Ads 468x60px

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Tâm tình Mục tử tháng 1 năm 2017

TÂM TÌNH MỤC TỬ THÁNG 1 NĂM 2017

Kính gửi: Quý linh mục, tu sĩ, chủng sinh,
                 và anh chị em giáo dân Giáo Phận Phan Thiết

Anh chị em thân mến,
Năm 2016 vừa qua đi trong ơn thánh và niềm vui. Tạ ơn Chúa đã ban muôn ơn trên Giáo Phận dọc dài năm thánh Lòng Thương Xót (8/12/2015 - 20/11/2016). Theo dòng thời gian, dẫu không có những biến cố hoành tráng, nhưng vẫn có những sự kiện để lại dấu ấn khó quên: như nghi thức mở và đóng Cửa Thánh tại Nhà Thờ Chính Tòa và Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao; những buổi tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót nơi các giáo hạt; nhất là nhịp sống tại các giáo xứ đã đổi thay theo hướng tích cực với con số hối nhân tìm đến tòa giải tội gia tăng, tín hữu lãnh bí tích Thánh Thể đông đúc, và rất nhiều người được đón nhận tình Chúa thương xót qua ơn tha thứ. Như thế, có thể nói châm ngôn “Vui năm hồng ân, quyết canh tân hòa giải; Sống mùa hoán cải, lòng rộng trải yêu thương” mà Giáo Phận đã đề ra lúc khai mạc năm thánh, đã có những âm vang tốt đẹp khi năm thánh được bế mạc. Trên đà lực này, Giáo phận bước vào năm 2017.

1. Khởi đầu năm Dương Lịch

Ngày 1 tháng 1 hằng năm, kết thúc Tuần bát nhật Giáng Sinh, là ngày lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Riêng với Phan Thiết, đây là ngày lễ mừng bổn mạng Giáo Phận. Thật vậy, ngay từ ngày khai sinh, Giáo Phận đã được tiến dâng cho Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa, để từ đó mọi con dân trong Giáo Phận có chung một Mẹ để soi bóng tôn vinh học hỏi, cũng như có cùng một Mẹ để yêu thương cầu nguyện cậy trông. Và cũng kể từ đó, năm nào lễ Mẹ Thiên Chúa cũng được Giáo Phận tổ chức không chỉ long trọng xứng với bậc lễ trong phụng vụ thánh, mà còn linh đình phù hợp với niềm vui của mọi thành phần kết nên đại gia đình Giáo Phận. Ngày 1 tháng 1 hằng năm: Lễ Mẹ Thiên Chúa ta ăn lễ mừng. Mọi người sum họp tưng bừng, Câu kinh tiếng hát vang lừng nơi nơi. Họp nhau cảm tạ ơn trời, Qua tay Mẹ, đến với người trần gian. Họp nhau kêu khấn nài van, Mẹ nâng đỡ, sống bình an tháng ngày.

Nhưng ngày 1 tháng 1 hằng năm, còn là khởi đầu cho năm mới dương lịch với những ưu tư lo lắng hướng tới tương lai, chính vì thế Giáo Hội đã chọn ngày này là ngày cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới. Trong Sứ điệp hòa bình dịp đầu năm 2017, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói đến một cung cách sống cụ thể, làm tiền đề cho việc xây dựng hòa bình trong gia đình cũng như ngoài xã hội, đó là việc loại trừ bạo động ra khỏi cách cư xử của con người. Có thể xem đây như là nét phác thảo cho bộ Quy tắc ứng xử trên thế giới giữa con người cũng như giữa các quốc gia với nhau, vừa mang tính khuyến cáo để ngăn ngừa đỗ vỡ, vừa mang tính xây dựng nhằm chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình. Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha viết: “Trong năm 2017, ước chi chúng ta có thể nhiệt tình và chủ động hiến thân cho việc loại trừ bạo lực ra khỏi tâm hồn, lời nói và hành động, và cho việc trở nên những người phi bạo lực và kiến tạo những cộng đồng phi bạo lực biết chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta”.
Như vậy, ngày đầu năm họp mừng bổn mạng Giáo Phận và hướng lên Mẹ là Nữ Vương hòa bình, cách riêng năm nay kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra tại Fatima (1917-2017), ta hãy sốt sắng hát lên lời kinh: “Mẹ Maria, xin thương đến giáo phận con đây, ban nguồn an bình hiệp nhất yêu thương. Mẹ luôn thăm viếng giúp đỡ mãi giáo phận con đây, trong tình yêu Mẹ, liên kết muôn tâm hồn” (Văn Chi).

2. Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân

Hưởng ứng chương trình mục vụ ba năm liên tiếp (2017-2019) về gia đình với những điểm nhấn cho từng năm: 2017-chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; 2018-đồng hành với các gia đình trẻ; và 2019-đồng hành với các gia đình gặp khó khăn (x. Thư Chung 7/10/2016), năm 2017 này chúng ta dành ưu tiên cho các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân.

Tình yêu xưa như trái đất, chẳng ai bảo ai, cứ đến tuổi cập kê là nam nữ tìm đến với nhau để xây dựng gia đình. Chuyện tự nhiên và cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng hơn khi nào, chuyện yêu đương của người trẻ hôm nay đang trở nên đề tài nhức nhối cho các bậc phụ huynh và những người hữu trách: từ yêu sớm đến yêu vụng; từ yêu qua đường đến yêu hướng đến hôn nhân; tất cả đều được dàn trải ra cho dư luận. Chả thế mà trên mặt báo, người ta gặp thấy nhan nhản những chuyện lẩm cẩm, từ chuyện “tình yêu như bát bún riêu, bao nhiêu sợi bún bấy nhiêu nhì nhằng” cho đến chuyện “bắt cá hai tay, xôi hỏng bỏng không”; từ chuyện ngô nghê “ăn cơm trước kẻng” của cô công nhân cho đến chuyện chả nghiêm túc chút nào của cậu học sinh trung học phổ thông “yêu em cho nó đỡ buồn, đến khi tốt nghiệp anh chuồn về quê”. Chính vì thế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề nghị cả một năm, dành cho người trẻ định hướng tình yêu và chuẩn bị tiến tới hôn nhân.

Nói đến hôn nhân, người ta thường nghĩ đến đám cưới. Đám cưới là điểm đến của một tình yêu đúng đắn, nhưng đám cưới thực ra lại là điểm khởi đầu cho đời sống gia đình, không chỉ là định chế xã hội mà còn là ơn gọi, trong đó người nam và người nữ liên kết nên một, trở nên hình ảnh sống động của Thiên Chúa tình yêu và tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa bằng việc sinh sản và giáo dục con cái. Ước mong ý nghĩa cao đẹp này của hôn nhân được các giáo xứ không ngừng tô đậm, các gia đình tín hữu tích cực nêu gương, và các bạn trẻ quan tâm học hỏi, để như logo của năm mục vụ 2017 minh họa, với sự soi dẫn Chúa Thánh Thần, người trẻ nam nữ hôm nay thắng vượt những khó khăn thử thách mà tin tưởng dắt nhau bước vào đời sống hôn nhân. Như thế, hôn nhân không chỉ là tình trạng sống, mà đã trở thành bậc sống được Chúa chúc phúc và được thánh hóa cách riêng bởi bí tích hôn phối.

3. Khai triển cụ thể

Với đối tượng đặc biệt là những người trẻ và điểm nhấn cụ thể là giúp họ chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, nên chương trình mục vụ tích cực phải khởi đi từ các giáo xứ là nơi các bạn trẻ đang sinh sống hoặc đang tham gia sinh hoạt. Vì thế, ở đây vai trò của các cha Quản xứ là không thể thay thế. Tuy nhiên, để cho các cha Quản xứ thuận tiện điều hành cũng như để cho các bạn trẻ dễ dàng sắp xếp thời gian, xin đề nghị một mô hình học tập chung cho cả Giáo Phận, rồi tùy theo điều kiện cũng như hoàn cảnh riêng mỗi nơi mà linh động tổ chức.

a) Nội dung học tập: giáo lý hôn nhân và gia đình.

Trước khi sống đời hôn nhân, vừa mới lạ vừa phức tạp, người trẻ cần được chuẩn bị về nhiều mặt từ kiến thức đến kỹ năng và nhất là về giáo lý bí tích hôn phối để sẵn sàng chu toàn trách vụ trong bậc sống mới. Về kiến thức và kỹ năng, cha Quản xứ có thể nhờ đến sự trợ giúp của nhà tâm lý và của bác sĩ y khoa; nhưng về giáo lý thì xin cha Quản xứ trực tiếp điều hành với sự cộng tác của đội ngũ giáo lý viên trong giáo xứ. Có thể sử dụng tài liệu Giáo ly hôn nhân và gia đình được soạn thảo bởi Ủy Ban Giáo lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (xem: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/GIAOLUAT/HonNhanGiaDinh/00MainMucLuc.htm)

b) Hình thức học tập: theo ba quy mô khác nhau nhưng liên kết chặt chẽ với nhau.

-Quy mô giáo xứ: lớp học giáo lý hôn nhân và gia đình do giáo xứ tổ chức và điều hành theo mô hình chung trong toàn giáo phận.
-Quy mô giáo hạt: có thể có lớp giáo lý “liên giáo xứ” dành cho những giáo xứ nhỏ ở cận kề nhau, nhưng có quá ít học viên hay số giảng viên giáo lý còn thiếu. Ngoài ra tại giáo hạt cũng sẽ diễn ra những buổi sinh hoạt chung mang tính học tập vui tươi, gọi là ĐẠI HỘI. Mong sao các bạn trẻ lớp giáo lý hôn nhân và gia đình trong các giáo xứ sẽ về tham dự đông đủ, vừa học tập kiến thức, vừa chia sẻ kinh nghiệm, và cũng để nối vòng tay lớn cho kỷ niệm hôn nhân sau này.
-Quy mô giáo phận: Ngày 13/8/2017 được chọn làm NGÀY GIA ĐÌNH. Các thành viên lớp giáo lý hôn nhân và gia đình trong giáo phận được mời gọi tề tựu về Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, dưới sự chủ tọa của Đức Giám mục Giáo phận, để tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria trong dịp kỷ niệm 100 năm hiện ra tại Fatima, và xin nhờ sự chuyển cầu của Mẹ, cho tình yêu của các bạn trẻ dành cho nhau được mãi bền chặt và đời sống hôn nhân của các bạn được thắm màu hạnh phúc.

c) Điều phối học tập: Các thành viên Ban Giáo lý và ban Mục vụ gia đình.

Mỗi tháng Ban Giáo lý và Ban Mục vụ gia đình đề nghị một đề tài học tập về hôn nhân và gia đình. Các giáo xứ sẽ nương theo đó mà khai triển trong lớp giáo lý của mình:
-Tháng 1:         Ơn gọi hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa
-Tháng 2:         Hôn nhân công giáo
-Tháng 3:         Giáo luật về Bí tích Hôn phối
-Tháng 4:         Hôn nhân khác tôn giáo
-Tháng 5:         Sống thời kỳ đính hôn
-Tháng 6:         Tình yêu vợ chồng
-Tháng 7:         Tính dục và hôn nhân
-Tháng 8:         Triển nở trong tình yêu
-Tháng 9:         Gia đình là Hội thánh tại gia
-Tháng 10:       Linh đạo hôn nhân và gia đình
-Tháng 11:       Các bí tích và việc cầu nguyện trong đời sống hôn nhân và gia đình
-Tháng 12:       Sinh sản có trách nhiệm và việc giáo dục con cái

Anh chị em thân mến,

Trên đây là những tâm tình ngồn ngộn tràn về, khi giã từ năm cũ bước sang năm mới. Xin tạ ơn vì hồng ân nhận được; xin tạ tội vì lỡ lầm trót phạm; nhưng trên hết vẫn là một tâm tình hiến dâng phó thác. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Bổn mạng Giáo Phận Phan Thiết, chúng con xin dâng Chúa năm mới với điểm nhấn mục vụ dành cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân. Xin cho các bạn này khám phá ra vẻ đẹp của đời sống hôn nhân và gia đình để can đảm dấn bước vào. Và xin cho những người đồng hành với các bạn này trong suốt quá trình học tập được luôn kiên trì giúp họ thăng tiến trong tình yêu hướng đến hôn nhân, mong kiến tạo những gia đình hạnh phúc.

Phan Thiết, ngày 1 tháng 1 năm 2017

+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Ai Tín Thân Phụ Linh mục Gioan Nguyễn Kim Hà - Quản xứ Gx Cù Mi



TRONG NIỀM TIN VÀO CHÚA KITÔ TỬ NẠN VÀ PHỤC SINH

Gia đình chúng con thương tiếc báo tin:
Ông Cố Giuse Nguyễn Văn Thất.
Sinh ngày: 01/01/1927, tại Ba làng – Tỉnh Gia – Thanh Hóa.
Là Thân phụ Linh Mục Gioan Nguyễn Kim Hà (Quản xứ Cù Mi, Giáo hạt Hàm Tân, Giáo phận Phan Thiết). 
Đã về nhà Cha lúc 7g30’, ngày 29 tháng 12 năm 2016 tại giáo xứ Thanh Hải.
Hưởng thọ 89 tuổi.
Thánh lễ an táng: vào lúc 6 giờ 00’, thứ bảy ngày 31 tháng 12 năm 2016.
Tại Thánh đường Giáo xứ Thanh Hải, Giáo phận Phan Thiết do Cha Hạt trưởng chủ tế.
Kính xin Đức Cha, Cha Tổng Đại diện, Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ cùng Quý vị hiệp lời cầu nguyện cho Ông Cố Giuse sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

Tang gia đồng kính báo.
Bà cố Maria Nguyễn Thị Trí và Linh mục Gioan Nguyễn Kim Hà cùng tang quyến.
 



Đọc tiếp »

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Chúa Nhật Lễ Giáng Sinh Năm A

25/12/2016
Chúa Nhật Mùa Giáng Sinh Năm A

 PHÚC ÂM:  Mt 1, 18-25
"Maria sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu".

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây:
Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau,  bà đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy,  thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo:

"Hỡi Giuse con vua Đavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình: vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội". Tất cả sự kiện này đã được thực hiện  để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng:

"Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta".

Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền. Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau, cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu. 
Đó là lời Chúa.







 
Đọc tiếp »

Thư Mục vụ Mùa Vọng và Giáng Sinh 2016

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
E.mail: tgmsaigon@gmail.com
Số 231.1_161114_03
Ngày 14 tháng 11 năm 2016

THƯ MỤC VỤ MÙA VỌNG - GIÁNG SINH 2016
“Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse,
cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,
16)
1. Quý cha, quý tu sĩ nam nữ và chủng sinh, cùng anh chị em giáo dân rất thân mến!
Mùa Vọng và Giáng Sinh năm nay diễn ra trong bầu khí đau thương, mất mát và cơ cực của đồng bào miền Trung sau trận lũ lụt vừa qua. Trong tư cách là người mục tử còn nhiều giới hạn và bất xứng, chúng tôi muốn cùng với anh chị em hướng đến ngày Quang Lâm của Đức Kitô, với tâm tình yêu mến mong chờ Chúa và hiệp thông với anh chị em của chúng ta.
2.  Chúng ta chờ đợi và khao khát Chúa, chúng ta hướng về Thiên Đàng, quê hương đích thực của chúng ta. Chúng ta cầu mong “trời xé ra” để Thiên Chúa ngự xuống giữa chúng ta, để Thiên Chúa đến viếng thăm chúng ta. Nhưng việc chờ đợi Chúa, hướng lòng lên Chúa, không thể làm cho chúng ta quên đi thực tại trần thế. Chính việc hướng lòng lên Chúa giúp chúng ta dễ dàng mở lòng ra cho anh chị em, nhất là những người nghèo khổ, thay vì chỉ ích kỷ nghĩ tới bản thân với việc thăng tiến cá nhân hay vui chơi hưởng thụ.
3. Năm nay, Giáo Hội toàn cầu cũng như Giáo Hội Việt Nam đều mời gọi chúng ta, trong khi hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, hãy lưu tâm đến “mục vụ gia đình”, đến đời sống các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ, hết lòng chăm sóc họ như Chúa Giêsu và Hội Thánh mong ước. Đời sống gia đình hiện tại đang phải đối diện với quá nhiều vấn đề, không chỉ là vấn đề cơm áo gạo tiền, mà sâu xa hơn còn là vấn đề nhân phẩm, vấn đề tình yêu đích thực... Như các mục đồng, chúng ta cùng ra đi đến với các gia đình, và giúp họ khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu đang ở giữa họ, như tại Thánh gia thất năm xưa: “Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Hãy dành thời giờ chăm sóc, gìn giữ và bảo vệ tình yêu gia đình. Hãy kiên nhẫn lắng nghe và đối thoại trong tinh thần tôn trọng nhau để tình yêu gia đình ngày càng triển nở. Hãy cảm nghiệm có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, ở trong gia đình chúng ta. Hãy để cho Chúa Giêsu, Tình Yêu Nhập Thể của Thiên Chúa, lớn lên trong mỗi gia đình giúp cho chúng ta dễ dàng thông cảm, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau.
4. Ngoài ngôi nhà gia đình nhỏ bé của mỗi người, còn có ngôi nhà chung là vũ trụ thiên nhiên, mà trong ánh sáng tình yêu Giáng Sinh, chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc bảo vệ. Đây là vấn đề môi sinh mà cả đạo và đời đều ý thức và quyết tâm liên kết, hợp tác chặt chẽ để cùng nhau giải quyết. Trong thực tế chúng ta đã làm được gì, và đã làm tới đâu? Hay chúng ta đang để mặc cho những cá nhân hoặc tổ chức, vì lợi nhuận mà hành động tùy tiện dẫn đến hủy hoại môi trường, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vấn đề ô nhiễm môi trường biển do Formosa; vấn đề hóa chất làm mất an toàn thực phẩm, làm vẩn đục nguồn nước; vấn đề điều tiết nước chưa hợp lý tại các đập thủy điện, khiến ngập lụt càng thêm nặng nề; vấn đề xả rác bừa bãi làm ô nhiễm và mất vệ sinh môi trường.
Chính việc hướng lòng lên cùng Chúa giúp chúng ta đoàn kết, liên đới với nhau, lá lành đùm lá rách; đồng thời, cùng nhau quan tâm bảo vệ, phát triển ngôi nhà chung là vũ trụ và thế giới vật chất này, mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta làm người quản lý. Trong tình yêu Giáng Sinh, chúng ta xác tín mình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, mẫu mực cho đời sống chúng ta là “Ba Ngôi Thiên Chúa”, là “Thánh Gia Thất”; từ đó, chúng ta được mời gọi hãy yêu thương nhau, hướng về nhau, đối thoại với nhau, đừng loại trừ ai và đừng làm cho người khác phải đau khổ.
5. Anh chị em và đặc biệt các bạn trẻ thân mến! Trong bầu khí Giáng Sinh, chúng tôi kêu gọi anh chị em, dù còn nhiều bận tâm và khó khăn trong cuộc sống, đừng bao giờ quên hay sao nhãng việc loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa, Tin Mừng của Lòng Thương Xót. Như các mục đồng, chúng ta hãy rủ nhau: “Nào ta cùng đi Bêlem” (Lc 2,15) để gặp gỡ Chúa Giêsu. Hãy làm cho những người chung quanh nhận ra tình yêu Thiên Chúa đang hiện diện nơi chúng ta, nơi gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, giáo xứ chúng ta, qua những lời nói yêu thương, thông cảm và bằng những hành động bác ái, chia sẻ.
6. Giáng Sinh là ngày lễ của niềm vui và sự sống, như lời sứ thần loan báo: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít... Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,10-12). Chúng ta được mời gọi cử hành, loan báo và sống trọn vẹn niềm vui ấy. Chúng ta có sứ mạng cùng với mọi người thiện chí xây dựng quê hương trần thế này sao cho thật tốt đẹp, phù hợp với nền “văn minh tình thương” và “văn minh sự sống”. Vì thế, đừng để cho “nền văn minh sự chết” xâm nhập vào, đừng để cho nạn phá thai, nạn bạo lực gia đình, hủy hoại các gia đình công giáo của chúng ta.
7. Để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, theo thói quen của người công giáo Việt Nam, chúng ta thường làm hang đá giáng sinh trong gia đình, trong giáo xứ. Có những khu phố, những con đường trưng bày nhiều hang đá giáng sinh thật lộng lẫy. Nếu chúng ta nhiệt tình trong việc làm các hang đá giáng sinh cho Chúa Giêsu Hài Đồng, thì chúng ta cũng phải tích cực chuẩn bị chào đón Chúa với tâm hồn thật xứng đáng, trang điểm bằng các nhân đức và ân sủng của Thiên Chúa. Muốn như thế, mọi người hãy dọn mình cho chu đáo, cụ thể bằng việc giao hòa với Chúa và tha nhân qua bí tích Hòa giải. Ngay chính bản thân chúng tôi cũng thấy mình rất yếu đuối và nhiều tội lỗi, nên chúng tôi chắc chắn cũng sẽ đi xưng tội để chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh. Xin anh chị em cầu nguyện nhiều cho chúng tôi.
8. Lễ Giáng Sinh cũng là dịp mà Giáo Hội phải lưu tâm chăm sóc người nghèo một cách đặc biệt. Chúng tôi đề nghị mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn dòng tu hãy chuẩn bị một phần quà vật chất cụ thể cho những hoàn cảnh khó khăn ngay bên cạnh mình. Những món quà trong dịp Giáng Sinh này sẽ mang lại niềm vui và nhất là niềm hy vọng cho những người nghèo, để họ có điều kiện mừng lễ và cảm nhận được sự gần gũi sống động của tình yêu Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu là hiện thân của Lòng Thương Xót,
xin đổi mới con tim nhân loại và trái tim mỗi người chúng con,
để chúng con xứng đáng là thần dân trong Vương Quốc Tình Yêu của Chúa.

Cầu chúc cho quý cha, quý tu sĩ nam nữ và chủng sinh, cùng tất cả anh chị em một Mùa Vọng thật sốt sắng và một lễ Giáng Sinh thật vui tươi. Ước mong Bình An và Ân Sủng của Thiên Chúa luôn ở cùng tất cả mọi người chúng ta.
Mục tử của anh chị em,
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Tổng Giám Mục
+ Giuse ĐỖ MẠNH HÙNG
Giám mục phụ tá

(đã ký và đóng dấu)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Chúa Nhật Tuần III Mùa Vọng Năm A

PHÚC ÂM:  Mt 11, 2-11
"Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: "Thầy có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?"  Chúa Giêsu bảo họ: "Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta".

Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: "Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: 'Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con,  để dọn đường sẵn cho con'. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông".
Đó là lời Chúa.
Đọc tiếp »

Thư giãn

Ai sợ vợ nhất

Sư cụ ngồi đàm đạo với mấy người khách, có người hỏi:
- Trong đám ta đây ai là người sợ vợ nhất?
Chưa ai dám đáp thì sư cụ đã nhận ngay:
- Kể sợ thì tôi đây sợ nhất!
Mọi người lấy làm lạ mới hỏi:
- Sư cụ có vợ đâu mà sợ?
- Tôi sợ đến nỗi không dám lấy vợ.


Ban cho

Vào1 buổi sáng có 1 vị linh mục đi dạo trong rừng.
Đột nhiên ông nhìn thấy 1 con gấu ông liền quì xuống và nói : Xin CHÚA hãy ban lòng tốt cho con gấu này.
Bất chợt con gấu cũng quì xuống và nói : Cảm Ơn CHÚA đã cho con 1 bữa ăn ngon!
(Sưu tầm)







Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm C

20/11/2016
Chúa Nhật Tuần XXXIV Mùa Thường Niên Năm C
PHÚC ÂM:   Lc 23, 35-43
"Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các thủ lãnh cùng với dân chúng cười nhạo Chúa Giêsu mà rằng: "Nó đã cứu được kẻ khác thì hãy tự cứu mình đi, nếu nó thật là Đấng Kitô, người Thiên Chúa tuyển chọn". Quân lính đều chế diễu Người và đưa dấm cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái, ông hãy tự cứu mình đi". Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy-lạp, La-tinh và Do-thái như sau: "NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN DO THÁI".
Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục Người rằng: "Nếu ông là Đấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa". Đối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta đã làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".
Đó là lời Chúa.
 
Đọc tiếp »

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

LỄ CÁC LINH HỒN

Ngày 02/11/2016
Thứ tư Mùa Thường niên năm C
 LỄ CÁC LINH HỒN

PHÚC ÂM:  Ga 6:37-40
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với đám đông rằng: Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
Đó là lời Chúa.
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm C

09/10/2016
Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm C
28 Thường Niên

BÀI ĐỌC I: 2 V 5, 14-17
"Naaman trở lại gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.
Sau đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Đến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông".
Tiên tri trả lời rằng: "Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật tôi không dám nhận đâu". Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe. Naaman nói thêm rằng: "Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh nào khác".
Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Đáp: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
1) Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Đáp
2) Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 2, 8-13
"Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Đức Kitô".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Đavít, đã từ cõi chết sống lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Đức Giêsu Kitô.
Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.
Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19
"Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.

Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi". 
Đó là lời Chúa.
Đọc tiếp »

Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật 28 thường niên - Năm C (Lm.ĐTQ)


CHÚA NHẬT 28TNC
          Kính thưa anh chị em
Bài Tin Mừng hôm nay có thể gợi lên trong chúng ta những tâm trạng rất khác nhau. Riêng tôi thì tôi cảm thấy vừa vui, vừa buồn.
- Vui cho những người phong cùi được Chúa chữa khỏi. Nhưng lại buồn cho Chúa 
- Vui cho những người được thụ ơn mà lại buồn cho người ban ơn.
A. VUI.
1. Mười người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay được Chúa chữa khỏi. Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy được họ vui như thế nào.
a. Hoàn cảnh sống của họ thật bi thảm: Sống mà kể như đã chết. Và có lẽ nếu chết được có lẽ còn hạnh phúc hơn.
Vào thời của Chúa Giêsu người Do thái rất sợ căn bệnh này: Chỉ bị sần đỏ lên....như trường hợp bị dị ứng hôm nay là người ta cũng đã nghi là phong cùi cần phải cách ly rồi. Và có lẽ cũng vì thế mà mới có luật phải đi trình diện các tư tế để được kiểm chứng cho chắc ăn hơn.
b. Cuộc sống của những người mắc bệnh phong cùi thật tăm tối
+ Họ phải sống xa cách mọi người.
+ Bó buộc phải mang áo rách
+ Đàn ông thì phải để râu và tóc xõa.
+ Phải đeo một cái chuông nhỏ để mỗi khi thấy có người đến gần thì phải lắc chuông và kêu lên: "Ta mê...ta mê" nghĩa là "dơ đó, dơ đó" để báo cho người ta biết mà tránh.
c. Có một chi tiết khá thú vị là trong số mười người phong cùi được Chúa chữa lành ngày hôm nay có một người Samaria.
Thông thường thì giữa người Do thái và người Samaria luôn luôn đố kỵ đối với nhau. Người Do thái thì coi người Samaria là người ngoại giáo. Còn người Samaria thì lại coi những người Do thái như những kẻ thù của mình.
Nhưng hoàn cảnh phong cùi đã xóa đi những ngăn cách mà trong đời sống thường ngày người ta vẫn đặt ra.
Lúc này và ở đây tất cả đều chung một số phận. Họ bị đối xử chẳng khác gì nhưng con vật không hơn không kém. Chỗ ở chung của họ là một thung lũng xa cách với mọi người. Họ được những người lành lặn nuôi sống bằng cách ném xuống thung lũng cho họ những thực phẩm cần thiết hằng ngày.
d. Đang lúc họ tuyệt vọng, tưởng chừng như phải kéo lê mãi cuộc sống sống này mà không có một lối thoát nào thì Chúa bất ngờ đến với họ.
Chắc chắn người ta đã kể cho họ về Chúa Giêsu. Họ đã được biết về Chúa, biết cả tên của Chúa nữa: "Lạy Thầy Giêsu". Họ thưa với Chúa như thế. Cách xưng tên như thế này trong xã hội Do thái lúc đó là cách chỉ có những người thân tín với nhau mới dùng.
Và Chúa đã không dể cho họ phải thất vọng. Họ tin vào Lời của Chúa. Họ đã đi và đang khi đi họ đã được khỏi. Chúng ta không thể tưởng tượng được là họ vui như thế nào. Chết mà được sống lại. Mất tất cả mà bây giờ được có lại tất cả. Đã tuyệt vọng mà bây giờ niềm hy vọng lại hồi sinh. Không thế nào mà tả cho hết được niềm vui của họ.
B. BUỒN.
Thế  nhưng bên cạnh niềm vui đó chúng ta lại thấy được một nỗi buồn. Chúa buồn. Lý do tại sao Chúa buồn thì chắc anh chị em cũng đã thấy.
a. Không phải 10 người được sạch cả sao? Chúa hỏi như thế không phải vì Chúa không biết. Nhưng phải nói rằng Ngài cảm thấy rất buồn khi thấy có quá ít người biết ơn Chúa như thế. Mười người ...tất cả mười người đều được khỏi nhưng chỉ cómột người trở lại cám ơn Chúa. Tỉ lệ 1/10.
Charles Erdman một nhà chú giải chuyên về thánh Luca nói: "Có lẽ 9/10 sẽ quên hết những ơn họ lãnh nhận"
b. 1/10! Một tỉ lệ đáng kinh ngạc nhưng còn đáng kinh ngạc hơn là người duy nhất trong nhóm mười người được Chúa chữa lành đó trở lại cám ơn Chúa lại là người Samaria, một người ngoại giáo.   
Một câu truyện có thật đã trở thành một bài để dạy đời trên toàn đế quốc Roma vào thời của Chúa Giêsu và sau đó. Câu truyện như thế này: Androcles là một nô lệ...Vì không chịu nổi cảnh bị đối xử quá khắc nghiệt ở nhà chủ cho nên anh bỏ trốn vào rừng. Đang đi lang thang trong rừng thì bất ngờ anh nhìn thấy một con sư tử đang lê bước bằng ba chân của nó...vừa đi vừa rên la đau đớn.
Thương hại quá Androcles cảm thấy mất hết cả sợ hãi, anh can đảm tiến lại gần con sư tử. Con vật thấy anh xuất hiện thì nó dừng lại. Nó ngoan ngoãn nằm xuống bên cạnh anh. Anh nhẹ nhàng cầm lấy chân con vật đưa lên để quan sát thì thấy chân nó đạp phải một cái gai thật to. Anh khéo léo, nhẹ nhàng nhổ cái gai ra khỏi chân con vật rồi tìm lá cây thuốc trong rừng đắp lên vết thương đang sưng tấy lên của nó.
Không bao lâu sau đó vết thương khỏi hẳn và từ đó trở đi người và vật quấn quít sống chung với nhau không rời nhau một bước. Mỗi ngày sư tử đi săn và bao giờ nó cũng dành cho Androcles, một ân nhân cứu mạng nó một phần thịt ngon nhất.
Một hôm khi con sư tử đi săn thì Androcles sơ ý đi ra khỏi khu rừng và anh bị bọn chủ nô lệ bắt lại. Anh bị giam rồi sau đó bị trả về với đời sống vất vả của một người nô lệ.
Cuối cùng khi đã vắt hết sức lao động của anh, bọn chủ nô lệ thấy anh không còn sinh ích lợi gì cho họ nữa thì họ đem anh đến đại hý trường nổi tiếng Colisée ở Roma để cho dã thú phanh thây xé thịt anh ra theo tục lệ giải trí của những người thời đó.
Hôm ấy giữa tiếng hò la như long trời sập đất của những khán giả, Androcles một mình đứng giữa hý trường. Một con sư tử đã bị bỏ đói nhiều ngày đang bị nhốt trong chuồng sắp được thả ra.
Bầu khí hết sức căng thẳng. Khi cửa chuồng mở, con vật chạy như gió tiến về phía nạn nhân.
Nhưng thật bất ngờ khi gần tới nơi thì con vật như khựng lại. Nó ngoan ngoãn nằm phủ phục dưới chân của Androcles rồi ngước mắt nhìn lên, dùng lưỡi nhẹ nhàng liếm tay người nô lệ. Androcles đưa tay vuốt ve nó. Anh rất mừng khi nhận ra đó chính là con sư tử mà anh đã cứu nó trong rừng.
Tất cả mọi người ở trong đại hý trường hôm đó đều hết sức ngỡ ngàng và cảm động. Họ đồng thanh la thật lớn yêu cầu hoàng đế trả tự do cho đôi bạn chân tình này.
Thế là từ đó trở đi Androcles và con sư tử đã trở thành một bài học và một biểu tượng của lòng biết ơn.
Lòng biết ơn là giá trị nền tảng nhất trong cuộc sống làm người. Lòng biết ơn...một trong những giá trị căn bản nhất của một cuộc sống đẹp thế nhưng hình như ngày hôm nay càng ngày người ta càng trở thành xa lạ với nó.
Một câu chuyện trích từ Internet:
Có hai người bộ hành đi trong một khu rừng rậm rạp. Đó là hai ông cháu. Trời nóng và oi bức. Họ khát nước. Cuối cùng họ đến một con suối nhỏ. Hai người cúi xuống uống nước. Ông lão bảo:
 - Cám ơn giòng suối nhỏ nhé!
Nói đoạn ông rút trong túi ra một cái muôi và múc một ít bùn dưới lòng suối đổ đi. Đứa cháu thấy vậy thì cười. Ông hỏi :  
- Sao cháu lại cười ?
Đứa cháu trả lời :
 - Có gì đâu mà ông phải cám ơn giòng suối ? Nó có phải  là người đâu? Nó không nghe được lời ông nói, nó không hiểu được lời cám ơn của ông đâu.
Người đàn ông ngẫm nghĩ. Giòng suối vẫn chảy róc rách. Chim vẫn hót vang trong rừng. . Sau một hồi lâu im lặng, ông bảo:  
- Thế đấy giòng suối có nghe thấy gì đâu. Nếu như có một con sói đến uống nước, có thể nó sẽ không biết cám ơn giòng suối. Nhưng chúng ta không phải là chó sói, mà là con người. Đừng quên điều đó cháu ạ: Và cháu có biết con người nói hai tiếng cám ơn là để làm gì không?
Đứa bể trầm ngâm. Nó chưa bao giờ suy nghĩ về điều đó. Cụ già chậm rãi bảo cháu:
 - Cháu ơi, con người nói lên hai tiếng cám ơn chính là để không bao giờ trở thành ...chó sói! 
Có lẽ không có gì tử tế và đẹp đẽ hơn trong cuộc sống làm người bằng hai tiếng cám ơn luôn được thốt lên với tất cả tấm lòng chân thành và trân trọng của mỗi người chúng ta. Amen.
Đọc tiếp »

Chụp hình ba người bị xui!

Gần tới ngày đám cưới, con gái hỏi mẹ: Mẹ ơi! Mình là người Công giáo, không tin mê tín dị đoan, nhưng tại sao mọi người vẫn kiêng chụp hình ba người trong đám cưới?

Mẹ : Ồ con gái cưng của mẹ, chụp hình ba người xui lắm. Con không thấy những hình ảnh và tượng của gia đình Thánh Gia có ba người hay sao? Thánh Giuse thì chết sớm, Chúa Giêsu bị đem đi đóng đinh, còn lại một mình Đức Mẹ. Như vậy không xui hay sao?

Con gái: ???!!!
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Nhân sự cho nhiệm kỳ 2016-2019


WHĐ (06.10.2016) -- Tại phiên họp buổi chiều ngày thứ hai trong khuôn khổ Đại hội lần thứ XIII của Hội đồng Giám mục Việt Nam (tức thứ Tư, 5 tháng Mười), các Đức giám mục Việt Nam đã bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN cho nhiệm kỳ mới (2016-2019). Kết quả như sau:

Ban Thường vụ:
1. Chủ tịch HĐGMVN: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hoá;
2. Phó Chủ tịch HĐGMVN: Đức cha Giuse Nguyễn Năng, Giám mục giáo phận Phát Diệm;
3. Tổng Thư ký HĐGMVN: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho;
4. Phó Tổng Thư ký HĐGMVN: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên, Giám mục giáo phận Hải Phòng.
Các Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc HĐGMVN:
01. UB Giáo lý Đức tin: Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP. HCM;
02. UB Kinh thánh: Đức cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục giáo phận Nha Trang;
03. UB Phụng tự: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Giám mục phó giáo phận Bà Rịa;
04. UB Nghệ thuật thánh: Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn;
05. UB Thánh nhạc: Đức cha Vinh sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột;
06. UB Loan báo Tin mừng: Đức cha Alphonsô Nguyễn Hữu Long, Giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hoá;
07. UB Giáo sĩ chủng sinh: Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Đà Lạt;
08. UB Tu sĩ: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, SDB, Giám mục giáo phận Thái Bình;
09. UB Giáo dân: Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục phụ tá giáo phận Long Xuyên;
10. UB Truyền thông Xã hội: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục giáo phận Phú Cường;
11. UB Giáo dục Công giáo: Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục giáo phận Xuân Lộc;
12. UB Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giám mục phụ tá giáo phận Vinh;
13. UB Văn hoá: Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục giáo phận Phan Thiết;
14. UB Công lý và Hòa bình: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám mục giáo phận Vinh;
15. UB Mục vụ Gia đình: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng;
16. UB Bác ái Xã hội - Caritas: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục giáo phận Bùi Chu;
17. UB Mục vụ Di dân: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục phụ tá Tổng giáo phận TP. HCM.
Cha Gioan Baotixita Ngô Đình Tiến xin ngưng công tác Thư ký Giáo tỉnh Huế vì công việc của giáo phận; cha Phêrô Trần Huy Hoàng thuộc giáo phận Nha Trang sẽ thay thế.
Đại hội vẫn tiếp tục làm việc trong hai ngày tới và sẽ kết thức vào thứ Sáu ngày 7 tháng Mười, lễ Đức Mẹ Mân Côi.
(Nguồn: WHĐ)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.