không thể”, hoặc nói “Tôi không thể” với những người cần đến chúng ta, trong khi lẽ ra chúng ta có thể làm được.
Hôm nay, đối mặt với tất cả những điều này, chúng ta có một tin vui: Mẹ Maria, con người duy nhất trong lịch sử không có tội lỗi, đang ở cùng chúng ta trong trận chiến, Mẹ là chị em của chúng ta và trên hết là Mẹ của chúng ta. Và chúng ta, những người đấu tranh để chọn điều tốt, có thể phó thác mình cho Mẹ. Bằng cách phó thác, tận hiến cho Mẹ Maria, chúng ta thưa với Mẹ: “Lạy Mẹ, xin cầm tay con, dẫn dắt con: cùng với Mẹ, con sẽ có thêm sức mạnh trong cuộc chiến chống lại sự dữ; với Mẹ, con sẽ tìm lại vẻ đẹp ban đầu của mình”. Hôm nay chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ Maria mỗi ngày, lặp lại với Mẹ rằng: “Lạy Mẹ Maria, con xin phó thác cuộc đời con cho Mẹ, con xin phó thác gia đình, công việc của con, con phó thác trái tim và những vất vả của con. Con dâng mình cho Chúa”. Xin Mẹ Maria Vô Nhiễm giúp chúng ta bảo vệ vẻ đẹp của chúng ta khỏi sự dữ.”
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

HÃY VUI LÊN (ĐTC Phanxicô, 13/12/2020)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Lời mời gọi hãy vui lên là đặc điểm của Mùa Vọng, mùa mong đợi Chúa Giêsu Giáng Sinh. Sự chờ mong chúng ta đang sống là một niềm vui, giống như khi chúng ta chờ đợi sự viếng thăm của một người mà chúng ta rất yêu quý, chẳng hạn như một người bạn, hay một người thân mà lâu rồi chúng ta không được gặp.

Chúng ta đang sống trong niềm vui mong đợi. Và chiều kích của niềm vui này dâng trào cách đặc biệt vào ngày hôm nay, Chúa Nhật thứ Ba Mùa Vọng, được mở đầu với lời khích lệ của Thánh Phaolô trong bài Ca Nhập Lễ “Hãy luôn vui mừng trong Chúa” (x. Pl 4, 4-5). “Hãy vui lên!” Đó là niềm vui của người Kitô hữu. Và lý do của niềm vui này là gì? Thưa vì “Chúa đã gần đến” (câu 5). Chúa càng gần chúng ta, chúng ta càng vui mừng; Ngài càng xa, chúng ta càng buồn. Đây là một quy tắc dành cho các tín hữu Kitô. Có lần một triết gia đã nói đại loại như thế này: “Tôi không hiểu làm thế nào đến ngày hôm nay mà bạn còn có thể tin được, bởi vì những người nói rằng họ tin đều có khuôn mặt ngái ngủ. Họ không làm chứng cho niềm vui về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô”. Rất nhiều Kitô hữu với khuôn mặt như thế, vâng, khuôn mặt ngái ngủ, khuôn mặt của nỗi buồn. Nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu mến anh chị em! Mà sao anh chị em không có niềm vui? Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này một lúc và tự hỏi: “Tôi có vui mừng vì Chúa ở gần tôi, vì Chúa yêu tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi không?”
Ngoại trừ Đức Mẹ và Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả là người đầu tiên và có nhiều kinh nghiệm nhất trong nỗi chờ mong Đấng Mêsia và trong niềm vui khi thấy Người đến (x Ga 1, 19-28)... Ngài nói: “Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (câu 27). Ngài luôn hướng sự chú ý đến Chúa, cũng như Đức Mẹ trong tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Luôn luôn đặt Chúa ở trung tâm. Các thánh là những người luôn loan báo Chúa cho mọi người. Những ai không loan báo Chúa thì không phải là thánh!
Đây là điều kiện đầu tiên của niềm vui Kitô: đừng đặt bản thân mình ở trung tâm, nhưng đặt Chúa Giêsu ở trung tâm. Đây không phải là sự tha hóa bản thân, bởi vì Chúa Giêsu thực sự là trung tâm, Ngài là ánh sáng mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mọi người nam nữ đã đến trong thế gian này. Chính năng động của tình yêu này khiến tôi đi ra khỏi chính mình, không phải để đánh mất chính mình, nhưng để tìm thấy chính mình trong khi trao ban chính mình cho tha nhân, và tìm kiếm điều tốt đẹp của người khác...
Thánh Gioan Tẩy Giả là gương mẫu cho những ai trong Giáo Hội được mời gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm như vậy khi tách biệt khỏi chính mình và khỏi tinh thần thế gian, không thu hút mọi người chú ý đến với mình nhưng hướng mọi người đến với Chúa Giêsu. Niềm vui là thế này: là định hướng nơi Chúa Giêsu. Và niềm vui phải là dấu chỉ đức tin của chúng ta. Ngay cả trong những khoảnh khắc tăm tối, niềm vui nội tâm là biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa ở với chúng ta, Chúa đã sống lại. Chúa! Chúa! Chúa! Đây là trung tâm cuộc sống của chúng ta, và đây là trung tâm của niềm vui của chúng ta. Hôm nay anh chị em hãy suy nghĩ kỹ điều này: Chúng ta nên cư xử như thế nào? Chúng ta có phải là người vui mừng, biết cách truyền đạt niềm vui khi trở thành một Kitô hữu không, hay chúng ta luôn giống như những người buồn bã, mà tôi đã đề cập trước đó, những người với khuôn mặt ngái ngủ? Nếu tôi không có niềm vui vì đức tin của mình, tôi sẽ không thể làm chứng và những người khác sẽ nói: “Nhưng nếu đức tin mà buồn hiu như thế, chẳng thà đừng có thì hơn”. (ĐTC Phanxicô, 13/12/2020)
Đọc tiếp »

VƯỢT QUA THẾ GIỚI CHỐNG QUA (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 11/12/2020)


“Sự thật vĩnh cửu” thứ hai mà hoàn cảnh đại dịch đã làm nổi lên là sự bất ổn và tạm bợ của vạn vật. Mọi thứ đều là tạm bợ, chống qua : sự giàu có, sức khỏe, sắc đẹp, thể chất… Đó là điều mà chúng ta luôn phải đối mặt. Để nhận ra điều này chỉ cần so sánh bất kỳ hình ảnh nào ngày hôm nay của chúng ta hoặc của bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào, với những tấm ảnh hồi hai mươi, hay ba mươi năm về trước. Bị lắc lư bởi nhịp sống, chúng ta không chú ý đến điều này, chúng ta không cần luận bàn sâu xa hơn về điều đó cũng đủ để rút ra các kết luận cần thiết.

Và kìa, đột nhiên, tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên đã để lộ ra mặt mong manh của nó, giống như một tảng băng bạn đang vui vẻ trượt trên đó đột nhiên vỡ ra dưới chân bạn và bạn bị chìm trong dòng nước băng giá. Như Đức Thánh Cha đã nói trong buổi ban phép lành “urbi et orbi” đáng nhớ hôm 27 tháng 3: “Cơn bão này làm lộ rõ tính dễ bị tổn thương của chúng ta và phơi bày ra những quả quyết sai lầm và vô dụng mà trên đó chúng ta đã xây dựng lịch trình hàng ngày, các dự án, các thói quen, và những ưu tiên của chúng ta”.
Cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới mà chúng ta đang trải qua có thể là một cơ hội để chúng ta khám phá với một sự nhẹ nhõm trong lòng rằng, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn một điểm vững chắc, một nền tảng kiên cố nào đó, hay đúng hơn là một tảng đá để chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình trên trái đất này. Từ Phục sinh - tiếng Do Thái gọi là Pesach - có nghĩa là vượt qua / quá cảnh, và tiếng Latinh gọi là transitus. Từ này, như thế, gợi lên một cái gì đó “đang trôi qua” và “thoáng qua”, do đó, nó là một cái gì đó khá tiêu cực. Thánh Augustinô đã cảm nhận được khó khăn này và giải quyết vấn đề theo một cách thức khai sáng. Ngài giải thích rằng sống theo kinh nghiệm Phục sinh thực sự có nghĩa là vượt qua / thay đổi, nhưng là “vươn đến những gì không trôi qua”; nó có nghĩa là “vượt ra khỏi thế giới, để không trôi qua cùng với thế giới.” Vượt qua bằng trái tim, trước khi vượt qua bằng cơ thể của bạn!”
Theo định nghĩa, vĩnh cửu là điều “không bao giờ trôi qua”. Chúng ta phải tìm lại niềm tin vào thế giới bên kia. Đây là một trong những đóng góp mà các tôn giáo có thể cùng nhau thực hiện trong nỗ lực tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau trên con đường hướng đến một quê hương chung, nơi không có sự phân biệt về chủng tộc hay quốc tịch. Chúng ta không chỉ chia sẻ lộ trình, mà còn chia sẻ đích điểm. Giữa những quan niệm và bối cảnh rất khác nhau, sự thật này là chung cho tất cả các tôn giáo lớn, ít nhất là những tôn giáo độc thần. “Ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” (Dt 11, 6). (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 11/12/2020)
Đọc tiếp »

Thứ tư, Tuần III - Mùa Vọng



Đọc tiếp »

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

CẦU NGUYỆN : ĐỢI CHỜ (ĐTC Phanxicô, 09/12/2020)


“... Và, thưa anh chị em, chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ đáp lời. Trong Sách Thánh Vịnh, không lời cầu nguyện nào nói lên một lời than thở mà lại không được nhận lời. Thiên Chúa luôn trả lời: có thể hôm nay, ngày mai, nhưng Người luôn trả lời, bằng cách này hay cách khác. Người luôn trả lời. Kinh thánh lặp lại điều đó không biết bao nhiêu lần: Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của những ai cầu khẩn Người. Ngay cả những câu hỏi miễn cưỡng của chúng ta, những
câu hỏi vẫn còn ở trong vùng sâu thẳm của tâm hồn, mà chúng ta xấu hổ không dám bày tỏ: Chúa Cha lắng nghe chúng và mong muốn ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng mọi lời cầu nguyện và biến đổi mọi sự.
Thưa anh chị em, trong cầu nguyện, luôn luôn có một vấn đề kiên nhẫn, luôn luôn, hỗ trợ sự chờ đợi. Nay, chúng ta đang ở trong thời gian của Mùa Vọng, một thời gian đặc trưng mong đợi; mong đợi Lễ Giáng sinh. Chúng ta đang chờ đợi. Điều này thấy rất rõ. Nhưng trọn cuộc sống của chúng ta cũng đang chờ đợi. Và cầu nguyện luôn mong đợi, vì chúng ta biết rằng Chúa sẽ nhận lời. Ngay cả cái chết cũng run sợ khi một Kitô hữu cầu nguyện, bởi vì nó biết rằng tất cả những ai cầu nguyện đều có một đồng minh mạnh mẽ hơn nó: Chúa Phục sinh. Sự chết đã bị đánh bại trong Chúa Kitô, và ngày sẽ đến khi mọi sự sẽ tận cùng, và nó sẽ không còn khinh thường sự sống và hạnh phúc của chúng ta nữa.
Chúng ta hãy học cách ở thế chờ đợi; chờ đợi Chúa. Chúa đến thăm chúng ta, không chỉ trong những ngày lễ trọng đại này - lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh - mà đúng hơn Chúa đến thăm chúng ta mỗi ngày, trong tình thân thiết của tâm hồn chúng ta nếu chúng ta biết chờ đợi. Và rất thường xuyên chúng ta không nhận ra rằng Chúa đang ở gần, Người đang gõ cửa nhà chúng ta, và chúng ta để Người đi mất. Thánh Augustinô từng nói: “Tôi sợ Thiên Chúa khi Ngài đi qua. "Tôi sợ rằng Người đi qua mà tôi không nhận ra". Và Chúa đi qua, Chúa đến, Chúa gõ cửa. Nhưng nếu tai bạn đầy những tiếng ồn ào khác, bạn sẽ không nghe thấy tiếng Chúa gọi.
Thưa anh chị em, ở trong tư thế chờ đợi: đó là cầu nguyện. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 09/12/2020)
Đọc tiếp »

CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ? (ĐTC Phanxicô, 12/12/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ Ba Mùa Vọng, giới thiệu cho chúng ta nhiều nhóm người khác nhau – dân chúng, những người thu thuế và binh lính - là những người cảm động trước lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả, hỏi ngài: “Vậy thì chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Chúng tôi nên làm gì? Đây là câu hỏi mà họ đã

đặt ra. Hãy suy ngẫm một chút về câu hỏi này.
Nó không chỉ xuất phát từ ý thức trách nhiệm. Đúng hơn, từ trái tim được Chúa cảm động. Chính lòng nhiệt thành đối với sự quang lâm của Ngài khiến họ đặt câu hỏi: chúng tôi phải làm gì? Sau đó, Thánh Gioan nói: “Chúa đã đến gần. Chúng ta nên làm gì?”
Chúng ta hãy đưa ra một ví dụ: hãy nghĩ về một người thân yêu đang đến thăm chúng ta. Chúng ta vui mừng và thậm chí nóng lòng chờ đợi người đó. Để chào đón người ấy, chúng ta sẽ làm những việc cần làm: dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa tối ngon nhất có thể, có lẽ là một món quà… Tóm lại, có những việc chúng ta sẽ làm. Với Chúa cũng vậy. Niềm vui về sự quang lâm của Ngài khiến chúng ta tự hỏi: chúng ta phải làm gì? Nhưng Thiên Chúa nâng câu hỏi này lên một tầm cao hơn: tôi nên làm gì với cuộc đời mình? Tôi được mời gọi để làm gì? Tôi sẽ trở thành gì?
Khi đưa ra câu hỏi này, Tin Mừng nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: cuộc sống có một nhiệm vụ cho chúng ta. Cuộc sống không vô nghĩa; nó không được phó mặc cho tình cờ. Không! Đó là một món quà mà Chúa ban cho chúng ta, và Người nói với chúng ta rằng: hãy khám phá con là ai, và làm việc chăm chỉ để biến ước mơ của cuộc đời con thành hiện thực!
Anh chị em đừng quên điều này: Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh phải hoàn thành. Vì vậy, chúng ta đừng ngại hỏi Chúa: Lạy Chúa con phải làm gì? Chúng ta hãy hỏi Chúa câu hỏi này nhiều lần. Điều này cũng được kể lại trong Kinh thánh: trong sách Tông Đồ Công Vụ, một số người khi nghe Thánh Phêrô công bố sự sống lại của Chúa Giêsu, “đã xúc động và nói với Phêrô và các môn đệ khác rằng: anh em ơi, chúng tôi phải làm gì?”(2:37). Chúng ta cũng hãy tự hỏi: điều gì sẽ tốt cho tôi nếu tôi thực hiện điều ấy cho chính tôi và cho anh chị em của tôi? Làm thế nào tôi có thể đóng góp vào việc này? Làm thế nào tôi có thể đóng góp cho thiện ích của Giáo Hội, cho lợi ích của xã hội? Mùa Vọng có ý nghĩa như thế này: dừng lại và tự hỏi mình làm thế nào để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh. Chúng ta rất bận rộn với tất cả các công việc chuẩn bị, với những món quà và những thứ phù du. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta nên làm gì cho Chúa Giêsu và cho những người khác! Chúng ta nên làm gì?” (ĐTC Phanxicô, 12/12/2021)
Đọc tiếp »

CỤ THỂ HÔM NAY, TÔI PHẢI LÀM GÌ ? (ĐTC Phanxicô, 12/12/2021)


“Sau câu hỏi, “chúng tôi phải làm gì?”, Phúc âm liệt kê các câu trả lời khác nhau của Thánh Gioan Tẩy Giả đối với mỗi nhóm. Thánh Gioan khuyên rằng những ai có hai áo nên chia sẻ với những người không có; với những người thu thuế, thánh nhân nói: “Đừng thu thuế quá mức quy định” (Lc 3,13); với những người lính: “Đừng ngược đãi hoặc moi tiền của bất kỳ ai (xem câu 14).
Ngài hướng dẫn bằng những chỉ dẫn cụ thể cho mỗi người để đáp ứng với tình hình thực tế trong cuộc sống của họ. Điều này cung cấp cho chúng ta một lời dạy quý giá: đức tin được nhập thể trong cuộc sống cụ thể. Nó không phải là một lý thuyết trừu tượng. Đức tin không phải là một lý thuyết trừu tượng, một lý thuyết tổng quát hóa - không! Đức tin chạm vào cá nhân chúng ta và biến đổi cuộc sống của mỗi chúng ta. Chúng ta hãy nghĩ về tính cụ thể trong đức tin của chúng ta. Đức tin của tôi là trừu tượng, một cái gì đó mơ hồ hay cụ thể? Nó có dẫn tôi đến việc phục vụ người khác, giúp đỡ người khác không?
Và vì thế, để kết luận, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta nên làm gì cụ thể trong những ngày này khi chúng ta gần đến lễ Giáng sinh? Tôi có thể làm phần việc của mình như thế nào? Hãy chọn một điều gì đó cụ thể, cho dù nhỏ bé, phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc sống, và hãy tiếp tục làm việc đó để chuẩn bị cho Giáng sinh này. Ví dụ: Tôi có thể gọi cho một người đang cô đơn, thăm người già hoặc người bị bệnh, làm điều gì đó để phục vụ một người nghèo, một người đang gặp khó khăn. Cả những điều này nữa: tôi cần cầu xin sự tha thứ, trao ban sự tha thứ, làm rõ một tình huống, trả một món nợ. Có lẽ tôi đã bỏ bê việc cầu nguyện và sau rất nhiều thời gian đã trôi qua, đã đến lúc cầu xin Chúa tha thứ. Anh chị em hãy tìm những việc cụ thể và thực hiện nhé! Cầu xin Đức Mẹ, Đấng cưu mang Chúa trong lòng, giúp chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 12/12/2021)
Đọc tiếp »

Thứ ba, Tuần III - Mùa Vọng



Đọc tiếp »

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

HY VỌNG (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm Mùa Vọng cho giáo triều, 09/12/2022)


“…Có những trang web trên internet phỏng vấn những người cao tuổi về việc họ đánh giá cuộc sống mà họ đã sống khi đến thời xế bóng như thế nào. Nói chung, họ là những người đàn ông và phụ nữ đã sống một cuộc sống giàu có và đàng hoàng, phục vụ gia đình, văn hóa và xã hội, nhưng không có bất kỳ liên quan nào đến tôn giáo. Thật thảm hại khi thấy họ cố gắng khiến mọi người tin rằng một người hạnh phúc
khi được sống như vậy. Nỗi buồn vì đã sống – và chẳng bao lâu nữa không còn sống nữa! – bị che giấu bởi lời nói của họ, đã hét lên từ đôi mắt của họ.
Thánh Augustinô đã diễn tả cốt lõi của vấn đề: “Sống tốt có ích gì, nếu không được sống luôn mãi?”. Trước ngài, Chúa Giêsu đã nói: “Người nào được cả thiên hạ mà mất mạng sống, thì có ích gì?”. (Lc 9,25). Đây là lời đáp thích đáng cho niềm hy vọng thần học – và nó khác biết bao. Lời đáp này bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta để sống chứ không phải để chết; rằng Chúa Giêsu đến để bày tỏ sự sống đời đời cho chúng ta và để bảo đảm với chúng ta qua sự sống lại của Ngài.
Cần phải nhấn mạnh một điều để không rơi vào một sự hiểu lầm nguy hiểm. Sống không “luôn luôn” đối lập với sống “tốt”. Hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu là điều làm cho cuộc sống hiện tại trở nên tươi đẹp, hoặc ít nhất là có thể chấp nhận được. Mọi người trong cuộc đời này đều có phần của mình trên thập tự giá, kể cả các tín hữu lẫn những người không tin. Nhưng đau khổ mà không biết vì mục đích gì là một chuyện, còn đau khổ vì biết rằng “những đau khổ hiện tại chẳng sánh được với vinh quang mai sau sẽ tỏ ra nơi chúng ta” (Rm 8,18) lại là một chuyện khác.
Niềm hy vọng thần học có một vai trò quan trọng liên quan đến việc phúc âm hóa. Một trong những yếu tố quyết định sự lan truyền nhanh chóng của đức tin, trong những ngày đầu của Kitô giáo, là lời loan báo về một cuộc sống mai hậu sau khi chết vô cùng viên mãn và hân hoan hơn cuộc sống trần gian.
Hoàng đế Hadrian đã xây dựng những biệt thự ngoạn mục cho mình ở nhiều nơi trên thế giới và đã chuẩn bị khu vực ngày nay là Castel Sant'Angelo hay Lâu đài Thiên Thần, cách đây không xa, để làm lăng mộ của ông. Gần chết, ông đã viết một loại văn bia cho ngôi mộ của mình. Nói với linh hồn của mình, ông ấy khuyên nó hãy nhìn lại lần cuối những vẻ đẹp và thú vui của thế giới này, bởi vì - ông ấy nói - bạn sắp đi xuống “những nơi không màu, gian khổ và trần trụi”. Hades – A tì địa phủ! Trong một bầu không khí như thế, người ta có thể tưởng tượng cú sốc tinh thần chắc hẳn đã gây ra bởi lời hứa về một cuộc sống viên mãn và tươi sáng hơn nhiều so với cuộc sống bị bỏ lại bởi cái chết. Điều này giải thích tại sao ý tưởng và biểu tượng về cuộc sống vĩnh cửu lại xuất hiện thường xuyên trong các lễ chôn cất của các tín hữu Kitô trong hầm mộ.
Trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, hoạt động bề ngoài của Giáo Hội, nghĩa là truyền bá Tin Mừng, được trình bày như là “việc mang lại lý do cho niềm hy vọng”: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng.” (1Pr 3,15-16). Đọc những gì đã xảy ra sau lễ Phục sinh, người ta có cảm tưởng rõ ràng rằng Giáo hội được sinh ra từ sự trào dâng “một niềm hy vọng sống động” (1Pr 1,3) và với niềm hy vọng này, các Tông đồ lên đường chinh phục thế giới. Ngay cả ngày nay chúng ta cần tái sinh niềm hy vọng nếu chúng ta muốn thực hiện một cuộc tân phúc âm hóa. Không có gì được thực hiện mà không có hy vọng. Con người đi đến những nơi có không khí hy vọng và trốn chạy khỏi những nơi họ không cảm thấy sự hiện diện của nó. Hy vọng là điều mang lại cho những người trẻ can đảm để lập gia đình hoặc theo ơn gọi tu trì và linh mục, là điều giúp họ tránh xa ma túy và những thứ tương tự khác đầu hàng trước sự tuyệt vọng…”
Đọc tiếp »

Thứ hai, Tuần III - Mùa Vọng



Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

PHÂN ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG: TỰ DO (ĐTC Phanxicô, Giáo lý 07/12/2022)


ĐTC Phanxicô, Giáo lý 07/12/2022:
“Một dấu hiệu tốt khác để xác nhận là việc giữ được sự tự do đối với những gì đã quyết định, sẵn sàng đặt lại vấn đề về nó, thậm chí từ bỏ nó khi gặp những khả thể mâu thuẫn, cố gắng tìm thấy nơi chúng một sự chỉ dạy có thể có từ Chúa. Điều này không phải vì Người muốn tước đoạt những gì thân yêu của chúng ta, nhưng là để chúng ta

sống một cách tự do, không bị dính bén. Chỉ có Chúa mới biết điều gì thực sự tốt cho chúng ta. Tính chiếm hữu là kẻ thù của điều thiện và giết chết tình cảm: nhiều trường hợp bạo lực trong gia đình, mà thật không may là chúng ta thường xuyên có tin tức như vậy, hầu như luôn luôn xuất phát từ việc đòi chiếm hữu tình cảm của người khác, từ việc tìm kiếm sự an toàn tuyệt đối vốn giết chết tự do và bóp nghẹt sự sống, biến nó thành địa ngục.
Chúng ta chỉ có thể yêu trong tự do, vì lý do này Chúa đã tạo dựng chúng ta tự do, tự do ngay cả với việc nói không với Người. Dâng hiến cho Người những gì chúng ta quý mến nhất là vì lợi ích tốt nhất của chúng ta. Điều này cho phép chúng ta sống cách tốt nhất có thể, như một món quà mà Người đã ban cho chúng ta, như một dấu chỉ sự tốt lành nhưng không của Người, vì biết rằng cuộc sống của chúng ta, xét như một tổng thể, đều nằm trong bàn tay nhân từ của Người. Đó là điều mà Kinh Thánh gọi là kính sợ Thiên Chúa, nghĩa là tôn kính Thiên Chúa. Thiên Chúa không làm chúng ta sợ hãi, nhưng tôn kính là một điều kiện không thể thiếu để đón nhận sự Khôn Ngoan (xem Hc 1,1-18). Chính sự kính sợ Thiên Chúa xua tan mọi nỗi sợ hãi khác, vì nó hướng về Đấng là Chúa của mọi sự. Trước mặt Người không gì có thể làm phiền được chúng ta. Đó là kinh nghiệm kinh ngạc của Thánh Phaolô: “Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4,12-13). Đây là một người tự do, khi mọi sự diễn ra tốt đẹp cũng tạ ơn Chúa, khi mọi sự diễn ra không mấy tốt đẹp, cũng tạ ơn Chúa, và tiếp tục bước đi.
Nhận ra điều này là điều cần thiết để có một quyết định đúng đắn và đảm bảo cho chúng ta về những gì chúng ta không thể kiểm soát hoặc dự đoán: sức khỏe, tương lai, những người thân yêu, kế hoạch của chúng ta. Điều quan trọng là niềm tín thác của chúng ta đặt nơi Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta vô bờ và biết rằng với Người, chúng ta có thể xây dựng một điều gì đó đáng kinh ngạc và vĩnh cửu. Cuộc đời của các thánh cho chúng ta thấy điều này một cách đẹp đẽ nhất. Chúng ta luôn tiếp tục tiến bước khi cố gắng làm những chọn lựa như vậy, trong cầu nguyện và cảm nhận những gì xảy ra trong trái tim chúng ta và từ từ tiến bước. Hãy can đảm.”
Đọc tiếp »

ĐTC PHANXICÔ SUY NIỆM KINH LẠY CHA (Suy niệm Kinh Lạy Cha ít là 30 phút, với việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng thì được ơn Toàn Xá trong năm Thánh Giuse)


(Suy niệm Kinh Lạy Cha ít là 30 phút, với việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức giáo hoàng thì được ơn Toàn Xá trong năm Thánh Giuse)

“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Chúng ta hãy tiếp tục suy tư về việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện của Kitô giáo hoàn toàn có tính nhân bản, chúng ta cầu nguyện với tư cách là những con người, những con người hiện thực; việc này bao gồm lời ngợi khen và khẩn cầu.
Thật vậy, khi Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người cầu nguyện, Người đã làm như vậy với “Kinh Lạy Cha” để chúng ta có thể đặt mình vào mối liên hệ tin cậy con thảo với Thiên Chúa và hỏi Người mọi câu hỏi của chúng ta. Chúng ta khẩn cầu Thiên Chúa ban cho những ơn phúc cao nhất: việc tôn thánh danh Người giữa loài người, việc xuất hiện quyền chúa thượng của Người, việc thực hiện thánh ý Người nhằm đạt điều tốt đẹp cho thế giới. Sách Giáo lý nhắc lại rằng: “Có một thứ bậc trong những lời thỉnh cầu này: trước hết chúng ta cầu nguyện cho Nước Trời, sau đó cho những gì cần thiết để chào đón Nước ấy và hợp tác với Nước ấy trị đến” (số 2632).
Nhưng trong “Kinh Lạy Cha”, chúng ta cũng cầu nguyện cho những ơn phúc đơn giản nhất, cho phần lớn các ơn phúc hàng ngày, chẳng hạn như “xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”, một điều cũng có nghĩa là sức khỏe, nhà cửa, việc làm, những thứ hàng ngày; và cũng có nghĩa là Bí tích Thánh Thể, cần thiết cho đời sống trong Chúa Kitô; và chúng ta cũng cầu nguyện để được tha thứ tội lỗi, đây là một vấn đề hàng ngày; chúng ta luôn cần sự tha thứ, và do đó, sự bình an trong các mối liên hệ của chúng ta; và cuối cùng, để Người có thể giúp chúng ta đối đầu với cơn cám dỗ và giải thoát chúng ta khỏi điều ác.
Cầu xin, cầu khẩn. Đây là điều rất hợp nhân bản. Chúng ta hãy nghe lại Sách Giáo lý: “Trong kinh nguyện khẩn cầu, chúng ta bộc lộ ý thức về tương quan giữa mình với Thiên Chúa: Chúng ta là thụ tạo, không phải tự mình mà có, không làm chủ được những nghịch cảnh trong đời, không phải là cùng đích đời mình; chẳng những vậy, là người Kitô hữu, chúng ta biết mình tội lỗi, đã phản nghịch lại Thiên Chúa là Cha chúng ta. Khi khẩn cầu, con người đã quay về với Thiên Chúa” (số 2629)...”
Đọc tiếp »

CHÚA NHẬT III - MV A



Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2022

PHÂN ĐỊNH QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG: LÒNG BIẾT ƠN… (ĐTC Phanxicô, Giáo lý 07/12/2022)


ĐTC Phanxicô, Giáo lý 07/12/2022:
“Chúng ta có thể nhận ra một số khía cạnh quan trọng giúp đọc thời gian “hậu quyết định”, có thể xem đó như là một sự xác nhận cho quyết định đã được đưa ra. Thời gian sẽ là yếu tố xác nhận xem quyết định của tôi có thực sự tốt lành hay không. Chúng ta đã gặp thấy những khía cạnh này một cách nào đó trong loạt bài giáo lý của chúng ta

nhưng bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy những ứng dụng xa hơn của chúng.
Khía cạnh đầu tiên là liệu quyết định đó có được coi là một dấu chỉ khả thể của việc đáp lại tình yêu và lòng quảng đại mà Chúa dành cho tôi hay không. Nó không sinh ra từ sự sợ hãi, từ mối đe doạ cảm xúc hay từ sự ràng buộc, mà sinh ra từ lòng biết ơn đối với điều tốt lành đã nhận được, điều thúc đẩy trái tim sống mối tương quan với Chúa một cách quảng đại.
Một yếu tố quan trọng khác là ý thức về sự cảm nhận vị trí của mình trong cuộc sống, một sự thanh thản khi thấy mình đứng đúng vị trí của mình, và cảm nhận mình là thành phần của kế hoạch lớn hơn mà chính mình muốn góp phần. Ở Quảng trường Thánh Phêrô có hai điểm chính xác – là hai tiêu điểm của hình elip – từ đó có thể nhìn thấy các cột của Bernini thẳng hàng một cách hoàn hảo.
Tương tự như vậy, con người có thể tìm thấy được điều mình đang tìm kiếm khi ngày sống của mình trở nên có trật tự hơn, cảm thấy ngày càng có sự hội nhất giữa nhiều sở thích, thiết lập một thứ tự ưu tiên đúng đắn về những điều quan trọng và có khả năng sống tất cả những điều này một cách nhẹ nhàng, trong khi đối diện với những khó khăn gặp phải bằng một năng lượng và sức mạnh được đổi mới của linh hồn. Những điều này là dấu hiệu cho thấy chọn lựa bạn đưa ra là tốt lành…”
Đọc tiếp »

CHÚNG TA LÀ CON THIÊN CHÚA (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cho giáo triều)


“…Thiên Chúa đã sai Con mình tới hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”. Tình phụ tử của Thiên Chúa là trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu. Ngay cả trong Kinh thánh tiếng Do Thái, Thiên Chúa được xem như một người cha. Điều mới lạ ở đây là giờ đây Thiên Chúa không được coi là “cha của dân tộc Israel” theo một nghĩa tập thể, có thể nói như vậy, mà là cha của mỗi con người theo một nghĩa cá nhân và cá vị, cha của cả người công chính lẫn người tội lỗi. Thiên Chúa quan tâm đến từng người như thể người đó là độc nhất vô nhị; Chúa biết nhu cầu, suy nghĩ và đếm số lượng sợi tóc trên đầu của mỗi người…
Sự mới lạ do Chúa Kitô mang lại không bao gồm điều này. Thay vào đó, nó bao gồm thực tế là Thiên Chúa, Đấng vẫn như đã được mô tả trong Kinh Thánh tiếng Do Thái, cụ thể là, ba lần thánh, công bình và toàn năng, giờ đây đã được ban cho chúng ta làm cha của chúng ta! Đây là hình ảnh được Chúa Giêsu đặt ra trong lời mở đầu của Kinh Lạy Cha và diễn tả một cách ngắn gọn, tất cả những điều sau đây: “Cha chúng con, Đấng ngự trên trời”. Cha ngự trên trời, như thế Cha là Đấng Tối Cao, Đấng siêu việt, ở trên chúng ta như các tầng trời ở trên mặt đất, nhưng vẫn là “cha của chúng ta” - hay như nguyên tác đã viết: “Abba!” - hơi giống với cách nói bố của chúng ta, bố của con…
Thánh Phaolô đã trình bày các suy tư liên quan đến giai đoạn đức tin sau Phục sinh này. Nhờ ơn cứu chuộc do Chúa Kitô mang lại và truyền cho chúng ta trong Bí tích Rửa tội, chúng ta không còn là con cái Thiên Chúa theo nghĩa luân lý đơn thuần, mà còn theo nghĩa thực tế, bản thể học. Chúng ta đã trở thành “những người con trong Chúa Con,” và Chúa Kitô đã trở thành “trưởng tử của nhiều anh chị em” (Rôma 8,29).
Để diễn tả tất cả điều này, Thánh Tông đồ sử dụng ý niệm về việc nhận con nuôi: “… để chúng ta có thể nhận làm nghĩa tử như con cái Ngài” “Thiên Chúa đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5). Nó chỉ là một phép tương tự, và như với bất kỳ phép tương tự nào, nó không thể diễn tả hết được mầu nhiệm này. Về bản chất, việc nhận làm con nuôi của con người chúng ta là một vấn đề luật pháp. Con nuôi có thể mang họ, quốc tịch và nơi cư trú của cha mẹ nuôi, nhưng chúng không có chung huyết thống hoặc DNA của bố mẹ. Việc thụ thai, mang nặng đẻ đau và sinh nở đều không liên quan. Đây không phải là trường hợp của chúng ta. Thiên Chúa không chỉ truyền cho chúng ta được gọi là con của Người, nhưng Người còn truyền cho chúng ta đời sống thân mật của Người, Thần Khí của Người, có thể nói được là truyền cho chúng ta DNA của Người. Nhờ Bí tích Rửa tội, chính sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy trong chúng ta.
Về điểm này, Thánh Gioan táo bạo hơn Thánh Phaolô. Thánh Gioan không nói về việc nhận con nuôi, mà nói về sự sinh nở thực sự, Chúa đã sinh ra chúng ta. Những ai tin vào Đức Kitô “được Thiên Chúa sinh ra” (Ga 1,13); trong Phép Rửa, chúng ta được “sinh ra bởi Thánh Linh;” một người được “tái sinh từ trên cao” (xem Ga 3,5-6)…
Chúng ta cần phải sống ân sủng tuyệt vời mà chúng ta đã nhận được với một nhận thức sâu xa hơn, —và điều đó sẽ tốt cho chúng ta— nếu chúng ta luôn ghi nhớ khoảnh khắc của phép Rửa Tội khi chúng ta trở thành con cái Chúa”.
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với một mối nguy hiểm chết người, đó là việc coi thường những chân lý cao siêu nhất về đức tin của chúng ta, bao gồm chân lý chúng ta là con cái của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa của vũ trụ, Đấng Toàn Năng, Đấng Vĩnh Hằng, Đấng ban sự sống…
Trong giờ cầu nguyện hoặc giờ thờ phượng của anh chị em, với cả tấm lòng và không chán nản, hãy lặp lại trong chính anh chị em: “Con của Thiên Chúa! Tôi là con của Thiên Chúa; Tôi là con cái của Chúa. Chúa là cha tôi!” Hoặc chỉ cần lặp đi lặp lại một lúc: “Lạy Cha chúng con ngự trên trời” mà không tiếp tục phần còn lại của Kinh Lạy Cha… “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2)…
Thánh Cyprianô viết: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha của mình mà không coi Giáo hội như mẹ của mình.” Chúng ta nên nói thêm: “Anh chị em không thể xưng Thiên Chúa là cha mình mà không coi người hàng xóm là anh chị em với mình.”…
Khi chúng ta xung đột với người khác - anh chị em của chúng ta - ngay cả trước khi chúng ta gặp họ để thảo luận về quan điểm của chúng ta, là điều không chỉ là đúng đắn mà đôi khi còn là cần thiết nữa, chúng ta hãy nói với Chúa: “Cha ơi, xin hãy cứu con, cứu cả anh trai hoặc em gái của con; cứu cả hai chúng con. Con không giành phần phải về mình, và anh ấy hoặc cô ấy không nhất thiết phải là sai. Con muốn người đó đứng về sự thật, hoặc ít nhất là có thiện ý”. Lòng thương xót của người này đối với người kia là điều không thể thiếu để sống đời sống Thánh Linh và đời sống cộng đồng dưới mọi hình thức của nó. Nó không thể thiếu đối với gia đình và mọi cộng đồng con người và tôn giáo, kể cả Giáo triều Rôma. Như thánh Augustinô đã nói, tất cả chúng ta đều là những hũ đất sét dễ vỡ: Chúng ta rất dễ làm tổn thương chính mình…” (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm Mùa Vọng 2021 cho giáo triều)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.