Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết
Ngày thứ ba: 22-1-2014.
- 5giờ: Khởi đầu ngày mới với ý chỉ: cầu nguyện cho Ơn Gọi.
Kinh Sáng – Nguyện gẫm.
Cha Tổng Đại Diện nguyện gẫm.
Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, chúng con hết lòng kính tin và thờ lạy Chúa. Xin ban Thần khí Chúa trên chúng con trong giờ nguyện ngắm này, soi sáng chúng con suy gẫm về đời sống mục vụ của linh mục chúng con.
Lạy Chúa, từ giữa muôn người, Chúa đã chọn gọi chúng con, cất nhắc lên chức linh mục để hành động nhân danh và trong ngôi vị Đức Kitô khi rao giảng tin mừng, ban bí tích rửa tội, cử hành Thánh Thể, ban ơn hòa giải… Linh mục chia sẻ sứ mệnh của Đức Giêsu Kitô là phục vụ sự sống và hạnh phúc của con người: Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Xin cho chúng con biết nhìn lại công việc mục vụ hàng ngày của chúng con, nhờ đó biết thi hành theo gương Đức Kitô Mục tử.
Đọc Tin mừng: Mc 1,21-28 -Sứ mệnh Mục Tử.
“Linh mục là chủ chăn của giáo xứ đã được trao phó để thi hành các nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản, với sự cộng tác của các linh mục khác hay phó tế, và cả của giáo dân” (x. GL 519).
- Sứ vụ giáo huấn
Các ngôn sứ trong Cựu ước được Chúa sai đến với dân để nói thay Chúa và nhân danh Chúa, giúp dân nhận biết thánh ý Ngài và thi hành, đồng thời hứa hẹn cho họ tương lai tốt đẹp. Đức Giêsu là ngôn sứ tuyệt hảo và là viên mãn của mạc khải. Tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói, Người nói nơi Đức Kitô, Con Một của Người (Ga 1,18; Dt 1,1-2). Do đó, linh mục được sai đi để giảng dạy theo mẫu mực Đức Giêsu, vị mục tử tối cao và tốt lành: Ngài rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa, rao giảng cho người nghèo, rao giảng bằng dụ ngôn, rao giảng khắp nơi (trong các Hội đường, trên núi, ngoài bãi biển, các làng mạc, thành phố, trong Đền thờ), giảng dạy như người có quyền làm cho dân chúng cảm phục, rao giảng bằng chính cuộc sống, rao giảng không biết mỏi mệt…
Sắc lệnh về chức vụ và Đời sống các Linh mục xác định: “Dân Chúa được đoàn tụ trước hết là nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống; lời này phải được đặt biệt tìm thấy nơi miệng lưỡi các linh mục…. Vì thế, dù khi các ngài công khai giảng thuyết để loan truyền mầu nhiệm Chúa Kitô cho những người chưa tin, dù khi dạy giáo lý hay giải thích giáo thuyết của Giáo hội… trong mọi trường hợp, phận sự của các linh mục không phải là giảng dạy sự thông biết của mình, nhưng là giảng dạy Lời Chúa và khẩn thiết mời gọi mọi người cải thiện và nên thánh”.
Chỉ nam Linh mục của Thánh bộ Truyền giáo nhấn mạnh: bổn phận của người rao giảng Tin mừng là truyền thông Lời Chúa một cách trung thực của một tôi tớ khiêm nhường, chứ không phải do sự khôn ngoan của loài người. Nhiệm vụ rao giảng đòi hỏi các linh mục phải soạn bài giảng kỹ lưỡng, truyền thông những kho báu vĩnh cửu của Thánh Kinh, Thánh Truyền, quyền giáo huấn và đời sống Giáo hội. Bên cạnh việc dạy và tổ chức giáo lý, việc giảng lễ chiếm vị trí quan trọng, nhằm công bố mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, giúp người nghe tham dự sâu xa hơn và cử hành Thánh Thể và sống đời môn đệ Chúa Kitô cách mạnh mẽ hơn. Vì thế, giảng lễ phải được khơi nguồn từ đời sống thiêng liêng đích thực như thánh Tôma nhấn mạnh: “giảng là chia sẻ hoa trái của chiêm ngắm”. Linh mục cần tiếp cận cuộc sống của thính giả và những trào lưu tư tưởng cũng như các sinh hoạt văn hóa, nhờ đó mới có thể công bố Lời Chúa bằng ngôn ngữ thời đại và đáp ứng khát vọng của con người hôm nay. Đức Thánh Cha Phaolô VI nhắc nhở: tin điều mình giảng, sống điều mình tin, giảng điều mình sống.
- Sứ vụ thánh hóa
Sự thánh hóa cộng đoàn trước hết là do ân sủng của Đức Kitô chết và sống lại, và nhờ các ân huệ của Chúa ThánhThần. Linh mục là công cụ của Thiên Chúa qua việc cử hành các bí tích, nhất là Thánh Thể, giúp thánh hóa đoàn dân Chúa được ủy thác. Vì thế, linh mục cần lo cho mọi tín hữu được lãnh nhận các bí tích cách hữu hiệu bằng việc chuẩn bị cho họ, giúp họ hiểu được ý nghĩa của bí tích lãnh nhận và sống bí tích đó trong đời sống. Sở dĩ việc sống đạo của tín hữu sa sút, đức tin yếu kém là vì các bí tích được lãnh nhận không thẩm thấu và tác động trong tâm hồn và đời sống của họ.
Chỉ nam Linh mục nhắc nhủ: Khi cử hành Phụng vụ và các bí tích, linh mục cố đạt tới ý nghĩa sâu xa của phụng vụ, giúp giáo dân hiểu biết và sống các bí tích, tránh coi bí tích như ảo thuật, lo cho giáo dân dọn mình lãnh nhận các bí tích cách xứng đáng. Chỉ nam nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của Bí tích Thánh Thể, nhất là cổ vũ tham dự Thánh lễ cách tích cực và sống động, cổ vũ việc rước lễ, tôn sùng Thánh Thể. Các chủ chăn cử hành bí tích giải tội cách siêng năng. Những thái độ của linh mục chủ sự: sốt sắng bề trong và bề ngoài, tránh vội vàng cẩu thả. Tuân giữ những quy tắc của phụng vụ: cử chỉ, ngôn từ và lễ phục… nêu gương sáng cho cộng đoàn.
Mang lấy thân phận mỏng dòn, linh mục thánh hóa tín hữu nhờ việc cử hành các bí tích in personna Christi. Linh mục cần đắm mình nơi nguồn suối ơn thánh, để có thể đưa ơn thánh xuống trên mọi người. Đừng để mình trở thành những máng rỉ sét hoặc những kênh rác rưởi hôi thối. Nếu không có ơn Chúa và sự cầu nguyện của mọi người, mình cũng chỉ là một bình sành dễ vỡ.
- Sứ vụ quản trị.
Chúa Giêsu là vị mục tử hiền lành và khiêm nhường. Ngài quy tụ, chăn dắt, che chở và sẵn sàng chết vì đoàn chiên. Đối với Ngài, làm vua là phục vụ, lãnh đạo là làm tôi tớ: “Tôi sống giữa anh em như người tôi tớ”. Ngài dạy các môn để sống phục vụ theo gương Ngài là Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình. Linh đạo của đời linh mục là yêu thương đàn chiên theo gương vị mục tử tốt lành: “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường”.
Presbyterorum Ordinis dạy: Thi hành chức vụ của Chúa Kitô là Đầu và là chủ chăn theo phận vụ mình, các linh mục nhân danh giám mục tụ họp gia đình Thiên Chúa như một cộng đoàn huynh đệ duy nhất. Để thi hành thừa tác vụ này, các linh mục được trao ban quyền thiêng liêng để kiến thiết Giáo hội. Trong việc kiến thiết này, các linh mục phải theo gương Chúa mà đối xử rất nhân đạo với hết mọi người.
Pastores dabo vobis (số 25) dạy linh mục phải thi hành chức vụ cai quản đoàn dân Chúa bằng đức ái mục tử theo gương Đức Kitô. Tình yêu này luôn xuất hiện như một lời đáp trả tình yêu đi trước, tự do và nhưng không của Thiên Chúa trong Đức Kitô.
- Thi hành sứ vụ trong sự trung tín với Chúa và liên đới với dân
Thư gởi Do thái trình bày hai tư cách nổi bật của Đức Giêsu thượng tế: trung tín với Thiên Chúa và liên đới với anh em mình. Đây chính là kim chỉ nam cho các linh mục trong việc dấn thân phục vụ Giáo hội.
Ông Môsê được nhìn ngắm như tiền ảnh của Đức Kitô. Môsê trung tín với Chúa vì là người tâm phúc của Thiên Chúa, không hề làm gì mà không hỏi ý của Chúa. Sự trung tín của Môsê được biểu lộ đầu tiên qua câu chuyện ông gặp Thiên Chúa tỏ ra cho ông qua bụi gai bốc cháy mà không tàn lụi. Môsê cởi giày phủ phục vì nhận ra mình phàm nhân trước Thiên Chúa chí thánh. Sau đó ông được Chúa trao sứ mệnh giải phóng dân Chúa. Mối tương quan gần gũi với Chúa ngày càng sâu xa và Môsê khao khát được thấy dung nhan Thiên Chúa. Chúa nói với ông không thể nhìn thấy Người mà lại sống (Xh 33,20); tuy vậy, Chúa vẫn chiều ông cho ông được nhìn thấy Người khi Người đi ngang qua. Nhưng ông cũng chỉ nhìn thấy sau lưng. Trung tín với Chúa nhưng Môsê không xa cách anh em, ngược lại luôn hướng về dân. Ông không đặt mình trên hay ngoài dân, nhưng hoàn toàn liên đới, đồng hóa với dân, ngay cả nhận lãnh trách nhiệm về tội của dân. Cuối cùng ông nằm xuống trên núi Nêbo, gần bên dân mà không qua miền đất hứa.
Đức Kitô hằng trung tín với Chúa Cha bằng sự vâng phục thánh ý Cha cách trọn vẹn. Ngài liên đới với dân và yêu thương họ đến cùng. Đó chính là mẫu mực của linh mục khi sống và thi hành sứ vụ mục tử. Càng gần Chúa càng liên đới với dân… và càng liên đới với dân lại càng đẹp lòng Chúa.
- Kết luận
Nghe Tin mừng phần hai dụ ngôn Tình Cha: “lúc ấy người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một đầy tớ mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: em cậu đã trở về và ông nhà đã cho giết bê béo vì thấy cậu ấy trở về bình yên mạnh khỏe. Người anh liền nổi giận, không chịu vào …”.
Người anh cả chỉnh chu làm việc, không có giờ giải trí và cũng chẳng muốn cho ai giải trí vui đùa. Điều nghiêm trọng nằm ở ngay trái tim hơn là những lời lẽ thốt ra, đó chính là lòng ganh tị ở tận tâm can. Sự ganh tị là nọc độc tiêm nhiễm nhiều cộng đoàn Kitô giáo và là cội rễ của sự tự hủy nơi các Kitô hữu, kể cả nơi các linh mục. Mỗi người tìm cách bảo vệ lãnh thổ của mình và khó lòng chấp nhận sự khác biệt của người khác. Sự ganh tị đâm rễ sâu trong nhiều vết thương, nhiều đau khổ, thất vọng, trong một cuộc đời lẽ ra đã muốn được cho đi trọn vẹn: Cha coi, con hầu hạ cha và chẳng khi nào trái lệnh, vậy mà tại sao nó lại được ưu đãi mà không phải là con…
Trong Nhiệm Thể, tất cả chúng ta đều lệ thuộc nhau. Tình huynh đệ, sự hiệp thông là trái tim của Tin mừng và xuất phát từ sự phụ thuộc lẫn nhau tự nguyện và tự do. Thánh Phaolô đã đề cập đến trong 1Cr 12. Sự sống nơi thân thể Đức Kitô tùy thuộc vào sự hòa hợp của các chi thể. Không ai có được hết mọi đặc sủng. Không ai vừa là chân, là tay, tai, mắt, vừa là ngôn sứ vừa là mục tử… Mỗi người đều nhận từ anh em điều mình đang thiếu, và đó là niềm vui của chúng ta khi ngày lại ngày được sống sự phụ thuộc lẫn nhau bắt ngồn từ tình huynh đệ và đồng thời làm cho tình huynh đệ lớn lên. Khước từ định luật ấy là nguyên nhân gây khó khăn và khổ đau. Ai trong chúng ta, một ngày nào đó, lại chẳng bị cám dỗ nghĩ rằng mình tốt lành hơn anh em nhưng lại ít được Chúa hoặc giám mục ưu đãi hơn; và rồi thảm kịch Cain và Abel lại có thể diễn ra!
Thi hành sứ vụ mục tử, linh mục chúng ta phải noi gương Đức Giêsu, người Anh Cả, để dám thưa với Chúa: Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng ở đó với con (Gn 17,24). Giáo xứ này, dân này, giới trẻ này, những kẻ bất hạnh này… Cha giao cho con, Cha muốn ơn cứu độ của Cha đến với họ, vì không ai cướp được chúng khỏi tay Cha… Con quyết đưa thằng em út hư đốn về cho Cha để đáp lại lời Cha than thở: em con đã làm cha lo biết mấy, do đó, con đinh ninh rằng con ít được thương yêu hơn nhưng đâu có đúng. Con cái, đứa nào cũng được cha yêu, mỗi đứa một cách. Con là con cả, đứa con của mối tình đầu thời trai trẻ. Còn em con là đứa nhỏ có thể được cưng chiều, tính tình thất thường, nó về ta phải mừng chứ vì đã mất nay tìm lại được. Hãy vui với cha, hãy mở lòng con ra vì nó là em con kia mà.
- 5giờ 45: Thánh lễ. Đức Cha Giuse chủ tế và suy niệm Tin mừng (Mc 3,1-6).
Nếu như hôm qua đi bên các môn đệ đang đói bụng, tuốt lúa để mà ăn trên cánh đồng, Chúa Giêsu đã hướng người ta về với bổn phận tôn giáo phải có về ngày sabat, thì hôm nay giữa hội đường nơi cử hành phận vụ thiêng liêng, Chúa Giêsu lại mở ra một hướng sống đạo giữa đời thường. Đó là biểu hiện tình thương đối với những người cùng khổ một cách nhẹ nhàng. Ngài dạy con người phải quan tâm làm việc thiện với những chỉ dẫn.
- Chỉ dẫn trước hết là với tấm lòng tự nguyện.
Không biết khi gọi người bại tay ra đứng giữa hội đường Chúa Giêsu muốn nhắm đến điều gì, nhưng đặt trong bối cảnh cử hành của ngày sabat, người ta thấy Chúa Giêsu có ý công khai hóa việc người sắp thực hiện, dù chẳng cần ai kêu xin, đồng thời dựa trên tình huống này, Người dạy dỗ dân chúng những bài học liên quan. Một việc thiện như là chữa lành người tật bệnh, Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều lần với những cách thế khác nhau, khi thì trực tiếp, lúc lại gián tiếp. Còn ở đây dường như Người muốn nhắn nhủ làm việc thiện. Vẫn biết ăn thì có mời, làm có khiến; nhưng cứu người, nhất là nhắm đến ơn rỗi của người ta là một việc cấp bách, phải tự nguyện làm thôi.
- Chỉ dẫn thứ hai là phải kiên trì.
Khi thấy cử tọa không trả lời câu hỏi đưa ra, thậm chí còn làm ngơ, lòng chai dạ đá, Chúa Giêsu,như thánh Marcô mô tả, đã có ánh nhìn không vui. Đặt mình trong hoàn cảnh như Chúa Giêsu hôm đó, chắc là nhiều người chúng ta đã dễ dàng hoặc buông ra những lời buồn bực, hoặc nóng ruột với sự buồn chán. Nhưng không nản, Chúa Giêsu kiên trì thực hiện công việc của mình. Người chữa lành kẻ tật nguyền, để qua đó ta hiểu làm việc thiện không phải lúc nào cũng dễ dàng và dễ chịu đâu. Người làm việc thiện cần kiên trì vượt qua những thử thách, cách riêng sự thiếu đồng cảm hay sự vô cảm của những người chung quanh.
- Chỉ dẫn thứ ba là sự dũng cảm.
Câu kết của bài Tin mừng hôm nay thật đáng ngại: người biệt phái và phe hêrôđê có bao giờ ngồi chung bàn hay đi chung đường với nhau đâu, thế mà, vì muốn tìm cách hãm hại Chúa Giêsu, họ lại kết thân với nhau để nhỏ to bàn mưu tính kế, dò xét rình rập hòng đưa Chúa Giêsu vào cạm bẫy. Quả đáng sợ lòng dạ người đời. Nhưng Chúa Giêsu không biểu lộ một chút sợ hãi nào. Người chữa lành người có tay bại liệt kia như muốn chỉ ra rằng việc thiện cũng như bất cứ việc gì luôn cần đến sự dũng cảm vượt thắng khó khăn của hoàn cảnh, và nhất nữa là vượt thắng sự sợ hãi vốn thường trú trong tim của nhiều người.
Anh em linh mục thân mến,
Chúng ta là người phân phát các mầu nhiệm thánh, về mặt lý thuyết cũng là người làm việc thánh, việc thiện trong phận vụ của mình. Nhưng về mặt thực hành nhiều khi cũng gặp phải những điều không mong muốn, không chờ đợi như là dễ nóng nảy hoặc ngược lại, dễ nản lòng. Vì thế, xin cho linh mục chúng ta được thêm kiên trì và nhiều dũng cảm hơn nữa khi thi hành nhiệm vụ mục vụ. Theo ý hướng cầu nguyện của ngày tĩnh tâm hôm nay, cách riêng xin cho những người trẻ nhận ra nơi linh mục chúng ta những mẫu gương quảng đại, để tới phiên mình, họ biết đáp trả tiếng gọi để sẵn sàng phục vụ Chúa trong thiên chức linh mục một cách trọn vẹn với một tâm hồn sẵn sàng, nhất là với lòng nhiệt thành cần thiết của đời mục tử.
- 8giờ: Đức Cha giảng phòng.
Bài chia sẻ 4
KHỦNG HOẢNG ƠN GỌI
1. Cuộc khủng hoảng của sứ mệnh của Chúa Giêsu
Sau những lời tường thuật tương đối vắn vỏi ở chương I & II về những thành công, về đám đông dân chúng ùa nhau chạy theo Chúa, khi sang đến chương III, thánh Marcô bắt đầu nói ngay đến những khó khăn Chúa gặp phải trong sứ vụ của Ngài. Mc 3,6 nói đến cuộc âm mưu của nhóm pharisiêu và hêrôdiani tìm cách giết Chúa: sau phép lạ Chúa chữa lành người bị bại tay. Sự chống đối bắt đầu từ các luật sĩ và nhóm pharisiêu từ từ lan rộng ra dân chúng và kéo theo luôn dân Nazaret cùng quê với Ngài. Nhiều người lúc trước đã theo Chúa lòng đầy vui mừng phấn khởi, bây giờ bắt đầu rút lại và từ từ bỏ luôn. Chúng ta có thể đọc qua mấy câu trong sách Tin Mừng để thấy rõ hoàn cảnh khó khăn của Chúa: Mc 3,6; Mc 3,20-21; Mc 3,22; Mc 5,17. Cứ thế, sang đến chương XII, Chúa Giêsu nói về mình như viên đá bị người xây nhà loại bỏ vứt đi, nhưng lại trở nên viên đá nền tảng (Mc 12,1-12).
Về phần Chúa Giêsu, sách Tin Mừng thuật lại nhiều câu nói lên sự đau lòng, đôi khi tâm tình hầu như phẫn nộ trước thái độ của dân chúng: Mc 3,5; Mc 8,12-13; Mc 9,19.
2. Cuộc khủng hoảng của các môn đệ
Dĩ nhiên các môn đệ cũng bị lôi cuốn vào cuộc khủng hoảng tông đồ của Chúa một cách rất đau đớn. Cuộc khủng hoảng sứ mệnh của Chúa biến thành cơn khủng hoảng cuộc đời của họ. Họ bắt đầu hoài nghi giá trị sứ điệp của Chúa và hoài nghi chính bản thân Ngài (x. Ga 6,60). Dân chúng và cả một số môn đệ cũng cho là lời Ngài nói chướng tai nên bỏ về (Ga 6,48-62), còn Giuđa, một trong 12 môn đệ gần gũi nhất cũng mưu mô đi nộp Ngài lấy tiền.
Theo kinh nghiệm thì khủng hoảng ơn gọi có thể có nhiều nguồn gốc, chẳng hạn, bị dục vọng lôi cuốn, hoặc vì một tư lợi nào đó. Dựa vào hoàn cảnh của các tông đồ, nguồn gốc chính yếu của cơn khủng hoảng ơn gọi là sự hồ nghi về Chúa và về giáo huấn của Người. Các vấn nạn nổi lên theo hai chiều hướng:
a)Nhìn vào cuộc sống cá nhân của mình, cuộc đời cũng vẫn nhằng lằng vậy, vẫn mấy tính mê tật xấu ấy hay có khi còn thấy tệ hơn. Không phải hễ thêm tuổi là thêm khôn ngoan và ơn thánh như sách Tin Mừng nói về Chúa (Lc 2,52). Từ hoài nghi về khả năng của mình, người ta chuyển sang hoài nghi về sức mạnh của ơn thánh và về giá trị của Tin Mừng.
b)Nhìn chung quanh trong môi trường sống và nhìn xa ra ngoài xã hội, một số vấn nạn có thể nảy ra trong đầu óc: “Tại sao Tin Mừng lại không thay đổi được thế giới?” “Tại sao Tin Mừng, nếu là Lời hằng sống của Chúa, lại không được dân chúng đón nhận; nhiều người rất tốt, sống lương thiện đâu có cần Tin Mừng?” Người môn đệ bắt đầu hồ nghi về giá trị của Chúa Giêsu và Tin Mừng Ngài đem đến. Nhưng thường thì các hoài nghi không được nói lên các rõ ràng và mặc nhiên mà được diễn tả cách ẩn tàng qua thái độ, qua cuộc sống. Đức Tin trở thành truyện riêng tư của người linh mục, chứ không phải kho tàng quý báu người linh mục đã khám phá được và ao ước dâng tặng cho thế giới.
Đối với giới linh mục, tu sĩ thì nghi vấn được đặt ra liên quan đến giá trị của ơn gọi linh mục, tu sĩ đối với Giáo Hội và thế giới. Thế nên nảy ra một hiện tượng là có những linh mục, tu sĩ chạy theo nếp sống của người đời; hay hiện tượng một số linh mục tự hào hãnh diện vì biết được một đôi kiến thức chuyên môn, chứ không hãnh diện vì đã khám phá được kho tàng Tin Mừng hoặc tự hào là một chuyên viên này nọ, chứ không vui mừng là linh mục, tu sĩ.
3. Chúa giáo huấn các môn đệ
Bị dân chúng khưóc từ và chống đối,Chúa Giêsu lánh xa đám đông và quy tụ nhóm môn đệ gần Ngài để dạy dỗ và giáo huấn họ, bằng lời nói (các dụ ngôn) và bằng việc làm (phép lạ).
a) Dụ ngôn
Trong phần này của sách Tin Mừng, Chúa dùng 3 dụ ngôn để giải đáp các thắc mắc như mây mờ đang vẩn đục trong tâm trí các môn đệ.
- Dụ ngôn I: Người gieo giống (Mc 4,1-20). Dụ ngôn này trả lời trực tiếp vấn nạn của các môn đệ vì sao Tin Mừng không được đón nhận hay vì sao lại không đem lại kết quả. Tin Mừng là Lời Chúa thì tự bản tính là tốt và sinh hoa kết quả, tuy nhiên không phải tất cả tùy thuộc vào Lời Chúa, mà một phần cũng tùy vào sự tự do của con người nữa. Đây là một khía cạnh cốt tủy của mầu nhiệm Nước Trời: mầu nhiệm tình yêu, được dâng tặng và đề nghị, có thể được chấp nhận, nhưng cũng có thể bị bỏ qua, thậm chí có thể bị từ khước, quẳng đi.
Tại sao Lời Chúa không mang lại hoa trái? Điều chi đã ngăn cản? Dụ ngôn người gieo giống đưa ra 3 lý do qua 3 hình ảnh: đường đi với chim chóc, đá sỏi và, sau cùng, bụi gai.
- Đường đi và chim chóc: trong phần cắt nghĩa dụ ngôn, Chúa cắt nghĩa hình ảnh “chim chóc” bằng hình ảnh “satan” (Mc 4,15). “Satan” là gì? Để hiểu ý nghĩa của biểu tượng này, chúng ta cần đọc Mc 8,32-33 nói đến việc Chúa tiên báo tuần thương khó và cái chết nhục nhã trên Thánh Giá và Phêrô tìm cách can ngăn Chúa, nhưng Chúa quở trách ông là satan, vì ông không nghĩ tưởng theo Thiên Chúa mà theo người ta, vì ông cắt nghĩa chương trình của Chúa theo phạm trù nhân loại.
- Đá sỏi: hình ảnh này là biểu tượng của tình trạng một người sống hời hợt ngoài da. Đứng trên phương diện chú giải, hình ảnh này rất dễ hiểu, nhưng áp dụng vào cuộc sống thì lại khó khăn diệu vợi, vì người sống hời hợt nông cạn thường không muốn trở về với lòng mình; trái lại hay lao mình vào thế giới của hoạt động vì sợ thinh lặng, thứ thinh lặng làm cho nhìn vào lòng mình. Hơn nữa, trong những điều kiện sống hằng ngày, người sống hời hợt xem ra cũng chẳng thua kém ai. Nhưng chỉ khi gặp khó khăn thử thách, khi có chi đụng chạm đến quyền lợi và danh dự cá nhân hay phe nhóm, lúc đó mới nhận ra được cái phẩm thực sự của tâm hồn.
- Bụi gai: Đây là trường hợp của những người đầy thành tâm thiện chí, muốn đón nhận Lời Chúa, nhưng lại để cho lòng mình chi phối bởi thú vui, những bận tâm lo lắng của cuộc đời: một chương trình mục vụ, sự thành công thất bại, danh thơm tiếng tốt, chức vụ, lợi lộc, sức khỏe, gia đình...
Điều cần phải để tâm là cả những công việc tông đồ mục vụ cũng có thể cản trở không để cho Lời Chúa mang hoa trái trong cuộc đời của mình.
- Dụ ngôn II: Hạt giống tự động mọc lên (Mc 4,26-29).
Với dụ ngôn trước, Chúa muốn dạy các môn đệ phải biết nhìn thực tế cách trung thực, với dụ ngôn này, Chúa muốn dạy các môn đệ phải nuôi lòng tin tưởng vào sức mạnh của Lời Chúa (Dt 4,12). Vì vậy, không được nản lòng trước các khó khăn, chống đối nói là đất không mầu mỡ và cần phải chờ thời, khi có điều kiện tốt hơn. Trái lại, phải gieo giống luôn luôn với lòng can đảm, nhẫn nại và kiên trì. Điều duy nhất cần phải để ý và vấn tâm luôn là nếu đã gieo giống tốt, giống trung thực của Tin Mừng.
- Dụ ngôn III: Hạt cải (Mc 4,30-32).
Dụ ngôn này là một trả lời trực tiếp cho các vấn nạn của các môn đệ. Bây giờ họ chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng như hạt cải, sẽ mọc lên và trở thành to lớn. Cũng như dụ ngôn trước, dụ ngôn này có mục đích đánh tan các ngờ vực đang làm nản lòng các môn đệ để phà một niềm tin mới. Nước Trời lan tỏa, biến đổi cách âm thầm trong lương tâm con người như nắm men từ từ biến đổi đấu mì trong thinh lặng, không ồn ào (Mt 13,33; Lc 13,21).
b) Phép lạ
Cùng với các dụ ngôn, Chúa còn dùng các phép lạ để giáo huấn các môn đệ của Ngài.
- Dẹp yên cơn bão (Mc 4,35-41): Bài tường thuật phép lạ kết thúc bài tường thuật với nhận xét về thái độ của các môn đệ: “Tất cả họ đều sợ sệt và nói với nhau: 'Ngài là ai mà cả gió biển đều phải vâng phục'“ (Mc 4,41).
Với phép lạ này, một lần nữa Chúa muốn dẫn các môn đệ đi vào tinh thần của Chúa và nuôi lòng tin tưởng vào Ngài cho dù người ta có bỏ Ngài, cho dù có những chống đối ồn ào. Chúa ngủ để cho giông tố kéo lên, không phải vì bất lực. Nếu cứ động chút là la lối trừng trị thì còn chi là sự kiên nhẫn của tình yêu.
- Phép lạ giải thoát người bị quỷ ám (Mc 5,1-20). Đây là một người bị quỷ ám, đúng hơn bị một bầy quỷ ám, nên chi chưa từng ai bao giờ chế ngự được, nhưng bây giờ thì tùng phục Chúa. Phép lạ này, cũng như phép lạ trước, nói lên cách rõ ràng không ai chối cãi được, quyền năng của Chúa chế ngự cả đoàn quỷ dữ. Các phép lạ này thực là quá đủ để trấn an tâm hồn đang dao động của các môn đệ để gây cho họ lòng tin tưởng vững chắc vào Ngài.
- Phép lạ hoá bánh I (Mc 6,30-44).
Chúng ta đứng trước haithái độ rất bí nhiệm của Chúagây rất nhiều khó khăn cho cách suy nghĩ bình thường của con người. Thái độ I: Giữa lúc dân chúng, kẻ lui, người tới tấp nâp để xin các môn đệ giúp đỡ, mà họ tới đông đến nỗi các môn đệ không có giờ ăn, Chúa bảo tất cả phải đi. Thái độ II: Chúa bảo các môn đệ lo cho5 ngàn ngườiăn, không tính đàn bà con nít. Điều kéo sự chú ý của chúng ta là lệnh truyền của Chúa. Ngài truyền các môn đệ làm một truyện không thể được và cũng không có lý. Không phải Chúa chống lại lý lẽ, nhưng Chúa vượt lên trên lý lẽ loài người vì lý của Ngài khác lý của loài người. Vì vậy, muốn theo Chúa, người môn đệ phải thay đổi não trạng và tâm thức để đi vào cái lý của Chúa và để cho Chúa hướng dẫn theo con đường của Ngài.
- Phép lạ hoá bánh II(Mc 8,1-10): Điều đặc biệt ở đây là tâm tình Chúa biểu lộ trước khi làm phép lạ: “Ta cảm thấy thương hại đám dân này...” (Mc 8,2-3; x. Mc 1,41; Mc 5,34).
Chúa nâng niu trong lòng tình yêu thương dịu hiền đối với đám đông dân chúng. Nhưng đám dân chúng đó là ai? Là những người có thái độ mập mờ. Họ theo Ngài, họ tìm Ngài, họ xin xỏ ân huệ của Ngài, nhưng rồi họ sẽ từ bỏ Ngài, và trong những ngày Chúa chịu nạn, chính họ sẽ hô to đả đảo đòi đóng đanh Ngài hay, ít nữa, chấp thuận hay làm thinh trước bản án bất công Ngài phải chịu. Đó là đám đông dân chúng Ngài tỏ lòng thương yêu và tận tụy phục vụ.
Với những phép lạ, một đàng Chúa muốn khơi dậy lòng tin tưởng trong tâm hồn các môn đệ; đàng khác, Chúa cũng kêu mời các ông kiên trì làm điều lành và phục vụ dân chúng như Ngài, thứ dân chúng với những thái độ mập mờ khó hiểu.
4. Đề nghị gợi ý cho giây phút cầu nguyện và suy niệm
a)Suy niệm Lời Chúa để chiếu soi cuộc đời tông đố nếu có những hình thức của khủng hoảng và thái độ, phản ứng trước khủng hoảng để biến đổi khủng hoảng thành dịp thăng tiến trên đường theo Chúa: Mc 3,5-6; Mc 3,20-22; Mc 5,17; Mc 6,1-6; Mc 8,11-13; Mc 9,19; Mc 10,28; Mc12,1-12;Mc 15,14-15; Mt 19,27-30; Ga 6,48-70.
b)Suy niệm Lời Chúa trong các đoạn sách nói về các dụ ngôn và phép lạ để học nơi các môn đệ thấm nhuần các suy luận và tinh thần của Chúa.
Dụ ngôn: Mc 4,1-20; Mc 4,26-29; Mc 4,30-32.
Phép lạ: Mc 4,35-41; Mc 5,1-20; Mc 5,21-43; Mc 6,30-44; Mc 8,1-10.
c)Xác nhận lại lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, vào giáo huấn, tiêu chuẩn và lối sống của Ngài : Mc 6,31; Mc 8,29; Ga 6,68.
Sau khi nghe giảng, các linh mục và phó tế thinh lặng, xét gẫm, cầu nguyện và viếng Thánh Thể.
- 10giờ 45: Kinh Sách, Lần Chuỗi.
- 11giờ 30:Cơm trưa.
2. Buổi chiều
Bài chia sẻ 5
DẤN THÂN CHO CHÚA
Linh đạo của môn đệ Chúa trong sách Tin Mừng thánh Marcô gồm 3 giai đoạn chính yếu: giai đoạn I, người môn đệ phải tập nhìn để hiểu mầu nhiệm của Chúa; giai đoạn II, người môn đệ được kêu mời dấn thân cho Chúa, có nghĩa là tham dự cụ thể vào mầu nhiệm của Chúa, chấp nhận tất cả các hậu quả của mầu nhiệm Chúa cho cuộc sống của mình; giai đoạn III, người môn đệ trở thành tông đồ, có nghĩa là được sai đi để thông truyền mầu nhiệm Chúa Sống Lại cho thế giới và cho mọi thụ tạo.
Từ ngày đầu đến giờ, chúng ta đã cố gắng làm công việc của giai đoạn I. Bây giờ chúng ta muốn bước sang giai đoạn II.
Biến cố đánh dấu bước biến chuyển từ giai đoạn I sang giai đoạn II là việc tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô tại Cesarea di Philippê: “Thầy là Đấng Cứu Thế” (Mc 8,29). Sự kiện này là biến cố nồng cốt đánh dấu một bước tiến mới về phẩm trong cuộc hành trình thiêng liêng của người môn đệ, trong mối dây liên lạc với Chúa Giêsu, vì việc tuyên xưng đức tin là kết quả của cái nhìn mới về mầu nhiệm Chúa Giêsu, cái nhìn bằng con mắt của Thiên Chúa. Tin Mừng thánh Mattêô ghi lại câu đáp của Chúa như sau: “Hỡi Simon, con Giona, con có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho con điều này, nhưng chính Cha ta trên trời” (Mt 16,17). Phêrô đã nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nhờ được nhìn bằng con mắt của Thiên Chúa. Nhìn bằng con mắt của Chúa là điều cốt tủy.
Nếu được lắp cặp mắt của Chúa thì tất cả đều đổi mới và nếu cách nhìn được đổi mới thì mối tương quan cũng mới. Đó là mối tương quan thân tình với Chúa, biết Chúa, biết mầu nhiệm của Ngài, không như một lý thuyết trừu tượng, nhưng như một kinh nghiệm sống; đó là cái biết của con tim. Do đó, Chúa Giêsu không còn là một thực tại đứng đó để chiêm ngắm và hâm mộ, nhưng là một nhân vật sống động để thương yêu, để sống hiệp thông và để dấn thân. Có thể ví đây như mối tình kết nghĩa vợ chồng vì giờ đây, người môn đệ không những chỉ nghe biết về Chúa Giêsu mà đã được Ngài chinh phục. Khi chưa được chinh phục để “kết nghĩa vợ chồng” với Chúa, thì không thể nói đến việc dâng hiến mạng sống cho Chúa và dấn thân gắn liền số mệnh của mình với cái may cái rủi của Chúa, như được diễn tả trong thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philiphê (Pl 3,7-9).
Giờ đây, người môn đệ đã tiến vào mối tình “kết nghĩa vợ chồng” với Chúa (lời tuyên xưng đức tin của thánh Phêrô: Mc 8,30) sách Tin Mừng viết: “Và Ngài bắt đầu giảng dạy là Con Người sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều...” (Mc 8,31). Đó là 3 lần Chúa tiên báo cuộc tử nạn của Ngài và tất cả sứ điệp của Chúa ở giai đoạn này đều quy tụ về 3 lời tiên báo này.
1. Sau lời tiên báo I về tuần thương khó, thánh Marcô cắt nghĩa ngay các điều kiện để theo Chúa (Mc 8,34-38). Có 3 điều kiện để theo Chúa.
a)“Ai muốn theo tôi thì hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”. Điều kiện này đòi buộc môn đệ Chúa chấp nhận tất cả các hậu quả, các khó khăn, bất tiện gắn liền với cuộc đời của một môn đệ và tông đồ của Chúa. Điều kiện này không là gì khác hơn là sự thành thật và rõ ràng trong lựa chọn của cuộc sống. Không ai có thể tự xưng là môn đệ của Chúa rồi đi sống và hành động như chẳng phải là môn đệ của Ngài, hay nói cách cụ thể thì không thể xưng mình là môn đệ Chúa, nhưng trong cuộc sống lại chạy theo cách suy tưởng, các tiêu chuẩn và cách sống trần thế của xã hội.
Nhưng cụ thể hơn nữa thì cần phải áp dụng điều kiện này vào ơn gọi và bậc sống riêng của từng người. Tất cả cùng được kêu gọi làm môn đệ Chúa, nhưng linh mục, tu sĩ, giáo dân mỗi ơn gọi và bậc sống có những nếp sống khác nhau. Cái khó là biểu lộ công khai lý lịch, danh xưng của mình không luôn luôn là một thú vui, nhất là khi danh xưng đó không được chấp nhận và có thể gây ra những phiền phức, nguy hiểm, hay đòi phải có một nếp sống và cách hành động không theo bản năng tự nhiên.
b)“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai bằng lòng mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
Điều kiện thứ hai đòi người môn đệ của Chúa phải biết tổ chức tất cả cuộc sống nhằm phục vụ Chúa. Nên chi người môn đệ phải quy tụ tất cả sức lực, tất cả khả năng để phục vụ Tin Mừng. Hai người có thể cùng thí mạng sống, nhưng một người thí mạng sống vì tình yêu Chúa, người kia thí mạng mạng sống vì môt dục vọng, hay vì lợi lộc, tiền bạc, danh giá... Đối với người môn đệ, lý do phải là Chúa và Tin Mừng của Ngài. Tâm tình này có thể được diễn tả cách hùng hồn qua mấy lời của thánh Phaolô (Pl 3,7-8; 1 Cr 9,19-23).
c)“Ai hổ thẹn vì Ta và vì lời của Ta trước thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Ngài ngự đến cùng với các thiên thần, trong vinh quang của Cha Ngài”.
Chúa đòi môn đệ của Ngài phải can đảm trung thành với Ngài, với tinh thần của Ngài, tiêu chuẩn và cách sống của Ngài để làm chứng cho Ngài cả khi Ngài bị từ chối và tinh thần, tiêu chuẩn sống của Ngài không được người đời chấp nhận, mà ngược lại, còn bị chỉ trích chê bai. Trong bối cảnh của một xã hội, nếp sống và văn minh tục hóa hôm nay, các sứ điệp Tin Mừng Giáo Hội phải rao giảng quả là tiếng kêu trong sa mạc. Trong bầu khí đó, nhất là dưới sức ép của các phương tiện truyền thông không thuận lợi cho Tin Mừng, nhiều môn đệ Chúa sợ sệt lặng thinh không dám nói lên sứ điệp Tin Mừng mình có bổn phận phải rao giảng hay có khi lèo lái nói úp mở vô thưởng vô phạt để khỏi bị chê là cổ lỗ, lỗi thời hay để được tung hô vạn tuế. Để trung thành với Tin Mừng của Chúa và dám nói lên điều mình tin, cho dù có là thiểu số, cần phải có ý tưỏng rõ ràng và lòng cương quyết nhưng khiêm nhượng. Thái độ này là hoa trái của sự xác tín phát xuất từ cuộc sống đã được soi sáng và biến đổi bởi Tin Mừng trên mọi khía cạnh: ý tưởng, tâm tình. Ngoài ra, thái độ này cũng là kết quả của tinh thần trách nhiệm tông đồ (Đnl 18,19-20).
2. Sau lời tiên báo II, thánh Marcô cắt nghĩa 3 vấn đề.
a)Vấn đề thứ nhất được đặt ra vì cuộc bàn cãi giữa các môn đệ để coi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,35; x. Mc 10,43-44).
Tham dự vào mầu nhiệm của Chúa và để cho mầu nhiệm ấy soi sáng và hướng dẫn cuộc sống có nghĩa là thay đổi tận gốc rễ tinh thần và tâm thức để tổ chức cuộc sống và các hành động theo tinh thần khiêm nhượng và phục vụ.
b)Vấn đề thứ hai được đặt ra do Gioan (Mc 9,38-40)
Tham dự vào mầu nhiệm của Chúa và sống theo mầu nhiệm ấy có nghĩa chấp nhận cuộc chiến đấu nội tâm chống lại não trạng phe nhóm đảng phái để học đức thương yêu, lòng nhân từ và tinh thần hiệp thông, phả bỏ mọi bức tường vô hình ngăn cách, phân chia trong con tim. Các bức tường phân cách và loại trừ thì nhiều lắm, chẳng hạn, gia đình họ hàng, gốc gác địa phương, ngôn ngữ, chủng tộc, tình nghĩa bạn bè, ý thức hệ, tư lợi...
Các cơ cấu, thực thể này có quyền hiện hữu, nhưng vấn đề là phải hiện hữu trong tinh thần hòa hợp với các thực thể khác.
c)Vấn đề thứ ba là dịp nên cớ vấp phạm (Mc 9,42-48).
Vấn đề ở đây có hai vế. Vế thứ nhất là chính mình là cớ vấp phạm cho người khác. Vế thứ hai là mình là nạn nhân của cớ vấp phạm. Vế thứ nhất nói nên tính cách nghiêm trọng của việc làm gương mù gương xấu. Tính cách nghiêm trọng càng trở nên nặng nề đối với một linh mục vì được mọi người nhìn vào như mẫu gương mô phạm. Do đó, thái độ và hành động của một linh mục có sức lôi cuốn rất lớn đối với người khác. Một gương mù, gương xấu gây ra do một linh mục có thể dẫn nhiều người rơi vào tình trạng lương tâm mù. Chúa nói là “thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”.
Vế thứ hai là chính mình là nạn nhân của cớ vấp phạm và cớ vấp phạm có thể thân thiết như chân, như tay, như mắt vậy. Chúa bảo nếu chúng trở thành dịp tội thì hãy chặt nó hãy móc no quảng đi.Điều kiện ở đây nói đến thái độ nội tâm đứng trước các dịp tội. Sống theo mầu nhiệm Chúa là có thái độ dứt khoát để cắt đứt những tình trạng mập mờ và quyết định đó nhiều khi gây ra những đớn đau xót xa, có lẽ còn đau hơn chặt chân tay hay móc mắt vì nhiều khi những tình trạng đó rất quý giá và gắn liền với con tim.
Các nhà giáo dục, theo truyền thống kitô hay theo truyền thống nhân bản, tất cả đều đồng ý là một người không biết từ bỏ một điều được phép thì sẽ không có khả năng từ bỏ một điều không được phép; ai không trung thành với công việc bổn phận hằng ngày và kêu la gầm trời vì một vài truyện trái ý nho nhỏ thì không thể tin tưởng được. Điều này, chính Chúa cũng đã nói trong Tin Mừng thánh Luca: “Ai trung tín trong việc nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10).
3. Sau lời tiến báo III, thánh Marcô thuật lại điều hai anh em con ông Giêbêđêô xin và điều Chúa trả lời (Mc 10,35-39).
Tham dự vào mầu nhiệm của Chúa là uống chén của Ngài phải uống, chịu phép rửa Ngài phải chịu. Điều đó có nghĩa là biết đương đầu với bất công, nhục nhã và bách hại theo cách thức của Chúa và trong tinh thần của Ngài; có nghĩa là vẫn một mực yêu thương cả trong đau khổ, không nuôi oán hận, căm phẫn, không chống đối hay lập kế trả thù bất cứ ai, kể cả những người là nguyên nhân của đau khổ. Lúc gần chết trên Thánh Giá, Chúa còn xin ơn tha tội cho những người đóng đinh Ngài (Lc 23,34).
Khi thuật lại các lời tiên báo của Chúa về cuộc tử nạn, thánh Marcô nhấn mạnh rất nhiều là các môn đệ không hiểu ý nghĩa những lời của Chúa(x. Mc 9,32). Khiêm nhượng, phục vụ kín đáo, tha thứ, thương yêu cho dù có bị xỉ nhục, bất công và bách hại là một giáo lý khó có thể hiểu và chấp nhận được. Rồi còn nói tới sống lại sau khi chết. Thực, coi như truyện hoang đường!
4. Đề nghị gợi ý cho giây phút cầu nguyện và suy niệm
Suy niệm Lời Chúa để hiểu sâu sa hơn các đòi hỏi của ơn gọi theo Chúa trong cuộc đời linh mục để áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể của cuộc đời, nhất là những hoàn cảnh được nói đến trực tiếp trong đoạn sách Tin Mừng nói trên.
Mc 8,27-30; Mc 8,31-38; Mc 9,30-50; Mc 10,32-52; Phi 3,7-8; 1Co 9,19-23; Lc 5,4-5; Lc 16,10.
Sau khi nghe giảng, mỗi linh mục phó tế thinh lặng cầu nguyện và viếng Chúa.
- 5giờ40: Kinh chiều.
- 6giờ:Cơm tối.
- 7g30: Hạt Bắc Tuy phụ trách Giờ Chầu Thánh Thể.
Ngày tĩnh tâm thứ ba được kết thúc bằng kinh tối và tâm tình tạ ơn. Xin dâng lên Chúa các Ơn Gọi Linh Mục trong Giáo hội cũng nhưtrong Giáo phận.Xin cho mỗi ngày có thêm các bạn trẻbiếtlắng nghe đáp lại tiếng Chúavàdấn thân phục vụ các phần rỗi trong thiên chức linh mục. Xin Chúa cho các bạn trẻ cólòng nhiệt thành đáp lại tiếng Chúa.
Ban thư ký