Ads 468x60px

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

CẦU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)


“Anh chị em thân mến, chúc anh em một buổi sáng tốt đẹp! 
Giáo Hội là trường vĩ đại dạy ta cầu nguyện. Nhiều người trong chúng ta đã học cách thì thầm những lời cầu nguyện đầu tiên trong lòng cha mẹ hoặc ông bà. Có lẽ chúng ta trân trọng ký ức về mẹ về cha chúng ta, những người đã dạy chúng ta cầu nguyện trước khi đi ngủ. Những khoảnh khắc hồi tưởng này thường là những khoảnh khắc trong đó cha mẹ lắng nghe một bí quyết thân thiết nào đó và có thể cho chúng ta lời khuyên được Tin Mừng truyền cảm hứng. Sau đó, khi lớn thêm, người ta có những cuộc gặp gỡ khác, với những nhân chứng và những thầy dạy cầu nguyện khác (xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2686-2687). Nhớ lại những điều đó quả là việc tốt lành.
Cuộc sống của một giáo xứ và mỗi cộng đồng Kitô hữu được đánh dấu bằng những khoảnh khắc phụng vụ và cầu nguyện cộng đồng. Chúng ta đã ý thức được rằng ơn phúc chúng ta nhận được một cách đơn sơ khi còn thơ ấu là một di sản tuyệt vời, một cơ nghiệp phong phú và kinh nghiệm cầu nguyện ngày càng đáng được thâm hậu hóa nhiều hơn (xem sđd, 2688).
Tấm áo đức tin không cứng ngắc, nhưng phát triển cùng với chúng ta; nó không cứng ngắc, nó phát triển, thậm chí nhờ những khoảnh khắc khủng hoảng và hồi sinh. Trên thực tế, không có sự trưởng thành nào mà không có những khoảnh khắc khủng hoảng vì khủng hoảng khiến anh chị em trưởng thành. Trải qua khủng hoảng là điều cần thiết để trưởng thành. Và hơi thở của đức tin là việc cầu nguyện: chúng ta lớn lên trong đức tin bao lâu chúng ta học cách cầu nguyện. Sau những bước quá độ nào đó trong cuộc sống, chúng ta ý thức được rằng nếu không có đức tin, chúng ta rất có thể không thoát được và sức mạnh của chúng ta là việc cầu nguyện - không chỉ là việc cầu nguyện của bản thân, mà còn là việc cầu nguyện của anh chị em chúng ta, của cộng đồng đã đồng hành và hỗ trợ chúng ta, của những người biết chúng ta, những người chúng ta xin cầu nguyện cho chúng ta nữa...” (ĐTC Phanxicô, 14/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ sáu, Tuần II-Mùa PS


 

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Thứ năm, Tuần II-Mùa PS


Đọc tiếp »

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

VẾT THƯƠNG CHỮA LÀNH (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)


“Sau khi sự bình an trong lòng được phục hồi và sự tha thứ nâng các môn đệ đứng dậy, đây là ân sủng thứ ba mà Chúa Giêsu thương xót các môn đệ: Ngài ban cho họ những vết thương. Từ những vết thương đó, chúng ta được chữa lành (x. 1 Pt 2, 24; Is 53, 5).

Nhưng làm thế nào để một vết thương có thể chữa lành chúng ta? Thưa: với lòng thương xót. Trong những vết thương đó, giống như Tông đồ Tôma, chúng ta chạm vào bằng bàn tay của mình để thấy rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến tận sâu thẳm, rằng Người đã biến vết thương của chúng ta thành của riêng Người, rằng Người đã mang những yếu đuối của chúng ta vào cơ thể của Người. Những vết thương này là những kênh thông thoáng giữa Ngài và chúng ta, là những kênh thương xót đổ xuống trên những đau khổ của chúng ta. Những vết thương này là những con đường mà Thiên Chúa đã mở rộng cho chúng ta để chúng ta bước vào sự dịu dàng của Ngài và chạm vào Nhiệm thể Ngài bằng đôi tay của chúng ta. Và chúng ta không còn chút nghi ngờ nào về lòng thương xót của Người. Bằng cách yêu mến, hôn lên vết thương của Người, chúng ta khám phá ra rằng tất cả những nhược điểm của chúng ta đều được hoan nghênh trong sự dịu dàng của Người. Điều này xảy ra trong mọi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu dâng hiến cho chúng ta Thân thể bị thương và đã phục sinh của Người: chúng ta chạm vào Người và Người chạm vào cuộc đời của chúng ta. Và điều đó làm cho Thiên đường xuống trong chúng ta.
Những vết thương phát sáng của Người xuyên thủng bóng tối mà chúng ta mang bên trong. Và chúng ta, giống như Thánh Tôma, tìm thấy Chúa, chúng ta khám phá ra Ngài thân mật và gần gũi, và xúc động khi nói với Ngài: “Lạy Chúa và là Chúa của con!” (Ga 20, 28). Và mọi thứ đều bắt nguồn từ đây, từ ơn của người được thương xót. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình của Kitô hữu. Mặt khác, nếu chúng ta dựa vào khả năng của mình, vào hiệu quả của các công trình và dự án của chúng ta, chúng ta sẽ không tiến xa được. Chỉ khi chúng ta chào đón tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể ban tặng một điều gì đó mới mẻ cho thế giới.” (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
Đọc tiếp »

CHÚA PHỤC SINH BAN THÁNH THẦN THA TỘI (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)


“Chúa Giêsu thương xót các môn đệ bằng cách ban Chúa Thánh Thần cho họ. Ngài ban Thánh Thần để các ngài có năng quyền tha tội (Ga 20, 22-23). Các môn đệ là những người có tội, họ đã chạy trốn bỏ rơi Thầy. Và tội lỗi ám ảnh, cái ác có giá của nó. Tội lỗi của chúng ta, theo Thánh Vịnh (xem 51: 5), luôn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể hủy bỏ nó một mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể loại trừ, chỉ có Ngài với lòng thương xót mới làm cho chúng ta thoát ra khỏi những đau khổ sâu xa nhất của chúng ta.

Giống như những môn đệ đó, chúng ta cần cho phép mình được tha thứ, và nói từ tận đáy lòng: “Lạy Chúa, xin thứ tha tội lỗi con”. Hãy mở rộng trái tim để cho phép mình được tha thứ. Sự tha thứ trong Chúa Thánh Thần là ân sủng Phục sinh để được phục sinh từ bên trong. Chúng ta hãy xin ơn đón nhận Người, đón nhận bí tích tha tội. Và xin ơn để hiểu rằng ở trung tâm của bí tích hòa giải không phải là chúng ta với tội lỗi của mình, mà là Thiên Chúa với lòng thương xót của Người.
Chúng ta không đi xưng tội để suy sụp, nhưng để làm cho chúng ta được phục hồi. Chúng ta cần đến bí tích hòa giải rất nhiều, tất cả mọi người đều cần. Chúng ta cần bí tích hòa giải như những đứa trẻ nhỏ, mỗi khi ngã, chúng cần được bố mẹ nâng lên. Chúng ta cũng thường xuyên sa ngã. Và bàn tay của Chúa Cha đã sẵn sàng để giúp chúng ta đứng dậy và tiếp tục bước đi. Bàn tay an toàn và đáng tin cậy này là bí tích hòa giải. Đó là Bí tích nâng chúng ta lên, không để chúng ta nằm trên mặt đất mà khóc trên những sàn cứng của những sa ngã. Đó là bí tích của sự phục sinh, đó là lòng thương xót thuần khiết. Và bất cứ ai nhận được bí tích hòa giải phải làm cho chính mình cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót.
Và đây là cách của các cha giải tội khi tiếp nhận lời xưng thú của mọi người: hãy làm cho mọi người cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ mọi sự. Chúa tha thứ mọi sự.” (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Thứ ba, Tuần II-Mùa PS

Đọc tiếp »

BÌNH AN CHO ANH EM (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)



“Ngay từ đầu, Chúa Giêsu mang lại cho các môn đệ ơn bình an. Những môn đệ này đã rất đau khổ. Họ đã nhốt mình trong nhà vì sợ hãi, vì sợ bị bắt và kết cục cũng sẽ như Thầy. Nhưng không chỉ đóng cửa nhà, các ngài còn đóng kín cửa tâm hồn trong sự hối hận. Các ngài đã bỏ rơi và chối Chúa Giêsu. Các ngài cảm thấy mình chẳng có khả năng gì, chẳng được ơn ích gì, và sai lầm. Chúa Giêsu đến và lặp lại hai lần: “Bình an cho anh em!”. Người không mang lại một sự bình an giúp loại bỏ những vấn đề bên ngoài, mà là một sự bình an giúp khơi dậy sự tự tin bên trong. Không phải bình an bên ngoài, mà là bình an trong lòng. Người nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21). Như thể Người đang nói: “Thầy sai anh em đi bởi vì Thầy tin tưởng anh em”. Những môn đệ thất vọng đó được làm hòa với chính mình.

Sự bình an của Chúa Giêsu khiến họ chuyển từ hối hận sang sứ mệnh. Trên thực tế, sự bình an của Chúa Giêsu làm phát sinh sứ mệnh. Bình an của Chúa không phải là sự yên tĩnh, nó không phải là sự nhàn nhã, nhưng là sự đi ra khỏi chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu giải thoát khỏi sự khép kín làm tê liệt, và phá vỡ xiềng xích giam giữ trái tim. Và các môn đệ cảm thấy đầy lòng thương xót: họ cảm thấy rằng Thiên Chúa không lên án họ, không sỉ nhục họ, nhưng tin tưởng vào họ. Vâng, Người tin vào chúng tôi nhiều hơn chúng tôi tin vào chính mình. “Ngài yêu chúng ta nhiều hơn chúng ta yêu chính chúng ta” (xem Thánh John Henry Newman, Suy niệm và Tôn sùng, III, 12:2). Đối với Chúa không ai bất tài, không ai vô dụng, không ai bị loại trừ. Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại một lần nữa: “Bình an cho anh em, là những người quý giá trong mắt Thầy. Bình an cho anh em, là những người quan trọng với Thầy. Bình an cho anh em, là những người có sứ mệnh. Không ai có thể làm điều đó thay cho anh em. Anh em là những người không thể thay thế được. Và Thầy tin vào anh em”. (ĐTC Phanxicô, 11/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2021

THƯ MỤC VỤ: Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Ơn Thiên Triệu 2021

Đọc tiếp »

Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôxê, chương 3 :


Anh em đã được sống lại cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. 2 Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. 3 Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. 4 Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.

5 Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em : ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam ; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. 6 Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. 7 Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. 8 Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó : nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục.
9 Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, 10 và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu. 11 Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người.
12 Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. 13 Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. 14 Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. 15 Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.
16 Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. 17 Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.
Đọc tiếp »

Chúa nhật II-PS


 

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Thứ bảy, Tuần Bát nhật Phục Sinh


Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

CÁC THÁNH (ĐTC Phanxicô, 07/04/2021)


 “...Cầu nguyện luôn được tái sinh: mỗi lần chúng ta nắm tay nhau và mở rộng tâm hồn với Thiên Chúa, chúng ta thấy mình được đồng hành với các vị thánh vô danh và các vị thánh được công nhận, những vị đang cầu nguyện với chúng ta và đang cầu bầu cho chúng ta như những anh chị em đã đi trước chúng ta trong cùng cuộc phiêu lưu của con người. Không có đau buồn nào trong Giáo Hội phát sinh trong cô đơn, không có nước mắt nào rơi trong quên lãng, vì mọi người cùng thở và tham dự vào một ơn thánh chung. Không phải ngẫu nhiên mà trong Giáo Hội cổ thời, người ta được chôn cất trong những khu vườn xung quanh một tòa nhà thánh thiêng, như để nói rằng, một cách nào đó, đoàn ngũ những người đi trước chúng ta đang tham dự vào mọi Bí tích Thánh Thể. Cha mẹ và ông bà của chúng ta ở đó, các cha mẹ đỡ đầu của chúng ta ở đó, các giáo lý viên và các thầy cô khác của chúng ta ở đó… Đức tin được truyền lại, được truyền tải, mà chúng ta đã nhận được. Cùng với đức tin, cách cầu nguyện và việc cầu nguyện đã được truyền lại.

Các thánh vẫn còn ở đây không xa chúng ta; và việc trưng bầy các ngài trong các nhà thờ gợi lên “đám mây nhân chứng” luôn vây quanh chúng ta (xem Dt 12: 1). Lúc bắt đầu, chúng ta đã nghe đoạn trích từ Thư gửi tín hữu Do Thái. Họ là các nhân chứng mà chúng ta không tôn thờ - nghĩa là chúng ta không tôn thờ các vị thánh này - nhưng là những vị được chúng ta tôn kính và là những vị, trong muôn ngàn cách khác nhau, đã đưa chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô, Chúa và Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Một “vị thánh” không đưa anh chị em đến với Chúa Giêsu thì không phải là một vị thánh, thậm chí không phải là một Kitô hữu. Một vị thánh phải làm cho anh chị em nhớ đến Chúa Giêsu Kitô vì ngài từng bước trên con đường sống như một Kitô hữu. Các thánh nhắc nhở chúng ta rằng ngay trong cuộc sống của chúng ta, dù yếu đuối và đầy tội lỗi, sự thánh thiện vẫn có thể khai mở. Dù vào thời điểm sau cùng. Thực thế, chúng ta đọc trong Tin Mừng rằng vị thánh đầu tiên được chính Chúa Giêsu phong thánh là một tên trộm, không phải là một Giáo hoàng. Sự thánh thiện là một hành trình của cuộc đời, một cuộc gặp gỡ dài hay ngắn hoặc tức thời với Chúa Giêsu. Nhưng họ luôn luôn là một nhân chứng, một vị thánh là một nhân chứng, một người nam hay người nữ đã gặp Chúa Giêsu và đi theo Chúa Giêsu. Không bao giờ là quá muộn để quay về với Chúa, Đấng tốt lành và cao cả trong tình yêu thương (xem Thánh vịnh 103,8)
...
Cách đầu tiên để đương đầu với thời điểm lo âu xao xuyến là xin các anh chị em của chúng ta, trên hết là các thánh, cầu nguyện cho chúng ta. Tên được đặt cho chúng ta lúc Rửa tội không phải là một nhãn hiệu hay một vật trang trí! Đó thường là tên của Đức Trinh Nữ, hoặc một vị Thánh, những vị không mong điều gì khác hơn là “giúp chúng ta một tay” ở trong đời, giúp chúng ta một tay để có được ơn thánh của Thiên Chúa mà chúng ta rất cần. Nếu những thử thách của cuộc sống vẫn chưa đến mức cùng cực, nếu chúng ta vẫn còn khả năng kiên trì, nếu bất chấp mọi sự chúng ta vẫn tiến bước một cách phó thác, hơn là do công lao của chúng ta, có lẽ chúng ta mang ơn tất cả những điều này vì lời chuyển cầu của tất cả các thánh, trong đó, một số vị đang ở trên Thiên đàng, một số khác đang lữ hành như chúng ta trên thế gian, những người đang bảo vệ và đồng hành với chúng ta, bởi vì tất cả chúng ta đều biết có những vị thánh ở đây trên trái đất này, những người nam nữ thánh thiện sống trong sự thánh thiện. Họ không biết điều đó; chúng ta cũng không biết điều đó. Nhưng có những vị thánh, những vị thánh thường ngày, những vị thánh ẩn dật, hay như tôi thích nói, “những vị thánh sống ở nhà bên cạnh”, những người chia sẻ cuộc sống của họ với chúng ta, những người làm việc với chúng ta và sống một cuộc sống thánh thiện.” (ĐTC Phanxicô, 07/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, Tuần Bát nhật Phục Sinh


 

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Thứ năm, Tuần Bát nhật Phục Sinh

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

TÌM GẶP CHÚA PHỤC SINH (ĐTC Phanxicô, 05/04/2021)


“Anh chị em thân mến, chào buổi sáng

Thứ Hai sau Lễ Phục Sinh còn được gọi là Thứ Hai Thiên Thần vì chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ của thiên thần với những người phụ nữ đến mộ Chúa Giêsu (x. Mt 28: 1-15). Thiên sứ nói với các bà: “Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống lại như Người đã phán”. (c. 5-6). Thành ngữ “Người đã sống lại” này vượt quá khả năng của con người. Ngay cả những người phụ nữ đã đi vào ngôi mộ và thấy nó trống rỗng cũng không thể xác nhận “Người đã sống lại”, nhưng họ chỉ có thể nói rằng ngôi mộ trống rỗng. “Người đã sống lại” là một thông điệp. Chỉ một thiên thần mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại, chỉ một thiên thần có thẩm quyền mang thông điệp của thiên đàng, với quyền năng được Chúa ban mới có thể nói điều đó, giống như một thiên thần đã có thể nói với Đức Maria: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, và Người sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1:31-32). Vì thế, chúng ta gọi ngày hôm nay là Thứ Hai của Thiên thần bởi vì chỉ có một thiên thần với quyền năng của Thiên Chúa mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.
Thánh sử Matthêu thuật lại rằng vào buổi sáng Phục sinh “có một trận động đất lớn; vì một thiên sứ của Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá và ngồi trên đó” (xem câu 2). Hòn đá lớn đó, được cho là dấu ấn chiến thắng cái ác và cái chết, được đặt dưới chân, nó trở thành bệ ngồi của thiên thần Chúa. Tất cả các kế hoạch và những mưu lược của những kẻ thù và những kẻ bách hại Chúa Giêsu đều ra vô ích. Tất cả các phong niêm đã vỡ vụn. Hình ảnh thiên thần ngồi trên đá trước lăng mộ là biểu hiện cụ thể, biểu hiện hữu hình của sự chiến thắng cái ác của Thiên Chúa, biểu hiện của sự chiến thắng của Chúa Kitô đối với hoàng tử của thế gian này, biểu hiện của sự chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối. Ngôi mộ của Chúa Giêsu không được mở ra bởi một hiện tượng vật lý, mà bởi sự can thiệp của Chúa. Thánh Matthêu nói tiếp rằng sự xuất hiện của thiên thần “giống như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết” (c. 3). Những chi tiết này là những biểu tượng xác nhận sự can thiệp của chính Thiên Chúa, Đấng đang mở ra một kỷ nguyên mới, là thời kỳ cuối cùng của lịch sử vì sự phục sinh của Chúa Giêsu đã khởi đầu cho thời kỳ cuối cùng, có thể kéo dài hàng nghìn năm trong lịch sử, nhưng đó là lần cuối cùng.
Có một phản ứng gồm hai mặt khi nhìn thấy sự can thiệp này của Thiên Chúa. Đó là những người lính canh không thể đối mặt với quyền năng áp đảo của Thiên Chúa và bị rung chuyển bởi một trận động đất bên trong: họ đờ người ra như những người chết (xem câu 4). Quyền năng của Chúa Phục sinh lật nhào những kẻ đã được sử dụng để bảo đảm chiến thắng rõ ràng của cái chết. Và những người bảo vệ đó đã phải làm gì? Đến gặp những người đã ra lệnh cho họ phải canh gác và nói ra sự thật. Họ có một lựa chọn để thực hiện: hoặc nói sự thật hoặc để bản thân bị thuyết phục bởi những người đã giao cho họ lệnh canh gác. Và cách duy nhất để thuyết phục họ là tiền. Và những người đáng thương đó, những người nghèo, đã bán sự thật, và với số tiền trong túi, họ tiếp tục nói: “Không, các môn đệ đến và cướp xác”. Tiền bán Chúa, ngay cả ở đây, trong biến cố phục sinh của Chúa Kitô, có khả năng phủ nhận sự thật. Phản ứng của những người phụ nữ thì khác vì họ được sứ thần Chúa mời gọi một cách rõ ràng là đừng sợ, và cuối cùng, các bà không sợ - “Đừng sợ!” (c. 5) và đừng tìm kiếm Chúa Giêsu trong mộ.
Chúng ta có thể gặt hái được một giáo huấn quý báu từ những lời của thiên sứ: chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa Kitô Phục sinh, Đấng ban sự sống dồi dào cho những ai gặp Ngài. Tìm kiếm Chúa Kitô có nghĩa là khám phá sự bình an trong tâm hồn chúng ta. Những người phụ nữ trong Tin Mừng cũng vậy, sau khi bị rúng động lúc đầu là điều thường tình có thể hiểu được, đã cảm thấy vui mừng tột độ khi phát hiện ra Thầy còn sống (xin xem các câu 8-9). Trong Mùa Phục Sinh này, ước muốn của tôi là mọi người có thể có cùng một kinh nghiệm thiêng liêng, khi đón nhận trong tâm hồn, trong nhà và trong các gia đình của chúng ta lời loan báo vui mừng về Lễ Phục Sinh: “Đức Kitô, đã sống lại từ trong cõi chết, nay Người không còn ở đây nữa; cái chết không còn quyền thống trị trên Người nữa” (Ca nhập lễ). Lời loan báo Phục sinh, Chúa Kitô đang sống, Chúa Kitô đồng hành với cuộc đời tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi. Chúa Kitô gõ cửa trái tim tôi để anh chị em có thể cho Người vào, Chúa Kitô đang sống. Trong những ngày lễ Phục sinh, sẽ là tốt cho chúng ta khi lặp lại điều này: Chúa vẫn đang sống.” (ĐTC Phanxicô, 05/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ tư,Tuần XIV- MTN

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Thứ ba, Tuần Bát Nhật Phục Sinh


Đọc tiếp »

Thứ Hai, 5 tháng 4, 2021

SỨ ĐIỆP PHỤC SINH 2021 (ĐTC Phanxicô)



“Anh chị em thân mến, chúc một Lễ Phục sinh tốt lành, hạnh phúc và an bình!
Hôm nay, khắp thế giới, lời công bố của Giáo hội vang lên: “Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại như lời Người đã phán hứa. Alleluia!”
...
Chúa Giêsu bị đóng đinh, không ai khác, đã sống lại từ trong cõi chết. Chúa Cha đã nâng Chúa Giêsu, Con Ngài sống lại, vì Ngài đã hoàn thành ý muốn cứu độ của Người. Chúa Giêsu đã mặc lấy sự yếu đuối của chúng ta, sự mỏng dòn của chúng ta, thậm chí cái chết của chúng ta. Ngài đã chịu đựng những đau khổ của chúng ta và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Bởi thế, Chúa Cha đã siêu tôn Người và bây giờ Chúa Giêsu Kitô sống mãi mãi; Ngài là Chúa.
Các nhân chứng thuật lại một chi tiết quan trọng: Chúa Giêsu Phục sinh mang dấu vết của các vết thương ở tay, chân và cạnh sườn. Những vết thương này là dấu ấn vĩnh cửu của tình yêu Người dành cho chúng ta. Tất cả những ai trải qua thử thách đau đớn về thể xác hay tinh thần đều có thể tìm thấy nơi nương tựa trong những vết thương này và qua các vết thương ấy, nhận được ân sủng của niềm hy vọng không làm thất vọng.
Chúa Kitô Phục Sinh là niềm hy vọng cho tất cả những ai đang tiếp tục phải chịu đựng đại dịch, cả những bệnh nhân và những người đã mất người thân yêu. Xin Chúa ban cho họ sự an ủi, và nâng đỡ những nỗ lực dũng cảm của các bác sĩ và y tá. Tất cả mọi người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, cần được hỗ trợ và có quyền được tiếp cận với sự chăm sóc cần thiết. Điều này càng rõ ràng hơn trong những thời điểm mà tất cả chúng ta được kêu gọi để chống lại đại dịch. Vắc xin là một công cụ cần thiết trong cuộc chiến này. Tôi kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế, với tinh thần trách nhiệm toàn cầu, cam kết khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc phân phối vắc xin và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân phối vắc xin, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất.
Chúa bị đóng đinh và phục sinh là niềm an ủi cho những người bị mất việc làm hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế và thiếu an sinh xã hội cần thiết. Cầu mong Ngài truyền cảm hứng cho các cơ quan công quyền hành động để tất cả mọi người, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất, sẽ được cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để có một mức sống đúng phẩm giá. Đáng buồn thay, đại dịch đã làm gia tăng đáng kể số người nghèo và sự tuyệt vọng của hàng ngàn người.
...
Anh chị em thân mến, một lần nữa trong năm nay, ở nhiều nơi khác nhau, nhiều Kitô hữu đã phải cử hành Lễ Phục sinh dưới những hạn chế nghiêm nhặt và đôi khi không thể tham dự các cử hành phụng vụ. Chúng ta cầu nguyện rằng những hạn chế đó, cũng như tất cả những hạn chế về quyền tự do thờ phượng và tôn giáo trên toàn thế giới, có thể được dỡ bỏ và mọi người được phép tự do cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa.
Giữa muôn vàn gian khổ mà chúng ta đang chịu đựng, chúng ta đừng bao giờ quên rằng chúng ta đã được chữa lành bởi những vết thương của Chúa Kitô (xem 1 Phi 2:24). Dưới ánh sáng của Chúa Phục Sinh, những đau khổ của chúng ta giờ đây đã được biến đổi. Nơi từng có cái chết, giờ đây ở đó có sự sống. Nơi từng có tang thương, giờ đây có niềm an ủi. Khi ôm lấy thập tự giá, Chúa Giêsu đã ban tặng ý nghĩa cho những đau khổ của chúng ta và bây giờ chúng ta cầu nguyện rằng thiện ích của việc chữa lành đó sẽ lan rộng khắp thế giới. Cầu chúc một lễ Phục sinh tốt lành, hạnh phúc và thanh thản cho tất cả anh chị em!” (04/04/2021)
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI (ĐTC Phanxicô, giảng lễ Vọng Phục Sinh 03/04/2021)




“Những người phụ nữ nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy xác Chúa để xức dầu, nhưng thay vào đó họ lại tìm thấy một ngôi mộ trống. Họ đã đi để than khóc một người đã chết, nhưng họ lại nghe thấy một thông báo về sự sống. Vì thế, Tin Mừng cho biết, những người phụ nữ đó “đầy sợ hãi và kinh ngạc”, đầy sợ hãi, run rẩy và đầy kinh ngạc. Kinh ngạc: trong trường hợp này là sự sợ hãi xen lẫn vui mừng, khiến họ ngạc nhiên khi thấy tảng đá lớn của ngôi mộ đã bị lăn qua một bên và thấy một chàng trai mặc áo choàng trắng. Thật là ngạc nhiên khi nghe những lời đó: “Các bà đừng sợ: Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiarét chịu đóng đinh, nhưng Người đã sống lại”

...
Chúa Giêsu không phải là một nhân vật lỗi thời. Ngài vẫn sống, ở đây và bây giờ. Ngài đi bên cạnh anh chị em mỗi ngày, trong hoàn cảnh anh chị em đang trải qua, trong thử thách anh chị em đang phải đối diện, trong những giấc mơ mà anh chị em ấp ủ trong lòng.
...
Chúa Giêsu, Chúa Phục sinh, yêu thương chúng ta vô bờ bến và thăm viếng từng hoàn cảnh sống của chúng ta. Ngài hiện diện giữa lòng thế giới và mời gọi chúng ta vượt qua những rào cản, vượt qua những định kiến, đến gần những người xung quanh mỗi ngày, để khám phá lại ân sủng của cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hãy nhận ra Chúa Phục sinh hiện diện trong Galilêa của chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày. Với Ngài, cuộc sống sẽ thay đổi. Bởi vì vượt lên trên mọi thất bại, xấu xa và bạo lực, vượt qua mọi đau khổ và chết chóc, Chúa Phục sinh đang sống và Chúa Phục sinh đang hướng dẫn lịch sử.
Anh chị em thân mến, nếu trong đêm nay, anh chị em mang trong lòng mình một giờ khắc đen tối, một ngày chưa ló rạng, một ánh sáng bị chôn vùi, một giấc mơ tan vỡ, thì hãy đi, hãy mở rộng trái tim của anh chị em với sự ngạc nhiên trước thông điệp của Lễ Phục Sinh: Chúa đã sống lại! Ngài đang đợi anh chị em ở Galilêa. Kỳ vọng của anh chị em sẽ không còn dang dở, nước mắt của anh chị em sẽ được lau khô, nỗi sợ hãi của anh chị em sẽ được vượt qua bằng hy vọng. Bởi vì, anh chị em biết đấy, Chúa luôn đi trước anh chị em, luôn đi trước anh chị em. Và, với Người, cuộc sống luôn bắt đầu lại.” (ĐTC Phanxicô, giảng lễ Vọng Phục Sinh 03/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Thứ Bảy - Tuần Thánh

Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.