Ads 468x60px

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

CỔ VŨ ƠN GỌI (Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân Ngày quốc tế ơn gọi 2020)


“Khi chúng ta sống theo ơn gọi cụ thể của mình, những đầu sóng ngọn gió đó có thể làm chúng ta mất năng lượng. Ở đây cha nghĩ về tất cả những người có trách nhiệm quan trọng với xã hội dân sự, với đôi hôn phối mà cha muốn đề cập, xin không nêu lý do, như là “người can đảm”, và trong cách thế đặc biệt, họ là những người đã chấp nhận cuộc sống tận hiến hoặc chức tư tế. Cha ý thức được công việc khó khăn của bạn, cảm giác cô đơn đôi khi có thể đè nặng lên trái tim các bạn, nguy cơ rơi vào một lối mòn có thể dần khiến ngọn lửa hăng hái trong ơn gọi của chúng ta tắt ngấm đi, gánh nặng của điều không chắc chắn và bất an về thời đại, và lo lắng về tương lai. Cứ yên tâm, đừng sợ!” Chúa Giêsu ở bên cạnh chúng ta, và nếu chúng ta chân nhận Ngài là Chúa của đời ta, Ngài sẽ đưa tay nắm lấy và cứu chúng ta.
Ngay cả giữa vùng tâm bão, sau đó cuộc sống của chúng ta trở nên cởi mở để ngợi ca. Đây là lời cuối cùng trong ơn gọi của chúng ta. Và đó là một lời mời gọi để vun trồng đời sống nội tâm của Đức Trinh Nữ Maria. Biết ơn vì Chúa đã chăm chú đoái nhìn đến Mẹ, trung thành giữa nỗi sợ hãi và hỗn loạn, Mẹ can đảm đón nhận ơn gọi của mình, và biến đời mình thành một bài ca tán dương Thiên Chúa muôn đời.
Các bạn thân mến,
Vào ngày đặc biệt này, cũng là trong đời sống mục vụ bình thường nơi các cộng đoàn, cha đề nghị Giáo Hội tiếp tục cổ võ ơn gọi. Xin Mẹ Maria chạm đến trái tim của các tín hữu, và giúp mỗi người trong số họ, để khám phá với lòng biết ơn lời mời gọi của Chúa trong cuộc sống của họ, để tìm được sự can đảm nhằm nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa, để vượt qua mọi mệt nhọc, nhờ đức tin vào Chúa Kitô, và hãy làm cho cuộc sống của họ thành khúc ca ngợi khen Chúa, cho anh chị em của họ và cho cả thế giới. Xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.” (Sứ điệp ĐTC Phanxicô nhân Ngày quốc tế ơn gọi 2020)
Đọc tiếp »

SUY NIỆM (ĐTC Phanxicô, 28/04/2021)


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Hôm nay chúng ta sẽ nói về hình thức cầu nguyện gọi là suy niệm. Đối với một Kitô hữu, “suy niệm” là tìm kiếm ý nghĩa: nó ngụ ý đặt mình trước trang sách Mạc Khải mênh mông để cố gắng biến nó thành của riêng chúng ta, mặc lấy nó một cách trọn vẹn. Và người Kitô hữu, sau khi đã đón nhận Lời Chúa, không giữ kín Lời Chúa ở trong mình, bởi vì Lời ấy phải được “một cuốn sách khác” gặp gỡ, điều mà Sách Giáo lý gọi là “sách sự sống” (số 2706). Đây là điều chúng ta cố gắng làm mỗi khi suy niệm Lời Chúa...
Ở đây, ta thấy hình ảnh của những người trẻ và người lớn đang ngồi suy niệm, trong im lặng, nhắm mắt... Nhưng những người này làm gì, chúng ta dám hỏi thế? Họ suy niệm. Đó là một hiện tượng cần được nhìn một cách thiện cảm: thực thế, chúng ta không được tạo dựng để lúc nào cũng chạy nhẩy, chúng ta có một đời sống nội tâm không thể luôn luôn bị làm ngơ. Suy niệm vì vậy là nhu cầu của tất cả mọi người. Có thể nói, suy niệm cũng giống như dừng lại và hít thở trong cuộc sống. Dừng lại và tĩnh lặng...
Nếu kinh nghiệm cầu nguyện mang lại cho chúng ta sự bình an nội tâm, hoặc khả năng làm chủ bản thân, hoặc sự rõ ràng về con đường phải đi, thì người ta có thể nói, những kết quả này là hậu quả ơn thánh của lời cầu nguyện Kitô giáo, vốn là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu. Nghĩa là, việc suy niệm đồng nghĩa với việc đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong chúng ta, như cụm từ trong Kinh thánh từng nói...
Và việc suy niệm Kitô giáo, được Chúa Thánh Thần dẫn dắt, dẫn chúng ta vào cuộc đối thoại này với Chúa Giêsu. Không có trang nào trong Tin Mừng mà không có chỗ cho chúng ta. Đối với Kitô hữu chúng ta, suy niệm là một cách để tiếp xúc với Chúa Giêsu. Và bằng cách này, chỉ bằng cách này, chúng ta mới khám phá ra chính mình. Và đây không phải là một sự rút lui vào chính chúng ta, không, không: nó có nghĩa là đi gặp Chúa Giêsu, và từ Chúa Giêsu, khám phá ra bản thân mình, được chữa lành, sống lại, mạnh mẽ bởi ơn thánh của Chúa Giêsu. Và gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Rỗi của tất cả mọi người, bao gồm cả tôi. Và điều này, nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 28/04/2021)
Đọc tiếp »

Thứ hai, Tuần III- Mùa PS



Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2022

BIỂN HỒ TIBÊRIA


Một lần nữa, Phúc Âm hôm nay, CN 3 Phục Sinh năm C kể lại Chúa Phục Sinh đứng ở bờ biển hồ Tibêria, còn gọi là Biển Hồ Galilê hay Gênêzarét, Chúa cho các ông mẻ cá lạ lùng sau khi vất vả cả đêm mà không được con cá nào, Chúa dọn sẵn bánh cho các ông ăn, rồi Chúa hỏi Phêrô ba lần con có yêu mến Thầy không…
Chúng ta cùng nhìn biển hồ này, là hồ nước ngọt lớn nhất Israel (hình chụp năm 2014)… Chúa Phục Sinh vẫn tiếp tục hỏi chúng ta “con có yêu mến Thầy không?”, và như Phêrô, chúng ta đáp lại: “Lạy Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”…
Đọc tiếp »

MARIA-NGÔI SAO TÂN PHÚC ÂM HÓA (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy)

1-“Ngôi Sao của cuộc tân Phúc Âm hóa” chính là danh xưng mới ĐTC Phanxicô gọi Đức Maria trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (NVTM), số 287. Tháng 5 kính Đức Mẹ, hành hương về Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, đọc kinh liên gia ở giáo họ-giáo xứ, cầu nguyện bằng kinh Mân Côi trong nhà chung với nhau, hay riêng tư một mình, lúc phải di dân làm ăn xa nhà… chúng ta dâng công cuộc Phúc Âm hóa đời sống gia đình của Việt Nam, và tân Phúc Âm hóa thế giới cho “Mẹ là Ngôi Sao sáng”…
2-“Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh truyền giáo, không có Mẹ chúng ta sẽ không bao giờ thực sự hiểu rõ tinh thần của cuộc tân Phúc Âm hóa.” (NVTM-số 284). Xin Mẹ giúp chúng con hiểu rõ Tin Mừng vẫn là một, là chính Đức Kitô hôm qua hôm nay và mãi mãi, nhưng việc loan báo Tin Mừng, việc giới thiệu Đức Kitô cho thế giới và môi trường ngày nay cần làm mới lại. Làm mới lại lòng nhiệt thành của chúng con, làm mới lại phương cách thông truyền sứ điệp muôn thuở cho một thế giới đang thờ ơ Thiên Chúa, và nhất là làm mới lại đời sống cá nhân và gia đình của chúng con để có thể diễn tả tình yêu Chúa…
3-“Là người đã đem Chúa Giêsu vào thế gian với một đức tin tuyệt vời, Mẹ Maria cũng đồng hành với những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu.” (NVTM-285) Chúng con cậy trông Mẹ luôn đồng hành với những ai đang thao thức và nỗ lực đem Chúa đến cho người khác như Mẹ. Chúng con xin Mẹ giúp sức cho chúng con có đức tin mạnh mẽ hơn, sống gắn bó và trung thành hơn với giới răn của Chúa, và làm cho Lời Đức Kitô sinh hoa kết quả trong đời sống chúng con…
4-ĐTC Phanxicô gọi Đức Maria với danh xưng mới nữa là : “Mẹ của Tin Mừng sống” (Mother of the living Gospel) (NVTM.287). Xin Mẹ của Tin Mừng sống giúp chúng con sống Tin Mừng! “Phúc Âm hóa” tha nhân và môi trường, phải khởi đầu từ Phúc Âm hóa bản thân và gia đình. Loan báo Tin Mừng chỉ có thể thực hiện được khi ai đó và gia đình nào thấm nhuần Tin Mừng. Tin Mừng không dừng lại ở bản văn bốn Phúc Âm, mà chính là Đức Kitô-con người sống động ngày nào. Sống Tin Mừng không chỉ đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, mà nhất là làm cho lời rao giảng, đời sống của Đức Kitô được thể hiện trong chính mình, nơi gia đình mình. Nếu ai và gia đình nào làm cho lương dân thấy được những giá trị Tin Mừng qua đời sống của họ, thì chính người ấy, gia đình ấy, trở thành cuốn Tin Mừng sống động mà người ta không đọc bằng chữ viết, nhưng bằng nhìn ngắm chứng nhân…
5-“Công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh có phong cách “Maria” (NVTM.288) Đức Mẹ làm gì để loan báo Tin Mừng mà nay Hội Thánh cần theo phong cách ấy? ĐTC đương nhiệm triển khai trong NVTM số cuối này : “Chiêm ngắm Đức Maria, chúng ta nhận ra rằng ngài từng là người ca ngợi Thiên Chúa (Lc 1, 52)… Chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa trong thế giới chúng ta”. Noi gương Mẹ, ta phải biết ca ngợi Chúa trong thế giới có khuynh hướng “vô thần”, lạnh nhạt với Thiên Chúa, qui nhân (mọi sự do con người mà thôi) mà không biết “hướng thần” tức hướng về Chúa. Đánh mất Thiên Chúa trong tư tưởng, niềm tin, đời sống là đánh mất tất cả. Nhìn nhận có Chúa, biết tạ ơn Chúa mới có thể khởi đầu cho hạt giống Tin Mừng bén rễ…Tân Phúc Âm hóa là làm mới lại mối tương quan với Chúa nơi ta, nơi người thân trong gia đình mình, nơi tha nhân và cho xã hội...
6-Đức Mẹ “cẩn thận ghi nhớ mọi kỷ niệm trong lòng” (Lc 2, 19). Người ta nhận định thế hệ trẻ ngày nay sao mà dốt lịch sử quá. Phải chăng đó là khuynh hướng sống lao mình về phía trước mà quên quá khứ?... Quá khứ có giá trị của nó, nhất là khi được nhìn trong niềm tin quan phòng. Ta cần biết dừng lại suy tư trong Chúa như Mẹ. Mẹ nhận ra bàn tay an bài kỳ diệu của Chúa nơi gia đình Nadarét và suốt chiều dài lịch sử cứu độ mà Mẹ vinh dự hiệp công... Noi gương Mẹ, ta hướng về tương lai Chúa đang dẫn lối, nhưng vẫn biết trân trọng, hoài niệm những giá trị của quá khứ, những bài học của lịch sử, kể cả gian lao và thất bại, làm hành trang cho việc loan báo Tin Mừng. Nhà truyền giáo mới phải biết “ôn cố tri tân”…
7- Đức Mẹ “là người nữ cầu nguyện và lao động… ra đi để phục vụ người khác” (Lc 1, 39). Mẹ dung hòa cách hoàn hảo giữa chiêm niệm và làm việc. Mẹ hướng việc làm của mình ưu tiên trợ giúp tha nhân… Cuộc sống tốc độ, làm và làm, chỉ nên làm… đưa con người quay cuồng trong sản xuất, kinh doanh, học hành, nghiên cứu, di chuyển, vận hành liên tục… Noi gương Mẹ và nhờ Mẹ, ta cần biết cân đối lại nhịp sống bản thân, gia đình giữa cầu nguyện và lao động, giữa việc làm và việc lành. Việc lành là việc dành cho Chúa, xây dựng mối tương quan với Chúa, tâm sự với Chúa và góp phần xây dựng Hội Thánh. Việc lành cũng là dùng việc làm của ta sinh ích cho tha nhân: bác ái. Tân Phúc Âm hóa là làm mới lại nhịp sống hiện tại của ta và gia đình ta, cáng cân việc làm và việc lành sao đừng chao đảo, nhưng thăng bằng… Mến chúc Hội Đồng Mục Vụ và Ban Đại Diện các đoàn thể, hăng say làm việc lành trong nhiệm kỳ mới…
8-Cùng với ĐTC Phanxicô và theo lời kinh của ngài, chúng ta cầu nguyện với Mẹ Maria-Ngôi Sao tân Phúc Âm hóa:
“Maria, Trinh Nữ, Mẹ dấu yêu,
-Bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã đón nhận Lời Hằng Sống… Xin giúp chúng con thưa “vâng” trước tiếng gọi ngày càng cấp bách để đi rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu…
-Tràn ngập sự hiện diện của Chúa Giêsu, Mẹ đem niềm vui đến cho Gioan Tẩy Giả…
Nay xin Mẹ nguyện giúp cầu thay, cho chúng con đầy nhiệt huyết mới, bắt nguồn từ sự phục sinh của Chúa, để chúng con đem đến mọi người Tin Mừng của sự chiến thắng tử thần. Xin cho chúng con lòng can đảm thánh thiện, biết tìm ra lối đi mới, đem quà tặng của cái đẹp không phai đến được với mọi người…
-Xin Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Âm hóa, giúp chúng con thành chứng nhân rạng rỡ, cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui Tin Mừng chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới… Amen.” (NVTM.288)
Mũi Né 11.04.2014
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Đọc tiếp »

LAO ĐỘNG (ĐTC Phanxicô, 01/05/2020)


“Hôm nay, là ngày lễ thánh Giuse thợ, cũng là Ngày Lao Động, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các công nhân. Cho tất cả mọi người. Xin cho đừng ai bị mất công ăn việc làm và mọi người đều được trả lương xứng đáng và có thể tận hưởng phẩm giá của công việc và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi...
Lao động là điều khiến con người giống với Thiên Chúa, bởi vì với lao động, con người là người sáng tạo, anh ta có thể tạo ra nhiều thứ, thậm chí là tạo ra một gia đình để tiến về phía trước. Con người là một chủ thể sáng tạo và thăng tiến với công việc. Đây là một ơn gọi. Và Kinh thánh nói rằng “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp”. Như thế, lao động có sự tốt đẹp bên trong nó và tạo ra sự hài hòa của mọi thứ - vẻ đẹp, sự tốt lành - và liên quan đến con người trong mọi thứ: trong suy nghĩ, trong hành động, mọi thứ. Con người tham gia làm việc. Lao động là ơn gọi đầu tiên của con người. Và điều này mang lại phẩm giá cho con người. Nhân phẩm làm cho con người trông giống như Thiên Chúa. Đó là phẩm giá của lao động...
Hai tháng trước, tôi nghe một doanh nhân ở Ý nói qua điện thoại xin tôi cầu nguyện cho anh ta vì anh ta không muốn sa thải bất cứ ai và anh ta nói: “Bởi vì sa thải một ai trong số họ là sa thải chính con”. Nhận thức này của nhiều doanh nhân giỏi, những người giữ bằng được các công nhân như thể họ là bằng hữu hay con em mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Và chúng ta hãy xin Thánh Giuse - với hình ảnh đang mang các công cụ làm việc trong tay rất đẹp này - giúp chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của lao động, cho mọi người có công ăn việc làm, và là một công việc xứng đáng. Cầu xin cho không còn cảnh nô lệ có thể là lời cầu nguyện ngày hôm nay trên thế giới.” (ĐTC Phanxicô, 01/05/2020)
Đọc tiếp »

ƠN GỌI (ĐTC Phanxicô, sứ điệp Ngày quốc tế ơn gọi 2020)


“Mỗi ơn gọi đều kéo theo trách nhiệm. Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta vì Ngài muốn cho phép chúng ta, như Phêrô, đi trên mặt nước. Nói cách khác, Chúa gọi để ta đón lấy nhiệm vụ trong cuộc sống của ta, và dành đời ta để phục vụ Tin Mừng, theo những cách cụ thể hàng ngày mà Ngài chỉ cho chúng ta, đặc biệt trong những hình thức khác nhau của ơn gọi: giáo dân, linh mục và thánh hiến. Tuy nhiên, giống Phêrô, khao khát và nhiệt huyết của chúng ta cùng tồn tại với những thất bại và nỗi sợ hãi của ta.
Nếu chúng ta để mình bị ám ảnh bởi những trách nhiệm đang chờ đợi ta, dù trong đời sống hôn nhân hay chức vụ linh mục, hay bởi lòng nhiều phiền muộn, thì chúng ta sẽ sớm khước từ ánh mắt của Chúa Giêsu. Và như Phêrô, chúng ta sẽ bắt đầu chìm. Dù yếu đuối và nghèo khó, đức tin cho phép chúng ta bước về phía Chúa Phục Sinh, và vượt qua mọi giông bão. Bất cứ khi nào mệt mỏi, hoặc sợ hãi làm cho chúng ta bắt đầu chìm xuống, Chúa Giêsu đều đưa tay đón lấy ta. Ngài ban cho chúng ta sự nhiệt huyết mà chúng ta cần, để sống ơn gọi của mình với niềm vui và lòng hăng say.” (ĐTC Phanxicô, sứ điệp Ngày quốc tế ơn gọi 2020)
Đọc tiếp »

Trích bài chú giải của thánh Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri-a, về thư gửi tín hữu Rô-ma :


“Theo lời Kinh Thánh, chúng ta tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể, và là những bộ phận có liên đới với nhau, vì Đức Ki-tô đã nối kết chúng ta nên một bằng mối dây đức ái : Chính Người là Đấng đã liên kết đôi bên thành một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, và huỷ bỏ Luật Cũ gồm các điều răn và giới luật.
Vậy tất cả chúng ta phải có chung một cảm nghĩ đối với nhau : nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau ; nếu một bộ phận nào được vẻ vang thì mọi bộ phận cũng vui chung.
Thánh Phao-lô nói tiếp : Vậy anh em hãy đón nhận nhau như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa. Nếu muốn có chung một cảm nghĩ, chúng ta hãy đón nhận nhau, hãy mang gánh nặng cho nhau, và duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.
Thiên Chúa cũng đã đón nhận chúng ta như thế trong Đức Ki-tô. Chính Đức Ki-tô là Đấng chân thật đã nói : Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con của Người cho chúng ta. Thật vậy, Người Con ấy đã bị nộp làm giá chuộc cho tất cả chúng ta được sống, và chúng ta đã được giải thoát khỏi tử thần, được cứu chuộc khỏi cái chết và tội lỗi...”
Đọc tiếp »

CHÚA NHẬT III- Mùa PS



Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2022

HÃY CHỮA LÀNH THƯƠNG ĐAU… (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)


“Câu chuyện của Thánh Tôma trên thực tế là câu chuyện của mọi tín hữu. Có những lúc khó khăn khi cuộc sống tưởng chừng như phủ nhận niềm tin, có những lúc khủng hoảng khi chúng ta cần phải chạm vào và nhìn thấy. Giống như Tôma, chính trong những giây phút đó, chúng ta khám phá lại thánh tâm Chúa Kitô, lòng thương xót của Chúa. Trong những tình huống đó, Chúa Giêsu không đến gần chúng ta trong sự đắc thắng và với những bằng chứng choáng ngợp. Ngài không thực hiện những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng thay vào đó Chúa Giêsu cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu ấm lòng về lòng thương xót của Ngài. Người an ủi chúng ta giống như cách Người đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay: Người đem đến cho chúng ta những dấu chỉ ấm áp của lòng thương xót. Chúng ta không được quên sự thật này. Để đáp lại tội lỗi của chúng ta, Chúa luôn hiện diện để ban cho chúng ta những vết thương của Người. Trong thừa tác vụ của chúng ta với tư cách là người giải tội, chúng ta phải cho dân chúng thấy rằng giữa tội lỗi của họ, Chúa đã ban vết thương của Người cho họ. Những vết thương của Chúa mạnh hơn tội lỗi.
Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhìn thấy những vết thương của anh chị em chúng ta. Giữa những khủng hoảng và khó khăn của chính chúng ta, lòng thương xót Chúa thường làm cho chúng ta ý thức được những đau khổ của người lân cận. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang trải qua những nỗi đau không thể chịu đựng được và những tình huống đau khổ, và chúng ta đột nhiên phát hiện ra rằng những người xung quanh chúng ta đang âm thầm chịu đựng những điều thậm chí còn tồi tệ hơn. Nếu chúng ta quan tâm đến những vết thương của người lân cận và đổ lên trên họ sự thương xót, chúng ta thấy được tái sinh trong chúng ta một niềm hy vọng có thể an ủi chúng ta trong sự mệt mỏi của chúng ta.
Chúng ta hãy tự hỏi mình liệu chúng ta có muộn màng trong việc giúp ai đó đang đau khổ về tinh thần hay thể xác; liệu chúng ta đã mang lại sự bình yên cho ai đó đang đau khổ về thể xác hay tinh thần; liệu chúng ta có dành một khoảng thời gian để lắng nghe, hiện diện hay mang lại cảm giác thoải mái cho người khác. Vì bất cứ khi nào chúng ta làm những điều này, chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Từ con mắt của tất cả những người đang bị đè nặng bởi những thử thách của cuộc sống, Ngài nhìn ra chúng ta với lòng thương xót và nói: Bình an cho anh em! Về vấn đề này, tôi nghĩ đến sự hiện diện của Đức Mẹ với các thánh Tông đồ. Tôi cũng nhắc lại rằng chúng ta kính nhớ Mẹ là Mẹ của Giáo Hội vào ngày sau Lễ Hiện Xuống; và kính nhớ Mẹ là Mẹ của Lòng Thương Xót vào Thứ Hai sau Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Mong Đức Mẹ giúp chúng ta tiến lên trong thánh chức của mình.” (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)
Đọc tiếp »

KINH MÂN CÔI: Kể lại câu chuyện Chúa Giêsu (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy)

-Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu định hướng loan báo Tin Mừng hay dạy giáo lý theo cách thức Á châu là “Kể lại câu chuyện Chúa Giêsu”. Lời Chúa, nhất là Tin Mừng là nguồn mạch, là “linh hồn của việc dạy giáo lý”.
Hướng dẫn Tổng quát dạy giáo lý của Bộ Giáo Sĩ dạy: “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”.
Tất cả các hoạt động loan báo Tin Mừng phải nhằm giúp cho việc hiệp thông với Đức Kitô.” (số 80)
-Kinh Mân Côi được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là “Bản tóm lượt Tin Mừng.” Xưa, người ta coi lần hạt là việc sùng kính Đức Mẹ, không phù hợp thực hiện trong giờ chầu Thánh Thể, nay nó được khuyến khích vì lần chuỗi Mân Côi còn là “Tưởng nhớ Đức Kitô với Mẹ Maria” (Tông thư Kinh Mân Côi, số 13) và “Kinh Mân Côi là một trong những con đường truyền thống của lời cầu nguyện Kitô giáo hướng đến việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô.” (sđd, số 18)
-Thánh 5, tháng Hoa kính Đức Mẹ lại đến. Lời kinh Mân Côi được cất lên từ cá nhân, gia đình, liên gia, giáo xứ, Trung Thánh Mẫu Tàpao… nhịp nhàng sốt sắng để tôn kính Đức Mẹ như lòng đạo đức bình dân quen làm. Nhịp sống đạo tháng 5 thử đưa ra một gợi ý Giáo lý (Dự tòng) từ Kinh Mân Côi theo định hướng nêu trên:
I-CHUYỆN KỂ: (Lc 1, 26-56)
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
II-GIÁO LÝ
1. Êlisabet còn gọi là bà Isave vợ tư tế Dacaria, mẹ của thánh Gioan, người cử hành phép rửa tại sông Giođan nên gọi là Tẩy Giả (Gioan Baotixita). Tên khác của ngài là Gioan Tiền Hô vì đi trước hô vang dọn đường cho Chúa đến.
2. Thiên Chúa : Đấng chúng ta tôn thờ, “Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”; “là Cha toàn năng đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”
3. Sứ thần Gabriael : cũng như bao thiên thần là “muôn vật vô hình, là loài thiêng liêng, được dựng nên để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ loài người.” Các ngài bất tử. Thiên thần sa ngã : bất tuân, chống lại Thiên Chúa trở thành ma quỉ còn gọi là Satan.
Mỗi người chúng ta cũng có một thiên thần gìn giữ bảo vệ mình gọi là thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ vào ngày 02.10. Hai Tổng lãnh thiên thần khác Lễ kính cùng lúc với sứ thần Gabriel vào ngày 29.09 là Micael và Raphael.
4. Thánh Giuse: “là người công chính” Chúa chọn làm bạn trăm năm của Đức Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, làm nghề thợ mộc, người Gia trưởng mẫu mực trong gia đình. Ngài có Lễ trọng mừng kính vào ngày 19.03, và Lễ nhớ thánh Giuse thợ vào ngày 01.05. Ngài còn được kính nhớ vào các ngày thứ 4 trong tuần.
5. Đức Maria: “trinh nữ” Dothái, mang thai “bởi phép Chúa Thánh Thần,” sinh ra Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh trọn đời.
6. Giêsu : nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Chúa Giêsu còn gọi là Đức Kitô-Kitô tiếng Hylạp, đồng nghĩa với Messia tiếng Dothái có nghĩa là “được xức dầu”. Thành phần dân Chúa được xức dầu là : vua, tư tế và ngôn sứ (tiên tri). Chúa Giêsu có cả ba vai trò cao cả ấy.
7. Con Đấng Tối Cao : Chúa Giêsu không chỉ “là người thật như ta ngoại trừ tội lỗi”, mà là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật… đồng bản thể với Đức Chúa Cha…” Ngài chính là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu con người tội lỗi. Thánh Gioan viết “Ngôi Lời đã làm người”-tức Lời Chúa trở nên sống động thành một con người cho ta nghe, thấy, chạm đến… Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, nên Đức Maria, còn gọi thân mật là Đức Mẹ, Đức Bà, có đặc ân là Mẹ Thiên Chúa.
8-Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, nên ta tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha-Con-Thánh Thần.
*Phân biệt thái độ kính thờ của chúng ta : Thiên Chúa: tôn thờ-thờ phượng, phụng thờ ; Đức Mẹ: đặc biệt tôn kính trên thiên thần và các thánh ; thiên thần, thánh Isave, thánh Giuse và các thánh: tôn kính.
III-CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, để cứu con người tội lỗi kiêu căng, Chúa đã khiêm tốn hạ mình làm người trong mầu nhiệm nhập thể. Nhờ Đức trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng con, người nữ cao trọng muôn đời khen là diễm phúc, đã khiêm hạ nhận mình là nữ tì của Chúa, xin giúp chúng con biết sống khiêm nhường với Chúa và với anh chị em chúng con.
IV-THỰC HÀNH
1-Làm dấu Thánh Giá tuyên xưng Chúa Ba Ngôi
2-Lần chuỗi : Thứ nhất “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.”
-Hai mươi ngắm Mân Côi : Vui-Sáng-Thương-Mừng chúng ta đã thuộc. Các đoạn Lời Chúa tương ứng cũng không khó tìm để kể lại câu chuyện cuộc đời Chúa Cứu Thế. Bạn hãy kể tiếp những câu chuyện còn lại, và dựa vào đó giới thiệu niềm tin Kitô giáo cho người Á châu theo cách châu Á…
Mũi Né, 12.04.2015
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Đọc tiếp »

HÃY CHUYỂN TỪ “NẾU” THÀNH “VÂNG”… (ĐTC Phanxicô, 26/04/2020)


“... hãy chuyển từ những suy nghĩ về chính bản thân sang thực tại của Thiên Chúa; hãy chuyển từ chữ “nếu” sang chữ “vâng”. Chuyển từ chữ “nếu” sang chữ “vâng” có nghĩa là gì? Phải chi Ngài đã ở đây để giải thoát chúng ta; phải chi Chúa đã lắng nghe tôi; phải chi cuộc sống đã diễn ra như tôi mong muốn; phải chi tôi có thứ này thứ khác... Tất cả những chữ “phải chi” hay những chữ “nếu” ấy gợi lên một giọng điệu phàn nàn. Chữ “nếu” chẳng giúp gì được cho chúng ta, nó không sinh hoa kết quả, nó không giúp được gì cho chúng ta, hay những người khác. Những chữ “nếu” của chúng ta, tương tự như những chữ “nếu” của hai môn đệ, tuy nhiên, các ngài đã vượt qua được nó để có được tiếng “vâng”: “vâng, Chúa vẫn còn sống, Ngài đi bên cạnh chúng tôi”. “Vâng, ngay bây giờ, không chờ đến ngày mai, chúng ta cất bước ngay để loan báo về Ngài”. “Vâng, tôi có thể làm điều này, để mọi người hạnh phúc hơn, để mọi người tốt hơn, để giúp đỡ nhiều người”. “Vâng, vâng, tôi có thể”. Đi từ chữ “nếu” sang chữ “vâng”, là đi từ phàn nàn đến niềm vui và bình an, bởi vì khi chúng ta phàn nàn, chúng ta không có niềm vui; chúng ta ở trong một màu xám, trong một không khí buồn bã xám xịt. Và điều này không giúp đỡ hay làm cho chúng ta phát triển tốt – hãy chuyển từ chữ “nếu” sang chữ “vâng”, từ phàn nàn đến niềm vui phục vụ...” (ĐTC Phanxicô, 26/04/2020)
Đọc tiếp »

BƯỚC VÀO THÁNG ĐỨC MẸ… THƯ VÀ LỜI KINH CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GỬI TOÀN THỂ CÁC TÍN HỮU DỊP THÁNG 5 NĂM 2020 (Bản dịch của Ủy ban Phụng tự - HĐGM VN)


Anh chị em thân mến,
Tháng 5 đang đến, tháng mà dân Thiên Chúa bày tỏ cách đặc biệt tâm tình yêu mến và lòng sùng kính đối với Đức Trinh Nữ Maria. Và truyền thống đạo đức trong tháng này là đọc kinh Mân Côi tại nhà cùng với gia đình. Những hạn chế trong thời gian đại dịch đã giúp chúng ta nhận ra cách rõ nét hơn giá trị của “gia đình”, kể cả trong lãnh vực thiêng liêng.
Vì thế, tôi muốn khuyến khích mọi người tái khám phá nét đẹp của việc cầu nguyện với kinh Mân côi trong tháng 5. Kinh Mân côi có thể đọc chung cũng như đọc riêng; tùy theo hoàn cảnh thực tế, anh chị em có thể chọn cách đọc thuận lợi nhất. Tiêu chuẩn để chọn lựa vẫn là sự đơn giản, và anh chị em có thể dễ dàng tìm thấy trên internet những mẫu cầu nguyện tốt để làm theo.
Tôi cũng soạn hai lời kinh dâng lên Đức Mẹ để anh chị em đọc vào cuối giờ kinh Mân côi, chính tôi sẽ cùng hợp ý với tất cả anh chị em để đọc những lời kinh này trong tháng 5. Cùng với bức thư này, tôi xin gửi hai lời kinh ấy để tất cả mọi người cùng đọc.
Anh chị em thân mến, việc chiêm ngắm khuôn mặt Chúa Kitô và trái tim Mẹ Maria, Mẹ của chúng ta, sẽ liên kết chúng ta cách chặt chẽ hơn trong một gia đình thiêng liêng và sẽ giúp chúng ta vượt qua cơn thử thách này. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, đặc biệt cho những người đau khổ nhất, và xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi. Tôi xin cám ơn và thân ái chúc lành cho anh chị em.
Roma, đền thờ thánh Gioan Lateranô, ngày 25/04/2020
Lễ thánh Marcô, thánh sử
I .
Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn tỏa sáng như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng trên mọi nẻo đường chúng con đi.
Chúng con tín thác vào Mẹ, là Đấng cứu kẻ liệt kẻ khốn, khi đứng bên chân Thánh Giá, Mẹ đã thông dự vào nỗi khổ đau của Chúa Giêsu, và luôn kiên vững đức tin.
Lạy Mẹ là Đấng bảo vệ dân thành Rôma,
Mẹ biết những gì chúng con đang cần, và chúng con biết chính Mẹ sẽ giúp chúng con, như xưa tại Cana xứ Galilê, để niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau cơn thử thách này.
Lạy Mẹ của Tình yêu Thiên Chúa, xin giúp chúng con vâng theo điều Chúa Cha muốn và thực thi điều Chúa Giêsu dạy, vì chính Người đã gánh lấy nỗi thống khổ của chúng con, và mang lấy những đau thương của chúng con, để qua thập giá, Người đưa chúng con đến niềm vui Phục sinh.
Chúng con trông cậy rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ đồng trinh hiển vinh sáng láng, hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ.
II.
“Chúng con trông cậy Rất thánh Đức Mẹ Chúa Trời”.
Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, trong nghịch cảnh này, khi cả thế giới đang sầu khổ âu lo, chúng con chạy đến ẩn náu nơi Mẹ để được chở che.
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin đưa mắt nhân từ nhìn đến chúng con đang trong cơn đại dịch Corona. Xin Mẹ an ủi những người đang khổ đau than khóc thân nhân đã lìa trần, và những khi phải an táng một cách đau đớn hơn. Xin nâng đỡ những ai đang âu lo vì người thân nhiễm bệnh, nhưng không thể ở gần bên để tránh bị lây nhiễm. Xin ban niềm trông cậy cho những người đang khủng hoảng vì một tương lai quá bấp bênh và do hậu quả kinh tế và công việc.
Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa là Cha giàu lòng thương xót, để gánh nặng đau thương này chóng qua, để hy vọng và bình an sớm ló dạng. Như xưa ở Cana, xin Mẹ ngỏ lời với Con chí thánh của Mẹ, để Người ban thêm sức mạnh cho gia đình các bệnh nhân và nạn nhân, để Người mở lòng họ đón nhận niềm tin tưởng cậy trông.
Xin Mẹ bảo vệ các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế và tình nguyện viên, những người đang ở tuyến đầu trong tình trạng khẩn cấp này và đang liều mạng sống của chính mình để cứu mạng người khác. Xin Mẹ đồng hành nâng đỡ những nỗ lực anh hùng của họ, xin ban cho họ nghị lực, lòng quảng đại và được an mạnh.
Xin Mẹ luôn ở gần bên những người đang ngày đêm chăm sóc bệnh nhân, và các linh mục, trong thao thức mục vụ và dấn thân vì Tin Mừng, đang tìm cách trợ giúp và nâng đỡ mọi người.
Lạy Rất Thánh Đồng Trinh, xin soi sáng tâm trí các nhà nghiên cứu khoa học, giúp họ tìm ra những giải pháp hiệu quả để chế ngự mầm bệnh này.
Xin Mẹ trợ giúp các nhà lãnh đạo quốc gia, để họ biết khôn ngoan, ân cần và quảng đại hỗ trợ những ai đang thiếu thốn những gì thiết yếu cho cuộc sống, và biết hoạch định những giải pháp xã hội và kinh tế với tầm nhìn xa rộng và tình liên đới.
Lạy Mẹ Maria rất thánh, xin đánh động lương tâm con người, biết sử dụng ngân sách khổng lồ cho việc đẩy mạnh các công trình nghiên cứu thích hợp để ngăn ngừa những thảm họa tương tự trong tương lai thay vì sử dụng để cải tiến và tăng cường các loại vũ khí.
Lạy Mẹ dấu yêu, xin cho chúng con nhận thức rằng tất cả mọi người đều thuộc về một đại gia đình duy nhất, nhận ra mối dây liên kết chúng con, để với tinh thần huynh đệ và liên đới, chúng con có thể giúp đỡ cho biết bao người còn đang sống trong túng nghèo khốn khổ. Xin Mẹ giúp chúng con luôn giữ vững đức tin, kiên trì phục vụ và liên lỉ cầu nguyện.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Đấng an ủi kẻ âu lo, xin Mẹ ấp ủ đoàn con của Mẹ đang trong cơn gian nan khốn khó, xin Mẹ cầu cùng Chúa dang cánh tay uy quyền để giải thoát chúng con khỏi cơn đại dịch kinh hoàng này, để cuộc sống của chúng con được trở lại bình thường trong an lành.
Chúng con tin cậy nơi Mẹ, Mẹ luôn tỏa sáng như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng trên mọi nẻo đường chúng con đi, ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
Bản dịch của Ủy ban Phụng tự - HĐGM VN
Đọc tiếp »

CHỨNG NHÂN TIN MỪNG… (ĐTC Phanxicô, 30/04/2020)


“Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã khuất, những người đã chết vì đại dịch; và đặc biệt những người quá cố vô danh mà chúng ta đã thấy qua những bức ảnh các ngôi mộ tập thể...
“Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy”. Chúa Giêsu nhắc nhớ rằng ngay cả các tiên tri cũng đã báo trước điều này: “Và tất cả sẽ được Thiên Chúa hướng dẫn”. Chính Thiên Chúa thu hút người ta đến chỗ nhận biết Chúa Giêsu. Không có sự thu hút này, người ta không thể biết Chúa Giêsu. Vâng, người ta có thể học, thậm chí học Kinh Thánh, thậm chí có thể biết rõ Người được sinh ra như thế nào, và Người đã làm gì. Nhưng sự hiểu biết từ bên trong, sự thấu hiểu mầu nhiệm Chúa Kitô chỉ dành cho những người được Chúa Cha lôi cuốn...
Bạn sẽ làm gì trong sứ vụ truyền giáo?” - “ Tôi à, tôi sẽ cải đạo người ta” - “Nhưng dừng lại, bạn sẽ không cải đạo được bất cứ ai trừ khi Chúa Cha lôi cuốn tâm hồn họ nhận biết Chúa Giêsu”. Truyền giáo là đưa ra chứng tá đức tin của mình, không có chứng tá, anh chị em sẽ không làm được gì cả. Truyền giáo không có nghĩa là xây dựng các công trình to lớn, có đủ mọi thứ và dừng lại như thế. Không: các cấu trúc phải đi kèm với các chứng tá chân thực. Anh chị em có thể xây một bệnh viện, hình thành các cấu trúc giáo dục hoàn hảo tuyệt vời, phát triển vĩ đại, nhưng nếu một cấu trúc không có chứng tá Kitô thì đó không phải là việc rao giảng chân thực về Chúa Giêsu: đó chỉ là công việc bác ái xã hội rất tốt ! - nhưng không có gì hơn...
Công việc của chúng ta là làm chứng. Trong công cuộc truyền giáo, chỉ đơn giản là dạy hoặc hướng dẫn mọi người về những chân lý đức tin thôi thì không đủ. Để trở thành một lời loan báo thực sự, chúng ta phải làm chứng trong cuộc sống của chính mình, và như thế là tạo điều kiện cho Chúa Cha lôi kéo mọi người đến với Chúa Kitô...” (ĐTC Phanxicô, 30/04/2020)
Đọc tiếp »

Thứ bảy, Tuần II- Mùa PS



Đọc tiếp »

KHÍ CỤ BÌNH AN CỦA CHÚA (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)


“Bình an cho anh em! Chúa nói những lời này lần thứ hai và nói thêm, “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Lc 20,22). Sau đó, Ngài ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần để biến họ thành những tác nhân của sự hòa giải: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (câu 23). Không chỉ các môn đệ nhận được lòng thương xót; họ trở thành người phân phát lòng thương xót mà chính họ đã nhận được. Họ nhận được sức mạnh này không phải do công lao hay sự học tập của họ, mà là một món quà thuần túy của ân sủng, tuy nhiên điều ấy dựa trên kinh nghiệm của họ về việc bản thân họ đã được tha thứ.
Bây giờ tôi đang nói với anh em, những nhà truyền giáo của lòng thương xót: nếu anh em không cảm thấy được tha thứ, đừng thực hiện công việc của mình như một nhà truyền giáo của lòng thương xót cho đến khi anh em cảm nhận được sự tha thứ đó. Lòng thương xót mà chúng ta đã nhận được cho phép chúng ta phân phát rất nhiều lòng thương xót và sự tha thứ. Ngày nay và mọi ngày, trong Giáo hội, sự tha thứ phải được đón nhận theo cùng một cách tương tự như vậy, qua lòng nhân hậu khiêm nhường của một người giải tội nhân từ, người coi mình không phải là người nắm giữ quyền lực nào đó nhưng là một kênh của lòng thương xót, người ban cho người khác sự tha thứ mà bản thân người ấy nhận được trước đó. Từ đó nảy sinh khả năng tha thứ mọi thứ vì Chúa luôn tha thứ mọi thứ. Chúng ta là những người mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ nhưng Ngài luôn tha thứ. Anh em phải là kênh của sự tha thứ đó thông qua kinh nghiệm của chính anh em về việc được thứ tha. Không cần phải làm khổ các tín hữu khi đến với Tòa Giải tội. Cần phải hiểu hoàn cảnh của họ, lắng nghe, tha thứ và đưa ra lời khuyên tốt để họ có thể tiến lên. Chúa tha thứ mọi thứ và chúng ta không được đóng cánh cửa đó lại với con người.
“Nếu anh em tha thứ tội lỗi cho ai, người ấy sẽ được tha thứ họ”. Những từ này là nguồn gốc của Bí tích Hòa giải, nhưng không chỉ như thế. Chúa Giêsu đã biến toàn thể Giáo hội trở thành một cộng đoàn lan tràn lòng thương xót, một dấu chỉ và khí cụ hòa giải cho toàn thể nhân loại. Anh chị em, mỗi người chúng ta, khi rửa tội, đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần để trở thành người nam hay người nữ của sự hòa giải.
Bất cứ khi nào chúng ta trải nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi gánh nặng tội lỗi và thất bại của mình; Bất cứ khi nào chúng ta biết tận mắt ý nghĩa của việc tái sinh sau một tình huống tưởng chừng như vô vọng, chúng ta cảm thấy cần phải chia sẻ tấm bánh của lòng thương xót với những người xung quanh. Chúng ta hãy cảm thấy được kêu gọi đến điều này. Và chúng ta hãy tự hỏi: ở nhà, trong gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng của tôi, tôi có nuôi dưỡng tình hiệp thông không? Tôi có phải là người kiến tạo hòa bình, hòa giải không? Tôi có cam kết xoa dịu xung đột, mang lại sự tha thứ thay cho hận thù, và hòa bình thay cho oán hận không? Tôi có tránh làm tổn thương người khác bằng cách không nói chuyện phiếm không? Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành chứng nhân của Người trước thế giới với những lời đó: Bình an cho anh em!” (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA CHO TA NIỀM VUI ĐƯỢC THA THỨ (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)


“Thứ nhất, lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho chúng ta niềm vui, một niềm vui đặc biệt, niềm vui khi biết rằng chúng ta đã được tha thứ một cách nhưng không.
Vào buổi tối Lễ Phục Sinh, các môn đệ nhìn thấy Chúa Giêsu và nghe Ngài nói lần đầu tiên: “Bình an cho anh em”, họ vui mừng (Ga 20,20). Họ bị

nhốt sau những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi; nhưng họ cũng tự khép vào chính mình, bị đè nặng bởi cảm giác thất bại. Họ là những môn đệ đã bỏ Thầy mình; tại thời điểm Thầy bị bắt, họ đã bỏ chạy. Thánh Phêrô thậm chí đã chối Thầy ba lần, và một trong số họ - một trong số họ! - đã phản bội Ngài. Họ có lý do chính đáng để cảm thấy không chỉ sợ hãi mà còn vô dụng; họ đã thất bại. Trong quá khứ, chắc chắn, họ đã có những lựa chọn can đảm. Họ đã theo Thầy với lòng nhiệt thành, tận tâm và quảng đại. Vậy mà cuối cùng, mọi thứ đã diễn ra quá nhanh. Sự sợ hãi đã chiếm ưu thế và họ đã phạm tội lớn: họ đã bỏ mặc Chúa Giêsu vào giờ phút bi thảm nhất của Ngài. Trước Lễ Phục sinh, họ đã nghĩ rằng họ đã được tiền định cho sự vĩ đại; họ tranh luận về việc ai sẽ là người lớn nhất trong số họ… Bây giờ họ đã chạm đến bùn đen.
Trong bầu không khí này, lời đầu tiên họ nghe thấy, “Bình an cho anh em!” Các môn đệ lẽ ra phải cảm thấy xấu hổ, nhưng họ lại vui mừng. Tại sao? Thưa: Bởi vì nhìn thấy khuôn mặt và nghe lời chào của Chúa Giêsu, họ đã hướng sự chú ý của họ ra khỏi họ và hướng về Ngài. Như Phúc Âm cho chúng ta biết, “các môn đệ vui mừng khi được nhìn thấy Chúa” (câu 20). Họ được đưa ra khỏi bản thân mình, cũng như những thất bại của họ, và bị thu hút bởi ánh mắt của Ngài, ánh mắt không phải nghiêm khắc mà là ánh mắt xót thương. Chúa Giêsu Kitô không khiển trách họ về những gì họ đã làm, nhưng cho họ thấy lòng nhân hậu thường hằng của Ngài. Và điều này làm họ hồi sinh, lấp đầy trái tim họ với sự bình yên mà họ đã đánh mất và khiến họ trở thành những con người mới, được thanh lọc bởi một sự tha thứ hoàn toàn không đáng có.
Đó là niềm vui mà Chúa Giêsu mang lại. Đó là niềm vui mà chúng ta cũng cảm nhận được mỗi khi chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Ngài. Bản thân chúng ta biết những môn đệ đó đã cảm thấy gì vào Lễ Phục sinh, qua những sai sót, tội lỗi và thất bại của chính chúng ta. Những lúc như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng không thể làm được gì. Tuy nhiên, đó chính xác là khi Chúa làm mọi thứ. Ngài ban cho chúng ta sự bình an của Ngài, qua một lời xưng thú chân thành, qua lời nói của một người gần gũi chúng ta, qua sự an ủi bên trong của Thánh Linh, hoặc qua một số sự kiện bất ngờ và đáng ngạc nhiên…
Bằng nhiều cách thế đa dạng, Thiên Chúa cho thấy rằng Ngài muốn làm cho chúng ta cảm nhận được sự bao bọc của lòng thương xót của Ngài, niềm vui được sinh ra khi nhận được “sự tha thứ và hòa bình”. Niềm vui Chúa ban quả thực được sinh ra từ sự tha thứ. Niềm vui ấy mang đến cho chúng ta an bình. Đó là niềm vui nâng chúng ta lên, mà không làm chúng ta bẽ mặt. Cứ như thể Chúa không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những lần chúng ta nhận được sự tha thứ và bình an của Chúa Giêsu. Mỗi người trong chúng ta đã nhận được; mỗi người trong chúng ta đã có kinh nghiệm đó. Thật tốt cho chúng ta khi nhớ lại những khoảnh khắc đó. Chúng ta hãy đặt ký ức về vòng tay ấm áp của Chúa lên trước ký ức về những sai lầm và thất bại của chính chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ phát triển trong niềm vui. Mọi thứ sẽ không giống như trước, đối với bất cứ ai đã cảm nghiệm được niềm vui của Thiên Chúa! Đó là một niềm vui biến đổi chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 24/04/2022)
Đọc tiếp »

Thứ sáu, Tuần II- Mùa PS



Đọc tiếp »

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Thứ năm, Tuần II- Mùa PS



Đọc tiếp »

HIỆP HÀNH

Hôm nay quí cha nhóm thụ phong linh mục năm 2000 họp mặt hiệp hành tại nhà xứ Cù Mi. GẶP GỠ - LẮNG NGHE - PHÂN ĐỊNH. Nguyện Chúa Phục Sinh đồng hành với giáo xứ và giáo phận chúng con.






Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.