Ads 468x60px

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

CẦU NGUYỆN : HƠI THỞ TÂM LINH (ĐTC Phanxicô, 09/06/2021)


“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Trong bài giáo lý áp chót này về cầu nguyện, chúng ta sẽ nói về sự kiên trì trong việc cầu nguyện. Đó là một lời mời, đúng hơn là một mệnh lệnh Sách Thánh ngỏ với chúng ta.
Cuộc hành trình tâm linh của người hành hương Nga bắt đầu khi ông đọc được câu viết của Thánh Phaolô trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Thesalônica : “Hãy cầu nguyện liên lỉ, luôn luôn và hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh “ (5, 17-18). Lời lẽ của Thánh Tông đồ đã khiến người đàn ông này xúc động và ông tự hỏi làm thế nào có thể cầu nguyện mà không bị gián đoạn, vì cuộc sống của chúng ta bị phân mảnh thành rất nhiều khoảnh khắc khác nhau, vốn không luôn làm ta tập trung.
Từ câu hỏi này, ông bắt đầu cuộc tìm hiểu của mình, một điều sẽ dẫn ông khám phá ra việc gọi là cầu nguyện bằng trái tim. Nó bao gồm việc lặp đi lặp lại bằng đức tin câu: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!”. “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!” Một lời cầu nguyện đơn giản, nhưng rất đẹp đẽ. Một lời cầu nguyện, dần dần, tự thích ứng với nhịp thở và kéo dài suốt cả ngày. Nó ra sao vậy? “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!”. Tôi không nghe được anh chị em. Nói lớn hơn chút đi! “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!”. Và anh chị em hãy lặp đi lặp lại câu đó, lặp đi lặp lại, nhé! Điều này rất quan trọng. Thật vậy, hơi thở không bao giờ ngừng, ngay cả khi chúng ta ngủ; và cầu nguyện là hơi thở của cuộc sống…
Thánh Gioan Kim Khẩu, một mục tử khác biết chú ý đến cuộc sống đời thực, đã giảng: “Bạn có thể cầu nguyện cả khi đi dạo nơi công cộng hoặc đi dạo một mình, hoặc ngồi trong cửa hàng của bạn, trong khi mua bán, hoặc ngay cả khi đang nấu ăn” (Giáo Lý HTCG, số 2743). Những lời cầu nguyện ngắn: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”, “Lạy Chúa, xin phù giúp con”. Như thế, cầu nguyện là một loại khuông nhạc, trong đó, chúng ta khắc ghi giai điệu cuộc đời mình. Nó không trái ngược với việc làm hàng ngày, nó không mâu thuẫn với nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm nho nhỏ; có thể nói, đó là nơi mọi hành động tìm thấy ý nghĩa, lý do và sự bình yên của cuộc sống nhờ cầu nguyện…
Mọi sự trong con người đều có tính “nhị phân”: cơ thể chúng ta cân đối, chúng ta có hai cánh tay, hai con mắt, hai bàn tay… Vì vậy, công việc và cầu nguyện cũng bổ sung cho nhau. Cầu nguyện – vốn là “hơi thở” của mọi sự - vẫn là tấm phông sống động của công việc, ngay cả trong những thời điểm mà điều này không minh nhiên. Thật vô nhân đạo khi anh chị em bị cuốn hút vào công việc đến mức không còn tìm được thì giờ để cầu nguyện… thời gian dành riêng để ở với Thiên Chúa làm sống lại đức tin, một điều giúp chúng ta trong các thực tế sống, và ngược lại, đức tin nuôi dưỡng việc cầu nguyện, không gián đoạn. Trong tính tuần hoàn giữa đức tin, đời sống và cầu nguyện này, người ta giữ ngọn lửa đời sống Kitô hữu luôn cháy sáng, điều mà Thiên Chúa luôn mong đợi nơi chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 09/06/2021)
Đọc tiếp »

Thứ năm, Tuần X-TN

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

Học với Chúa KiTô

Đọc tiếp »

Thứ tư, Tuần X-TN

Đọc tiếp »

THÁNH THỂ : TÌNH YÊU TRAO BAN, CHỮA LÀNH (ĐTC Phanxicô, 06/06/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, tại Ý và các nước khác, Lễ Trọng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành. Tin Mừng trình bày cho chúng ta câu chuyện Bữa Tiệc Ly (Mc 14:12-16:22-26). Lời nói và cử chỉ của Chúa đánh động tâm hồn chúng ta: Người cầm lấy bánh trong tay, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, này là Mình Thầy “ (c. 22).
Như thế, với sự đơn giản, Chúa Giêsu ban cho chúng ta bí tích vĩ đại nhất. Cử chỉ của Người là một cử chỉ khiêm tốn trao ban, một cử chỉ chia sẻ. Ở tột đỉnh cuộc đời, Ngài không phân phát bánh mì dư dật cho đám đông ăn, nhưng tự bẻ mình ra trong bữa ăn tối Vượt Qua với các môn đệ. Bằng cách này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của cuộc đời nằm ở việc cho đi chính mình, và điều lớn lao nhất là phục vụ. Và hôm nay chúng ta tìm thấy sự cao cả của Thiên Chúa trong một tấm Bánh, trong sự mong manh mà tràn ngập tình yêu thương, tràn ngập sự chia sẻ. Mong manh là từ mà tôi muốn nhấn mạnh. Chúa Giêsu trở nên mỏng manh như tấm bánh bị bẻ ra và vỡ vụn. Nhưng sức mạnh của Ngài nằm ở sự mong manh này. Trong Bí tích Thánh Thể, mong manh là sức mạnh: đó là sức mạnh của tình yêu trở nên nhỏ bé để được chấp nhận và không sợ hãi; sức mạnh của tình yêu thương bẻ ra chia cắt để nuôi dưỡng và trao ban sự sống; sức mạnh của tình yêu vỡ ra để mang tất cả chúng ta lại với nhau trong sự hiệp nhất…
Mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bánh sự sống, Chúa Giêsu lại đến để ban cho sự yếu đuối của chúng ta một ý nghĩa mới. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quý giá trong mắt Ngài hơn chúng ta nghĩ. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài rất vui nếu chúng ta chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta với Ngài. Ngài lặp lại với chúng ta rằng lòng nhân từ của Ngài không sợ những đau khổ của chúng ta. Lòng thương xót của Chúa Giêsu không sợ những khốn khổ của chúng ta. Và trên tất cả, bằng tình yêu thương, lòng thương xót ấy chữa lành chúng ta khỏi những yếu đuối mà chúng ta không thể tự mình chữa lành. Chúng ta có thể nghĩ: Yếu đuối nào? Cảm giác phẫn uất đối với những người đã làm tổn thương chúng ta – chỉ điều này thôi cũng cho thấy chúng ta không thể tự chữa lành; rồi còn thái độ xa cách người khác và cô lập bản thân - chúng ta cũng không thể tự chữa lành; khóc lóc và than phiền mà không tìm thấy được sự bình yên; ngay cả điều này, chúng ta cũng không thể chữa lành một mình. Chính Người chữa lành chúng ta bằng sự hiện diện của Người, bằng tấm bánh của Người, bằng Bí tích Thánh Thể.
Bí tích Thánh Thể là liều thuốc hữu hiệu chống lại những sự khép kín này. Thật vậy, Bánh Sự Sống chữa lành những cứng nhắc và biến chúng thành sự ngoan ngoãn. Bí tích Thánh Thể chữa lành vì bí tích ấy kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu: làm cho lối sống của chúng ta đồng hóa với lối sống của Người, nghĩa là có khả năng trao ban và hiến thân cho anh em, và đáp trả điều ác với điều thiện. Bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta can đảm để thoát ra khỏi chính mình và cúi xuống với tình yêu thương trên sự yếu đuối của người khác. Như Chúa làm với chúng ta. Đây là luận lý của Bí tích Thánh Thể: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta và chữa lành những yếu đuối của chúng ta để yêu thương người khác và giúp đỡ họ khi họ yếu đuối. Và làm điều này, trong suốt cuộc đời…
Xin Đức Trinh Nữ, nơi Mẹ, Chúa đã trở nên xác phàm, giúp chúng con biết đón nhận ân sủng Thánh Thể với tấm lòng biết ơn và để cuộc đời chúng ta trở nên một món quà. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể làm cho chúng ta trở thành một món quà cho người khác.” (ĐTC Phanxicô, 06/06/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

GIẢNG LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ (ĐTC Phanxicô, 06/06/2021)


“Chúa Giêsu sai các môn đệ đi dọn chỗ để cử hành bữa ăn Vượt qua. Chính các môn đệ đã hỏi Người: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Mc 14,12)…

Đầu tiên là hình ảnh của người đàn ông mang một vò nước (Mc 14, 13). Đó là một chi tiết có vẻ thừa thãi. Nhưng người đàn ông hoàn toàn vô danh đó lại trở thành người dẫn đường cho các môn đệ đang tìm kiếm nơi mà sau này sẽ được gọi là Phòng Tiệc Ly. Và cái vò đựng nước chính là dấu hiệu nhận biết: đó là dấu chỉ khiến chúng ta liên tưởng đến loài người đang khát nước, luôn tìm kiếm một nguồn nước, và khi nguồn nước cạn kiệt thì tìm nguồn nước khác. Tất cả chúng ta đều bước qua cuộc đời với một chiếc vò trên tay: tất cả chúng ta, mỗi người trong chúng ta, đều khao khát tình yêu, niềm vui, một cuộc sống thành công trong một thế giới nhân văn hơn. Và đối với cơn khát này, nước của thế gian là vô ích, bởi vì đó là một cơn khát rất sâu xa, mà chỉ Thiên Chúa mới có thể thỏa mãn…
Vì vậy, để cử hành Bí tích Thánh Thể, trước hết chúng ta phải nhận ra sự khát khao Thiên Chúa của chính mình: cảm thấy cần đến Người, khao khát sự hiện diện của Người và tình yêu của Người, ý thức rằng chúng ta không thể làm điều đó một mình nhưng chúng ta cần thức ăn và thức uống mang đến cuộc sống vĩnh cửu để nâng đỡ chúng ta trên đường. Chúng ta có thể nói thảm kịch của ngày hôm nay là cơn khát thường bị dập tắt. Những câu hỏi về Thiên Chúa đã bị dập tắt, lòng khao khát Ngài đã phai tàn, những người tìm kiếm Thiên Chúa ngày càng trở nên hiếm hoi. Thiên Chúa không còn thu hút bởi vì chúng ta không còn cảm thấy sự khát khao sâu thẳm của mình.
…hình ảnh Chúa Giêsu bẻ Bánh. Đó là cử chỉ tuyệt hảo của Thánh Thể, là cử chỉ căn tính trong đức tin chúng ta, là nơi chúng ta gặp gỡ Chúa, Đấng tự hiến để làm cho chúng ta được tái sinh vào một cuộc sống mới. Cử chỉ này cũng gây chấn động: từ trước đến nay, những con chiên được sát tế và hiến dâng cho Thiên Chúa, thì bây giờ chính Chúa Giêsu đã tự làm con chiên và tự hiến tế để ban sự sống cho chúng ta. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm và tôn thờ Thiên Chúa tình yêu. Chính Chúa không phá vỡ ai cả nhưng phá vỡ chính Ngài. Chính Chúa không đòi hỏi hy sinh nhưng hy sinh chính mình. Chính Chúa không đòi gì nhưng lại ban cho tất cả.
Cử hành và sống Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu này. Anh chị em không thể bẻ Bánh Thánh Thể nếu trái tim anh chị em khép kín với anh chị em mình. Anh chị em không thể ăn Bánh này nếu anh chị em không cho kẻ đói ăn. Anh chị em không thể chia sẻ Bánh này nếu anh chị em không chia sẻ những đau khổ của những người đang quẫn bách. Mọi sự sẽ qua đi, kể cả những phụng vụ Thánh Thể long trọng của chúng ta, cuối cùng chỉ còn lại tình yêu. Và kể từ nay trở đi, Thánh Thể của chúng ta biến đổi thế giới đến mức chúng ta để cho chính mình được biến đổi và trở thành tấm bánh bẻ ra cho người khác…” (ĐTC Phanxicô, 06/06/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

Thông báo : Thánh lễ trực tuyến

Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KI-TÔ, lễ trọng

KINH SÁCH


Thánh Thi
Ngày trọng đại, nào reo vui phấn khởi,
Tự đáy lòng, hãy trổi khúc tri ân,
Con người cũ nhường ngôi cho người mới,
Mới cả suy tư, lời nói, việc làm.
Ta nhắc nhở Bữa Tiệc Ly đêm ấy,
Chúa đồng bàn cùng toàn thể anh em,
Và theo đúng luật cha ông truyền lại,
Ăn thịt chiên cùng với bánh không men.
Họ suy nhược : Chúa nuôi bằng Thịt Chúa,
Họ buồn lo : cho uống rượu Máu Người :
“Chén bửu huyết tay Thầy trao cho đó,
Thầy xin mời tất cả nhắp trên môi.”
Thế là Chúa đã lập ra Thánh Lễ,
Trao quyền cho hàng tư tế cử hành,
Cho chính họ được nuôi bằng Thánh Thể,
Và mỗi ngày cùng nuôi dưỡng sinh linh.
Bánh thiên sứ, nay phàm nhân hưởng thụ,
Bánh bởi trời đã thay thế man-na.
Ôi nhiệm lạ, kẻ nghèo hèn tôi tớ
Được nuôi bằng Thịt Máu Chúa thiên toà !
Cùng thờ lạy Ba Ngôi một Thiên Chúa,
Xin rủ thương thăm viếng kẻ phàm trần,
Và đưa dẫn về trời, nơi Chúa ngự,
Giữa muôn vàn ánh sáng, chốn bình an.
Bài đọc- của Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh :
“Con Một Thiên Chúa, khi muốn cho chúng ta tham dự vào thần tính của Người, đã nhận lấy bản tính của chúng ta để một khi làm người, Người làm cho con người trở thành “thiên chúa”.
Ngoài ra, Người nhận lấy sự gì nơi chúng ta, thì Người ban lại tất cả để cứu độ chúng ta. Quả vậy, trên bàn thờ thập giá, Người đã dâng mình làm lễ tế cho Thiên Chúa Cha để hoà giải chúng ta và Người đã đổ máu mình ra làm giá chuộc và giếng rửa, để một khi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ khốn nạn, chúng ta sẽ được tẩy sạch mọi tội lỗi.
Để chúng ta ghi nhớ hồng ân cao cả dường ấy, Người đã để lại mình Người làm của ăn và máu Người làm của uống cho các tín hữu rước lấy, dưới hình bánh và hình rượu. Cao quý và lạ lùng thay bữa tiệc của Chúa, bữa tiệc mang lại ơn cứu độ và đầy dịu ngọt ! Quả thật, còn gì quý giá hơn bữa tiệc ấy ? Ở đó không phải là thịt bê thịt dê như trong luật cũ nữa, mà là chính Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật, được dọn ra cho chúng ta rước lấy. Còn gì kỳ diệu hơn bí tích này ?
Cũng không có bí tích nào đem lại lợi ích dồi dào hơn, vì nhờ bí tích này, tội lỗi được tẩy sạch, nhân đức được gia tăng, và tâm hồn được chan chứa mọi ân huệ thiêng liêng. Bí tích này được tiến dâng trong Hội Thánh để cầu cho kẻ sống và kẻ chết, hầu sinh ích cho mọi người, vì đã được lập ra cho mọi người được ơn cứu độ.
Cuối cùng, không ai đủ sức diễn tả sự ngọt ngào của bí tích ấy, dù đã cảm nếm được sự dịu dàng thiêng liêng ngay tại nguồn mạch. Tình yêu bao la tuyệt vời mà Đức Ki-tô đã tỏ ra trong cuộc Thương Khó của Người lại được kính nhớ trong bí tích này. Vậy, để ghi khắc sâu hơn tình yêu bao la ấy vào lòng các tín hữu, thì trong bữa ăn tối cuối cùng, sau khi mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ, lúc sắp qua khỏi thế gian này mà về cùng Chúa Cha, Đức Ki-tô đã lập bí tích này để làm kỷ vật muôn đời ghi nhớ cuộc Thương Khó của Người, để hoàn tất những hình ảnh xưa tiên báo ; đó là phép lạ lớn nhất trong các phép lạ Người làm ; đồng thời, Người đã lưu lại niềm an ủi đặc biệt cho những kẻ buồn phiền vì Người vắng bóng.”
Đọc tiếp »

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN CHO TA (ĐTC Phanxicô, 02/06/2021)


“Các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy sự cầu nguyện là nền tảng ra sao trong mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Điều này thấy rõ trong việc lựa chọn người sẽ trở thành Tông đồ. Thánh Luca đặt việc lựa chọn các ngài chính trong bối cảnh cầu nguyện, và ngài viết: “Trong những ngày này, Người lên núi cầu nguyện; và suốt đêm Người tiếp tục cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Và khi đến sáng, Người gọi các môn đệ của Người, và chọn trong số họ mười hai người, những người mà Người đặt làm tông đồ ”(6, 12-13). Chúa Giêsu chọn các tông đồ sau một đêm cầu nguyện. Dường như không có tiêu chuẩn nào trong sự lựa chọn này ngoài lời cầu nguyện, cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha...

Lời cầu nguyện cho bạn hữu của Người liên tục tái xuất hiện trong cuộc đời Chúa Giêsu. Các Tông đồ đôi khi trở thành lý do khiến Người lo lắng, nhưng Chúa Giêsu, vì Người tiếp nhận họ từ Chúa Cha, sau khi cầu nguyện, nên Người mang họ trong lòng, ngay cả khi họ sai lầm, ngay cả khi họ sa ngã...
“Nhưng thưa cha, nếu con phạm tội trọng, Chúa Giêsu có yêu con không?" - "Có" - "Và Chúa Giêsu có tiếp tục cầu nguyện cho con không?" - “Có” - “Nhưng nếu con đã làm những điều tồi tệ nhất, và hơn thế nữa, phạm quá nhiều tội lỗi… Chúa Giêsu có tiếp tục cầu nguyện cho con không?” - "Có". Tình yêu của Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta không bao giờ ngừng, nó không bao giờ ngừng, mà còn trở nên mãnh liệt hơn, và chúng ta nằm ở trung tâm lời cầu nguyện của Người! Chúng ta phải luôn ghi nhớ điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi, Người đang cầu nguyện trước mặt Chúa Cha và làm Chúa Cha nhìn thấy các thương tích mà Người mang bên mình, để Chúa Cha thấy cái giá của ơn cứu rỗi chúng ta, đó là tình yêu Người dành cho chúng ta. Nhưng trong giờ phút này, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ xem: trong giờ phút này, Chúa Giêsu có cầu nguyện cho tôi hay không? Có. Đây là sự chắc chắn tuyệt vời mà chúng ta phải có...
Từ việc duyệt qua Sách Tin Mừng nhanh chóng này, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta cầu nguyện như Người cầu nguyện, mà còn bảo đảm với chúng ta rằng, ngay cả khi các nỗ lực cầu nguyện của chúng ta hoàn toàn vô dụng và vô hiệu, chúng ta luôn có thể trông cậy vào lời cầu nguyện của Người. Chúng ta phải ý thức điều này: Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi. Có hồi, một vị giám mục tốt bụng nói với tôi rằng vào một thời điểm rất tồi tệ trong cuộc đời ngài, một thử thách rất, rất, rất lớn, trong đó mọi sự chìm trong bóng tối, ngài nhìn lên Vương cung thánh đường và thấy câu này được viết rõ ràng: “Tôi, Phêrô, sẽ cầu nguyện cho bạn”. Và điều này đã tiếp thêm sức mạnh và an ủi cho ngài. Và điều an ủi này xảy ra bất cứ khi nào mỗi người chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho mình.
Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta. Ngay thời điểm này, ngay chính khoảnh khắc này. Anh chị em hãy làm ghi nhớ điều này, lặp đi lặp lại điều này. Khi gặp khó khăn, khi anh chị em cảm thấy sức hút quỹ đạo kéo vào xao lãng, hãy nhớ: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi. Nhưng thưa cha, điều này có đúng không? Đúng như thế! Chính Người đã nói điều đó. Chúng ta đừng quên rằng điều nâng đỡ mỗi chúng ta trong cuộc sống là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta, với tên và họ của chúng ta, trước mặt Chúa Cha, chỉ cho Người các thương tích vốn là giá mua ơn cứu rỗi cho chúng ta.
Ngay cả khi những lời cầu nguyện của chúng ta chỉ là lời lắp bắp, nếu chúng ta bị lung lay bởi một đức tin dao động, chúng ta đừng bao giờ ngừng tín thác nơi Người: Tôi không biết cầu nguyện như thế nào nhưng Người cầu nguyện cho tôi. Được nâng đỡ bởi lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, những lời cầu nguyện rụt rè của chúng ta dựa trên đôi cánh đại bàng và bay lên Thiên đường. Anh chị em đừng quên: Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi. Ngay lúc này? Đúng, ngay lúc này. Trong giây phút thử thách, trong giây phút phạm tội, ngay cả trong tội lỗi đó, Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi với rất nhiều yêu thương.” (ĐTC Phanxicô, 02/06/2021)
Đọc tiếp »

Trích sách Gióp (G 42, 7-17) :


7 Sau khi nói những lời ấy với ông Gióp, ĐỨC CHÚA phán với ông Ê-li-phát, người Tê-man : “Ta bừng bừng nổi giận với ngươi và cả hai người bạn của ngươi nữa, bởi vì các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta. 8 Vậy, bây giờ các ngươi hãy bắt bảy con bò và bảy con cừu, rồi đi gặp Gióp, tôi tớ của Ta. Các ngươi hãy dâng lễ toàn thiêu để cầu cho các ngươi, và Gióp, tôi tớ của Ta, sẽ chuyển cầu cho các ngươi. Ta sẽ đoái nhìn nó và sẽ không xử với các ngươi xứng với sự ngu xuẩn của các ngươi, vì các ngươi đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta.”

Vậy ông Ê-li-phát người Tê-man, ông Bin-đát người Su-a và ông Xô-pha người Na-a-mát, đã đi làm những điều ĐỨC CHÚA phán với họ. ĐỨC CHÚA đã đoái nhìn đến ông Gióp.
10 Vậy ĐỨC CHÚA đã khôi phục tài sản cho ông Gióp, khi ông chuyển cầu cho các bạn của mình. ĐỨC CHÚA đã tăng gấp đôi những gì ông Gióp đã có trước kia. 11 Tất cả anh em, chị em ông, tất cả bạn bè cũ lại tìm đến ông ; họ đã cùng ăn bánh trong nhà của ông. Họ chia buồn và an ủi ông về tất cả tai hoạ ĐỨC CHÚA đã giáng xuống trên ông. Mỗi người tặng ông một đồng tiền bạc và một chiếc nhẫn vàng. 12 ĐỨC CHÚA giáng phúc cho những năm cuối đời của ông Gióp nhiều hơn trước kia. Ông có mười bốn ngàn con chiên, sáu ngàn lạc đà, một ngàn đôi bò và một ngàn lừa cái.
13 Ông sinh được bảy con trai và ba con gái. 14 Ông đặt tên cho cô thứ nhất là “Bồ Câu”, cô thứ hai là “Hoa Quế” và cô thứ ba là “Phấn Thơm”. 15 Trong khắp xứ, người ta không sao tìm được những thiếu nữ xinh đẹp như con gái ông Gióp. Cha của các cô đã chia gia tài cho các cô như cho các anh em trai.
16 Sau đó, ông Gióp còn sống thêm một trăm bốn mươi năm nữa, ông được thấy con cái cháu chắt đến bốn đời. 17 Ông Gióp đã qua đời và tuổi thọ của ông rất cao.
Đọc tiếp »

Thứ bảy, Tuần IX-TN

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Thứ năm, Tuần IX-TN

Đọc tiếp »

Đgm Pt-Tmv 6/2020

 “Đức Cha Jean Cassaigne sinh ngày 30 tháng 01 năm 1895, là người con duy nhất trong một gia đình giàu có ở nước Pháp. Đầu năm 1913, ngài xin vào Chủng viện Truyền giáo của Hội Thừa Sai Paris. Ngày 19 tháng 12 năm 1925, ngài được thụ phong linh mục. Ngài đến Việt Nam vào năm 1926. Một năm sau đó, ngài được sai đến một giáo điểm truyền giáo Di Linh để phục vụ anh chị em dân tộc thiểu số. Tại đây, ngài đã gặp những bệnh nhân phong bị bỏ rơi không ai chăm sóc. Ngài đã lập "trại phong" để chăm sóc họ. Sau 14 năm mục vụ tại đây, ngày 24/6/1941, ngài đã được Tòa Thánh đặt làm Giám mục Đại diện Tông tòa Giáo phận Sài Gòn. Nhưng 14 năm sau (năm 1955), ngài đã xin từ chức để trở về trại phong Di Linh. Ngài tiếp tục đồng cam cộng khổ để chăm sóc anh chị em bệnh phong và chính ngài cũng bị nhiễm căn bệnh phong quái ác ấy. Ngài xem điều này như một món quà mà Thiên Chúa tặng ban cho mình để có thể cảm nếm được nỗi đau đớn tột cùng của những bệnh nhân phong. Cho dẫu thân xác đớn đau, ngài vẫn luôn vui vẻ hiến thân phục vụ những đứa con đau khổ thân yêu của ngài tại trại phong Di Linh. Ngày 31 tháng 10 năm 1973, ngài từ giã cõi đời trong sự tiếc thương vô hạn của nhiều người, cách riêng những người con tại trại phong này. Ngài luôn khắc cốt ghi tâm về ba ước nguyện:

Tôi ao ước được đau khổ vì Chúa và vì người anh em.
Tôi ao ước được đau khổ như vậy lâu dài, suốt đời và được vững lòng chịu đựng.
Tôi ao ước được an nghỉ giữa các con cái phong của tôi.
Từ năm 2000, ước muốn xin tuyên thánh cho ngài đã được khởi sự. Tháng 10/2019, “Tháng Truyền giáo Ngoại thường”, Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo trực thuộc Bộ Loan Bao Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã đề nghị ngài như là mẫu gương về đức tin và về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Như thế, ngài cũng là vị chứng nhân sống sứ điệp Thánh Tâm Chúa Giêsu một cách rõ nét. Hồ sơ xin tuyên thánh cho ngài cần có một phép lạ liên quan đến ngài. Vì thế, tôi xin gởi đến mỗi gia đình trong Giáo phận một bản tóm tắt tiểu sử về ngài và một bản kinh đã được châu phê. Xin anh chị em cầu nguyện cùng Thiên Chúa ban một "ơn lành" qua lời chuyển cầu của Đức Cha Jean Cassaigne. Anh chị em cũng không quên noi gương ngài làm chứng cho Thánh Tâm đầy lòng lân ái vô biên của Chúa Giêsu trong gia đình, trong xứ đạo và nơi những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày.” (Đgm Pt-Tmv 6/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

THIÊN CHÚA BA NGÔI (ĐTC Phanxicô, 30/05/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Trong ngày lễ này, chúng ta ca tụng Thiên Chúa, kính nhớ mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất, là Cha và Con và Thánh Thần. Ba Ngôi, nhưng chỉ có một Chúa! Chúa Cha là Thiên Chúa; Chúa Con là Thiên Chúa; Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Nhưng đó không phải là ba Chúa mà là Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi vị. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà Chúa Giêsu Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Hôm nay chúng ta dừng lại để cử hành mầu nhiệm này, bởi vì Ngôi vị không phải là tính từ của Thiên Chúa, không. Ba Ngôi là những Ngôi vị thật sự, đa dạng, khác biệt; nhưng, như một nhà triết học đã nói, Ba Ngôi không phải là ‘những tách rời của Thiên Chúa’, không, không phải như thế! Nhưng là những Ngôi vị. Có Chúa Cha, là Đấng mà tôi cầu nguyện với Kinh Lạy Cha; có Chúa Con, là Đấng đã ban cho tôi ơn cứu chuộc, và ơn được công chính hoá; có Chúa Thánh Thần đang ngự giữa chúng ta và trong Giáo hội.
Và điều này làm xúc động con tim của chúng ta bởi vì chúng ta thấy điều đó được bao hàm trong cách diễn đạt của Thánh Gioan, tóm tắt tất cả Mạc Khải: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8,16). Chúa Cha là tình yêu; Chúa Con là tình yêu; Chúa Thánh Thần là tình yêu. Thiên Chúa là duy nhất, nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không đơn độc mà là sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tình yêu về bản chất là một món quà tự hiến, và trong thực tại nguyên thủy và vô hạn, chính Chúa Cha là Đấng tự hiến bằng cách sinh ra Con của Ngài, đến lượt mình, Chúa Con tự hiến cho Chúa Cha, và tình yêu thương lẫn nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần, là mối dây liên kết của sự hiệp nhất này. Điều này không dễ hiểu, nhưng chúng ta có thể sống mầu nhiệm này, tất cả chúng ta, chúng ta có thể sống rất phong phú với mầu nhiệm này.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã được chính Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta. Ngài đã cho chúng ta thấy thiên nhan của Thiên Chúa là Cha nhân từ; Ngài đã trình bày chính Ngài, là người thật, là Con Thiên Chúa, là Lời của Chúa Cha, và là Đấng Cứu Độ đã hiến mạng sống mình cho chúng ta; và Ngài đã nói về Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, là Thần Chân lý, là Đấng Bào Chữa, mà chúng ta đã đề cập đến vào Chúa Nhật tuần trước về từ này, ' Đấng Bào Chữa ' - có nghĩa là Đấng Bảo Vệ và Bênh Vực. Và khi Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã mời gọi các ông ra đi truyền giáo cho “muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).
Do đó, ngày lễ hôm nay giúp chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm kỳ diệu này của tình yêu và ánh sáng là cội nguồn của chúng ta, và là đích điểm cuộc hành trình trần thế của chúng ta.
Trong sứ điệp Tin Mừng và trong mọi hình thức của sứ vụ Kitô giáo, ta không thể bỏ qua sự hiệp nhất này giữa chúng ta mà Chúa Giêsu kêu gọi, phỏng theo sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: ta không thể coi thường sự hiệp nhất này. Vẻ đẹp của Tin Mừng đòi hỏi phải được sống - hiệp nhất - và được chứng minh trong sự hòa hợp giữa chúng ta, những người rất đa dạng! Và sự hiệp nhất này tôi dám khẳng định là điều cần thiết đối với các Kitô hữu: nó không phải là một thái độ, một cách nói, không; nó là điều cần thiết, bởi vì nó là sự hiệp nhất được sinh ra từ tình yêu, từ lòng thương xót của Thiên Chúa, từ sự công chính của Chúa Giêsu Kitô và từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng chúng ta.
Trong sự đơn sơ và khiêm nhường, Mẹ Maria đã phản ánh vẻ đẹp của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì Mẹ đã chào đón Chúa Giêsu một cách trọn vẹn trong cuộc đời mình. Xin Đức Mẹ nâng đỡ đức tin của chúng ta; Xin Mẹ cho chúng ta trở thành những người thờ phượng Thiên Chúa và là tôi tớ của anh chị em chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 30/05/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Đức Mẹ đi viếng Bà Elisabeth

Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

THÔNG BÁO: MIỄN CHUẨN NGHĨA VỤ THAM DỰ THÁNH LỂ CHÚA NHẬT

Đọc tiếp »

Lễ Chúa Ba Ngôi

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

KHI CẦU XIN MÀ CHƯA ĐƯỢC (ĐTC Phanxicô, 26/05/2021)



“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Có một sự phản đối mạnh mẽ chống lại việc cầu nguyện, phát xuất từ một nhận xét mà tất cả chúng ta đều có: chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin, nhưng đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được nhậm lời: những gì chúng ta đã cầu xin, cho chính mình hoặc cho người khác mà không được ứng nghiệm.
Chúng ta có kinh nghiệm này, rất thường xuyên… Nếu lý do cầu nguyện của chúng ta cao thượng (chẳng hạn như cầu cho sức khỏe của một người bệnh, hay như để kết thúc chiến tranh), thì việc không ứng nghiệm này xem ra gây tai tiếng. Thí dụ, đối với các cuộc chiến tranh: chúng ta cầu xin cho các cuộc chiến tranh kết thúc, những cuộc chiến này có ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hãy nghĩ đến Yemen, hãy nghĩ đến Syria, những quốc gia đã trải qua nhiều năm chiến tranh, bị tàn phá bởi chiến tranh, và chúng ta cầu nguyện, nhưng các cuộc chiến tranh này không hề kết thúc. Nhưng làm thế nào chuyện này có thể xảy ra? “Một số người thậm chí ngừng cầu nguyện vì họ nghĩ rằng lời thỉnh cầu của họ không được lắng nghe” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2734). Nhưng nếu Thiên Chúa là Cha, tại sao Người không lắng nghe chúng ta? Người đã bảo đảm với chúng ta rằng Người ban những điều tốt lành cho những đứa con đến cầu xin Người những điều ấy (x. Mt 7:10), tại sao Người không đáp ứng lời cầu xin của chúng ta? Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này: chúng ta đã cầu nguyện, đã cầu nguyện nhiều, cho bệnh tật của một người bạn, một người cha, một người mẹ, vân vân. Nhưng Thiên Chúa đã không ban cho chúng ta như chúng ta đã van nài! Đó là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều đã có.
Sách Giáo lý cung cấp cho chúng ta một bản tóm tắt rất tốt về vấn đề này. Nó giúp chúng ta đề phòng nguy cơ không sống một trải nghiệm đức tin chân chính, mà là biến đổi mối liên hệ với Thiên Chúa thành một điều gì đó có tính ma thuật. Cầu nguyện không phải là cây đũa thần: nó là một cuộc đối thoại với Chúa. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta có thể mắc nguy cơ không phải là người phục vụ Thiên Chúa, nhưng mong đợi Người phục vụ chúng ta (xem 2735). Như thế, đây là một lời cầu nguyện luôn đòi hỏi, muốn hướng các sự kiện theo kế sách riêng của chúng ta, vốn không thừa nhận bất cứ kế hoạch nào khác ngoài các mong muốn của chính chúng ta. Mặt khác, Chúa Giêsu hết sức khôn ngoan khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Như chúng ta biết, đó là lời cầu nguyện chỉ gồm các câu hỏi, nhưng các câu hỏi đầu tiên chúng ta thốt ra đều quy hướng về phía Thiên Chúa. Chúng cầu xin sự ứng nghiệm không phải kế hoạch của chúng ta, mà là ý muốn của Người đối với thế giới. Tốt hơn nên phó mặc cho Người: “Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện” (Mt 6:9-10).
...khi người ta cầu nguyện với tấm lòng chân thành, khi họ cầu xin những điều tương ứng với Nước Thiên Chúa, khi một người mẹ cầu nguyện cho đứa con bị bệnh của mình, tại sao đôi khi Thiên Chúa dường như không nghe họ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần thanh thản suy gẫm các sách Tin Mừng. Các trình thuật về cuộc đời của Chúa Giêsu đầy những lời cầu nguyện: nhiều người bị thương tích về thể xác và tinh thần xin Người chữa lành; có những người cầu nguyện cho một người bạn không còn đi được nữa; có những người cha, người mẹ nuôi dưỡng những đứa con trai, con gái đau ốm… Tất cả đều là những lời cầu nguyện thấm đẫm đau khổ. Đó là một dàn hợp xướng bao la khẩn nài: “Xin thương xót chúng con!”... Chúng ta thấy rằng đôi khi đáp ứng của Chúa Giêsu đến ngay lập tức, trong khi trong một số trường hợp khác, đáp ứng của Người bị trì hoãn: dường như Thiên Chúa không trả lời...
Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu ngỏ với Chúa Cha tại vườn Giêtsimany dường như cũng không được lắng nghe. “Lạy Cha, nếu có thể, xin hãy cất chén này khỏi con”. Dường như Chúa Cha không lắng nghe Người. Chúa Con phải uống cạn chén thống khổ. Nhưng Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương cuối cùng, vì đến ngày thứ ba, tức Chúa Nhật, là ngày Phục Sinh... Chúng ta hãy học cho được tính kiên nhẫn khiêm tốn này, biết chờ đợi ơn thánh của Chúa, chờ đợi ngày cuối cùng. Thường thì điều áp chót rất vất vả, vì các đau khổ của con người bao giờ cũng vất vả. Nhưng Thiên Chúa ở đó. Và vào ngày cuối cùng, Người sẽ giải quyết mọi việc. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 26/05/2021)
Đọc tiếp »

Thông báo Tòa Giám mục Phan Thiết

Đọc tiếp »

Thứ bảy, Tuần VIII- TN

Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Trích sách Gióp (G 12, 1-25):


1Bấy giờ ông Gióp lên tiếng nói :

2“Các anh thật là khôn ngoan !
Nhưng cùng với các anh, sự khôn ngoan sẽ chết.
3Tôi đây, tôi cũng nghĩ được như các anh,
với các anh, tôi đâu thua kém gì,
ai chẳng biết như vậy ?
4Thế mà bạn hữu đã nhạo cười tôi
là người đã từng khẩn cầu Thiên Chúa
và được Người đáp lại.
Than ôi, người công chính vẹn toàn
lại trở nên trò cười cho thiên hạ !
5‘Người đã bất hạnh lại còn bị khinh chê !
Kẻ đã trượt chân còn bị xô thêm nữa.’
Những kẻ gặp may lành thường xử sự như thế.
6Nhưng quân cướp lại sống bình an trong lều,
những kẻ chọc giận Thiên Chúa được mọi bề yên ổn
và kẻ bắt Thiên Chúa phục vụ mình cũng thế !
7Nhưng anh cứ hỏi súc vật, chúng sẽ chỉ giáo cho anh,
cứ hỏi chim trời, chúng sẽ cho anh biết.
8Thú rừng sẽ chỉ giáo cho anh hay,
cá biển sẽ giải thích cho anh rõ.
9Vì trong giống vật, có con nào lại không biết
rằng tay ĐỨC CHÚA đã làm nên những điều đó !
10Chính Người nắm trong tay hồn của mọi sinh vật
cũng như hơi thở của tất cả người phàm.
11Lẽ nào tai không phân biệt được lời nói,
và cổ họng không thưởng thức được món ăn ?
12Người tóc bạc được trí khôn ngoan,
bậc tuổi cao có tài thông hiểu.
13Nhưng nơi Thiên Chúa có cả khôn ngoan lẫn sức mạnh,
mưu lược cũng như tài thông hiểu đều thuộc về Người.
14Người phá huỷ, chẳng ai xây lại được,
Người giam cầm, không ai cứu thoát nổi.
15Người giữ nước lại, trời liền hạn hán,
Người thả nước ra, đất bị tan hoang.
16Nơi Người có cả dũng lực lẫn tài trí,
kẻ lầm lạc cũng như người gây ra lầm lạc
đều ở trong tay Người.
17Người bắt các mưu sĩ phải đi chân đất,
làm cho các thẩm phán ra điên rồ.
18Người gỡ bỏ cân đai của vua chúa
và bắt họ phải dùng khố thắt lưng.
19Người bắt các tư tế phải đi chân đất
Người lật đổ những kẻ quyền uy.
20Người làm cho nhà hùng biện mất cả tài ăn nói,
cho bậc lão thành chẳng còn óc biện phân.
21Người đổ nhuốc nhơ xuống hàng quyền quý,
và nới lỏng dây lưng cho quân bạo tàn.
22Người vạch trần những tối tăm bí ẩn,
phơi bày bóng tối tử thần ra ánh sáng.
23Người làm cho các dân lớn mạnh rồi tiêu diệt,
để cho bành trướng rồi bắt phải lưu vong.
24Người làm cho thủ lãnh của dân ra ngu muội,
bắt phải lang thang trong sa mạc không lối thoát.
25Chúng mò mẫm trong tăm tối mịt mù,
lảo đảo như người thấm men say.”
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

THÁNH THẦN ĐỔI MỚI (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sách Tông đồ Công Vụ (Cv 2, 1-11) kể lại những gì xảy ra tại Giêrusalem 50 ngày sau Lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu. Các môn đệ đang tập trung trong Phòng Tiệc Ly, và Đức Trinh Nữ Maria ở với họ. Chúa Phục Sinh đã bảo họ ở lại thành phố cho đến khi họ nhận được ân sủng của Chúa Thánh Linh từ Trời. Và điều này đã được tỏ lộ với một “âm thanh” mà họ bất ngờ nghe thấy từ trời, giống như “cơn gió thổi mạnh” tràn ngập ngôi nhà họ đang ở (xem câu 2). Như thế, điều đó liên quan đến một trải nghiệm thực tế nhưng cũng mang tính biểu tượng; nói cách khác, một điều gì đó đã xảy ra nhưng cũng mang đến cho chúng ta một thông điệp mang tính biểu tượng cho cả cuộc đời của chúng ta.
Kinh nghiệm này cho thấy rằng Chúa Thánh Thần giống như một cơn gió mạnh và tự do thổi; nghĩa là, Ngài mang đến cho chúng ta sức mạnh và mang lại cho chúng ta sự tự do: một luồng gió mạnh mẽ và tự do. Ngài không thể bị kiểm soát, dừng lại, chẳng thể đo lường được; cũng chẳng thể nói trước được hướng đi của Ngài. Ngài không thể hiểu được trong khuôn khổ chật hẹp của loài người chúng ta - chúng ta luôn cố gắng đóng khung mọi thứ - Ngài không để bản thân bị đóng khung trong các phương pháp và định kiến của chúng ta. Thần Khí xuất phát từ Chúa Cha và từ Con của Người là Đức Giêsu Kitô và bùng nổ trên Giáo hội; Thánh Linh bùng nổ trên mỗi người chúng ta, mang lại sự sống cho tâm trí và trái tim của chúng ta. Như Kinh Tin Kính nói: Chúa Thánh Thần là “Đấng ban sự sống”. Ngài đầy quyền năng bởi vì Ngài là Thiên Chúa, và Ngài ban sự sống.
Vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các môn đệ của Chúa Giêsu vẫn còn mất phương hướng và sợ hãi. Họ vẫn chưa có đủ can đảm để đi ra ngoài. Đôi khi chúng ta cũng thích ở trong những bức tường bảo vệ của môi trường xung quanh. Nhưng Chúa biết cách tiếp cận chúng ta và mở rộng cửa cho tâm hồn chúng ta. Ngài ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Đấng bao phủ chúng ta và chế ngự mọi sự do dự của chúng ta, phá bỏ sự phòng thủ của chúng ta, phá bỏ những định kiến sai lầm của chúng ta. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành những con người mới, giống như Người đã làm ngày hôm đó với các Tông đồ: Người đổi mới chúng ta, những con người mới.
Sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, họ không còn như trước nữa - Ngài đã thay đổi họ, nên họ tiến ra ngoài và bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu, rao giảng rằng Chúa Giêsu đã sống lại, rằng Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi người hiểu những lời các Tông đồ rao giảng bằng ngôn ngữ của riêng mình. Thánh Thần là phổ quát; Ngài không xóa bỏ những khác biệt về văn hóa hay những khác biệt về tư tưởng. Ngài được dành cho tất cả mọi người, nhưng mỗi người hiểu Ngài trong nền văn hóa của riêng mình, bằng ngôn ngữ của riêng mình. Thánh Thần thay lòng đổi dạ, mở rộng tầm nhìn cho các môn đệ. Ngài giúp họ có thể truyền đạt cho mọi người những công trình vĩ đại, vô hạn của Thiên Chúa, vượt qua những giới hạn văn hóa và tôn giáo mà họ đã quen trong suy nghĩ và lối sống. Ngài cho các Tông đồ khả năng thông đạt cho những người khác, trong khi tôn trọng khả năng lắng nghe và hiểu biết của họ, qua văn hóa và ngôn ngữ của mỗi người (câu 5-11). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần đặt những người khác nhau vào tiến trình giao tiếp, đạt đến cả sự hiệp nhất lẫn tính phổ quát của Giáo hội.
Và ngày nay sự thật này, thực tại này của Chúa Thánh Thần, nói với chúng ta rất nhiều, vì trong Giáo Hội có những nhóm nhỏ luôn tìm cách chia rẽ, để tách mình ra khỏi những người khác. Đây không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Thần Khí của Thiên Chúa là sự hòa hợp, là sự hợp nhất, hợp nhất những khác biệt. Một vị Hồng Y khả kính, người từng là Tổng Giám mục Genoa, đã nói rằng Giáo hội giống như một dòng sông: điều quan trọng là ở bên trong; nếu anh chị em có một chút ở bên đó và một chút ở bên kia thì điều đó không quan trọng; Chúa Thánh Thần tạo ra sự hiệp nhất. Vị Hồng Y đã sử dụng hình ảnh của một dòng sông Điều quan trọng là ở bên trong, trong sự hiệp nhất của Thánh Linh, và đừng nhìn vào những chi tiết nhỏ như bạn hơi ở bên này và một chút ở bên kia, rằng bạn cầu nguyện theo cách này hay cách khác…. Điều đó không quan trọng đối với Chúa. Giáo hội là của mọi người, vì mọi người, như Chúa Thánh Thần đã tỏ ra trong ngày Lễ Hiện Xuống.
Hôm nay, chúng ta hãy xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Hội Thánh, cầu bầu để Chúa Thánh Thần hiện xuống dồi dào, đổ đầy tâm hồn các tín hữu và thắp lên ngọn lửa tình yêu của Người trong lòng mọi người.” (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)
Đọc tiếp »

ĐỨC ÁI (Bài giảng của Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng)


“Chúng ta phải hiểu luật Chúa là gì, nếu không phải là đức ái, vì nhờ đức ái, tâm trí chúng ta luôn luôn nhớ đến những điều răn phải đem ra thực hành để được sống ? Quả vậy, có lời của Đấng là Chân Lý phán về luật ấy rằng : Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau. Thánh Phao-lô cũng dạy : Yêu thương là chu toàn Lề Luật. Người lại nói thêm : Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô. Thật thế, không có gì diễn tả luật Đức Ki-tô cách thích đáng hơn đức ái ; luật ấy, chúng ta giữ trọn được khi chúng ta lấy tình thương mà mang gánh nặng cho anh em mình.

Nhưng luật ấy là luật đa diện, vì đức ái có mặt trong mọi hành vi của các nhân đức khác nhờ sự nhiệt tâm ân cần. Luật đó khởi đầu với hai điều răn, nhưng khai triển thành vô số các điều răn khác. Chính thánh Phao-lô đã kể rõ tính cách đa diện của luật ấy như sau : Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không tham lam, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Người sống đức ái thì nhẫn nhục, vì họ chịu đựng với tâm hồn thanh thản mọi điều ác người ta làm cho mình ; hiền hậu, vì họ quảng đại lấy điều thiện đáp lại điều ác ; không ghen tuông, vì họ không ham muốn gì ở đời này và không biết ghen tị với người khác về những thành công ở trần gian ; không tự đắc, vì họ nóng lòng mong đợi phần thưởng bên trong chứ không vênh vang vì những của cải bên ngoài ; không làm điều bất chính, vì họ chỉ lo phát triển lòng mến Chúa yêu người, chứ không biết đến những gì làm họ xa rời đức chính trực.
Ai sống đức ái thì không tham lam, vì bên trong họ nhiệt tâm lo việc của mình, chứ không ham muốn của cải thuộc về người khác ở bên ngoài ; không tìm tư lợi, vì họ coi thường tất cả những gì họ có ở đời tạm này, và coi đó như là của người khác, bởi lẽ họ không coi điều gì là của riêng mình ngoại trừ điều sẽ ở mãi với mình ; không nóng giận, vì dù họ có gặp phải những bất công dồn đập, lòng họ vẫn chẳng hề buông theo ý muốn báo thù, bởi lẽ họ trông đợi phần thưởng mai sau lớn hơn bù lại những nỗi gian lao vất vả bây giờ ; không nuôi hận thù, vì tâm trí họ đã gắn chặt vào lòng yêu mến sự thanh sạch, và họ đã khử trừ tận căn mọi mối hận thù, không để điều gì len lỏi vào làm cho lòng mình hoen ố.
Người sống đức ái không mừng khi thấy sự gian ác, vì họ chỉ tha thiết yêu thương tất cả mọi người, và dầu có thấy kẻ thù sa cơ lỡ vận, cũng không lấy thế làm vui ; nhưng cùng vui khi thấy điều chân thật, vì một khi họ yêu thương tha nhân như chính mình, nếu nhận thấy nơi kẻ khác điều gì chính trực, họ vui mừng như thể chính bản thân mình được thăng tiến. Vậy, luật Chúa quả là đa diện.”
Đọc tiếp »

Thứ năm, Tuần VIII- TN

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

BA LỜI KHUYÊN của THÁNH THẦN (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)


“Lời khuyên đầu tiên mà Chúa Thánh Thần đưa ra là: “Hãy sống trong hiện tại”. Hiện tại, chứ không phải là quá khứ hay tương lai. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính ưu việt của ngày hôm nay, chống lại cám dỗ để bản thân bị tê liệt bởi những cay đắng hoặc những hoài niệm của quá khứ, hoặc bởi sự bất định hoặc sợ hãi về tương lai. Thánh Linh nhắc nhở chúng ta về ân sủng của giây phút hiện tại. Không có thời điểm nào tốt hơn cho chúng ta: bây giờ, ở đây và ngay lúc này, là thời điểm duy nhất và độc đáo để làm điều thiện, để cuộc sống của chúng ta trở thành một ân sủng. Chúng ta hãy sống trong hiện tại!

Thánh Linh cũng nói với chúng ta rằng “Hãy nhìn toàn thể”. Nhìn toàn bộ, chứ không phải một phần. Thánh Thần không uốn nắn những cá nhân biệt lập, nhưng uốn nắn chúng ta thành một Giáo hội với muôn vàn đặc sủng của chúng ta, thành một thể thống nhất không bao giờ đồng nhất. Đấng Bảo Trợ khẳng định tính ưu việt của tổng thể. Ở đó, trong tổng thể, trong cộng đồng, Thánh Linh thích hoạt động và mang lại sự mới mẻ. Chúng ta hãy nhìn vào các Tông đồ. Tất cả đều hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, các ngài có Matthêu, một người thu thuế đã từng cộng tác với người La Mã, và Simôn thuộc nhóm Quá Khích, là người đã chiến đấu với họ. Họ có những ý tưởng chính trị trái ngược, những tầm nhìn khác nhau về thế giới. Tuy nhiên, một khi họ nhận được Thánh Linh, họ học cách dành quyền ưu tiên không phải cho quan điểm của con người mà cho “toàn thể”, tức là cho kế hoạch của Thiên Chúa. Ngày nay, nếu chúng ta lắng nghe Thánh Linh, chúng ta sẽ không quan tâm đến những người bảo thủ và những người tiến bộ, những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người cách tân, cánh hữu và cánh tả. Khi những điều đó trở thành tiêu chí của chúng ta, thì Giáo hội đã quên Thánh Linh. Đấng Bảo Trợ thúc đẩy chúng ta hướng đến sự hiệp nhất, sự hòa hợp, sự hài hòa của sự đa dạng. Ngài khiến chúng ta thấy mình là những bộ phận của cùng một cơ thể, là anh chị em của nhau. Chúng ta hãy nhìn vào toàn bộ! Kẻ thù muốn sự đa dạng trở thành sự đối kháng và vì vậy nó khiến chúng trở thành những người ý thức hệ. Hãy nói không với ý thức hệ, và nói vâng với tổng thể.
Lời khuyên thứ ba của Thánh Linh là, “Hãy đặt Chúa trước mặt mình”. Đây là bước quyết định trong đời sống thiêng liêng. Đời sống thiêng liêng của chúng ta không phải là tổng hợp những công lao và thành tựu của chúng ta, mà là sự cởi mở khiêm nhường với Thiên Chúa. Thánh Linh khẳng định vị trí tối thượng của ân sủng. Chỉ bằng cách làm trống rỗng bản thân, chúng ta mới có chỗ dành cho Chúa; chỉ bằng cách hiến thân cho Ngài, chúng ta mới tìm thấy chính mình; chỉ bằng cách trở nên nghèo nàn về tinh thần, chúng ta mới trở nên giàu có trong Chúa Thánh Thần. Điều này cũng đúng với Giáo hội. Chúng ta không cứu được ai, kể cả chính chúng ta, bằng chính nỗ lực của chúng ta. Nếu chúng ta ưu tiên cho các dự án của chúng ta, các cơ cấu của chúng ta, các kế hoạch cải cách của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến hiệu lực, hiệu quả, chúng ta sẽ chỉ nghĩ theo chiều ngang và kết quả là chúng ta sẽ chẳng có kết quả gì cả. Một “-ism” là một ý thức hệ chia rẽ và tách biệt. Giáo hội là con người, nhưng không chỉ đơn thuần là một tổ chức của con người, mà còn là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mang ngọn lửa của Thánh Linh đến thế gian và Giáo hội được cải tổ bằng sự xức dầu của ân sủng, bằng tính nhưng không trong sự xức dầu của ân sủng, bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, niềm vui của sứ mệnh và vẻ đẹp của sự nghèo khó không so đo tính toán. Chúng ta hãy đặt Chúa ở vị trí đầu tiên! (ĐTC Phanxicô, 23/05/2021)
Đọc tiếp »

Thứ tư, Tuần VIII- TN

Đọc tiếp »

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2021

Mục vụ T6-2021: Tháng Thánh Tâm

Xin cho các bạn trẻ biết chuẩn bị hôn nhân với sự giúp đỡ của cộng đoàn Kitô hữu, và mong họ
lớn lên trong tình yêu cùng với lòng quản đại, chung thuỷ và kiên trì.

Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.