(Theo gpPhanthiet.com) Nhật ký Tĩnh Tâm Linh Mục ngày 2
Thứ ba - 21/01/2014 21:10
Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết
Ngày thứ hai: 21-1-2014.
1.Buổi Sáng
- 5giờ: Khởi đầu ngày mới với ý nguyện: xin ơn thánh hóa các linh mục. Phụng vụ ngày lễ kính thánh Anê Trinh Nữ Tử Đạo.
Kinh Sáng – Nguyện gẫm.
Cha Tổng Đại Diện nguyện gẫm.
Chủ đề tuần tĩnh tâm linh mục Giáo phận 2014 là “Tân phúc âm hóa để chuyển thông đức tin”, đề tài đã được THĐGM thế giới bàn tới trong kỳ họp XIII vào tháng 10.2012. Thư chung của HĐGM VN họp từ 7–12.10.2013 đã xác định đường hướng mục vụ của Giáo hội Việt Nam trong những năm sắp tới là Tân phúc âm hóa. Để thực hiện công việc Tân phúc âm hóa gia đình, giáo xứ, xã hội, Thư mục vụ đã xác quyết trước tiên cần tân phúc âm hóa chính bản thân, theo lối “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Những bài nguyện gẫm tuần tĩnh tâm gợi ý về việc tân phúc âm hóa bản thân linh mục. Việc tân phúc âm hóa mời gọi mỗi linh mục phải xuất hành ra khỏi chính mình, khỏi “cái trì trệ, hẹp hòi và thiếu nhiệt huyết” để gặp Chúa cách cá vị trong tương quan thân tình, nhìn thấy mùa xuân Giáo hội đang rộng mở và nhiệt thành xây dựng, canh tân Giáo hội, cụ thể trong Giáo phận thân yêu.
Trong hướng này, xin gợi ý nhìn lại bước đường theo Chúa qua hồng ân linh mục, việc thực thi sứ mệnh mục vụ trong tương quan với Chúa và tha nhân và nổ lực nên thánh qua đời sống yêu thương bằng đức ái mục tử.
Đọc Tin mừng: Ga 1,35-41- Hành trình theo Chúa Giêsu.
Trang Tin mừng Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ để thiết lập nhóm 12. Nhóm 12 được tuyển lựa trong thử thách sau khi đám đông dân chúng và phần lớn các môn đệ bỏ Chúa khi nghe diễn từ về Bánh Hằng Sống.
Mỗi người được Chúa gọi một cách, nhưng tựu chung họ đã sẵn sàng đáp lại để bước theo Chúa trong đời sống mới: sống chung với Chúa và với nhau, được Chúa giáo huấn cách đặc biệt, được tháp tùng Chúa trên mọi nẻo đường truyền giáo và sau cùng được Chúa sai đi loan Tin mừng.
Hãy nhìn xem thái độ và sự đáp trả của họ.
- Từ bỏ
Gioan và Anrê đang là môn đệ của Gioan Tẩy giả, bình thản và nhẹ nhàng sống bên cạnh tôn sư, nhưng khi được thầy chỉ cho biết Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, hai người đã từ giã thầy và bước đi theo sau Chúa. Chính Chúa mở đầu lời mời gọi: “Hãy đến mà xem”. Hai ông đã hoàn toàn từ bỏ tất cả, đi theo Chúa, ở với Chúa và khám phá ra Chúa chính là Đấng Messia. Từ bỏ vẫn luôn là thái độ căn bản để bước đi theo Chúa.
Lc 9 cũng nói về điều kiện căn bản để theo Chúa khi Người tiến lên Giêrusalem, đó là từ bỏ quyết liệt những tham vọng trần thế, những quan hệ tình cảm dù là tình cảm thiêng liêng gia đình, những bắt cá hai tay…Từ bỏ gia đình, mạng sống để từ nay sống cho Chúa với Chúa trong tâm tình hiến dâng và hiến thân trọn vẹn.
- Tin và yêu mến.
Simon được Anrê dẫn đến với Chúa. Nhìn ông, Chúa đổi tên thành Kêpha, nghĩa là Đá. Đặt tên cho ai là nói lên lòng yêu mến, ước muốn và làm chủ người ấy. Đáp lại, Phêrô đã tin, sẵn sàng phục tùng Chúa, theo Chúa cách nhiệt thành và ngày càng yêu mến Chúa nồng thắm. Còn lâu lắm ông mới thật sự trở thành Đá như Chúa muốn. Ông phải kinh qua biết bao thanh luyện, thử thách, có khi vấp ngã nặng nề…nơi Phêrô đen xen vừa là chiều cao của lòng tin và yêu mến, vừa là chiều sâu của sa ngã lỗi phạm…mãi đến khi cương quyết thưa với Chúa ba lần “Thầy biết con yêu mến Thầy”, ông mới thật sự được Chúa trao quyền chăn dắt đoàn chiên con chiên mẹ của Người và thật sự bước theo Người (Ga 21,19).
- Chấp nhận và tín thác.
Philipphê bất ngờ gặp Chúa trên đường. Với tất cả sự đơn sơ chất phác của ngươòi nông dân nghèo ít học, ông đã từng nghe biết Chúa mà lòng thầm mong ước được theo Người. Bất chợt, niềm ước mơ nay thành hiện thực. Chúa mời gọi ông. Không chút đắn đo hay tự ti về thân phận, ông vui mừng đáp trả và hoàn toàn tín thác vào Chúa.
- Để Lời Chúa soi dẫn
Philipphê là nông dân chất phác nhưng lại quen với nhà trí thức Nathanael. Ông coi việc được Chúa mời và theo Chúa là một hạnh phúc nhất trên đời, nên vội vàng tâm sự với Nathanael. Nathanael đang ngồi dưới gốc cây vả truy tầm Kinh Thánh … “Nazaret nào có chi hay!”. Dù nói thế vì Kinh Thánh không nói gì đến làng quê bé nhỏ ấy, nhưng tình bạn thôi thúc, vả lại Lời Kinh Thánh luôn là động cơ thúc đẩy, ông tò mò muốn xem cho biết. Thế là Chúa Giêsu đã gọi ông.
- Cần được thanh luyện
Ngoài các Tông đồ ta còn gặp được những ơn gọi khác mà người được gọi chưa nhận ra. Họ phải mất một thời gian dài thanh luyện mới đón nhận. Đọc lại câu chuyện ông Nicôđêmô, một biệt phái tầm cỡ có cảm tình với Chúa, đến gặp Chúa ban đêm, vì sợ dư luận dị nghị, nhất là vì ông còn mang nặng trong mình biết bao cồng kềnh của luật lệ, truyền thống, mà chưa có lòng tin vào Chúa. Chúa đã dạy ông cần phải tái sinh bởi trên. Không hiểu gì lúc đó, nhưng ông vẫn ngấm ngầm tìm hiểu, và sau ba năm được thanh luyện, khi Chúa chịu tử nạn, ông mới ngộ ra giáo huấn và lời mời gọi của Chúa, để đích thân đến xin mai táng Chúa trong mồ an nghỉ.
Đặc biệt hơn cả là trường hợp của Phaolô qua biến cố Đamas, Chúa Phục sinh đã biến một Saolô nhiệt thành bắt đạo thành một Phaolô Tông đồ.
Việc tân phúc âm hóa bản thân mời xem xét lại hành trình đáp trả ơn gọi. Ơn gọi Linh mục không phải chỉ là lúc khởi đầu khi được Giám mục đặt tay, nhưng là chương trình của Chúa phác họa trên bản thân đòi phải thực hiện mỗi ngày, mỗi giây phút. Do đó rà soát lại việc đáp trả ơn gọi là việc làm liên lỷ. Hãy rà lại sự từ bỏ, xem lại lòng tin và lòng yêu Chúa, xét lại niềm tín thác, thái độ đối với Lời Chúa, và ngay cả những thanh luyện qua thử thách.
Đời sống linh mục ngày nay đang phải đối diện với ba vấn đề lớn :giáo lý, kỷ luật, lòng đạo đức. Vì thế, tân phúc âm hóa bản thân đòi xuất phát lại từ Đức Kitô: say mê Đức Kitô bằng cách hướng về Người, sống hiệp thông với giám mục, linh mục đoàn với giáo dân, lương dân và sẵn sàng lên đường phục vụ theo gương Chúa Giêsu, Đấng đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình.
Các Tông đồ đã được Thiên Chúa chọn gọi, đã sẵn sang từ bỏ mọi sự để theo Chúa.
Thánh Phaolô trong (1Tim 3,14) nhắc cho môn đệ Timôthêô hãy luôn khơi lại ngọn lửa hồng ân đã lãnh nhận hầu có sức vượt thắng mọi trở ngại cam go trên bước đường sứ vụ. Thánh Gioan Kim Khẩu mời gọi mỗi linh mục cũng phải luôn khơi lên ngọn lửa hồng ân linh mục.
Bước theo Chúa để trở thành mục tử như lòng Chúa mong ước kêu gọi mỗi linh mục phải trổi vượt về giáo lý, lòng đạo đức, tư cách và lòng nhiệt thành đối với các linh hồn. Tự nguyện sống độc thân khiết tịnh là để hoàn toàn sống vô vị lợi. Khiết tịnh để tự do yêu mến mọi người, sống cho mọi người. Xin Chúa cho chúng con trung thành bước theo Chúa, phụng sự Chúa nơi bàn thánh, nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên. Amen.
- 5giờ 45: Thánh lễ. Đức Cha Giuse chủ tế và suy niệm Tin mừng (Mc 2,23-28).
Giáo huấn của Chúa Giêsu về ngày sabat được diễn ra theo kiểu biện chứng.
Mở đầu là quan điểm cứng nhắc của nhóm biệt phái. Con người lệ thuộc vào ngày sabat. Tiếp theo là cái nhìn phản biện của Chúa Giêsu: ngày sabat thuộc về con người, để cuối cùng câu nói Con Người làm chủ ngày sabat đã trở thành kết luận mời gọi thể hiện lòng đạo theo một tinh thần mới.
- Trước hết, con người vì ngày sabat
Không chỉ nhóm biệt phái mà có thể nói người Do Thái cùng thời đều đóng khung đời sống tôn giáo bằng những quy trình quy định cứng nhắc của lề luật. Vẫn biết Sách Thánh là ánh sáng thượng tôn với những sự tích cụ thể. Nhưng luật lệ lại là phần nổi nhiều khi nhận chìm hết ý nghĩa cần phải nắm vững. Ngày sabat với những quy định tỉ mỉ ban đầu nhằm giúp con người ý thức phải nghỉ ngơi cũng như phải chu toàn phận vụ phụng thờ Thiên Chúa. Nhưng sau này khi đi lệch trọng tâm để chỉ quan tâm đến việc giữ luật mà quên đi tinh thần sống luật, người ta đã rơi vào thái độ vụ luật, vụ hình thức làm hỏng hết lối sống đạo đức.
- Thứ đến, ngày sabat vì con người
Điều chỉnh lại thái độ ấy, Chúa Giêsu thông qua đề tài ngày sabat, một mặt làm đảo lộn nếp nghĩ và cách hành xử tôn giáo không còn phù hợp của mấy ông biệt phải, mặt khác đề cao yếu tố con người với tất cả ý thức và tự do trước Thiên Chúa là Đấng lân mẫn, yêu thương. Ngày sabat được lập ra vì con người, chứ không phải ngược lại, con người vì ngày sabat. Lý luận rất xác đáng, khẩu ngữ còn đanh thép, không những đánh gục đối phương mà con đánh đổ cả một tường lũy từ lâu đã được dựng lên nhằm cản trở làn gió thay đổi và nhằm bảo vệ một thứ lợi ích cục bộ của một số nhân sự tôn giáo dưới danh xưng là biệt phái, tức là nhóm tách biệt ra khỏi tôn giáo, một nhóm lợi ích mang màu sắc tôn giáo.
- Làm chủ ngày sabat.
Kết thúc tranh luận, Chúa Giêsu tuyên bố “Con Người làm chủ ngày sabat”. Tất nhiên không phải con người chung chung viết thường như chúng ta đây, mà là Con Người viết Hoa chính là Chúa Giêsu. Thật vậy, bằng mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu khi bước vào vinh quang đã được đặt làm thủ lãnh, làm Đức Chúa. Cũng từ đó, ngày sabat của đạo cũ đã nhường chỗ cho đạo mới với tên gọi mới là ngày Chúa nhật. Tuy nhiên, cách gọi tục hóa của ngày hôm nay, ngày chủ nhật, nghĩa là ngày của Chúa, hay là ngày Chúa biểu lộ chủ quyền. Ngày sabat Cựu Ước đã khép lại và ngày Chúa Nhật Tân Ước đã lên ngôi. Cuộc tranh luận năm xưa về ngày sabat là thế, có cọ sát nhưng cũng có ánh sáng mở ra tinh thần sống ngày của Chúa với một tâm thức rõ rệt hơn.
Xin cho mỗi người anh em linh mục trong ngày cầu xin ơn thánh hóa biết cử hành ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa với lòng sốt sắng, nhằm tôn thờ Chúa, thánh hóa bản thân, cũng như mỗi con người được trao phó cho mình. Ở đây cũng xa gần nhắc nhở những anh em trong cương vị là cha sở, là quản xứ cần chu toàn nhiệm vụ dâng lễ cho giáo dân, tức là lễ họ, theo giáo luật điều 534. Đồng thời cũng hướng dẫn mỗi người chúng ta biết thể hiện lòng tin của mình một cách tích cực qua việc nghỉ ngơi phải lẽ, phải trung thành chu toàn phận vụ đạo đức cũng như nhiệt thành làm việc bác ái trong ngày Chúa Nhật, cách riêng trong những ngày đang hướng đến nẻo đi Tân Phúc Âm Hóa cho Giáo Hội Việt Nam, cho Giáo Hội Toàn Cầu. Mỗi anh em linh mục là những cán bộ trong chương trình lớn lao này. Xin cho Phúc Âm được thể hiện trong chính cuộc sống của anh em. Chúng ta không cần nói nhiều bằng lời, nhưng nói bằng chính cuộc đời của mình. Và đó là chứng từ cuốn hút và đem lại hiệu quả gắn bó với ngày Chúa nhật, không phải chỉ bằng những nhiệm vụ mình được chu toàn, nhưng mà bằng chính lòng yêu mến của mình dành cho Thiên Chúa, Đấng làm chủ. Chúng ta cũng sẽ có cơ hội để minh chứng lòng tin yêu gắn bó của mình với chính Đấng mà mình đã phó thác cuộc đời, nhất là hôm nay xin nhờ lời chuyển cầu của Thánh Anê Trinh Nữ Tử Đạo cho mỗi anh em cũng đi đến cùng trong lựa chọn dứt khoát của mình, đồng thời cũng thể hiện một cuộc sống hạnh phúc gắn bó tin yêu với Đấng mà chúng ta đã chọn lựa và với Đấng đã chọn chúng ta làm tôi tớ của Ngài trong chương trình Tân Phúc Âm Hóa.
- 8giờ: Đức Cha giảng phòng.
Bài chia sẻ 2
ƠN GỌI “HÃY THEO THẦY”
Việc canh tân nhiệt huyết tông đồ trong đời sống linh mục phải đi vào tận gốc rễ, nền tảng.. Sự thiếu lòng hăng say trong sứ mệnh làm cho đời linh mục trở thành hời hợt, nhàm chán và máy móc có thể vì vị linh mục chưa hiểu tới ngọn nguồn ý nghĩa của ơn gọi và thực lòng chấp nhận những đòi hỏi của ơn gọi này, nhưng cũng có thể vì những quyến rũ hào nhoáng của môi trường đang cuốn hút tâm trí hoặc sau một hành trình dài, cuộc đời cũng giống như một chiếc xe, lăn lộn trên nhiều quãng đường, kéo theo nhiều bụi bặm, đất bùn và bị loang lổ, méo mó đây đó.
Tin Mừng thánh Marcô thuật lại 3 câu truyện về ơn gọibổ túc lẫn nhau.
1.Ơn gọi của 4 môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20).
- Bối cảnh ơn gọi. Ơn gọi của 4 môn đệ được thánh Marcô thuật lại từ câu 16 đến câu 20 của chương 1. Ngay trước đó (c. 15), thánh Marcô ghi lại sứ điệp đầu tiên khi Chúa bắt đầu cuộc đời công khai: “Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Như vậy, ơn gọi của các môn đệ được lồng trong bối cảnh của sứ điệp đầu tiên, như thể Chúa đi tìm người cộng tác để thực hiện sứ mệnh đó. Do đó, sứ mệnh của linh mục cũng chính là sứ mệnh của Chúa được diễn tả trong Mc 1,15 với 3 nhiệm vụ: 1) Loan báo cho nhân loại biết là Nước Thiên Chúa đã gần, tức là nói về Thiên Chúa; 2) Kêu mời thế giới ăn năn thống hối; 3) Mời gọi thế giới đón nhận Tin Mừng để được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Ba nhiệm vụ trên đây áp dụng trong thế giới hôm nay chắc chắn đặt ra nhiều vấn nạn cho sứ mệnh của linh mục. Có lẽ câu hỏi nền tảng nhất cần phải đặt ra là: liệu các linh mục có thao thức, trăn trở tìm cách loan báo những sứ điệp trên đây không? Thao thức đó, trăn trở đó chắc sẽ không thể nhen nhúm lên được trong lòng một linh mục chưa thực sự xác tín, với kinh nghiệm sống của mình, Chúa Giêsu thực là nguồn sống, là Đấng Cứu Độ của nhân loại và Tin Mừng của Ngài đúng là con đường đưa đến sự sống và hạnh phúc.
- Ơn gọi và thái độ của các môn đệ.Khi được Chúa kêu gọi, các ngài liền bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả đây là gì? Tin Mừng thánh Marcô nói đến ba yếu tố các môn đệ đã bỏ ngay. Đó là thuyền, lưới, cha và những thanh niên giúp việc.Có lẽ đây là mấu chốt cho rất nhiều vấn đề trong đời sống linh mục. Người ta chấp nhận theo Chúa, nhưng người ta không chấp nhận bỏ tất cả vì Chúa.
2.Ơn gọi của Lêvi (Mc 2,13-14)
Trước tiên, ơn gọi là một truyện ngạc nhiên bất ngờ. Thứ hai, ơn gọi cũng là một sự chọn lựa của Chúa. Lý do của ơn gọi phải tìm trong con tim của Chúa, trong chương trình cứu độ của Ngài. Hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài. Có lẽ lịch sử dân Israel có thể cắt nghĩa được lý do ơn gọi(x. Đnl, 7,6-8).Vì vậy, đến muôn đời phải cảm tạ Chúa (Tv 8,5; Tv 116,12-13).
Phần Lêvi, cũng giống 4 môn đệ đầu tiên, vừa khi được Chúa kêu gọi, ông đã bỏ tất cả để theo Ngài (Mc 1,18.20; 2,14).
Bối cảnhcủa ơn kêu gọi: một điều đặc biệt cần lưu ý là ơn kêu gọi của Lêvi được lồng trong khung cảnh các tội nhân: truyện 4 người khiêng một người bất toại đến Chúa Giêsu để xin Ngài chữa lành bệnh (Mc 2,1-12) và Chúa tha tội (Mc 2,5); Chúa ngồi ăn tiệc chung với mấy người tội lỗi để mặc cho nhóm biệt phái lẩm bẩm chỉ trích (Mc 2,16) và lời của Chúa: “Không phải người lành cần thầy thuốc, nhưng bệnh nhân; tôi không đến để gọi kẻ công chính, nhưng gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).
Câu truyện ơn gọi của Lêvi mở suy tư của chúng ta ra hai hướng.
a) Từ kinh nghiệm sống của một người sung sướng khám phá ra là mình được thương yêu mặc dù có nhiều tội họ có khả năng cảm thông và thương yêu các tội nhân, thông truyền sự vui mừng hạnh phúc của ơn cứu độ và chỉ đường, chỉ lối cho các tội nhân thành tâm thống hối muốn ăn năn hối cải.
b) Như Chúa Giêsu, linh mục của Chúa cần tập gần gũi với các tội nhân với tình yêu cứu độ. Người ta nói nhiều đến tình yêu đối với người nghèo. Điều này trúng và cần thiết Tuy nhiên, trung tâm của lịch sử ơn cứu độ là tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi. Hơn nữa, kinh nghiệm sống cũng cho chúng ta biết, điều khó thực sự không phải là yêu người nghèo và người đau ốm, nhưng là yêu người tội lỗi.
3.Lựa chọn Mười Hai Tông Đồ (Mc 3,13-19)
- Bối cảnh: Tin Mừng thánh Marcô thuật lại cảnh tượng đám dân chúng rất đồng đảo tụ tập lại chung quanh Chúa Giêsu (Mc 3,7-8) và Người chữa lành tất cả (Mc 3,10-11; x. Mt 4,24-25).
Như vậy, ơn gọi của 12 tông đồ được lồng trong bối cảnh nhân loại đau khổ, bị dày xéo bởi mọi sự dữ đủ loại, vật chất, thể lý, đạo đức, thiêng liêng nên chạy đến tìm Chúa và muốn được sờ mó đến Ngài để được cứu chữa. Chính trong bối cảnh của một nhân loại đau khổ mà chúng ta có thể hiểu được sự quan trọng và tất cả chiều kích thâm sâu của ơn gọi linh mục, tận hiến để phục vụ thế giới.Chúa kêu gọi các linh mục để rồi lại sai họ trở lại chính nhân loại đau khổ đó để đem đến ơn cứu độ của Chúa. Viễn tượng của ơn gọi linh mục cũng đặt ra một câu hỏi nền tảng về sự hiện diện và các công tác mục vụ của các linhmục: Cần làm thế nào để sự hiện diện của chúng ta như linh mục của Chúa có thể trở nên như bình pha lê trong suốt qua đó dân chúng có thể thấy được Chúa Giêsu? Phải phục vụ thế nào để dân chúng có thể thông hiểu và cảm nghiệm được tình thương yêu của Chúa, chứ không chỉ thấy tình thương yêu và sự cảm thông riêng tư nhân loại của chúng ta? Sự hiện diện, công việc phục vụ và tình thương yêu của chúng ta quan trọng và cần thiết trong chiều hướng là môi giới thông truyền Chúa Giêsu và ơn thánh của Người.
Như vậy thì để chu toàn mục đích ơn gọi, tâm hồn người linh mục phải mở ra hai hướng: hướng ra thế giới và hướng lên Chúa Giêsu. Với tâm hồn tông đồ, linh mục phải biết mang trong tim tất cả các vấn đề của nhân loại với tất cả sức mạnh của tình thương yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Nếu người linh mục chỉ lao mình vào các vấn đề của thế giới mà không thấm nhuần đến độ đồng hóa được tình yêu của Chúa Giêsu thì sẽ chán nản trước muôn vàn vấn đề khó khăn và phức tạp của thế giới, hoặc sẽ trở nên bạo động, chia rẽ và đập phá tất cả.
Ơn gọi: Có tất cả 7 câu, trong đó có hai câu chính là c.13-14.
c. 13:“Rồi Ngài lên núi và gọi những người Ngài muốn và họ đến với Ngài”. Câu này rất vắn gọn, nhưng lại rất súc tích, đặc biệt có 3 cụm từ.
- “Ngài lên núi”: Theo một số nhà chú giải, hình ảnh Chúa lên núi gợi lại 3 hình ảnh:1) Môsê lên núi Sinai để lãnh bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân của Người (Xh 24,1-17); 2) Chúa Giêsu lên Núi Sọ để dâng hiến chính mình;3)hình ảnh của thời Cánh Chung khi những tôi trung của Chúa thuộc mọi dân tộc, quốc gia, tiếng nói tiến lên núi thánh, tụ họp trước ngai Con Chiên để đi vào Tiệc cưới với Con Chiên (Kh 14,1-4; 19,7-9). Ơn gọi linh mục là ơn gọi phục vụ để dẫn đưa Dân Chúa vào tình yêu Giao ước với Chúa và gìn giữ cho Giao Ước đó được vẹn toàn. Về chiều kích của sứ mệnh, có một sự chuyển biến từ hình ảnh Mosê lên núi Sinai đến hình ảnh Con Chiên ở trên Núi Thánh. Trong khi Môsê trên núi Sinai thì hạn hẹp trong giới hạn của dân Israel, Con Chiên trên Núi Thánh thì mở toang cửa, mời gọi toàn thể nhân loại thuộc mọi dân, mọi nước, mọi tiếng nói. Như vậy, ngay từ nguồn gốc, ơn gọi đã đưa người linh mục vào viễn tượng phổ quát của sứ mệnh hay trong ngôn ngữ hôm nay, chúng ta nói là viễn tượng truyền giáo. Bổn phận của linh mục không chỉ giới hạn trong công tác mục vụ, lo cho các giáo dân trong giáo xứ của mình, mà phải lo cho phần rỗi cho mọi người, kể cả anh chị em lương dân trong vùng trách nhiệm của mình là giáo xứ, giáo phận và trên toàn thể thế giới. Cuộc dấng hiến trên Núi Sọ là gạch nối giữa núi Sinai và Núi Thánh thời Cánh Chung.
- “Ngài gọi những người Ngài muốn”: Chữ quan trọng nhất ở đây là động từ “muốn”, dịch từ nguyên văn Hy lạp “Etelen” (ἤθελεν). Bản Giêrusalem tiềng Anh thì dịch là “wanted”; tiếng Pháp thì dịch là “voulait”. Không có động từ nào trong các ngôn ngữ tân thời lột được tất cả chiều sâu của nguyên văn Hy lạp. “Etelen” không chỉ có nghĩa là muốn, nhưng là ao ước một cách tha thiết, đã cân nhắc kỹ càng và giữ kín trong lòng.
- “Và họ đến với Ngài”: nguyên văn tiếng Hy lạp là “kai apenthon prós autón” (καὶἀπῆλθον πρὸς αὐτόν). Trong các ngôn ngữ tân thời, động từ “đến” diễn tả trước tiên ý tưởng địa dư, nói đến sự thay đổi vị trí từ chỗ này sang chỗ khác, trong khi động từ Hy lạp thì hàm chứa trước tiên thái độ linh thiêng của nội tâm. Sự di chuyển địa dư chỉ là một diễn tả bề ngoài của sự lựa chọn bên trong nội tâm. Vì vậy, “đến với Ngài” có nghĩa là chấp nhận Ngài, đồng hoá với Ngài, với tâm tình, ý nghĩ, với cách sống và với lập trường của Ngài và với số phận của Ngài, cả trong những hoàn cảnh khó khăn, có nguy hiểm đến tính mạng.
c. 14: “Ngài thiết lập Nhóm Mười Hai để họ ở với Ngài và cũng để sai họ đi rao giảng với quyền năng trừ quỷ”.
Câu 14 có 3 cụm từ giúp chúng ta hiểu rõ ràng và sâu đậm ý nghĩa của ơn gọi:
- “Thiết lập Nhóm Mười Hai”: Chúa gọi đích danh từng người, nhưng không để riêng rẽ, mà lập thành một nhóm và đặt một người đứng đầu. Đây là một nhóm có qui củ vững chắc. Từ thực tại này của ơn gọi, trong Giáo Hội có Giám Mục Đoàn, rồi tại các giáo phận có Linh Mục Đoàn qui tụ chung quanh Đức Giám Mục giáo phận, hiệp nhất với nhau dựa trên chức thánh đã lãnh nhận và do đó, thương yêu nhau và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm mục vụ trong giáo phận, dưới sự chỉ đạo của Đức Giám Mục giáo phận. Tinh thần Linh-Mục-Đoàn vượt lên trên tình bạn, tình anh em cùng lớp, tình cảm địa phương. Nếu không có tinh thần linh-mục-đoàn, các thực thể dựa trên tình nghĩa nhân loại sẽ dễ dàng biến thành phe đảng, gây chia rẽ, nghi kỵ và cản trở hoạt động tông đồ.
- “Ởvới Ngài” có nghĩa là thiết lập một mối giây liên lạc mất thiết bền chặt để sống hiệp nhất đến độ gắn bó vàđồng hoá với Ngài,để thông phần vào số mệnh của Ngài và quyền năng của Ngài.
- “Để sai họ đi rao giảng”. Mục đích thứ hai của ơn gọi là sai đi rao giảng (một vài bản văn nói rõ chính xác: rao giảng Tin Mừng). Cần phải chú ý đến sự thay đổi chủ từ. Trong khi động từ “ở” (ở với Ngài), chủ từ là các tông đồ; động từ “sai đi” thì chủ từ lại chuyển ngay sang Chúa (để Chúa Giêsu có thể sai các ông đi). Điều này có nghĩa là trong công việc mục vụ truyền giáo, Chúa vẫn đóng phần chủ động trực tiếp. Qua các tông đồ, chính Chúa tiếp tục hoạt động để cứu vớt và canh tân thế giới. Chân lý này cũng được thánh Gioan diễn tả trong chương sau cùng của sách Tin Mừng của ngài. Sau khi đã hỏi Phêrô có yêu mến mình không và đã trao sứ mệnh cho Phêrô, Chúa nói: “Thầy bảo thật cho con biết: lúc còn trẻ con tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, con sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn con đến nơi con chẳng muốn.” (Ga 21,18).
Mục đích thứ nhất của ơn gọi (ở với Ngài) là bí quyết. Ở với Ngài để biết Ngài, để sống hiệp thông mật thiết với Ngài và để thấm nhuần tinh thần của Ngài. Bằng không thì mặc dù có bôn ba năm châu bốn biển, có hỳ hục đổ mồ hôi máu ra thì cũng chỉ lợi dụng danh Chúa, lợi dụng Tin Mừng để làm công việc riêng của mình và rao giảng chính mình.
4.Đề nghị gợi ý cho giây phút cầu nguyện và suy niệm
a)Suy niệm Lời Chúa để hiểu sâu sa về ý nghĩa, mục đích và các đòi hỏi của ơn gọi linh mục: Mc 1,16-20; Mc 2,13-14; Mc 3,7-19; Mt 4,23-25; Đnl 7,6-11.
b)Ôn lại lịch sử ơn gọi của chính mình để sống cuộc đời linh mục với lòng hăng say hơn: sống lại những giây phút quyết định trên đường đáp lại tiếng Chúa kêu gọi; sống trong lòng cảm tạ thâm sâu vì ơn gọi; tâm tình ngạc nhiên sửng sốt trước tình yêu của Chúa đã kêu gọi; lặp lại quyết định dấn thân đáp lại tiếng Chúa gọi: 2Tm 1,6; Tv 8; Tv 116,12-19; Lc 1,46-50.
Sau khi nghe giảng, các linh mục và phó tế thinh lặng, xét gẫm, cầu nguyện và viếng Thánh Thể.
- 10giờ 45: Kinh Sách, Lần Chuỗi.
- 11giờ 30:Cơm trưa.
2.Buổi chiều
Bài chia sẻ 3
THEO CHÚA CÁCH HỜI HỢT
1.Xa cách tâm tư của Chúa
Một điều rất hiển nhiên chúng ta có thể thấy dễ dàng trong Tin Mừng thánh Marcô là mặc dù đã chấp nhận theo Chúa, các môn đệ vẫn không hiểu Ngài, không hiểu mầu nhiệm của Ngài, không hòa hợp với tinh thần, tiêu chuẩn sống, tâm thức và cách sống của Ngài.
Từ chương IV, điều này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một điệp khúc, đến nỗi có thể coi đây là một vấn đề rất quan trọng trên bước đường theo Chúa. Đoạn thuật lại cơn bão Chúa khiến trở nên thanh bình (Mc 4,35-41) kết thúc với nhận xét nói lên sự kinh ngạc đồng thời cũng nói lên một điều tỏ tường là các môn đệ vẫn chưa hiểu Chúa chi cả mặc dầu họ đã theo Chúa và ở với Ngài từ lâu (Mc 4,41; x. Mc 6,49-52).
Phần Chúa Giêsu, có rất nhiều câu nói, nhiều lời khuyên răn và khiển trách theo chiều hướng này: Mc 3,5, Mc 4,9, Mc 4,23, Mc 4,40, Mc 6,6, Mc 8,17, Mc 8,33.
Mấy lời trưng dẫn trên đủ để nói lên tình trạng nông cạn hời hợt của các môn đệ. Họ đã chấp nhận theo Chúa, nhưng vẫn chưa thực sự đặt mình vào vị thế của Chúa; tư tưởng, tâm thức và tiêu chuẩn sống của họ vẫn chưa ăn khớp với Chúa.
Có lẽ cũng cần ngừng lại nơi đây để coi xem tình trạng của các môn đệ trong sách Tin Mừng có thể gặp nơi các môn đệ của Chúa trong công việc tông đồ tận hiến hôm nay. Chúng ta thử nghĩ đến Bài Giảng trên Núi nói về Phúc Thật dẫn đưa đến thanh thoát nội tâm để tựa dựa vào Chúa và do đó đạt được an bình thực sự; trong khi đó, ngày nay người ta coi cuộc sống lý tưởng là sống hợp lý theo thước đo của nhân loại: Mt 5,44-48; Mc 2,15-17; Mt 9,10-13; Mt 5,20-48; Mc 3,31-35.
Nhiều khi, xem ra người ta chưa đọc Tin Mừng. Tâm thức và cuộc sống còn rất xa xôiđối với Tin Mừng cho dù có nói bao lời đẹp đẽ và tuyên ngôn long trọng.
2. Khiêm nhượng nhìn nhận sự dốt nát
Khởi điểm của tất cả cuộc hành trình là lòng khiên nhượng chấp nhận sự thật là mình chưa hiểu hay ít nữa là chưa thực sự thâm hiểu mầu nhiệm của Chúa. Tình trạng rất thực, nhưng ít có linh mục muốn nhìn nhận. Thế nhưng Thiên Chúa, qua ngôn sứ Isaia, lại nhấn mạnh về thực tại này: Is 55,8-9; x. Is 40,13-14; Rm 11,33-35; x. 1 Cr 2,13; Mc 8,31-33.
Ở đây, cần phải nhắc lại lời kêu gọi của Chúa ngay khi Ngài bắt đầu cuộc đời công khai: “Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần. Anh em hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Từ “ăn năn thống hối” dịch nguyên tự Hy lạp “metanoéite. “Metanoéite” (μετανοεῖτε) là một động từ kép gồm hai từ “meta” và “nóesis”. “Meta” là vượt ra khỏi, vượt lên trên (tiếng anh: beyond); “nóesis” là cách nhận thức, cách hiểu biết theo khả năng của con người. Vì vậy, nếu muốn nói cho trúng thì phải dịch là “Thời gian đã mãn hạn, Nước Thiên Chúa đã gần kề. Vậy anh em hãy thay đổi cách nhận thức, vượt lên khỏi cách nhìn thường tình của nhân loại mà tin vào Tin Mừng”. Tại sao vậy? Thưa vì hiện đang nhìn trật nên mới làm bậy. Vì vậy, điều quan trọng là phải đổi cách nhìn. Nếu chỉ đổi cách làm mà vẫn nhìn trật thì chỉ là quét lớp sơn bên ngoài.
Vì vậy, khiêm nhường chấp nhận chưa hiểu thấu đáo tinh thần của Chúa quả là căn bản, vì chỉ khi nào người ta xác tín là chưa thấy, chưa hiểu, lúc đó người ta mới cố công tìm kiếm, miệt mài học hỏi và khiêm nhượng lắng nghe. Biết bao linh mục rối loạn trước các hoàn cảnh khó khăn thay vì trở về lòng mình để lắng nghe trong tinh thần khiêm nhượng như Đức Mẹ (Lc 2,19; Lc 2,51). Suy niệm để tìm hiểu con đường của Chúa, nhiều khi rất khác xa các tiêu chuẩn và tính toán theo cái lý sự của loài người (Is 55,8-9; Rm 11,33-35; 1Cr 1,22-25).
Nhưng liệu con người có thể hiểu được Thiên Chúa hay không? Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” trả lời là được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, con người có khả năng hiểu biết và mến yêu Đấng đã tạo dựng nên mình (VMHV 12), còn thư gửi tín hữu Roma thì nói là lý trí con người có thể hiểu biết được Thiên Chúa khi chiêm ngắm vũ trụ, các loài đã được Thiên Chúa tạo dựng (Rm 1,19-23).
Như vậy tại sao người ta lại không hiểu biết được đường lối của Thiên Chúa. Vẫn theo thư gửi tín hữu Roma, lý do là vì người ta đã chiều theo các dục vọng (Rm 1,24-32).
Như vậy, con người không hiểu được đường lối của Thiên Chúa vì có những cản trở. Giới hạn trong sách Tin Mừng thánh Marcô, chúng ta có thể nói đến hai trở ngại chính yếu: cạm bẫy của ma quỷ và sự cứng lòng.
3.Lướt thắng các trở ngại
a) Cạm bẫy của quỷ ma
Cản trở lớn lao đầu tiên là cạm bẫy lừa lọc của ma quỷ (Mt 4,1-11).Điều đáng chú ý nhất là trong các cám dỗ, ma quỷ không mớm những điều hoàn toàn sai lạc, nhưng thường thì đưa ra các sự thật trúng một nửa và diễn tả cách hồ đồ. Thêm vào đó, ma quỷ lại còn dựa vào các luận chứng lấy trong Sách Thánh. Chính vì vậy, các cám dỗ mới hấp dẫn và, vì đó, người ta mới dễ bị lừa, ngay cả những người quảng đại cũng có thể bị lừa và mất hồn.
Để tránh cạm bẫy của ma quỷ, phải có những điều kiện sau đây:
- Điều kiện I: cần phải yêu chuộng sự thinh lặng, thứ thinh lặng nội tâm..
- Điều kiện II: cần một tâm hồn thành thực để điểm mặt các lý chứng hồ đồ và các cạm bẫy của kiêu căng, tư lợi và đam mê dục vọng để gọi chúng với chính tên của chúng để khỏi đánh lừa chính mình.
- Điều kiện III: cần phải có tinh thần chuyên cần tìm kiếm Chúa qua sự lắng nghe tiếng Chúa, với tất cả tấm lòng trìu mến (Gr 15,16).
- Điều kiện IV: cần tinh thần khiêm nhượng(1 Pr 5,5), nhưng có lẽ đây lại là điều thiếu nhiều nhất. Trong thời đại của chúng ta, có Gandhi, sau nhiều năm chân thành tìm kiếm chân lý, đã đi đến một kết luận tương tự: “Các dụng cụ tìm kiếm Chân Lý thật là đơn sơ, nhưng cũng thật là khó khăn. Khó khăn đối với một người kiêu căng ngạo mạn, nhưng đối với một em bé vô tội thì không có chi khó khăn cả. Người muốn đi tìm chân lý phải khiêm nhượng hơn tro bụi và chỉ khi đó mới hy vọng đón nhận được đôi tia ánh sáng” (M.K. Gandhi, Antiche come le montagne, a cura di Sarveoakku Radhakrishnan, Edizioni di Comunità, Milano 1963, p. 96).
b) Cứng lòng
Trở ngại thứ hai trên cuộc hành trình hiểu và theo Chúa là sự cứng lòng. Đây là một trong các vấn đề Chúa nói nhiều lần trong Tin Mừng: Mc 3,5; Mc 8,17.
Cứng lòng là gì? Đây là con tim bị đóng phèn, con tim ương ngạnh, con tim chai đá. Một số bản văn nguyên thủy, thay vì danh từ pórosis (πώρωσιςτñς καρδíας)có nghĩa là sự cứng cỏi thì viết là pérosis (điếc). Ý nghĩa này có rõ hơn một chút trong phần cắt nghĩa vì sao Chúa hay dùng dụ ngôn (Mc 4,12). Để hiểu đoạn văn này, cần phải đọc thêm hai đoạn bổ túc: Ga 12,37-40; Is 6,9-10.
Đây là con tim vô cảm, ương ngạnh, cố chấp trong sai lầm và khép kín trước những nhắc nhở của tình yêu. Càng được kêu gọi, càng khép kín và xa lánh (Os 11,1-2.7). Vậy cần phải đặt ra ở đây một câu hỏi: Tại sao con tim lại khép kín cách cố chấp? Điều gì làm cho nó trở nên chai đá và đui mù? Trước câu hỏi đó, Tin Mừng thánh Marcô trả lời qua một số sự kiện và dụ ngôn sau đây:
i. Sự kiện các môn đệ hái lúa mì(Mc 2,23-28; Mc 4,24).
Vấn đề ở đây là thái độ của một tâm hồn hẹp hòi nửa vời, không biết cho mà chỉ đòi quyền lợi của mình, nên chi phản bội lại chính ý nghĩa và bản tính của luật lệ tuân giữ (Mt 5,20-48; x. Lc 18,11-12).
ii. Chữa lành một người bị bại tay(Mc 3,1-6)
Tại sao họ lại nhắm mắt trước sự thật sờ sờ trước mắt như thế? Có thể có 4 lý do: 1) Dục vọng xui khiến và che lấp (Họ rình để xem Chúa có làm gì không để có cớ mà tố cáo Người); 2) Thiếu sự thành thực nội tâm; 3) Tính kiêu căng tự ái: sợ mất mặt, mất danh dự, thế giá nếu chấp nhận sự thật; 4) Sợ các hậu quả: nếu chấp nhận sự thật thì phải thay đổi tất cả nếp sống hay có khi cũng phải từ bỏ các nguồn lợi xã hội, vật chất... Cho nên tốt nhất là chối bỏ hết. Tưởng thế là dễ và yên thân, nhưng đó lại là đầu mối của biết bao lỗi lầm và tội ác, vì tâm hồn ra chai đá. Trong thần học luân lý, khi nói về lương tâm thì có vấn đề lương tâm đui mù. Đó là thứ lương tâm không còn khả năng phân biệt lành dữ. Vì vậy, nhiều khi người ta nói là lương tâm yên hàn, nhưng thực ra có khi là lương tâm đui mù.
iii. Dụ ngôn người gieo giống(Mc 4,1-20): dụ ngôn này nói lên nhiều hoàn cảnh: có hạt rơi trên đường đi, có hạt rơi trong đá sỏi; có hạt rơi giữa bụi gai và cuối cùng có hạt rơi vào đất tốt. Mỗi hoàn cảnh nói lên một vấn đề, nhưng ở giai đoạn này, chúng ta có thể để ý đặc biệt đến hoàn cảnh của hạt giống rơi giữa bụi gai. Đây là tình trạng của một linh mục để cho lòng mình bị chi phối và lấn án bởi những lo lắng, bận tâm, ưu tư thường ngày, kể cả các lo lắng bận tâm mục vụ. Khi một người để cho lo lắng chi phối thì đâu còn lòng trí nào mà nghe ai, nói chi nghe tiếng Chúa. Điều quan trọng cần để ý là vấn đề không ở tại số lượng các công việc, mà thái độ của tâm hồn trước cuộc đời và nhiệm vụ tông đồ. Đó là thái độ của một tâm hồn chỉ biết xoay vần chung quanh mình nên tất cả đều bị bóp nghẹt. Các ngôn ngữ tây phương phát xuất từ tiếng latinh có hai danh tự (lấy tiếng Anh làm ví dụ): occupation và pre-occupation. Occupation là công việc phải làm; pre-occupation là thái độ trước công việc phải làm. Một người có thể phải làm nhiều việc, nhưng vẫn giữa được tâm hồn thanh thản; một người khác có lẽ chỉ làm đôi ba việc, mà tâm hồn lại lo lắng bồn chồn. Các lý do của sự lo lắng bận tâm có thể có nhiều, nhưng xét cho cùng thì căn nguyên của nó chính là tâm hồn lấy chính mình là nền tảng cho cuộc đời và các hoạt động của mình.
4.Đề nghị gợi ý cho giây phút cầu nguyện và suy niệm
a. Tâm tình khiêm tốn để nhận biết mình còn rất xa vời cách suy nghĩ của Chúa để học nơi Đức Mẹ tinh thần chiêm niệm: Is 55,8-9; Is 40,13-14; Rm 11,33-35; 1 Cr 2,13; 1 Cr 1,22-25; Lc 2,19.51.
b. Đối chiếu nếp sống của mình và các lý tưởng đang theo đuổi với lý tưởng sống của Tin Mừng để thấm nhuần tinh thần và cảm nghĩ của Chúa Giêsu: Mt 5,3-12 (Mối Phúc Thật); Mt 5,20-48 (sự công chính mới và tình yêu đối với kẻ thù địch); Mc 2,15-17; Mt 9,10-13 (yêu thương kẻ tội lỗi); Mc 1,40-2,12 (yêu thương kẻ yếu kém và những người bị khinh chê, loại trừ); Mc 3,31-35 (nền tảng và tiêu chuẩn mới của các mối liên lạc).
c. Nhận diện các mưu mô quỷ quyệt của cha đẻ các sự lường gạt để quyết định chiến đấu chống lại và loại trừ các nguyên nhân làm cho tâm hồn chai đá: Mc 2,23-28; Mc 3,1-6.22-30; Mc 4,1-20.24-25; Mt 4,1-11;1 Pr 5,5; Ed 36,25-27.
Sau khi nghe giảng, linh mục đoàn thinh lặng cầu nguyện và viếng Chúa.
- 5giờ40: Kinh chiều.
- 6giờ:Cơm tối.
- 7g30: Hạt Phan Thiết phụ trách Giờ Chầu Thánh Thể.
Ngày tĩnh tâm thứ hai được kết thúc bằng kinh tối và tâm tình tạ ơn. Xin dâng lên Thánh Gia các gia đình trong toàn thể giáo phận.
Ban thư ký