Ads 468x60px

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

TÌNH YÊU TRAO BAN (ĐTC Phanxicô, 14/03/2021)


“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người” (Ga 3,16). Đây là trọng tâm của Tin Mừng; đây là nguồn vui của chúng ta. Sứ điệp Tin Mừng không phải là một ý tưởng hay một học thuyết nhưng là chính Chúa Giêsu: Người Con mà Chúa Cha đã ban cho chúng ta để chúng ta được sống. Nguồn gốc của niềm vui của chúng ta không phải là một lý thuyết đáng yêu nào đó về

cách tìm thấy hạnh phúc, mà là một trải nghiệm thực tế khi được đồng hành và yêu thương trong suốt hành trình của cuộc đời. “Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Ngài”. Thưa anh chị em, chúng ta hãy lắng nghe hai suy nghĩ này một chút: “Chúa quá yêu” và “Chúa đã ban cho”...
Thiên Chúa đã “ban” Con Ngài. Chính vì quá yêu chúng ta, nên Chúa đã trao ban chính Người; Ngài dâng hiến cho chúng ta cuộc sống của mình. Những người yêu luôn đi ra khỏi bản thân. Đừng quên điều này: những người yêu thương ra khỏi bản thân mình. Đức mến luôn hiến thân, cho đi, làm hao mòn chính mình. Đó là sức mạnh của tình yêu: nó phá vỡ lớp vỏ ích kỷ của chúng ta, thoát ra khỏi các khu vực an ninh được xây dựng cẩn thận của chúng ta, phá bỏ các bức tường và vượt qua nỗi sợ hãi, để cho đi chính mình cách nhưng không. Đó là những gì tình yêu làm: trao đi chính mình. Và đó là cách thức của những người yêu nhau: họ thích mạo hiểm trao ban bản thân hơn là giữ gìn bản thân. Đó là lý do tại sao Chúa đến với chúng ta: bởi vì Ngài “quá yêu” chúng ta. Tình yêu của Người quá lớn nên Người không thể không trao thân cho chúng ta. Khi dân chúng bị rắn độc tấn công trong sa mạc, Thiên Chúa bảo ông Môisê làm con rắn bằng đồng. Tuy nhiên, nơi Chúa Giêsu, được tôn vinh trên thập tự giá, chính Ngài đã đến để chữa lành nọc độc của sự chết cho chúng ta; Ngài đã trở thành tội lỗi để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Thiên Chúa không yêu chúng ta bằng lời nói: Người ban Con của Người cho chúng ta, để ai nhìn vào Người và tin vào Người, thì được cứu độ (x. Ga 3,14-15).
Càng yêu nhiều, chúng ta càng có khả năng cho đi. Đó cũng là chìa khóa để chúng ta hiểu được cuộc sống của mình. Thật tuyệt vời khi gặp gỡ những người yêu thương nhau và chia sẻ cuộc sống của họ trong tình yêu thương. Chúng ta có thể nói về họ những gì chúng ta nói về Thiên Chúa: họ yêu nhau đến mức hiến dâng mạng sống của mình. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta có thể tạo ra hay tích lũy được, chính tình yêu mới là điều giúp chúng ta có thể trao ban.” (ĐTC Phanxicô, 14/03/2021)
Đọc tiếp »

Thứ ba, Tuần II - MC



Đọc tiếp »

CHÚA ĐƯA TA LÊN VỚI CHÚA (ĐTC Phanxicô, giảng lễ 12/03/2022)


“Động từ đầu tiên, hành động đầu tiên trong những hành động này của Chúa Giêsu, là mang theo với Người. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu “đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan” lên núi với Người (9,28). Chúa Giêsu “đưa” các môn đệ, và đưa cả chính chúng ta nữa đi cùng “với Ngài”.
Chúa Kitô đã yêu chúng ta, đã chọn chúng ta và gọi chúng ta. Mọi thứ bắt đầu với mầu nhiệm của một ân sủng, một sự lựa chọn, một “cuộc bầu chọn”. Quyết định đầu tiên không phải của chúng ta; đúng hơn, Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta, chẳng phải vì bất kỳ công đức nào về phần chúng ta. Trước khi trở thành những người biến cuộc đời mình thành một món quà trao ban, chúng ta là những người đã nhận được một món quà được ban tặng một cách nhưng không: đó là món quà nhưng không của tình yêu Thiên Chúa.
Hành trình của chúng ta, thưa anh chị em, cần phải bắt đầu lại mỗi ngày từ ân sủng ban đầu này. Như đã làm với Phêrô, Giacôbê và Gioan, Chúa Giêsu đã gọi tên chúng ta và dẫn chúng ta đi cùng. Ngài đã nắm lấy tay chúng ta. Đi đâu? Thưa: Đến núi thánh của Ngài, nơi mà ngay cả bây giờ chúng ta vẫn thấy mình đang ở với Ngài mãi mãi, và được biến hình bởi tình yêu của Ngài. Ân sủng, ân sủng đầu tiên này, dẫn chúng ta đến đó.
Vì vậy, khi chúng ta cảm thấy cay đắng hoặc thất vọng, khi chúng ta cảm thấy bị coi thường hoặc bị hiểu lầm, chúng ta đừng đi lạc vào những lời phàn nàn hoặc hoài niệm về những khoảng thời gian đã qua. Đây là những cám dỗ ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta, khiến chúng ta chẳng đi đến đâu. Thay vào đó, chúng ta hãy nắm lấy cuộc sống của mình, bắt đầu lại một lần nữa với ân sủng, trung thành với ơn gọi của chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận ân sủng biết nhìn mỗi ngày là một bước trên con đường hướng tới mục tiêu cuối cùng của chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, giảng lễ 12/03/2022)
Đọc tiếp »

THÁNH THI KINH TRƯA MÙA CHAY


Trưa hôm ấy chịu khổ hình thập tự,
Chúa kêu rằng “Khát nước”, thảm sầu thay !
Xin cho con ca tụng Chúa giờ này
Biết khát vọng ơn Ngài công chính hoá.
Ôi lạy Chúa, con thấy mình đói lả,
Chỉ có Ngài làm no thoả được thôi,
Tội lỗi xưa, con hối hận lắm rồi,
Chỉ ao ước trở nên người đức hạnh.
Vừa ngâm ngợi vừa đợi trông ơn thánh,
Nguồn mạch Thánh Linh đổ xuống tràn trề,
Cho xác thịt này dịu lửa đam mê,
Còn tâm trí lạnh lùng mau ấm lại.
Con phủ phục xin Ba Ngôi từ ái
Là Chúa Cha, Thánh Tử với Thánh Thần,
Tự cõi trời thương mở lượng khoan nhân
Ban hồng phúc như lòng con cầu khẩn.
Đọc tiếp »

THÁNH THỂ: TOÀN BỘ LỊCH SỬ CỨU ĐỘ (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican, 11/03/2022)


“Bí tích Thánh Thể có vị trí nào trong lịch sử cứu độ? Câu trả lời là nó không có vị trí cụ thể nào, vì nó là toàn bộ. Bí tích Thánh Thể đồng hành với lịch sử cứu độ. Cũng như vào một buổi sáng trong lành, cả bầu trời được phản chiếu trong giọt sương trên bụi cây, Bí tích Thánh Thể phản ánh toàn bộ lịch sử cứu độ.
Tuy nhiên, Thánh Thể hiện diện trong lịch sử cứu độ theo ba cách khác nhau vào những thời điểm hoặc giai đoạn khác nhau: nó hiện diện trong Cựu Ước như một hình tượng, trong Tân Ước như một sự kiện, và trong thời đại chúng ta, thời đại của Giáo hội, như một bí tích. Hình tượng dự đoán và chuẩn bị cho sự kiện; bí tích “kéo dài” sự kiện và hiện thực hóa nó.
Tôi đã nói trong Cựu Ước, Thánh Thể hiện diện như một “hình tượng”. Một trong những hình tượng này là Manna; một hình tượng khác là sự hy sinh của Menkisêđê, và một hình tượng khác nữa là việc sát tế Isaác. Trong Bài Thánh Ca Lauda Sion do Thánh Thomas Aquinas sáng tác cho ngày lễ “Corpus Domini” – “Mình Máu Thánh Chúa”, chúng ta hát:
Thể hiện nơi sự sát tế Isaac,
Trong tiến trình chuẩn bị manna:
Trong của lễ hiến tế Vượt qua,
Trong các hình thái cũ được tiền định.
Do chức năng của chúng như những hình tượng của Bí tích Thánh Thể mà Thánh Tôma đã gọi các nghi lễ của Cựu Ước là “các bí tích của Lề Luật Cũ”.
Với sự xuất hiện của Chúa Kitô và mầu nhiệm sự chết và sống lại của Người, Bí tích Thánh Thể không còn hiện diện như một hình ảnh, mà là một sự kiện, một thực tại. Chúng ta gọi nó là một “sự kiện” bởi vì nó là một điều gì đó đã xảy ra trong lịch sử, một biến cố duy nhất trong thời gian và không gian, chỉ diễn ra một lần (semel) và không thể lặp lại: Chúa Kitô “khi đến thời viên mãn, đã xuất hiện chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.” (Dt 9,26).
Cuối cùng, trong thời Giáo hội, tôi đã nói, Thánh Thể hiện diện như một bí tích, nghĩa là, trong dấu chỉ bánh và rượu, do Chúa Kitô thiết lập. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ sự khác biệt giữa sự kiện và bí tích: trong thực tế, đó là sự khác biệt giữa lịch sử và Phụng vụ. Chúng ta hãy để Thánh Augustinô giúp chúng ta:
Chúng ta biết và tin tưởng với đức tin đầy xác tín rằng Chúa Kitô chỉ chết một lần cho chúng ta, Đấng công chính chết thay cho kẻ tội lỗi, Chúa chết thay cho người tôi tớ. Chúng ta hoàn toàn biết rằng điều này chỉ xảy ra một lần; tuy nhiên, Tiệc Thánh làm mới lại điều đó một cách định kỳ, như thể những gì lịch sử tuyên bố chỉ xảy ra một lần được lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, sự kiện và bí tích không mâu thuẫn với nhau, như thể bí tích là ngụy biện và chỉ có sự kiện là đúng. Trong thực tế, điều mà lịch sử tuyên bố đã xảy ra, chỉ một lần, thì bí tích này thường canh tân (cải tổ) việc cử hành trong tâm hồn các tín hữu. Lịch sử tiết lộ những gì đã từng xảy ra và nó đã xảy ra như thế nào, Phụng vụ bảo đảm rằng quá khứ không bị lãng quên; không phải theo nghĩa làm cho biến cố xảy ra một lần nữa (non faciendo), nhưng theo nghĩa tôn vinh biến cố ấy (sed celebrando).
Việc chỉ rõ mối liên hệ tồn tại giữa hy tế duy nhất trên thập tự giá và Thánh lễ là một điều rất tế nhị và luôn là một trong những điểm gây bất đồng lớn nhất giữa người Công Giáo và người Tin lành. Như chúng ta đã thấy, Thánh Augustinô sử dụng hai động từ: đổi mới và cử hành, điều này hoàn toàn chính xác, với điều kiện là động từ này được hiểu dưới ánh sáng của động từ kia: Thánh lễ đổi mới biến cố thập giá bằng cách cử hành nó (không lặp lại nó!), và kỷ niệm biến cố ấy bằng cách đổi mới nó (chứ không chỉ nhắc đến nó!). Từ ngữ mà ngày nay đạt được sự đồng thuận đại kết lớn nhất, có lẽ là động từ “rappresentare” - tái hiện (cũng được Đức Phaolô Đệ Lục dùng trong thông điệp Mysterium Fidei - Mầu Nhiệm Đức Tin), được hiểu theo nghĩa mạnh là tái trình bày, nghĩa là làm tái hiện lại. Theo nghĩa này, chúng ta nói rằng Thánh Thể “tái hiện” thập giá…” (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, bài thuyết giảng đầu tiên cho Mùa Chay năm 2022 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican, 11/03/2022)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

GIÁO LÝ NĂM THÁNH ĐỨC MẸ TÀPAO: BÀI 3: “…qua Mẹ chúng con được gặp gỡ chính Thiên Chúa…”


1- Kinh Đức Mẹ Tàpao là một bài giáo lý rất xúc tích, cô động về Thánh Mẫu học, diễn tả chuẩn mực lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria: để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã ban cho Mẹ “đầy ơn phúc”, và nhắc chúng ta dến với Đức Mẹ để lãnh nhận ơn Chúa, canh tân đời sống theo thánh ý Chúa…
-Các bài giáo lý liên tiếp, trích từ những ý tưởng của kinh này, và hôm nay ta suy niệm lời kinh : “Chúng con tạ ơn Chúa đã thương nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa để Mẹ gặp gỡ chúng con, và qua Mẹ chúng con được gặp gỡ chính Thiên Chúa…”
2- Trước hết, xin xác định hai điểm giáo lý căn bản
a-Chúng ta có thờ Đức Mẹ không?
–Không, chỉ tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi-Cha-Con và Thánh Thần. Chỉ tôn thờ Tạo Hoá, Đấng sáng tao.
“Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”- “Ngươi phải thờ phượng một mình Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4, 10)
-Mọi tạo vật, do Thiên Chúa dựng nên, hữu hình và vô hình ta chỉ tôn kính.
-Đức Mẹ cao trọng hơn thiên thần, đươc thiên thần “kính chào Bà đầy ơn phước”, nên tôn kính cách đặc biệt-“biệt kính”
“Ðức Trinh Nữ đáng được Hội Thánh tôn vinh bằng một sự sùng kính đặc biệt... Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Hội Thánh, tuy hoàn toàn đặc biệt, nhưng tự bản chất vẫn khác biệt với sự thờ phượng dâng lên Ngôi Lời nhập thể, lên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; việc tôn kính Ðức Ma-ri-a khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi" (x. LG 66; GLHTCG-971)
-thiên thần, các thánh, ông bà cha mẹ… ta tôn kính.
b- Nguồn mọi ơn phúc ở đâu?
-Chính Chúa, Chúa là Đấng ban ơn, là nguồn mọi ơn phúc cho nhân loại.
-Thiên thần chào Đức Mẹ “kính mừng Maria đầy ơn phúc”, nhưng Mẹ tuyên xưng “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, Danh Người là Thánh (Lc 1, 49)- “Chúa đã làm cho tôi, đã làm cho tôi muôn điều kỳ diệu, Danh Người là Thánh”. (Magnificat) -Đức Mẹ cũng nhận mọi ơn lành từ Chúa và nhận tràn đầy “đầy ơn phước”, đến nỗi có thể chuyển thông cho ta. Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa. (bài giáo lý tháng 2) ; Mẹ “là máng chuyển muôn ơn xuống cho muôn người, khắp mọi nơi”- lời ca rất chuẩn !
-Nguồn ơn là từ Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô chính là ơn lớn nhất, ơn cứu độ của chúng ta. Mẹ cũng được cứu độ bởi Đức Giêsu Kitô, ơn “vô nhiễm nguyên tội” mà từ đó ta có ngày lễ trọng kính Đức Mẹ, ngày làm phép tượng Đức Mẹ Tàpao cách đây 60 năm-08/12/1959, Mẹ có được là do hưởng trước công nghiệp cứu độ của Đức Giêsu Kitô, và hưởng tràn đầy đến mức miễn trừ tội tổ tông; còn chúng ta hưởng sau, qua bí tích Rửa Tội, để chữa lành vết thương nguyên tội:
“Suốt dọc chiều dài lịch sử, Hội Thánh đã nhận thức rằng Ðức Ma-ri-a, vì được Thiên Chúa ban cho "đầy ơn phúc" (Lc l, 28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Ðó là nội dung tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội do Ðức Pi-ô IX công bố năm l854. Ðức Trinh Nữ Diễm Phúc Ma-ri-a, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc tượng thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Ðức Giê-su Ki-tô Ðấng Cứu Ðộ loài người” (GLHTCG-491)
3- “…Chúa đã thương nhận núi rừng Tàpao này làm linh địa”
-Câu này mang tính lịch sử, chắc sẽ có bài giáo lý chuyên về lịch sử rõ hơn, nay xin cộng đoàn chỉ nhớ vài năm liên quan đến số 9:
-08/12/1959: hành hương đầu tiên làm phép tượng
-1999: Hiện tượng lạ đưa đoàn con tìm về bên Mẹ sau 40 năm xa vắng
-2009: Năm Thánh 50 Năm Đức Mẹ Tàpao
-2019: Năm Thánh 60 Năm hôm nay
4- “…để Mẹ gặp gỡ chúng con, và qua Mẹ chúng con được gặp gỡ chính Thiên Chúa…”
Nắm vững giáo lý căn bản trên, cùng với Đức Mẹ, chúng ta thờ phượng Chúa, và qua Đức Mẹ, Chúa ban ơn cho chúng ta, mà ơn trọng đại nhất là chính Đức Giêsu Kitô, như mục đích cử hành Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao, là: “qua Mẹ, đến với Chúa Giêsu Kitô”-Đấng cứu độ duy nhất, “hôm qua, hôm nay và mãi mãi” (Dt 13, 😎
Vì thế, khi hành hương đến các Trung Tâm Thánh Mẫu, gặp gỡ Đức Mẹ, với nhiều danh hiệu khác nhau: Lộ Đức, Fatima, Lavang, Tàpao… không dừng lại gặp Mẹ, ở với Mẹ thôi, mà để nhờ Mẹ, Chúa gặp chúng ta, và chúng ta gặp chính Chúa. Vì, “Nhiệm vụ của Đức Maria đối với Hội Thánh không thể tách biệt khỏi sự hiệp nhất của Mẹ với Đức Kitô, và trực tiếp phát xuất từ đó.” (GLHTCG-964)
Cả việc lần hạt Mân Côi, là việc đạo đức có truyền thống lâu đời để tôn kính Đức Mẹ, cũng liên kết mật thiết với Đức Kitô như thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy trong tông thư Kinh Mân Côi:
“lời kinh này thật sự là một hình thức chiêm ngưỡng quy hướng về Chúa Kitô.” (số 12)… giúp chúng ta:
-“Tưởng nhớ Đức Kitô với Mẹ Ma-ri-a” (13);
-“Học hỏi Đức Kitô từ Mẹ Ma-ri-a” (14);
-“Được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cùng với Mẹ Ma-ri-a” (15);
-“Cầu nguyện với Đức Kitô cùng với Mẹ Ma-ri-a” (16);
-“Loan báo Đức Kitô cùng với Đức Ma-ri-a” (17)
nên ngài gọi “Kinh Mân Côi, một bản tóm tắt Tin mừng” (18)
Hai câu nói của Đức Mẹ tại tiệc cưới Cana, nơi Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên, để giúp gia đình mới trong tiệc cưới gặp khó khăn đầu đời: “hết rượu”, là nền tảng cho chúng ta ghi nhớ điểm giáo lý này.
-“Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3)- Mẹ nói với Chúa Giêsu về nhu cầu của chúng ta: họ hết tình yêu rồi, tình nghĩa vợ chồng đã lạc như nước lã rồi… họ hết sức rồi, họ hết phương cứu chữa rồi…
-“Người bảo gì các con hãy làm theo”(Ga 2, 5)-Mẹ đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu và giúp chúng ta thi hành theo thánh ý Chúa. Hãy lắng động tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa qua các bài giảng, suy niệm, qua cộng đoàn đức tin, qua bầu khí linh thiêng của phụng vụ… nghe Chúa bảo ta làm gì để có rượu mới của tình yêu…
Đến cùng Đức Mẹ Tàpao, không chỉ dừng lại là gặp gỡ nơi Mẹ Maria mà qua Mẹ đến với Chúa Giêsu, làm theo lời Người.
-Kitô hữu gặp Chúa Giêsu qua các bí tích, nhất là Thánh Thể
-chưa là Kitô hữu gặp Chúa Kitô qua Hội Thánh của Ngài, là nơi Chúa tiếp tục thực hiện ơn cứu độ cho muôn dân.
Kết:
Kinh Thánh là nguồn mạch của giáo lý. Hãy nhớ những câu Kinh Thánh này là nền tảng giáo lý về Đức Trinh Nữ Maria:
1“Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự” - cùng với Mẹ chúng ta tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi.
2-“Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, Danh Người là Thánh” (Lc 1, 49)-như Mẹ và nhờ Mẹ, ta đón nhận ơn Chúa.
3-“Họ hết rượu rồi”- Mẹ nói với Chúa Giêsu về nhu cầu của chúng ta.
4-“Người bảo gì các con hãy làm theo”- Mẹ đưa chúng ta đến gặp Chúa Giêsu và giúp chúng ta thi hành theo thánh ý Chúa.
Tàpao, 12/03/2019
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Đọc tiếp »

GIÁO HUẤN thời ĐẠI DỊCH (Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 09/03/2021)


“Tháng này chúng ta đánh dấu một năm kể từ khi đại dịch thay đổi đáng kể cuộc sống ở đất nước chúng ta, mở ra những đau khổ vô biên. Nhiều người đã phải chịu đựng những khó khăn kinh hoàng: ốm đau, chết chóc, tang tóc, thiếu ăn, nhà ở không ổn định, mất việc làm và thu nhập, giáo dục dở dang, chia ly, ngược đãi, cô lập, trầm cảm và lo lắng. Chúng ta đã chứng kiến những bất công về chủng tộc, giảm thiểu dần phúc lợi của người nghèo và người già, và những chia rẽ đau

đớn trong đời sống chính trị của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta biết, như Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta, rằng chúng ta tìm thấy niềm an ủi trong lời hứa của Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống cho chúng ta (Tv 119: 50).
Chúng ta cũng chứng kiến vô số hành động hy sinh của các nhân viên y tế, những người phản ứng đầu tiên, các tuyên úy, những người làm việc trong các bếp ăn xã hội và nơi tạm trú của người vô gia cư, những người vận chuyển thư, công nhân các cửa hàng nông sản và tạp hóa, bạn bè và thậm chí cả những người lạ. Vô số hành động tử tế đã được thực hiện bởi rất nhiều người, điều này giúp nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều cùng chung một con thuyền. Trước tất cả những hành động hy sinh này, chúng ta rất biết ơn. Chúng ta cũng rất biết ơn các linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo chức, giáo lý viên và các thừa tác viên giáo hội đã phục vụ dân Chúa trong những thời kỳ khó khăn này.
Trong đại dịch, Thiên Chúa đã một lần nữa mặc khải chúng ta về chính mình. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta tại quảng trường Thánh Phêrô vào năm ngoái, chúng ta không có quyền lực hay quyền kiểm soát như chúng ta nghĩ. [1] Thay vì xấu hổ về sự bất lực này, hoặc bị đè bẹp bởi nỗi sợ hãi về những gì chúng ta không thể kiểm soát, tính liên kết và sự phụ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa đã được làm rõ. Là Kitô hữu, đây là một bài học rất quen thuộc: Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy mang gánh nặng cho nhau, và như vậy anh em sẽ chu toàn luật Chúa Kitô (Gl 6: 2). Và luật đó là luật yêu thương.
Đại dịch cũng đã làm sống lại ý thức của chúng ta rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, và mỗi chúng ta thực sự là người bảo vệ của nhau. Mặc dù sự sẵn có ngày càng tăng của vắc-xin là một dấu chỉ rõ ràng của hy vọng rằng đại dịch này cũng sẽ qua đi, nhưng hy vọng đó phải được trao cho mọi người trên hành tinh bằng cách cung cấp vắc-xin trên toàn cầu. Các quốc gia giàu có hơn và các công ty dược phẩm phải hợp tác với nhau để bảo đảm rằng không có quốc gia nào, không có người nào bị bỏ lại phía sau.
Có rất nhiều điều để học hỏi từ sự đau khổ toàn cầu này. Chúng ta phải xây dựng lòng tốt và sự cởi mở mà chúng ta đã chứng kiến ở cấp địa phương bằng cách tạo ra nhiều cấu trúc xã hội hơn, không chỉ hàn gắn những rạn nứt và sự cô lập mà rất nhiều người cảm thấy trong đại dịch này mà còn ngăn chặn sự chia rẽ như vậy xảy ra lần nữa. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu khẩn, “Chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại duy nhất”, [ 2] vươn đến một chân trời nơi chúng ta quan tâm đến nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy giữ cho ý thức này tồn tại và tiếp tục công việc thúc đẩy công ích.
Được canh tân bởi Mùa Chay này, chúng tôi, những thành viên của Ban Thường vụ, đặt niềm tin tưởng vào Chúa, Đấng chịu đau khổ, bị đóng đinh và phục sinh. Chúng tôi cùng với các giám mục anh em của chúng tôi kêu gọi mọi người tiếp tục giữ cho tình yêu của Thiên Chúa luôn sống động trong trái tim và trong gia đình và cộng đồng của mình. Và chúng tôi mong muốn được chào đón các tín hữu Công Giáo trở lại các thánh đường khi tất cả chúng ta có thể an toàn tham gia vào việc cử hành Thánh Thể và quy tụ một lần nữa trong các giáo xứ của chúng ta”.
Đọc tiếp »

THÁNH THỂ: ĐẤNG CHIẾN THẮNG Ở VỚI TA (Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, giảng tĩnh tâm mùa chay cho giáo triều, 11/03/2022)


“Bên cạnh rất nhiều tai ương mà đại dịch Covid đang gây ra cho nhân loại, từ quan điểm của đức tin đã có ít nhất một tác động tích cực. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà sự thiếu vắng Bí tích Thánh Thể tạo ra; đại dịch đã giúp chúng ta không coi Bí Tích Thánh Thể là điều hiển nhiên. Trong thời kỳ khốc liệt nhất của đại dịch vào năm 2020, tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ - và cùng với tôi, tôi nghĩ nhiều người khác cũng nghĩ như thế khi xem trên truyền hình Thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành ở Santa Marta mỗi sáng.
Một số Giáo Hội địa phương và quốc gia đã quyết định dành năm hiện tại cho một bài giáo lý đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì mong muốn có một sự phục hưng về Bí tích Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo. Đối với tôi, đó dường như là một quyết định đúng lúc và là một tấm gương để noi theo, khi đề cập đến một số khía cạnh có lẽ ít được xem xét về Bí Tích Thánh Thể. Do đó, tôi đã nghĩ đến việc đóng góp một phần nhỏ vào dự án này, dành những suy tư của Mùa Chay này để suy tư về mầu nhiệm Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là trung tâm điểm của mọi mùa Phụng vụ, Mùa Chay cũng như các mùa khác. Đó là những gì chúng ta cử hành mỗi ngày. Mỗi tiến bộ nhỏ trong sự hiểu biết về Bí tích Thánh Thể đều chuyển thành sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng của cá nhân và của cộng đồng Giáo Hội. Tuy nhiên, thật không may, điều dễ thấy nhất, là do tính lặp đi lặp lại của nó, theo quán tính, Bí tích Thánh Thể được coi là điều đương nhiên. Trong Thông điệp “Ecclesia de Eucharistia” – “Giáo Hội từ Thánh Thể”, được viết vào tháng 4 năm 2003, Thánh Gioan Phaolô II nói rằng các Kitô hữu phải khám phá lại và luôn sống “sự ngạc nhiên của Thánh Thể”. Vì mục đích này, những suy tư của chúng ta sẽ nhắm đến việc tái khám phá sự kinh ngạc đối với Bí tích Thánh Thể.
Nói về Bí tích Thánh Thể trong thời đại đại dịch và bây giờ với sự khủng khiếp của chiến tranh đang hiện lên trước mắt chúng ta không có nghĩa là ngoảnh mặt khỏi thực tế đầy bi thảm mà chúng ta đang trải qua, nhưng là một sự trợ giúp để nhìn thực tại từ một quan điểm cao hơn và ít chao đảo hơn. Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện trong lịch sử của sự kiện đã vĩnh viễn đảo ngược vai trò giữa kẻ chiến thắng và nạn nhân. Trên thập tự giá, Chúa Kitô đã biến nạn nhân thành người chiến thắng thực sự: “Victor quia victima”, Thánh Augustinô định nghĩa Người là Đấng chiến thắng vì là nạn nhân. Bí tích Thánh Thể cung cấp cho chúng ta chìa khóa đích thực để giải thích lịch sử. Nó bảo đảm với chúng ta rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta, không chỉ về mặt ý định mà thôi, nhưng là “thực sự” trong cái thế giới dường như có thể tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào. Ngài lặp lại với chúng ta: “Hãy can đảm: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33).(Hồng Y Raniero Cantalamessa OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, giảng tĩnh tâm mùa chay cho giáo triều, 11/03/2022)
Đọc tiếp »

Thứ hai, Tuần II - MC



Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2022

THƯƠNG NGƯỜI (Trích bài giảng của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien) :


Trích bài giảng của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien :
“Kinh Thánh nói : Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Lòng thương xót không phải là mối phúc cuối cùng. Lại có câu : Phúc thay kẻ lưu tâm đến người nghèo khổ và Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn. Rồi : Ngày ngày người công chính thông cảm và cho mượn cho vay. Chúng ta hãy chiếm lấy phúc lành ấy, hãy tỏ ra là người hiểu biết và đối xử nhân hậu.
Đừng để đêm tối ngăn cản bạn làm việc thương người. Đừng nói : Đi đi, mai trở lại, rồi tôi sẽ cho anh. Đừng để có khoảng nào trống, gián đoạn giữa ý định và việc làm phúc, vì chỉ có việc làm phúc là không được trì hoãn. Hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Hãy làm điều đó cách vui vẻ và mau mắn, vì như thánh Tông Đồ nói : Ai làm việc bác ái, hãy làm cách vui vẻ. Nếu bạn làm phúc cách nhanh nhẹn và mau mắn, bạn sẽ được công phúc gấp đôi. Còn như làm mà buồn bã, làm vì ép buộc, thì chẳng có ân nghĩa hay vinh dự gì.
Vậy, phải vui vẻ khi làm phúc, chớ buồn phiền.
Kinh Thánh nói : Nếu ngươi mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm, nghĩa là dẹp bỏ thói hà tiện và lòng nghi kỵ, tính ngần ngừ và hay lẩm bẩm, nếu làm như thế thì sẽ được gì ? Ôi, một điều thật cao cả lạ lùng, một phần thưởng thật lớn lao trọng đại : Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Ai là người không khao khát được soi sáng và chữa lành ?
Vì thế, thưa anh em là tôi tớ Đức Ki-tô, là anh em của Người, là những kẻ đồng thừa tự với Người, nếu anh em tin tôi thì bao lâu còn có thể, chúng ta hãy thăm viếng Đức Ki-tô, hãy săn sóc Đức Ki-tô, hãy cho Đức Ki-tô ăn, hãy cho Đức Ki-tô mặc, hãy đón tiếp Đức Ki-tô, hãy tôn kính Đức Ki-tô. Chúng ta không chỉ mời Người vào bàn như ai đó đã làm, không chỉ lo xức dầu thơm cho Người như cô Ma-ri-a, cũng không phải chỉ lo an táng Người như ông Giô-xép người thành A-ri-ma-thê, cũng không chỉ lo liệu mọi việc để liệm xác Người như ông Ni-cô-đê-mô, là người yêu mến Đức Ki-tô phần nào ; và sau cùng, cũng không phải chỉ dâng cho Chúa vàng, nhũ hương và một dược, như các hiền sĩ đã làm trước những người vừa kể trên, nhưng vì Chúa là Chúa mọi người, Chúa muốn lòng thương xót chứ không muốn hy lễ, và vì lòng thương cảm có giá trị hơn cả muôn ngàn cừu non béo tốt, nên chúng ta hãy dâng cho Chúa của lễ ấy qua tay những người nghèo khổ, những người hôm nay hiện đang nằm đất, để khi chúng ta ra khỏi đời này, họ đón nhận chúng ta vào nơi an nghỉ đời đời, trong chính Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng vinh hiển muôn đời. Amen.”
Đọc tiếp »

CHÚA NHẬT II - MC C



Đọc tiếp »

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

CHÚA GIÊSU KITÔ (ĐHY Cantalamessa, giảng cho giáo triều, 05/03/2021)


“Trong những bài suy niệm này, chúng tôi đề xuất, với sự giúp đỡ của Chúa, hãy quay ‘cận cảnh cực độ’ để tập chú vào con người của Chúa Giêsu Kitô.
Mục đích của chúng ta không phải là hộ giáo, nhưng là linh đạo. Nói cách khác, chúng ta không nói để thuyết phục những người khác, những người không tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, nhưng để làm cho Ngài có thể trở nên ngày càng thực sự là Chúa của cuộc đời chúng ta, là điểm quy chiếu toàn diện của chúng ta, đến độ cảm nhận được, giống như người Tông đồ, ‘được Chúa Kitô chiếm hữu’ (Pl 3:12) và có thể nói với Người, ít nhất là như một ước muốn, ‘đối với tôi sự sống là Đức Kitô’ (Pl 1:21). Vì vậy, câu hỏi đi kèm với chúng ta sẽ không phải là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong thế giới và trong Giáo hội?’, mà là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong cuộc đời tôi?’ Hơn nữa, đây sẽ là cách tốt nhất để khơi dậy sự quan tâm của người khác đối với Chúa Kitô, đó là cách truyền giáo hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ một điều. Chúng ta muốn nói đến Chúa Kitô nào? Thực sự có nhiều ‘Chúa Kitô’ khác nhau: có Chúa Kitô của các sử gia, của các nhà thần học, của các nhà thơ, và thậm chí là Chúa Kitô của những người vô thần. Chúng ta muốn nói về Chúa Kitô của các Phúc âm và của Giáo hội, chính xác hơn là về Chúa Kitô của tín điều Công Giáo được xác định bởi Công đồng Chalcedon năm 451. Thỉnh thoảng chúng ta nên nghe lại định nghĩa đó, ít nhất là trong một phần của văn bản gốc:
Theo gương các Giáo phụ thánh, chúng ta đồng tâm nhất trí dạy bảo và tuyên xưng một và cùng một Chúa Con: Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi… Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất...
Quan sát các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện của Chúa Giêsu không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng, hay một suy diễn siêu hình, nhưng đó là sự thánh thiện đích thực, được sống qua từng khoảnh khắc và trong những tình huống cụ thể nhất trong cuộc sống. Để nêu một ví dụ, các Mối Phúc không chỉ là một kế hoạch sống đẹp đẽ mà Chúa Giêsu phác thảo cho người khác; đó là chính cuộc sống của Người và kinh nghiệm của Người khi được mạc khải cho các môn đệ, bằng cách kêu gọi họ tiếp cận với cùng một bầu khí thánh thiện. Các Mối Phúc là bức chân dung tự họa của Chúa Giêsu.
Ngài dạy những gì chính Ngài thực thi; đó là lý do tại sao Người có thể nói: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường’ (Mt 11:29). Người nói rằng người ta phải tha thứ cho kẻ thù của họ, nhưng chính Người còn đi xa hơn khi tha thứ cho những kẻ đang đóng đinh Người bằng câu ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm’ (Lc 23:34). Trên thực tế, không phải một tình tiết này hay một chi tiết nọ giúp nêu lên sự thánh thiện của Chúa Giêsu, mà là mọi việc làm, và mọi lời do miệng Ngài phán ra.
Bên cạnh yếu tố tích cực của sự vâng phục trọn vẹn và liên tục theo thánh ý Chúa Cha, sự thánh khiết của Chúa Kitô cũng cho thấy một yếu tố ‘tiêu cực’, đó là sự thiếu sót tuyệt đối của bất kỳ tội lỗi nào, ‘Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?’ Chúa Giêsu chất vấn các đối thủ của Người (Ga 8:46). Về điểm này, tất cả các chứng tá của các Tông đồ đều đồng thanh khẳng định: Ngài ‘không biết đến tội lỗi’ (2 Cr 5:21); ‘Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối’(1 Pt 2:22); ‘Người đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội’ (Dt 4:15); ‘Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân’(Dt 7:26). Thánh Gioan, trong bức thư đầu tiên của mình, không mệt mỏi khi tuyên bố rằng ‘Người trong sáng... trong Người không có tội lỗi..; Người là Đấng công chính’ (1 Ga 3: 3-7).
Lương tâm của Chúa Giêsu là một viên pha lê trong suốt. Ở đó tuyệt đối không chấp nhận tội lỗi, cũng không có nỗi hối tiếc phải cầu xin sự tha thứ trước mặt Chúa hay con người. Ở đó luôn luôn ngự trị sự xác tín thanh thản của chân lý, công chính, và đức hạnh, là điều không giống như giả định của con người về công bình. Không một nhân vật nào khác trong lịch sử dám nói điều tương tự như thế về họ...
Không liên quan quá nhiều đến thực tại Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, hay chúng ta cũng được tiền định để trở nên thánh khiết và vô nhiễm. Không, điều bất ngờ hạnh phúc là Chúa Giêsu thông truyền, ban cho, trao tặng cho chúng ta sự thánh thiện của Ngài cách nhưng không! Nghĩa là sự thánh thiện của ngài cũng là của chúng ta. Thậm chí hơn thế nữa: rằng chính Ngài là sự thánh thiện của chúng ta...”
Đọc tiếp »

Thứ năm, Tuần I - MC



Đọc tiếp »

ĐTC Phanxicô cầu nguyện tại Iraq, 07/03/2021 :


“Trước khi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của cuộc chiến ở thành phố Mosul này, ở Iraq và khắp Trung Đông, tôi muốn chia sẻ với các anh chị em những tư tưởng này:
Nếu Thiên Chúa là Chúa của sự sống - và Người là như thế-, chúng ta không được phép nhân danh Thiên Chúa giết anh em.
Nếu Thiên Chúa là Chúa của bình an- và Người là như thế - thì chúng ta không được phép gây chiến nhân danh Người.
Nếu Thiên Chúa là Chúa của tình yêu - và Người là như thế -, chúng ta không được phép ghét anh em.
Giờ đây chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của chiến tranh, để Thiên Chúa Toàn Năng sẽ ban cho họ sự sống đời đời và muôn đời bình an, và đón nhận họ trong vòng tay yêu thương của Người. Và chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Để dù thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào, chúng ta có thể sống hài hòa và bình an, ý thức rằng trước mắt Thiên Chúa, chúng ta đều là anh chị em.
Lạy Thiên Chúa Tối Cao, Chúa của thời gian và lịch sử, vì yêu thương Chúa đã tạo dựng thế giới và không ngừng tuôn đổ phúc lành cho các thụ tạo của Chúa. Chúa, Đấng vượt trên đại dương của đau khổ và chết chóc, vượt trên những cám dỗ của bạo lực, bất công, xin hãy đồng hành với những người con Chúa bằng tình thương dịu dàng của Cha.
Ấy thế mà chúng con lại từ chối hồng ân Chúa và để cho những bận tâm, những tham vọng trần thế lôi cuốn. Chúng con thường quên những kế hoạch hòa bình và hòa hợp của Chúa. Chúng chỉ quan tâm đến bản thân và lợi ích nhỏ nhen của chúng con. Dửng dưng với Chúa và người khác, chúng con đã chặn các cánh cửa dẫn đến hòa bình. Vì vậy, điều mà ngôn sứ Giôna đã nghe nói về Ninivê đã được lặp lại: sự gian ác của loài người đã lên thấu tới Trời (Gn 1, 2). Chúng con đã không nâng những bàn tay thanh sạch lên Trời (1 Tm 2, ​​8), nhưng từ mặt đất lại một lần nữa tiếng máu người vô tội vang lên (St 4,10). Trong tường thuật của Giôna, dân thành Ninivê đã nghe theo lời vị ngôn sứ của Chúa và tìm được ơn cứu độ trong sự hoán cải. Lạy Chúa, giờ đây, chúng con xin phó thác nơi Chúa rất nhiều nạn nhân của lòng căm thù con người chống lại con người. Chúng con cũng xin Chúa tha thứ và ân sủng hoán cải:
Lạy Chúa Kitô xin thương xót chúng con!
...Xin dạy chúng con nhận ra rằng, Chúa đã giao phó cho chúng con kế hoạch yêu thương, hòa bình và hòa giải, để chúng con có thể thực hiện kế hoạch đó trong thời đại chúng con đang sống, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuộc sống trần thế của chúng con. Xin hãy làm cho chúng con nhận ra rằng, chỉ bằng cách áp dụng điều này vào thực tế ngay lập tức, thì thành phố và đất nước này mới có thể được tái thiết, và những tâm hồn bị tổn thương bởi nỗi đau có thể được chữa lành. Xin giúp chúng con không dành thời gian để phục vụ lợi ích ích kỷ, cá nhân hoặc nhóm của chúng con, nhưng để phục vụ cho kế hoạch yêu thương của Chúa. Và khi chúng con lạc lối, xin hãy làm cho chúng con biết rằng chúng con có thể lắng nghe tiếng nói của những con người đích thực của Chúa và ăn năn kịp thời, để chúng con không bị hư mất một lần nữa bằng sự hủy diệt và chết chóc.
Chúng con phó thác nơi Chúa những người có cuộc sống trần gian đã bị rút ngắn bởi bàn tay bạo lực của anh chị em họ; chúng con cũng cầu xin cho những người đã gây tổn hại như vậy cho anh chị em của họ. Xin cho họ biết ăn năn, được cảm hóa bởi quyền năng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho họ được nghỉ yên muôn đời và xin ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên họ. Amen”
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

Trích bài giảng của thánh Phê-rô Kim Ngôn, giám mục :


“Anh em thân mến, có ba việc giúp cho đức tin được đứng vững, lòng đạo được chắc chắn và nhân đức được bền bỉ. Ba việc đó là cầu nguyện, ăn chay và làm phúc. Cầu nguyện là gõ cửa, ăn chay là được nhậm lời, làm phúc là nhận lãnh. Cầu nguyện, ăn chay, làm phúc : ba việc ấy chỉ là một và bổ túc lẫn cho nhau.
Thật vậy, chay tịnh là linh hồn của cầu nguyện, và làm phúc là sự sống của chay tịnh. Đừng ai tách rời ba việc ấy, vì chúng không thể tách rời nhau được. Ai chỉ làm một trong ba, hay không làm đủ cả ba một trật, là chẳng làm gì hết. Vì thế, ai cầu nguyện thì cũng phải giữ chay, ai giữ chay thì cũng phải làm phúc. Ai cầu xin mà ao ước được Chúa nhậm lời thì phải nghe lời người khác xin mình. Ai không từ chối lắng nghe lời người khác xin thì dễ dàng được Chúa lắng nghe.
Người giữ chay phải tìm hiểu việc ăn chay. Ai mong ước được Thiên Chúa thông cảm điều mình đói khát, hãy thông cảm với người đang đói khát. Ai mong được thương xót, hãy thể hiện lòng thương xót. Ai kiếm tìm lòng tốt, hãy làm điều tốt. Ai muốn được người ta cho mình, thì hãy cho người khác. Người cầu xin cho mình điều chính mình đã từ chối người khác, quả là người bất lương. Này bạn, bạn hãy trở nên mẫu mực về lòng thương xót. Nếu bạn muốn được thương xót như thế nào, bao nhiêu, mau lẹ chừng nào, thì chính bạn hãy thương xót người khác cách mau lẹ cũng chừng ấy và cũng một cách thế như vậy...”
Đọc tiếp »

Thứ tư, Tuần I - MC



Đọc tiếp »

NƠI CHÚA DẠY KINH LẠY CHA


Phúc Âm hôm nay thánh Mathêu kể Chúa dạy kinh Lạy Cha cho chúng ta cầu nguyện. Mãi gần 10 giờ sáng mới nhớ có đến nơi đặc biệc này năm 2014. Tại đây có bản kinh của nhiều ngôn ngữ trên thế giới, và thật vinh dự có tiếng Việt được đặt trước 1975, ở chỗ cũng trang trọng lắm…
Tiếc thay hình mất rồi, chỉ còn là ký ức trong trí…
Lạy Chúa Giêsu, ngày nay có nhiều kinh Năm Thánh, nhiều kinh các Đức giáo hoàng soạn… nhưng lời kinh của Chúa vẫn là nền tảng cho chúng con. Xin

cho chúng con trân quí, siêng năng cầu nguyện sốt sắng hằng ngày bằng lời kinh rất quen thuộc nhưng cao quí này.
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2022

BA MỐI TƯƠNG QUAN THIẾT YẾU…(ĐTC Phanxicô-giảng lễ Tro 2019)


“Trong hành trình Mùa Chay này, hãy trở lại với những gì thiết yếu, Tin Mừng đề xuất ba bước mà Chúa mời gọi chúng ta thực hiện không giả hình và không giả vờ: đó là bố thí, cầu nguyện, và chay tịnh. Những điều này để làm gì? Việc bố thí, cầu nguyện và chay tịnh đưa chúng ta trở lại với ba thực tại không phai mờ. Cầu nguyện hiệp nhất chúng ta với Chúa; bác ái kết hiệp chúng ta với người lân cận; và chay tịnh hiệp nhất chúng ta với chính mình. Thiên Chúa, người lân cận, và cuộc sống của tôi: đây là những thực tại không phai mờ mà chúng ta phải đầu tư. Do đó, Mùa Chay mời chúng ta tập trung, trước hết vào Đấng Toàn Năng, trong lời cầu nguyện, là điều giải thoát chúng ta khỏi cuộc sống phẳng lặng và vô vị, trong đó chúng ta dành thời gian cho bản thân mà quên đi Thiên Chúa. Sau đó, chúng ta được mời gọi chú tâm đến những người khác, với một tấm lòng bác ái giải phóng chúng ta khỏi sự phù phiếm của việc chiếm hữu cho thật nhiều và nghĩ rằng mọi thứ chỉ là tốt nếu cái tốt ấy là dành cho tôi. Cuối cùng, Mùa Chay mời chúng ta nhìn vào bên trong trái tim mình, với chay tịnh, để giúp chúng ta thoát khỏi sự dính bén với mọi thứ và khỏi tinh thần thế gian làm tê liệt trái tim. Cầu nguyện, bác ái, và chay tịnh là ba khoản đầu tư cho một kho báu tồn tại lâu dài.” (ĐTC Phanxicô-giảng lễ Tro 2019)
Đọc tiếp »

Ca khúc: LẠY CHÚA GIÊ-SU, XIN CHỮA CHÚNG CON (Sáng tác: LM Nguyễn Duy)



Đọc tiếp »

LỜI NGUYỆN TRONG CƠN DỊCH BỆNH



Đọc tiếp »

BƯỚC ĐI TRÊN MẶT ĐẤT (ĐTC Phanxicô, diễn từ liên tôn tại Iraq, 06/03/2021)


“Đối với Abraham, nhìn lên trời, không là một sự phân tâm, nhưng là một động lực để bước đi trên trái đất, mở ra con đường mà qua dòng dõi của ông, sẽ dẫn đến mọi thời và mọi nơi. Tất cả bắt đầu từ nơi đây với Đức Chúa là Đấng đã đưa ông ra khỏi thành Ur (x. St 15,7). Cuộc hành trình của ông là một cuộc hành trình đi ra, một cuộc hành trình bao gồm sự hy sinh. Ông Abraham đã phải

rời bỏ đất đai, quê hương và gia đình. Nhưng khi từ bỏ gia đình của mình, ông trở thành cha của một gia đình gồm nhiều dân tộc. Một điều gì đó tương tự cũng diễn ra với chúng ta: trong cuộc hành trình của chính mình, chúng ta được kêu gọi bỏ lại những ràng buộc và dính bén, những thứ giữ chúng ta khép kín trong nhóm của chúng ta, đã ngăn cản chúng ta chào đón tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa và không xem người khác là anh chị em của chúng ta. Chúng ta cần phải vượt ra khỏi chính mình, bởi vì chúng ta cần người khác. Đại dịch đã giúp chúng ta nhận ra rằng “không ai được cứu một mình” (Fratelli Tutti, 54).
Tuy nhiên, cám dỗ tránh xa những người khác không bao giờ chấm dứt, nhưng đồng thời chúng ta biết rằng “khái niệm ‘mỗi người chỉ vì chính mình’ sẽ nhanh chóng trở thành “tất cả chống lại nhau”, điều sẽ còn tệ hơn bất kỳ đại dịch nào” ( sđd., 36). Giữa những thử thách mà chúng ta đang trải qua, sự cô lập như vậy sẽ không cứu được chúng ta. Cũng không phải một cuộc chạy đua vũ trang hay việc xây dựng những bức tường, những thứ sẽ chỉ khiến tất cả chúng ta trở nên xa cách và hung hãn hơn. Cũng không phải sự sùng bái thần tượng về tiền bạc, vì nó khép chặt chúng ta vào chính chúng ta và tạo ra những hố sâu bất bình đẳng nhấn chìm nhân loại. Chúng ta cũng không thể được cứu bởi chủ nghĩa tiêu thụ, thứ làm tê liệt tâm trí và giết chết con tim...
Tổ phụ Abraham, người hôm nay mang chúng ta đến với nhau trong sự hiệp nhất, là một vị tiên tri của Đấng Tối Cao. Một lời tiên tri cổ xưa nói rằng các dân tộc “sẽ biến gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4). Lời tiên tri này không được ứng nghiệm; trái lại, gươm và giáo đã biến thành tên lửa và bom đạn. Vậy cuộc hành trình hòa bình có thể bắt đầu từ đâu? Từ quyết định không có kẻ thù. Bất cứ ai can đảm nhìn vào các vì sao, bất cứ ai tin vào Thiên Chúa, thì không có kẻ thù để chiến đấu. Người đó chỉ có một kẻ thù duy nhất phải đối mặt, một kẻ thù đứng ở cánh cửa trái tim và gõ cửa để bước vào. Kẻ thù đó là lòng thù hận...” (ĐTC Phanxicô, diễn từ liên tôn tại Iraq, 06/03/2021)
Đọc tiếp »

Thứ ba, Tuần I - MC



Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.