Ads 468x60px

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin Giáo phận. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin Giáo phận. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

THÔNG BÁO tình hình sức khỏe của Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Giáo Phận Phan Thiết


Đọc tiếp »

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Tâm tình Mục tử tháng 1 năm 2017

TÂM TÌNH MỤC TỬ THÁNG 1 NĂM 2017

Kính gửi: Quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh,
                 và anh chị em giáo dân Giáo Phận Phan Thiết

Anh chị em thân mến,
Năm 2016 vừa qua đi trong ơn thánh và niềm vui. Tạ ơn Chúa đã ban muôn ơn trên Giáo Phận dọc dài năm thánh Lòng Thương Xót (8/12/2015 - 20/11/2016). Theo dòng thời gian, dẫu không có những biến cố hoành tráng, nhưng vẫn có những sự kiện để lại dấu ấn khó quên: như nghi thức mở và đóng Cửa Thánh tại Nhà Thờ Chính Tòa và Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao; những buổi tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót nơi các giáo hạt; nhất là nhịp sống tại các giáo xứ đã đổi thay theo hướng tích cực với con số hối nhân tìm đến tòa giải tội gia tăng, tín hữu lãnh bí tích Thánh Thể đông đúc, và rất nhiều người được đón nhận tình Chúa thương xót qua ơn tha thứ. Như thế, có thể nói châm ngôn “Vui năm hồng ân, quyết canh tân hòa giải; Sống mùa hoán cải, lòng rộng trải yêu thương” mà Giáo Phận đã đề ra lúc khai mạc năm thánh, đã có những âm vang tốt đẹp khi năm thánh được bế mạc. Trên đà lực này, Giáo phận bước vào năm 2017.

1. Khởi đầu năm Dương Lịch

Ngày 1 tháng 1 hằng năm, kết thúc Tuần bát nhật Giáng Sinh, là ngày lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Riêng với Phan Thiết, đây là ngày lễ mừng bổn mạng Giáo Phận. Thật vậy, ngay từ ngày khai sinh, Giáo Phận đã được tiến dâng cho Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, để từ đó mọi con dân trong Giáo Phận có chung một Mẹ để soi bóng tôn vinh học hỏi, cũng như có cùng một Mẹ để yêu thương cầu nguyện cậy trông. Và cũng kể từ đó, năm nào lễ Mẹ Thiên Chúa cũng được Giáo Phận tổ chức không chỉ long trọng xứng với bậc lễ trong phụng vụ thánh, mà còn linh đình phù hợp với niềm vui của mọi thành phần kết nên đại gia đình Giáo Phận. Ngày 1 tháng 1 hằng năm: Lễ Mẹ Thiên Chúa ta ăn lễ mừng. Mọi người sum họp tưng bừng, Câu kinh tiếng hát vang lừng nơi nơi. Họp nhau cảm tạ ơn trời, Qua tay Mẹ, đến với người trần gian. Họp nhau kêu khấn nài van, Mẹ nâng đỡ, sống bình an tháng ngày.

Nhưng ngày 1 tháng 1 hằng năm, còn là khởi đầu cho năm mới dương lịch với những ưu tư lo lắng hướng tới tương lai, chính vì thế Giáo Hội đã chọn ngày này là ngày cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới. Trong Sứ điệp hòa bình dịp đầu năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến một cung cách sống cụ thể, làm tiền đề cho việc xây dựng hòa bình trong gia đình cũng như ngoài xã hội, đó là việc loại trừ bạo động ra khỏi cách cư xử của con người. Có thể xem đây như là nét phác thảo cho bộ Quy tắc ứng xử trên thế giới giữa con người cũng như giữa các quốc gia với nhau, vừa mang tính khuyến cáo để ngăn ngừa đỗ vỡ, vừa mang tính xây dựng nhằm chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình. Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Trong năm 2017, ước chi chúng ta có thể nhiệt tình và chủ động hiến thân cho việc loại trừ bạo lực ra khỏi tâm hồn, lời nói và hành động, và cho việc trở nên những người phi bạo lực và kiến tạo những cộng đồng phi bạo lực biết chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta”.
Như vậy, ngày đầu năm họp mừng bổn mạng Giáo Phận và hướng lên Mẹ là Nữ Vương hòa bình, cách riêng năm nay kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-2017), ta hãy sốt sắng hát lên lời kinh: “Mẹ Maria, xin thương đến giáo phận con đây, ban nguồn an bình hiệp nhất yêu thương. Mẹ luôn thăm viếng giúp đỡ mãi giáo phận con đây, trong tình yêu Mẹ, liên kết muôn tâm hồn” (Văn Chi).

2. Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Hưởng ứng chương trình mục vụ ba năm liên tiếp (2017-2019) về gia đình với những điểm nhấn cho từng năm: 2017-chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; 2018-đồng hành với các gia đình trẻ; và 2019-đồng hành với các gia đình gặp khó khăn (x. Thư Chung 7/10/2016), năm 2017 này chúng ta dành ưu tiên cho các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân.

Tình yêu xưa như trái đất, chẳng ai bảo ai, cứ đến tuổi cập kê là nam nữ tìm đến với nhau để xây dựng gia đình. Chuyện tự nhiên và cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng hơn khi nào, chuyện yêu đương của người trẻ hôm nay đang trở nên đề tài nhức nhối cho các bậc phụ huynh và những người hữu trách: từ yêu sớm đến yêu vụng; từ yêu qua đường đến yêu hướng đến hôn nhân; tất cả đều được dàn trải ra cho dư luận. Chả thế mà trên mặt báo, người ta gặp thấy nhan nhản những chuyện lẩm cẩm, từ chuyện “tình yêu như bát bún riêu, bao nhiêu sợi bún bấy nhiêu nhì nhằng” cho đến chuyện “bắt cá hai tay, xôi hỏng bỏng không”; từ chuyện ngô nghê “ăn cơm trước kẻng” của cô công nhân cho đến chuyện chả nghiêm túc chút nào của cậu học sinh trung học phổ thông “yêu em cho nó đỡ buồn, đến khi tốt nghiệp anh chuồn về quê”. Chính vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề nghị cả một năm, dành cho người trẻ định hướng tình yêu và chuẩn bị tiến tới hôn nhân.

Nói đến hôn nhân, người ta thường nghĩ đến đám cưới. Đám cưới là điểm đến của một tình yêu đúng đắn, nhưng đám cưới thực ra lại là điểm khởi đầu cho đời sống gia đình, không chỉ là định chế xã hội mà còn là ơn gọi, trong đó người nam và người nữ liên kết nên một, trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa tình yêu và tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa bằng việc sinh sản và giáo dục con cái. Ước mong ý nghĩa cao đẹp này của hôn nhân được các giáo xứ không ngừng tô đậm, các gia đình tín hữu tích cực nêu gương, và các bạn trẻ quan tâm học hỏi, để như logo của năm mục vụ 2017 minh họa, với sự soi dẫn Chúa Thánh Thần, người trẻ nam nữ hôm nay thắng vượt những khó khăn thử thách mà tin tưởng dắt nhau bước vào đời sống hôn nhân. Như thế, hôn nhân không chỉ là tình trạng sống, mà đã trở thành bậc sống được Chúa chúc phúc và được thánh hóa cách riêng bởi bí tích hôn phối.

3. Khai triển cụ thể

Với đối tượng đặc biệt là những người trẻ và điểm nhấn cụ thể là giúp họ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, nên chương trình mục vụ tích cực phải khởi đi từ các giáo xứ là nơi các bạn trẻ đang sinh sống hoặc đang tham gia sinh hoạt. Vì thế, ở đây vai trò của các cha Quản xứ là không thể thay thế. Tuy nhiên, để cho các cha Quản xứ thuận tiện điều hành cũng như để cho các bạn trẻ dễ dàng sắp xếp thời gian, xin đề nghị một mô hình học tập chung cho cả Giáo Phận, rồi tùy theo điều kiện cũng như hoàn cảnh riêng mỗi nơi mà linh động tổ chức.

a) Nội dung học tập: giáo lý hôn nhân và gia đình.

Trước khi sống đời hôn nhân, vừa mới lạ vừa phức tạp, người trẻ cần được chuẩn bị về nhiều mặt từ kiến thức đến kỹ năng và nhất là về giáo lý bí tích hôn phối để sẵn sàng chu toàn trách vụ trong bậc sống mới. Về kiến thức và kỹ năng, cha Quản xứ có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhà tâm lý và của bác sĩ y khoa; nhưng về giáo lý thì xin cha Quản xứ trực tiếp điều hành với sự cộng tác của đội ngũ giáo lý viên trong giáo xứ. Có thể sử dụng tài liệu Giáo ly hôn nhân và gia đình được soạn thảo bởi Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (xem: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/HonNhanGiaDinh/00MainMucLuc.htm)

b) Hình thức học tập: theo ba quy mô khác nhau nhưng liên kết chặt chẽ với nhau.

-Quy mô giáo xứ: lớp học giáo lý hôn nhân và gia đình do giáo xứ tổ chức và điều hành theo mô hình chung trong toàn giáo phận.
-Quy mô giáo hạt: có thể có lớp giáo lý “liên giáo xứ” dành cho những giáo xứ nhỏ ở cận kề nhau, nhưng có quá ít học viên hay số giảng viên giáo lý còn thiếu. Ngoài ra tại giáo hạt cũng sẽ diễn ra những buổi sinh hoạt chung mang tính học tập vui tươi, gọi là ĐẠI HỘI. Mong sao các bạn trẻ lớp giáo lý hôn nhân và gia đình trong các giáo xứ sẽ về tham dự đông đủ, vừa học tập kiến thức, vừa chia sẻ kinh nghiệm, và cũng để nối vòng tay lớn cho kỷ niệm hôn nhân sau này.
-Quy mô giáo phận: Ngày 13/8/2017 được chọn làm NGÀY GIA ĐÌNH. Các thành viên lớp giáo lý hôn nhân và gia đình trong giáo phận được mời gọi tề tựu về Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, dưới sự chủ tọa của Đức Giám mục Giáo phận, để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria trong dịp kỷ niệm 100 năm hiện ra tại Fatima, và xin nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, cho tình yêu của các bạn trẻ dành cho nhau được mãi bền chặt và đời sống hôn nhân của các bạn được thắm màu hạnh phúc.

c) Điều phối học tập: Các thành viên Ban Giáo lý và ban Mục vụ gia đình.

Mỗi tháng Ban Giáo lý và Ban Mục vụ gia đình đề nghị một đề tài học tập về hôn nhân và gia đình. Các giáo xứ sẽ nương theo đó mà khai triển trong lớp giáo lý của mình:
-Tháng 1:         Ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa
-Tháng 2:         Hôn nhân công giáo
-Tháng 3:         Giáo luật về Bí tích Hôn phối
-Tháng 4:         Hôn nhân khác tôn giáo
-Tháng 5:         Sống thời kỳ đính hôn
-Tháng 6:         Tình yêu vợ chồng
-Tháng 7:         Tính dục và hôn nhân
-Tháng 8:         Triển nở trong tình yêu
-Tháng 9:         Gia đình là Hội thánh tại gia
-Tháng 10:       Linh đạo hôn nhân và gia đình
-Tháng 11:       Các bí tích và việc cầu nguyện trong đời sống hôn nhân và gia đình
-Tháng 12:       Sinh sản có trách nhiệm và việc giáo dục con cái

Anh chị em thân mến,

Trên đây là những tâm tình ngồn ngộn tràn về, khi giã từ năm cũ bước sang năm mới. Xin tạ ơn vì hồng ân nhận được; xin tạ tội vì lỡ lầm trót phạm; nhưng trên hết vẫn là một tâm tình hiến dâng phó thác. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo Phận Phan Thiết, chúng con xin dâng Chúa năm mới với điểm nhấn mục vụ dành cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Xin cho các bạn này khám phá ra vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình để can đảm dấn bước vào. Và xin cho những người đồng hành với các bạn này trong suốt quá trình học tập được luôn kiên trì giúp họ thăng tiến trong tình yêu hướng đến hôn nhân, mong kiến tạo những gia đình hạnh phúc.

Phan Thiết, ngày 1 tháng 1 năm 2017

+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Thư Mục vụ Mùa Chay - Phục Sinh 2016 ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc

(nguồn http://tgpsaigon.net/)
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY
VÀ MÙA PHỤC SINH 2016
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ”
(Mt,9,13)


Kính gửi quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh
và anh chị em giáo dân rất thân mến,
Thư Mục Vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh năm nay có chủ đề là “Lòng Thương Xót”, vì năm nay là “Năm Thánh của Lòng Thương Xót”. Câu Tin Mừng Mátthêu 9,3: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” đã gợi hứng cho Đức Thánh Cha Phanxicô soạn ra Sứ điệp Mùa Chay năm 2016.
1. “Mùa Chay của Lòng Thương Xót” chính là tâm tình và suy tư đầu tiên của thư Mục vụ này. Như trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha Phanxicô, Mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được mạc khải qua những hành động cụ thể trong lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã tỏ lộ Ngài luôn luôn là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, sẵn sàng chăm sóc Dân Chúa với lòng nhân ái và sự cảm thông, đặc biệt trong những giai đoạn bi thảm, khi Dân Chúa bất trung. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ lòng thương xót vô biên của mình, làm cho Ngôi Lời trở thành “Lòng Thương Xót Nhập Thể”. Chúng ta được mời gọi đi vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua những việc làm của lòng thương xót, được gợi ý từ Kinh Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối”.
2. Mùa Chay năm nay phải là “Mùa Chay Thánh Thiện”. “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” chính là “Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện”. Cầu nguyện, chính là việc làm thứ hai trong Mùa Chay này: cầu nguyện, gặp gỡ Chúa qua giờ kinh, qua những lúc thinh lặng trước Mình Thánh Chúa, qua việc suy niệm lắng nghe Lời Chúa, và nhất là qua cử hành Thánh lễ, chóp đỉnh của sinh hoạt cầu nguyện. Đặc biệt trong năm nay, gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Giải tội là phương thế tuyệt hảo để cảm nhận và đi vào Lòng Thương Xót thứ tha của Thiên Chúa. Hãy để Thiên Chúa là Đấng Thánh chữa lành và thánh hóa tâm hồn chúng ta.
3. Muốn là Mùa Chay thánh thiện, phải là Mùa Chay có nhiều hy sinh và hãm mình trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể hy sinh rất nhiều điều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Với những hy sinh này, Mùa Chay Thánh còn được gọi là Mùa Chiến Đấu thiêng liêng: chúng ta chống lại thần dữ và các cơn cám dỗ của nó; chúng ta chống lại thế gian và những khuynh hướng xấu đang ảnh hưởng tiêu cực trên chúng ta; chúng ta chống lại xác thịt nặng nề với đầy dẫy những nết hư tật xấu, chế ngự nó và đem lại chiến thắng cho tinh thần của chúng ta. Từ đó, Mùa Chay là mùa của canh tân đổi mới, là mùa của hành trình thống hối, hành trình dài hơi và lâu năm chứ không phải một sớm một chiều. Chúng ta hành trình trong sa mạc, chúng ta tìm Nhan Thánh Chúa, hít thở Thần Khí cư ngụ trong sa mạc.
4. Anh chị em thân mến, tôi nhìn thấy tôi qua lăng kính Mùa Chay Thánh. Tôi thấy mình chưa thực hiện được những “việc làm của lòng thương xót”. Tôi thấy mình còn thiếu cầu nguyện rất nhiều, chưa gặp gỡ Chúa đích thực, chưa đắm mình trong Tình Yêu của Chúa, chưa hít thở đủ Thần Khí. Tôi thấy mình chưa hãm mình, chưa hy sinh, chưa thực sự chiến đấu chống lại sự dữ. Tôi đã sa ngã rất nhiều lần, nhưng không nhanh chóng chỗi dậy chạy đến cùng Thiên Chúa là Cha của tôi. Tôi đã thiếu lòng đạo đức và sự thánh thiện, tâm hồn không trong sạch, chứa đựng nhiều rác rưởi. Tôi chỉ còn biết chờ đợi ở Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng không xét xử, nhưng sẵn sàng tha tội cho tôi, chữa lành tôi và biến đổi tôi.
Xin Thiên Chúa đoái nhìn đến tất cả chúng ta bằng một cái nhìn đầy tình thương mến. Tình Thương sẽ khỏa lấp muôn vàn tội lỗi và chúng ta lại được hưởng Nhan Thánh Chúa, chiêm ngắm “Gương Mặt của Lòng Thương Xót” với tất cả tình yêu và niềm vui của con người được xót thương, chăm sóc.
5. Chóp đỉnh của Mùa Chay Thánh là Thánh Lễ Chúa Phục Sinh, mừng Chúa Giêsu được Chúa Cha cho Sống Lại từ cõi chết nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô Phục Sinh mở ra cho loài người chúng ta một “Kỷ Nguyên Mới”, Kỷ Nguyên của sự Sống Lại và Sự Sống Mới trong Thần Khí, Đấng là “Tác Nhân Chính” của công việc Loan Báo Tin Mừng. Ngài sẽ mang đến, cho mọi người, Niềm Vui lớn lao của Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng ta hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu để đón nhận Niềm Vui đó của Tin Mừng, đón nhận Tình Yêu của Thiên Chúa.
6. Đầy tin yêu và hy vọng, tôi rất hãnh diện vì được làm con của Thiên Chúa, làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, làm anh em và bạn hữu với anh chị em và các bạn khác, đồng môn với tôi. Lòng tôi không lúc nào nghỉ yên cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.
Cầu chúc cho tất cả anh chị em một Mùa Chay đạo đức, thánh thiện, tràn đầy Tình Yêu và Ân Sủng của Thiên Chúa và một lễ Phục Sinh tràn đầy niềm vui và bình an của Lòng Chúa Thương Xót trong Chúa Giêsu Phục sinh.
Xin anh chị em cầu nguyện thật nhiều cho tôi, người mục tử mà Chúa đã cắt đặt để chăm sóc tất cả anh chị em, để tôi nhiệt thành dấn thân phục vụ mọi người nhiều hơn nữa.
Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, ngày 03-02-2016
(đã ký và đóng dấu)
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

THĂM SỨC KHỎE VÀ CHÚC TẾT ĐGM GIÁO PHẬN TẠI SÀI GÒN


Ngày 05/02/2016 (27 Tết)  cha Tổng Đại Diện, cha quản lý giáo phận cùng 3 cha hạt trưởng: Đức Tánh, Hàm Tân và Phan Thiết, đại diện cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân cả giáo phận đã vào Sài Gòn thăm sức khỏe và chúc Tết Đức cha Giuse giám mục giáo phận, đang điều trị bệnh viêm xoang mặt tại Sài Gòn, ngài không thể về giáo phận trong những ngày Tết. Đức cha cám ơn và gửi lời chúc mừng năm mới đến mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận.
(nguồn http://chinhtoaphanthiet.blogspot.com)
Đọc tiếp »

TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 2 năm 2016

 
            Anh chị em thân mến,
       

  Năm Đời Sống Thánh Hiến sẽ được kết thúc chính thức trên quy mô Giáo Hội toàn cầu vào ngày 2/2/2016 dịp lễ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh, như được ấn định trong Tông Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi các người sống đời thánh hiến ngày 21/11/2014, nhân lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ. Những mục tiêu, những mong đợi và những chân trời của Năm Đời Sống Thánh Hiến do Tông Thư đề ra, đã được các tu sĩ trong giáo phận nhà học hỏi, thực thi và nỗ lực áp dụng vào đời sống, thông qua những sinh hoạt thường xuyên hay đặc biệt trong suốt năm qua. Cách riêng trong dịp hành hương Tàpao ngày 13/1/2016 mới đây, các tu sĩ của chúng ta đã thể hiện một xác quyết mạnh mẽ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ trung gian của Mẹ Maria, và để lại một ấn tượng khó quên cho cộng đồng Dân Chúa về tình hiệp thông Giáo Hội tại địa phương. Tháng này, gia đình giáo phận cũng hợp lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các tu sĩ được theo gương Đức Mẹ sống tinh thần "xin vâng" mau mắn và "xin dâng" trọn vẹn, trước sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong Đền Thờ sống động là "thần trí, tâm hồn và thể xác" của từng người.
            Tháng Hai năm nay cũng là thời điểm khai mào của những mùa đặc biệt, cả trong thời tiết xoay vần lẫn tâm tình tôn giáo và vận mạng đời người.

            1. Mùa Xuân Bính Thân

            Theo cách nhìn dân gian, như một định luật, cứ đông tàn là xuân về, cũng như cứ năm hết là Tết đến vậy. Xuân năm nay là xuân Bính Thân, và Tết năm nay là Tết con khỉ. Ngay từ mấy tháng trước, những người thích giải mã con số đã cho biết năm nay là trường hợp hoạ hiếm trùng hợp may mắn cả đông lẫn tây. Theo họ, năm Dương Lịch 2016 bao gồm 4 con số có tổng cộng là 9, mở ra cánh cửa may mắn; rồi năm Âm Lịch Bính Thân cầm tinh con khỉ là con vật đứng thứ 9 trong số 12 con giáp, cũng mở ra vận mệnh tươi sáng của những ngôi sao mang nhiều vận may. Người công giáo, dẫu chẳng tin vào kiểu giải mã đậm mầu đoán mò này, chỉ coi đây như một trò tiêu khiển mua vui mỗi dịp Tết đến. Thế thôi. Trên thế giới, vạn vật đều được xếp định theo sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn sự tốt sự lành cho hết mọi người, nhưng như nghệ sĩ chân chính lý giải đời mình bằng 2 từ "miệt mài và may mắn" và người bình dân hoá giải những khó hiểu trong đời sống bằng kiểu nói "hay không bằng hên", người ta ai cũng chịu sự chi phối ít nhiều của yếu tố may mắn ngẫu nhiên tình cờ, thế nên "cầu xin ơn may lành" vào dịp Tết quả là hợp tình và hợp lý. Tuy nhiên, đừng quá chú trọng cầu may để chạy theo những trò đỏ đen cờ bạc có nguy cơ tác hại nề nếp gia phong, hay buông theo những điều huyền hoặc bói toán vừa phản lại đức tin kéo theo cả sự âu lo và bất ổn trong đời sống, cũng như gây gương xấu cho thế hệ con cháu.
            Tết đến, người ta chúc nhau những điều thiện hảo cả theo nghĩa tôn giáo lẫn xã hội, mong sao xuân mới với lá hoa đẹp màu sẽ mang đến cho mỗi cuộc đời ý nghĩa vươn lên. Có thể chúc nhau vui tươi như "Năm con khỉ, Lòng hoan hỷ, Việc như ý, Tết lì xì...", nhưng điều chính yếu là "Mừng năm Bính Thân, Chúa ban hồng ân, Gặp nhiều may mắn, Gia đình bình an..."

            2. Mùa Chay Thánh

            Năm nay, mồng ba Tết Bính Thân trùng với ngày Thứ Tư Lễ Tro. Một trong những ngày đầu năm mới lại trùng với ngày đầu Mùa Chay Thánh. Sự trùng hợp này có một chút bất tiện phải giải quyết, là làm sao vui xuân trọn vẹn mà vẫn chu toàn luật lệ của Giáo Hội. Giải pháp đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra là: Thứ Tư Lễ Tro, mùng ba Tết, tín hữu vẫn tham dự thánh lễ và nhận xức tro như thường lệ; chỉ có việc kiêng thịt là dời vào thứ Sáu tuần sau, tức là ngày thứ Sáu 19/2/2016. Tuy nhiên, sự trùng hợp giữa một trong những ngày khởi đầu của năm mới với ngày khởi đầu của Mùa Chay lại đem đến cho ta những diệu cảm bất ngờ: Mùa Chay cũng là một Mùa Xuân. Nếu Mùa Xuân được người người mong đợi chào đón như một khởi đầu cho chu kỳ năm mới, với cảnh sắc hân hoan hứa hẹn một tương lai phong phú, thì Mùa Chay cũng được các tín hữu chào đón như một thời gian cao điểm canh tân giúp đón nhận hồng ân của mầu nhiệm Phục Sinh. Tương tự như Mùa Xuân đến khôi phục sự tươi trẻ của cảnh vật cho phù hợp với lẽ xoay vần của thời tiết, Mùa Chay đến với 40 ngày giúp tín hữu đổi mới tâm hồn và đời sống cho phù hợp với mầu nhiệm cử hành. Và nếu Mùa Xuân là cơ hội gia đình sum họp quây quần nối kết tình thân họ hàng ruột thịt, thì Mùa Chay cũng là thời điểm thuận lợi để thực hiện những cuộc trở về: những ai đã xa rời giáo lý tinh tuyền của Chúa biết tìm về hoán cải; những người đã dẫn vào đời mình cách sống xa lạ với giới luật yêu thương của Tin Mừng biết hoà giải tha thứ, vun đắp công bình và xây dựng hoà bình.
            Phụng vụ vẫn nhắc nhở về ý nghĩa Mùa Chay: "Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ"; hoặc cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền". Còn chúng ta, trong Mùa Chay này, hãy quyết tâm có những hành vi thiết thực: "Vui năm Bính Thân, hãy canh tân hoà giải; Mùa Chay hoán cải, lòng rộng trải yêu thương".

            3. Mùa chăm sóc các bệnh nhân

            Cũng năm nay, ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lại rơi vào ngày mồng 4 Tết, khiến cho Mùa Xuân Bính Thân trở thành dịp đặc biệt để quan tâm đến các bệnh nhân tại địa phương. Ngày xưa trong hoạt động công khai, Chúa Giêsu luôn kết hợp hai việc rao giảng và chữa lành: rao giảng để loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành cho thấy Nước ấy đã đến gần và ở giữa muôn người. Thật vậy, đến trần gian để đem ơn giải thoát cho toàn thể mọi người và toàn bộ con người, Chúa Giêsu đã thể hiện một tình cảm đặc biệt đối với các bệnh nhân từ thể lý đến tinh thần, bằng cách đụng chạm đến họ, chạnh thương và chữa lành cho họ. Danh xưng Giêsu có nghĩa là "Thiên Chúa cứu" và chính khi cúi xuống chữa lành các bệnh nhân trong mọi trường hợp, Người tỏ mình đích thực là Đấng Cứu Độ. Tiếp nối công trình cứu độ của Chúa Giêsu, ngày nay Giáo Hội cũng được sai đi với sứ mạng kép, là rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật (x. Mt 10, 7-8). Trung thành với sứ mạng này, Giáo Hội luôn coi việc cầu nguyện, chăm sóc và chữa lành cho các bệnh nhân như là một nhiệm vụ cao quý trong hoạt động rao giảng của mình. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân (11/2) chính là một trong những cách thể hiện mối quan tâm này trong sinh hoạt đời sống và ngay cả trong sinh hoạt phụng vụ.
            Riêng tại giáo phận nhà, một ngày hành hương mừng xuân Bính Thân sẽ được tổ chức tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao tối ngày 12/2/2016 (mồng 5 Tết), với nghi thức bí tích Xức Dầu Thánh và phép lành toàn xá đặc biệt cho các bệnh nhân trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Mong rằng sinh hoạt này sẽ được các thành phần Dân Chúa đáp ứng, hoặc tham dự trực tiếp bằng tâm tình cầu nguyện, hoặc tham gia xa gần bằng quan tâm chăm sóc cho những người đang đau bệnh trong vòng tương thân tương ái của mình được lãnh nhận đầy đủ ơn ích thiêng liêng.
            Anh chị em thân mến,
            Đó là ba trọng điểm xin gửi gắm trong lời kinh của cộng đoàn Dân Chúa giáo phận nhà: xin cho Mùa Xuân đem về ân lộc sung túc; xin cho Mùa Chay mang tới hạnh phúc canh tân; và xin cho Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân trở thành ngày mở ra Mùa sức khoẻ đong đầy. Trong nhãn giới Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, kính chúc anh chị em một Mùa Xuân cảm nghiệm rõ hơn tình thương của Chúa trong đời mình, để ngày ngày biết đón nhận và đáp ứng bằng con tim quảng đại hiến dâng. Cuối cùng, xin ký thác gia đình giáo phận cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của Lòng Thương Xót.
 
Giuse Vũ Duy Thống

Gm. Gp. Phan Thiết
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

LỊCH THUYÊN CHUYỂN LINH MỤC HẠT HÀM TÂN


GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
          HẠT HÀM TÂN

LỊCH THUYÊN CHUYỂN LINH MỤC HẠT HÀM TÂN

Theo lệnh thuyên chuyển năm 2105, lễ nhậm chức quản xứ của các linh mục trong Giáo hạt Hàm Tân sẽ tiến hành theo lịch trình như sau:
SttNgày nhận chứcLinh mụcGiáo xứ
1Thứ Hai, 26/1/2015Fx Hồ Tấn TúĐông Hà
2Thứ Ba, 27/1/2015Giuse Nguyễn Anh LâmThuận Đức
3Thứ Tư, 28/1/2015Giuse Phạm Hoài SâmMân Côi
4Thứ Năm, 29/1/2015Antôn Lê Minh TuấnVinh Thanh
5Thứ Bảy, 31/1/2015Giuse Trương văn HùngTin Mừng

-Lễ nhậm chức bắt đầu lúc 8g30, sau đó là Chầu Thánh Thể Tạ Ơn.

Ban Truyền thông Hàm Tân
Lm Giuse Hồ Sĩ Hữu

(theo http://gpphanthiet.com/news/Su-kien/Lich-Thuyen-Chuyen-Linh-Muc-Hat-Ham-Tan-1479/)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015

THƯ MỤC VỤ ĐẦU NĂM MỚI 2015


Kính gửi: anh em linh mục, 
anh chị em tu sĩ, chủng sinh, 
và cộng đoàn Dân Chúa giáo phận Phan Thiết

 
“Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”.

Anh chị em thân mến, theo chương trình “Tân phúc-âm-hóa đời sống” của Giáo hội Công giáo Việt Nam, năm nay 2015, chúng ta hướng tới “các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”. Theo sách Tông đồ Công vụ (x. Cv 2,42), cộng đoàn tín hữu thuở ban đầu được sinh động hóa bằng việc phụng vụ, việc lắng nghe Lời Chúa và việc thể hiện tình hiệp thông, vì thế muốn thực thi có kết quả chương trình tân phúc-âm-hóa, các giáo xứ trong giáo phận chúng ta sẽ nỗ lực canh tân những sinh hoạt cơ bản làm nên ý nghĩa cộng đoàn này. Những gì nói về cộng đoàn giáo xứ ở đây cũng có thể áp dụng cho cộng đoàn sống đời thánh hiến với những thích ứng cần thiết.

1. Giáo xứ là cộng đoàn phụng vụ

Nếu đời sống Giáo Hội được ghi dấu bởi việc cử hành phụng vụ vốn là “chóp đỉnh và trung tâm”, thì đời sống giáo xứ xét như là đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội tại địa phương, cũng được sinh động hóa bởi chính việc cử hành phụng vụ. Giáo xứ sẽ không hiện diện, hay hiện diện không trọn vẹn, nếu thiếu vắng sinh hoạt phụng vụ đặc trưng này. Không sinh hoat phụng vụ, giáo xứ chỉ còn là một đơn vị dân cư, cũng như không giáo đường, giáo xứ đâu khác chi một phường xã. Vì thế, phúc-âm-hóa đời sống giáo xứ chính là canh tân tâm hồn để cử hành hoặc tham dự phụng vụ một cách linh hoạt và sốt sắng. Linh mục quản xứ bảo đảm cho sinh hoạt phụng vụ được cử hành đầy đủ, không chỉ nghiêm túc theo chữ đỏ mà còn sốt sắng theo lòng tin trong Giáo Hội; còn giáo dân làm thành cộng đoàn phụng vụ cũng cần tham dự cách chủ động, không như khán giả xem buổi trình diễn mà như những tham dự viên cùng hiệp thông dâng lễ.
Thật đáng khích lệ trong giáo phận, thánh lễ và các bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể vẫn được cử hành đầy đủ, đều đặn và đúng đắn, điều cần thêm là phả vào trong những cử hành ấy một một sức sống mới, để có thể trở thành ánh sáng xua tan mọi ngõ ngách u tối của tội lỗi. Kinh nghiệm mục vụ cho thấy tại những giáo xứ mà phụng vụ Thánh Thể được cử hành nghiêm túc và sốt sắng, các tệ nạn ở đấy cũng giảm thiểu cách đáng kể hoặc biến mất dần.

2. Giáo xứ là cộng đoàn Lời Chúa

“Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Qua thánh lễ hằng ngày, Giáo Hội đã dọn phần phụng vụ Lời Chúa như một bữa ăn với đủ chất bổ dưỡng, mùa nào thức ấy. Nhưng người ta sống không bởi những gì mình ăn vào mà bằng những gì mình tiêu hóa được, nên vấn đề đặt ra cho giáo xứ là phải làm sao nhận thức được Lời Chúa như thực phẩm bổ dưỡng đã vậy, mà còn biết vận dụng tối đa để Lời Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống. Điều này tùy thuộc ở nhiều phía. Phía các chủ chăn, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở qua Tông Huấn “Niềm Vui Tin Mừng”, là cần cống hiến thời giờ, khả năng và công sức để trình bày Lời Chúa phù hợp với tầm hiểu biết và điều kiện sống của cộng đoàn, đi kèm với đời sống nhiều gương mẫu nữa. Sống điều mình giảng để có thể chu toàn nhiệm vụ một cách thuyết phục. Còn phía giáo dân, hãy đón nhận Lời Chúa được giảng giải với tâm hồn đơn sơ khát khao rộng mở, không nhằm bổ sung kiến thức cho bằng bổ dưỡng tâm linh, không tìm sự vui tai cho bằng việc lay động tâm hồn và đổi mới đời sống.

Lời Chúa vẫn có đó trong Thánh Kinh, sẵn sàng mở ra cho bất cứ ai tìm kiếm, vì thế trong các giáo xứ, chúng ta cần phát động thêm nữa phong trào yêu mến, học hỏi, chia sẻ và sống Lời Chúa. Trong tinh thần này, chương trình “lộc Lời Chúa đầu năm” hay “Mỗi gia đình một cuốn Tân Ước”, như có giáo xứ đã thực hiện, được xem là những hình thức nhắc nhở mọi người về ý nghĩa của giáo xứ gắn liền với Lời Chúa trong năm nay.

3Giáo xứ là cộng đoàn hiệp thông.
           
Khi chuyên cần việc phụng vụ và siêng năng tham dự bàn tiệc Lời Chúa, giáo xứ sẽ có một đời sống chan chứa tình hiệp thông, như các tín hữu thuở ban sơ. Đó là sự đồng tâm nhất trí của mọi người trong cộng đoàn dưới sự lãnh đạo của các tông đồ, khiến chẳng ai màng chi tới phận riêng, chỉ mong sao cho cuộc sống chung được triển nở. Chúa Kitô là Đầu quy tụ và nối kết mọi Kitô hữu trong cùng một mạch sống cứu độ duy nhất. Đó là hiệp thông giáo lý tinh tuyền do các tông đồ truyền lại. Từ hiệp thông giáo lý đến hiệp thông đời sống, trong đó mọi người biết chia vui sẻ buồn với nhau và biết nâng đỡ cũng như giúp đỡ lẫn nhau trong các nhu cầu tinh thần và vật chất. Thời nay thật khó mà gặp được lối sống hiệp thông như thời các tông đồ, nhưng với nỗ lực xây dựng từ những điều nhỏ nhất, chúng ta có thể làm cho bộ mặt giáo xứ dần dần thay đổi tích cực.
           
Nếu tại Thăng Long năm 1632, sau 5 năm truyền giáo, theo phúc trình của thừa sai Gaspar d’Amaral, con số tín hữu đã lên tới 5.000 và sống tình hiệp thông cao độ đến nỗi người ngoại chẳng biết tên “đạo công giáo”, đã gọi các tín hữu là những người theo “đạo yêu nhau”, thì ngày nay, các giáo xứ cũng phấn đấu thể hiện sự hiệp thông trong đức tin và đức ái như vậy. Đừng để trong giáo xứ xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” gây bất hòa giữa linh mục Quản xứ và Hội đồng mục vụ hay các Hội đoàn, làm giảm đi sức sống hiệp nhất, và cũng đừng để lối sống khép kín “đèn nhà nào nhà nấy rạng” giữa các gia đình trong khu xóm, làm mất đi nét đẹp bác ái, nhưng mỗi giáo dân hãy quyết tâm trở nên đóm lửa thắp sáng tình hiệp thông.

4. Về mặt biểu tượng, logo chủ đề năm 2015 được phổ biến rộng rãi đến các giáo xứ. Hình tháp nhà thờ vươn lên biểu thị giáo xứ là cộng đoàn phụng vụ; hình cuốn sách mở ra nhắc nhớ giáo xứ là cộng đoàn Lời Chúa và ba bóng người linh động chính là minh họa tình hiệp thông được triển nở giữa cộng đoàn. Mong rằng logo chủ đề này không chỉ nêu cao ý nghĩa, mà còn khơi gợi trong cộng đoàn tâm tình yêu mến gắn bó dựng xây, để mỗi giáo xứ trở thành một gia đình sống động trên thuận dưới hòa, sống mến Chúa yêu người, mong là muối phúc âm ướp mặn môi trường lân cận, nhất là trong năm nay, kỷ niệm 50 năm Sắc lệnh về truyền giáo Ad Gentes (Đến với muôn dân) của Công Đồng Vaticanô II.

Về mặt thực hành, đề nghị với anh chị em hai phương cách bổ sung cho nhau:

Đối nội, tức là nhằm vào nội bộ “đời sống cộng đoàn giáo xứ” với ba chữ “chuyên”:

-Chuyên cần tham dự phụng vụ thánh lễ, nhất là giữ Ngày Chúa Nhật một cách trọn vẹn, kể cả điều thường bị quên trong xã hội hôm nay, đó là kiêng việc xác.
-Chuyên chăm học hỏi, chia sẻ và thực hành Lời Chúa, nhất là sống câu phúc âm ý lực trong tuần.
-Chuyên chú xây dựng tình hiệp thông vượt lên những khác biệt và xung khắc, nhất là biết sử dụng chìa khóa hiệu năng do thánh Augustinô để lại: “Hiệp nhất trong những điều chính yếu, tự do trong những điều tùy phụ, bác ái trong hết mọi sự”.

Đối ngoại, tức là nhắm đến chương trình “Tân phúc-âm-hóa” với ba chữ “C”:
-Củng cố nhân sự lo việc truyền giáo và trang bị lại tinh thần “đến với muôn dân”. Đây là dịp thuận tiện để các Hội dòng hay Tu đoàn rà soát lại cách nghĩ và cách sống sứ mạng “thừa sai” trong tên gọi của mình.
-Canh tân phương pháp truyền giáo phù hợp với điều kiện của từng giáo xứ, như đón nhận anh chị em di dân, dạy giáo lý hay kinh bổn cho các dự tòng, gặp gỡ mong cảm hóa những người bỏ đạo, xa đạo hay ác cảm với đạo.
-Cầu nguyện thường xuyên theo ý truyền giáo mỗi tháng của Đức Thánh Cha.
           
Xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, bổn mạng của giáo phận, vốn đã yêu thương chăm sóc đời sống mọi người trong năm qua, cũng tiếp tục nâng đỡ phù trì để các giáo xứ trong giáo phận được hạnh phúc thăng tiến trong vòng tay từ ái của Mẹ.

Giáo xứ tựa một gia đình:

Chuyên cần phụng vụ, sống tình hiệp thông,
Thực thi Lời Chúa vuông tròn.
Đời phúc-âm-hóa cõi lòng tràn vui.

+ Giuse Vũ Duy Thống, GM. GP. Phan Thiết
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Thánh lễ cầu nguyện cho cố Linh mục Antôn Nguyễn Quý Hải

Thánh lễ cầu nguyện cho cố Linh mục Antôn Nguyễn Quý Hải

Thánh lễ cầu nguyện cho cố Linh mục Antôn Nguyễn Quý Hải
Sáng nay 22/12/2014, lúc 7g00, Cha hạt Trưởng cùng với linh mục đoàn Giáo Hạt Hàm Tân đã cử hành nghi thức tẩn liệm và dâng thánh lễ cầu nguyện cho Cha Antôn Nguyễn Quý Hải, quản xứ Đông Hà vừa mới từ trần.
Thánh lễ cầu nguyện cho cố Linh mục Antôn Nguyễn Quý Hải

Sáng nay 22/12/2014, lúc 7g00, Cha hạt Trưởng cùng với linh mục đoàn Giáo Hạt Hàm Tân đã cử hành nghi thức tẩn liệm và dâng thánh lễ cầu nguyện cho Cha Antôn Nguyễn Quý Hải, quản xứ Đông Hà vừa mới từ trần.

Chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ, cha Giuse Đặng Văn Nam đã ngậm ngùi nhắc lại những kỷ niệm buồn vui “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”với Cha Hải. Cách đây 10 tháng như đã biết trước giờ ra đi, ngài đã đăng cai tổ chức kỷ niệm 8 năm linh mục rất long trọng. Đồng thời hai cha đã dự định làm một con bê mừng thọ 60 tuổi. Rồi năm nay, giáo xứ Đồng Hà cũng nhận cờ luân lưu tổ chức thánh ca liên xứ thật chu đáo đón mừng Chúa Giáng Sinh. Nhưng ngài đã ra đi khi chỉ còn 10 ngày nữa để vào tuổi thọ 60, và chỉ còn 3 ngày để mừng Đại lễ Giáng sinh.

Những gì ngài đã “mưu sự” với nụ cười trên môi, vượt lên những đau khổ của bệnh tật, để chu toàn sứ mệnh mục tử suốt gần 60 năm tuổi đời và 8 năm linh mục, chắc chắn sẽ được Chúa cho “thành sự” theo thánh ý của Ngài.

        Ban truyền thông Hàm Tân

(Nguồn GpPhanthiet.com )
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

Lễ phong chức 16 Linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Phan thiết


Lễ phong chức 16 Linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Phan thiết
Lễ phong chức 16 Linh mục tại Nhà thờ Chính tòa Phan thiết
Hôm nay 10.12.2014, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ phong chức Linh mục cho 16 Thầy Phó tế tại Nhà thờ Chính toà.Thánh lễ do Đức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế; đồng tế với ngài có cha Niên trưởng, quý cha Hạt trưởng, Đan viện phụ Châu thủy, cha Phó Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc, cha Giám đốc Chủng viện Nicôla Phan thiết, và khoảng 150 Linh mục trong và ngoài giáo phận. Các tu sĩ nam nữ, thân nhân, ân nhân của các tiến chức chung lời tạ ơn và hiệp thông cầu nguyện.
LỄ PHONG CHỨC 16 LINH MỤC
TẠI GIÁO PHẬN PHAN THIẾT


Linh mục là món qùa qúy giá Thiên Chúa trao tặng nhân loại. Trung thành với thiên chức và ơn gọi Linh mục là món qùa nhân loại dâng tặng lại Thiên Chúa.

xem hinh

Hôm nay 10.12.2014, Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ phong chức Linh mục cho 16 Thầy Phó tế tại Nhà thờ Chính toà.

Thánh lễ do Đức cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế; đồng tế với ngài có cha Niên trưởng, quý cha Hạt trưởng, Đan viện phụ Châu thủy, cha Phó Giám đốc ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc, cha Giám đốc Chủng viện Nicôla Phan thiết, và khoảng 150 Linh mục trong và ngoài giáo phận. Các tu sĩ nam nữ, thân nhân, ân nhân của các tiến chức chung lời tạ ơn và hiệp thông cầu nguyện.

Đức Cha Giuse ban huấn từ.

Anh chị em thân mến, vì những Thầy này là con cái chúng tôi và là thân nhân bạn hữu của anh chị em sắp được cất nhắc lên chức linh mục, xin anh chị em hãy chú ý nhận định xem các Thầy sắp lãnh nhận thừa tác vụ nào trong Hội Thánh.

Thật ra, toàn thể dân thánh Chúa đều thực hiện chức tư tế vương giả trong Đức Kitô. Tuy nhiên, chính Vị Thượng tế chúng ta là Đức Giêsu Kitô, đã chọn một số môn đệ để nhân danh Người chính thức thi hành nhiệm vụ tư tế trong Hội Thánh thay cho nhân loại. Vì được Chúa Cha sai đi, chính Người đã sai các tông đồ đi khắp thế gian, để nhờ các ngài và những Giám mục kế vị các ngài, mà luôn luôn hoàn tất nhiệm vụ là thầy, là tư tế và mục tử. Còn các Linh mục là những người được kêu mời hợp tác với hàng Giám mục trong nhiệm vụ tư tế để phục vụ dân Thiên Chúa, trở thành cộng tác viên của hàng Giám mục.

Sau khi cân nhắc cẩn thận, chúng tôi thấy những anh em này đáng được phong lên chức linh mục, để phục vụ Chúa Kitô là Thầy, là Tư tế, là Mục Tử và là Đấng làm cho Hội Thánh, Nhiệm thể Người được thành hình và phát triển, để trở nên dân Thiên Chúa và Đền Thánh. Vì phải nên giống Đức Kitô Vị Thượng Tế muôn đời, phải liên kết với chức tư tế của Giám mục, các Thầy sẽ được thánh hiến thành tư tế thật sự của Tân Ước, để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt dân Thiên Chúa và cử hành việc phụng tự, nhất là trong thánh lễ.

Còn các con thân mến! Các con sắp lên chức linh mục, các con sẽ thi hành nhiệm vụ giảng huấn trong Chúa Kitô là Thầy chúng ta. Các con đã vui mừng lãnh nhận Lời Chúa, các con hãy đem ra phân phát cho mọi người. Khi suy gẫm luật Chúa, các con tin và thi hành điều các con đọc, dạy điều các con tin và thi hành điều các con dạy. Vậy giáo lý các con phải nên lương thực nuôi dân Thiên Chúa, hương thơm đời sống các con phải nên niềm vui cho các tín hữu Đức Kitô, để lời nói và gương lành của các con xây dựng Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh. Các con cũng phải thi hành nhiệm vụ thánh hóa trong Đức Kitô, vì chưng thừa tác vụ các con sẽ giúp hoàn thành lễ tế thiêng liêng của tín hữu, hiệp cùng lễ tế của Đức Kitô mà tay các con dâng tiến khi cử hành lễ tế trên bàn thờ. Vậy các con phải ý thức việc các con làm, phải noi theo điều các con thực hiện, nghĩa là khi cử hành mầu nhiệm Chúa chịu chết và sống lại, các con cố gắng chế ngự thân xác khỏi nết xấu và tiến bước trong đời sống mới.

Khi rửa tội quy tụ người ta vào dân Thiên Chúa, khi nhân danh Đức Kitô và Hội Thánh ban phép giải tội, khi xức dầu thánh nâng đỡ bệnh nhân, khi cử hành các nghi lễ thánh, khi dâng lời ca ngợi tạ ơn và cầu nguyện trong các giờ kinh phụng vụ, không những thay cho dân Thiên Chúa mà còn thay cho toàn thế giới: những khi ấy, các con hãy nhớ mình được tuyển chọn giữa loài người, và được nhắc lên thay thế họ để lo những việc thuộc về Thiên Chúa. Vậy các con hãy luôn luôn vui vẻ chu toàn nhiệm vụ của Đức Kitô Thượng Tế trong đức mến chân thật, không tìm kiếm những gì thuộc về mình, nhưng tìm kiếm những gì thuộc về Đức Giêsu Kitô.

Sau hết, khi các con liên kết và vâng phục Giám mục thi hành nhiệm vụ thủ lãnh và mục tử của Đức Kitô, các con hãy cố gắng quy tụ các tín hữu thành một gia đình, để các con có thể hướng dẫn họ đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Các con hãy luôn luôn ngắm nhìn gương sáng của Mục Tử tốt lành: Người không đến để được phuc vụ, nhưng để phục vụ. Người đến để tìm kiếm và cứu rỗi kẻ hư mất.

Sau phần huấn dụ, các tiến chức phủ phục trước bàn thờ, cộng đoàn cầu nguyện sốt sắng với Kinh Cầu Các Thánh. Tiến chức nằm phủ phục dưới đất với cảm thức sâu xa về “cái bình sành dễ vở” nơi con người của mình.Thân phận con người với những giới hạn của bản thân luôn mỏng dòn, yếu đuối. Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh và lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa mà tiến chức đón nhận thánh chức Linh mục.

Đi vào phần nghi thức chính yếu nhất, Đức cha Giuse đã đặt tay lên đầu 16 Phó tế. Với lời nguyện phong chức, các tiến chức đã trở thành Linh mục. Mỗi tân chức mặc áo lễ vàng, rồi đến trước bàn thờ để được ĐGM xức dầu thánh hiến đôi tay và được trao chén thánh. Từng tân chức đón nhận cử chỉ “trao bình an” thân ái từ các giám mục và Linh mục đoàn. Với tư cách là Linh mục các tân chức cùng đồng tế Thánh lễ trong phần Phụng vụ Thánh Thể.

Từ hôm nay, Linh mục đoàn Giáo phận có tổng số 141 vị phục vụ trong cánh đồng truyền giáo.

Phong chức Linh mục vào dịp ngay sau lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Giáo phận muốn dâng các tân Linh mục cho Đức Mẹ, xin Mẹ giữ gìn nâng đỡ, vì Mẹ là mẹ của các Linh mục.
Trong ngày Truyền Tin, Thiên Chúa sai Tổng lãnh Thiên thần Gabriel đến báo tin cho Đức Maria là Chúa muốn chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Đây là một biến cố kỳ diệu cao cả. Có thể coi đây là một “Lễ Truyền Chức”.
Nếu gọi đó là một lễ truyền chức, thì lễ truyền chức này cao trọng hơn mọi lễ truyền chức khác. Thế mà, “Lễ Truyền Chức” này đã được thực hiện một cách hết sức âm thầm. Vẻ đẹp của ngày lễ được nhận ra ở thái độ Đức Mẹ tỏ vẻ bối rối ngỡ ngàng. Mẹ nhận mình chỉ là tôi tớ Chúa (x Lc 1,38). Chức cao quyền trọng Chúa trao là ơn hoàn toàn nhưng không. Mẹ chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Tâm hồn Mẹ đơn sơ khiêm tốn như một đoá hoa quý ẩn mình trong một đời thường bình dị.
Mẹ đón nhận lời truyền tin với tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Mẹ trả lời Tổng lãnh Thiên thần cũng với tâm hồn khiêm tốn đơn sơ trong sáng “Xin vâng”. “ Xin vâng” là một lời khấn hứa. Mẹ “Xin vâng” với tất cả tâm tình phó thác, hoàn toàn sẵn sàng để Chúa dùng mình vào bất cứ chương trình nào.Thế là “Lễ Truyền Chức’ và “Khấn hứa” đã xong. Rất đơn sơ, rất khiêm nhường. Nhưng lại rất đẹp lòng Chúa. Từ đây một kỷ nguyên mới đã mở ra cho nhân loại.

Sau khi đón nhận hồng ân làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã đi thăm viếng bà Isave. Nếu gọi đây là một dịp Đức Mẹ tạ ơn Chúa, thì “Lễ Tạ Ơn” này rất đơn sơ, rất khiêm nhường.Vừa thấy Đức Mẹ, bà Isave được ơn Chúa soi sáng đã cất tiếng chào và khen ngợi Đức Mẹ vì ơn đặc biệt Chúa đã ban. Đức Mẹ rất xúc động và đã tạ ơn Chúa bằng những lời tán tụng rất đơn sơ khiêm nhường: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,Thần trí tôi hớn hở vui mừng,Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi.Phận nữ tỳ hèn mọn,Người đoái thương nhìn tới…” (Lc 1,46-48). Đức Mẹ nhìn nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn, được Chúa đoái thương nhìn đến.Với thân phận nữ tỳ hèn mọn, Đức Mẹ chỉ biết vâng phục, chỉ biết làm những gì Chúa sai bảo, chỉ biết sẵn sàng thực hành bất cứ sự gì là thánh ý Chúa. Sau lễ tạ ơn này, Đức Mẹ lại tiếp tục sống ơn gọi một cách đơn sơ khiêm nhường với một cuộc sống cầu nguyện âm thầm.

Sau khi Chúa Giêsu trối Thánh Gioan cho Đức Mẹ, thì Mẹ đã trở nên Mẹ của các Linh mục. Lễ tế đời Linh mục là cố gắng sống tinh thần khiêm tốn xin vâng của Đức Mẹ và tinh thần yêu thương phục vụ của Chúa Giêsu.

Linh mục là một hồng ân và là một huyền nhiệm. Là một hồng ân nên cần phải tạ ơn Chúa. Là một huyền nhiệm nên cần phải khám phá và quý trọng. Chúa Giêsu thiết lập chức Linh mục là vì và cho dân Chúa. Chức Linh mục đòi hỏi rất nhiều nơi các Linh mục, trong khi đó bản thân các Linh mục lại rất yếu đuối và giới hạn. Hãy cảm thông và cầu nguyện cho các Linh mục. Hãy cầu nguyện với Đức Mẹ xin cho Giáo Hội có nhiều Linh mục theo gương Chúa Giêsu.

Thánh Gioan tông đồ trong bữa tiệc ly đã để lại hình ảnh rất đẹp: tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu. (x.Ga 13,23). Linh mục là người dựa đầu vào trái tim Chúa Giêsu. Theo gương Thánh Gioan, nhiều Linh mục đã dựa lòng mình vào trái tim Chúa Giêsu. Cử chỉ thân mật đó chủ yếu là để đón nhận. Đón nhận ơn sống mật thiết với Chúa, đón nhận ơn bình an của Chúa, đón nhận ơn sống hiện diện trước nhan thánh Chúa.

Xin Đức Mẹ là mẹ của các Linh mục luôn gìn giữ và ban ơn cho các tân chức trong ngày trọng đại này và mãi mãi, để các ngài trở nên một Giêsu thứ hai con của Mẹ. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

(Nguồn: http://gpphanthiet.com/news/Su-kien/Le-phong-chuc-16-Linh-muc-tai-Nha-tho-Chinh-toa-Phan-thiet-1338/)

Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.