Ads 468x60px

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Chúa Nhật Tuần II Mùa Chay Năm C

21/02/2016
PHÚC ÂM:  Lc 9, 28b-36
"Đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi cầu nguyện. Và đang khi cầu nguyện, diện mạo Người biến đổi khác thường và áo Người trở nên trắng tinh sáng láng. Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem. Phêrô và hai bạn ông đang ngủ mê, chợt tỉnh dậy, thấy vinh quang của Chúa và hai vị đang đứng với Người. Lúc hai vị từ biệt Chúa, Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm; chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Khi nói thế, Phêrô không rõ mình nói gì. Lúc ông còn đang nói, thì một đám mây bao phủ các Ngài và thấy các ngài biến vào trong đám mây, các môn đệ đều kinh hoàng. Bấy giờ từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Và khi tiếng đang phán ra, thì chỉ thấy còn mình Chúa Giêsu. Suốt thời gian đó, các môn đệ giữ kín không nói với ai những điều mình đã chứng kiến.  
Đó là lời Chúa.
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm C

14/02/2016
PHÚC ÂM:  Lc 4, 1-13
"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
 
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa  ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác. 
Đó là lời Chúa.
Đọc tiếp »

Thư Mục vụ Mùa Chay - Phục Sinh 2016 ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc

(nguồn http://tgpsaigon.net/)
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY
VÀ MÙA PHỤC SINH 2016
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần của lễ”
(Mt,9,13)


Kính gửi quý linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh
và anh chị em giáo dân rất thân mến,
Thư Mục Vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh năm nay có chủ đề là “Lòng Thương Xót”, vì năm nay là “Năm Thánh của Lòng Thương Xót”. Câu Tin Mừng Mátthêu 9,3: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” đã gợi hứng cho Đức Thánh Cha Phanxicô soạn ra Sứ điệp Mùa Chay năm 2016.
1. “Mùa Chay của Lòng Thương Xót” chính là tâm tình và suy tư đầu tiên của thư Mục vụ này. Như trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay của Đức Thánh Cha Phanxicô, Mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được mạc khải qua những hành động cụ thể trong lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã tỏ lộ Ngài luôn luôn là Đấng Giàu Lòng Thương Xót, sẵn sàng chăm sóc Dân Chúa với lòng nhân ái và sự cảm thông, đặc biệt trong những giai đoạn bi thảm, khi Dân Chúa bất trung. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Cha đã tỏ lộ lòng thương xót vô biên của mình, làm cho Ngôi Lời trở thành “Lòng Thương Xót Nhập Thể”. Chúng ta được mời gọi đi vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua những việc làm của lòng thương xót, được gợi ý từ Kinh Thương người có 14 mối, thương xác 7 mối, thương linh hồn 7 mối”.
2. Mùa Chay năm nay phải là “Mùa Chay Thánh Thiện”. “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” chính là “Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện”. Cầu nguyện, chính là việc làm thứ hai trong Mùa Chay này: cầu nguyện, gặp gỡ Chúa qua giờ kinh, qua những lúc thinh lặng trước Mình Thánh Chúa, qua việc suy niệm lắng nghe Lời Chúa, và nhất là qua cử hành Thánh lễ, chóp đỉnh của sinh hoạt cầu nguyện. Đặc biệt trong năm nay, gặp gỡ Chúa Giêsu trong Bí tích Giải tội là phương thế tuyệt hảo để cảm nhận và đi vào Lòng Thương Xót thứ tha của Thiên Chúa. Hãy để Thiên Chúa là Đấng Thánh chữa lành và thánh hóa tâm hồn chúng ta.
3. Muốn là Mùa Chay thánh thiện, phải là Mùa Chay có nhiều hy sinh và hãm mình trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta có thể hy sinh rất nhiều điều, trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Với những hy sinh này, Mùa Chay Thánh còn được gọi là Mùa Chiến Đấu thiêng liêng: chúng ta chống lại thần dữ và các cơn cám dỗ của nó; chúng ta chống lại thế gian và những khuynh hướng xấu đang ảnh hưởng tiêu cực trên chúng ta; chúng ta chống lại xác thịt nặng nề với đầy dẫy những nết hư tật xấu, chế ngự nó và đem lại chiến thắng cho tinh thần của chúng ta. Từ đó, Mùa Chay là mùa của canh tân đổi mới, là mùa của hành trình thống hối, hành trình dài hơi và lâu năm chứ không phải một sớm một chiều. Chúng ta hành trình trong sa mạc, chúng ta tìm Nhan Thánh Chúa, hít thở Thần Khí cư ngụ trong sa mạc.
4. Anh chị em thân mến, tôi nhìn thấy tôi qua lăng kính Mùa Chay Thánh. Tôi thấy mình chưa thực hiện được những “việc làm của lòng thương xót”. Tôi thấy mình còn thiếu cầu nguyện rất nhiều, chưa gặp gỡ Chúa đích thực, chưa đắm mình trong Tình Yêu của Chúa, chưa hít thở đủ Thần Khí. Tôi thấy mình chưa hãm mình, chưa hy sinh, chưa thực sự chiến đấu chống lại sự dữ. Tôi đã sa ngã rất nhiều lần, nhưng không nhanh chóng chỗi dậy chạy đến cùng Thiên Chúa là Cha của tôi. Tôi đã thiếu lòng đạo đức và sự thánh thiện, tâm hồn không trong sạch, chứa đựng nhiều rác rưởi. Tôi chỉ còn biết chờ đợi ở Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng không xét xử, nhưng sẵn sàng tha tội cho tôi, chữa lành tôi và biến đổi tôi.
Xin Thiên Chúa đoái nhìn đến tất cả chúng ta bằng một cái nhìn đầy tình thương mến. Tình Thương sẽ khỏa lấp muôn vàn tội lỗi và chúng ta lại được hưởng Nhan Thánh Chúa, chiêm ngắm “Gương Mặt của Lòng Thương Xót” với tất cả tình yêu và niềm vui của con người được xót thương, chăm sóc.
5. Chóp đỉnh của Mùa Chay Thánh là Thánh Lễ Chúa Phục Sinh, mừng Chúa Giêsu được Chúa Cha cho Sống Lại từ cõi chết nhờ Chúa Thánh Thần. Chúa Kitô Phục Sinh mở ra cho loài người chúng ta một “Kỷ Nguyên Mới”, Kỷ Nguyên của sự Sống Lại và Sự Sống Mới trong Thần Khí, Đấng là “Tác Nhân Chính” của công việc Loan Báo Tin Mừng. Ngài sẽ mang đến, cho mọi người, Niềm Vui lớn lao của Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng ta hãy đứng thẳng và ngẩng cao đầu để đón nhận Niềm Vui đó của Tin Mừng, đón nhận Tình Yêu của Thiên Chúa.
6. Đầy tin yêu và hy vọng, tôi rất hãnh diện vì được làm con của Thiên Chúa, làm môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, làm anh em và bạn hữu với anh chị em và các bạn khác, đồng môn với tôi. Lòng tôi không lúc nào nghỉ yên cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.
Cầu chúc cho tất cả anh chị em một Mùa Chay đạo đức, thánh thiện, tràn đầy Tình Yêu và Ân Sủng của Thiên Chúa và một lễ Phục Sinh tràn đầy niềm vui và bình an của Lòng Chúa Thương Xót trong Chúa Giêsu Phục sinh.
Xin anh chị em cầu nguyện thật nhiều cho tôi, người mục tử mà Chúa đã cắt đặt để chăm sóc tất cả anh chị em, để tôi nhiệt thành dấn thân phục vụ mọi người nhiều hơn nữa.
Tòa Tổng Giám Mục Tp.HCM, ngày 03-02-2016
(đã ký và đóng dấu)
+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

Chúa Nhật Tuần V Mùa Thường Niên Năm C

07/02/2016
PHÚC ÂM:  Lc 5, 1-11
"Các ông đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, dân chúng chen nhau lại gần Đức Giêsu để nghe lời Thiên Chúa, lúc đó Người đứng ở bờ hồ Giênêsarét. Người trông thấy hai chiếc thuyền đậu gần bờ; những người đánh cá đã ra khỏi thuyền và họ đang giặt lưới. Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Vừa giảng xong, Người bảo ông Simon rằng: "Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá". Ông Simon thưa Người rằng: "Thưa Thầy, chúng con đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết; nhưng vì lời Thầy, con sẽ thả lưới". Các ông đã thả lưới và bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách. Bấy giờ các ông làm hiệu cho các bạn đồng nghiệp ở thuyền bên cạnh đến giúp đỡ các ông. Những người này tới, họ đổ cá đầy hai chiếc thuyền, đến nỗi những thuyền chở nặng gần chìm.

Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi". Ông kinh ngạc và tất cả mọi người ở đó với ông cũng kinh ngạc trước mẻ cá mà các ông vừa mới bắt được; cả ông Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêđê, bạn đồng nghiệp với ông Simon cũng thế. Nhưng Chúa Giêsu phán bảo ông Simon rằng: "Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta". Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người.  Đó là lời Chúa.
Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2016

THĂM SỨC KHỎE VÀ CHÚC TẾT ĐGM GIÁO PHẬN TẠI SÀI GÒN


Ngày 05/02/2016 (27 Tết)  cha Tổng Đại Diện, cha quản lý giáo phận cùng 3 cha hạt trưởng: Đức Tánh, Hàm Tân và Phan Thiết, đại diện cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân cả giáo phận đã vào Sài Gòn thăm sức khỏe và chúc Tết Đức cha Giuse giám mục giáo phận, đang điều trị bệnh viêm xoang mặt tại Sài Gòn, ngài không thể về giáo phận trong những ngày Tết. Đức cha cám ơn và gửi lời chúc mừng năm mới đến mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận.
(nguồn http://chinhtoaphanthiet.blogspot.com)
Đọc tiếp »

TÂM TÌNH MỤC TỬ tháng 2 năm 2016

 
            Anh chị em thân mến,
       

  Năm Đời Sống Thánh Hiến sẽ được kết thúc chính thức trên quy mô Giáo Hội toàn cầu vào ngày 2/2/2016 dịp lễ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh, như được ấn định trong Tông Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi các người sống đời thánh hiến ngày 21/11/2014, nhân lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thờ. Những mục tiêu, những mong đợi và những chân trời của Năm Đời Sống Thánh Hiến do Tông Thư đề ra, đã được các tu sĩ trong giáo phận nhà học hỏi, thực thi và nỗ lực áp dụng vào đời sống, thông qua những sinh hoạt thường xuyên hay đặc biệt trong suốt năm qua. Cách riêng trong dịp hành hương Tàpao ngày 13/1/2016 mới đây, các tu sĩ của chúng ta đã thể hiện một xác quyết mạnh mẽ vào lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ trung gian của Mẹ Maria, và để lại một ấn tượng khó quên cho cộng đồng Dân Chúa về tình hiệp thông Giáo Hội tại địa phương. Tháng này, gia đình giáo phận cũng hợp lời tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho các tu sĩ được theo gương Đức Mẹ sống tinh thần "xin vâng" mau mắn và "xin dâng" trọn vẹn, trước sự hiện diện của Thiên Chúa ngay trong Đền Thờ sống động là "thần trí, tâm hồn và thể xác" của từng người.
            Tháng Hai năm nay cũng là thời điểm khai mào của những mùa đặc biệt, cả trong thời tiết xoay vần lẫn tâm tình tôn giáo và vận mạng đời người.

            1. Mùa Xuân Bính Thân

            Theo cách nhìn dân gian, như một định luật, cứ đông tàn là xuân về, cũng như cứ năm hết là Tết đến vậy. Xuân năm nay là xuân Bính Thân, và Tết năm nay là Tết con khỉ. Ngay từ mấy tháng trước, những người thích giải mã con số đã cho biết năm nay là trường hợp hoạ hiếm trùng hợp may mắn cả đông lẫn tây. Theo họ, năm Dương Lịch 2016 bao gồm 4 con số có tổng cộng là 9, mở ra cánh cửa may mắn; rồi năm Âm Lịch Bính Thân cầm tinh con khỉ là con vật đứng thứ 9 trong số 12 con giáp, cũng mở ra vận mệnh tươi sáng của những ngôi sao mang nhiều vận may. Người công giáo, dẫu chẳng tin vào kiểu giải mã đậm mầu đoán mò này, chỉ coi đây như một trò tiêu khiển mua vui mỗi dịp Tết đến. Thế thôi. Trên thế giới, vạn vật đều được xếp định theo sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn sự tốt sự lành cho hết mọi người, nhưng như nghệ sĩ chân chính lý giải đời mình bằng 2 từ "miệt mài và may mắn" và người bình dân hoá giải những khó hiểu trong đời sống bằng kiểu nói "hay không bằng hên", người ta ai cũng chịu sự chi phối ít nhiều của yếu tố may mắn ngẫu nhiên tình cờ, thế nên "cầu xin ơn may lành" vào dịp Tết quả là hợp tình và hợp lý. Tuy nhiên, đừng quá chú trọng cầu may để chạy theo những trò đỏ đen cờ bạc có nguy cơ tác hại nề nếp gia phong, hay buông theo những điều huyền hoặc bói toán vừa phản lại đức tin kéo theo cả sự âu lo và bất ổn trong đời sống, cũng như gây gương xấu cho thế hệ con cháu.
            Tết đến, người ta chúc nhau những điều thiện hảo cả theo nghĩa tôn giáo lẫn xã hội, mong sao xuân mới với lá hoa đẹp màu sẽ mang đến cho mỗi cuộc đời ý nghĩa vươn lên. Có thể chúc nhau vui tươi như "Năm con khỉ, Lòng hoan hỷ, Việc như ý, Tết lì xì...", nhưng điều chính yếu là "Mừng năm Bính Thân, Chúa ban hồng ân, Gặp nhiều may mắn, Gia đình bình an..."

            2. Mùa Chay Thánh

            Năm nay, mồng ba Tết Bính Thân trùng với ngày Thứ Tư Lễ Tro. Một trong những ngày đầu năm mới lại trùng với ngày đầu Mùa Chay Thánh. Sự trùng hợp này có một chút bất tiện phải giải quyết, là làm sao vui xuân trọn vẹn mà vẫn chu toàn luật lệ của Giáo Hội. Giải pháp đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra là: Thứ Tư Lễ Tro, mùng ba Tết, tín hữu vẫn tham dự thánh lễ và nhận xức tro như thường lệ; chỉ có việc kiêng thịt là dời vào thứ Sáu tuần sau, tức là ngày thứ Sáu 19/2/2016. Tuy nhiên, sự trùng hợp giữa một trong những ngày khởi đầu của năm mới với ngày khởi đầu của Mùa Chay lại đem đến cho ta những diệu cảm bất ngờ: Mùa Chay cũng là một Mùa Xuân. Nếu Mùa Xuân được người người mong đợi chào đón như một khởi đầu cho chu kỳ năm mới, với cảnh sắc hân hoan hứa hẹn một tương lai phong phú, thì Mùa Chay cũng được các tín hữu chào đón như một thời gian cao điểm canh tân giúp đón nhận hồng ân của mầu nhiệm Phục Sinh. Tương tự như Mùa Xuân đến khôi phục sự tươi trẻ của cảnh vật cho phù hợp với lẽ xoay vần của thời tiết, Mùa Chay đến với 40 ngày giúp tín hữu đổi mới tâm hồn và đời sống cho phù hợp với mầu nhiệm cử hành. Và nếu Mùa Xuân là cơ hội gia đình sum họp quây quần nối kết tình thân họ hàng ruột thịt, thì Mùa Chay cũng là thời điểm thuận lợi để thực hiện những cuộc trở về: những ai đã xa rời giáo lý tinh tuyền của Chúa biết tìm về hoán cải; những người đã dẫn vào đời mình cách sống xa lạ với giới luật yêu thương của Tin Mừng biết hoà giải tha thứ, vun đắp công bình và xây dựng hoà bình.
            Phụng vụ vẫn nhắc nhở về ý nghĩa Mùa Chay: "Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ"; hoặc cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền". Còn chúng ta, trong Mùa Chay này, hãy quyết tâm có những hành vi thiết thực: "Vui năm Bính Thân, hãy canh tân hoà giải; Mùa Chay hoán cải, lòng rộng trải yêu thương".

            3. Mùa chăm sóc các bệnh nhân

            Cũng năm nay, ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lại rơi vào ngày mồng 4 Tết, khiến cho Mùa Xuân Bính Thân trở thành dịp đặc biệt để quan tâm đến các bệnh nhân tại địa phương. Ngày xưa trong hoạt động công khai, Chúa Giêsu luôn kết hợp hai việc rao giảng và chữa lành: rao giảng để loan báo Nước Thiên Chúa và chữa lành cho thấy Nước ấy đã đến gần và ở giữa muôn người. Thật vậy, đến trần gian để đem ơn giải thoát cho toàn thể mọi người và toàn bộ con người, Chúa Giêsu đã thể hiện một tình cảm đặc biệt đối với các bệnh nhân từ thể lý đến tinh thần, bằng cách đụng chạm đến họ, chạnh thương và chữa lành cho họ. Danh xưng Giêsu có nghĩa là "Thiên Chúa cứu" và chính khi cúi xuống chữa lành các bệnh nhân trong mọi trường hợp, Người tỏ mình đích thực là Đấng Cứu Độ. Tiếp nối công trình cứu độ của Chúa Giêsu, ngày nay Giáo Hội cũng được sai đi với sứ mạng kép, là rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật (x. Mt 10, 7-8). Trung thành với sứ mạng này, Giáo Hội luôn coi việc cầu nguyện, chăm sóc và chữa lành cho các bệnh nhân như là một nhiệm vụ cao quý trong hoạt động rao giảng của mình. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức và Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân (11/2) chính là một trong những cách thể hiện mối quan tâm này trong sinh hoạt đời sống và ngay cả trong sinh hoạt phụng vụ.
            Riêng tại giáo phận nhà, một ngày hành hương mừng xuân Bính Thân sẽ được tổ chức tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao tối ngày 12/2/2016 (mồng 5 Tết), với nghi thức bí tích Xức Dầu Thánh và phép lành toàn xá đặc biệt cho các bệnh nhân trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót. Mong rằng sinh hoạt này sẽ được các thành phần Dân Chúa đáp ứng, hoặc tham dự trực tiếp bằng tâm tình cầu nguyện, hoặc tham gia xa gần bằng quan tâm chăm sóc cho những người đang đau bệnh trong vòng tương thân tương ái của mình được lãnh nhận đầy đủ ơn ích thiêng liêng.
            Anh chị em thân mến,
            Đó là ba trọng điểm xin gửi gắm trong lời kinh của cộng đoàn Dân Chúa giáo phận nhà: xin cho Mùa Xuân đem về ân lộc sung túc; xin cho Mùa Chay mang tới hạnh phúc canh tân; và xin cho Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân trở thành ngày mở ra Mùa sức khoẻ đong đầy. Trong nhãn giới Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, kính chúc anh chị em một Mùa Xuân cảm nghiệm rõ hơn tình thương của Chúa trong đời mình, để ngày ngày biết đón nhận và đáp ứng bằng con tim quảng đại hiến dâng. Cuối cùng, xin ký thác gia đình giáo phận cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của Lòng Thương Xót.
 
Giuse Vũ Duy Thống

Gm. Gp. Phan Thiết
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Chuyện Tết ngày Xuân


Chuyện Tết ngày Xuân “Anh cho em mùa Xuân, nụ hoa vàng mới nở, chiều Đông nào nhung nhớ. Đường lao xao lá đầy, chân bước mòn hè phố, mắt buồn vin ngọn cây. Anh cho em mùa Xuân, mùa Xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá. Lời thơ ru cõi đời, bầy chim lùa vạt nắng, trong khói chiều chơi vơi…” (Anh Cho Em Mùa Xuân – nhạc: Nguyễn Hiền, thơ: Kim Tuấn).
Tiết tấu nhẹ nhàng mà vẫn rộn ràng đưa hơi thở mùa Xuân vào cuộc sống. Đây là một ca khúc Xuân rất quen thuộc và dễ thương, ca từ đẹp và giai điệu cũng đẹp. Trong ca khúc này có động từ “cho” được lặp đi lặp lại, nói lên lòng quảng đại chứ không ích kỷ chỉ muốn “nhận”, vì “cho” (tặng, biếu) là một động từ quan trọng trong cuộc sống thường nhật.
Khi có chuyện gì phấn khởi, người ta thường nói “vui như Tết” hoặc “Tết nhất”. Điều đó chứng tỏ là Tết rất vui, luôn được mong chờ, luôn là ngày “nhất” trong năm. Ngày Tết, với trẻ em là niềm khao khát và vui mừng, với người lớn là trách nhiệm và bổn phận – và đôi khi có người không mong Tết, vì Tết đối với họ có thể buồn hơn ngày thường.
Đông lạnh qua, Xuân ấm đến, đó là quy luật tự nhiên của đất trời. Mùa Xuân là mùa của sự sống, cây cối nảy lộc, đơm bông, thể hiện tính trẻ trung và đổi mới. Mùa Xuân còn là dịp đoàn tụ, yêu thương, tha thứ, cùng tận hưởng và chia sẻ niềm hạnh phúc. Gặp nhau, ai cũng tay bắt mặt mừng, có gì sai sót trong năm cũ cũng bỏ qua hết, và trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Đó là “tống cựu, nghinh tân”, đặc biệt trong giây phút thiêng liêng nhất: Giao thừa. Ngày xưa, đêm giao thừa còn được gọi là đêm trừ tịch – khoảng thời gian thiêng liêng nhất trong năm, khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những muộn phiền đã qua.
Trong giây phút giao thừa, các gia đình lập bàn thờ cúng tổ tiên, khói nhang nghi ngút, bánh trái đầy bàn. Người ta thường đặt trên bàn các loại trái cây như: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài; theo phát âm tiếng Nam bộ là “cầu vừa đủ xài”. Như vậy, kể ra người ta cũng không tham lam, còn giữ được “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Người có máu khôi hài thì nói là bày trên bàn 4 thứ: Chôm chôm, xoài, cái líp, cái gác baga; nghĩa là “chôm chỉa để xài líp baga” (xài líp baga là xài thoải mái). Dù chỉ đùa vui, nhưng chứng tỏ con người đã… biến chất “thiện”. Người ta còn bói Kiều và làm những nghi lễ trừ ma quỷ, người Công giáo cũng có thói quen đạo đức là rẩy nước phép quanh nhà để trừ ma quỷ. Người Việt có tục lệ tốt đẹp:
Xuân về, mồng Một tết ChaMồng Hai tết Chú, mồng Ba tết Thầy
Mồng Một tết Cha – Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” được tôn trọng, đó một truyền thống tốt đẹp đầy tính nhân bản. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người thân có công lao lớn đối với chúng ta, thế nên chúng ta phải dành “ưu tiên số một”. Thật vậy, đó không chỉ là nghĩa vụ của mọi người theo phần đời, vì “chim có tổ, người có tông, sông có nguồn”, mà còn là nghĩa vụ theo Công giáo, vì Thiên Chúa đã dạy: “Hãy thảo kính cha mẹ” (x. Hc 3:1-16). Nghĩa vụ thì phải làm, nhưng đồng thời có lợi cho chính mình:“Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng”(Hc 3:3-6). Và Thiên Chúa cũng cảnh báo: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa” (Hc 3:16).Mồng Hai tết Chú – Đó là các thân bằng quyến thuộc, là họ hàng Nội Ngoại, là xóm giềng, là bạn bè, là ân nhân,… Sống trên đời không ai có thể là một ốc đảo, vì cuộc sống là một xã hội, không trực tiếp liên hệ thì cũng gián tiếp liên hệ bằng nhiều cách. Người này có liên đới với người kia, dù có thể chỉ là một ánh mắt hoặc thái độ, thậm chí có thể chỉ qua ý nghĩ. Người này có trách nhiệm và bổn phận với người kia, dù là người dưng nước lã, dù là người chưa biết mặt quen tên. Hãy tết nhau bằng cách luôn triệt để tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền của nhau.Mồng Ba tết Thầy – Thời phong kiến áp dụng trật tự xã hội: Quân – Sư – Phụ. Ở đây chúng ta không nói chuyện “thứ tự trước sau” mà chú trọng tầm quan trọng của 3 cấp bậc. Trong đó người thầy được đề cao theo tinh thần “tôn sư trọng đạo”, và người Việt cũng khuyên: “Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”. Hán Việt dùng từ Sư Phụ, người thầy không chỉ là người dạy mà còn được coi như “phụ mẫu”. Thế nhưng ngày nay người ta không còn coi trọng lòng “tôn sư trọng đạo”, đó là dấu hiệu sa sút đạo đức!Tết nhau không hẳn là món quà cáp bằng vật chất, có “khả năng” tết nhau một chút lễ vật thì cũng tốt, nhưng đừng câu nệ “quà cáp” mà “biến chất”, quan trọng nhất là cởi mở gặp gỡ nhau với cả tấm lòng, tết nhau bằng những ước muốn tốt đẹp, những lời cầu chúc chân thành, những lời cầu nguyện thành tín. Tiếng Việt thật thú vị khi dùng từ “gặp gỡ”: Gặp nhau thì phải “gỡ bỏ” mọi vướng mắc, không “gỡ” thì không thể nào “gặp” được. Đó là cách sống tích cực theo đạo làm người và theo tôn giáo của mỗi người.Người Công giáo có “quy ước” riêng của Giáo hội đối với 3 ngày Tết: 


Mồng Một cầu xin Thiên Chúa Ban cho thế giới bình anThể lý cũng như tâm hồn Kiên vững niềm Tin, Cậy, Mến
Bình an là điều luôn cần thiết đối với mọi người trong mọi thời và mọi nơi. Muốn sống bình an thì bạn phải tạo hòa bình xã hội, bạn không thể bình an khi xã hội rối loạn hoặc tinh thần chán nản. Bình an trước tiên là sức khỏe – tinh thần và thể lý. Đúng như tục ngữ nói: “Sức khỏe là vàng”. Đó là hệ lụy tất yếu vậy! 

Mồng Hai thành tâm khấn nguyệnXin cho mùa màng bội thu Công ăn việc làm thuận hòa An tâm không phải thao thức
Sống không thể chỉ hít thở khí trời và uống nước lã, vì thế con người cần mưu sinh. Muốn mưu sinh thì phải có nghề nghiệp, có công ăn việc làm. Công việc lại có liên quan và tùy thuộc thời tiết. Mùa màng bội thu thì con người hạnh phúc phấn khởi, mùa màng thất bát thì con người đói khổ. Nói vậy không có nghĩa là thời tiết chỉ quan trọng đối với nông dân, không có nông dân thì “kẻ sĩ” cũng không sống nổi. Mọi người đều liên đới với nhau về nhiều phương diện, không thể nói “nhất sĩ, nhì nông” hoặc “nhất nông, nhì sĩ”. Giới nào cũng có cái “nhất” và cái “nhì”, không ai “ưu thế” hơn ai.

Mồng Ba xin Chúa chúc phúcBan cho cha mẹ, ông bàLuôn sống thánh thiện, an hòaVui cùng đàn con, lũ cháu

Cầu nguyện cho người còn sống được an khang hạnh phúc là chuyện dĩ nhiên, chúng ta còn có bổn phận cầu nguyện cho những người đã “ra đi” trước chúng ta. Xuân về Tết đến, mọi người sum họp hữu hình, còn tổ tiên không thể sum họp hữu hình với đàn con, lũ cháu, nhưng họ vẫn khả dĩ sum họp vô hình với chúng ta.Mùa Xuân là dịp nghỉ ngơi, vui chơi, cho phép người ta có thể tiêu xài “rộng tay” một chút. Tuy nhiên, đôi khi có thể người ta muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình mà “chơi nổi” kiểu công tử Bạc Liêu, chưa tới mức “lấy tiền nấu trứng” nhưng cũng có vẻ muốn tỏ ra “đại gia”. Năm ngoái, có những người không ngần ngại chứng tỏ “bản lĩnh” đó: Có người mua cặp dưa hấu với giá 900.000 VNĐ, có người mua bộ phản gỗ (bộ ngựa) 100.000 USD, có người “khoe” là bỏ ra 20 triệu VNĐ để sắm tết,… Và còn nhiều “cách chơi” khác nữa.Trong khi có những người “vung tay quá trán” như vậy thì vẫn có những con người chưa hưởng trọn vẹn mấy ngày Tết hoặc không hề có mùa Xuân. Một cậu bé 10 tuổi ở Đồng Tháp, ở với bà ngoại ngoài 80 tuổi, em chỉ mong Tết đến để được ăn món “khổ qua xào với trứng”. Được hỏi sao em ước mơ như vậy, em cười hồn nhiên và cho biết: “Vì chỉ có ngày Tết ngoại mới để dành đủ tiền để làm món đó”. Câu nói của em thật hồn nhiên nhưng sao nghe lòng nhói đau quá! Một ước mơ quá bình dị như vậy mà sao khó với em bé này đến vậy? Quả thật, cuộc đời còn biết bao con người khốn khổ, họ không mong Tết, mà có mơ cũng không thấy!Xã hội khó có thể trở thành thế giới đại đồng, nhưng cũng có thể tương đối, nếu người giàu biết bớt phần lãng phí để chia sẻ với người nghèo. Thực ra, đó là trách nhiệm và bổn phận của đạo làm người.Chuyện giàu – nghèo là lẽ tất nhiên ở đời, nhưng vẫn là một ẩn số vô cực. Mùa Xuân là mùa của ngàn hoa tươi sắc, lòng người cảm thấy rạo rực khó tả, có những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười và cười “hết cỡ thợ mộc”, nhưng cũng có những khuôn mặt còn ủ rũ, đôi môi khô héo, lòng luôn trĩu nặng…Chúa Giêsu luôn hết lòng quan tâm và chăm sóc người nghèo, Ngài đã “chắc nịch” xác định: “Mỗi lần anh chị em làm điều gì cho một trong những người bé nhỏ nhất của Tôi, đó là anh chị em đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:40).Ngài muốn chúng ta NÓI và LÀM, không nói suông, không hứa lèo, không chỉ mở lòng mà còn phải mở đôi tay và mở hầu bao. Mỗi ngày chúng ta nhiều lần cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha (Lc 11:1-4), chúng ta thấy Ngài nói thực tế, không hề bóng gió: “Không lẽ người ta xin cá thì lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc người ta xin trứng lại cho họ bò cạp?” (x. Lc 11:9-12).Xuân về, Tết đến, đó là mùa yêu thương, mà yêu thương thì phải chia sẻ, chia sẻ cả vật chất lẫn tinh thần, vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2:17 & 26). Hãy chân thành tặng nhau một mùa Xuân tươi đẹp nhất, rộn rã nhất và trọn vẹn nhất!

Mùa Xuân thắm sắc mai vàng 
Bình minh tỏa ánh nắng vàng lung linh
 Giáo đường vang vọng lời kinh
 Hồi chuông đổ nhịp ân tình ngàn năm
Tin yêu nở giữa mùa Xuân 
Hồng ân Cứu độ tuôn tràn bao la… 

Cầu mong cho xã hội luôn biết tôn trọng công lý để xã hội có nền hòa bình đích thực. Cầu mong cho mọi người biết yêu thương nhau bằng tình đồng loại trọn vẹn để ai cũng được tôn trọng nhân quyền đúng nghĩa và có thể tận hưởng mùa Xuân viên mãn nhất. Nhờ vậy mà “Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời”!

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa-Xuân-Tuyệt-Đối và là Mùa-Xuân-Vĩnh-Hằng của chúng con, xin giúp chúng con sống trọn ba đức đối thần (tin, cậy, mến) và các nhân đức đối nhân để chúng con thể hiện Lòng Chúa Thương Xót trong từng hơi thở. Xin Ngài thương xót những mảnh đời cơ cực, để họ có chút niềm vui ngày Xuân. Xin Ngài cũng thương chúc phúc và ban cho chúng con được ơn Khôn ngoan, vì “tất cả sự khôn ngoan đều phát xuất từ Đức Chúa, và khôn ngoan vẫn ở với Người đến muôn đời” (Hc 1:1). Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(nguồn http://conggiao.info)





Đọc tiếp »

Thư gửi các sinh viên, học sinh Công giáo Nhân dịp Tết nguyên đán Bính Thân - 2016



Các con rất thân mến,
Trong bầu khí hân hoan của ngày Tết Dân Tộc, Cha vui mừng gửi đến các con lời cầu chúc đầy yêu thương. Xin Thiên Chúa ban cho các con mọi điều may lành trong suốt năm Bính Thân và được hưởng dồi dào sự an bình, niềm vui trong tình nghĩa đầm ấm gia đình, bên ông bà, cha mẹ và người thân. Nhân dịp này Cha cũng muốn chia sẻ với các con đôi điều tâm sự.

Gần đến ngày Tết, cuộc sống trở nên tấp nập và nhộn nhịp khác thường. Các khu phố và nhà ở được trang hoàng đẹp đẽ, tạo nên một môi trường và bầu khí rất vui tươi, làm phấn khởi lòng người. Nhưng đàng sau những quang cảnh tráng lệ đó, đâu đó vẫn còn những mảnh đời lầm than cơ cực. Biết bao người không dám nghĩ đến Tết vì sầu buồn trong hoàn cảnh nghèo đói; nhiều anh chị em đi học hoặc đi làm xa đang ủ rũ không dám về gia đình ăn Tết, vì không đủ tiền mua vé xe hay mua quà Tết; nhiều bậc cha mẹ đang buồn phiền vì không lo được một bữa ăn Tết cho con cái và không có tiền lì xì cho chúng; trên các vỉa hè đường phố, có các em bé mồ côi đang lang thang bán vé số hay ngửa tay xin của bố thí... Những hoàn cảnh thê lương tương tự kể sao cho cùng! Những con người đau khổ đếm sao cho hết! Tết năm nay, Cha thấy thương cảm đặc biệt với những người cô đơn.

Có những cụ già sống lẻ loi, buồn tủi ở những góc phố hay trong túp lều nơi thôn quê hẻo lánh, nhưng cũng có những người cô đơn dù ở giữa đám đông, chẳng hạn những anh chị em di dân ở nơi xa lạ, gặp nhiều khó khăn, không biết cậy nhờ ai, hay những gia đình sống trong các tòa nhà cao ốc, cả năm đi ngang qua nhau mà không một lời chào hay có khi còn sợ sệt, tránh mặt... Đây là thứ cô đơn mới của thời đại tân tiến. Các con có cảm thông được nỗi đau khổ day dứt của những người này không? Các sách Tin Mừng nhiều lần nhận xét là Chúa chạnh lòng thương khi thấy người ta đau khổ (x. Mt 9,35-38; Mt 14,13-14; Mt 15,32; Mc 1,40-41; Mc 8,1-3; Lc 7,11-16; Lc 10,33-36).

Dù các con là những người may mắn, có mái ấm gia đình, có tình thương yêu của cha mẹ,hay các con có bị rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, các con vẫn có thể bắt chước Chúa Giêsu: “Chạnh lòng thương” đối với những người xấu số và tìm cách đem đến cho họ một niềm vui. Trên mạng, Cha đọc được câu chuyện của cậu bé Uudam 12 tuổi người Mông Cổ, tham dự cuộc thi tài năng.
Uudam đã mất mẹ trong một tai nạn xe hơi năm cậu lên 9 tuổi. Năm 11 tuổi, bất hạnh lại xảy đến với Uudam một lần nữa khi cha cậu bị chết cũng vì tai nạn xe hơi.
Khi được hỏi về giấc mơ, Uudam trả lời: “Giấc mơ của cháu là phát minh ra một loại mực mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả trái đất thành đồng cỏ xanh tươi”.
Khi Uudam hát xong, một giám khảo đã nhận xét: “Bài hát này chính là loại mực đặc biệt có thể biến những chốn phiền muộn thành thảo nguyên xanh tươi và mọi người sẽ sống trong hạnh phúc”. Giám khảo thứ hai thì nói: “Cháu có khả năng đưa lời hát vào tim khiến cho mọi người đều xúc động khi nghe cháu hát. Chú nghĩ cháu nên tiếp tục ca hát để cái khí chất đó làm rung động lòng người”.

Nếu các con biết “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, các con sẽ phát minh được “loại mực mà khi đổ xuống đất nó sẽ biến cả trái đất thành đồng cỏ xanh tươi” và làm cho tâm hồn nhiều người đau khổ được hạnh phúc.
Tiếp theo, Cha muốn tâm sự với các con về tình nghĩa gia đình. Tầm quan trọng của gia đình đối với cá nhân và xã hội ở đâu cũng được công nhận. Nhưng có lẽ không đâu gia đình được coi trọng và được xem như khuôn mẫu cho xã hội như tại quê hương Việt Nam chúng ta. Khi gặp một người dù chẳng quen biết, bằng cỡ tuổi cha mẹ mình, người Việt Nam gọi là “chú”, “bác”, “cô”... và xưng là “cháu”, hay một người cỡ tuổi mình thì xưng là “anh”, “chị”, “em”. Gia đình đúng là khuôn mẫu cho các mối tương quan trong xã hội.

Tuy nhiên, ngay chính tại quê hương Việt Nam chúng ta hôm nay, nhiều gia đình đang gặp khó khăn và có nguy cơ tan vỡ. Chính vì vậy, các giáo xứ, các hội đoàn, các Trung tâm Mục vụ đang nỗ lực tổ chức các khóa học, các chương trình để trợ lực cho các đôi hôn nhân gìn giữ sự bình an và hạnh phúc trong gia đình. Là sinh viên, học sinh Công giáo, các con phải là chất xúc tác cho hạnh phúc gia đình nếu các con biết khắc ghi trong lòng tình yêu của cha, của mẹ. Nhiều câu ca dao và nhiều bài hát trong truyền thống văn hóa và tôn giáo đã góp phần gìn giữ hạnh phúc gia đình qua việc nhắc nhớ và nuôi dưỡng tình yêu giữa cha mẹ, con cái qua bao thế hệ. Trong các bài hát, Cha nhớ đặc biệt bài hát “Lòng mẹ” của Y Vân và các bài hát “Cầu cho Cha Mẹ” của Phanxicô. Ở đây, Cha muốn trích lại một phần câu chuyện “Lá thư của Bố” là bài làm trong lớp của một em tên Tùng về đề tài ”Hãy kể lại một kỉ niệm sâu sắc của em”. Câu chuyện cho thấy bầu khí của một gia đình nghèo, nhưng hết sức hạnh phúc nhờ tình yêu của người cha rót vào lòng và in đậm trong tâm khảm của đứa con:
“Kỉ niệm sâu sắc nhất của em là khi nhận được thư của ba em. Nhà em nghèo lắm nhưng ba má em cho ra ngoài phố học để sau này em có thể làm điều gì đó tốt đẹp hơn. Cho em ra phố, ngoài việc phải kiếm việc làm thêm để có tiền trang trải chuyện học hành của em, ba em còn phải làm những việc mà khi ở nhà em có thể đỡ đần cho gia đình. Chưa bao giờ ba má viết gì cho em cả. Hồi em còn ở nhà, mỗi khi cần thư về quê đều do tay em viết…”.

Thầy ngừng đọc nhìn cả lớp và nói: “Các em, thầy sẽ chép lại nguyên văn lá thư của ba bạn Tùng lên bảng cho chúng ta cùng đọc”. Tất cả chúng tôi hồi hộp tò mò đọc từng chữ hiện ra dưới tay thầy:

“Con iu thươn của ba. Chìu hôm qua ba kiu người báng con heo để có tiềng gưởi cho con con nhớ nhà khôn? Cả nhà nhớ con nhìu lắm cố họch nge con chừn nào mùa màn song ba má xẻ ra thăm con”.

Lá thứ vỏn vẹn 45 chữ. Khi thầy quay lại thì Tùng đã úp mặt xuống bàn, hai vai run run. Mắt thầy cũng đỏ hoe. Cả lớp im phăng phắc trước lá thư đầy lỗi chính tả trên bảng, lá thư yêu thương và đầy cảm xúc của một người cha vốn chỉ quen với cày cuốc lần đầu tiên cầm bút viết thư cho con.

Những ngày Xuân là cơ hội thuận tiện để các con cảm nghiệm và hâm nóng tình yêu gia đình, thứ tình yêu biết hy sinh, chứ không phải là thứ thú vui đem lại thỏa mãn, kéo theo sự chán chường.
Cuối cùng, Cha xin các con chuyển đến cha mẹ, ông bà, anh chị em, quý Cha Xứ, Cha Phó và quý Thầy Cô của các con lời chúc Tết của Cha: Xin cho mọi người luôn an vui, năm mới Bính Thân được Chúa chúc lành và được Đức Mẹ che chở trong bàn tay Hiền Mẫu của Ngài.
Với lòng quý mến, Cha thân ái chào tất cả các con.
Ngày 02 tháng 02  năm 2016
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo
Giám mục Phó Gp Xuân Lộc
Đọc tiếp »

NHÀ KINH THÁNH LỖI LẠC


Có một nhà Kinh Thánh lỗi lạc, ông nói gì cũng dùng lời Kinh Thánh mà nói. Đức Giám Mục nghe nói thế bèn gởi một linh mục đến điều tra. Vị linh mục đến trước nhà nhìn qua cánh cửa hé mở thấy nhà Kinh Thánh đang ngồi nhậu nên đứng ngoài quan sát. Bỗng dưng một giọng đàn ông ngà ngà lên tiếng:
- Này bà, họ hết rượu rồi (Ga 2,3).
Bà vợ đáp:
- Ngày nào cũng nhậu hết. Ông muốn mua thêm mấy lon bia nữa hả?
Nhà Kinh Thánh:
- Một hòm bia (Xh 25,10).
Bà vợ trợn mắt:
- Một hòm bia lận hả? Ngày mai lấy tiền đâu mua đồ ăn cho con chứ?
Nhà Kinh Thánh nửa tỉnh nửa say:
- Đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6,34).
Bà vợ cằn nhằn:
- Ông thì không lo, nhưng tôi lo. Tôi không đi.
Nhà Kinh Thánh:
- Đi mau lên (1Sm 9,12). Đưa chân đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi! (Cv 26,14).
Vị linh mục đứng ngoài hoàn toàn kinh ngạc!!!???
Đọc tiếp »

Xem Tivi


Tư Cầu Muối nổi tiếng là mê đá banh, nên sáng Chúa Nhật không dậy nổi để đi lễ. Anh chàng nằm dài trên giường, mở Tivi ra xem lễ.
Khi chết đi, gặp thánh cả Phêrô, Ngài coi hồ sơ xong liền phán:
Con ở dưới đó làm biếng đi lễ Chúa Nhật , xuống dưới hỏa ngục ngay tức khắc.
Thưa Thánh Cả, oan cho con lắm , Chúa Nhật nào con cũng mở Tivi ra xem lễ để thông công cùng Hội Thánh mà.
Vậy thì cho con cái Tivi nầy, để mang xuống dưới đó mà xem cảnh thiên đàng.
(Sưu tầm)
Đọc tiếp »

Cầu nguyện


Một buổi tối kia khi đi ngang qua phòng của đứa cháu, ông nội thấy nó đang quỳ bên cạnh giường mà miệng thì cứ lẩm nhẩm…nghe cho kỹ thì ra nó đang đọc đi đọc lại 24 mẫu tự A B C D Đ….
Ngạc nhiên, ông bèn dừng lại hỏi nó:
- “Đêm hôm khuya rồi mà sao cháu còn học đánh vần 24 chữ cái làm gì vậy, sao không đi ngủ đi?”
Đứa bé trả lời ông nó:
- “Cháu đang cầu nguyện đó ông à … nhưng mà từ nãy đến giờ cháu nghĩ hoài mà chẳng biết phải cầu nguyện làm sao, cho nên cháu mới phải đọc tới đọc lui 24 chữ cái đó, để Chúa nghe xong rồi Chúa muốn ghép nó lại thành câu gì theo đúng ý Chúa nhất… thì cũng được, phải không ông ?..”
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.